Các anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954

  • Bản tài liệu
  • Miêu tả
  • Bình luận
  • Tài liệu tương đương
  • Giao diện nhân viên

Tài liệu tương đương

Nhắc đến chiến thắng “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, chúng ta không thể không nhắc đến tinh thần chiến đấu quật cường, mưu trí, sáng tạo của quân dân ta. Hội tụ những phẩm chất cao quý này là những tấm gương anh hùng trực tiếp chiến đấu và tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ 1953-1954.

Bìa cuốn sách.

Trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, nhà thơ Tố Hữu từng ca ngợi: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt, còn ôm…/ Những bàn tay xẻ núi lăn bom/ Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện”...

Trong đoạn thơ trên, hình ảnh chiến trường khốc liệt như càng tôn lên vẻ đẹp bất tử của những tấm gương chiến đấu quả cảm của quân dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cũng nhờ đoạn thơ đầy chất sử thi hào hùng đó, từ lâu nhân dân ta đã biết đến một số tấm gương anh hùng tiêu biểu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, như: Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng… Tuy vậy, nhiều tấm gương anh hùng khác cũng có bề dày thành tích, chiến công rất đáng khâm phục, song chưa được nhiều người biết đến. Với mong muốn giới thiệu, quảng bá rộng rãi và tôn vinh những tấm gương chiến đấu đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ phối hợp với các cơ quan chức năng sưu tầm, tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách “Anh hùng LLVT nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Chân dung các Anh hùng LLVT nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được treo trang trọng tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: NGỌC PHÒNG

Với gần 160 trang, được in trên giấy đẹp, bìa cứng, cuốn sách giới thiệu về lý lịch, quê quán, cấp bậc, chức vụ, đơn vị công tác, tóm tắt thành tích chiến đấu, khen thưởng và thời gian tuyên dương danh hiệu anh hùng đối với 32 gương mặt xuất sắc nhất trong chiến dịch lịch sử này. Có thể kể ra những tấm gương anh hùng đã chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng tại mặt trận, như: Tiểu đoàn phó Nguyễn Ngọc Bảo; Đại đội phó Trần Can; Đại đội trưởng Hà Văn Nọa; chiến sĩ Hoàng Văn Nô…

Trong cuốn sách này, người đọc còn có cơ hội tìm hiểu những người anh hùng đã có những chiến công, hành động, lời nói truyền cảm hứng mạnh mẽ tới đồng chí, đồng đội cùng thời. Đó là Anh hùng Dương Quảng Châu trong một ngày đã 9 lần dẫn đầu tiểu đội đánh tan một tiểu đoàn địch. Anh hùng Hoàng Khắc Dược và Anh hùng Đinh Văn Mẫu, dù chỉ là tiểu đội trưởng nuôi quân nhưng vô cùng mưu trí, can đảm, rất mực yêu thương, chăm lo sức khỏe đồng đội với những bữa ăn no để có sức chiến đấu giết giặc lập công. Anh hùng Chu Văn Mùi, người vượt qua “mưa bom bão đạn” góp phần giữ vững mạch máu thông tin liên lạc cho quân ta. Anh hùng Nguyễn Tiến Thụ có nhiều sáng kiến hữu ích để phá các loại bom, bảo đảm giao thông thông suốt ở những “tọa độ lửa”. Anh hùng Phan Tư, người có lần xung phong ôm 6kg thuốc nổ đốt ngòi sẵn nhoài người ấn khối thuốc nổ vào khe đá, cùng đồng đội phá 30 thác trên sông Nậm Na, bảo đảm thông luồng cho thuyền của ta chở vũ khí phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ được thuận lợi. Anh hùng Trần Văn Cam dù đã 4 lần đơn vị làm lễ truy điệu sống, 11 lần bị bom vùi lấp nhưng vẫn kiên trì, kiên cường rà phá kịp thời hơn 120 quả bom các loại, góp phần giải phóng đường cho xe ta vào mặt trận Điện Biên Phủ.

Người đọc cũng có dịp tiếp cận tấm gương Anh hùng Lê Văn Dỵ với câu nói nổi tiếng “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”-một câu khơi nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác bài hát “Hành quân xa” nổi tiếng, có sức cổ vũ tinh thần chiến đấu cho bộ đội ta. Anh hùng Đặng Đình Hồ được anh em đồng đội khấm phục ví “Nhanh như sóc, mạnh như hổ” trong chiến đấu. Anh hùng Nguyễn Văn Bạch, một trong hai chiến sĩ đã điểm hỏa khối thuốc nổ gần 1.000kg vào lúc 20 giờ tối 6-5-1954, tạo hiệu lệnh tổng tấn công “long trời lở đất” để quân ta tiến lên tiêu diệt hoàn toàn quân địch tại cứ điểm A1. Anh hùng Tạ Quốc Luật và Anh hùng Hoàng Đăng Vinh trực tiếp tiến vào hầm để bắt sống tướng De Castries vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, thời khắc đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ…

Chân dung 32 tấm gương trong cuốn sách “Anh hùng LLVT nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ” tuy được khắc họa nhẹ nhàng, giản dị song đều toát lên những phẩm chất cao đẹp nhất của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đó là tinh thần chiến đấu quả cảm, sự xả thân trọn vẹn cho mục tiêu, lý tưởng giải phóng dân tộc, mang lại độc lập, tự do cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân. Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ ghi vào “thiên sử vàng”, tên tuổi và chiến công của những anh hùng trong chiến thắng hiển hách này còn lấp lánh mãi với thời gian và trở thành nguồn cổ vũ tinh thần cho quân dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

ĐỨC THUẬN

[Baonghean.vn] - Các anh hùng Trần Can, Đặng Đình Hồ và Phan Đình Giót là những gương mặt tiêu biểu trong số những chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và được nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp của dân tộc.

Anh hùng Phan Đình Giót

Anh hùng Phan Đình Giót sinh năm 1922, quê ở làng Vĩnh Yên, xã Tam Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1950, anh xung phong đi bộ đội chủ lực. Phan Đình Giót tham gia rất nhiều các chiến dịch lớn như: Trung Du; Hòa Bình; Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ…

Anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình bịt lỗ châu mai.

Chiều 13/3/1954, quân ta nổ súng tiêu diệt Him Lam. Cả trận địa rung chuyển mù mịt sau nhiều loạt pháo. Các chiến sĩ đại đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín và bị thương ở đùi, nhưng vẫn xung phong đánh quả tiếp theo. Quân Pháp tập trung hỏa lực trút đạn như mưa xuống trận địa ta, đồng đội bị thương rất nhiều.

Lòng căm thù quân giặc lên cao, Phan Đình Giót lao lên đánh liên tiếp hai quả nữa phá toang hàng rào cuối cùng, mở thông đường để đồng đội lên đánh sập lô cốt đầu cầu. Lợi dụng thời cơ địch hoang mang, anh lao lên bám chắc lô cốt số 2, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho đơn vị tiến lên. Anh bị thương ở vai và đùi, máu chảy rất nhiều. Thế nhưng bất ngờ từ hỏa lực lô cốt số 3 của địch bắn rất mạnh vào đội hình của ta. Lực lượng xung kích bị ùn lại, anh cố gắng nhích mình lên gần lại lô cốt số 3 với ý nghĩ cháy bỏng duy nhất là dập tắt lô cốt này.

Anh đã dùng hết sức còn lại nâng tiểu liên lên bắn mạnh vào lỗ châu mai và hét to: “Quyết hy sinh vì Đảng, vì dân”, rồi dướn người lấy đà lao cả tấm ngực thanh xuân vào bịt kín lỗ châu mai địch. Hỏa điểm lợi hại nhất của quân Pháp bị dập tắt, toàn đơn vị ào ạt xông lên như vũ bão, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Phan Đình Giót hy sinh lúc 22h 30 phút ngày 13/3/1954 ở tuổi 34. Phan Đình Giót được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân ngày 31/3/1955.

Anh hùng Trần Can 

Anh hùng Trần Can sinh năm 1931, quê ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, nhập ngũ tháng 1/1951. Từ khi vào bộ đội, anh chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí, chỉ huy hết sức linh hoạt và trở thành tấm gương cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công sôi nổi trong toàn đơn vị.

Anh hùng Trần Can.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tại trận đánh mở màn trên đồi Him Lam, Trần Can được giao nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội thọc sâu diệt sở chỉ huy, cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch lên cứ điểm Him Lam.

Trong trận này, tiểu đội Trần Can bắt sống 25 tên địch, thu nhiều vũ khí. Đặc biệt, trong trận đánh chiếm điểm cao 507, Trần Can đã dũng cảm dẫn đầu tiểu đội xông lên đánh chiếm mỏm Cột Cờ.

Khi ta và địch đánh giáp lá cà, Trần Can bị thương nặng nhưng với quyết tâm mãnh liệt, Trần Can đã thay thế cán bộ đại đội tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu, kiên quyết giữ vững trận địa để cùng toàn đơn vị tiến lên chiếm sở chỉ huy ở trung tâm Mường Thanh, góp phần tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm của địch. Do bị thương quá nặng, Trần Can đã hy sinh anh dũng vào sáng ngày 7/5/1954, trước giờ toàn thắng chỉ 1 tiếng đồng hồ. 

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, Trần Can được tặng thưởng hai Huân chương Chiến công [hạng Nhì và hạng Ba], một Huân chương Chiến công hạng Nhất, hai lần được bầu là Chiến sỹ thi đua của Đại đoàn 312. Ngày 7/5/1956, đồng chí được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng Đặng Đình Hồ 

Anh hùng Đặng Đình Hồ.

Anh hùng Đặng Đình Hồ sinh năm 1925, quê ở xã Thanh Bình [nay là xã Phong Thịnh], huyện Thanh Chương. Nhập ngũ năm 1950, Đặng Đình Hồ có tác phong chiến đấu linh hoạt, táo bạo, đã nổ súng là kiên quyết xung phong tiêu diệt địch, dù bị thương vẫn tiếp tục chiến đấu, có tác dụng cổ vũ đơn vị hăng hái thi đua giết giặc lập công.

Trận Đồi Mồi trong Chiến dịch Hòa Bình [tháng 1 năm 1952], khi nổ súng, ông đã nhanh chóng dẫn đầu tổ ba người xông lên cửa mở, chiếm lô cốt đầu cầu, tạo điều kiện cho đơn vị đánh thẳng vào trung tâm, diệt một đại đội địch, làm chủ trận địa. Trong khi chiến đấu, Đặng Đình Hồ bị thương cả hai mắt, nhưng tự bỏ ra ngoài để anh em dìu về trạm quân y, nhường cáng thương cho đồng chí khác.

Tháng 4 năm 1954, Đặng Đình Hồ phụ trách Trung đội phó trung đội dũng sĩ của trung đoàn ở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đơn vị nhận lệnh phối hợp với đại đội bạn đánh sở chỉ huy địch ở đồi C. Bước vào trận đánh, đồng đội chưa mở được cửa đã bị thương vong nhiều, Đặng Đình Hồ đề nghị xin lên đánh nhưng bộc phá hết, phải chờ, giữa lúc đó đồng chí không may bị thương. Nhưng đồng chí vẫn kiên quyết ở lại chỉ huy đơn vị, chờ bộc phá đưa lên mở được cửa mới chịu để anh em đưa ra ngoài.

Anh hùng Đặng Đình Hồ đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến Công hạng nhì, 7 lần được tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn khen và là Chiến sĩ thi đua của trung đoàn. Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Đặng Đình Hồ được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân Chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Video liên quan

Chủ Đề