Báo cáo một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2022

Bài viết đánh giá kết quả quá trình thực thi hệ thống chính sách xã hội ở nước ta theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 do Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành; qua đó đề ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới.

Ảnh minh họa: internet

1. Hệ thống chính sách xã hội Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020

1.1. Chính sách ưu đãi với người có công

Thứ nhất, về công tác xây dựng, hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách.

Ngày 01/6/2012, Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 15-NQ/TW một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 [Nghị quyết số 15-NQ/TW]. Nghị quyết khẳng định quan điểm: “Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.

Để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13 ngày 16/7/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng [Pháp lệnh số 04/2012/ PL-UBTVQH13] và Pháp lệnh số 05/2012/ UBTVQH13 ngày 20/10/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”[Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13]. Theo đó, đối tượng được mở rộng; điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận đã cơ bản hoàn thiện và phù hợp thực tiễn; các chế độ ưu đãi được nâng lên, nội dung ưu đãi được luật pháp hoá và trở thành một hệ thống chính sách bao gồm nhiều mặt của đời sống [trợ cấp, phụ cấp, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi về giáo dục - đào tạo, việc làm, ruộng đất, tín dụng, thuế...]; quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Chỉ thị số 14/CT-TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng nhấn mạnh: “Thực hiện tốt hơn nữa công tác người có công với cách mạng; phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú”.

Báo cáo số 146/BC-LĐTBXH ngày 04/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tổng kết thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng [2014 - 2018] cho thấy việc triển khai thực hiện chính sách ưu đãi người có công đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như sau:

Chính phủ đã ban hành 02 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 quyết định và 03 chỉ thị hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành theo thẩm quyền và phối hợp với các bộ, ngành ban hành 06 thông tư và thông tư liên tịch để hướng dẫn trình tự, thủ tục xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ,.. theo chức năng và thẩm quyền được giao, đã ban hành Thông tư hướng dẫn về trình tự thủ tục, chế độ quản lý nhà nước về xác nhận và thực hiện ưu đãi liên quan đến người có công với cách mạng.

Thứ hai, về công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách.

Chính sách đối với người có công được tuyên truyền, phổ biến dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương và thông qua các cuộc sinh hoạt, tổ chức các sự kiện, hoạt động của các cơ quan, đoàn thể, hội quần chúng,... như: “Đi tìm đồng đội”, “Trở về từ ký ức” của Đài Truyền hình Việt Nam; cuộc thi viết về “Ký ức người lính” do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân tổ chức; chuyên đề giải đáp chính sách ưu đãi người có công của Đài Tiếng nói Việt Nam, tổ chức hội nghị biểu dương người có công với cách mạng hàng năm,…

Thứ ba, về công tác kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện chính sách ưu đãi người có công.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp triển khai thực hiện quyết liệt với mục tiêu đặt trọng tâm cải cách hành chính trong lĩnh vực người có công, trong đó chú trọng cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, cụ thể: bãi bỏ 01 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 21 thủ tục hành chính trên tổng số 43 thủ tục hành chính, chiếm tỷ lệ 50% thủ tục hành chính hiện hành, tích cực chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý[1]; điều chỉnh tổ chức, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả cấp trung ương và địa phương[2],…

Thứ tư, về công tác xác nhận người có công[3].

Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công. Trong đó, số người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng gần 1,4 triệu người. Công tác xác nhận người có công được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật; có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, huy động trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Thứ năm, về thực hiện chế độ ưu đãi người có công[4].

Tính đến tháng 7/2019, mức trợ cấp ưu đãi người có công là 1.515.000 đồng [cao hơn mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng của cán bộ, công chức hiện nay]. Hiện tại, các đối tượng có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng là gần 1,4 triệu người và hơn 500.000 thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng với tổng kinh phí khoảng 29.000 tỷ đồng/năm. Tổng kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hàng năm khoảng 31.000 tỷ đồng [bao gồm trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm y tế, công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa,...].

Các ưu đãi về nhà ở, giáo dục và đào tạo, cấp thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết việc làm, chế độ điều dưỡng, chính sách xây dựng, quản lý các công trình ghi công liệt sĩ và quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được thực hiện tốt và đạt nhiều kết quả nổi bật.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách ưu đãi với người có công vẫn còn những vướng mắc, bất cập sau:

Một là, một số tiêu chí, khái niệm, điều kiện, tiêu chuẩn để xem xét, công nhận người có công với cách mạng chưa được giải thích, làm rõ; đang còn có những luồng ý kiến, cách hiểu khác nhau nên quá trình triển khai thực hiện thiếu nhất quán, lúng túng, còn bỏ sót một số chính sách.

Hai là, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng chưa thật hợp lý.

Ba là, việc giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng đang tồn đọng ở các địa phương trong một thời gian dài, với khối lượng khá lớn là một nhiệm vụ rất nặng nề, phức tạp đòi hỏi phải có sự vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện lịch sử của từng thời kỳ cách mạng và cần khẩn trương thực hiện.

Bốn là, một số tác động tiêu cực trong quá trình triển khai chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công chưa được thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời như khai hồ sơ không trung thực nhằm trục lợi chính sách [như thương binh và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…].

1.2. Chính sách an sinh xã hội

1.2.1. Chính sách việc làm

Cơ cấu lao động: theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, cơ cấu giới tính phân bố trong lực lượng lao động của Việt Nam tương đối cân bằng với tỷ trọng 52,7% nam giới và 47,3% nữ giới tham gia lực lượng lao động [LLLĐ]. Nhóm dân số tham gia LLLĐ nhiều nhất là từ 25-54 tuổi. Trong vòng 40 năm, từ năm 1989 đến nay, tỷ trọng nữ giới chiếm trong LLLĐ giảm nhẹ, từ 48,8% vào năm 1989 xuống còn 47,3% vào năm 2019. Tỷ trọng nữ trong LLLĐ chênh lệch không đáng kể giữa thành thị và nông thôn. Tỷ trọng này ở cả hai khu vực đều dao động ở mức 47,3%. Tỷ trọng phụ nữ tham gia LLLĐ thấp nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long [44,0%] và cao nhất tại Đồng bằng sông Hồng [49,6%].

Tuổi tham gia LLLĐ: dân cư khu vực thành thị tham gia vào thị trường lao động muộn hơn và rời khỏi thị trường lao động sớm so với dân cư khu vực nông thôn. Điều kiện sống càng cao thì tuổi tham gia thị trường lao động càng cao.

Lao động có việc làm theo trình độ chuyên môn kỹ thuật [CMKT]: lao động có việc làm được đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ trọng nhỏ, trong đó, gần một nửa đạt trình độ đại học và trên đại học. Tỷ trọng lao động có việc làm được đào tạo CMKT chiếm 23,1% [hơn 3/4 lao động có việc làm chưa được đào tạo, chiếm 76,9%]. Đa số lao động có việc làm chưa qua đào tạo đang cư trú ở khu vực nông thôn. Tỷ trọng lao động có việc làm và không có CMKT ở khu vực nông thôn cao gấp 1,3 lần ở khu vực thành thị [84,4% so với 60,7%]. Trong số lao động có việc làm có trình độ CMKT, có 45,9% lao động được đào tạo CMKT trình độ từ đại học trở lên. Con số này ở khu vực thành thị cao gấp 1,6 lần ở khu vực nông thôn [56,6% so với 33,6%].

Cơ cấu dân số có việc làm theo nghề nghiệp: lao động kỹ năng thấp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, nhóm nghề lao động giản đơn vẫn thu hút nhiều nhân lực nhất trong nền kinh tế với tỷ lệ 33,2%. Tuy nhiên, so với 10 năm trước đây, tỷ trọng lao động làm công việc giản đơn đã giảm mạnh [giảm 7,1 điểm phần trăm].

Thất nghiệp: tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam ở mức thấp [năm 2019 là 2,05%]. Tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ chuyên môn cao lớn hơn tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ chuyên môn thấp.

1.2.2. Chính sách thu nhập và giảm nghèo

Đối với chính sách thu nhập: tính chung năm 2019, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 6,7 triệu đồng/tháng, trong đó thu nhập của lao động nam là 7,1 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,3 triệu đồng/tháng, lao động thành thị là 7,8 triệu đồng/tháng, lao động nông thôn là 5,9 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương năm 2019 của nhóm “Nhà lãnh đạo trong các ngành, các cấp và các đơn vị” là 11,4 triệu đồng/tháng, tăng 1,7 triệu đồng so với năm trước; nhóm “Nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao” là 9,2 triệu đồng/tháng, tăng 01 triệu đồng; nhóm “Lao động giản đơn” là 4,8 triệu đồng/tháng, tăng 717 nghìn đồng. Thu nhập bình quân tháng từ công việc làm công hưởng lương năm 2019 của lao động có trình độ trên đại học trở lên là 9,3 triệu đồng/tháng, tăng 1,06 triệu đồng so với năm trước; lao động có trình độ sơ cấp là 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 1,08 triệu đồng; lao động chưa học xong tiểu học là 5 triệu đồng/tháng; lao động chưa từng đi học là 4,2 triệu đồng/tháng.

Đối với chính sách giảm nghèo bền vững: người nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân ở huyện nghèo vùng đặc biệt khó khăn được hưởng tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, hỗ trợ di dân định canh định cư, giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ về nhà ở, nước sinh hoạt, điện thắp sáng, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ tiền điện... Trẻ em trong các hộ gia đình nghèo được miễn học phí và các khoản đóng góp, được nhận học bổng và trợ cấp xã hội, hỗ trợ học bán trú, tín dụng học sinh, sinh viên, dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số...

Năm 2015, Việt Nam đã trở thành một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều [giai đoạn 2016-2020]. Để nâng cao hiệu quả của chính sách giảm nghèo, Quốc hội và Chính phủ đã gộp các chương trình xóa đói, giảm nghèo lại thành “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020”[5] với tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 là 48.397 tỷ đồng, trong đó 95,7% huy động từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Nhà nước còn bố trí 44.214 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng. Các địa phương trong cả nước còn huy động được khoảng hơn 7.303 tỷ đồng, trong đó, chi hoạt động an sinh xã hội, giảm nghèo hơn 5.560 tỷ đồng trong các năm 2016 và 2017[6].

Theo Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35%. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân giảm từ 01đến 1,5%/năm. Riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3% đến 4% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người đã được nâng lên nhưng còn thấp và tình trạng bất bình đẳng vẫn xảy ra. Tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao ở một số vùng, địa phương, đặc biệt là ở vùng miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Giảm nghèo thiếu bền vững và nguy cơ tái nghèo còn cao. Từ năm 2010, Việt Nam đã gia nhập vào nhóm thu nhập trung bình, do vậy hỗ trợ ODA của cộng đồng quốc tế giảm dần, đòi hỏi phải sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực hạn chế dành cho an sinh xã hội nói chung và cho giảm nghèo nói riêng. Mặt khác, vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, thảm họa thiên nhiên ngày càng nhiều hơn và khó kiểm soát làm tăng nhóm dễ bị tổn thương; một bộ phận hộ nghèo không thể tự vươn lên thoát nghèo, đòi hỏi phải có những chính sách đặc thù.

1.2.3. Chính sách bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội [BHXH] Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, ban hành 57 văn bản tham gia xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương và Đề án cải cách chính sách BHXH; xây dựng 6 báo cáo quan trọng phục vụ cho công tác giám sát, quản lý quỹ BHXH và công tác xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH. Năm 2018, BHXH Việt Nam đã ban hành 12 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, chấn chỉnh, phòng chống thất thoát quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; tổng hợp ban hành 11 văn bản đề nghị các bộ, ngành hướng dẫn xử lý những vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật việc làm.

Đến nay, theo ước tính toàn ngành đã giải quyết cho 122.843 người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp hàng tháng, giảm 18% so với năm 2017 [trong đó, hưởng lương hưu là 99.290 người, giảm 22% so với năm 2017]; 810.033 người hưởng các chế độ BHXH một lần, tăng 17% so với năm 2017 [trong đó hưởng BHXH một lần là 695.363 người, tăng 23% so với năm 2017]; 9.750.393 người hưởng các chế độ ốm đau - thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe tăng 6,28% so với năm 2017. Tiếp nhận và giải quyết kịp thời gần 4.000 công văn, đơn thư, tham gia tiếp công dân và giải quyết nhiều trường hợp phức tạp đơn, thư khiếu nại, tố cáo kéo dài[7].

Hiện nay, toàn ngành đang quản lý và chi trả cho hơn 3 triệu người hưởng các chế độ BHXH hàng tháng, phương thức chi trả được thực hiện bằng nhiều hình thức, linh hoạt cho người hưởng; đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chi trả các chế độ BHXH qua cơ quan bưu điện với 11.164 xã, phường [đạt tỷ lệ 100%]; số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM trên cả nước chiếm khoảng 21% tổng số người hưởng các chế độ. Mặc dù vậy, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ BHXH tăng chậm; số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức [nơi người lao động dễ bị tổn thương], còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thoả đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế,…

1.2.4. Chính sách đảm bảo mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân

Về bảo đảm giáo dục: kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, trải qua 10 năm, giáo dục phổ thông đã có sự cải thiện rõ rệt trong việc tăng tỷ lệ đi học chung và đi học đúng tuổi. Trong đó, bậc trung học phổ thông có sự cải thiện rõ rệt; tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch về thực trạng đi học ở bậc học này giữa hai giới và giữa các vùng kinh tế - xã hội. Ngoài ra, hơn 1/3 dân số từ 15 tuổi trở lên đạt trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên có sự khác biệt về trình độ học vấn giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn, giữa các vùng kinh tế - xã hội và giữa các nhóm dân số phân theo mức độ giàu nghèo.

Từ thực tế đó, để đảm bảo khả năng tiếp cận sàn giáo dục hiện nay, cần tiếp tục thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án về giáo dục. Mở rộng và tăng cường các chế độ hỗ trợ, nhất là đối với thanh, thiếu niên thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn để bảo đảm phổ cập giáo dục bền vững. Tăng số lượng học sinh trong các trường dân tộc nội trú, mở rộng mô hình trường bán trú; xây dựng và củng cố nhà trẻ trong khu công nghiệp và vùng nông thôn. Xây dựng đề án phổ cập mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi. Nâng cao chất lượng phổ cập trung học cơ sở, đặc biệt là đối với con em hộ nghèo, dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Về bảo đảm y tế: tiếp tục triển khai chiến lược, các chương trình, đề án về y tế, nhất là đề án khắc phục quá tải ở các bệnh viện. Cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở các tuyến cơ sở, ưu tiên các huyện, xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoàn thiện việc phân công quản lý các đơn vị thuộc ngành y tế ở địa phương. Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em.

Nâng cao hiệu quả sử dụng bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, các hộ nghèo. Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế, đổi mới công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế, có chính sách khuyến khích người dân, nhất là người có thu nhập dưới mức trung bình tham gia bảo hiểm y tế. Đến năm 2020, trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Về bảo đảm nhà ở: hiện nay, tình trạng thuê/mượn nhà đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở khu vực thành thị và các địa phương đông dân cư, có nhiều khu công nghiệp. Do đó, thời gian tới, cần đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục thực hiện chương trình xoá nhà tạm giai đoạn 2013 - 2020. Đổi mới cơ chế hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị để có giá thuê, giá mua hợp lý với các đối tượng. Tập trung khắc phục những khó khăn về đất đai, quy hoạch, vốn, thủ tục, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội, có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu công nghiệp.

Về bảo đảm nước sạch: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 với các dự án: 1] Cấp nước sinh hoạt và môi trường nông thôn; 2] Vệ sinh nông thôn; 3] Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Do đó, cần tiếp tục ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở miền núi, hải đảo, vùng ngập lũ, vùng bị nhiễm mặn. Phấn đấu đến hết năm 2020, có 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 70% được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Về bảo đảm thông tin: ngày 18/01/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 119/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển thông tin, truyền thông nông thôn giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu phát triển hệ thống viễn thông, bưu điện, trung tâm thông tin, kênh truyền hình, internet… góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, dịch vụ, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, một bộ phận người nghèo, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo, vùng sâu, vùng cao chưa tiếp cận được thông tin; gần 90% hộ gia đình chưa có máy thu thanh và khoảng 75% hộ gia đình chưa có máy thu hình; còn 1.800 xã [chiếm 16,4% số xã, phường cả nước]. Nguồn nhân lực thông tin và truyền thông vẫn còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, đặc biệt là cán bộ thông tin và truyền thông cấp huyện, cấp xã, phường, thị trấn, đa số chỉ được đào tạo qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức.

1.2.5. Chính sách trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Trợ cấp xã hội ở cộng đồng: số lượng và tỷ lệ người được hưởng trợ cấp xã hội ở cộng đồng không ngừng tăng lên từ 2,6 triệu người [chiếm 1,63% dân số] năm 2014 lên 2,863 triệu người [chiếm 2,95% dân số] vào năm 2018. Trong số 2.863 triệu người đang hưởng trợ cấp tiền mặt hàng tháng ở cộng đồng có: 42.734 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 1.634.367 người cao tuổi; 1.012.623 người khuyết tật và 172.844 đối tượng khác.

Về phát triển cơ sở trợ giúp xã hội và chăm nuôi dưỡng tập trung: tính đến tháng 12/2018, nước ta có khoảng 420 cơ sở trợ giúp xã hội, với 14.500 cán bộ, nhân viên [bình quân 36 cán bộ, nhân viên/1 cơ sở]; nuôi dưỡng, chăm sóc 41.434 đối tượng bảo trợ xã hội [bình quân chăm sóc nuôi dưỡng 103/01 cơ sở]; trong đó có 11.365 trẻ em; 4.723 người cao tuổi; 8.218 người khuyết tật nặng; 10.438 người tâm thần; 1.421 người nhiễm HIV/AIDS và 5.269 đối tượng khác. Trong số 420 cơ sở trợ giúp xã hội có 213 cơ sở công lập và 207 cơ sở ngoài công lập; xét về số lượng cơ sở trợ giúp xã hội thì khu vực ngoài công lập cũng chiếm tỷ lệ 49%.

Trợ giúp đột xuất: tính từ năm 2010 - 2018, thiên tai đã làm 2.150 người chết và mất tích, 3.391 người bị thương, 41.329 lượt nhà bị đổ, sập, trôi, 3.156.312 lượt nhà bị ngập, hư hại, tốc mái, hàng triệu lượt hecta lúa và hoa màu bị thiệt hại, hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp. Ước tổng thiệt hại về tài sản, hoa màu, cơ sở hạ tầng khoảng 152.547 tỷ đồng.

Chính sách trợ giúp đột xuất đã và đang được hoàn thiện theo hướng từng bước bảo đảm ổn định đời sống dân sinh và khắc phục một phần hậu quả thiên tai. Để bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách, trong vòng 5 năm từ 2014 - 2018, Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương 195.261 tấn gạo 11.403.756 lượt người. Việc trợ giúp khẩn cấp cho những người, hộ gia đình gặp rủi ro, đặc biệt do thiên  tai được thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ: chính sách trợ cấp thiên tai được thực hiện theo từng bước hoàn thiện nên đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu về bảo đảm an sinh cho người dân trong tình trạng khẩn cấp.

Tuy nhiên, chính sách xã hội vẫn bó hẹp trong phạm vi bảo trợ của Nhà nước, chưa khuyến khích tư nhân, gia đình, cá nhân tham gia cung cấp các dịch vụ bảo trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình và ở cộng đồng. Mức chuẩn trợ cấp xã hội còn thấp, chỉ bằng 20% mức sống tối thiểu và bằng 35% chuẩn nghèo. 

2. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện các chương trình, chính sách đối với người có công và bảo đảm an sinh xã hội. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Báo cáo kết quả công tác hàng năm của cấp ủy và chính quyền các cấp ở địa phương phải có nội dung về thực hiện chính sách người có công và an sinh xã hội.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội tại mỗi địa phương để người dân có thể truy cập dễ dàng. Tiếp tục phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái, chăm sóc, giúp đỡ người có công, người nghèo.

Ba là, đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ưu đãi người có công và an sinh xã hội. Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ, đơn giản và hiệu quả; vừa hỗ trợ, vừa khuyến khích nỗ lực vươn lên của các đối tượng thụ hưởng, khắc phục sự ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước.

Bốn là, thống nhất về đầu mối quản lý các chương trình, chính sách theo hướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương chỉ quản lý mục tiêu, hỗ trợ nguồn lực, hướng dẫn thực hiện, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, phố biến điển hình; địa phương chịu trách nhiệm quản lý nguồn lực, tổ chức thực hiện. Nâng cao năng lực thực thi chính sách của cấp cơ sở.

Năm là, hiện đại hóa công tác quản lý, phương thức chi trả; xây dựng cơ sở dữ liệu hộ gia đình, mã số cá nhân và bộ chỉ số an sinh xã hội để quản lý, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách an sinh xã hội trong từng thời kỳ. Hàng năm có báo cáo quốc gia về an sinh xã hội, trong đó làm rõ kết quả thực hiện chính sách xã hội ở các huyện nghèo, vùng núi, biên giới, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Bảy là, Nhà nước bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện chính sách người có công; đồng thời quan tâm bố trí ngân sách và đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực cho việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tám là, đổi mới việc phân bổ nguồn lực đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu của các chính sách an sinh xã hội. Phân cấp mạnh cho các địa phương và đề cao trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý, sử dụng, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện. Hoàn thiện các quy định về việc quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của tổ chức và cá nhân, bảo đảm minh bạch, hiệu quả./.

-----------------------------------------------

Ghi chú:

[1] Đã tích cực chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước như: số hóa hồ sơ người có công; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ để cung cấp thông tin phục vụ việc tìm kiếm mộ liệt sĩ trong cả nước.

[2] Tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Người có công giảm 25% số phòng, giảm 10% số cán bộ, công chức, viên chức. Ở cấp huyện đã bố trí từ 01- 02 cán bộ làm công tác người có công, ở cấp xã đều bố trí cán bộ chuyên trách công tác lao động - thương binh và xã hội, nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện chính sách ưu đãi người có công.

[3] Báo cáo số 146/BC-LĐTBXH ngày 04/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Tổng kết thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

[4] Nghị định số 58/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

[5] Trong đó bao gồm 5 dự án thành phần là: Chương trình 30a [giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện nghèo]; Chương trình 135 [Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi]; Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình.

[6] Một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù vùng dân tộc thiểu số và miền núi như: Chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn [Quyết định số 51/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012]; Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn [Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013]; Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 [Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016]; Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người, giai đoạn 2016 - 2025 [Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016]; Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số [Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018]; Chính sách hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2018 - 2025 [Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017]; Chính sách đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Chính sách giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Chính sách thực hiện một số mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển bền vững sau năm 2015; Chính sách phát triển tổng thể kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 [Nghị quyết số: 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV],…

[7] Điểu Bá Được [2019]: “Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội năm 2018: Kết quả, vấn đề đặt ra và giải pháp năm 2019”, Tạp chí Bảo hiểm xã hội điện tử, link truy cập: //tapchi baohiem xahoi.gov.vn/tin-tuc/thuc-hien-chinh-sach-bhxh-nam-2018-ket-qua-van-de-dat-ra-va-giai-phap-nam-2019-20887.

ThS Nguyễn Hữu Hoàng - Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

tcnn.vn

Video liên quan

Chủ Đề