Bài hát bài ca đi học của nhạc sĩ nào là ai?

Hồi nhạc sĩ Bùi Đình Thảo còn sống, các nhạc sĩ Hoàng Hà, Mộng Lân và tôi hay về Duy Tiên [Hà Nam] quê ông. Vì gần Hà Nội, nên có đến 4 lần về với nhau “chén tạc, chén thù” rất chân tình và rôm rã. Trước khi trở về Hà Nội chúng tôi còn được biếu gói trà ướp hoa Nhài ngan ngát hương thơm.

Sau khi thu thanh bài hát “Đi học” - Bùi Đình Thảo phổ nhạc bài  thơ cùng tên của Minh Chính - ông mời chúng tôi về chiêu đãi bữa thịt Chó thật khó quên. Vừa ăn vừa mở băng bài hát cùng nghe, thu hút cả bà con hàng xóm. Ai cũng khen hay, ai cũng chúc tụng.

Ảnh minh họa

Bài hát “Đi học” gọn gàng, xinh xắn này tác giả viết cho các em thiếu nhi miền núi, nhưng mức độ phổ biến sau đó của nó đã vượt quá khoảng không gian trong dự định của người sáng tác.

Bùi Đình Thảo đã khéo léo lựa chọn những đoạn thơ giầu hình ảnh và cô đọng nhất của Minh Chính để phổ nhạc.

“Hương rừng thơm đồi vắng

Nước suối reo thầm thì

Cọ xoè ô che nắng

Râm mát đường em đi

Chim đùa reo trong lá

Cá dưới khe thì thào

Hương rừng thơm chen hương cốm

Em tới trường hương theo…”

Với chất liệu âm nhạc mang âm hưởng của dân ca miền núi phía Bắc, bằng một giai điệu khoan thai, nhẹ nhàng, trong sáng, có những nốt luyến láy  duyên dáng, âm nhạc của ca khúc “Đi học” đã làm cho lời thơ bay bổng.

Bài hát được câu tạo ở thể 3 đoạn. Trước khi vào đoạn thứ nhất có nét nhạc dạo đầu, nét nhạc này mang âm hưởng Tính Tẩu – một loại nhạc cụ quen thuộc của đồng bào Tày, Viêt Bắc. Nét nhạc đó như một  sợi chỉ xuyên suốt bài, nó vang lên ở giữa đoạn nhạc thứ nhất với đoạn nhạc thứ hai, tiếp tục làm cầu nối sang đoạn thứ ba để kết thúc.

Dùng thủ pháp sử dụng một nét nhạc “gian tấu” xen kẽ giữa các đoạn nhạc chính trong khúc thức, tác giả gắn liền toàn bộ bài hát thành một khối thống nhất.

Đường nét giai điệu của bài hát  được tiến hành chủ yếu bằng những quãng hẹp, rất ít những quảng nhảy do đó tạo nên một cảm giác nhẹ nhàng, diễn tả được tính cách hồn nhiên, trong sáng vô tư và lạc quan của các em nhỏ trên đường tới lớp.

Tiết tấu của cả 3 đoạn nhạc đều nhất quán trên một âm hình, nhưng đã tránh được sự đơn điệu vì giai điệu mỗi đoạn đều có sự tương phản nhất định. Sự tương phản này không lớn, không mạnh, và chủ yếu chỉ bằng sự thay đổi độ cao. Đoan thứ nhất ở âm vực thấp sang đoạn thứ hai, vẫn tiết tấu nhạc khá rõ khi dùng thêm tiếng đệm “ơ…ơ…” ở câu thơ “Mẹ dắt tay từng bước” Sự phát triển đó dừng lại ngay khi câu nhạc tiếp theo ứng với lời ca “Chim đùa reo trong lá, cá dưới khe thì thào. Hương rừng chen hương cốm, em đến trường hương theo”. Nét nhạc ở đây đã nhắc lại câu nhạc cuối của đoạn thứ nhất có biến hoá chút ít. Sự tái hiện này có tác dụng khắc hoạ thêm nét nhạc xuất hiện ở trên.

Sang đoạn thứ ba, vẫn dùng tiết tấu của hai đoạn trước, giai điệu  ở đây cũng tiến hành âm vực cao như đoạn hai. Những công năng hoà thanh đã chuyển sang hướng “át” làm nền, tạo được cảm giác mới so với hai đoạn trên. Tiếp đó tác giả cho tái hiện nét nhạc và lời ca “Hương rừng thơm đồi vắng, nước suối trong thầm thì, cọ xoè ô che nắng, râm mát đường em đi”. Đây là lần thứ ba nét nhạc đó được khắc hoạ đâm nét làm cho người nghe dễ dàng nhớ được âm hình mang tính chủ đạo của bài. Sự khéo léo về cách xử lý lời thơ của tác giả âm nhạc chính ở chỗ đó.

Mặt khác, việc sử dụng chất liệu dân gian một cách nhuần nhuyễn làm cho giai điệu đậm đà tính dân tộc, mang rõ phong cách miền núi nhưng không bị trùng lặp. Với những bài dân ca hoặc những giai điệu miền núi quen thuộc khác  cũng là một ưu điểm của bài hát.

Nếu trong sáng tạo nghệ thuật nội dung quyết định hình thức thì ở “Đị học” đã hình thành một dạng “Khúc thức” mới, dạng này khó tìm thấy trong những sơ đồ khúc thức quen thuộc  mà lí luận về khúc thức học đã tổng kết. Theo tôi đây có thể xem là một đóng góp của Bùi Đình Thảo.

Hàng năm, cứ đến năm học mới lại có bao em nhỏ lần đầu tiên cắp sách đến trường. Em bước đi trong dáng điệu rụt rè, ngỡ ngàng, nắm chặt tay mẹ và líu ríu bước theo sau. Những em nhỏ ấy hẳn hồi hộp và xúc động lắm.  “Đi học” là một bài hát đã ghi lại cảm xúc đó của các em nhỏ và được đông đảo thiếu nhi cũng như người lớn ưa thích.

Cùng với các ca khúc khác viết cho thiếu nhi như: “Em đi giữa biển vàng”, “Sách bút thân yêu ơi”, “Chúng em làm cô Tấm”… Đi học” cũng là một bài hát hay của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo [1931 – 1997] - một ca khúc tạo nên ấn tượng đẹp trong tâm hồn mọi người và trở thành bài ca đi cùng năm tháng./.

Trong rất nhiều ca khúc hay và đa dạng viết cho thiếu nhi, ca khúc “Đi học”- tựa đề giản dị, gần gũi được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên, nói đến việc thường ngày của tất cả các thế hệ học sinh, vẫn là một trong những ca khúc vượt thời gian, lưu lại trong ký ức của nhiều thế hệ trước và vẫn được các thế hệ tiếp nối say sưa trình điễn bằng nhiều cách thể hiện mới. Năm 2000 ca khúc “Đi học” đã được chọn vào danh sách 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 do Báo Thiếu niên tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa học giáo dục VTV, Ban Âm nhạc Đài tiếng nói VN tổ chức.

Nhà thơ Hoàng Minh Chính và nhạc sĩ Bùi Đình Thảo.

Bài thơ “đi học”

Nhà thơ Hoàng Minh Chính sinh năm 1944 ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, từ nhỏ ông đã có thiên hướng làm thơ nhưng không được cha khuyến khích. Bài thơ Đi học chưa chắc đã được ra đời nếu như gia đình ông không chạy loạn từ Nam Định lên Phú Thọ vào năm 1948 khi Minh Chính chỉ vừa 4 tuổi. Chính ở vùng đất được xem là quê hương thứ hai đã cho ông những chất liệu để viết nên những vần thơ trong trẻo, sinh động và đầy ắp hình ảnh tuổi thơ cho bài Đi học. Những câu ngũ ngôn như: “Hương rừng thơm đồi vắng/ Nước suối trong thầm thì/ Cọ xòe ô che nắng/ Râm mát đường em đi” chính là tuổi thơ của Minh Chính. Và chính hương rừng, con suối, những đồi cọ thoai thoải là bạn đường của ông những ngày đến trường, lúc mẹ hoặc chị dẫn đi hoặc những khi cả nhà lên nương thì “một mình em tới lớp”.

Bài thơ Đi học bắt đầu được Hoàng Minh Chính viết vào sổ tay khi mới 15 tuổi [1959] với 4 khổ theo thể thơ ngũ ngôn. Sau đó ông gia nhập quân ngũ và những lúc rảnh rỗi lại “bồi” thêm những khổ thơ mới mang nhiều mùi vị thời chiến hơn nhưng bài thơ hoàn chỉnh sau này và kể cả bài hát phổ từ thơ vẫn giữ nguyên hồn thơ trong trẻo từ thuở 15.

Xin “bật mí” là đoạn: “Cô giáo em tre trẻ/ Dạy em hát rất hay”. Nguyên mẫu “cô giáo” hiện vẫn còn sống, là bạn học ngày xưa của nhà thơ và là một mối tình đơn phương mà ông mang theo mình suốt cuộc chiến.

Năm 1969, trước khi hành quân vào Nam, Hoàng Minh Chính ghé qua Nhà xuất bản Kim Đồng và gửi cho nhà thơ Định Hải - biên tập viên nhà xuất bản, tập thơ của mình. Định Hải đã chọn được bài Đi học, biên tập từ 6 khổ thơ còn 5 khổ và thay đổi một số trật tự câu cú. Năm 1971, bài thơ được in trong tập thơ thiếu nhi Mặt trời xanh.

Sau cuộc gặp gỡ vào năm 1969 ấy, nhà thơ Định Hải dặn Minh Chính ngay sau khi vào Nam thì viết thư báo cho Nhà xuất bản Kim Đồng biết địa chỉ, hòm thư để sau khi sách in ra còn biết đường gửi vào. Nhưng một tháng, hai tháng rồi hàng năm trời vẫn không có tin tức gì. Mãi sau này thông tin mới được báo về, người chiến sĩ trẻ Hoàng Minh Chính vào tháng 3/1971 đã hy sinh tại Quảng Trị ở tuổi 27 mà không hề biết rằng cùng năm ấy, bài Đi học lần đầu tiên chính thức ra mắt công chúng trong tập thơ thiếu nhi Mặt trời xanh của Nhà xuất bản Kim Đồng. Sau này bài thơ được chọn vào sách giáo khoa lớp 2. Nhà thơ Hoàng Minh Chính không để lại cho đời nhiều tác phẩm nhưng chỉ cần bài thơ Đi học vẫn là đủ để ông được công chúng nhớ đến.

Ca khúc “đi học”

Nhạc sĩ Bùi Đình Thảo sinh năm 1931, quê ở Đồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam, từng tốt nghiệp đại học sáng tác ở Nhạc viện Hà Nội, nhưng sau này về làm việc tại Sở Văn hóa -Thông tin tỉnh Hà Nam. Năm 1976, nhạc sĩ Bùi Đình Thảo đọc được bài thơ Đi học của Hoàng Minh Chính in trên tập thơ thiếu nhi Mặt trời xanh của Nhà xuất bản Kim Đồng. Những câu thơ của Hoàng Minh Chính vốn đã mang nhạc tính nhưng qua sự sáng tạo của Bùi Đình Thảo những hình ảnh trở nên sinh động hơn, thi vị hơn, riêng biệt hơn. Với chất liệu dân ca Tày, Nùng, nhạc sĩ Bùi Đình Thảo đã dệt nên một giai điệu đẹp, trong vắt như lời thơ Minh Chính. Nhạc đã chắp cánh cho lời thơ thăng hoa, dễ thuộc mà khó quên, từ đó trở đi bài Đi học gần như trở thành hành khúc của ngày tựu trường.

Mặc dù có nhiều ca sĩ thể hiện ca khúc Đi học, với nhiều cách hòa âm phối khí đa dạng, nhưng nhìn chung, phần nhạc dạo đầu của ca khúc, âm hưởng dân ca Tày, Nùng của vùng trung du Bắc Bộ, gần như vẫn được giữ nguyên vẹn. Tạ Quang Thắng và Anh Khang hát lại theo lối luyến láy R&B, được đông đảo thính giả trẻ hưởng ứng. Tại chương trình Giai điệu Tự hào số 5, nhạc sĩ Quốc Trung cũng gây nên cuộc tranh luận gay gắt khi tung ra bản phối mới với dàn dây và sự thể hiện của rocker Nguyễn Công Hải cho ca khúc Đi học. Tất cả sự quan tâm, tranh luận của khán giả thể hiện sức sống mãnh liệt của bài hát đã vượt thời gian đến với nhiều thế hệ người nghe.

Lễ Khai giảng năm học mới 2021-2022, do dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh BR-VT vẫn diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho thầy cô giáo và học sinh, nên lễ khai giảng được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Dù có chút thiệt thòi vì không được đến trường như những năm trước nhưng lễ khai giảng năm nay sẽ là một kỷ niệm đặc biệt khó quên trong đời nhiều cô cậu học trò. Và trong những khoảnh khắc đón chào năm học mới với nhiều thử thách, hẳn nhiều người chợt nhớ đến giai điệu mộc mạc, giản dị và trong trẻo của Đi học. “Chim đùa theo trong lá/ Cá dưới khe thì thào/ Hương rừng chen hương cốm/ Em tới trường hương theo”.

VŨ THANH HOA

;

Video liên quan

Chủ Đề