Ca khúc nhạc sĩ y vân là ai?

   Vào ngày 28-11-1992, nhạc sĩ Y Vân, tác giả của những ca khúc nổi tiếng Lòng Mẹ, 60 Năm Cuộc Đời, Sài Gòn, Ảo Ảnh… trút hơi thở cuối cùng. Đúng như nội dung ca khúc “60 Năm Cuộc Đời” được ông viết theo phong cách rock ‘n roll: “Em ơi có bao nhiêu. Sáu mươi năm cuộc đời…”, nhạc sĩ Y Vân sống tròm 60 năm như đó là định mệnh được báo trước [sinh năm 1933].

   Nhạc sĩ Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933 tại Hà Nội [quê gốc ở Thanh Hóa]. Thuở niên thiếu, Trần Tấn Hậu từng theo học nhạc với Giáo sư – nhạc sĩ Tạ Phước và cũng đã tập tành sáng tác từ rất sớm nhưng không mấy thành công. Mồ côi cha, nhà nghèo, mấy mẹ con dắt díu nhau nương náu trong một túp lều xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên. Chính vì thế, Trần Tấn Hậu rất thương mẹ và các em.

Nhạc sĩ Y Vân [đứng]

   Chàng nhạc sĩ nghèo phải đi dạy đàn để nuôi gia đình. Có một người bạn thân giới thiệu anh đến dạy đàn cho một tiểu thư khuê các – nàng tên là Tường Vân. Rồi giữa họ hé nở một mối tình đằm thắm. Nhưng… tình đầu tan vỡ cũng là lẽ thường, huống chi chàng chỉ là anh “Trương Chi” si tình khốn khổ, còn nàng lại là một “Mỵ Nương” danh gia vọng tộc. Không thành duyên nhưng… thành danh, một loạt các ca khúc của tác giả Y Vân [có nghĩa là Yêu Vân] ra đời như: Đò Nghèo, Ảo Ảnh, Nhạt Nắng... với phong cách tha thiết, trữ tình rất được công chúng yêu thích. Không chỉ có vậy, sáng tác của Y Vân còn rất đa dạng: vui tươi, sôi động với Sài Gòn, 20-40, Anh Về Thủ Đô, lung linh, sang trọng với Tiếng Trống Cao Nguyên, Những  Bước Chân Âm Thầm [thơ Kim Tuấn] và nhất là ca khúc Lòng Mẹ êm ái đầy xúc cảm…

Có thông tin ghi rằng bài hát Lòng Mẹ được viết năm 1952. Tuy nhiên theo nhạc sĩ Y Vũ, em trai của nhạc sĩ Y Văn, năm 1952 nhà ông còn ở Hà Nội, đến năm 1954 mới di cư vào miền Nam sinh sống và sáng tác bài Lòng mẹ năm 1957.

Nhạc sĩ Y Vũ kể lại: “Cuối thập niên 1950, anh Y Vân là nhạc công chơi cho các nhà hàng ở Sài Gòn. Hằng đêm, mẹ ở nhà giặt quần áo ở máy nước công cộng, có lần giặt đến 2 giờ sáng thì bị cảnh sát đến nhắc nhở vì quá giờ giới nghiêm. Đến sáng, anh tôi về nhà, biết chuyện đã khóc và viết ra Lòng Mẹ.

   Câu hát tha thiết: Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu. Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ. Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ. Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ… Thương con thao thức bao đêm dài, con đà yên giấc, mẹ hiền vui sướng biết bao. Thương con khuya sớm bao tháng ngày, lặn lội gieo neo, mái tóc trót đành đẫm sương…”. Viết xong, anh hát cho mẹ nghe và bà đã khóc”.

Hai anh em Y Vân, Y Vũ năm 1992, một năm trước khi ông qua đời.

   Thời điểm sau năm 1954, khi Y Vân di cư vào Nam, ông đã tiếp tục sáng tác, chơi nhạc, hòa âm và dạy nhạc, viết sách dạy nhạc và đàn guitar. Y Vân cũng là 1 trong 3 nhạc sĩ hòa âm nhiều ca khúc trước năm 75 nhất, bên cạnh nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi và Văn Phụng.

   Ngoài tân nhạc, Y Vân còn tâm huyết với dân nhạc, tiêu biểu là Dân Ca Ba Miền. Đó là tên của công trình nghệ thuật được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông phác thảo và Y Vân sưu tầm tài liệu với các công việc: sưu tầm bài hát, tài liệu, nhạc khí cổ, tuyển chọn ca sĩ, ca nương theo đúng mẫu xưa phù hợp với phong cách từng địa phương.

   Dự án bao gồm 20 tiết mục chia đều cho ba miền và đã được phát hành trong nước trong băng/đĩa Continental 6. Ngoài ra, còn phát hành ấn bản tiếng Anh với tên gọi Vietnamese Traditional Songs để tặng tòa đại sứ các nước và các cơ quan văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Tác phẩm này gây tiếng vang lớn và được tổ chức UNESCO khích lệ, hỗ trợ chuyên gia giúp củng cố hồ sơ di sản văn hóa thế giới. Hồ sơ hoàn thành năm 1974, được Bộ Ngoại giao cùng Bộ Thông tin xét duyệt và sẽ chính thức gửi cho UNESCO vào đầu năm 1975. Tuy nhiên vì biến cố 1975 nên cuối cùng không thể thực hiện được.

Một ca khúc tiêu biểu khác gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Y Vân là “Sài Gòn” [nhiều nơi ghi sai tên bài hát là Sài Gòn Đẹp Lắm]. Ca khúc này đã từng được 1 ca sĩ Singapore là Trương Tiểu Anh hát bằng tiếng Hoa.

Nhà báo Thụy Kha đã viết về “Sài Gòn đẹp lắm” như sau:

   “Ở Sài Gòn trước năm 75, cũng có nhiều nhạc sĩ viết ca ngợi “Hòn ngọc Viễn Đông” này nhưng phải tới khi Y Vân “xuất chưởng” bằng “Sài Gòn” với tiết điệu cha cha cha thì Sài Gòn mới thực sự có “Sài Gòn ca” của chính mình: “Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai. Đường xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay. Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này. Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”

Không có mô tả nào về Sài Gòn lại “rất Sài Gòn” như “Sài Gòn” của Y Vân. Nhất là với một chuyển đoạn thực sự trẻ trung, sôi động: “Lá la la lá la. Lá la la lá la. Tiếng cười cùng gió chan hòa niềm vui say sưa. Lá la la lá la. Lá la la lá la. Ôi đời đẹp quá, đẹp quá, tràn bao ý thơ”. [Trích báo Người Lao Động]

Tuy nhiên ca khúc được xem là gắn bó định mệnh với nhạc sĩ Y Vân chính là ca khúc “60 Năm Cuộc Đời”. Khi ở thời điểm sung sức nhất của cuộc đời, ông viết:

Em ơi có bao nhiêu
60 năm cuộc đời
20 năm đầu
Sung sướng không bao lâu

20 năm sau
Sầu vương cao vời vợi
20 năm cuối là bao…

Ơ là thế, đời sống không là bao
Ơ là bao, đời không lâu là thế…

Gần 40 năm sau đó, ông đã qua đời khi vừa tròn 60 tuổi, như một định mệnh nghiệt ngã.

Nhạc sĩ Y Vân được xem là một nhạc sĩ đa tài, và ông làm việc rất nhiều, kể cả ở những năm gần cuối đời nhằm đảm bảo cho gia đình có được một cuộc sống ổn định. Bà Minh Lâm, vợ cố nhạc sĩ Y Vân tâm sự:

“Nhiều người thêu dệt Y Vân thành một con người đa tình, trăng hoa. Là vợ chồng, mấy mươi năm đầu gối tay ấp nên tôi rất hiểu nhà tôi. Anh ấy là một người đàng hoàng, có gì cũng thật thà kể với vợ [kể cả những việc sâu kín như trường hợp lấy nghệ danh Y Vân]. Anh ấy rất có hiếu với mẹ và thương yêu vợ con. Thời gian sau năm 1975, Y Vân tham gia Đoàn ca nhạc Hương Miền Nam, rồi nhận viết nhạc cho nhiều nguồn: phối nhạc cho Saigon Audio, viết nhạc phim, nhạc nền cho sân khấu…

Vợ chồng nhạc sĩ Y Vân

   Anh làm việc cật lực bất kể ngày đêm. Ban trưa, nhìn anh xoay trần viết nhạc dưới mái tôn thấp nóng hầm hập, thấy thương vô cùng. Trời thương, nên giai đoạn đó anh được “đặt hàng” dồn dập, có thể nói là “ăn nên, làm ra”, nhờ đó mà gia đình chúng tôi xây lại được căn nhà tạm gọi là ngăn nắp, nhưng anh làm ra cho mẹ con chúng tôi hưởng, bởi chỉ một năm sau thì anh mất [28/11/1992]. Dạo ấy, đứng trước quan tài của anh đang được quàn tại Hội Âm nhạc TP HCM, mẹ chồng tôi không hề khóc một tiếng. Có lẽ tất cả nước mắt để khóc thương con, bà cụ đã âm thầm nuốt ngược vào trong. Chúng tôi nghe bà cụ nói: “Người đời thường bảo: Con “đi” trước mẹ là bất hiếu, nhưng mẹ chẳng trách con đâu bởi con đã làm tròn chữ hiếu ngay từ lúc viết xong bài Lòng Mẹ…”

Sau khi nhạc sĩ Y Vân mất thì chưa đầy một năm sau, mẹ của ông cũng qua đời.

nhacxua.vn tổng hợp và biên soạn

Sưu tầm : Hoàng Hoa

Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933 tại Hà Nội [quê gốc ở Thanh Hóa]. Thuở niên thiếu, ông từng theo học nhạc với Giáo sư - nhạc sĩ Tạ Phước và cũng đã tập tành sáng tác từ rất sớm. Mồ côi cha, nhà nghèo, cả nhà nhạc sĩ phải dắt díu nhau nương náu trong một túp lều xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên. Chính vì thế, ông rất thương mẹ và các em, ông phải đi dạy đàn để nuôi gia đình.

Năm 1952 ông vào Nam, tiếp tục sáng tác, chơi nhạc, hòa âm và dạy nhạc, ngoài ra còn viết sách dạy nhạc và đàn guitar. Ngoài ra ông còn là người đi tiên phong cho dòng nhạc nhẹ với những bài hát có giai điệu chachacha, disco, twist như: "Sài Gòn", "Ảo ảnh", "Sáu mươi năm cuộc đời", "Thôi".

Thời gian sau năm 1975, ông tham gia Đoàn ca nhạc Hương Miền Nam, rồi nhận viết nhạc cho nhiều nguồn: viết nhạc phim, nhạc nền cho sân khấu... Ông làm việc cật lực bất kể ngày đêm để tạo cuộc sống tương đối cho gia đình.

Y Vân là một trong số ít những nhạc sĩ Việt Nam sống hoàn toàn bằng âm nhạc. Ngoài việc sáng tác và làm việc cho các đài phat thanh và truyền hình, ông còn đánh đàn contrebass và guitar tại các phòng trà ca nhạc ở Sài Gòn và các Club Mỹ. Là một nghệ sĩ, ông ít có đầu óc thương mại, thường bán đứt bản quyền các bài hát ăn khách. Trong một thời gian ông và vợ có thực hiện một số băng nhạc lấy tên Trung Tâm Mây Hồng nhưng cũng không kéo dài lâu

Nhạc sĩ Y Vân có 2 đời vợ và 8 người con. Con trai đầu là Tuấn Vũ, con gái thứ hai tên Thy Vân, con thứ ba tên Ngọc Tuyền, con thứ tư tên Thanh Hằng, con thứ năm tên Tấn Phong, con thứ sáu tên Kim Sa, con thứ bảy tên Ngân Hà và con thứ tám là Ngọc Tú. Ông mất vào ngày 28 tháng 11 năm 1992 [tức ngày 05 tháng 11 năm Nhâm Thân - âm lịch]. Hưởng thọ 60 tuổi [đúng như dự đoán của ông trong bài 60 năm cuộc đời]

Bút hiệu Y Vân có nghĩa là "Yêu Vân", tên tiểu thư Tường Vân - người yêu đầu tiên của ông. Ông chọn tên này từ khi chuyện tình giữa ông và cô này tan vỡ. Một số ca khúc của ông đã được viết lên để nói lên tâm sự này: Đò nghèo, Ảo ảnh, Nhạt nắng.. [ theo Wiki Media]

Y Vân và Lòng Mẹ

Nhắc đến Y Vân là giới yêu nhạc nghĩ ngay đến ‘Lòng mẹ’ bất hủ dù ông có trên dưới 200 sáng tác thuộc đủ mọi thể loại. ‘Lòng mẹ’ là bản nhạc hay nhất và tiêu biểu nhất cho tình yêu bao la của người mẹ Việt Nam.

Sớm mồ côi cha từ nhỏ, tình yêu và lòng kính trọng đối với người mẹ tảo tần nuôi đàn con thơ có lẽ là những động lực sâu xa để nhạc sỹ Y Vân viết nên ‘Lòng mẹ’. Thế còn duyên cớ để cho ra đời bản nhạc này, theo như lời kể của nhạc sỹ Y Vũ, em trai của ông là: năm 1952, gia đình nhạc sỹ di cư vào Nam. Vào khoảng năm 1959, khi đó Y Vân là nhạc công có tiếng chơi cho các ban nhạc ở Sài Gòn mà khi đó đang là giai đoạn bắt đầu hưng thịnh của các phòng trà. Trong một đêm lo mải giặt đồ cho cả nhà ở cây nước công cộng trong xóm mà mẹ của Y Vân đã về trễ sau giờ giới nghiêm. Và kết quả là bà bị quân cảnh tạm giữ. Khuya đó khi đi diễn về, Y Vân nghe tin và ông vội vã đến đồn cảnh sát để bảo lãnh cho mẹ. Cũng trong đêm đó, Y Vân đã thức trắng đêm để viết nên ‘Lòng mẹ’. Sáng hôm sau, ông đã hát cho mẹ nghe và như thế có lẽ mẹ ông là người đầu tiên được nghe bản này.

Y vân và “ Ảo Ảnh Cuộc Tình “

Y Vân lập gia đình năm 1963, lúc này anh đã là trưởng ban nhạc Y Vân danh tiếng ở Sài Gòn [cùng với sự cộng tác của các ca sĩ Thanh Thoại, Tuyết Mai, Mai Hương…]. Một buổi trưa năm 1965, từ đài phát thanh, Y Vân dắt xe máy ra cổng chuẩn bị về thì có một chú bé chạy đến mời anh vào quán nước cạnh đấy. Nơi đây, một thiếu nữ khá xinh ngồi chờ sẵn, chú bé giới thiệu đó là chị của mình, tên Huyền, đang là sinh viên Ban Việt-Hán, Đại học Văn khoa Sài Gòn. Huyền có đôi mắt to, đen và buồn. Trên bâu áo của nàng có chít một mảnh tang đen. Y Vân cố nhớ lại xem mình đã gặp cô gái này ở đâu chưa, nhưng chịu thua. Theo phép xã giao anh ngỏ lời chia buồn. Nhưng cô gái lắc đầu, buồn bã: “Em đâu có người thân nào qua đời. Mảnh tang này là dành cho mối tình của em đó!”. Y Vân sượng sùng, anh cũng manh nha đoán rằng phải có một điều bí ẩn gì đó mới khiến cô gái này vượt qua nỗi e dè thường thấy của phái nữ, không ngại điều thị phi để đánh bạo gặp anh, nhưng cũng khó mở miệng để hỏi, đành chỉ ngồi nói chuyện bâng quơ một lát rồi viện cớ cáo từ.

Hai hôm sau, Y Vân tìm đến nhà Huyền theo địa chỉ cô đã cho. Đó là một căn nhà vách gỗ đơn sơ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ nằm bên chiếc ao rau muống trong con hẻm đường Trương Minh Giảng [gần chợ Phú Nhuận bây giờ]. Huyền không có nhà nhưng cậu em trai đã thổ lộ với chàng nhạc sĩ những điều thầm kín của chị mình. Chú bé cho biết họ là con của một địa chủ tiếng tăm ở Long An, được gia đình gửi lên Sài Gòn trọ học. Huyền rất thích âm nhạc và ca hát, đặc biệt là thích nhạc của tác giả Y Vân. Những cuốn vở học trò của Huyền cũng được cô kẻ khung, chép nhạc [hầu hết là nhạc của Y Vân]. Tiền gia đình gửi lên để Huyền hoàn tất chương trình cử nhân Văn khoa lại được nàng đem đóng học phí vào… lớp dạy đàn Tây Ban cầm. Suốt ngày Huyền chỉ ôm đàn và hát nhạc Y Vân.

Việc học bê trễ, mấy năm liền chẳng đậu thêm được chứng chỉ nào. Thấy vậy, ông bố đã bắt hai chị em về quê, ép gả Huyền cho một anh trung úy hải quân. Huyền quyết liệt từ chối. Bẽ mặt với nhà trai, ông bố đăng báo từ con. Huyền đau khổ, trút tâm sự với em trai rằng đã yêu nhạc sĩ Y Vân. Sau khi bàn tính, hai chị em trốn nhà lên Sài Gòn, Huyền phải tìm việc làm để mưu sinh và nuôi hy vọng có ngày sẽ được cùng người trong mộng kết tóc se tơ. Sau nhiều lần dò hỏi, biết chắc nhạc sĩ Y Vân đã có gia đình, Huyền làm một mảnh tang đen, luôn đeo nó trên bâu áo.

Nhưng lòng nàng lúc nào cũng tơ tưởng đến nhạc sĩ tài hoa. Nàng đã nhờ em trai tìm cách cho nàng gặp anh để nói với anh điều này. Nhưng khi gặp, nàng lại không dám nói. Y Vân ra về như chạy.

Và ca khúc Ảo ảnh ra đời sau đó:

“…Những ân tình em đong bằng nước mắt.

Khóc cho đầy hai chữ tình yêu.

Phấn hương nồng anh xem tựa tấm áo,

đã thay màu ân ái từ lâu.

Những neo thuyền yêu thương thường dễ đứt,

khiến bao chiều trên bến tịch liêu.

Vắng con tàu sân ga thường héo hắt.

Thiếu em lòng anh thấy quạnh hiu…”

.[ Theo Hà Đình Nguyên ]

Bài đọc thêm :

Y Vân và ảo ảnh cuộc đời từ cuốn Âm Nhạc Của Một Thời

Chân dung Y Vân do con trai của nhạc sĩ họa

Yêu cho thấy bao lâu đài

chỉ còn vài trang giấy

"Ảo ảnh", Y Vân

Một con đường sắt / trăm con tàu...

Câu hát ấy nghe được trong bài "Đêm tái ngộ" của Y Vân. Một cô bạn tôi nói rằng cô yêu nhạc Y Vân vì những câu hát nói về "con tàu và sân ga" như thế. Tôi nói như vậy thì cô yêu những... sân ga chứ đâu phải là yêu nhạc Y Vân. Cô bạn cười, nói rằng có nhiều bài nhạc nói về sân ga nhưng cô yêu những bài của Y Vân hơn cả. "Bài 'Tiễn em' của Phạm Duy và Cung Trầm Tưởng chẳng hạn, cô nó : "cũng hay vậy, nhưng có vẻ... Tây quá."

Tôi chắc không phải chỉ có "trăm con tàu" thôi mà biết bao nhiêu là con tàu đến và đi trong cuộc đời này, không làm sao đếm hết được. Sân ga vẫn nằm đấy, im lìm, hiu quạnh, như cõi lòng trống vắng, quạnh hiu của một người vừa tiễn đưa một người.

Hình ảnh con tàu và sân ga thường vẽ ra cảnh tượng buồn bã của một cuộc chia tay. Chia tay với con tàu, hay chia tay với sân ga, cũng là chia tay với một mối tình. Mối tình nào, tiếng còi tàu nào còn đeo đuổi cô bạn tôi mãi đến tận bây giờ, như đã đeo đuổi người nhạc sĩ đã viết nên những bản tình ca không hạnh phúc về những lứa đôi yêu nhau mà chẳng được gần nhau.

"Vì đời ai biết ta hơn mình!"

Vắng con tàu sân ga thường héo hắt

Thiếu anh lòng em thấy quạnh hiu

Câu hát ấy ở trong bài "Ảo ảnh" của Y Vân.

Sân ga là "chứng nhân" của bao cuộc hội ngộ và chia phôi, nụ cười và nước mắt, hợp tan và tan hợp.

Một trong những bài phổ thơ hay nhất của Y Vân, "Đêm giã từ", nói về nỗi buồn sân ga trong giờ phút tiễn đưa của đôi tình nhân.

Mưa buốt lạnh trong đêm / đứng trên thềm ga vắng

hắt hiu ngọn đèn vàng / em tiễn anh

Mưa gió lùa qua hiên / giữa khi mình lưu luyến

thì tiếng còi lạnh lùng xé màn đêm

Tiếng còi tầu "lạnh lùng" không chỉ "xé màn đêm" mà còn... "xé đôi lòng" [nói như câu hát trong bài "Biệt ly" của Dzoãn Mẫn, "Ôi, còi tầu như xé đôi lòng!"...].

Anh bước vào toa trong / mắt không rời ga vắng

Trời mưa chỉ làm buồn chúng mình thêm...

Ánh sáng cây đèn úa soi trên thềm

Còn đó chăng / là bóng em và bóng đêm

Còn nỗi buồn nào sâu hơn, tái tê hơn nỗi buồn sân ga "hắt hiu ngọn đèn vàng", khi tiếng còi tàu xa dần, khi bóng con tàu mờ dần trong tiếng mưa đêm, chỉ còn lại "bóng em và bóng đêm"...

Bài hát đã buồn, qua giọng buồn rã rượi của Thanh Thúy, nghe càng buồn hơn.

Những câu chuyện về "con tàu và sân ga", về một người đi xa, một người ở lại, thường là những chuyện không mấy... vui, có lẽ vì vậy Y Vân phải viết thêm "Đêm tái ngộ" để cho câu chuyện tình buồn "Đêm giã từ" ấy có một happy ending cho hợp lẽ tuần hoàn của đất trời, hợp rồi tan, tan rồi hợp.

Em đứng đây chờ anh trước thềm ga

hiu hắt cây đèn đêm giã từ xưa...

Anh bước xuống tàu / ngơ ngác vài giây

khi thấy em cười sau ánh đèn soi

Nhìn nhau mà nói không nên lời

Nơi cũ lúc xưa tay rời / thì nay lại tay cầm tay

"Tay cầm tay", như thế cũng tạm ổn, tuy nhiên sau đó cảm thấy vẫn... chưa đủ, nhạc sĩ bèn phải viết thêm "Nụ cười tái ngộ" để có một kết thúc tròn đầy, có nhân có hậu [như là... tên thật của ông, Trần Tấn Hậu]. Bài hát được yêu thích qua những giọng Trúc Mai, Lệ Thanh, Carol Kim...

Ôi, nụ cười thắm trên môi

Tủi hờn xưa đã vơi / những đau thương xa rồi...

Nếu hạnh phúc là giấc mơ / thì đã tròn ý thơ

không còn mong chờ

Sau nước mắt chia phôi là "nụ cười tái ngộ". Y Vân là thế, là con người nghệ sĩ yêu cái đẹp và đầy lòng nhân bản.

Bài nhạc buồn nhất của Y Vân không phải là "Đêm giã từ", và cũng không phải là bài... "Buồn".

Buồn như ly rượu đầy / không có ai cùng cạn

Buồn như ly rượu cạn / không còn rượu để say

Bài nhạc buồn nhất là bài có cái tựa cũng chỉ một chữ thôi, bài... "Thôi". Nhạc điệu và lời hát nghe sướt mướt, sụt sùi không kém gì bài "Sang ngang" của Đỗ Lễ.

Thôi em đừng khóc nữa làm gì...

Thôi em đừng tiếc / em đừng tiếc / đừng tiếc nữa

đừng để lòng anh trở lại kiếp u buồn...

Thôi, thôi bờ vai đừng rung động

đã hết rồi còn khóc nữa chi em

Nghe "Thôi" qua những giọng Thái Thanh, Hùng Cường, Jo Marcel mà nghe tim thắt lại, nghe ruột gan tái tê, héo hắt.

Một bài nhạc khác cũng khá buồn là "Chiều mưa công viên", nghe được qua những giọng Lệ Thanh, Mỹ Thể, Lệ Thu...

Chiều mưa công viên / ghế đá buồn tênh

Chiều mưa rét mướt / cỏ non trăm cánh

Ai thương ai dưới mưa buồn không?

Mưa trong đôi mắt chờ trông...

Mưa như mưa đã ngàn năm...

Như sợ rằng "Chiều mưa công viên" vẫn chưa đủ buồn, nhạc sĩ dắt ta đi vào chiều mưa... nghĩa trang.

Chiều mưa nghĩa trang / trời sa xuống thấp

Buồn không tiếng khóc / nhớ thương hết rồi

Người qua nghĩa trang / lòng xưa thức giấc

Nghe mưa lạnh lùng / nhớ nhau vô cùng...

["Chiều mưa nghĩa trang"]

Trong cái sống có chập chờn nỗi chết, trong xum họp có bàng bạc nỗi ly tan. Đôi lúc ta còn nghe ông "triết lý vụn" về cuộc sống bề bộn, về nỗi khát khao tìm đến sự bình an trong tâm hồn sau những miệt mài đeo đuổi, tìm kiếm. Như trong "Đồi thông", một bài Blues.

Hoài công tìm kiếm / trên bước đi thăng trầm

còn đâu đẹp hơn bên gốc thông ngàn

Lặng nghe muôn tiếng ca / quên niềm ưu phiền

vì đời ai biết ta hơn mình!

Bài hát nghe được qua những giọng Anh Ngọc, Duy Trác, Lệ Thu, Ban hợp ca Thăng Long, mỗi giọng có những nét đẹp riêng trong cách thể hiện.

Hay như "Hoàng hôn trên bãi biển", một bài Rumba, nói về những giấc mơ hư ảo của đời người, như những vết chân, những lâu đài trên cát.

Nhớ câu xưa rằng,

"Đừng làm lầu trên cát vàng

để rồi lầu tan theo sóng"...

Bóng ai xa rồi / mờ dần

Bàn chân gót trần / còn hình nằm soi trong nắng

Sóng xa vô tư dâng lên

tựa như chiếc khăn / ai đem xóa đi không còn

một vết chân mềm...

Hay như "Ảo ảnh", một bài Boston [sau đổi thành Rumba], nói về những đuổi bắt chiếc bóng tình yêu.

Yêu cho thấy bao lâu đài

chỉ còn vài trang giấy...

Kìa phồn hoa còn đó

Những con đường buồn vui lộng gió

Những ân tình chìm trong lòng phố

cũng theo hư không mà đi...

Thật khó mà kể ra cho hết được các bài nhạc của Y Vân, và cũng khó mà nói được giọng hát nào là "độc quyền" hoặc thích hợp với nhạc Y Vân, cho dù một vài ca sĩ từng hát nhiều bài của Y Vân như Lệ Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu, Phương Tâm... Tuy nhiên, có thể kể ra những giọng hát được xem là gắn liền với những bài hát phổ biến nhất của Y Vân, như:

Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết với "Đôi mái chèo trăng"; Thanh Thúy với "Lòng mẹ", "Đêm giã từ"; Minh Hiếu với "Ngăn cách"; Hồng Phúc với "Tình yêu thủy thủ"; Mai Trường-Trần Ngọc-Hồng Phúc với "Những bước chân âm thầm"; Phương Tâm với "60 năm", "20 – 40", "Thần tượng"; The Cat's Trio [ban nhạc nữ] với "Đêm đô thị"; Ban hợp ca Thăng Long với "Đồi thông"; Duy Trác với "Đừng lừa dối nhau", "Tôi sẽ đưa em về"; Sĩ Phú với "Người em sầu mộng"; Hà Thanh với "Cánh hoa thời loạn", "Tưởng vọng"; Thái Thanh với "Thôi", "Thương về năm Cửa Ô xưa"; Lệ Thanh với "Chiều mưa công viên", "Hoàng hôn trên bãi biển"; Yến Vỹ với "Sài Gòn"; Trúc Mai với "Về miền Tây", "Bóng người cùng thôn"; Hoàng Oanh với "Xa vắng", "Tình chàng ý thiếp", "Đôi mắt người xưa"; Nhật Trường với "Khi em nhìn anh"; Duy Khánh với "Hãy yêu tôi"; Khánh Ly với "U hoài"; Lệ Thu với "Ảo ảnh"; Mỹ Thể với "Thương anh"; Túy Phượng với "Người yêu lý tưởng"; Connie Kim với "Tình lính"; Carol Kim với "Đêm tái ngộ"; Vy Vân với "Đại lộ hoàng hôn"; Ngọc Long với "Những bước chân trên cao nguyên"; Ban Sao Băng với "Tôi trở về thành phố"; Hùng Cường với "Thúy đã đi rồi"; Mai Lệ Huyền với "Thiên thần mũ đỏ"; Elvis Phương với "Tát nước đầu đình"...

Có thể nói không ca sĩ nào ngày ấy mà không từng hát một bài nào của Y Vân.

Y Vân

"Tưởng lòng là mây theo gió về..."

Em yêu gì xa vắng

cho trời mây ướp buồn?

Tôi tin rằng thật khó mà tìm được chữ nào hay hơn và "thơ" hơn chữ "ướp" trong câu hát trên. Câu ấy ở trong bài "Những bước chân âm thầm", phổ một bài thơ năm chữ của Kim Tuấn. Lạ một điều, câu hát ấy cũng như những câu hát được nhiều người yêu thích trong bài nhạc ấy, không thấy có trong bài thơ được Y Vân phổ nhạc, chẳng hạn:

Anh yêu tình nở muộn

Chiều tím mầu mến thương

Tôi chắc những người yêu thơ sẽ thích hai câu "thơ" ấy. "Tình nở muộn", nghe không "mới" hay sao!

Mắt biếc sầu lắng đọng

Đèn thắp mờ bóng đêm

Hai câu này cũng được Y Vân thêm vào, làm cho bài thơ nghe "thơ" hơn và làm cho bài nhạc có một khí hậu trầm mặc của những "rặng thông già lặng câm", của "gió rét về lạnh căm" và của "từng bước, từng bước thầm", như vẽ lên hình ảnh thật cô đơn của một người lặng lẽ đếm bước trong chiều, tìm về những tháng năm kỷ niệm đã phôi pha.

Câu thơ "Tay đan đầy kỷ niệm" của Kim Tuấn được Y Vân đổi khác đi một chữ thành "Tay đan sầu kỷ niệm", nghe "buồn" hơn và lắng đọng hơn.

"Đời biết ai thương mình!..." [câu hát cuối, cũng được Y Vân thêm vào]. Bài hát kết thúc như một dấu hỏi lửng lơ, như nỗi buồn vướng vất, không trôi đi được, làm sâu thêm nỗi cô đơn của kẻ độc hành.

Thường thì khi phổ nhạc một bài thơ, vì những lý do "kỹ thuật", nhạc sĩ có thể thay đổi chút ít lời thơ, hoặc có khi phải đặt thêm lời cho bài thơ phổ nhạc. Những "sáng tạo" này của Y Vân chảy xuôi chiều với mạch thơ và phù hợp với tổng thể của bài thơ, cho thấy "tay nghề" phổ thơ của người nhạc sĩ .

Người ta yêu "Những bước chân âm thầm" là yêu nhạc điệu ấy lẫn những lời hát thật đẹp ấy, và cũng yêu cả những giọng hát trầm ấm của Mai Trường-Trần Ngọc-Hồng Phúc quyện vào nhau [cách thể hiện của Ban hợp ca Thăng Long và Ban Sao Băng sau này nghe cũng hay không kém]. Có vẻ như bài hát ấy hát "đơn ca" nghe không được hay, dẫu là những giọng ca xuất sắc.

"Những bước chân âm thầm" của Y Vân và "Anh cho em mùa xuân" của Nguyễn Hiền được xem là hai bài phổ thơ Kim Tuấn hay nhất. Rõ ràng là Y Vân đã làm cho người ta đi tìm bài thơ "Kỷ niệm" của Kim Tuấn, và cũng làm cho nhiều nhạc sĩ tìm đến thơ Kim Tuấn để phổ nhạc, và để mong có thêm được "Những bước chân âm thầm" khác.

Không kể những bài nhạc phổ thơ như "Đêm giã từ" và "Thôi", giới yêu nhạc cũng yêu thích những bài nhạc tình của Y Vân phổ từ thơ Lưu Trọng Lư, như "Người em sầu mộng":

Ai bảo em là giai nhân / cho lệ đêm xuân tràn

cho tình dâng đầy trước ngõ / cho mộng tràn gối chăn

Hoặc "U hoài":

Anh xin / muốn xin em đừng nói

Lệ buồn sẽ nhỏ trong đêm nay...

Hãy như chiếc sao băng / băng mãi

để lòng buồn / buồn mãi không thôi

Hoặc những bài phổ thơ Đinh Hùng, như "Hãy yêu tôi":

Tôi không yêu sao có má em hồng?

Tôi không buồn sao có mắt em trong?

Tôi không yêu sao có phấn hương nồng?

Tôi không mộng sao có lá thư xanh?

Một bài phổ thơ khác là "Dung nhan mùa hạ" [thơ Hoàng Huy], nghe được qua những giọng Duy Trác và Nhật Trường với lời hát khá "lập dị". Bài hát, có lẽ vì thế ít được phổ biến.

Y Vân

Khi em tắm nắng / cho tôi xin hai thước mặt trời

Vẻ kiêu sa thần vệ nữ ngàn đời...

Xin cho ngây ngất / bên dung nhan đan trắng hạ này

và cho xanh giấc ba mươi

"Xa vắng" và "Tình chàng ý thiếp" có thể gọi là phóng tác ý thơ "Chinh phụ ngâm khúc", kể về nỗi lòng chinh phụ của những "cánh hoa thời loạn", với con tim héo hắt, với âu lo thẫn thờ và nỗi nhớ thương dằng dặc qua bao năm chờ tháng đợi mỏi mòn.

Lê Hữu

Trở lại Trang Chính

Video liên quan

Chủ Đề