Cách nấu riêu cua thành mảng

Khi nấu món riêu cua, nhiều bạn dù đã rất cố gắng nhưng riêu cua không kết tảng thành miếng mà hay kết tủa và vỡ. Vậy có cách nào để xử lý vấn đề này không? Cùng Tapchinhabep.net học ngay cách làm riêu cua đóng cục thành miếng đảm bảo thành công ngay từ lần đầu tiên!

Bí quyết trong cách làm riêu cua đóng cục

1. Chọn cua

Có thể bạn chưa biết, không phải ngẫu nhiên vào mùa hè, mọi người đều tìm đến những món riêu cua hay các món canh cua. Cua đồng ngon nhất vào thời điểm đầu tháng và cuối tháng âm lịch [tháng 4,5,6 tương ứng với thời điểm 3 tháng mùa hè] lúc này cua béo, nhiều thịt. Còn nếu ăn vào giữa tháng, là thời điểm cua lột vỏ, sẽ gầy, yếu. Món có món riêu cua ngon thì trước tiên bạn cần có nguyên liệu tốt!

Chọn cua có màu sắc tươi sáng, sờ vào mình chắc chắn, có đủ tất cả càng.

Những con cua sủi bọt nhiều, sẵn sàng kẹp lại là những con khỏe, thịt ngon.

Nếu chọn cua đực thì nhiều thịt, còn chọn cua cái thì nhiều gạch.Nhiều người thường chọn cua cái vì cho rằng cua cái chắc thịt hơn cua đực.

Chọn con cua to cỡ ngón chân trở lên sẽ nhiều thịt và thơm. Trong khi cua non nhỏ sẽ làm nước bị hoi. Những con cua mà yếm đang có con thì tuyệt đối không nên chọn, sẽ làm nước bị tanh.

2. Giã cua

Để cua nhiều gạch bạn nên giã tay thay vì xay máy. Mách bạn 1 mẹo nhỏ là để có mảng cua chắc, khi cho cua vào xay nhuyễn, bạn cho thêm chút muối vào nhé.. Việc này không phải để cua bớt tanh, mà giúp cho protein được kết dính với nhau tốt hơn, khi nấu lên sẽ tạo thành mảng. Đây là lý do khi quết thịt mà cho muối thì khối thịt sẽ dẻo mịn hơn là không dùng muối.

3. Nhiệt độ

Bí quyết quan trọng nhất để cua đóng thành tảng là đầu tiên đun nước cua trên lửa lớn, dùng đũa khuấy nhẹ nhàng theo vòng tròn. Mục đích để gạch cua không bị đóng dưới đáy nồi và giúp chúng hòa quyện vào nhau. Đến khi thấy miệng nồi bắt đầu nóng thì hạ lửa nhỏ và dừng việc quấy. Đợi cua đóng thành tảng dày thì bạn hớt ra bát để riêng, sau đó cho rau vào.

Các bước thực hiện

Bước 1:

Cua bạn đem xay nhuyễn rồi cho cua ra âu, thêm bát nước rồi khuấy đều, lọc cua ra rây. Phần thịt cua sẽ trôi theo nước và chảy qua rây, phần xác cua sẽ lưu lại. Dùng tay bóp kỹ phần cua đọng lại trong rây để thịt cua được lọc hết. Hòa phần cua đọng lại này với 1 bát con nước, lọc thêm 1-2 lần nữa rồi bỏ phần xác cua đi.


Có nhiều cách lọc cua khác nhau, bạn cũng có thể áp dụng bằng cách cho phần cua xay vào nồi, thêm nước khuấy đều rồi chắt lấy phần thịt cua từ nồi nọ sang nồi kia cho đến khi xác trắng tinh mà không qua rây rá [cách làm này sẽ cho gạch cua đông lại và kết mảng hơn vì phần thịt cua không bị vụn do tách qua lỗ rây].

Cách làm này bạn cần thực hiện khéo nếu không phần xác cua sẽ dễ lẫn và nồi nước lọc cua. Khi ăn gạch cua dễ lợn cợn.

Bước 2:
Sau khi đã lọc cua xong, bắc nồi nước lọc cua lên bếp, để lửa to, khuấy đều để gạch cua không bám ở đáy nồi. Khi nồi riêu cua bắt đầu nóng, bạn không khuấy nữa và lửa hạ ở mức lửa vừa.


Nước sôi cua sẽ đông lại và kết thành miếng, lúc này gạch cua vẫn tiếp tục nổi. Bạn dùng muôi thủng gạt gạch cua lại 1 góc và cho gạch cua ra tô. Thế là đảm bảo cua sẽ đóng thành tảng, bạn không phải lo cua bị vỡ nát!

Tiếp theo, bạn làm tiếp những công đoạn sau để có được món bún riêu cua ngon đúng điệu! Ngoài ra, mua hè, cua nấu canh rau mồng tơi hay rau lang đều rất ngon, mát mà lại bổ dưỡng nữa!

Vị thanh đậm đà của nước dùng, tươi ngon từng cọng bún, ngọt lịm của gạch cua săn chắc, thêm chút dai thơm của thịt ốc và beo béo của đậu phụ tạo nên một bản vị rất riêng của riêu cua. Với cách làm riêu cua đóng cục này, hi vọng các bạn sẽ có món riêu cua trọn vẹn! Chúc bạn thành công!

Nguyễn Ánh

Chủ Đề