Viết một đoạn văn nêu cảm nhận của em về 1 bài ca dao em thích có trong các chủ đề đã học

Dàn ý

1. Mở Bài

Giới thiệu về những câu hát than thân: Những câu hát than thân không chỉ nói lên số phận lênh đênh chìm nổi của những kiếp người nghèo khổ, mà còn là tiếng nói thương cảm và khát khao hạnh phúc, tự do của những người phụ nữ xưa.

2. Thân Bài

Những người phụ nữ xưa có vẻ đẹp về ngoại hình

  • Họ vốn ý thức được vẻ đẹp của mình
  • Vẻ đẹp ấy xứng đáng được trân trọng, nâng niu

Những người phụ nữ xưa chịu nhiều bất công, ngang trái:

  • Thân phận chìm nổi, lênh đênh
  • Không có quyền quyết định cuộc sống của mình
  • Bị khinh thường, chà đạp, rẻ rúng, nhỏ bé giữa cuộc đời
  • Không có được hạnh phúc trọn vẹn

=> Những tiếng lòng thổn thức, nỗi xót xa, ngậm ngùi, tủi hờn cho thân phận bèo bọt của chính mình.
Những người phụ nữ xưa có phẩm hạnh cao đẹp:

  • Yêu thương, lo lắng cho chồng, cho con
  • Giữ phẩm cách trong sạch, hết mực thủy chung
  • Luôn khát khao tự do, hạnh phúc

Liên hệ với phụ nữ ngày nay

3. Kết Bài

  • Văn học Việt Nam đã trở nên quý giá biết bao khi được đóng góp những vần thơ đẹp đẽ và tràn ngập tinh thần nhân văn cao đẹp từ những câu hát than thân.

Bài viết

Ca dao dân ca luôn thể hiện những cảm xúc dạt dào về cuộc đời và số phận con người. Bằng những lời thơ chân tình mà sâu sắc, những câu hát than thân không chỉ nói lên số phận lênh đênh chìm nổi của những kiếp người nghèo khổ, sống phụ thuộc trong xã hội xưa mà còn là tiếng nói thương cảm là khát khao hạnh phúc, tự do với cuộc đời của họ. Những người phụ nữ xưa hiện lên qua từng câu hát nghe sao quá đỗi đắng cay chua xót:

" Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"

Hai từ "thân em" nghe sao mà ngậm ngùi xót xa, dường như trái tim những người con gái ấy vẫn luôn xót xa, đắng cay cho thân phận nhiều tủi nhục của mình. Em vốn là tấm lụa đào đẹp đẽ, tấm lụa ấy là ẩn dụ cho vẻ đẹp sắc sảo, mềm mại và duyên dáng của người con gái đang tuổi xuân thì, nhưng số phận vốn trêu người "hồng nhan bạc mệnh", em giờ đây như một món hàng "phất phơ" giữa chợ, mặc người mua kẻ bán, nếu may mắn gặp đúng người biết yêu thương, trân trọng thì phận đỡ trái ngang còn không phải chịu kiếp khổ cực, bi thương. Họ thật đớn đau khi ngay chính mình chẳng thể làm chủ cuộc đời mình giữa đầy rẫy những bất công, đành chấp nhận phó mặc cho số phận.

" Thân em như trái bần trôi

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu"

Người con gái ấy ví mình "như trái bần" trôi nổi giữa dòng sông, chịu bao đoạ đày "gió dập sóng dồi", bao biến cố làm cho thân kia héo mòn, rời rã, trôi vô định chẳng biết đâu là bến đỗ của cuộc đời. Câu ca dao cất lên nghe như tiếng khóc ai oán, thương đau giữa cuộc đời chìm nổi, hạnh phúc mỏng manh chẳng thể níu giữ, phận hẩm hiu lênh đênh một kiếp tàn lụi chẳng tia hy vọng. Họ ao ước biết bao quyền được sống là chính mình, được tự do, được vun vén hạnh phúc gia đình:

" Ước gì sông rộng một gang

Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi"

Nhưng lại bị bao kẻ khốn nạn chà đạp lên những ước muốn giản dị mà thiêng liêng ấy.

"Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen

Không tin bóc vỏ mà xem

Ăn rồi mới biết rằng em ngọt bùi''

Những người phụ nữ xưa hơn ai hết họ ý thức được chính mình, họ có phẩm cách và đức hạnh tốt đẹp. Trong nghèo nàn họ làm lụng vất vả kiếm sống, trong khổ đau họ vẫn gắng gượng vượt qua, sống giữa những nhơ nhớp, bon chen của cuộc đời họ vẫn giữ phẩm cách trong sạch. Họ ví mình như củ ấu gai, một sự khiêm tốn về ngoại hình như vẫn luôn có một trái tim đẹp, một tấm lòng thủy chung son sắt. Những người phụ nữ ấy xứng đáng được hạnh phúc, được chở che biết bao. Nhưng thực tại quá phũ phàng, khi mà xã hội phong kiến với quan niệm "trọng nam khinh nữ" ngày càng lớn, họ bị xem nhẹ, rẻ rúng, khinh thường. Những kẻ tai to mặt lớn "năm thê bảy thiếp" khiến bao người phải chịu kiếp chồng chung, làm lẽ chẳng được yêu thương coi trọng.

" Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào giếng nước, hạt ra ruộng cày"

Chao ôi, còn gì tội nghiệp hơn thế cho những số kiếp đáng thương kia. Những hạt mưa, những hạt mưa mang màu nước mắt của số phận. Người may mắn vào giếng nước có thể được nâng niu, kẻ hẩm hiu phải chịu kiếp lưng trần giữa ruộng đồng.

" Thân em như giếng giữa đàng

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân"

Càng nghĩ càng tủi cực, đớn đau. Càng buồn càng thổn thức, xót xa, ngậm ngùi. Những người phụ nữ vốn đã yếu đuối lại chịu nhiều những vất vả, họ cũng cần được yêu thương được trân trọng từ mọi người, đặc biệt là người đầu ấp tay gối với mình. Vậy mà thứ hạnh phúc nhỏ nhoi ấy cũng phải chia năm sẻ bảy cho người. Hồ Xuân Hương cũng từng thốt lên tiếng thơ đã diết mà phẫn uất cho số phận đó:

"Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng"

Ngày ngày những người phụ nữ vẫn phải một nắng hai sương dầm mưa dãi nắng, vẫn quần quật như con trâu cày ruộng suốt năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác. Chút san sẻ từ chồng cũng chẳng có, đành ngậm ngùi chấp nhận dẫu đêm về rơi nước mắt đau thương.

Những người phụ nữ xưa có thân phận nhỏ bé đến tội nghiệp, họ có sắc đẹp, có tài năng và phẩm giá vậy mà vẫn chẳng thể sống được trọn vẹn hạnh phúc. Ta vẫn đau đáu trước bao số kiếp trong thơ ca cũng chính là hiện hữu cho những kiếp người trong xã hội cũ. Đó là phận nàng Kiều tài hoa bạc mệnh, là Vũ Nương thủy chung son sắt vẫn phải chịu cái chết oan khiên, là Hoạn Thư- nạn nhân của cuộc sống vợ chồng không tình yêu,...và đầy rẫy những số kiếp đau thương khác. Thật đớn đau đến nghẹn lòng cho bao thân phận đắng cay, bị những bất công ngang trái hủy hoại đến tận cùng.

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển con người cũng ngày càng được tự do và bình đẳng hơn. Những người phụ nữ ngày càng tự lập và tài năng, khẳng định được vị trí và vai trò quan trọng của mình. Họ trở thành những doanh nhân thành đạt, những nhà giáo ưu tú, những người lãnh đạo tài ba. Họ xây dựng gia đình hạnh phúc, cùng chồng con xây đắp cuộc sống vui vẻ, đầm ấm, an nhiên. Điều đó thật đáng quý và đáng mừng biết bao. Tuy nhiên, đâu đó,vẫn còn tồn tại những kẻ giữ quan niệm xưa mà làm nên bao điều tội lỗi. Là những kẻ sẵn sàng bỏ đi đứa con mình của mình vì dòng máu ấy không phải là đứa con trai nối dõi, vẫn còn những kẻ đang tay đánh đập vợ con tàn nhẫn mà không chút bận tấm. Và đâu đó, vẫn còn bao người chồng tệ bạc, ngoại tình phụ bạc người con gái mình yêu khiến họ phải chịu nhiều tổn thương, tủi nhục và thậm chí tìm đến cái chết để giải thoát. Những điều ấy thật đáng phê bình và lên án.

Đọc những câu hát than thân về người phụ nữ trong xã hội xưa mới thấy được bao nỗi lòng của họ. Những tiếng lòng thổn thức, đau đến xé lòng, mỗi câu thơ cất lên mang cả những phẫn uất, đau thương và cả những khát khao hạnh phúc. Văn học Việt Nam đã trở nên quý giá biết bao khi có được sự đóng góp những vần thơ dân gian đẹp đẽ và chứa chan tinh thần nhân văn cao đẹp ấy.

Dàn ý

1. Mở bài:

Nêu vấn đề và khái quát ý nghĩa câu ca dao: Viết về tình anh em, câu ca dao: “Anh em...” đã mang đến cho chúng ta mỗi bài học quý giá về sự đoàn kết, yêu thương giữa những người con trong gia đình.

2. Thân bài:

Giải thích ý nghĩa của câu ca dao.

Hình ảnh so sánh: Anh em như thể chân tay.

  • Tay - Chân: Hai bộ phận trên cơ thể con người có quan hệ khăng khít, hỗ trợ cho nhau trong mọi hoạt động.
  •  So sánh cho thấy mối quan hệ gắn bó anh em.
  • Rách , lành là hình ảnh tượng trưng cho nghèo khó, bất hạnh và thuận lợi, đầy đủ.

Từ đó câu ca dao khuyên : Giữ gìn tình anh em thắm thiết dù hoàn cảnh sống thay đổi.

Lí giải:

  • Cuộc sống có thể thay đổi nhưng tình nghĩa anh em là mãi mãi
  • Anh em luôn phải giữ tình cảm thắm thiết, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. 
  • Đùm bọc, đỡ đàn có nghĩa là chia sẻ với nhau mọi niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, cùng nhau vượt qua những thử thách của cuộc sống.
  • Đùm bọc, đỡ đần là trách nhiệm của người anh, người em trong gia đình.
  • Dẫn chứng: Truyện “ Cây khế” đã để lại cho chúng ta bài học sâu sắc về tình anh em. Rằng anh em thì phải giúp đỡ, đùm bọc nhau, không  nên tính toán thiệt hơn.

3.Kết bài: Ngày nay, bài học đó vẫn còn giữ nguyên giá trị khi mà trong cuộc sống diển ra những cảnh tượng ngang trái giữa anh em trong một gia đình.

Bài viết

Tình cảm gia đình là một trong những chủ đề tiêu biểu của ca dao dân ca. Những câu thuộc hủ đề này là lười ru của mẹ, lời cha mẹ dặn con, lời anh em trong một nhà nói vơi nhau. Một trong những câu ca dao thuộc chùm ca dao này là:

“ Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”

Lối so sánh, ví von thường được sử dụng trong ca dao để cụ thể hoá ý nghĩa của câu ca dao đó. Ở đây anh em được so sánh với tay chân- những bộ phận trên cơ thể con người. Ai cũng biết tay chân là những bộ phận không thể thiếu trên một cơ thể thống nhất. Trên cơ thể con người, mỗi bộ phận có một chức năng, nhiệm vụ riêng nhưng giữa chúng lại có mỗi quan hệ khăng khít. Không thể thiếu đi một trong các bộ phận bởi nếu thiếu đi thì cơ thể con người sẽ không hoạt động được như bình thường. Bộ phận này hỗ trợ bộ phận kia, chúng bổ sung cho nhau. Mượn ý nghĩa đó, tác giả nói đến tình cảm anh em. Anh em trong một gia đình cũng như vậy. Tuy là những con người riêng biệt nhưng ở họ có những cái chung rất thiêng liêng. Chung nhà, chung cha mẹ, chung huyết thống. Tình cảm anh em là sự gắn bó ruột thịt, anh em có quan hệ ruột thịt máu mủ với nhau.

Anh em trong một gia đình, cùng chung cha mẹ phải cư xử sao cho đúng. Câu ca dao đã khuyên nhủ anh em: Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần. Có nghĩa là anh em phải yêu thương, đùm bọc, san sẻ với nhau.

Rách và lành là hai từ tượng trưng cho hai hoàn chảnh sống khác nhau. Rách muốn nói đến cuộc sống khó khăn, nghèo khổ, còn lành là cuộc sống đủ đầy sung túc. Rách lành đùm bọc ý muốn nói rằng cho dù cuộc sống có nghèo khổ khó khăn đến đâu thì anh em cũng phải hào thuận đùm bọc lấy nhau. Người đủ đầy chia sẻ với người khó khăn giống như sự nhân đạo mà dân gian đã dạy: “ lá lành đùm lá rách”. Khi no hay khi đói, lúc đủ hay lúc thiếu anh em cũng phải thương yêu, hỗ trợ nhau. Cuộc sống có thể thay đổi nhưng tình nghĩa anh em là mãi mãi. Anh em luôn phải giữ tình cảm thắm thiết, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. Nếu như tình cảm anh em là tình cảm tự nhiên thì dự đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau cũng là việc làm tự nhiên, tất yếu.

Đùm bọc, đỡ đàn có nghĩa là chia sẻ với nhau mọi niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, cùng nhau vượt qua những thử thách của cuộc sống. Đùm bọc, đỡ đần là trách nhiệm của người anh, người em trong gia đình. Ta đã từng nghe nhiều câu chuyện trong dân gian kể vê tình anh em. Truyện “ Cây khế” đã để lại cho chúng ta bài học sâu sắc về tình anh em. Rằng anh em thì phải giúp đỡ, đùm bọc nhau, không tính toán thiệt hơn.

Câu ca dao mang đến cho bạn đọc một bài học đạo đức sâu sắc và đúng đắn. Ngày nay, bài học đó vẫn còn giữ nguyên giá trị khi mà trong cuộc sống diển ra những cảnh tượng ngang trái giữa anh em trong một gia đình.

Dàn ý

1. Mở bài:

  • Trong những bài ca dao - dân ca nói về tình yêu nam nữ, người xưa thường ca ngợi sự gắn bó, thuỷ chung vì đó là nền tảng vững chắc của hôn nhân.
  • Bài ca dao:

Đố ai quét sạch lá rừng,

Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.

Rung cây, rung cội, rung cành,

Rung sao cho chuyển lòng anh với nàng.

2. Thân bài:

* Cảm nghĩ của bản thân trước bài ca dao trên:

  • Về hình thức, nó giống như kiểu hát đối đáp, giao duyên, thường thấy ở nông thôn xưa trong các dịp hội hè, đình đám...
  • Đây là cách bày tỏ tình cảm hồn nhiên, dung dị nhưng giàu ý nghĩa.
  • Hai câu đầu là lời thách đố của chàng trai: Đố ai quét sạch lá rừng... thể hiện quyết tâm mạnh mẽ vượt mọi trở ngại trên con đường đến với hôn nhân.
  • Hai câu sau vừa là lời thách thức cản trở, vừa bày tỏ lòng chung thuỷ không gì lay chuyển được của chàng trai, có tác dụng động viên rất lớn đối với người yêu.

3. Kết bài:

Là tiếng nói chân thành của trái tim tha thiết yêu thương nên bài ca dao trên sống mãi với thời gian.

Bài viết

Tục ngữ - ca dao - dân ca là kết tinh đời sống tình cảm của dân tộc Việt Nam từ đời nọ qua đời kia và được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đó chính là mạch nguồn vô tận nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi con người.

Trong những bài ca dao nói về tình yêu nam nữ, người xưa thường ca ngợi sự gắn bó, thuỷ chung, bởi yếu tố này là nền tảng của tình yêu, của hôn nhân và gia đình. Giữa những ràng buộc, định kiến khắt khe của xã hội phong kiến, nam nữ yêu nhau, muốn đến được với nhau phải vượt qua muôn ngàn gian nan, thử thách. Họ đã mượn ca dao để gửi gắm lòng mình. Bài ca dao dưới đây là một ví dụ tiêu biểu:

Đố ai quét sạch lá rừng,

Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.

Rung cây, rung cội, rung cành,

Rung sao cho chuyển lòng anh với nàng.

Ta hãy tưởng tượng ra một cuộc hát đối đáp giữa bên nam và bên nữ ở chốn thôn quê trong những dịp hội hè, đình đám. Hình thức hát đối đáp rất quen thuộc được coi là cách bày tỏ tình cảm vừa hồn nhiên, dung dị, vừa giàu ý nghĩa. Mấy cô thanh nữ xinh tươi, duyên dáng là đối tượng để các chàng trai muốn kết thân. Còn gì hay hơn, tế nhị hơn những lời ca ngọt ngào, du dương dễ lay động trái tim đa cảm đang khao khát yêu thương. Cách nói cường điệu trong hai câu ca dao đầu đã hé lộ quyết tâm của chàng trai:

Đố ai quét sạch lá rừng,

Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.

Chàng trai đã đưa ra điều kiện mà không ai và không bao giờ có thể thực hiện được là chuyện quét sạch lá rừng. Nó cũng giống như chuyện đếm sao trên trời, đếm cá dưới nước vậy. Câu ca như một lời thách thức tất cả những gì là cản ngại trên con đường đến với tình yêu tự do, đến với người mà mình yêu mến. Ngay cách xưng hô rất tự tin: Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây cũng phản ánh rất rõ bản lĩnh cứng cỏi của chàng trai. Tưởng chừng như thiên nhiên cũng phải chiều theo ý muốn của con người. Hai câu ca dao tiếp theo:

Rung cây, rung cội, rung cành,

Rung sao cho chuyển lòng anh với nàng.

Vẫn là lời thách thức nhưng ở mức độ cao hơn, quyết liệt hơn. Hình ảnh cơn gió đã mang ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng cho những thế lực ghê gớm ngăn trở tình yêu như sự cách biệt giai cấp giàu nghèo, sang hèn, quan niệm môn đăng hộ đối, định kiến xã hội, tôn giáo, mâu thuẫn giữa các dòng họ... Không đơn thuần là gió mạnh, có khi là phong ba, bão táp khó vượt qua. Ấy vậy. nhưng khi đã quyết thì những người đang yêu bất chấp tất cả: Ngữ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua.

Nhịp thơ ngắn 2 / 2 / 2, tiết tấu dồn dập kết hợp với điệp từ rung nhắc lại ba lần trong một câu gợi người đọc liên tưởng tới cảnh tượng ghê gớm của những trận cuồng phong dư luận trước các mối tình dám vượt qua ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến. Tuy vậy, đến câu thứ tư, nhịp điệu thơ lại ung dung, bình thản, khẳng định quyết tâm và niềm tin to lớn vào sự chung thuỷ không gì lay chuyển nổi của tình yêu: Rung sao cho chuyển lòng anh với nàng.

Như vậy, rõ ràng bài ca dao trên là lời nhắn gửi tâm huyết của chàng trai đối với cô gái mà chàng yêu thiết tha, say đắm. Nó giống như ngọn lửa xua tan bóng đen của nỗi e dè, sợ hãi còn vướng vật trong óc, trong tim cô gái và tiếp thêm sức mạnh để cô vững bước trên con đường đã chọn, cho đến đích cuối cùng.

Là tiếng nói chân thành của những trái tim đang yêu tha thiết nên bài ca dao sẽ còn sống mãi với thời gian.

Video liên quan

Chủ Đề