3 /- một số giải pháp hỗ trợ học sinh lớp 1 2 chưa theo kịp chương trình

Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông dù học trực tuyến thì các nhà trường vẫn dạy đầy đủ số tiết và dạy hết các môn học.

Còn ở cấp tiểu học, các giáo viên ưu tiên một số môn học, có nhiều môn học chưa được dạy nên rất khó giải quyết dứt điểm ở học kỳ II.

Đối với những địa phương đang phải dạy và học dạy trực tuyến, từ đầu năm học cho đến nay còn một số môn học ở cấp tiểu học chưa được triển khai đến học trò. Bởi lúc đầu các địa phương mới triển khai dạy môn Tiếng Việt và Toán, sau đó thêm môn Tiếng Anh và một số ít trường dạy thêm môn Âm nhạc, Mĩ thuật…

Học sinh lớp 1, lớp 2 dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện một số địa phương mới chỉ tập trung cho 2 môn Toán và Tiếng Việt.

Các môn học còn lại gần như đang… để trống. Trong khi, theo khung thời gian năm học thì thời điểm này - dù là học trực tuyến thì học sinh cũng đã bắt đầu bước vào kiểm tra học kỳ I, có nơi đã bước sang học kỳ II.

Chương trình lớp 1, lớp 2 có nhiều môn học nhưng những địa phương phải dạy và học trực tuyến thì chủ yếu mới dạy môn Tiếng Việt và Toán. [Ảnh minh họa: Thùy Linh]

Một học kỳ còn lại của năm học - cho dù qua Tết Nguyên đán thuận lợi, học sinh sẽ đi học trực tiếp thì liệu các nhà trường có giải quyết hết chương trình học kỳ II, bổ sung kiến thức học kỳ I và hoàn thành nội dung các môn học mà nhà trường chưa dạy được hay không?

Đây quả thực là một bài toán khá hóc búa cho nhiều trường học trên cả nước đang phải dạy và học trực tuyến trong mấy tháng qua.

Nhiều môn học chưa được dạy khi học trực tuyến

Trước khi bước vào năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 3636/BGDĐT-GDTH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2021-2022.

Theo hướng dẫn của Công văn số 3636/BGDĐT-GDTH, đối với học sinh lớp 1, lớp 2 sẽ ưu tiên dạy học môn Tiếng Việt, Toán khi dạy học trực tuyến, để đảm bảo giúp học sinh hình thành kỹ năng đọc, viết, nói, nghe, tính toán và các kỹ năng cơ bản cần thiết ban đầu theo quy định.

Nhà trường thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập, sử dụng kho học liệu điện tử kèm theo các bộ sách giáo khoa để xác định các nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến.

Đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo sử dụng hiệu quả kho học liệu sẵn có và tổ chức xây dựng kho học liệu bổ sung để sẵn sàng tổ chức dạy học bằng các phương án phù hợp với từng đối tượng trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đảm bảo thực hiện theo phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học tập” của ngành Giáo dục.

Cơ sở giáo dục thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập, xác định các nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến hoặc hướng dẫn cho học sinh tự học.


Chương trình mới cấp tiểu học thay đổi thế nào?

Trường tổ chức dạy học trực tuyến, học qua truyền hình, đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình, phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục, kỹ năng của giáo viên, khả năng tiếp thu-lĩnh hội và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh.

Từ hướng dẫn của Công văn số 3636/BGDĐT-GDTH, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường triển khai việc dạy và học trực tuyến.

Theo đó, thời gian đầu năm học thì các trường tiểu học chủ yếu chỉ triển khai 2 môn Toán và Tiếng Việt, sau đó thì triển khai thêm môn Tiếng Anh và chỉ có một số ít trường triển khai dạy môn Âm nhạc, Mĩ thuật đến các lớp 3, 4, 5.

Việc triển khai dạy các môn Âm nhạc và Mĩ thuật đến lớp 1, lớp 2 hiện nay chưa nhiều địa phương áp dụng vì đang tập trung cho môn Toán và Tiếng Việt.

Chính vì thế, đối với những địa phương đang phải dạy trực tuyến ở lớp 1 và lớp 2 thì đa phần các môn còn lại như: Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Hoạt động trải nghiệm và các môn tự chọn chưa được triển khai.

Các lớp 3, 4, 5 thì các môn: Đạo đức, Lịch sử và Địa lí, Thể dục, Khoa học, Thủ công [lớp 3] Kĩ thuật [lớp 4, 5]… thì gần như cũng chưa được dạy.

Cho dù các môn chưa được dạy trên lớp thì Bộ và các Sở Giáo dục cũng đã triển khai một số môn qua đài truyền hình nhưng có lẽ học sinh cũng chưa chú ý nhiều đến kênh truyền hình.

Chính vì thế, nhiều môn học ở tiểu học gần như đang phải “đóng băng” để ưu tiên cho các môn học chính và những môn mang tính vừa học vừa chơi như Âm nhạc và Mĩ thuật mà thôi.

Bài toán khó khi giải quyết dứt điểm các môn học còn lại trong học kỳ II

Học kỳ II của năm học được bố trí 17 tuần nhưng nó đã có chương trình của học kỳ II rất cụ thể. Vì vậy, bài toán giải quyết các môn học còn tồn đọng ở học kỳ I đối với cấp tiểu học ở những địa phương đang phải dạy và học trực tuyến rất nan giải.


Học sinh lớp 1, lớp 2 của Hà Nội kiểm tra học kỳ I bằng hình thức trực tiếp

Giải pháp nào cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cho dù, bước sang học kỳ II, điều kiện dịch bệnh khả quan hơn, học sinh trở lại học trực tiếp thì đương nhiên là các môn học sẽ được nhà trường dạy hết. Nhưng, sẽ bắt đầu từ đâu?

Nếu như dạy từ đầu chương trình đối với những môn chưa dạy thì hết học kỳ các môn này sẽ còn lại học kỳ II chưa học mà tăng tiết trong ngày thì quá tải cho học trò, nhất là đối với các em lớp 1, lớp 2. Nhất là một số môn nhiều tiết như Hoạt động trải nghiệm có đến 105 tiết/ năm học [bằng số tiết môn Toán lớp 1].

Bỏ hẳn chương trình Học kỳ I đối với những môn chưa dạy thì không được vì sách thiết kế theo logic từ thấp lên cao và bắt buộc học sinh phải tiếp thu theo trình tự, nhất là đối với cấp tiểu học bắt đầu làm quen với các môn học.

Nếu tiến hành dạy dù vào dịp hè thì vướng vào thời điểm nghỉ hè của học trò và giáo viên, kinh phí đâu để nhà trường chi trả cho giáo viên.

Hơn nữa, đối với những giáo viên không dạy hoặc dạy thiếu tiết thì nhà trường đã phân công việc khác ở trong trường như thu tiền, phát tài liệu cho học trò trong thời điểm học trực tuyến.

Nhiều giáo viên còn tham gia chống dịch hoặc nhập số liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho địa phương nhiều tháng trời theo lệnh điều động của Phòng Giáo dục và Ban giám hiệu nhà trường.

Vì thế, nếu tổ chức dạy bù kiến thức cho học sinh vào dịp hè thì bắt buộc phải chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên, không trả thì dẫn đến nhiều thắc mắc, đơn thư rất phức tạp - đây quả là bài toán nan giải đối với các nhà trường.

Có lẽ, trong bối cảnh dịch bệnh và thực tế giảng dạy ở các nhà trường đang phải dạy trực tuyến từ đầu năm cho đến nay cần phải tinh giản chương trình thêm một lần nữa và chỉ dạy những nội dung cốt lõi.

Chính vì vậy, thời điểm này thì lãnh đạo Bộ, Sở cũng cần tính đến phương án để hướng dẫn cho các địa phương, các nhà trường khi học sinh trở lại học trực tiếp nhằm đảm bảo quyền lợi, trang bị tri thức cho học trò nhưng cũng phải tính đến phương án hài hòa, phù hợp về quyền lợi cho giáo viên đứng lớp.

[*] Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN

Lớp học online môn âm nhạc của Trường THCS Bình Trị Đông A quận Bình Tân

[Thanhuytphcm.vn] - Dạy học trực tuyến [hay còn gọi là e-learning] là phương thức học ảo thông qua máy vi tính, điện thoại thông minh nối mạng đối với một máy chủ ở nơi khác. Giáo viên có thể truyền tải hình ảnh và âm thanh qua đường truyền băng thông rộng hoặc kết nối không dây [WiFi, WiMAX], mạng nội bộ [LAN][1].

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo [2021], dạy học trực tuyếnlà hoạt động nhằm hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện một phần hoặc toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông để hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề đó tại cơ sở giáo dục phổ thông[2]. Mô hình dạy học mới được áp dụng tiêu biểu là “đào tạo trực tuyến” là một trong những giải pháp tối ưu có khả năng đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong học tập, giảng dạy và thuận lợi trong đào tạo nhiều cấp học và những mặt tích cực mà phương pháp này mang lại trong quá trình giảng dạy và học tập.

Dạy học trực tuyến là hình thức giáo dục phổ biến nhiều quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, nhiều trường học được trưng dụng cho công tác phòng, chống dịch, nhiều công trình xây dựng, sửa chữa trường lớp bị tạm ngưng, còn có một số giáo viên, học sinh là F0 đang điều trị tại nhà hoặc khu cách ly hay bệnh viện. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn chưa có nguồn vaccine tiêm ngừa Covid-19 cho đối tượng dưới 18 tuổi mà học sinh phổ thông chiếm tỷ lệ đa số. Chính vì thế hình thức dạy học trực tuyến là một lựa chọn phù hợp và được quan tâm nhất của đội ngũ nhà giáo ngành giáo dục. Làm thế nào để dạy học trực tuyến mang lại hiệu quả nhất đang là vấn đề khiến các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, cha mẹ và học sinh quan tâm.

Học sinh Võ Đặng Khánh Quỳnh, học sinh lớp 6/4 Trường THCS Lê Tấn Bê quận Bình Tân

Đối với nhà trường: Xây dựng hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin [như máy tính, camera, máy in, máy quét], đường truyền, dịch vụ internet, tận dụng tối đa các phương tiện để hỗ trợ cho giáo viên khi dạy học trực tuyến. Bồi dưỡng đội ngũ nhân lực [cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên] có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Trước hết là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng an toàn thông tin, kỹ năng khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ công việc dạy - học. Hướng dẫn cụ thể về tổ chức học trực tuyến để triển khai, hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên kỹ thuật thực hiện, xây dựng kế hoạch chi tiết theo từng bộ môn.

Nhà trường, các thầy cô giáo cần phối hợp tốt với phụ huynh học sinh để trao đổi kế hoạch, thống nhất cách làm, tăng cường sự phối hợp của phụ huynh khi các em học sinh học tập tại nhà. Căn cứ vào đặc thù vùng miền và các điều kiện hiện có, các thầy cô giáo cần chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức dạy học sao cho phù hợp.

Điều tra, khảo sát học sinh khả năng đáp ứng yêu cầu học trực tuyến về thiết bị học tập, tâm thế chuẩn bị học tập nhất là học sinh lớp 1, cần trang bị cho học sinh những kỹ thuật để duy trì sự hứng thú, sự tập trung trong học tập trực tuyến cũng như cách thức cân bằng sức khỏe tinh thần và thể chất trong bối cảnh học tập trực tuyến.

Giờ dạy online của cô Lê Thị Khánh Trang, giáo viên bộ môn Sử, Trường THCS Lý Thường Kiệt, quận Bình Tân

Đối với giáo viên: Giáo viên tự trang bị cho mình khả năng, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các phần mềm, hệ thống dạy học trực tuyến. Ngoài ra, có thể lựa chọn một trong các hình thức như dạy thông qua trực tuyến, qua online, qua nhóm zalo, messenger, facebook, email... Ở những nơi không có điều kiện về mạng, kỹ thuật thì cần tìm giải pháp để giao bài, giao nhiệm vụ cho học sinh như soạn bài ôn tập, in và thông báo phụ huynh đến nhận.

Giáo viên dành thời gian thiết lập các mối quan hệ, làm quen kết nối với học sinh và cha mẹ học sinh. Chuẩn bị các hoạt động dạy học cũng như các trò chơi, video clip với các hoạt động khởi động vui nhộn tạo bầu không khí thoải mái trong lớp học. Giáo viên luôn cài chế độ hình ảnh nổi lên màn hình chính, luôn tương tác với học sinh, ghi nhận và khen thưởng trong quá trình dạy học. Qua đó, tạo mối thân thiện giữa giáo viên và học sinh, hướng dẫn học sinh cần chậm hơn bình thường, tránh việc vô ý tạo ra áp lực thời gian cho học sinh vì nó sẽ làm triệt tiêu hứng thú học tập.

Đối với cha mẹ học sinh: Cha mẹ luôn đồng hành, làm tốt công tác tư tưởng cho các em đối với việc học trực tuyến để học sinh hiểu rõ, chuẩn bị tâm thế để tiếp cận phương pháp này nên tạo không gian yên tĩnh, cố định, sắp xếp đồ dùng học tập gọn gàng và dễ lấy khi cần. Nên loại bỏ tất cả những đồ vật gây phiền nhiễu và mất tập trung như ti vi, đồ chơi, vật nuôi,… ra khỏi tầm mắt của học sinh.

Điều quan trọng cha mẹ cần rèn nền nếp học tập tự lập, động viên, khen ngợi tạo sự hưng phấn trong học tập cho học sinh. Ngoài ra, cha mẹ còn phải chủ động tìm hiểu công nghệ thông tin, phương pháp sư phạm giúp các em sử dụng thành thạo, an toàn các thiết bị học trực tuyến. Thường xuyên, cập nhật kiến thức chăm sóc con cái đúng cách trong mùa dịch, tạo bầu không khí tâm lý thoải mái trong gia đình. Hướng dẫn các em hoạt động nhẹ nhàng như vệ sinh nhà cửa, chăm sóc cây cảnh, thú cưng...

Đối với học sinh: Học sinh cần chuẩn bị tâm lý, tâm thế sẵn sàng, trang phục nghiêm túc khi tham gia học trực tuyến và chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị học tập quan trọng nhất là điện thoại thông minh, máy vi tính, máy tính bảng, tai nghe và sách giáo khoa.

Học sinh chọn cho mình góc học tập, không gian yên tĩnh thoải mái phù hợp với ngôi nhà của mình. Trong quá trình học tập cần chú ý lắng nghe, tham gia thảo luận và đóng góp tích cực vào bài họ. Để làm được như vậy học sinh cần chủ động đọc bài, soạn bài trước mỗi tiết học, buổi học. Tập thói quen lên lớp trước 10 phút để chào hỏi làm quen thầy, cô và các bạn tạo mối quan hệ thân thiện trong lớp học.

Ngoài ra, học sinh tạo nhóm học tập trên Zalo, Facebook để chia sẻ, giải đáp thắc mắc nội dung bài học và tham gia vận động, lao động nhẹ nhàng đi ngủ đúng giờ, đảm bảo đủ 8 tiếng, tăng cường các hoạt động thể dục thể thao nâng cao sức khỏe học tập. Đặc biệt, rèn luyện khả năng tự lập trong học tập. Chú ý tắt một số tính năng trên thiết bị gây ảnh hưởng đến giờ học. Điều đó sẽ mang lại cho bản thân người học nhớ lâu hơn về kiến thức.

Cách dạy học trực tuyến chỉ có hiệu quả nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Để hoạt động dạy học thực sự chất lượng, trước mắt giáo viên và học sinh phải thay đổi, thích nghi và tìm ra cáccách dạy học trực tuyến hiệu quả, tối ưu nhất. Hy vọng trong tương lai, hình thức dạy học trực tuyến sẽ thực sự trở thành xu thế để thế hệ trẻ có thể tiếp cận cách học mới, giáo dục các em học sinh trở thành người công dân toàn cầu.

TS Nguyễn Đặng An Long

-----

[1] Giáo dục trực tuyến – Wikipedia tiếng Việt

[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT, Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2021, Quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề