Mầu nhiệm các thánh thông công là gì năm 2024

Tất cả các tín hữu họp thành một thân thể trong Chúa Kitô, nên công nghiệp của người nầy được chia sẻ cho người khác. Đó là tín điều các thánh thông công.

I - Thành phần trong Hội Thánh duy nhất:

1 . Hội Thánh khải hoàn.

Là những tín hữu đã qua đời và đang hưởng phúc trên thiên đàng.

2 . Hội Thánh đau khổ.

Là những tín hữu đã qua đời, nhưng chưa được hưởng phúc thiên đàng, vì không có lỗi nặng, không mất ơn nghĩa với Chúa nên không vào hoả ngục, mà phải vào luyện ngục để đền cho xong những phần thiếu sót còn lại.

3 . Hội Thánh chiến đấu.

Là những tín hữu còn đang hiện diện trên trần gian và đang trên đường tiến về Nước Trời, với những khó khăn trở ngại phải vượt qua.

II - Các Thánh thông công ( sự hiệp thông).

1 . Thông công cho nhau.

Trong Hội Thánh có sự hiệp thông: vì tất cả mọi tín hữu họp thành một thân thể duy nhất mà Chúa Kitô là Đầu. Sự tốt lành của Người đã thông ban cho các chi thể qua các Bí Tích, vì thế sự thánh thiện của người này được thông chia cho người kia.

Tất cả các tín hữu còn lữ hành trên trần gian ( Hội thánh chiến đấu ), những người đã qua đời, nhưng đang hoàn tất sự thanh luyện (Hội Thánh đau khổ), và các vị đang hưởng phúc trên trời (Hội thánh khải hoàn) hằng chia sẻ cho nhau những ân huệ thiêng liêng.

2 . phương cách thông công.

Các Thánh trên Trời không ngừng chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa, còn chúng ta thì noi gương đời sống thánh thiện của các Ngài, nhờ đó chúng ta được hiệp nhất với Chúa Kitô là nguồn mạch mọi ân sủng và sự sống.

Đối các linh hồn trong luyện ngục, chúng ta, những người còn đang sống, dâng công đức và lời cầu nguyện cho các Ngài, đồng thời các Ngài cũng phù hộ giúp sức cho chúng ta trong đời sống tại thế này.

Những người còn đang sống, chia sẻ đời sống và cầu nguyện cho nhau.

Tóm lại: các Thánh trên Trời giúp đở chúng ta là những người còn đang sống. Chúng ta giúp dở những linh hồn trong luyện ngục còn đang thanh luyện và các Ngài cũng phù hộ cho chúng ta. Những người còn sống hiệpthông vời nhau. Đó là sự hiệp thông trong Hội Thánh, hay còn gọi là Tín Điều Các Thánh Thông Công.

3 . Hiệp thông trong ân huệ thiêng liêng.

Trước tiên là hiệp thông trong đức tin. Hiệp thông trong các Bí tích. Hiệp thông trong các đặc sủng, Hiệp thông trong của cải vật chất. Hiệp thông trong đức ái.

III - Sống Mầu Nhiệm Hiệp Thông.

Chúng ta noi gương các Thánh trên trời để sống với nhau cho tốt, chia sẻ, giúp đở nhau, cầu nguyện cho nhau và dâng công đức, sự hy sinh cho các linh hồn.

Giáo Hội dành tháng 11 để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã qua đời. Đây là tháng hiệp thông sâu rộng trong mọi thành phần của Hội Thánh với “Mầu Nhiệm Các Thánh Thông Công” theo như tín điều trong Kinh Tin Kính của các Tông Đồ. Vậy mầu nhiệm các thánh thông công có nghĩa là gì?

“Các Thánh Thông Công” hay sự hiệp thông các thánh (Communo sanctorum), được Sách Giáo Lý Công Giáo giải thích ở số 946-959. Sự hiệp thông được hiểu theo hai nghĩa:

  • Hiệp thông trong các sự thánh: Các tín hữu trong Hội Thánh do Chúa Giêsu thiết lập hiệp thông chia sẻ với nhau những ân hụê thiêng liêng như niềm tin, các bí tích, các đặc sủng, các việc lành.
  • Hiệp thông giữa những người thánh.

Các thánh là ai?

Trong Tân Ước, các thánh ám chỉ những Kitô hữu, nhờ bí tích thánh tẩy họ được thánh hoá trở nên phần tử của Đức Kitô và đền thờ của Chúa Thánh Thần. Nhưng dần dần các “Thánh” được hiểu là những người đang được hưởng hạnh phúc trên trời. Như vậy, tuy Hội Thánh là duy nhất nhưng trong Hội Thánh có sự hiệp thông giữa các tín hữu ở ba điều kiện trạng thái khác nhau:

  • Hiệp thông trong Giáo Hội lữ hành.
  • Hiệp thông giữa Giáo Hội lữ hành và Giáo Hội khải hoàn
  • Hiệp thông giữa Giáo Hội lữ hành và Giáo Hội thanh luyện.

1. Hiệp thông trong Giáo Hội lữ hành

1.1. Giáo Hội trong cuộc lữ hành đức tin

Giáo Hội là dân Thiên Chúa

Mầu nhiệm các thánh thông công là gì năm 2024

Như Israel xưa lữ hành trong sa mạc

Đoàn dân Mới đã cất bước đăng trình

Qua hai mươi thế kỷ trần gian

Lữ hành đức tin.

Maisen Mới Đức Giêsu Nhập Thể.

Hiến chương mới: Luật bát phúc Ngài trao

Còn giao ước Ngài ký bằng máu đào

Trên đỉnh cao thập giá

Ngài vẫn hiện diện kêu mời hoán cải

Bỏ mảnh đất nô lệ những đam mê

Ngài nói với kẻ này “Hãy theo Ta”

Với người khác hãy “dự tiệc Nước Trời”

Ngài kêu gọi từng người “ Làm vườn nho” Thiên Chúa

Nhủ bên tai họ “Hãy mãi mãi yêu thương”

Lữ hành đức tin

Từng đoàn lớp người đã tiến bước

Dắt dìu nhau đáp lại tiếng kêu mời

Đồng hành với nhau trên đường gian khổ

Chia sẻ với nhau lúc nắng gắt mưa sa

Bước đi trong niềm tin

Đôi lúc họ vẫn nhớ củ hành củ tỏi Ai Cập

Cũng lắm lúc thèm nước ngọt thịt ngon

Tệ hơn nữa có khi phản bội Ngài

Để bái thờ bò vàng ăn cỏ

Cuộc lữ hành vẫn đang tiếp tục

Theo cột lửa niềm tin Phục Sinh

Ai nhìn lên “Rắn Đồng” mới được sống

1.2. Giáo Hội lữ hành nếm trước hạnh phúc Thiên đàng

Trong cuộc lữ hành ấy gian khổ và ủi an, mạo hiểm và thú vị đan chéo lẫn nhau. Giáo Hội vẫn được Chúa cho nếm cảm hạnh phúc mai hậu. Thực vậy, có biết bao thế hệ Kitô hữu đã dấn thân vào việc phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân. Thanh luyện những bất toàn của mình với hy vọng được phần thưởng Chúa hứa cho ở với Ngài. Nhưng đôi khi Chúa cũng cho họ nếm trước phần nào thực tại thiên đàng ngay từ bây giờ.

Ví dụ: Khi chúng ta ngắm hùng cảnh thiên nhiên hùng vĩ hoặc trước cái hay cái đẹp của nghệ thuật, hay trước tấm lòng yêu thương hy sinh của người khác hoặc sự thành công thì tâm hồn chúng ta có sự sảng khoái tự do.

Đặc biệt khi chúng ta cử hành phụng vụ và làm các việc đạo đức trong tinh thần và chân lý, chúng ta cảm nhận được sự bình an hạnh phúc, sự thúc đẩy tiến sâu trong hành động theo ý Chúa, và ngay lúc đó nếm cảm được điều mà người khác không thể cho hoặc không thể lấy được. Sự hiệp thông của Giáo Hội lữ hành và Giáo Hội của các thánh thể hiện rõ nhất trong việc cử hành phụng vụ. Đấy là niềm xác tín của Giáo Hội.

“Khi cử hành hy lễ tạ ơn, chúng ta kết hợp mật thiết với việc thờ phượng của Giáo Hội trên trời, vì hiệp cùng Giáo Hội chúng ta kính nhớ trước hết Đức Maria vinh hiển trọn đời đồng trinh, sau là thánh Giuse, các thánh Tông Đồ, các thánh tử đạo cùng toàn thể các thánh”. (Lc 50)

Trong sách lễ Rôma của chúng ta có bốn kinh tạ ơn chính và chín kinh tạ ơn khác đặt trong các dịp khác nhau. Chúng ta cùng nhau đọc kinh tạ ơn một hay lễ qui Rôma. Đây là kinh tạ ơn dài nhất và cổ nhất. Có thể vì sợ dài nên các cha chủ tế ít khi đọc. Trong kinh này ý tưởng hiệp với toàn thể Hội Thánh trên thiên quốc được diễn tả ba lần.

  • Lần một: Vị chủ tế đọc “cùng hiệp thông với toàn thể các thánh, chúng con kính nhớ Đức Maria vinh hiển… thánh Phêrô và thánh Phaolô… cùng toàn thể các thánh”.
  • Lần hai: Chủ tế giang tay đọc lời nguyện trước khi Vào Kinh Nguyện Thánh Thể.
  • Lần ba: Cha chủ tế cúi mình chắp tay đọc: “Lạy Thiên Chúa toàn năng chúng con nài xin cha sai Thiên Thần đem của lễ này lên bàn thờ thiên quốc trước uy linh cao cả …”.

2. Hiệp thông giữa Hội Thánh lữ hành và Hội Thánh khải hoàn

2.1. Hạnh phúc của các Thánh trên trời

Như đã nói ở trên, từ ‘Thánh” từ thế kỷ thứ IV được hiểu về cuộc sống của những người đang được diễm phúc hiệp hoan với Chúa trên trời. Hiến Chế Bendictus Deus 1336 của Giáo Hoàng Biển Đức XII khẳng định “Kể từ cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu Kitô những linh hồn ấy (tích các thánh) đã và đang nhìn thấy bản chất thần linh qua trực giác và thậm chí mặt giáp mặt nữa, đúng hơn bản chất thần linh tự tỏ hiện trực tiếp cho các ngài nhìn thấy một cách rõ ràng hiển nhiên và không che dấu, trong khi nhìn thấy như vậy các ngài vui hưởng bản chất thần linh”.

Có thể nói rằng: Trên trời ngoài việc nhìn thấy Thiên Chúa mặt giáp mặt các thánh còn được nghe rõ tiếng Người, cảm nếm tình yêu đậm đà, thông phần vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, hiệp thông với tha nhân, và hài hoà với vữ trụ.

2.2. Hiệp thông của các thánh với chúng ta.

Giờ đây các thánh thực sự cảm nhận được hạnh phúc làm con Chúa. Vì thế, các ngài cũng mong muốn cho nhiều người được hưởng sự hạnh phúc tuyệt đối này. Và hơn ai hết các ngài đã trải qua cuộc sống lữ hành. Vì thế các ngài rất hiểu những khó khăn, cạm bẫy nơi chốn trần ai nên các ngài hằng cầu khẩn cho chúng ta bên toà Chúa. Do đó, chúng ta được nâng đỡ ủi an rất nhiều bởi lời cầu nguyện, những tấm gương sáng trong đời sống thánh thiện, bác ái hy sinh của các ngài. Đó là nguồn động lực khích lệ làm tăng niềm hy vọng của chúng ta. Nếu phải kể đến những ơn lành cụ thể chúng ta không thể không nhắc đến những phép lạ mà các thánh đã làm cho các tín hữu: ơn hoán cải, ơn chữa lành, ơn bình an (chẳng hạn như Dì Giáo Thérèsa của chúng con đã được Mẹ Têrêsa Caculta chữa bệnh đau chân).

3. Hiệp thông với Hội Thánh thanh luyện

3.1. Giáo Hội đau khổ là gì?

Sách Giáo Lý Công Giáo xác minh: “Tất cả những người chết trong ân nghĩa Chúa nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn mặc dù chắc chắn được cứu độ đời đời, còn phải thanh luyện sau khi chết nhằm đạt được sự thánh thiện cần thiết để vào hưởng phúc thiên đàng. Hội Thánh gọi việc thanh luyện cuối cùng của những người được chọn là luyện ngục”. (SGLCG số 1030-1031)

Các linh hồn trong thời kỳ thanh luyện rất khát khao ao ước được gặp Chúa nhưng lúc này các linh hồn không có cơ hội lập công cho chính mình nên các ngài rất cần đến lời cầu bầu của các thánh trên trời và lời cầu nguyện của chúng ta.

Truyền thống cầu nguyện cho những người đã qua đời được ghi lại trong sách (2 Mcb 1, 38-46). Sau trận chiến có nhiều người bị tử vong, ông Giuđa đã quyên tiền gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội cho những người đã chết để họ giải thoát khỏi mọi tội lỗi.

3.2. Hiệp thông với Giáo Hội đau khổ bằng cách nào?

Thật vậy, truyền thống Hội Thánh tin rằng để đạt được sự thanh luyện những linh hồn cần lãnh nhận một sự nâng đỡ nhờ các lời cầu khẩn của các tín hữu còn sống.

3.2.1. Hy tế thánh lễ

Trong thánh lễ, Hội Thánh bày tỏ sự hiệp thông hữu hiệu của mình với người quá cố khi dâng lên Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần cùng hy tế cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô, Hội Thánh cầu xin Cha cho người con của mình được thanh luyện khỏi mọi tội lỗi, đươc tha mọi hình phạt và được nhận vào bàn tiệc trong Nước Chúa.

Cũng như sự hiệp thông với Giáo Hội thiên quốc, Giáo Hội chúng ta hiệp thông với các tín hữu qua đời đạt được đỉnh cao với việc cử hành phụng vụ Thánh Thể.Đó cũng là niềm tin của thánh nữ Mônica khi nói lời trăn trối cho thánh Augutinô: “Con hãy chôn xác mẹ bất cứ ở đâu đừng lo lắng chuyện đó. Tất cả mẹ xin con là ; dù ở đâu hãy nhớ tới mẹ khi dự tiệc thánh”

3.2.2. Cầu nguyện cho các tín hữu qua đời.

Nhận biết sự hiệp thông với các tín hữu đã qua đời nằm trong nhiệm thể Chúa Giêsu Kitô nên Hội Thánh lữ hành hết lòng kính mến tưởng nhớ những người đã chết và cầu nguyện cho họ vì “cầu nguyện cho người đã chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý tưởng lành thánh” (x.2 Mcb 12, 45; Lc 50). Khi cầu nguyện cho các linh hồn chúng ta không chỉ giúp họ mà trong tinh thần hiệp thông các thánh cũng không ngừng chuyển cầu cho chúng ta.

3.2.3. Thực thi bác ái

Ngoài những việc thiêng liêng chúng ta cũng thường thể hiện các việc hiệp thông với các tiền nhân trong các dịp tết, hôn lễ vào tháng các linh hồn hay ngày dỗ chạp chúng ta cũng viếng mộ thắp nhang, dâng hoa…Truyền thống Giáo Hội còn dạy chúng ta nên thực hành việc bố thí hy sinh và các việc bác ái để cầu nguyện cho hương hồn cố nhân. Vì thế, hội dòng chúng ta cũng dành 13 số Chỉ Nam từ số 84-97 nói về bổn phận đối với chị em và thân nhân qua đời kèm theo những danh sách phải xin lễ và cầu nguyện. Chỉ Nam còn định rõ một ngày cầu nguyện gồm : dâng thánh lễ, phụng vụ giờ kinh, hy sinh và các việc đạo đức trong ngày (Chỉ Nam số 97).

Kết luận

Tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa và hợp thành một gia đình trong Chúa Kitô nên khi hiệp thông với nhau trong tình yêu và trong lời đồng thanh ca tụng Chúa Ba Ngôi Chí Thánh chúng ta đáp lại ơn gọi thâm sâu của Hội Thánh. Tuy nhiên, tín điều về Hội Thánh thông công vẫn là một mầu nhiệm chúng ta không có đủ khả năng hiểu biết và trình bày mầu nhiệm hiệp thông vinh phúc với Thiên Chúa và với tất cả những người trong Chúa Kitô. Hy vọng những điều “Mắt không hề thấy, tai không hề nghe, lòng người không hề nghĩ đến đó là điều Thiên Chúa dọn sẵn cho những ai yêu mến người” (1Cr 2,9).

Có thể nói Mẹ Maria là biểu tượng cho “Sự hiệp thông các thánh” một cách hoàn hảo nhất. Chúng ta hãy chiêm ngắm một lữ khách vượt băng đồi của Mẹ để đến thăm và phục vụ bà Elisabét. Mẹ là người lữ hành đức tin, từ biến cố truyền tin đến biến cố sinh con, chạy trốn và sống âm thầm nơi ngôi nhà bé nhỏ Nagiaret. Mẹ của Đấng cứu tinh phải sống như thế đó.

Chúng ta hãy nhìn bức tranh người phụ nữ mặc áo mặt trời chân đạp mặt trăng đầu đội triều thiên Mười Hai Sao sáng. Mầu nhiệm chiến thắng vinh quang hồn xác về trời. Mẹ là biểu tượng cho Giáo Hội khải hoàn.

Chúng ta hãy ngắm nhìn hình ảnh Mẹ Maria dưới chân thập giá và ngồi ôm xác con, lặng lẽ trong khung trời tím mầu với tước hiệu Mẹ sầu bi phần nào chúng ta hiểu và cảm thông với Giáo Hội thanh luyện.