Vụ việc Công ty Ánh Dương lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường

Loading Preview

Sorry, preview is currently unavailable. You can download the paper by clicking the button above.

Như Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh, từ năm 2013, hàng loạt khách sạn tại Nha Trang [Khánh Hòa], Bình Thuận, Ninh Thuận đã ký hợp đồng cung cấp phòng với Cty Ánh Dương. Theo hợp đồng mà hai bên ký kết thì phía chủ khách sạn chỉ được phép  “nhận booking cho khách Nga và khối CIS [Liên Xô cũ] đến Cam Ranh bằng chuyên cơ qua Ánh Dương - Pegas” mà thôi. 

“Xâm phạm quyền tự do kinh doanh”?

Ngoài ra, trong hợp đồng mà Cty Ánh Dương ký với các khách sạn cũng quy định những khách sạn này không được giới thiệu, không bán và không cho phép những người khác và các đại lý du lịch vào giới thiệu và bán “Optional tour” cho khách của Cty Ánh Dương, việc bán các tour này phải do các hướng dẫn viên của Cty Ánh Dương – Pegas đảm nhiệm.

Được biết, thỏa thuận có dấu hiệu hạn chế cạnh tranh nêu trên của Cty Ánh Dương được thực hiện trong điều kiện Cty Ánh Dương phối hợp cùng Cty  PGS International [Pegas] – quốc tịch Vương quốc Anh  -  đang có vị trí gần như thống lĩnh thị trường. Hành vi này bị cho là xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các công ty khác và duy trì lợi ích độc tôn của Cty Ánh Dương và Cty Pegas.

Trong đơn khiếu nại gửi đến Cục Quản lý cạnh tranh, ông Nguyễn Ngọc Lương, Tổng Giám đốc Cty ABTours cho biết,  điều khoản thỏa thuận mà Cty Ánh Dương  áp đặt  nêu trên có tác dụng ngăn cản, kìm hãm, không cho các doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường, xâm phạm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của chính các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, của người tiêu dùng và của nhiều doanh nghiệp khác, làm cho thị trường phát triển méo mó và không bền vững. 

Trả lời Pháp luật Việt Nam, ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết đã ký Quyết định số 29 điều tra chính thức vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại Điều 13, Luật Cạnh tranh đối với Cty Ánh Dương. “Hiện nay chúng tôi đang tiến hành điều tra nên chưa thể cung cấp gì thêm” - ông Bạch Văn Mừng cho biết.

“Ai làm sai sẽ bị xử lý”

Bình luận về tính pháp lý của sự việc này, Luật sư Nguyễn Thành Vinh, Phó Tổng Giám đốc Cty Luật SMIC cho biết, theo quy định tại Điều 8 Luật Cạnh tranh,  các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bao gồm: “Thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng” [Khoản 5]; “Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh” [Khoản 6]. Đây là những hành vi thuộc danh mục “Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm” quy định tại Điều 9 Luật Cạnh tranh. 

Cũng theo ông Vinh, tại Điều 13 Luật Cạnh tranh cũng quy định rõ các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm bao gồm: “Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng” [Khoản 3]; “Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng” [Khoản 5]. “Hành vi thỏa thuận  hạn chế cạnh tranh trong “Hợp đồng cung cấp phòng” mà Cty Ánh Dương ký với các khách sạn là trái với quy định của Luật Cạnh tranh, thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật” - ông Vinh cho biết. 

Trả lời Pháp luật Việt Nam ngày 25/6, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam [Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch] Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã làm việc với các địa phương nên đã nắm được tình hình nói trên, hiện nay Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã vào cuộc điều tra. “Trong trường hợp Cục Quản lý cạnh tranh chưa vào cuộc thì chúng tôi sẽ có ý kiến, giờ họ vào cuộc thì chúng tôi phải chờ kết quả xử lý. Chúng tôi tôn trọng việc điều tra của cơ quan chức năng theo pháp luật Việt Nam, ai làm sai pháp luật thì sẽ bị xử lý” - ông Cường khẳng định. 

Việt Hưng

Cuối năm 2013, Công ty thương mại và du lịch ABTours gửi đơn khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh tố Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ - xuất nhập khẩu Ánh Dương [đứng sau là Công ty Pegas Touristik có trụ sở ở Nga] đã ngăn cản ABTours thiết lập dịch vụ khách sạn ở Khánh Hòa. Theo Tổng giám đốc ABTours Nguyễn Ngọc Lương, dù hệ thống khách sạn tại Nha Trang không sử dụng hết công suất, còn dư rất nhiều phòng, nhưng các khách sạn không nhận đơn đặt phòng của ABTours. Nguyên nhân do Ánh Dương đã áp đặt điều kiện trong các “Hợp đồng cung cấp phòng” được ký giữa Ánh Dương với các khách sạn ở Nha Trang: “Bên A [các khách sạn] chỉ có quyền xác nhận các booking cho du khách Nga, Ukraine và các nước trong khối CIS [Liên Xô cũ - PV] bay bằng chuyên cơ đến Cam Ranh của bên B [Công ty Ánh Dương] mà thôi [ngoại trừ các booking onlines]”.

Chúng ta nên có thái độ đối với hành vi này để xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường rất nguy hiểm đến môi trường kinh doanh, cần phải điều tra làm rõ và ngăn chặn

TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch

Trong đơn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa, nhiều khách sạn và cả Công ty Ánh Dương, ABTours tố cáo Ánh Dương đã áp đặt điều kiện này với ít nhất 43 khách sạn tại Nha Trang [hầu hết là các khách sạn lớn]. Bên cạnh 43 hợp đồng này của Ánh Dương, Công ty Pegas ký 8 hợp đồng trực tiếp với 8 khách sạn với các điều khoản thỏa thuận tương tự.

Sau khi nhận đơn, ngày 5.5 vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh đã ra quyết định điều tra sơ bộ hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường với Công ty Ánh Dương.

Trao đổi với Thanh Niên, Tổng cục phó Tổng cục Du lịch [TCDL] Nguyễn Mạnh Cường cũng cho biết TCDL đang xem xét hồ sơ của vụ việc. “TCDL cũng đang làm việc với Cục Quản lý cạnh tranh để làm rõ vấn đề này và khi có thông tin, chúng tôi sẽ công bố sớm”, ông Cường nói.

TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, nhận xét hành vi của Ánh Dương nếu đúng như đơn khiếu nại của ABTours là cạnh tranh không lành mạnh. “Chúng ta nên có thái độ đối với hành vi này để xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường rất nguy hiểm đến môi trường kinh doanh, cần phải điều tra làm rõ và ngăn chặn”, ông Lương bổ sung.

Theo luật Cạnh tranh, một DN chiếm trên 30% thị phần được coi là ở vị trí thống lĩnh. Khách Nga vào VN năm 2013 đạt gần 300.000 lượt người, nhưng có tới 50% thông qua Công ty Pegas - Ánh Dương. Số lượng khách Nga đến Khánh Hòa qua cảng hàng không quốc tế Cam Ranh bằng chuyên cơ thuê chuyến từ 1.11.2012 đến  20.11.2013 là 730 chuyến, trong đó nhóm công ty Pegas - Ánh Dương có 720 chuyến, chiếm 98,63% thị phần. ABTours có 10 chuyến, chiếm 1,37% thị phần. Số lượng khách trên các chuyến bay trên Pegas - Ánh Dương cũng chiếm 98,63%.

Mai Hà - N.Trần Tâm

BNEWS VP Hội đồng Cạnh tranh vừa có kết luận xử lý vụ việc vi phạm hạn chế cạnh tranh số 14 KN HCT 01, liên quan tới hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường kinh doanh du lịch đón khách quốc tế.

Trước đó, ngày 28/3/2016, Hội đồng Cạnh tranh đã tiếp nhận Hồ sơ và Kết luận điều tra của Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh [Bộ Công Thương] điều tra chính thức vụ việc hạn chế cạnh tranh của công ty TNHH sản xuất – thương mại – dịch vụ - xuất nhập khẩu Ánh Dương [có trụ sở tại số 42, Lô E, 40 đường Bà Huyện Thanh Quan ở phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh] trên cơ sở khiếu nại của Công ty AB Tours [có trụ sở tại 21, khu Biệt thự 86B Trần Phú, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa].

Theo đơn khiếu nại, công ty Ánh Dương là đối tác của Tập đoàn Pegas Touristik [trụ sở ở số 21 phố Hannover, thành phố London, Vương quốc Anh] đã ký hợp đồng độc quyền sử dụng phòng với các khách sạn ở Nha Trang, Phan Thiết, Phan Rang và đảo Phú Quốc phục vụ du khách Nga đến Việt Nam.
Qua nghiên cứu hồ sơ, tiến hành xác minh và lấy lời khai các bên liên quan, phân tích xác định thị trường và các chứng cứ chủ yếu, Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh đã xác định: Thị trường liên quan trong vụ việc là thị trường dịch vụ lữ hành đối với khách Nga, Ukraine và các nước khác trong khối CIS vào Việt Nam ở tất cả các điểm du lịch trên toàn quốc. Tại thời điểm điều tra [năm 2013], bên bị điều tra có vị trí thống lĩnh trên thị trường liên quan với thị phần 51,6%.

Theo kết luận của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, công ty Ánh Dương có vị trí thống lĩnh trên thị trường dịch vụ lữ hành đối với khách Nga, Ukraine và các nước khác trong khối CIS vào Việt Nam tại tất cả các điểm du lịch trên toàn quốc.

Tuy nhiên, Công ty Ánh Dương đã có hành vi buộc doanh nghiệp khác [là các khách sạn] phải chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng. Bởi, đối tượng của hợp đồng cung cấp phòng chính là dịch vụ lưu trú, được thực hiện thông qua việc thuê phòng khách sạn.

Đây là hành vi được quy định tại Khoản 2, Điều 30, Nghị định 116/2005/NĐ-CP của Chính phủ và bị cấm tại Khoản 5, Điều 13 của Luật Cạnh tranh.

Ngoài ra, công ty Ánh Dương đã có hành vi ngăn cản việc tham gia thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới, như yêu cầu các khách sạn chỉ được nhận đặt phòng cho du khách Nga, Ukraine và các nước trong khối CIS bay bằng chuyên cơ hay chuyến bay thuê bao riêng của Công ty Ánh Dương đến Cam Ranh, Đà Nẵng.

Công ty Ánh Dương đã ngăn cản việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp khác, bao gồm cả các đối thủ cạnh tranh mới. Đây là hành vi được quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định 116/2005/NĐ-CP của Chính phủ và bị cấm tại Khoản 6, Điều 13 của Luật Cạnh tranh.

Với những kết luận như trên, đồng thời Công ty Ánh Dương đã tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm và Công ty AB Tours đã tự nguyện rút đơn khiếu nại, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh quyết định, Công ty Ánh Dương phải chịu nộp phạt 50 triệu đồng [mức phí xử lý vụ việc cạnh tranh].

Theo Hội đồng Cạnh tranh, quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động du lịch lữ hành đón khách quốc tế và hoạt động xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam. Quá trình điều tra và xử lý vụ việc đã được các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và công luận rất quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Hành vi của công ty Ánh Dương là hành vi không phù hợp với pháp luật cạnh tranh, có khả năng làm hạn chế đáng kể cạnh tranh trên thị trường, giảm động lực sáng tạo và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Qua thực tế và quá trình điều tra và xử lý nhiều vụ việc liên quan tới tranh chấp thương mại của doanh nghiệp cho thấy, pháp luật cạnh tranh và quyết định của Hội đồng Cạnh tranh không chỉ có hiệu lực đối với các doanh nghiệp liên quan, mà còn tác động tích cực nhiều mặt đến cơ cấu thị trường, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của môi trường cạnh tranh.

Qua đó, thể hiện sự nghiêm khắc và có tính răn đe đối với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật cạnh tranh, cũng như buộc các doanh nghiệp phải xem xét, cẩn trọng khi tiến hành các quyết định kinh doanh có nguy cơ vi phạm pháp luật.

Theo Hội đồng Cạnh tranh, pháp luật cạnh tranh ngày càng chứng tỏ là công cụ pháp lý hiệu quả để Nhà nước quản lý thị trường, mà vẫn đảm bảo tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Video liên quan

Chủ Đề