Báo cáo đánh giá luật số 69

Hội thảo được Bộ Tài chính tổ chức sáng 17/3, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn. Tham gia hội thảo gồm hơn 50 đại biểu gồm đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội; đại diện một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; Cục Tài chính doanh nghiệp và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; Viện Chiến lược chính sách tài chính, Học viện Tài chính và các cơ quan thông tấn báo chí. Đây là hội thảo thứ ba được tổ chức trong chương trình xây dựng Luật thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69).

Giải quyết nhiều vướng mắc lớn trong hoạt động doanh nghiệp

Tại hội thảo, đại diện nhiều cơ quan, tập đoàn, tổng công ty đánh giá rất cao các nội dung mới, định hướng, nguyên tắc xây dựng luật thay thế Luật số 69 mà Bộ Tài chính đề xuất. Theo đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc xây dựng luật với định hướng này là một bước ngoặt lớn về chính sách, là sự thay đổi tư duy trong cách quản lý. Tuy nhiên, việc thay đổi như vậy cũng đòi hỏi nhiều chính sách pháp luật khác phải đồng bộ theo.

Bày tỏ sự phấn khởi với các định hướng sửa đổi lần này, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) cho rằng với các nội dung mới về xác định vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp… sẽ tạo sự thay đổi cơ bản, tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho các doanh nghiệp nhà nước. Với VNPT, một tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ, việc sắp xếp, tái cơ cấu, đổi mới quy trình hoạt động sẽ được thuận lợi, nhanh chóng hơn.

Báo cáo đánh giá luật số 69

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tuấn

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu tán thành cao là việc quy định rõ vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp. Theo ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines, nguyên tắc này thực thi sẽ giải quyết được rất nhiều vướng mắc, tắc nghẽn lâu nay trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như xác định quyền sở hữu tài sản, đầu tư, quản lý các công ty con…

“Khi vốn đã được đầu tư vào doanh nghiệp thì được xác định là vốn của doanh nghiệp. Họ đầu tư vào đâu là thẩm quyền của doanh nghiệp. Điều này giải quyết rất nhiều vướng mắc. Như VNA đã cổ phần hóa gần 10 năm nhưng sổ đỏ của doanh nghiệp mãi vẫn không được đổi sang tên mới vì vốn trước đây trả tiền thuê đất một lần có nguồn gốc từ ngân sách… Nếu đây được hiểu là vốn của doanh nghiệp thì không còn vấn đề này” - ông Trần Thanh Hiền nói.

Cùng quan điểm này, đại diện tập đoàn điện lực (EVN), ông Võ Hồng Lĩnh - thành viên Hội đồng thành viên EVN, Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Kế toán cho biết, EVN lâu nay rất vất vả trong việc quản lý, giải trình về vốn của mình tại các công ty con. Với nguyên tắc này, EVN sẽ được chủ động hơn trong các quyết định.

Thống nhất cao với quan điểm, nguyên tắc, phương pháp tiếp cận dự thảo luật của Bộ Tài chính, ông Lưu Văn Tuyển - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng chia sẻ nội dung tách bạch về vốn nhà nước tại doanh nghiệp là thay đổi rất quan trọng để người quản lý doanh nghiệp tự tin, chủ động trong điều hành.

Ông Lưu Văn Tuyển phân tích, Nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp, nhưng khi doanh nghiệp đầu tư vào công ty con thì phải xác định đó là vốn của doanh nghiệp chứ không phải là vốn Nhà nước, Nhà nước chỉ quản lý vốn của doanh nghiệp, chứ không phải vốn tại cả công ty con.

Báo cáo đánh giá luật số 69

Toàn cảnh hội thảo do Bộ Tài chính tổ chức sáng 17/3. Ảnh: Mạnh Tuấn

Làm rõ trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu

Bên cạnh đó, đại diện Petrolimex đánh giá cao quan điểm giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, từng lĩnh vực hoạt động và bám sát nguyên tắc tổng thể không đánh giá từng dự án. “Rất cần cụ thể hóa quy định này. Khi cơ hội kinh doanh đến phải nắm bắt, có thể giai đoạn đầu lỗ, nhưng về sau lãi thì tổng thể vẫn đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn nhà nước” - ông Lưu Văn Tuyển nói.

Tại hội thảo, nhiều đại diện doanh nghiệp cũng nêu bất cập trong quan hệ giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và các doanh nghiệp. Theo Luật số 69 có từ “sử dụng vốn”, nên doanh nghiệp có bất cứ hoạt động gì về sử dụng vốn đều phải báo cáo.

Ông Lưu Văn Tuyển nêu thực tế, Petrolimex có nhiều dự án, công trình lớn, bên cạnh đội ngũ nhân sự của tập đoàn thì còn phải thuê rất nhiều tư vấn, chuyên gia quốc tế. Trong khi đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ có vài ba người thẩm định, lại không có quyền thuê chuyên gia, tư vấn, nên việc thẩm định, phê duyệt rất khó khăn.

Vì vậy, ông đề nghị phải giao cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm chung, tốt nhất trong kế hoạch đầu năm, để việc sử dụng được hiệu quả nhất, kịp tiến độ. “Ủy ban có ít người, làm sao nắm hết các dự án. Ủy ban quản lý vốn, nhưng cơ quan quản lý chuyên ngành lại là Bộ Công thương. Bộ mới nắm rõ các hồ sơ chuyên ngành, nên rất khó cho Ủy ban” - ông Lưu Văn Tuyển cho hay.

Đây cũng là khó khăn của một số tập đoàn, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo ông Võ Hồng Lĩnh, EVN thường đầu tư các dự án lớn, trên nhóm B, nên các dự án đều phải xin ý kiến nhiều cấp. Là cơ quan đại diện chủ sở hữu, nhưng nhiều dự án Ủy ban Quản lý vốn không thể nắm rõ, khó đánh giá nên chậm trễ nhiều. Do đó, ông đề nghị trong luật tới đây cần làm rõ thẩm quyền của doanh nghiệp, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu tới đâu để doanh nghiệp dễ thực hiện, việc sử dụng vốn được hiệu quả nhất.

Ngoài ra, một số tập đoàn, tổng công ty cũng kiến nghị một số nội dung cụ thể như cho phép công ty mẹ được cho công ty con vay vốn; chính sách tiền lương, thưởng phù hợp để tạo động lực, tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp; tách bạch nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh doanh của doanh nghiệp; quy định cho đầu tư, thoái vốn tại nước ngoài…/.