Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động như thế nào đối với nền kinh tế của Việt Nam

Khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra đầu năm nay, một bầu không khí nặng nề đã bao trùm lên hệ thống thương mại toàn cầu. Cùng với sự gia tăng số lượng các mặt hàng mà Mỹ quyết định áp đặt thuế quan từ 18 lên đến hơn 10.000 như hiện nay, không chỉ Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác bao gồm cả Canada, Mexico, và khối EU đã bị cuốn vào cuộc chiến này và buộc phải đáp trả bằng cách áp thuế lên khối lượng hàng tương ứng của Mỹ.

Khi thuế tăng lên, giao thương sẽ giảm. Các mặt hàng xuất nhập khẩu sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, trong khi các ngành trong chuỗi cung ứng sẽ không thể tránh được các ảnh hưởng liên đới.

Trong bối cảnh nói trên, Việt Nam, với một nền kinh tế có độ mở cao, chắc chắn sẽ phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Trong nhiều phát ngôn gần đây, Bộ Công Thương cũng bày tỏ quan điểm tương đồng về vấn đề này. Việc xây dựng các biện pháp ứng phó là rất khó do các diễn biến tiếp theo của cuộc chiến còn nằm ngoài tầm phán đoán. Kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, vì vậy, nhiều khả năng sẽ đi vào giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, nói như trên không có nghĩa là Việt Nam không thể tìm thấy những điểm sáng trong cuộc chiến thương mại này. Giới doanh nghiệp và cả các nhà làm chính sách cần có chiến lược hành động nhằm tận dụng tối đa cơ hội để khẳng định vị trí của một số ngành nghề ở Việt Nam, để khi cuộc chiến diễn biến theo bất kỳ hướng nào, Việt Nam cũng có thêm những động lực tăng trưởng kinh tế lâu dài cho nền kinh tế.

Nếu như nằm ngoài tầm ảnh hưởng của quyết định áp thuế lần đầu của Mỹ thì tới ngày 8/3/2018 Việt Nam đã bắt đầu chịu tác động bởi quyết định áp thuế đối với mặt hàng thép và nhôm. Mỹ cho rằng các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc có thể đe dọa các nhà sản xuất trong nước và theo đó là an ninh quốc gia.

Trong khi đó, một phần không nhỏ thép Việt Nam bị cho rằng có nguồn gốc Trung Quốc và bị nghi ngờ có động thái lẩn tránh thuế hoặc phá giá khi xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Điều này dẫn đến việc toàn bộ ngành nhôm thép Việt Nam có nguy cơ chịu cùng mức thuế suất 10% mới do Mỹ áp đặt.

Tuy nhiên, đây cũng có thể là một cơ hội cho các nhà sản xuất nhôm/thép Việt Nam nếu họ khẳng định được tên tuổi của mình, nâng cao được chất lượng và minh bạch hoá được nguồn gốc sản phẩm. Không chỉ tránh được thuế, ngành nhôm thép thậm chí có thể chiếm được thị phần bỏ ngỏ bởi Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các mặt hàng nông nghiệp bị đánh thuế trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung sẽ là áp lực lớn với thị trường Việt Nam. Thị trường trong nước có thể bị cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết khi những sản phẩm lẽ ra được xuất khẩu sang Mỹ/Trung Quốc nay sẽ tìm cách để tràn vào Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng nên xem đó là một cơ hội. Trung Quốc vừa tăng thuế suất lên 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm thịt heo, trái cây và các sản phẩm khác, trị giá lên đến 3 tỷ USD. Bộ trưởng thương mại Trung Quốc cho biết, Chính phủ sẽ nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ các quốc gia khác. Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh trồng và sản xuất các mặt hàng nông sản và thủy sản vốn được nước láng giềng ưa chuộng để có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.

Trên thực tế, hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đều được đưa ra nước ngoài một cách nhỏ lẻ, phân tán, và không xây dựng được thương hiệu cũng như thị trường độc lập. Việc cải thiện các yếu điểm trên trước đây có thể là khó khăn khi các sản phẩm của Việt Nam chịu sự cạnh tranh quá lớn của Trung Quốc tại hầu hết các thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ.

Như vậy, thời điểm này là cơ hội quý báu cho Việt Nam khẳng định vị thế riêng của mình, bao gồm cả nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính chủ động trong giao thương, và tận dụng mạnh mẽ hơn các hiệp định thương mại đã ký kết. Về mặt chính sách, Việt Nam cần ưu tiên xuất khẩu chính ngạch, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và chất lượng hàng xuất khẩu Việt Nam ra nước ngoài.

Mặt khác, quyền sở hữu trí tuệ và nạn ăn cắp kỹ thuật của Trung Quốc được xem như là một nguyên nhân lớn dẫn tới chiến tranh thương mại trên. Nhà Kinh tế Derek Scissors của Viện Nghiên cứu xí nghiệp Mỹ cho rằng những công ty lớn có vai trò quan trọng đối với chính phủ Trung Quốc như ZTE được lợi rất nhiều từ ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Kết quả điều tra về quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ ước tính, tổn thất mỗi năm cho nền kinh tế nước này vì hàng nhái, phần mềm sao chép lậu và ăn cắp bí mật thương mại đã vượt ngưỡng 225 tỷ USD, có thể lên tới 600 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc là nước vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm trọng nhất, chiếm 87% các sản phẩm nhái đang được bán ở Mỹ.

Việt Nam nên coi đây là một hồi chuông báo động để nâng cao hơn nữa, có những chính sách chặt chẽ hơn nữa nhằm giải quyết triệt để vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ. Từ đó chúng ta có thể giảm thiểu tối đa các tác động có thể có với những chính sách liên quan trong cuộc chiến thương mại Mỹ Trung và có thể có cơ hội chào đón những dòng vốn đầu tư từ Mỹ cho việc sản xuất các sản phẩm kỹ thuật công nghệ.

Tóm lại, chiến tranh thương mại đã và đang diễn biến một cách khó lường và mức độ, phạm vi ảnh hưởng của nó còn là một câu hỏi mở. Trong khi nền kinh tế vĩ mô nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, Việt Nam cũng cần nhìn nhận được cơ hội trong một số ngành cụ thể để khẳng định thương hiệu và dành được thị trường.

Trong trường hợp chiến tranh thương mại có xu hướng xấu đi, các ngành được ưu tiên phát triển trong thời điểm này sẽ giúp giảm thiểu phần nào các ảnh hưởng tiêu cực. Còn nếu trong trường hợp quan hệ thương mại Mỹ - Trung quay lại vị thế cân bằng trước đây, các ngành nghề này sẽ là các động lực tăng trưởng hiệu quả cho kinh tế Việt Nam./.

Cuộc chiến thương mại leo thang Mỹ-Trung đang đe dọa đảo ngược sự hồi phục được kỳ vọng của nền kinh tế toàn cầu, thậm chí có thể chấm dứt chuỗi thời gian tăng trưởng đã kéo dài 1 thập kỷ qua nếu xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình [trái] và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bắc Kinh tháng 11/2017 - Ảnh: Reuters.

Theo hãng tin Bloomberg, nỗi lo doanh nghiệp dừng kế hoạch đầu tư, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và giá cổ phiếu trượt dài đã trỗi dậy những ngày gần đây trên phạm vi toàn cầu, sau khi thỏa thuận "đình chiến" thương mại kéo dài mấy tháng giữa Mỹ và Trung Quốc bất ngờ sụp đổ với việc hai nước lại áp thuế lên hàng hóa của nhau.

Tăng trưởng kinh tế thế giới vốn đã giảm tốc và bất kỳ sự yếu đi thêm nào cũng có thể củng cố lập trường chính sách mềm mỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ [FED] và các ngân hàng trung ương lớn khác, thậm chí là khiến họ phải đưa ra các biện pháp kích tăng trưởng.

Nguy cơ suy thoái toàn cầu

Dù kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể đạt một thỏa thuận thương mại, ngân hàng Morgan Stanley đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu - với mức tăng trưởng kinh tế thế giới giảm dưới 2,5% trong thời gian đến hết năm 2020 - nếu hai bên tiếp tục mâu thuẫn.

"Ngay vào lúc có những dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu hồi phục, thì căng thẳng thương mại lại nổi lên thành một mối nguy rất thực và to lớn đối với chu kỳ kinh doanh", chuyên gia kinh tế trưởng của Morgan Stanley, ông Chetan Ahya, nhận xét trong một báo cáo. Ông Ahya nhấn mạnh "ảnh hưởng nghiêm trọng đối với niềm tin của doanh nghiệp" từ cuộc chiến thuế quan không khoan nhượng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Lý do để lo ngại là rất rõ ràng khi Trung Quốc và Mỹ cùng công bố loạt số liệu kinh tế kém khả quan hôm thứ Tư. Trong đó, sản lượng công nghiệp, doanh thu bán lẻ và đầu tư ở Trung Quốc trong tháng 4 đều giảm tốc mạnh hơn dự báo. Tại Mỹ, doanh thu bán lẻ bất ngờ giảm trong tháng 4, sản lượng của các nhà máy cũng giảm lần thứ 3 trong vòng 4 tháng.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã thoát khỏi tình trạng trì trệ bằng mức tăng trưởng 0,4% đạt được trong quý 1. Tuy nhiên, triển vọng của kinh tế Đức vẫn còn rất mong manh, bởi ngành sản xuất nước này được cho là sẽ quay trở lại với sự sụt giảm do tác động của chiến tranh thương mại. Niềm tin của giới đầu tư vào nền kinh tế Đức trong tháng 5 này bất ngờ suy giảm lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái.

Dấu hiệu suy yếu của những nền kinh tế hàng đầu xuất hiện thậm chí trước đợt leo thang mới nhất của chiến tranh thương mại càng khiến các chuyên gia lo ngại. Những cảnh báo về tác động tiêu cực của chủ nghĩa bảo hộ là nguyên nhân khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế [IMF] hồi tháng 4 dự báo rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ yếu nhất kể từ khủng hoảng tài chính.

Một chỉ số dự báo tăng trưởng kinh tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế [OECD] đã giảm tháng thứ 12 liên tiếp trong tháng 3, xuống mức thấp nhất kể từ 2009.

Trong một nghiên cứu mới đây, Bloomberg Economics ước tính rằng 1% trong hoạt động kinh tế toàn cầu được quyết định bởi thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ và Trung Quốc. Khoảng 4% sản lượng hàng hóa của Trung Quốc được xuất khẩu sang Mỹ, và bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với các nhà sản xuất Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng lan rộng khắp các chuỗi cung ứng trong khu vực, đe dọa đến những nền kinh tế như Đài Loan và Hàn Quốc.

Doanh nghiệp loay hoay

Mỹ xuất khẩu được ít hàng hóa sang Trung Quốc hơn, nhưng cũng có tới 5,1% sản lượng hàng nông sản và 3,3% sản lượng hàng chế biến-chế tạo của nước này có đích đến là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Nhiều chuyên gia kinh tế vẫn tin Mỹ-Trung cuối cùng sẽ ký thỏa thuận, có lẽ là tại thượng đỉnh khối G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6, khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến có một cuộc gặp bên lề. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nói họ hoàn toàn bất ngờ bởi đợt leo thang xung đột mới nhất giữa hai nước và bởi thế cho rằng khả năng đổ vỡ đàm phán đã tăng lên nhiều.

Chiến tranh thương mại căng thẳng giữa lúc kinh tế toàn cầu đang yếu, cộng thêm hàng loạt vấn đề khác như cơn sốt công nghệ lắng xuống, nhu cầu ôtô, nhất là ở Trung Quốc, chững lại… đồng nghĩa với việc các công ty rất khó đoán biết về triển vọng kinh doanh.

Tập đoàn sản xuất con chip Mỹ Intel mới đây tuyên bố "giữ quan điểm thận trọng hơn về năm 2019", trong khi hãng đồ uống Davide Campari-Milano của Italy nhấn mạnh "môi trường địa chính trị và kinh tế vĩ mô nhiều bấp bênh".

"Nền kinh tế thế giới đã giảm tốc trong một khoảng thời gian, và giờ chiến tranh thương mại lại trỗi dậy", Giám đốc đầu tư James Bevan thuộc CCLA Investment Management nhận xét.

Đối với các ngân hàng trung ương, triển vọng kinh tế toàn cầu yếu đi có thể sẽ khiến họ giữ quan điểm mềm mỏng hơn. Sau 4 đợt nâng lãi suất trong năm ngoái, FED đã dừng nâng lãi suất trong năm nay. Giới đầu tư gần đây thậm chí nâng đặt cược vào khả năng FED có một đợt hạ lãi suất vào tháng 10/2019.

Trong kịch bản xấu nhất là căng thẳng thương mại kéo dài thêm 3 tháng và có thêm thuế quan được áp, Morgan Stanley dự báo Trung Quốc sẽ tiến hành nới lỏng chính sách tài khóa với giá trị tương đương 0,5% tổng sản phẩm trong nước [GDP] và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đối với FED, một đợt cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm có thể được tiến hành.

"Nếu cuộc chiến thuế quan leo thang, đó sẽ là một trở ngại khá lớn đối với nền kinh tế toàn cầu và đe dọa sự tăng trưởng", chuyên gia kinh tế Joseph Lupton của JPMorgan Chase nhận xét.

Theo An Huy_Vneconomy

Video liên quan

Chủ Đề