Con đường tơ lụa lịch sử là gì năm 2024

Con đường tơ lụa là con đường thương mại lịch sử có từ thế kỉ thứ hai trước Công nguyên cho đến tận thế kỉ 14 sau Công nguyên, trải dài từ châu Á đến Địa Trung Hải, đi qua Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tư, Ả Rập, Hy Lạp và Ý.

Được mệnh danh là Con đường tơ lụa vì con đường này diễn ra hoạt động buôn bán tơ lụa trong thời kì đó. Loại vải có giá trị này có nguồn gốc từ Trung Quốc, ban đầu có sự độc quyền sản xuất cho đến khi bí mật về cách làm ra nó được lan rộng. Ngoài lụa, tuyến đường cũng tạo điều kiện cho việc buôn bán các loại vải, gia vị, ngũ cốc, trái cây và rau củ, da động vật, gỗ, kim loại, đá quý và các mặt hàng khác có giá trị.

Năm 2013, Trung Quốc tuyên bố kế hoạch sẽ hồi sinh Con đường tơ lụa, kết nối với hơn 60 quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Phi và Trung Đông.

Con đường tơ lụa là một loạt các mạng lưới thương mại cổ đại kết nối Trung Quốc và Viễn Đông với các quốc gia ở châu Âu và Trung Đông. Tuyến đường bao gồm một tập hợp các điểm giao dịch và chợ được sử dụng để giúp lưu trữ, vận chuyển và trao đổi hàng hóa. Nó còn được gọi là Silk Road thay vì Silk Route.

Khách du lịch đã sử dụng lạc đà hoặc xe ngựa và ở trong nhà khách hoặc nhà trọ chỉ thường cách nhau một ngày đi đường. Khách du lịch dọc theo các tuyến hàng hải của Con đường tơ lụa, có thể dừng tại các cảng để có nước uống và những cơ hội thương mại.

Việc mở Con đường tơ lụa đã mang lại nhiều sản phẩm có tác động lớn đến phương Tây. Nhiều mặt hàng trong số này có nguồn gốc từ Trung Quốc, bao gồm cả thuốc súng và giấy. Chúng trở thành một trong những hàng hóa được giao dịch nhiều nhất giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại phương Tây.

Lịch sử Con đường tơ lụa

Con đường tơ lụa ban đầu được thành lập dưới thời nhà Hán bởi Trương Khiên, một quan chức và nhà ngoại giao Trung Quốc. Trong một nhiệm vụ ngoại giao, ông đã bị bắt và giam giữ 13 năm trong chuyến thám hiểm đầu tiên của mình trước khi trốn thoát và theo đuổi các tuyến đường khác từ Trung Quốc đến Trung Á.

Con đường tơ lụa rất phổ biến trong thời nhà Đường, từ năm 618 đến 907 sau Công nguyên. Du khách có thể tùy chọn các tuyến đường bộ hoặc đường thủy để đến đích. Các tuyến đường phát triển cùng với ranh giới lãnh thổ và thay đổi trong việc điều hành quốc gia.

Ngoài việc tạo điều kiện cho trao đổi hàng hóa và văn hóa, nó cũng phục vụ sự phát triển của khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật và các lĩnh vực nghiên cứu khác.

Con đường tơ lụa cũng giúp các nhà sư Phật giáo và châu Âu truyền giáo, là công cụ truyền bá Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo và các tôn giáo khác trên khắp các khu vực.

Hồi sinh Con đường tơ lụa

Năm 2013, Trung Quốc bắt đầu chính thức khôi phục Con đường tơ lụa lịch sử dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình với chiến lược trị giá 900 tỉ USD có tên là “Một vành đai, một con đường” [OBOR]. Dự án này là một cách để cải thiện khả năng kết nối của Trung Quốc với hơn 60 quốc gia khác ở Châu Á, Châu Âu và Đông Phi.

Còn được gọi là “Sáng kiến vành đai và con đường” [BRI], nó đi qua nhiều tuyến đường bộ và đường biển. Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa chủ yếu dựa trên đất liền để kết nối Trung Quốc với Trung Á, Đông Âu và Tây Âu, trong khi Con đường tơ lụa trên biển nối bờ biển phía nam của Trung Quốc với Địa Trung Hải, Châu Phi, Đông Nam Á và Trung Á.

Trung Quốc xem động thái mới này như là một cách quan trọng để cải thiện tăng trưởng trong nước. Nó giống như một phương thức để mở ra thị trường thương mại mới cho hàng hóa Trung Quốc, mang lại cho đất nước này cách thức xuất khẩu nguyên liệu, hàng hóa rẻ nhất và dễ dàng nhất.

Trung Quốc đã vượt qua nhiều cột mốc quan trọng trong sáng kiến OBOR, bao gồm cả việc kí kết hàng trăm giao dịch kể từ . Vào tháng 1 , một dịch vụ đường sắt mới sử dụng tàu chở hàng mang tên East Wind đã được giới thiệu từ Bắc Kinh đến London dọc theo tuyến đường lịch sử, di chuyển qua Kênh đào Anh để tới London. Hành trình kéo dài 16 đến 18 ngày, di chuyển gần 7.500 dặm. Các tuyến OBOR quan trọng khác cũng đi từ Trung Quốc đến 14 thành phố lớn của châu Âu.

Biên soạn đề tài này, ngoài những sách tham khảo đã liệt kê, chúng tôi có sử dụng số lớn tư liệu, nhờ bạn bè ghi chép qua nhiều năm, tại các thư viện Cam Túc, Thanh Hải và Tân Cương [Trung Quốc]. Đó là những tư liệu chủ yếu hình thành đề tài.

Rất tiếc, những tư liệu gom góp được, chỉ đủ giới thiệu “con đường tơ lụa” đoạn từ kinh đô Trường An qua Hàm Dương theo hành lang Hà Tây đến ngả rẽ Đôn Hoàng ra Dương Quan và Ngọc Môn Quan, xuyên Tây vực [nay là tỉnh Tân Cương] để đến địa cầu vùng Trung Á Tế Á. Lịch sử gọi đó là “đoạn phía đông của con đường tơ lụa” .

Chúng tôi đã cố gắng hệ thống mọi tư liệu ăn khớp với niên đại và triều đại trong lịch sử Trung quốc. Những chú thích trong sách, do người biên soạn tự chú, và cũng chú ngay trong ngoặc đơn chứ không đánh số chú thích.Về thơ “biên tái” trích dẫn, bài nào sử dụng của tác giả khác, chúng tôi đều ghi tên người dịch ngay bên dưới bản dịch. Những bài không ghi tên, do người biên soạn tự dịch.

Nhân đây, chúng tôi có lời xin lỗi và cảm ơn dịch giả Lê Nguyễn Lưu, vì đã trích dẫn một số bài thơ biên tái trong “đường thi tuyển dịch” mà không biết địa chỉ để xin phép trước.

Người biên soạn

NGUYÊN NHÂN LỊCH SỬ CỦA CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

Trung Quốc là nước có lai lịch dâu tằm tơ sớm nhất Thế Giới. Truyền thuyết từ hơn 4.000 năm trước, thời Hoàng Đế [lão tổ của người Trung Quốc], các nguyên phi đã tự trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa và dạy dân mở mang nghề này. Năm 1958, tại vùng Tiền Sơn thuộc huyện Thiệu Hưng, tỉnh Triết Giang, người ta đã đào được những di vật thời Tân Thạch Khí, trong đó phát hiện một khung tre rất đặC biệt. Những phương pháp khảo sát khoa học đã xác định được đây là bộ phận còn sót của một khung cửi dệt tơ lụa thời cổ đại, một di vật cách đây hơn 4.000 năm. Qua đó có thể xác định, trễ nhất là từ thời Hoàng Đế, người Trung Quốc đã có khả năng dệt tơ lụa.

Lịch sử qua thời kỳ bán khai, trang phục đã trở thành nhu cầu cấp thiết hàng đầu của toàn xã hội. Do đó mà ngành nghề dâu tằm ngày càng được trọng thị. “Kinh Thi” [tác phẩm thi ca lâu đời của văn học Trung Quốc] cũng có không ít bài mô tả sinh hoạt trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa của phụ nữ Trung Quốc thời cổ đại.

Khoảng 2.500 năm trước, vào thời Xuân Thu Chiến Quốc [770 – 221 TCN], Trung Quốc đã có lượng tơ lụa bán ra nước ngoài. Tới Tây Hán [206 TCN – CN 8] sản lượng tơ lụa càng cao dư dùng trong nước. Một số lớn được các thương nhân mở đường xuyên Tây Vực, đem bán tận Ba Tư, Thổ Nhĩ Kì, La Mã, …. Qua việc mở đường buôn bán tơ lụa từ Trung Nguyên đến các nước Trung Tây Á và phương Tây, không biết từ lúc nào, còn đường được mệnh danh là “Con đường tơ lụa”.

Tây Vực là địa danh được hình thành từ thời Tây Hán. Bao gồm hàng trăm tiểu vương quốc trải dài từ Tân Cương đến vùng Trung Á Tế Á. Tức khu vực có địa giới từ con đường Nam Bắc Thiên Sơn của Tân Cương, vượt núi Thông Lãnh đổ về phía Đông và từ Đôn Hoàng [Cam Túc] đổ về phía Tây. Tây Vực là vùng đất con đường tơ lụa buộc phải đi qua và cũng là biên cảnh giữa Trung Quốc với các dân tộc phía Bắc và Tây Bắc. Vì an toàn lãnh thổ trước sự xâm nhập bên ngoài và cũng vì muốn độc chiếm huyết mạch giao lưu Đông Tây nên từ đời Hán – Đường, Tây Vực thường xảy ra chiến tranh với những lực lượng quân sự hùng hậu. Thậm chí có những cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ. Trong khi dân tình, cảnh vật và khí hậu nơi đây so với Trung Nguyên, có những bất đồng rất lớn.

“Con đường tơ lụa” phát xuất từ Trường An [nay là thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây] hướng về phía Tây, sau khi qua nhiều sông núi và thành trấn, được chia thành ba lộ tuyến: Lộ tuyến Nam từ phía Tây Nam Đôn Hoàng ra Dương Quan đi qua Thạch Thành Trấn, Bá Tiên Trấn, Vu Điền Trấn và tiểu vương quốc Sơ Lặc, sau đó vượt phía Tây núi Thông Lãnh về đến Ba Tư, Thổ Nhĩ Kì và đế quốc La Mã. Lộ tuyến Bắc từ phía Tây Bắc Đôn Hoàng ra Ngọc Môn Quan, men theo phía Nam chân núi Thiên Sơn đi về phía Tây, qua Tây châu, Hán Luân Đài, đến các tiểu vương quốc Khưu Từ và Sơ Lặc, sau đó cũng vượt núi Thông Lãnh. Về sau, vì sự tính toán lợi hại của đường đất, các thương nhân còn mở thêm một lộ tuyến mới phía Bắc, tức cũng ra Ngọc Môn quan, nhưng theo phía Bắc chân núi Thiên Sơn để đi về hướng Tây. Sau khi qua Đình Châu và Y Ninh, tiếp tục về hướng Tây đến Hy Lạp, Đông La Mã và Địa Trung Hải.

“Con đường tơ lụa” được khai mở từ Tây Hán, hoàn chỉnh vào đời Đường và được sử dụng suốt 17 thế kỷ. Về sau do sự phát triển đường hàng hải, ít gian nan và nguy hiểm hơn, nên con đường bộ xuyên suốt Đông Tây này ngày càng ít được lưu tâm.

Do sự thông thương của “Con đường tơ lụa”, những tinh hoa văn hóa, kinh tế giữa Trung Quốc và các nước phương Tây cũng giao lưu rất rộng rãi. Đầu tiên là mặt hàng tơ lụa, đến thế kỷ thứ 4, khi kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa được truyền bá qua các nước Trung Á và Tây Aù thì từ các mặt hàng mỹ nghệ khác đến những phát minh khoa học như thuật in ấn, làm giấy, thuốc súng, luyện thép, … của Trung Quốc cũng tiếp tục theo “Con đường tơ lụa” truyền bá qua phương Tây. Đồng thời những sản vật vùng Trung Tây Á như Bồ Đào [Nho], Thạch Lựu [quả lựu], Hạch Đào [hạt điều], Chi Ma [gai], Ba Thái, Mục Túc [hai giống rau quả], … cũng theo ngã đường này lục tục đổ vào Trung Quốc. Cả các ngành nghệ thuật: hội họa, điêu khắc, âm nhạc, vũ khúc, … qua đó, cũng ảnh hưởng nhau rất sâu đậm.

Thời Tây Hán [khoảng 141 TCN], Trương Khiên đã theo “Con đường tơ lụa] thông sứ Tây Vực, khám phá hàng trăm tiểu vương quốc trải dài suốt mấy ngàn dặm thảo nguyên và sa mạc, mở ra thời kỳ ngoại giao mới cho Trung Quốc.

Thời Sơ Đường [Cn 624 – 649], Huyền Trang cũng theo “Con đường tơ lụa” đi qua nhiều nước vùng Tây Vực, hành hương đến xứ Phật Aán Độ. Trong khi nhiều giáo sĩ phương Tây cũng theo đó, đưa giáo lý của nhiều tôn giáo khác nhau đến Trung Nguyên.

Đời Đường là thời kỳ phát triển cao độ của thi ca Trung Quốc. Vùng đất Tây Vực là đề tài chính sinh động giàu cảm xúc của nhiều nhà thơ đương thời. Hầu hết các thi nhân đã cọ xác trực tiếp với cảnh sinh hoạt và chiến tranh, những nỗi bi hoan ly hợp và cả cái chết trên những địa danh dọc theo “Con đường tơ lụa” họ đã sáng tác số lượng lớn các bài thơ giá trị được mệnh danh “Thơ biên tái”. Một thành phần trọng yếu làm phong phú nền thi ca đời Đường. Trong văn học sử Trung Quốc, những nhà thơ này cũng được đứng riêng thành một trường phái lớn gọi là “phái Biên Tái”, đại biểu là Sầm Tham, Cao Thích, Vương Xương Linh, Lý Ích, Trần Đào, ….

Thời Nguyên Mông [khoảng CN 1218 – 1242], Thành Cát Tư Hãn rồi đến các hậu duệ của ông [con trưởng Thuật Xích và con thứ Oa Khoát Đài] cũng theo con đường tơ lụa chinh phục nhiều nước Châu Aâu và đe dọa cả đế quốc La Mã.

“Con đường tơ lụa” được khai mở từ mối lợi của các thương nhân, nhưng được hoàn chỉnh bằng vai trò lịch sử trọng đại từ kinh tế, văn hóa, tôn giáo, chính trị bang giao và cả chiến lược. Đó là huyết mạch giao lưu văn hóa văn minh Đông Tây suốt hơn 17 thế kỷ, khi nhân loại chưa có đường hàng hải và hàng không.

Chương I. TRƯỜNG AN – KHỞI ĐIỂM CỦA CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

Trường An [nay là thành phố Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây], kinh đô thời Hán Đường và cũng là khởi điểm của con đường tơ lụa. Vào thời đó, Trường An là một thành phố lớn nhất nhì Thế giới và cũng là trung tâm giao lưu văn hoá kinh tế Đông Tây.

Vào thời kỳ hưng thịnh của Hán Đường, sự qua lại giữa các tiểu vương quốc Tây Vực và Trường An phải nói là dập dìu. Đồng thời, Trường An là một thành phố có mức sinh hoạt rất cao. Đây cũng là lý do mà các sắc tộc Tây Vực, theo “Con đường tơ lụa”, đổ xô đến ngụ cư. Qua những thời gian dài, hầu hết người Tây Vực ngụ cư Trường An đều lấy họ Hán. Thậm chí rất khó lòng phân biệt phong cách giữa người Trường An và Tây Vực. Người nước Vu Điền nhập cư Trường An đã cải họ Uất Trì.

Danh tướng khai quốc công thần nhà Đường Uất Trì Kính Đức [Uất Trì Cung] tổ phụ là người nước Vu Điền Tây Vực nhập cự Trường An, người nước Sơ Lặc cải họ Bùi, người nước Khưu Từ cải họ Bạch. Chỉ có người nước Khương đa số vẫn giữ họ Khương.

Người Tây Vực nhập cư Trường An đương nhiên cũng đem theo cả phong tục và nếp sinh hoạt của dân tộc mình và đã gây ảnh hưởng lớn đến người Trường An, đối với các dân tộc ở ngoại biên phía Đông Bắc, phía Bắc và Tây Bắc Trung Quốc thời cổ đại đều được gọi chung là người Hồ cho nên ngay từ thời Tây Hán, tại Trường An đã có y phục Hồ [Hồ phục], phong màn Hồ [Hồ trướng], thức ăn Hồ [Hồ thực], điệu sáo Hồ [Hồ địch], điệu múa Hồ [Hồ vũ], …

Đời Đường Huyền Tông, thiên hạ thái bình lâu dài, tại Trường An có phong trào Hồ hóa rất thịnh, đương thời không phân biệt giàu nghèo sang hèn, người ta thi nhau mặc áo quần người Hồ, một loại trang phục ôm sát thân, eo nhỏ, tay hẹp, trái ngược hẳn với trang phục truyền thống Hán Tộc. Sau loạn An Sử, người Hồi Hột [sau cải danh là Hồi Cốt] nhập cư Trường An càng đông. Nhân đó, lối trang phục bó sát người của người Hồi Cốt cũng lưu hành tại Trường An khá phổ biến.

Nhà Đường mất không lâu, bà Hoa Nhị Phu nhân [họ Từ], ái cơ của Tiền Thục chủ Vương Kiến, có viết đề tài “Cung từ” với hơn 100 bài thất tuyệt. Trong đó có một bài mô tả sinh động và sâu sắc những cung nữ đời Đường với trang phục Hồi Cốt.

宮 詞 花蕊夫人

明朝腊日官家出

随駕先須點内人

回鶻衣装回鶻馬

就中偏称小腰身

Âm:

CUNG TỪ

Minh triêu lạp nhật quan gia xuất

Tùy giá tiên tu điểm nội nhân

Hồi Cốt y trang Hồi Cốt mã

Tựu trúng thiên xưng tiểu yêu thân

Hoa Nhị Phu nhân

Dịch:

LỜI TRONG CUNG

Buổi sớm nhà vua đi chủ tế

Dập dìu cung nữ hộ xe loan

Aùo quần Hồi Cốt ngựa Hồi Cốt

Diễm kiều đưa đẩy chiếc eo thon.

Bài thơ mô tả buổi sớm của một ngày lễ [theo Nông lịch là mồng 8 tháng 12], nhà vua xuất cung đi chủ tế. Các cung nữ hộ giá xe vua đều cưỡi ngựa và mặc trang phục tộc Hồi, phô bày những chiếc eo thon trông rất đẹp. Thế nhưng trong sâu xa của bài thơ, tác giả nhằm cảnh giác phong trào Hồ hóa của người Trung Nguyên, có thể làm mất phong cách của truyền thống Hán Tộc.

Thực phẩm của người Hồ theo “Con đường tơ lụa”, đưa vào Trường An cũng được đón nhận rộng rãi. Theo lịch sử ghi chép thì, từ Đường Huyền Tông trở đi, nhà bếp của các đời vua và của cả quan viên đều có sẳn chất liệu và gia vị để nấu những món ăn người Hồ. Tại phường Phụ Hưng, phía Tây Bắc thành Trường An cũng đã xuất hiện những quán ăn của người Hồ với những món đặc thù nổi tiếng khắp kinh thành thời bấy giờ.

Rượu nho [bồ đào] của các sắc tộc Hồ đưa vào Trung Nguyên cũng gây ảnh hưởng không nhỏ. Từ Tây Hán, đã có rượu nho của các nước Đại Uyển và Khưu Từ đưa vào Trường An. Đến đời Đường có thêm rượu nho của Ba Tư và Cao Xương càng gây chấn động khắp kinh thành. Đường Thái Tông, sau khi diệt nước Cao Xương, có đem giống nho của Cao Xương về trồng ngay trong vườn thượng uyển. Khi thu hoạch nho, cũng theo phương pháp của Tây Vực để làm rượu. Đó là rượu nho Tây Vực đầu tiên được chưng cất tại Trường An. Tại Khúc Giang, một thắng cảnh du lãm phía đông thành Trường An, từ thời Sơ Đường đã xuất hiện những quán rượu của người Hồ, có những cô gái Hồ trẻ đẹp trông coi quán và có cả những vũ nữ ca múa các giai điệu của sắc tộc Hồ. Tương truyền đây là những nơi hết sức quyến rũ đối với các thi nhân đương thời.

Tháng 10 năm 1970, tại Hà Gia Thôn [phía Nam Thành Trường An cũ], trong khi lấy đất làm gạch ngói, người ta đã phát hiện hai kho văn vật chôn cất từ đời Đường. Số văn vật tổng cộng hơn 1.000 món, trong đó đồ vàng bạc chiếm 270 món. Qua nghiên cứu địa điểm khai quật nằm ở phường Hưng Hóa của thành Trường An đời Đường. Vị trí khai quật là nềân xưa của Bân Vương phủ. Do đó có thể khẳng định những bảo vật này là sở hữu của Bân Vương Lý Thủ Lễ, anh ruột của Đường Huyền Tông. Cũng qua nghiên cứu, trong số văn vật này, có không ít món là cổ vật của Thổ Nhĩ Kì, Hy Lạp, La Mã, … Đặc biệt nhất là chiếc chén đầu trâu bằng mã não là cổ vật của Ba Tư. Tất cả đều theo “Con đường tơ lụa” đưa đến Trường An vào đời Đường [khoảng CN 590 – 627].

Trở lên tất cả là những tư liệu và sự kiện cho phép chúng ta khẳng định ngay từ thời Tây Hán, Trường An đã là khởi điểm của “Con đường tơ lụa”.

Phụ nữ Trung Nguyên đời Đường trong trang phục thuần túy Hán Tộc, tay cầm hoa Mẫu Đơn.

Thiếu nữ Trung Nguyên đời Đường trong trang phục người Hồ, tay cầm chim Anh Vũ.

Chương II- HÀM DƯƠNG ĐIỂM DỪNG CHÂN ĐẦU TIÊN TRÊN CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

Từ thời Hán Đường, những ai khởi hành từ kinh đô Trường An, dẫm lên con đường tơ lụa đi về hướng Tây khoảng 20km là đến Hàm Dương. Một thành phố lớn hàng đầu của Trung Quốc vào thời đó. “Hàm Dương”, cứ theo chiết tự mà giải thì “Hàm” là bao gồm, “Dương” là phía mặt trời, ý nói hướng dương. Từ đó mới nói, trong khu vực này, Cửu Tông Sơn ở phía Nam, sông Vị Hà ở phía Bắc, đều quay về hướng mặt trời, do đó có tên là Hàm Dương.

Hàm Dương là kinh đô nước Tần thời Xuân Thu Chiến Quốc, dân số khoảng một triệu, Tần Thủy Hoàng trong cuộc chiến tranh gồm thâu lục quốc [Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, Tề, Sở]. Mỗi lần tiêu diệt một nước, ông ta ra lệnh lấy mô hình cung điện nước đó xây dựng tại Hàm Dương gọi là “Lục quốc cung điện”. Lục quốc cung điện được xây dựng trên một vùng hoàng thổ phía Bắc thành Hàm Dương, cung thất tổng cộng có tới 145 chỗ. Trong đó tàng trữ những chiến lợi phẩm, những nghệ nhân và cả những cung phi mỹ nữ của mỗi nước. Tương truyền chỉ riêng cung nữ của sáu nước cũng đã tới hàng vạn. Cho thấy “lục quốc cung diện” là một công trình kiến trúc khá vĩ đại.

Cho tới đời Đường, nhà thơ Lý Thương Ẩn, khi đi qua Hàm Dương, hồi tưởng một thời xa xưa của lịch sử, có viết bài “Hàm Dương”, một bài thất tuyệt mô tả lại những cung điện nguy nga của một thời.

咸陽 李商隱

咸陽宮殿郁嵯峨

六國樓臺艶綺羅

自是當時天帝醉

不關秦地有山河

Âm:

HÀM DƯƠNG

Hàm Dương cung điện uất tha nga

Lục quốc lâu dài diễm ỷ la

Tự thị đương thời thiên đế túy

Bất quan Tần địa hữu sơn hà.

Lý Thương Aån

Dịch:

HÀM DƯƠNG

Hàm Dương cung điện nguy nga

Lâu đài lục quốc dời qua phương này

Ngọc Hoàng chếnh choáng men say

Phải đâu Tần địa cao dài núi sông.

Bài thơ dù mô tả sự nguy nga tráng lệ của cung Hàm Dương và lục quốc cung điện nhưng ý tưởng sâu xa cho rằng, do Ngọc Hoàng say rượu nên mới để cho nhà Tần bạo ngược diệt vong sáu nước chứ đâu phải nhờ sông núi hiểm trở của đất Tần. Ý tưởng hơi buồn cười nhưng cũng rất đáng để suy nghĩ.

Tần Thủy Hoàng tuy có rất nhiều cung điện, nhưng dục vọng xây cất của ông ta vẫn chưa giới hạn. Sau khi thống nhất thiên hạ, ông ra lệnh xây dựng cung “A Phòng”, một công trình vĩ đại nhất trong các vương triều kể từ nhà Tần trở về trước. Nghe nói diện tích lên đến 300 km2, 5 bộ một lầu, 10 bộ một gác [mỗi bộ tương đương năm thước ngày nay] trên 2.000 năm trước, phải nói đây là một công trình ngoài sức tưởng tượng, không biết đã tiêu phí biết bao nhiêu nhân tài vật lực. Khi Tần Thủy Hoàng chết, cung A Phòng vẫn chưa hoàn tất. Tần Nhị Thế [Hồ Hợi] tiếp tục xây dựng.

Sau này, khi Sở Bá vương Hạng Vũ đem quân vào Hàm Dương, đã phóng hỏa thiêu rụi mọi cung điện. Theo lịch sử ghi chép lại thì ngọn lửa cháy ba tháng mới tắt hẳn. Tất cả những cung thất tráng lệ nhất từ cung Hàm Dương, lục quốc cung điện và cả cung A Phòng đều thành tro bụi cả.

Sau ngày giải phóng, những di tích của kinh đô Hàm Dương cũ [cách phía Đông thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây ngày nay 10km] đã được khai quật. Căn cứ những di vật đào được cộng với tư liệu lịch sử ghi chép, người ta đã vẽ lại được đồ hình kiến trúc [phục nguyên đồ] của cung Hàm Dương đời Tần.

Kinh đô Hàm Dương, từ thời Tây Hán được cải danh Vị thành. Giữa Trường An và thành Hàm Dương có con sông Vị Thủy chắn ngang, trên sông có một cây cầu cũng gọi Vị kiều. Những ai qua lại giữa Trường An và Hàm Dương đều phải ngang qua cây cầu này. Do đó đương thời cây cầu Vị Kiều này rất nổi tiếng, thường xuất hiện trong tác phẩm của các nhà thơ, nhất là đời Đường. Nhà thơ Đổ Phủ trong bài “Binh xa hành” đã có câu “Gia nhương thê tử tẩu tương tổng. Trần ai bất kiến Hàm Dương kiều” [Vợ con cha mẹ theo đưa tiễn. Bụi mù che khuất cầu Hàm Dương].

Cầu Hàm Dương tức Vị Kiều. Nhà thơ Lý Bạch trong đề tài “Tái hạ khúc” cũng đã nói tới cây cầu này trong một bài ngũ luật mô tả quân đội nhà Hán tây chinh:

塞下曲六首[其三] 李白

駿馬似風飆

鳴鞭出渭橋

彎弓辞漢月

揷羽破天驕

陣解星芒盡

營空海雾消

功成画麟閣

獨有霍嫖姚

Âm:

TÁI HẠ KHÚC [bài 3] Lý Bạch

Tuấn mã tự phong tiêu

Minh tiên xuất Vị Kiều

Loan cung từ Hán nguyệt

Sáp vũ phá thiên kiêu

Trận giải tinh mang tận

Doanh không hải vụ tiêu

Công thành họa Lân các

Độc hữu Hoắc phiêu diêu!

Dịch:

BÀI HÁT DƯỚI ẢI

Ngựa hay như gió quét

Cầu Vị thét roi rời

Cung gỗ từ trăng Hán

Tên lông phá giặc trời.

Trận tàn, sao sáng tắt

Dinh vắng biển mù vơi

Công lớn ghi Lân các

Phiêu diêu chỉ một người

Lê Nguyễn Lưu dịch

Ý của bài thơ: tướng sĩ ra roi, ngựa phi như gió qua cầu sông Vị hướng về biên tái, đem theo cung tên, nhìn vầng trăng Hán từ giả Trường An. Đao kiếm bay múa đánh bại quân xâm lăng Thiên Kiêu [Thiên Kiêu chỉ Thiền Vu, thủ lãnh Hung Nô]. Chiến tranh kết thúc, quân sĩ rã rời như khách tinh của chinh binh sợ màu trắng. Quân doanh vắng vẻ như sương biển tiêu tan.

Đoàn quân đem chiến thắng trở về, Hoàng đế hạ lệnh vẽ chân dung công thần trên gác Kỳ Lân, nhưng chỉ vẽ một mình tướng Hoắc Khứ Bệnh. Ý hai câu cuối của bài thơ, thắng lợi trên chiến trường là công lao và xương máu của toàn bộ sĩ binh, nhưng công trạng cuối cùng chỉ qui về một mình chủ tướng, ám chỉ sự bất công của các vương triều phong kiến thời bấy giờ.

Nhà thơ đời Đường Lệnh Hồ Sở viết đề tài “Thiếu niên hành”, cũng có một bài thất tuyệt mô tả những đoàn quân rời Hàm Dương Tây chinh:

少年行 令狐楚

弓背霞明劍照霜

秋風走馬出咸陽

未收天子河湟地

不拟回頭望故鄉

Âm:

THIẾU NIÊN HÀNH [Lệnh Hồ Sở]

Cung bối hà minh kiếm chiếu sương

Thu phong tẩu mã xuất Hàm Dương

Vị thu thiên tử Hà Hoàng địa

Bất nghĩ hồi đầu vọng cố hương.

Dịch:

BÀI HÀNH TUỔI THIẾU NIÊN

Cung sáng đeo lưng kiếm ánh sương

Gió thu quất ngựa rời Hàm Dương

Nếu chưa thu lại Hà Hoàng địa

Thề chẳng quay đầu ngóng cố hương.

Bài thơ mô tả những đoàn quân thúc ngựa rời Hàm Dương về biên tái phía Tây. Chuyến hành quân này nếu chưa thu phục lại những vùng đất trong khu vực Hà Hoàng, do quân Thổ Phồn chiếm đóng [Đông Nam bộ Cam Túc và Hà Tây Tẩu Lang], thề quyết không quay đầu nhìn lại quê hương.

Tất cả lữ hành từ Trường An, theo con đường tơ lụa về phía Tây, đều phải dừng chân tại Hàm Dương một thời gian ngắn. Những đoàn thương nhân cũng dừng chân tại đây để chuẩn bị hành lý và súc vật cho cuộc hành trình xa thăm thẳm.

Những quan viên đi công cán Tây Vực cũng được bằng hữu đưa chân tới đây để làm tiệc tiễn hành. Những đoàn quân Tây chinh cũng phải dừng chân ổn định quân lữ trước khi xuất chinh chiến đấu.

Ra khỏi Hàm Dương, đi về phía Tây, con đường tơ lụa phân thành hai lộ tuyến, men theo hai bên sườn hành lang Hà Tây.

Lộ tuyến Bắc đi qua Lễ Tuyền, Nguyên Châu, Hội Châu rồi đến Cam Châu. Lộ tuyến Nam đi qua Vũ Công, Lũng Châu, Thiền Châu rồi cũng hội tụ với lộ tuyến Bắc tại Cam Châu. Từ đó, hai lộ tuyến sẽ đi cùng đường cho đến Sa Châu [Đôn Hoàng] mới rẽ đôi trở lại.

Chương III – HÀNH LANG HÀ TÂY TRÊN CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

Con đường tơ lụa từ Trường An đến Địa đầu vùng Trung Á có tổng số chiều dài đến 7.000 km thì hành lang Hà Tây chiếm gần hết 3.000 km. Đó là một dãy dài hẹp có màu xanh, trải từ bờ Tây sông Vị đến vùng sa mạc phía Nam cao nguyên Mông Cổ. Nhiều thành thị nằm dọc hành lang này như Thiên Thủy, Cam Châu, Túc Châu, Đôn Hoàng [Sa Châu]… nhờ sự thông thương của con đường tơ lụa mà trở thành những trung tâm giao lưu kinh tế văn hóa rất phồn thịnh.

Dọc hành lang cũng có nhiều vùng khí hậu tương đối tốt, cỏ nước phong phú giúp cho nông nghiệp và chăn nuôi phát triển khá sớm. Những khu vực Âm Sơn, Lũng Sơn, Hà Hoàng… có nhiều địa thế hiểm yếu, là tiền đồn bảo vệ Trung Nguyên từ thời Hán Đường và đã trở thành vị trí chiến lược quan trọng trong lịch sử Trung Quốc.

1. KHU VỰC ÂM SƠN TRÊN HÀNH LANG HÀ TÂY

Ra khỏi Hàm Dương, theo con đường tơ lụa đi về hướng Tây Bắc khoảng 50km [một km tương đương với hai dặm ngày xưa], sẽ đến Thể Tuyền [ngày nay đổi tên thành Lễ Tuyền]. Ở đây có lăng mộ của Đường Thái Tông [Chiêu Lăng]. Tiếp tục đi về phía Tây thêm 30km nữa đến Phụng Thiên [nay là huyện Càn tỉnh Thiểm Tây], ở đây có lăng mộ của Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên [Càn Lăng]. Cả hai nơi đều là những điểm du lịch nổi tiếng ngày nay.

Rời Phụng Thiên, đi về hướng Tây Bắc khoảng 120km sẽ đến Châu Trị An Định Đô Kinh Châu. Sau đó có thể vượt ải Tiêu Quan để đi qua Nguyên Châu, Hội Châu rồi đến Lương Châu, một trọng trấn trên con đường tơ lụa. Đó là con đường lớn độc nhất thông giữa Trường An với Tây Vực mà từ thời Tần Hán còn được mệnh danh là “Hồi Trung Đạo”. Kinh Châu là thành phố chủ yếu của “Hồi Trung Đạo”.

Khoảng giữa Kinh Châu và Nguyên Châu [nay là Cố Nguyên Ninh Hạ], là tòa quan ải trọng yếu trên con đường giao thông Đông – Tây: Tiêu Quan [tại phía Bắc Nguyên Châu và phía Nam huyện Hồi Nhạc cũng có huyện Tiêu Quan. Hai nơi này chỉ trùng địa danh chứ không cùng địa phương]. Tất cả những bài thơ Biên Tái nổi danh có đề cập đến Tiêu Quan là đều nói về tòa quan ải này. Hành nhân khi đến Tiêu Quan, đưa mắt về hướng Tây, một bầu trời cảnh sắc biên tái đập vào mắt. Không chỉ có khí hậu địa vật thay đổi mà cả đến phong tục tập quán cũng trái ngược hẳn Trung Nguyên. Những trận cuồng phong nối tiếp, cát bay mù mịt, cát đập vào mình ngựa. Khí hậu khô kiệt và lạnh giá, thảo mộc không thể sinh sôi, thậm chí những ngôi chùa cũng không có bóng tre trúc. Nhà nhà đều treo cung đao trên vách, sĩ binh không rời áo giáp để kịp thời chiến đấu khi có địch xâm nhập. Ở đây hoàn toàn không thấy hình bóng khách nhàn du. Cảnh tượng như vậy trải dài tận ngoài tầm mắt từ Tiêu Quan vọng hướng Lâm Thao.

Tại phía Bắc, lộ tuyến Bắc của con đường tơ lụa là một vị trí chiến lược tối quan trọng mà binh gia của các phe đều muốn làm chủ được tình hình. Đó là khu vực Âm Sơn và Hạ Lan Sơn. Phía Đông Hạ Lang Sơn là thành Diêm Châu, đời Đường còn có tên Ngũ Nguyên, [hiện nay khu tự trị nội Mông Cổ gần Aâm Sơn cũng có tên Ngũ Nguyên nhưng không phải thành Ngũ Nguyên đời Đường]. Thành Ngũ Nguyên [Diêm Châu] từ xưa đến nay vốn thuộc huyện Định Biên, nằm về Bắc bộ tỉnh Thiểm Tây. Thành Diêm Châu do Hoàng Đế hạ lệnh xây dựng vào năm Trinh Nguyên thứ nhất Đường Đức Tông, nhằm củng cố biên phòng và đã đem lại hiệu quả rất lớn. Từ ngày hoàn tất thành Diêm Châu cho đến nhiều thập kỷ sau, quân Thổ Phồn không dám dòm ngó Trung Nguyên, ngay cả các sắc dân du mục khi săn bắt hoặc chăn thả súc vật cũng phải cách xa chân thành 100 km.

Ngũ Nguyên [tức Diêm Châu] có vị trí địa lý thiên Bắc. Khí hậu khô khan lạnh lẽo, mùa xuân đến rất chậm và tồn tại rất ngắn. Nhà thơ Trương Kính Trung đời Đường có viết bài thất tuyệt “Biên Từ” mô tả hiện tượng này.

遍詞張敬忠

五原春色舊來遅

二月垂楊未挂絲

卽今河畔冰開日

正是長安花落時

Âm:

BIÊN TỪ [Trương Kính Trung]

Ngũ Nguyên xuân sắc cựu lai trì

Nhị nguyệt thùy dương vị quải ti

Tức kim hà bạn băng khai nhật

Chính thị Trường An hoa lại thì.

Dịch:

LỜI BIÊN TÁI

Ngũ Nguyên xuân muộn từ xưa

Tháng hai tơ liễu còn chưa buông mành

Ở đây tuyết bắt đầu tan

Trong khi hoa đất Trường An rụng đầy.

Ý thơ: mùa xuân ở Ngũ Nguyên đến rất trễ, đã tháng hai rồi [chỉ âm lịch] mà dương liễu chưa rũ tơ, những dòng sông băng mới bắt đầu tan chậm, nếu là đất Trường An thì hoa xuân đã tàn tạ. Bài thơ ngoài nghệ thuật cao, còn có cả giá trị khoa học tự nhiên, ghi nhận được hiện tượng của “Vật Hậu học”. Những ghi chép này rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu những biến thiên của khí hậu.

Nhà thơ Lý Ích [một trong Đại Lịch thập tài tử] là người Lương Châu, sinh năm Thiên Bảo thứ 7 Đường Huyền Tông [CN 748]. Năm Quảng Đức thứ 2 Đường Đại Tông [CN 764] ông 17 tuổi. Lúc đó Thổ Phồn công hãm Lương Châu, ông cùng gia đình lánh nạn đến Lạc Dương [nay thuộc tỉnh Hà Nam]. Năm Đại Lịch thứ tư Đường Đại Tông [CN 769], họ Lý đậu tiến sĩ. Bấy giờ quân Thổ Phồn tràn xuống Trung Nguyên đánh phá khắp nơi, thậm chí kinh đô Trường An cũng bị chiếm lĩnh. Năm Đại Lịch thứ 9 [CN 774], đại tướng Đường triều Quách Tử Nghi kiến nghị tiến hành đại qui mô quân sự đối phó quân Thổ Phồn. Lý Ích tòng quân gia nhập Mạc phủ Vị Bắc Tiết Độ Sứ Tàng Hy Nhượng. Ông đã đến Trường An theo đoàn quân Bắc tiến đi qua Ngũ Nguyên, Hạ Châu, vượt sa mạc Phá Nột Sa đến ba tòa Đông, Trung, Tây của Thụ Hàng thành. Trên đường hành quân, họ Lý đã viết nhiều bài thơ Biên Tái độc đáo được truyền tụng rất rộng. Như bài “Tống Liêu Dương Sứ Hoàn Quân” được vẽ thành đồ họa, bài “Dạ thướng Thụ Hàng thành văn địch” được soạn thành ca khúc. Những bài này sẽ đề cập sau, khi nói về những địa danh có liên quan đến con đường tơ lụa.

Khi Lý Ích đi qua Du Lâm thuộc khu vực Âm Sơn của hành lang Hà Tây, có viết bài thất tuyệt “Thính Hiểu Giác”, mô tả tiếng còi sừng buồn thảm của buổi sớm nơi đây:

聴曉角 李益

遍霜昨夜墜關楡

吹角當城漢月孤

無限塞鴻飛不度

秋風卷入小單于

Âm:

THÍNH HIỂU GIÁC [Lý Ích]

Biên sương tạc dạ trụy Quan Du

Xuy Giác đương thành Hán Nguyệt cô

Vô hạn tái Hồng phi bất bộ

Thu phong quyển nhập tiểu Thiền Vu.

Dịch:

NGHE TIẾNG CÒI SỪNG BUỔI SỚM

Đêm qua sương phủ khắp Du lâm

Còi sừng thành lặng bóng trăng tàn.

Quan tái nhạn hồng bay khó vượt

Vẳng nghe hồ khúc buồn xé gan.

Bài thơ diễn đạt những màn sương thu biên tái đã rơi xuống vùng Du Lâm. Mảnh trăng tàn vẫn còn treo lơ lững, tiếng còi sừng trên thành bỗng trỗi lên khúc nhạc Hồ [Hung Nô] buồn thảm, làm cho đàn nhạn từ Nam lên Bắc cũng không dám vượt quan san.

Hai chữ “Quan Du” trong câu đầu đã làm cho nhiều người tưởng là cây du bên quan tái, vì nhầm lẫn với bài “Tòng quân hành” cũng của Lý Ích “Quan thành du diệp tảo sơ hoàng. Nhật mộ sa vân cổ chiến trường” [Lá du trở vàng trên quan ải. Chiều hôm mây cát chiến trường xưa”. Còn một cách giải dịch khác, “Quan Du” là “Du quan”, tức Du Lâm Quan [nay là khu Mông Cổ tự trị Chuẩn Cách Nhĩ Kỳ]. Cho nên câu đầu của bài “Thính Hiểu Giác” phải dịch là “Sương đêm của miền biên tái đã rơi xuống Du Lâm Quan”.

Phía Đông Ngũ Nguyên [phụ cận vùng Du Lâm tỉnh Thiểm Tây] có một con sông tên Vô Định Hà. Sông này phát nguyên từ khu Mông Cổ tự trị Ngạc Nhĩ Đa Tư, chảy về hướng Đông Nam qua Du Lâm, huyện Mễ Chi, huyện Thanh Giản [thuộc tỉnh Thiểm Tây] rồi nhập vào Hoàng Hà. Đây là con sông nước chảy rất siết đem theo nhiều bùn cát, sâu cạn khó dò và thường khi thay đổi dòng chảy nên mới có tên Vô Định Hà. Vô Định Hà là con sông nhỏ không có trong bản đồ, nhưng là khu biên tái quan trọng thời Hán Đường. Thời Hán quân Hung Nô thường theo ngã này xâm nhập và đánh phá Trung Nguyên, cho nên hai bờ sông thường xảy ra những trận chiến khốc liệt. Cho tới đời Đường, nhà thơ Trần Đào khi qua đây, vẫn còn chứng kiến những bãi xương khô phơi trắng hai bờ. Ông cảm xúc hình dung những trận đánh ác liệt trên chiến trường xưa và viết bài thất tuyệt “Lũng Tây Hành”. Nhờ đó mà con sông Vô Định trở nên nổi danh.

隴西行陳陶

誓掃匈奴不顧身

五千貂錦喪胡塵

可憐無定河遍骨

猶是春閨夢里人

Âm:

LŨNG TÂY HÀNH [Trần Đào]

Thệ tảo Hung Nô bất cố thân

Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ Trần.

Khả liên Vô Định hà biên cốt

Do thị xuân khuê mộng lý nhân.

Dịch:

BÀI HÀNH QUA ĐẤT LŨNG TÂY

Liều thân phá giặc biên thùy

Năm ngàn tướng sĩ vùi thây đất Hồ.

Bờ Vô Định bãi xương khô

Mà phòng khuê vẫn mộng chờ chinh nhân.

Bài thơ diễn tả lòng quyết tâm tiêu diệt Hung Nô không kể gì mạng sống. Trong trận chiến này, hàng mặc áo Điêu Cừu của Vũ Lâm quân cũng bỏ xác thê thảm đến năm ngàn người. Tội nghiệp cho những bãi xương khô hai bên bờ sông Vô Định, trong khi những thiếu phụ nơi phòng khuê quê nhà vẫn mộng nhớ người thân.

Phía Đông Diêm Châu và phía Bắc Hạ Châu là sa mạc Phá Nột Sa, còn gọi là sa mạc Phổ Nột Sa [nay là Khố Bố Tề sa mạc]. Phía bắc Phá Nột Sa là Phong Châu, một địa điểm trọng yếu của khu vực Âm Sơn, ngay từ thời cổ đại, đây là nơi tụ cư của một dân tộc du mục phương Bắc. Một vùng thảo nguyên bao la, cỏ nước phong phú, bò dê béo tốt. Cuộc sống con người, dù là du mục, rất sung túc yên vui. Vào thời Bắc Tề [CN 550-577] có một nhà thơ vô danh sáng tác bài “Sắc Lặc ca”, một bài dân ca mô tả xuất sắc phong cảnh và cuộc sống dưới chân núi Âm Sơn.

敕勒歌 [北齊]無名氏

敕勒川,陰山下

天似穹廬,籠盖四野.

天蒼蒼,野茫茫,

風吹草低見牛羊.

Âm:

SẮC LẶC CA [Bắc Tề] Vô Danh thị

Sắc Lặc xuyên, Âm Sơn hạ

Thiên tự khung lư, lung cái tứ dã.

Thiên thương thương, dã mang mang,

Phong xuy thảo để kiến ngưu dương.

Dịch:

BÀI CA CỦA NGƯỜI SẮC LẶC

Dòng sông Sắc Lặc, chảy dưới núi Âm Sơn.

Trời như mái lớn, che khắp thảo nguyên.

Trời xanh xanh, đất bao la

Gió đùa cỏ rạp thấy dê bò.

“Sắc Lặc ca” đã trở thành bài thơ trứ danh trong lịch sử thi ca Trung Quốc. “Sắc Lặc” là một dân tộc du mục thời Bắc Tề tụ cư tại Sóc Châu [nay là Bắc bộ tỉnh Sơn Tây]. Ý thơ, người Sắc Lặc chúng ta quê hương tại chân núi Âm Sơn. Trời như chiếc màn lớn [Mông Cổ bào] che khắp vùng thảo nguyên rộng lớn. Trời xanh bao la, đất mênh mông không bờ bến. Một trận gió lướt qua đè rạp đồng cỏ, để lộ những đàn bò dê béo tốt.

Theo lịch sử ghi chép, “Sắc Lặc ca” vốn là tiếng Tiên Ti. Vì người Tiên Ti lúc đó chưa có văn tự, cho nên tác phẩm được sáng tác bằng xuất khẩu và phổ biến qua truyền khẩu. Mãi tới thời Nam Bắc triều mới được người Bắc Tề ghi thành Hán ngữ, từ đó trở đi bài thơ được lưu truyền bằng chữ Hán, do đó mà những câu thơ dài ngắn không đồng đều.

Tộc Tiên Ti vào thời Lưỡng Tấn, Nam Bắc Triều là một dân tộc hùng mạnh phương Bắc, đã từng dựng nên những nước Tiền Yên, Hậu Yên, Bắc Ngụy, Bắc Chu. Ngay cả nước Bắc Tề cũng do người Tiên Ti xây dựng trên cơ sở văn hóa Hán.

Theo ghi chép trong sách “Nhạc phủ quảng đề”: Tướng Cao Hoan của Bắc Tề đem quân công thành Ngọc Bích của Bắc Chu. Cuộc chiến kéo dài nhiều ngày, sĩ binh của Bắc Tề cơ hồ thương vong quá nửa mà vẫn chưa hạ được thành, tướng Cao Hoan lo sợ ngã bệnh. Vua Bắc Chu hạ lệnh: “Cao Hoan chỉ là con chuột già, dám ngang nhiên công thành Ngọc Bích. Ta chỉ cần ra quân đánh một trận nhẹ, bọn chúng sẽ không có đất chôn.” Cao Hoan nghe được, hốt nhiên vùng dậy triệu tập bộ tướng, an ủi sĩ binh và ra lệnh tất cả cùng hát bài “Sắc Lặc ca”, Cao Hoan cũng cất tiếng hát theo. Tiếng hát vang dội cả đồi núi thảo nguyên, sĩ binh phấn chấn tinh thần và công hạ thành Ngọc Bích. Câu chuyện tuy có vẻ giai thoại nhưng tự thân nó nói lên được sức mạnh kinh thiên động địa phát ra từ một bài dân ca giản đơn bình thường.

Bài “Sắc Lặc ca” mô tả cảnh sắc cực kỳ chân thật, cho người đọc [và cả người nghe] hình dung được toàn cảnh phong quang miền biên tái, một thảo nguyên rộng lớn dồi dào sức sống. Từ đó bài thơ trở thành [gần như] kinh nhật tụng, và nhất là câu cuối bài, đã trở nên thành ngữ cho bao nhiêu người, bao nhiêu thế hệ của dân tộc Sắc Lặc tụ cư dưới chân núi Âm Sơn [Phong xuy thảo để kiến ngưu dương].

Chân núi Âm Sơn hằng năm còn là địa điểm trao đổi ngựa và vàng lụa giữa Hồi Cốt [Hồi Hột] với vương triều Đường. Mỗi năm cứ đến hẹn kỳ, người Hồi Cốt từ phía Tây Bắc lùa ngựa, theo Con đường Tơ lụa, đến chân núi Âm Sơn. Vương triều Đường cũng chuyển tải vàng lụa, theo Con đường Tơ lụa đến đó. Giá mỗi con ngựa qui định 10 tấm lụa [sau này tăng lên 40 tấm], và ngựa què ngựa ốm chết Đường triều cũng phải nhận. Những vùng cỏ nước dồi dào dọc chân núi Âm Sơn hằng năm, đoàn ngựa của Hồi Cốt đi qua, ăn hết cỏ uống cạn nước mà số ngựa què quặt, ốm chết vẫn không giảm. Vì muốn thu vào số lượng ngựa quá lớn nên triều đình không những vắt kiệt công của trong dân chúng mà còn phải trút vàng bạc trong kho lẫm để trợ giá cho khoản tơ lụa thiếu chất lượng và số lượng.

Vì quan điểm ngựa là phương tiện tối ưu trong chiến tranh [thời cổ] nên Đường Hiến Tông có ý đồ thu hết nguồn ngựa để bẻ gãy khả năng chiến tranh của Hồi Cốt. Nhưng cuối cùng phải đối diện 3 hậu quả nghiêm trọng không còn thuốc chữa: Thứ nhất, ôm về số ngựa vô dụng quá lớn, đã trở thành gánh nặng không biết trút vào đâu. Thứ hai, tài vật trong dân chúng đã kiệt quệ mà kho lẫm triều đình cũng trống rỗng. Thứ ba, người Hồi Cốt chỉ trao cho Đường triều số ngựa què quặt, ốm chết, trong khi vẫn bảo tồn chiến mã cho chiến tranh. Trong loạn An Sử [đời Đường Huyền Tông], triều đình có mượn quân Hồi Cốt để dẹp loạn. Người Hồi Cốt cậy công nên tỏ ra kiêu ngạo, thái độ bắt ép điều kiện vô lý trong mậu dịch ngựa cũng phát xuất từ lòng kiêu căng đó. Trong khi Đường Hiến Tông cứ tưởng lầm mình có thể tương kế tựu kế trong lòng tham này của đối phương.

Vào khoảng niên hiệu Khai Nguyên năm thứ 11 đến năm thứ 15, Đường Huyền Tông, nhà thơ Vương Xương Linh đã theo quân đến vùng biên tái. họ Vương đã đến Tiêu Quan, Lâm Thao, Ngọc Môn Quan và đến cả Toái Diệp thành của vùng trung Á Tế Á. Thời gian sống trong quân lữ, ông đã thực sự cảm thụ được từ phong quang đến nếp sinh hoạt vùng biên tái. Từ đó, nhà thơ đã viết nhiều bài về biên tái rất nổi danh, mô tả sống động từ cảnh vật đến nếp sống trên những khu vực biên cương dọc theo Con đường Tơ lụa, trong đó, trứ danh nhất là bài thất tuyệt “Xuất Tái”:

出塞王昌齡

秦時明月漢時關

萬里長征人未還

但使龍城飛将在

不敎胡馬度蔭山

Âm:

XUẤT TÁI [Vương Xương Linh]

Tần thời minh nguyệt Hán thời quan,

Vạn lý trường chinh nhân vị hoàn.

Đản sử Long Thành Phi tướng tại,

Bất giao Hồ mã độ Âm San.

Dịch:

RA QUAN ẢI

Trăng Tần ải Hán nhiêu khê,

Chinh nhân vạn dặm ngày về chưa hay.

Cầm bằng Lý trướng còn đây,

Thì Âm San đã vùi thây ngựa Hồ.

“Xuất Tái” là một cựu đề trong Nhạc Phủ. Ý thơ, vầng trăng và quan ải hôm nay đều là cổ vật của Tần Hán. Những đoàn quân chiến đấu ngoài quan ải nhiều năm chưa trở về. Nếu còn danh tướng Lý Quảng của Tây Hán trấn thủ Long Thành bảo vệ biên cương thì, tuyệt đối không cho phép kỵ binh của người Hồ vượt núi Âm Sơn vào đánh phá Trung Nguyên.

Nhà thơ Trung Đường Đái Thúc Luân khi đi qua Âm Sơn cũng có viết bài “Tái Thượng khúc”, một bài thất tuyệt [mượn Hán chỉ Đường] mô tả hào tâm tráng chí của binh tướng Đường triều chiến đấu bảo vệ Âm Sơn:

塞上曲 戴叔倫

漢家旗幟满陰山

不遣胡兒匹馬還

愿得此身長报國

何須生入玉門關

Âm:

TÁI THƯỢNG KHÚC [Đái Thúc Luân]

Hán gia kỳ xí mãn Âm San

Bất khiến Hồ nhi thất mã hoàn,

Nguyện đắc thử thân trường báo quốc

Hà tu sinh nhập Ngọc Môn Quan.

Dịch:

KHÚC HÁT TRÊN QUAN TÁI

Quân Đường vây kín cả Âm San

Không để ngựa Hồ thoát lưới ngăn.

Nguyện đem thân sống đền ơn nước

Mong gì trở lại Ngọc Môn Quan.

Bài thơ diễn đạt khí thế quân Đường [mượn Hán chỉ Đường] cờ xí rợp trời vây kín núi Âm Sơn, quyết không để cho một kỵ binh Hồ nào lọt lưới đào thoát. Chí nguyện thà chết vĩnh viễn bảo vệ quốc gia chứ không cầu sống sót trở lại Ngọc Môn Quan để hồi hương. Câu cuối bài có vận dụng một cố sự đời Hán, nói về nhân vật anh hùng Ban Siêu. Thời trai trẻ họ Ban đã ném bút tòng quân đến trấn thủ nhiều thập kỷ tại Tây Vực và đã lập nhiều chiến công hiển hách. Những năm về già, Ban Siêu vì nhớ quê, đã thỉnh nguyện triều đình xin được trở lại Ngọc Môn Quan để về cố hương. Trong bài thơ của Đái Thúc Luân có phản ý, binh tướng Đường triều hạ quyết tâm thà chết, vĩnh viễn bảo vệ Âm Sơn phòng thủ cho Trung Nguyên, chứ không xin trở lại Ngọc Môn Quan như Ban Siêu đời Hán.

Nhà thơ Lý Ích khi hành quân đến ba tòa Đông, Trung Tây Thụ Hàng thành của khu vực Âm Sơn có viết một bài thất tuyệt “Dạ thướng Thụ Hàng thành văn địch”, mô tả cảnh tượng về đêm nơi vùng biên tái này:

夜上受降城聞笛 李益

回樂烽前沙似雪

受降城外月如霜

不知何處吹蘆管

一夜征人盡望鄉

Âm:

DẠ THƯỚNG THỤ HÀNG THÀNH VĂN ĐỊCH [Lý Ích]

Hồi Nhạc phong tiền sa tự tuyết

Thụ Hàng Thành ngoại nguyệt như sương.

Bất tri hà xứ xuy lô quản,

Nhất dạ chinh nhân tận vọng hương.

Dịch:

ĐÊM LÊN THÀNH THỤ HÀNG NGHE SÁO

Cát trước non Hồi trông tựa tuyết

Trăng ngoài thành Thụ ngó như sương.

Ai hay sáo thổi nơi nào nhỉ?

Đêm ấy người xa nhớ cố hương.

Lê Nguyễn Lưu dịch

Khu vực Âm Sơn vào đời Đường có ba tòa Đông, Trung Tây Thụ Hàng thành, do Sóc Phương quân tổng quản Trương Nhân Nguyện xây dựng vào niên hiệu Cảnh Vân Võ Tắc Thiên. Mục đích chế ngự quân Đột Quyết xâm nhập. Đông Thụ Hàng thành tại Nội Mông Thác Khắc Thác Nam. Trung Thụ Hàng thành ở phía Tây thành phố Bao Đầu ngày nay. Tây Thụ Hàng thành ở Hàng Tích Hậu Kỳ [bờ Bắc sông Ngũ Gia Hà]. Lý Ích hành quân tới đây vào thời kỳ quân Thổ Phồn thường từ phía Tây xâm nhập, nhằm giành quyền kiểm soát huyết mạch Đông-Tây của Con đường Tơ lụa. Cho nên Tây Thụ Hàng thành vào thời kỳ này là tiền đồn quan trọng nhất của khu vực Âm Sơn. Phong Hỏa Đài trên núi Hồi Nhạc nằm về Tây Thụ Hàng thành. Ở phía Bắc Nguyên Châu cũng có huyện Hồi Nhạc và Phong Hỏa Đài, nhưng chỉ trùng địa danh chứ không liên quan tới Hồi Nhạc phong của Thụ Hàng thành.

“Dạ thướng Thụ Hàng thành văn địch” vẽ ra những bãi cát trước núi Hồi Nhạc sáng lên như màu tuyết, ánh trăng ngoài thành Thụ Hàng mờ ảo như sương. Tiếng sáo, không biết từ đâu, trỗi lên những khúc nhạc bi sầu, làm thức dậy lòng nhớ quê của chinh khách.

Ba tòa Đông, Trung Tây Thụ Hàng thành là tuyến đầu của Âm Sơn. Âm Sơn là khu vực đầu tiên trên Hành Lang Hà Tây, sau khi ra khỏi Hàm Dương, men theo lộ tuyến Bắc của “Con đường Tơ lụa”.

2. KHU VỰC LŨNG SƠN TRÊN HÀNH LANG HÀ TÂY

Rời Hàm Dương, men theo lộ tuyến Nam của Con đường Tơ lụa, đi về hướng Tây khoảng 20km là đến huyện Hưng Bình [thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay]. Phía Đông Bắc Hưng Bình là Mậu Lăng [lăng mộ của Hán Vũ Đế]. Vào thời Tây Hán ở đây đã từng có huyện Mậu Lăng, nhưng qua hơn 2.000 năm biến thiên, Mậu Lăng chỉ còn để lại dấu tích. Phía Tây huyện Hưng Bình là trạm Mã Ngôi, nơi mỹ nhân đời Đường Dương Quí Phi đã bị bức tử trên đường chạy vào Thục, trong loạn An Sử. Hiện tại, nơi đây vẫn còn mộ Dương Quí Phi. Tiếp tục đi về hướng Tây sẽ đến huyện Vũ Công, bên ngoài huyện trấn Vũ Công là phần mộ của một nhân vật nổi danh thời Tây Hán: Tô Vũ.

Từ Vũ Công theo Con đường Tơ lụa tiếp tục về hướng Tây, sau khi vượt Lũng Sơn, hành nhân bước vào vùng Đông Nam Bộ của Lũng Hữu đạo. Địa giới của Lũng Hữu đạo bao quát từ Lũng Sơn Cam Túc đổ về phía Tây, từ Ô Lỗ Mộc Tề Tân Cương đổ về phía Đông, thẳng tới Đông Bắc bộ tỉnh Thanh Hải, thủ phủ đóng tại Thiền Châu [nay là huyện Lạc Đô tỉnh Thanh Hải]. Thời cổ đại lấy hướng Tây làm mé phải, cho nên phía Tây Lũng Sơn được gọi “Lũng Hữu”. Từ Tây Hán trở đi, Lũng Hữu là vùng biên tái không bao giờ gián đoạn chiến tranh. Lữ khách rời Trường An theo Con đường Tơ lụa, sau khi đến Lũng Hữu, sẽ đối diện một bầu cảnh sắc cực kỳ biến hóa từ khí hậu đến địa vật. Đó là cảnh tượng mà Vương Nhai, nhà thơ đời Đường, khi qua đây đã mô tả trong một bài ngũ tuyệt: “Lũng Thượng hành”

隴上行 王涯

負羽到遍州

鳴笳度隴頭

黄云知塞近

草白見遍秋

Âm:

LŨNG THƯỢNG HÀNH [Vương Nhai]

Phụ vũ đáo biên châu

Minh già độ Lũng Đầu

Hoàng vân tri tái cận

Thảo bạch kiến biên thu

Dịch:

ĐI TRÊN LŨNG SƠN

Cung nỏ đến biên cương

Nghe kèn qua Lũng Sơn

Mây vàng soi biên tái

Cỏ trắng báo thu sang

Bài thơ vẽ hình ảnh người chiến sĩ vai đeo cung tên tiến ra biên ải. Khi vượt Lũng Sơn hốt nhiên nghe khúc nhạc bi lương vẳng lên từ tiếng kèn lá của người Hồ. Mây vàng soi gần biên tái và những đám cỏ trắng báo hiệu thu về. Cỏ trắng là loại cỏ có tên Cập Cập, chỉ sinh trưởng ở vùng Lũng Sơn đổ về phía Tây. Mỗi độ vào thu, mọi nguồn nước cạn kiệt, cỏ bị chết khô hóa màu trắng.

Sau khi vào đất Lũng Hữu, hành nhân sẽ dẫm lên Tần Châu, một thành trấn lớn của khu vực Lũng Sơn [nay là thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc]. Trong loạn An Sử, nhà thơ Đỗ Phủ đã từng lánh cư xứ này, ông có viết đề tài “Tần Châu tạp thi” với 20 bài ngũ tuyệt. Từ Tần Châu, tiếp tục đi về hướng Tây sẽ đến Lan Châu [đời Đường còn có tên Kim Thành], rồi đến Thiền Châu. Đó là khu vực bao quát những trọng trấn quân sự Lâm Thao, Hà Tây Cửu khúc [nay là Hồ Thanh Hải] và Mân Sơn. Những vùng này, vào thời Sơ Đường, là lãnh địa của tiểu vương quốc Thồ Cốc Hồn. Vào niên hiệu Long Sóc Đường Cao Tông, Thồ Cốc Hồn bị Thổ Phồn [Tây Tạng] tiêu diệt, phải chạy qua nương nhờ Vương triều Đường. Do vậy mà những vùng đất vừa kể, có một thời, là chiến trường kinh thiên động địa giữa Đường triều và Thổ Phồn.

Lũng Sơn tức đoạn phía Nam của Đại bàng Sơn [cũng còn có những tên Lũng Pha, Lũng Để, Lũng Thủ]. Lũng Sơn ngày nay là biên cảnh giữa hai tỉnh Thiểm Tây và Cam Túc, có chiều dài từ Nam lên Bắc khoảng 100 km, cũng là phân giới giữa bình nguyên Vị Hà và cao nguyên Lũng Tây.

Thời cổ đại giao thông rất khó khăn, đi lại vất vả. Những đoàn quân Tây chinh, những thương đội hoặc những quan viên công cán Tây Vực, sau khi rời những đô thị phồn hoa như Trường An, Hàm Dương, theo Con đường Tơ lụa về hướng Tây. Sau khi vượt Lũng Sơn, suốt tầm mắt là một không gian biên tái dị dạng, đơn điệu. Khí hậu khô kiệt giá buốt gợi cho lữ khách lòng nhớ quê da diết. Dân ca nhạc phủ thời Bắc triều có đề tài “Lũng Đầu ca từ” [3 bài] mô tả xuất sắc lòng nhớ quê của lữ khách khi bước chân tới Lũng Sơn:

隴頭歌辞 [北朝]樂府民歌

隴頭流水

流离山下

念吾一身

飄然曠野

朝發欣城

暮宿隴頭

寒不能語

舌卷入喉

隴頭流水

鳴聲鳴咽

遥望秦川

心肝斷絕

Âm:

LŨNG ĐẦU CA TỪ

[Bắc Triều] Nhạc Phủ Dân Ca

[Bài 1]

Lũng Đầu lưu thủy

Lưu ly sơn hạ

Niệm ngô nhất thân

Phiêu phiêu khoáng dã

[Bài 2]

Triêu phát Hân thành

Mộ túc Lũng Đầu

Hàn bất năng ngữ

Thiệt quyển nhập hầu

[Bài 3]

Lũng Đầu lưu thủy

Minh thanh minh yết

Diêu vọng Tần Xuyên

Tâm can đoạn tuyệt

Dịch:

NHỮNG BÀI HÁT VỀ LŨNG ĐẦU [Lũng Sơn]

[Bài 1]

Nước tự Lũng Đầu

Đổ về chân núi

Một thân phiêu diêu

Gởi theo cỏ nội

[Bài 2]

Hân thành buổi sớm

Chiều tới Lũng Đầu

Lạnh không hớ miệng

Lưỡi cuộn yết hầu.

[Bài 3]

Lũng Đầu nước xung

Âm vang bất tuyệt

Vọng về Quan Trung

Ruột gan đứt hết

Bài 1:

Nước tự Lũng Đầu [Lũng Sơn] đổ tứ tán về chân núi. Còn một thân lênh đênh phiêu bạt của ta, cũng chỉ biết phó mặc cho thảo nguyên không bờ bến.

Bài 2: Một sớm rời Hân thành, chiều tối đến Lũng Sơn. Trời lạnh tới độ không thể mở miệng nói, tưởng chừng như lưỡi đã bị cuộn cứng vào cổ họng.

Bài 3: Những khe nước từ Lũng Sơn tuôn xuống, vang vọng những âm thanh bi lương. Ta đứng trên đầu núi ngóng về cố hương Tần Xuyên [nay là Quan Trung tỉnh Thiểm Tây], tưởng chừng ruột gan đứt đoạn.

Những bài dân ca “Lũng Đầu lưu thủy” này khi lưu truyền, gần như đã hóa ra thành ngữ của bi lương, nhớ quê, sầu khổ. Trải qua nhiều triều đại, “Lũng Đầu lưu thủy” đã trở thành đề tài trong sáng tác của nhiều thi nhân.

Sầm Tham, nhà thơ nổi danh thời Thịnh Đường, xuất thân từ một gia đình quan lại, đậu tiến sĩ năm 30 tuổi, có giữ một chức quan nhỏ tại Trường An. Đường Huyền Tông năm Thiên Bảo thứ 8 [CN 749], An Tây Tiết Độ Sứ Cao Tiên Chi về triều, thỉnh cầu Hoàng Đế cử Sầm Tham đến giữ chức thư ký trong mạc phủ Tiết Độ Sứ của ông ta, lúc đó Sầm Tham 35 tuổi. Một ngày mùa Đông năm đó Sầm Tham lần thứ nhất đến Tây Vực. Từ Trường An, họ Sầm theo Con đường Tơ lụa, đi về phía Tây qua khỏi Đôn Hoàng, đến An Tây Đại Đô Hộ Phủ [lúc đó đặt tại thành Khưu Từ, nay là vùng Khố Xa tỉnh Tân Cương]]. Sầm Tham giữ chức thư ký ở đó 2 năm, đến năm Thiên Bảo thứ 10 [CN 751] được triệu hồi về Trường An.

Khoảng giữa mùa Hạ và mùa Thu, từ năm Thiên Bảo thứ 13 Đường Huyền Tông đến năm Chí Đức thứ 2 Đường Túc Tông [CN 754-757], Sầm Tham lần thứ hai được cử đến Tây Vực, nhận chức Phán quan tại mạc phủ An Tây Tiết Độ sứ Phong Thường Thanh. Lần thứ nhất đến Tây Vực vì chưa quen với phong cảnh dị dạng, khí hậu khắc nghiệt và sinh hoạt gian khổ nơi quan ải, nên thơ họ Sầm chỉ có tình điệu nhớ nhung sầu thảm. Lầân này đến Tây Vực nhà thơ đã quen thuộc mọi thứ và có nhiều kinh nghiệm sinh hoạt nơi biên cương, nên thơ ông bật lên được tinh thần hào tráng, vẽ lên được những hình ảnh vừa hào hùng vừa bi tráng trên tuyến đầu đất nước. Ngay cả những bài thơ nhớ nhà của họ Sầm cũng không hề biểu lộ tình điệu sầu thảm, như bài thất tuyệt “Phó Bắc Đình độ Lũng tư gia” dưới đây:

赴北庭度隴思家 岑参

西向輪臺萬里餘

也知鄉信日應疏

隴山鸚鵡能言語

爲報家人數寄書

Âm:

PHÓ BẮC ĐÌNH ĐỘ LŨNG TƯ GIA [Sầm Tham]

Tây hướng Luân Đài vạn lý dư

Dã tri hương tín nhật ưng sơ

Lũng Sơn Anh Vũ năng ngôn ngữ

Vị báo gia nhân số ký thư

Dịch:

NHỚ NHÀ KHI QUA LŨNG SƠN, TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN BẮC ĐÌNH

Tây cách Luân Đài hơn vạn dặm

Tin quê mỗi bước một thưa xa

Lũng Sơn Anh Vũ chừng biết nói

Thay giúp tin thư gởi quê nhà

Bài thơ mô tả hình ảnh lữ khách đi về hướng Tây, còn cách Luân Đài hơn vạn dặm. Tin tức quê nhà càng lúc càng xa theo mỗi bước chân. Tiếng hót chim Anh Vũ trên đầu núi Lũng hình như nói lên được lòng người, hãy thay ta đưa tin về quê.

Vùng Lũng Sơn có loài chim Anh Vũ màu lông rất đẹp, các quan chức triều đình rất thích chơi loài chim này nên lệnh cho địa phương hàng năm phải tiến cống. Việc bắt chim Anh Vũ [chim Két] là một tai họa kinh khủng cho bá tánh Lũng Sơn và cả quan sai địa phương. Anh Vũ ở Lũng Sơn làm tổ trên sườn núi cheo leo, cách mặt đất từ 100m trở lên. Người dân nơi đây phải dùng dây leo, treo người lơ lững trên không vào lúc nửa đêm, rình bắt chim. Công việc hết sức nguy hiểm, 10 người leo núi may ra chỉ còn 1 người sống sót đem chim về. Trong khi các tướng lãnh trấn thủ biên cương cũng học đòi chơi chim Anh Vũ. Họ lệnh cho sĩ tốt phải làm những chiếc lồng đẹp, hằng ngày còn phải hầu rượu cho các tướng lãnh thưởng ngoạn chim, việc phòng thủ biên ải nhiều khi lơi lỏng.

“Con đường Tơ lụa” sau khi vượt Lũng Sơn, đi về phía Tây khoảng 100 km sẽ đến Tần Châu. Thủ phủ Tần Châu là Thiên Thủy [nay là thành phố Thiên Thủy tỉnh Cam Túc]. Địa danh Thiên Thủy có từ năm Nguyên Đỉnh thứ 2 đời Hán Vũ Đế [114CN], có trước cả địa danh Tần Châu thời Tam Quốc. Phía Tây ngoại thành Thiên Thủy có một hồ nước. Theo nói lại thì nước hồ này mùa Hạ không tăng Đông không giảm, mưa không đầy nắng không vơi. Truyền thuyết, có một con sông từ trời chảy xuống hồ nên mới có tên “Thiên Tủy” [nước trời]. Truyền thuyết vẫn chỉ là truyền thuyết, tất cả những hiện tượng đó ngày nay không tồn tại.

Có một điều, chính sử không phủ nhận, Thiên Thủy từ viễn cổ tới đời Đường là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, là quê hương của nhiều nhân vật lừng danh trong lịch sử. Thượng cổ có Hoàng Đế Nữ Oa [nhân vật luyện đá vá trời và lập ra chế độ hôn nhân]. Hoàng Đế Phục Hy [nhân vật vạch ra 8 quẻ bát quái làm nền tảng cho kinh Dịch]. Đời Hán có Lý Quảng [danh tướng uy trấn Hung Nô]. Tam quốc có Gia Cát Lượng, Triệu Xung Quốc, Khương Duy. Cả hai vị Hoàng Đế khai quốc nhà Đường Lý Uyên và Lý Thế Dân, đều là những nhân vật sinh trưởng tại Thiên Thủy.

Năm Càn Nguyên thứ nhất Đường Túc Tông [CN 758], nhà thơ Đỗ Phủ bị biếm quan ở Hoa Châu [nay là huyện Hoa tỉnh Thiểm Tây], ông đưa gia đình, theo Con đường Tơ lụa, vượt Lũng Sơn đến Tần Châu. Gặp lúc cuộc sống ở đây chật vật, mọi sinh hoạt khó khăn lại thêm Tần Châu đang bị quân Thổ Phồn uy hiếp, nên ông chỉ lưu lại một thời gian ngắn rồi rời Tần Châu đến Đồng Cốc [nay là huyện Thành tỉnh Cam Túc]. Cuộc sống ở Đồng Cốc chẳng khả quan gì hơn Tần Châu, nên cũng chỉ một thời gian ngắn, ông đưa gia đình thẳng vào Thành Đô [đất Thục].

Thời gian lưu lại Tần Châu tuy ngắn ngủi [3 tháng] nhưng lại là thời kỳ sáng tác thịnh nhất của Đỗ Phủ, ở đây ông đã viết hơn 90 bài thơ [trung bình mỗi ngày 1 bài] mô tả xuất sắc từ núi sông, con người đến cả hình thể đất nước trên một vùng đất trọng yếu của Con đường Tơ lụa. Nổi bật nhất là 20 bài “Tần Châu tạp thi” mà trong khuôn khổ chương sách này, chúng tôi chỉ tạm trích 2 bài.

秦州雜诗 杜甫

秦州城北寺

胜迹隗囂宮

苔藓山門古

丹青野殿空

月明垂葉露

雲逐度溪風

清渭無情極

愁時獨向東

莽莽萬重山

孤城山谷間

無風雲出塞

不夜月臨關

属國歸何晚

楼蘭斬未還

烟塵獨長望

衰颯正摧顏

Âm:

TẦN CHÂU TẠP THI [Đỗ Phủ]

[Bài 2]

Tần Châu thành Bắc tự

Thắng tích Ngỗi Hiêu cung.

Đài tiểán sơn môn cổ

Đan thanh dã điện không

Nguyệt minh thùy diệp lộ

Vân trục độ khê phong

Thanh vị vô tình cực

Sầu thị độc hướng Đông.

[Bài 7]

Mãng mãng vạn trùng san

Cô thành sơn cốc nhàn.

Vô phong vân xuất tái

Bất dạ nguyệt lâm quan.

Thuộc quốc qui hà vãn?

Lâu Lan trảm vị hoàn!

Yên trần độc trường vọng

Suy táp chính tồi nhan.

Dịch:

THƠ VẶT LÀM Ở TẦN CHÂU

Bài 2

Tần Châu chùa cõi Bắc

Ấy chốn Ngỗi Hiêu xưa.

Cửa núi làn rêu cũ

Đền hoang nét vẽ thưa.

Trăng soi sương lá giọt,

Mây dục gió khe đưa.

Thanh vị thờ ơ thế,

Về Đông buồn quạnh chưa!

Bài 7:

Lớp lớp núi muôn hòn,

Nếp thành giữa lũng con.

Mây biên đùn gió lặng,

Chiều ải ló trăng non.

Thuộc quốc sao về muộn?

Lâu Lan chắc vẫn còn!

Ngóng hoài trong khói bụi,

Vẽ mặt luống thon von.

Lê Nguyễn Lưu dịch

Trong suốt 20 bài của “Tần Châu tạp thi”, Đỗ Phủ đã mô tả sống động từ lộ trình dọc Con đường Tơ lụa đến Tần Châu và cả bức tranh toàn cảnh Tần Châu. Ông đã đi qua suối Ngư Long, núi Điểu Thử [suối Ngư Long phát nguyên từ Tây Bắc huyện Lũng, chảy về Nam nhập vào Khai Thủy. Suối này sản sinh một giống cá ngũ sắc tương truyền là giống Rồng, mới có tên Ngư Long. Núi Điểu Thử thuộc huyện Vị Nguyên tỉnh Cam Túc ngày nay].

Bài 2 trong “Tần Châu tạp thi” nói về những biến thiên của một thắng tích. Trên đầu núi phía Đông Bắc Tần Châu có ngôi chùa Sùng Ninh, vốn là nền cung điện xưa của Ngỗi Hiêu. Cuối thời Tây Hán Ngỗi Hiêu cát cứ toàn bộ vùng Cam Châu và Túc Châu [nay là tỉnh Cam Túc], tự xưng là Tây Châu đại tướng quân. Sau này bị nhà Đông Hán đánh bại nhiều lần, Ngỗi Hiêu lo buồn sinh bệnh mà chết. Di tích Ngỗi Hiêu cung tại đầu núi phía Bắc thành phố Thiên Thủy ngày nay, tục gọi Hoàng Thành. nay chỉ còn lại cảnh hoang tàn của những mẫu tường sụp đổ. Cửa chùa Sùng Ninh cũng mọc đầy rong rêu cỏ dại. Bên trong không một bóng người, ánh trăng chiếu qua những giọt sương trên lá, mây bên dòng suối bị gió chiều cuộn trôi.

Bài 7: Tả cảnh Tần Châu nằm giữa sơn cốc với núi non trùng điệp. Trời không gió, mây vẫn cứ tự trôi qua ải. Đêm chưa xuống hẳn mà ánh trăng đã rải khắp biên cương. Điển Thuộc Quốc Tô Vũ sao vẫn chưa trở về? Hay là chưa chịu đáp ứng yêu sách của vua Lâu Lan? [Vua Lâu Lan chỉ Thiền Vu Hung Nô. Điển Thuộc Quốc Tô Vũ lãnh mệnh Hán triều đi sứ Hung Nô, bị bắt đày đi chăn dê 19 năm nơi biên tái. Ý thơ mượn điển cố Hán để chỉ sứ giả Đường triều]. Hai câu cuối, Đỗ Phủ nhân cảnh chạnh tình, nghĩ về tuổi già long đong và dung nhan tiều tụy của mình.

“Con đường Tơ lụa”, từ Tần Châu, có một đại đạo thông thẳng qua sa mạc, ở đây có hàng ngàn lán trại của người Hồ [đã qui phục triều đình], dân cư có đến 10 ngàn hộ, tuấn mã chạy khắp sa mạc rớt xuống những giọt mồ hôi đỏ như huyết. Đó là Tộc Bạch Đề của người Hồ [người dân tộc này thích dùng phấn trắng bôi lên trán nên tự xưng là “Bạch Đề Tộc”].

Lúc Đỗ Phủ đến Tần Châu thì nơi đây đã là biên quan của Đường Triều. Trong loạn An Sử triều đình đã điều hết quân tinh nhuệ phòng thủ biên tái về nội địa dẹp loạn, kết quả tuyến đầu bỏ trống. Ngoại tộc thừa cơ bắt đầu xâm nhập, nghiêm trọng nhất là Thổ Phồn [Tây Tạng]. Thổ Phồn liên tục đánh chiếm Hà Tây, Lũng Hữu, cuối cùng công hãm cả kinh đô Trường An.

Tại một tòa núi phía Nam ngoại thành Tần Châu là chùa Nam Quách. Trong chùa có một dòng suối gọi Bắc Lưu Tuyền chảy về hướng Tần Châu. Những ngày lưu lại Tần Châu, Đỗ Phủ đã từng du lãm qua chùa Nam Quách [vị trí ngày nay nằm giữa eo núi Nam Sơn, cách phía Nam Thiên Thủy khoảng 3 km]. Trước chùa có hai cây Hòe lớn xưng là Hán Hòe. Tại một viện nhỏ phía Đông chùa có một giếng đá [nằm trong dòng chảy của Bắc Lưu Tuyền]. Giếng này không những nước rất tốt mà đặc biệt mùa hạn nước nhiều hơn mùa mưa. Trước chánh điện chùa có hai cây bách rất xưa mà trong thơ Đỗ Phủ gọi “Lão thụ”, ít nhất cũng có hơn ngàn năm tuổi, mỗi cành đều có một bia đá. Một trong hai cây bách thân nứt làm đôi, chính giữa mọc lên cây hòe, làm thành hiện tượng kỳ lạ “Bách Bao Hòe”. Tương truyền, danh tướng khai quốc công thần Đường triều Uất Trì Kính Đức đã từng cưỡi ngựa trên hai cây bách này. Nói chung, những di tích cổ xưa của chùa Nam Quách vẫn còn bảo tồn đầy đủ.

Đông thiền viện chùa Nam Quách có miếu Đỗ Phủ [Đỗ Công Từ]. Theo ghi chép thì ở Đông Kha Cốc Tần Châu [nay là Công xã Liễu Gia Hà Thôn], thuộc huyện Thiên Thủy, Cam Túc] Đỗ Phủ đã từng ngụ tại nhà người cháu Đỗ Tả. Nơi đây có Đỗ Công Bộ thảo đường, một kiến trúc kỷ niệm Đỗ Phủ, niên hiệu Đồng Trị đời Thanh đã bị chiến tranh phá hủy. Sau này Đông thiền viện chùa Nam Quách được đổi tên “Đỗ Công Từ”. Ngày nay trong miếu vẫn còn tượng Đỗ Phủ và hai tiểu đồng đứng hầu sách [nhiều tư liệu cho đó là hai con trai của nhà thơ, Đỗ Tôn Văn và Đỗ Tôn Võ].

Phía Đông Nam Tần Châu khoảng 40 km, là vị trí của một tòa núi có đỉnh giống hình một đống lúa Mạch, nên có tên Mạch Tích Sơn, một thắng cảnh trứ danh nằm trên Hành Lang Hà Tây của Con đường Tơ lụa [khu vực Lũng Sơn]. Khoảng sau nhà Tần [CN 384-417], Mạch Tích Sơn bắt đầu được khai quật, kéo dài đến thế kỷ 19, bảo tồn được gần 200 hang động. Bên trong có một số lớn tượng Phật bằng đá và hơn 1000m2 bích họa. Những hang đá trên núi cao hơn 140m, theo những phương pháp nghiên cứu hiện đại, người xưa đã đắp đất từ chân núi lên đến hiên nhai rồi theo những bậc đất, lên đó đục hang động, khắc tượng Phật, khi làm xong dời đất đi. Người sau muốn lên tham quan hang động phải thiết kế cầu treo mới lên được. Trải mấy ngàn năm biến thiên, Mạch Tích Sơn vẫn được bảo tồn hoàn hảo. Ngày nay đã trở thành thắng cảnh du lịch trên Con đường Tơ lụa.

Năm Quảng Đức thứ nhất Đường Đại Tông [CN 763], quân Thổ Phồn tiến chiếm kinh đô Trường An, 13 ngày sau bị danh tướng Quách Tử Nghi đem quân đẩy lui. Tới năm Quảng Đức thứ hai [CN 764], Thổ Phồn liên kết với Hồi Hột đem hơn 10 vạn quân, lần thứ hai công chiếm Trường An, nhưng cũng bị quân Quách Tử Nghi bẻ gãy. Vùng Đông Bộ biên cảnh Thổ Phồn là Đường Kiếm Nam Tiết Độ Sứ do Nghiêm Vũ quản hạt, cũng nhiều lần bị quân Thổ Phồn nhập xâm đánh phá. Năm Quảng Đức thứ hai, Tiết Độ Sứ Nghiêm Vũ xuất quân tấn công đại qui mô, tiêu diệt hơn 7 vạn binh mã Thổ Phồn. Tiết Độ Sứ Nghiêm Vũ xua quân chiếm luôn Câu Thành [nay là khu A Bá tự trị tỉnh Tứ Xuyên], sau đó tiến chiếm Diêm Xuyên Thành [nay thuộc Tây Bắc huyện Chương tỉnh Cam Túc]. Cả hai nơi đều nằm phụ cận Lâm Thao. Cuộc chiến kéo dài từ mùa Thu đến mùa Đông mới kết thúc.

Trấn Lâm Thao nằm ở chân núi Mân Sơn [nay là huyện Mân tỉnh Cam Túc, không phải huyện Lâm Thao đời Đường] là một trọng trấn quân sự biên tái mà Con đường Tơ lụa bắt buộc phải đi qua, và cũng được nhiều nhà thơ nhắc tới. Nhà thơ Thịnh Đường Vương Xương Linh khi hành quân qua đây đã viết bài ngũ luật “Tái Hạ Khúc”

塞下曲 王昌齡

飲馬渡秋水

水寒風似刀

平沙日未沒

黯黯見臨滔

昔日長城戰

咸言意氣高

黄塵足今古

白骨亂蓬蒿

Âm:

TÁI HẠ KHÚC [Vương Xương Linh]

Ẩm mã độ thu thủy

Thủy hàn phong tự đao.

Bình sa nhật vị một,

Ảm ảm kiến Lân Thao

Tích nhật trường thành chiến,

Hàm ngôn ý khí cao.

Hoàng trần súc kim cổ,

Bạch cốt loạn Bồng hao.

Dịch:

BÀI HÁT DƯỚI

Qua sông ngựa uống nước,

Nước lạnh, gió như dao.

Nắng tà vùng cát phẳng,

Thấp thoáng thấy Lâm Thao.

Trận Trường Thành thuở trước,

Cùng bảo khí quân cao.

Bụi vàng đầy kim cổ,

Xương trắng lẫn Bồng hao.

Lê Nguyễn Lưu dịch

Qua bài “Tái Hạ Khúc”, Vương Xương Linh diễn đạt tâm tư đối cảnh chạnh tình của một chiến binh già trấn đóng nơi biên tái. Buổi chiều mùa Thu, vì cho ngựa uống nước phải lội qua dòng sông nhỏ, nước sông giá lạnh, gió quét vào mặt như dao cắt. Màu trời hôn ám, bóng chiều tà còn vướng trên sa mạc mênh mông. Nhìn về hướng Lâm Thao xa xa, chạnh nhớ những trận ác chiến dưới chân Trường Thành thuở trước, ngày đó sĩ khí rất cao nhưng tự cổ chí kim, tất cả mọi cuộc chiến tranh đều chỉ để lại những bãi cát vàng, xương người ngổn ngang lẫn lộn vào cỏ dại.

Vị Hà là chi lưu chủ yếu của Hoàng Hà, chảy qua trung tâm đế quốc Đường Triều [vùng Quan Trung Thiểm Tây], tích tụ phù sa cho những cánh đồng vùng Quan Trung, giúp cho nông nghiệp phát triển mạnh, tăng cường hùng hậu cho nhà Đường.

Khoảng giữa Tần Châu và Kim Thành [nay là Lan Châu Cam Túc] có huyện Vị Nguyên [còn có tên Tư Nghĩa], là đầu nguồn của Vị Hà, nơi Con đường Tơ lụa bắt buộc phải đi qua.

Vị Hà phát nguyên từ Điểu Thử Sơn phía Tây Nam huyện Vị Nguyên. Điểu Thử Sơn [núi Chim Chuột] là một hiện tượng tự nhiên kỳ lạ, ở đó chim và chuột sống chung một hang động. Hơn hai ngàn năm trước, thiên Vũ công sách “Thượng Thư” đã ghi “Hiện tượng Chim và Chuột sống cùng hang động”.

Vị Hà còn có một chi lưu là Khai Thủy, phát nguyên từ huyện Lũng tỉnh Thiểm Tây. Đoạn đầu nguồn sông này có tên Long Ngư xuyên [sông cá Rồng]. Tương truyền nơi đây sản sinh một giống cá ngũ sắc có nòi Rồng. Dân cư quanh vùng đều cho là thần vật không ai dám bắt.

Thao Thuỷ [tức Thao Hà] phát nguyên từ ranh giới hai tỉnh Thanh Hải và Cam Túc, chảy về hướng Đông, đến huyện Mân tỉnh Cam Túc thì quặt hướng Bắc, chảy qua phía Tây Điểu Thử Sơn trước khi nhập vào Hoàng Hà.

Tại Cam Túc, Thanh Hải và Tân Cương đều có những ghi chép về huyệt động Chim Chuột trên núi, trên thảo nguyên hoặc hoang mạc. Người đời Thanh là Từ Tùng đã từng ghi chép hiện tượng huyệt động Chim Chuột khi đi qua vùng Y Lê tỉnh Tân Cương: “Chuột như chuột thường. Chim có lông đuôi dài màu xanh lục, nhỏ hơn chim Tước. Lúc rạng đông chim bay ra khỏi hang trước, một lúc sau chuột mới ra. Chim đứng trên lưng chuột để chuột mặc tình chạy nhảy chim vẫn không rớt”.

Tại Điểu Thử Sơn đầu nguồn Vị Hà, chuột già đào hang động, chim nhỏ đi tìm lương thực về dự trữ. Những ngày Đông tạnh ráo, chuột già ra khỏi hang tắm nắng, chim nhỏ đứng hót líu lo trên lưng chuột. Mùa Hạ nước sông lên cao, chuột già bơi qua sông, chim nhỏ cũng qua sông bằng cách đứng trên lưng chuột.

Do đâu mà có hiện tượng chim chuột ở cùng huyệt kỳ lạ này? Giới Động vật học giải thích: nhiệt độ tại vùng hoang mạc giữa Đông và Hạ, giữa ngày và đêm có mức sai biệt rất lớn, nhưng trong hang động thì Đông ấm Hạ mát, nếu có sai biệt thì mức độ cũng rất nhỏ. Vì thế các loài động vật sống chung rất hạnh phúc trong hang động, qua nhiều ngàn năm đã trở thành một thứ truyền thống bất dịch. Một số người cho rằng, vùng này khí hậu khắc nghiệt, cây cỏ không mọc được, chim chóc không có cây làm tổ nên phải sống chung với chuột trong hang động. Nhưng theo kết luận của nhiều đoàn khảo sát thì, Điểu Thử Sơn là vùng có nhiều rừng rậm cỏ cây um tùm. Làm sao có chuyện chim không cây làm tổ. Lý do sống chung hòa bình của chim và chuột chỉ còn tồn tại ở khí hậu ôn hòa dễ chịu của hang động.

Đó là những nét đặc trưng của vùng Lâm Thao. Từ Lâm Thao, theo Con đường Tơ lụa đi về hướng Tây Bắc đến Kim Thành [tức Lan Châu], rồi đến Thiền Châu [nay là huyện Lạc Đô, Thanh Hải]. Phía Tây Thiền Châu là vùng Hà Tây Cửu Khúc [nay thuộc tỉnh Thanh Hải], từng là chiến trường đẩm máu giữa Đường triều và Thổ Phồn. Sau đó thẳng tới Tây Hải [nay là hồ Thanh Hải].

Vùng Tây Nam Thiền Châu Kim Thành nguyên là địa bàn của nước Thồ Cốc Hồn, do họ Mộ Dung của tộc Tiên Ty kiến lập. Vào đời Tùy, Thồ Cốc Hồn bị nhà Tùy diệt vong, biến thành quận huyện của Tùy. Cuối đời Tùy, Trung Quốc đại loạn, Phục Duẫn Khả Hãn của Thồ Cốc Hồn thừa cơ thu phục những vùng đất đã mất tái lập quốc gia. Vào thời Sơ Đường, Phục Duẫn Khả Hãn thường đem quân cướp bóc quậy phá biên cảnh Đường triều. Năm Trinh Quán thứ 9 [CN 635], Đường Thái Tông mệnh cho hai tướng Lý Tịnh và Hầu Quân Tập đưa 6 lộ quân tiến công Thồ Cốc Hồn, Phục Duẫn Khả Hãn đại bại tự sát.

Đường triều lập con y là Mộ Dung Thuận làm Khả Hãn Thồ Cốc Hồn.

Thời Thịnh Đường, nhà thơ Vương Xương Linh khi hành quân qua Thiền Châu Kim Thành, hình dung lại chiến trường xưa, có viết đề tài “Tòng quân hành” gồm một số bài thất tuyệt, trong đó, bài thứ 5 mô tả lại trận chiến với Thồ Cốc Hồn.

從軍行 王昌齡

大漠風塵日色昏

紅旗半卷出轅門

前軍夜戰滔河北

已報生擒吐谷渾

Âm:

TÒNG QUÂN HÀNH [Vương Xương Linh]

[Bài 5]

Đại mạc phong trần nhật sắc hôn,

Hồng kỳ bán quyển xuất Viên môn.

Tiền quân dạ chiến Thao Hà Bắc,

Dĩ báo sanh cầm Thồ Cốc Hồn.

Dịch:

BÀI HÁT THEO QUÂN

Gió bụi trời chiều qua sa mạc,

Quân uy cờ cuốn dục lên đường.

Thao Hà đêm ấy vừa giao chiến,

Đã bắt sống vua Thồ Cốc Hồn.

Ý thơ, gió cát chiều tà trên sa mạc mênh mông. Đoàn quân hùng hậu cuốn cờ thẳng tiến về biên tái phía Tây. Ngay đêm giao chiến đầu tiên tại Thao Hà Bắc, đã có tin báo về, bắt sống được thủ lĩnh Thồ Cốc Hồn.

Từ khi Thồ Cốc Hồn đại bại trước Đường triều, mối quan hệ giữa hai nước được cải thiện ngày càng tốt. Đến đời cháu của Phục Duẫn, Nặc Hạt Bát kế vị ngôi Khả Hãn, được Đường Thái Tông phong “Hà Nguyên quận vương”. Năm Trinh Quán thứ 13 [CN 639], Nặc Hạt Bát đích thân đến Trường An triều kiến Hoàng Đế và thỉnh hôn. Năm sau, Đường Thái Tông phong con gái của Hoài Dương Vương Lý Đạo Minh là Hoằng Hóa Công Chúa, gã cho Nặc Hạt Bát làm “Khả Đôn” [vợ chính của Khả Hãn]. Cuộc hôn nhân này giúp cho mối quan hệ giữa hai nước ngày càng được củng cố vững chắc. Khi Đường Thái Tông qua đời, Đường triều còn tạc một tượng đá của Nặc Hạt Bát, đặt ngay dưới chân Chiêu Lăng [lăng mộ Đường Thái Tông]. Vào thời kỳ đó, đây là vinh dự rất lớn đối với lãnh tụ một dân tộc miền quan ngoại.

Năm Trinh Quán thứ 15 [CN 641], vua Thổ Phồn là Tùng Tán Can Bố phái sứ giả đến Trường An cầu hôn. Đường Thái Tông quyết định gã Công Chúa Văn Thành. Lộ trình đưa dâu có đi qua Thổ Cốc Hồn [nay là tỉnh Thanh Hải]. Khả Hãn Nặc Hạt Bát và Hoằng Hóa Công Chúa rất nhiệt tình đón tiếp và đích thân tiễn đưa Công Chúa Văn Thành đến tận biên cảnh Thổ Phồn. Do mối quan hệ tốt đẹp giữa Đường triều và Thồ Cốc Hồn mà Con đường Tơ lụa [đoạn từ Kim Thành đến Hà Tây Tẩu Lang] được thông suốt không còn trở ngại.

Năm thứ 2 sau khi Đường Thái Tông băng [CN 650], Tùng Tán Can Bố cũng qua đời. Người kế nhiệm của ông từng bước một, bành trướng thế lực ra ngoài biên cảnh, đã nhiều lần đem quân tấn công Thồ Cốc Hồn. Năm Long Sóc thứ 2 Đường Cao Tông [CN 663], Thổ Phồn lại xua đại quân tấn công Thổ Cốc Hồn. Khả Hãn Nặc Hạt Bát và Hoằng Hóa Công Chúa chỉ đưa được vài ngàn dân và súc vật, theo bờ Đông Bắc Thanh Hải, vượt Kỳ Liên Sơn đến lánh nạn tại Lương Châu [lãnh thổ Đường triều, nay là huyện Vũ Uy Cam Túc]. Thồ Cốc Hồn từ đó diệt vong. Sau này Đường Cao Tông phái Đại tướng Tiết Nhân Quí đem hơn 10 vạn quân thu phục lãnh địa của Thồ Cốc Hồn nhưng thất bại. Con đường Tơ lụa cũng bị tắt nghẽn dưới sự khống chế của Thổ Phồn.

Năm Thánh Lịch thứ nhất Đường Võ Tắc Thiên [CN 698], Hoằng Hóa Công Chúa qua đời, an táng tại Dương Hồn Cốc Dã thành [nay là Nam Doanh Công Xã, huyện Võ Uy tỉnh Cam Túc]. Đó là thôn Bắc núi Chủy Tử, nghĩa trang của họ Mộ Dung tộc Tiên Ty. Mộ của Công Chúa cao 10 thước còn bảo tồn tới ngày nay. Bài thất tuyệt thứ nhất của Vương Xương Linh trong đề tài “Tòng quân hành” nhằm mô tả nền xưa của lãnh địa Thồ Cốc Hồn, một tiểu vương quốc từng có quá khứ huy hoàng, giờ còn để lại bên này biên cảnh, hình ảnh những sĩ binh Đường Triều trấn giữ biên cương, ôm lòng nhớ quê da diết:

從軍行 王昌齡

烽火城西百尺摟

黄昬獨坐海風秋

更吹羌笛關山月

無那金閨萬里愁

Âm:

TÒNG QUÂN HÀNH [Vương Xương Linh]

[Bài 1]

Phong hỏa thành Tây bách xích lâu,

Hoàng hôn độc tọa Hải phong thu.

Cánh xuy Khương địch “Quan san nguyệt”

Vô ná kim khuê vạn lý sầu.

Dịch:

BÀI HÁT THEO QUÂN

“Phong Hỏa” thành Tây trăm thước lầu,

Quanh đây biển gió một chiều Thu.

Sáo Khương trỗi khúc “Quan san nguyệt”,

Vạn dặm phòng khuê vô hạn sầu.

Bài thơ diễn đạt tâm tư những sĩ binh trấn thủ biên cương, hằng ngày nhìn qua nền xưa của một tiểu vương quốc đã bị Thổ Phồn chiếm lĩnh. Từ sau khi Thồ Cốc Hồn bị Thổ Phồn diệt vong, Đường quân xây một “Phong hỏa đài” trên lầu cao trăm thước để quan sát địch tình. Hằng ngày sĩ binh ngồi trên Phong Hỏa đài, đón những làn gió chiều Thu từ hồ Thanh Hải thổi tới, cộng thêm tiếng sáo rợ Khương trỗi lên khúc nhạc thảm sầu “Quan San Nguyệt”, người lính biên cương không cầm được lòng nhớ quê. Bài thơ cũng không quên đề cập nỗi buồn vô hạn của những chinh phụ nơi khuê phòng, thương nhớ chinh nhân nơi biên tái.

Đời Đường Cao Tông [sau khi Thổ Phồn chiếm lĩnh Thồ Cốc Hồn làm thuộc địa], thế lực Thổ Phồn rất mạnh, uy hiếp nặng nề tuyến đường giao thông giữa Đường triều và Tây Vực, qua vùng Hà Tây Tẩu Lang [tức từ Lương Châu qua Cam Châu, Túc Châu tới Đôn Hoàng]. Vì muốn bảo vệ biên cương và sự thông thương của Con đường Tơ lụa, khoảng giữa niên hiệu Khai Nguyên và Thiên Bảo, Đường triều đã cho thành lập Hà Tây Tiết Độ sứ tại Lương Châu với quân số 7 vạn 3 ngàn, và Lũng Hữu Tiết Độ sứ tại Thiền Châu với quân số 7 vạn 5 ngàn. Tất cả đều nhằm vào mục đích phòng bị quân Thổ Phồn nhập xâm.

Năm Thiên Bảo thứ 12 [CN 753], Lũng Hữu Tiết Độ sứ kiêm Hà Tây Tiết Độ sứ Ca Thư Hàn đã xuất đại quân tấn công Thổ Phồn tại Hà Tây Cửu Khúc [phía Đông Hồ Thanh Hải]. Những trận tiến công quân sự đại qui mô kéo dài rất nhiều ngày, Ca Thư Hàn cũng công phá được một vài thành nhỏ, nhưng tổn thất của quân Đường lại quá nặng nề. Thời Đường Huyền Tông, Hoàng Đế cũng đã từng lệnh cho Tướng Ca Thư Hàn đem quân tấn công Thạch Bảo Thành của Thổ Phồn [nay ở phía Tây Nam Tây Ninh tỉnh Thanh Hải]. Trận đó quân Đường tiêu vong gần hết mới chiếm được thành, trong khi chỉ bắt được vỏn vẹn 400 quân địch. Nói chung từ Đường Võ Tắc Thiên đến Đường Cao Tông rồi Đường Huyền Tông, quân Đường chỉ cầm chân được Thổ Phồn ở vùng Phong Hỏa Đài tuyến đầu Thanh Hải, chứ không thu phục được lãnh địa Thổ Cốc Hồn.

Kim Thành [Lan Châu], Thiền Châu [nay là huyện Lạc Đô tỉnh Thanh Hải] và Tây Hải [nay là Hồ Thanh Hải] đều là tuyến đầu trọng yếu của khu vực Lũng Sơn. Lũng Sơn cũng là khu vực đầu tiên trên Hành Lang Hà Tây, sau khi ra khỏi Hàm Dương, theo Lộ tuyến Nam của “Con đường Tơ lụa” đi về hướng Tây.

Chương IV- LỘ TUYẾN MỚI PHÍA BẮC CỦA CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

Lộ tuyến mới phía Bắc là một trong ba lộ tuyến thông Tây Vực của Con đường Tơ lụa. Tức từ An Tây [Cam Túc] ra Đường Ngọc Môn Quan đi về phía Tây Bắc, vượt bãi Qua Bích đến Y Châu [nay là huyện Cáp Mật Tân Cương], tiếp tục về phía Tây qua Đình Châu, thủ phủ của Bắc Đình Đô Hộ phủ đời Đường [nay là Cát Mộc Tác Nhĩ Tân Cương], vượt Y Ninh [Tân Cương] thẳng tới Toái Diệp Thành. Từ đó vượt vùng Trung Á Tế Á để đến Hy Lạp, La Mã và bờ Địa Trung Hải.

Vùng biên cảnh phía Bắc và Tây Bắc Trung Quốc, từ thời Hán Đường, chiến tranh không bao giờ dứt. Đời Hán chiến tranh với Hung Nô. Những năm khai quốc Đường triều chiến tranh với Đột Quyết. Về sau [cũng đời Đường] chiến tranh với Thổ Phồn, Hồi Hột. Các tiểu quốc này muốn tấn công một nước lớn như Đường triều, trước tiên phải chiếm con đường phía Bắc Thiên Sơn của Tây Vực, tức lộ tuyến mới phía Bắc của Con đường Tơ lụa [vùng Y Châu, Đình Châu và Ô Tôn] làm thuộc địa. Rồi sau mới chinh phục con đường phía Nam Thiên Sơn, tức lộ tuyến Bắc của Con đường Tơ lụa [các tiểu quốc Yên Kỳ, Khưu Từ và Sơ Lạc], những quốc gia có nền kinh tế nông nghiệp phong phú. Từ đó mới đối địch với Hán Đường. Về phía Hán Đường, muốn củng cố biên phòng, cũng phải đánh bại các tiểu quốc đó và làm chủ vùng Tây Vực.

Từ thời Tây Hán, Hán Vũ Đế đã 2 lần phái Trương Khiên thông sứ Tây Vực [năm 138-119 TCN]. Sau nhiều năm lặn lội gian khổ và tù đày, Trương Khiên đã khám phá và mở rộng bang giao với 36 tiểu vương quốc vùng Tây Vực. Quan trọng nhất là các nước Đại Uyển [nay ở vùng Trung Á], Nguyệt Chi, Khang Cư [nay ở giữa hồ Baican và Biển Mặn], Đại Hạ [nay là phía Bắc Apganixtan], Điền Việt [nay là tỉnh Vân Nam], Vu Điền [nay nằm giữa tỉnh Tân Cương] và Ô Tôn.

Trong tấu chương trình lên Hán Vũ Đế, Trương Khiên có viết “Ở Đại Hạ có gậy trúc sản xuất tại Cung Sơn [nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên] và hàng tơ lụa sản xuất tại đất Thục [nay là Thành Đô, Tứ Xuyên]. Người bản xứ cho biết những thứ đó do thương nhân Thiên Trúc [Ấn Độ] mang tới”. Qua đó Hán Vũ Đế được biết, từ lâu đã có con đường buôn bán giữa Trung Nguyên với các vương quốc phía Tây và Tây Bắc. Ông hạ quyết tâm làm chủ tình hình và mở rộng con đường này. Từ đó về sau, hàng năm Hán Vũ Đế đều phái sứ giả thông sứ Tây Vực, xây dựng quan hệ ngoại giao với các vương quốc vùng này. Sứ giả và các đoàn thương nhân Tây Vực cũng lũ lượt đến Trung Quốc. Hàng tơ lụa của Trung Quốc, ngày càng nhiều, đi qua Tây Vực tới các nước Tây Á rồi đi tiếp sang Âu Châu. Người đời sau gọi đó là “Con đường Tơ lụa”.

Năm Thần Tước thứ 2 Hán Tuyên Đế [năm 60 TCN], Hán triều thiết lập “Tây Vực Đô Hộ Phủ” tại Ô Lũy thành [nay là Công Xã Sách Đại Nhã Dã Vân Câu, thuộc huyện Luân Đài tỉnh Tân Cương], cử Trịnh Cát giữ chức quan đô hộ, có nhiệm vụ bảo hộ từ Thiện Thiện đổ về Tây Nam. Thiện Thiện đời Hán là tiểu vương quốc Thiện Thiện, thủ đô tại Y Tuần [nay là Mễ Lan thuộc huyện Nhược Khương Tân Cương. Không phải huyện Thiện Thiện của Tân Cương ngày nay]. Tây Vực Đô Hộ phủ đời Hán chủ yếu kết hợp cộng đồng các vương quốc vùng Tây Vực nhằm đối phó Hung Nô, bảo vệ sự thông suốt của “Con đường Tơ lụa”.

Đến đời Đường, khoảng niên hiệu Trinh Quán Đường Thái Tông [CN 627 – CN 649], quân Đường tiêu diệt nước Cao Xương tại Tây Vực [thuộc quốc của Đột Quyết], thành lập Tây Châu tại đó [nay là Thổ Lỗ Phiên, Tân Cương]. Sau đó tiêu diệt luôn 2 nước Yên Kỳ và Khưu Từ. Sơ Lặc và Vu Điền thấy thế đều xin thần phục Đường Triều. Toàn bộ con đường phía Nam Thiên Sơn đều trở thành lãnh thổ hoặc thuộc quốc của nhà Đường. Công Nguyên 640, Đường triều thiết lập An Tây Đô Hộ phủ, thủ phủ đặt tại Giao Hà [nay là Thổ Lỗ Phiên, Tân Cương]. Về sau [CN 658] di dời đến thành Khưu Từ [nay là Khố Xa Tân Cương] xưng là An Tây Đại Đô Hộ phủ, cai quản 4 Đô Đốc Phủ: Toái Diệp [sau là Yên Kỳ], Khưu Từ, Sơ Lặc và Vu Điền, xưng An Tây Tứ Trấn. Chức quan cao nhất của Đô Hộ phủ là An Tây Đô Hộ, đến thời Đường Huyền Tông đổi là An Tây Tiết Độ Sứ. Công Nguyên 702, Vũ Tắc Thiên ra lệnh thành lập Bắc Đình Đại Đô Hộ phủ, thủ phủ tại Kim Mãn Thành Đình Châu [nay là Hộ Bảo Tử, phía Bắc Cát Mộc Tác Nhĩ Tân Cương], cai quản toàn bộ con đường Bắc Thiên Sơn, chức quan cao nhất là Bắc Đình Đô Hộ. Đến thời Đường Huyền Tông cũng đổi là Bắc Đình Tiết Độ Sứ.

Lộ tuyến mới phía Bắc của Con đường Tơ lụa, sau khi ra Đường Ngọc Môn Quan đi về phía Tây Bắc, con đường là một bãi qua bích hoang lương không một làn khói bếp, đời Đường gọi là qua bích “Mạc Hạ Diên”. Địa hình toàn bộ của qua bích này được cấu thành từ cát, đá và đá vụn. Theo kết quả những nghiên cứu gần đây, địa tầng của lớp cát đá này có độ dày khá lớn. Từ 10m đến vài trăm mét, thậm chí có nơi không dò được đáy. Khí hậu trên qua bích cực kỳ khô hạn. Không có cỏ nước, không có sinh vật và thực vật. Toàn bộ Qua Bích là một cảnh tượng chết. Nhưng nếu vượt Qua Bích “Mạc Hạ Diên”, hướng về Tây khoảng hơn 300km, hành nhân sẽ đến Y Châu [nay là huyện Cáp Mật Tân Cương], một lục châu có màu xanh sức sống của Tây Vực.

Năm Trinh Quán thứ nhất Đường Thái Tông [CN 627], cao tăng Huyền Trang một mình cùng con ngựa già lén ra Ngọc Môn Quan, đi vào qua bích “Mạc Hạ Diên”. Do bất cẩn, nhà sư làm đổ hết nước trong túi da. Ông đi suốt 4, 5 ngày không tìm được nước uống, cuối cùng vì kiệt sức ngất xỉu trên Qua Bích. May nhờ đang đêm có một làn gió mát thổi tới, ông tỉnh dậy, cùng lúc con ngựa già đánh hơi được hướng có nước, liền phi nhanh tới một dòng suối trong mới cứu sống được Huyền Trang. Trong tiểu thuyết “Tây Du Ký”, Ngô Thừa Ân hư cấu nhân vật Tôn Ngộ Không bảo vệ thầy trò Huyền Trang vượt Qua Bích để đến Y Châu [vùng lục châu có màu xanh sức sống của Tây Vực], chính là Qua Bích “Mạc Hạ Diên” này.

Vào đời Đường, triều đình thường xuyên phái một lực lượng quân đội rất lớn phòng thủ Y Châu, bảo vệ sự thông suốt của “Con đường Tơ lụa”. Nhà thơ Vương Duy có viết bài thất tuyệt trứ danh “Y Châu ca”, diễn đạt nỗi nhớ thương giữa những chiến sĩ phòng ngự Y Châu và thân nhân nơi quê nhà.

伊州歌 王維

清風明月苦相思

蕩子从戎十載余

征人去日殷勤囑

歸雁來时數附书

Âm:

Y CHÂU CA [Vương Duy]

Thanh phong minh nguyệt khổ tương tư,

Đãng tử tòng nhung thập tải dư.

Chinh nhân khứ nhật ân cần chúc,

Qui Nhạn lai thì sổ phụ thư.

Dịch:

BÀI CA ĐẤT Y CHÂU

Trăng gió biên thùy trĩu tương tư,

Theo quân lâm chiến mười năm dư.

Ngày đi chinh khách ân cần bảo,

Nhạn về gởi gắm những phong thư.

Một đêm trăng thanh gió mát nơi biên tái, sĩ binh chạnh nhớ người thân nơi quê nhà. Theo quân chinh chiến hơn 10 năm. Ngày ra đi có hứa hẹn sẽ báo tin bình an theo cánh nhạn xuôi Nam.

Năm Thiên Bảo thứ 13 Đường Huyền Tông [CN 754], nhà thơ Sầm Tham lần thứ 2 đến Tây Vực, nhận chức phán quan tại mạc phủ An Tây Bắc Đình Tiết Độ Sứ của Phong Thường Thanh. Lộ trình khi vượt Qua Bích “Mạc Hạ Diên”, giữa Ngọc Môn Quan và Y Châu, ông đã viết bài ngũ tuyệt “Nhật một Hạ Diên thích tác”.

日没賀延磧作 岑参

沙上見日出

沙上見日没

悔向万里來

功名是何物

Âm:

NHẬT MỘT HẠ DIÊN THÍCH TÁC [Sầm Tham]

Sa thượng kiến nhật xuất,

Sa thượng kiến nhật một.

Hối hướng vạn lý lai,

Công danh thị hà vật.

Dịch:

VIẾT KHI MẶT TRỜI LẶN TRÊN QUA BÍCH MẠC HẠ DIÊN

Theo cát mặt trời mọc,

Theo cát mặt trời khuất.

Vạn dặm đến chi đây,

Công danh là hư thực?

Bài thơ mô tả cảnh tượng khi tác giả vượt Qua Bích “Hạ Diên” tức “Mạc Hạ Diên”. Mỗi ngày chứng kiến mặt trời mọc từ sa mạc rồi cũng lặn xuống sa mạc, thật là đơn điệu. Ta hối hận tại sao phải từ vạn dặm lặn lội tới đây. Vì với bản thân ta, công danh thật chẳng là gì cả.

Từ Y Châu đi về phía Tây, trước mắt là tòa Thiên Sơn nguy nga hùng vĩ. Sau khi tiến thêm khoảng 30km, đến Nam Sơn Khẩu dưới chân Thiên Sơn. Con đường Tơ lụa vượt Thiên Sơn tiến vào thông lộ chính của lộ tuyến mới phía Bắc. Trên núi có miếu Thiên Sơn, một kiến trúc hình vuông được xây bằng đá. Thời cổ đại, các đoàn thương nhân khi qua Thiên Sơn, đều lên miếu dâng hương lễ bái, cầu cho chuyến đi được bình an. Chân núi Thiên Sơn là thảo nguyên bao la xanh mượt. Lộ tuyến mới phía Bắc của Con đường Tơ lụa sau khi vượt Thiên Sơn, men theo phía Bắc thảo nguyên đi về hướng Tây đều là những vùng cỏ nước phong phú. Ngựa và lạc đà là phương tiện chủ yếu của các thương đội và lữ hành thời cổ đại, cho nên cỏ nước là nguyên nhân hưng thịnh của lộ tuyến mới phía Bắc.

Ngọn Thiên Sơn cao ngất, tuyết phủ quanh năm không tan. Sườn núi là những rừng tùng rậm rạp, chân núi thảo mộc xanh tươi. Một cảnh sắc muôn phần tươi đẹp. Trong 6 bài “Tái Hạ Khúc” của nhà thơ Lý Bạch, bài thứ 1 mô tả phong quang cùng sinh hoạt và nguyện vọng của những sĩ binh Đường triều trấn thủ Thiên Sơn.

塞下曲六首其一李白

五月天山雪

無花只有寒

笛中聞折柳

春色未曾看

曉戰隨金鼓

宵眠抱玉鞍

愿將腰下劍

直為斬楼兰

Âm:

TÁI HẠ KHÚC LỤC THỦ [kỳ nhất] Lý Bạch

Ngũ nguyệt Thiên San tuyết,

Vô hoa, chỉ hữu hàn.

Địch trung văn “Chiết Liễu”,

Xuân sắc vị tằng khan.

Hiểu chiến tùy kim cổ,

Tiêu miên bão ngọc an.

Nguyện tương yêu hạ kiếm,

Trực vị trảm Lâu Lan.

Dịch:

BÀI HÁT DƯỚI ẢI [bài 1]

Giữa Hạ tuyết Thiên San,

Không hoa, chỉ rét tràn.

Sáo vang bài “Bẻ Liễu”,

Chưa thấy vẻ Xuân giàn.

Yên ngọc đêm ôm ngủ,

Trống đồng sớm thúc quân.

Ngang lưng xin rút kiếm,

Quyết chém giặc Lâu Lan.

Lê Nguyễn Lưu dịch

Trời đã tháng 5 mà tuyết Thiên Sơn vẫn còn đông cứng. Ở đây làm gì có hoa tươi, chỉ có trời Đông giá rét. Tiếng sáo không biết từ đâu đưa tới khúc nhạc “Chiết Dương Liễu”. Mùa Xuân không bao giờ đến được biên cương. Buổi sớm tiếng trống đồng thúc quân ra trận, đêm tựa đầu trên yên ngựa. Ta chỉ nguyện vung thanh bảo kiếm, như Phó Giới Tử đời Hán chém đầu vua Lâu Lan. Câu cuối bài dùng một điển cố đời Hán “Lâu Lan”, thực tế chỉ chung những nước địch vùng quan ngoại.

Trong phần 4 chương III, chúng tôi có trích dẫn bài “Tái Hạ Khúc” thứ 5 của Lý Bạch, trong đó có những câu “Chiến sĩ ngọa Long Sa” và “Ngọc Quan thù vị nhập”. Long Sa nay là sa mạc Bạch Long tại Tân Cương. Cả Hán Ngọc Môn Quan và Đường Ngọc Môn Quan đều nằm phía Tây Kỳ Liên Sơn và phía Đông Thiên Sơn của Tây Vực. Câu “Ngọc Quan thù vị nhập” [chưa trở vào Ngọc Môn Quan] có nghĩa quân sĩ còn trú đóng phía Tây Ngọc Môn Quan. Cứ theo vị trí trú quân ở quan ngoại này thì câu “Ngũ nguyệt Thiên Sơn tuyết” trong bài 1 “Tái Hạ Khúc” vừa trích dẫn, phải hiểu là Thiên Sơn của Tây Vực, chứ không phải Thiên Sơn tên gọi thứ 2 của Kỳ Liên Sơn.

Dãy Thiên Sơn từ Đông sang Tây dài 2.500km, Nam lên Bắc rộng từ 100 đến 400km, phân thành Tây Thiên Sơn thuộc Liên Bang Nga, Trung và Đông Thiên Sơn thuộc Trung Quốc. Trung và Đông Thiên Sơn dài khoảng 1.700km, có tổng diện tích khoảng 24,4 vạn km2 do 20 dãy núi chạy song song hướng Đông Tây, trong đó có nhiều bồn địa hình quả ấu giữa núi.

Về khí hậu, Thiên Sơn kéo dài đến Trung bộ Tây Vực [nay là tỉnh Tân Cương] như một mái che khổng lồ, phân ra khu hoang mạc ôn đới là bồn địa Hoài Khát Nhĩ và khu hoang mạc ôn đới ấm là bồn địa Tháp Lý Mộc thành ra 2 vùng Nam Bắc và là nơi phát nguyên của trên 200 con sông. Bắc Thiên Sơn là địa bàn du mục, Nam Thiên Sơn là địa bàn nông nghiệp. Vì các dân tộc du mục Bắc Thiên Sơn không cư trú chỗ nào nhất định, đâu có cỏ thì ở, di chuyển luôn. Cho nên những cộng đồng dân cư cố định của Thiên Sơn chủ yếu là những dân tộc nông nghiệp ốc đảo Nam Thiên Sơn.

Khu nông nghiệp ốc đảo là khu vực cô lập tự phong bế, rất có lợi cho việc phát triển sản xuất trong khu vực. Nhưng theo qui luật phát triển sản xuất cùng với nhịp độ tăng dân số, khu vực này càng trở ngại cho việc mở rộng sản xuất và nâng cao đời sống. Để khắc phục những trở ngại này, nhân dân nông nghiệp ốc đảo tăng cường việc đi lại giao lưu với nhau, nhất là với Trung Nguyên. Những đội thương nhân Mông Cổ thường xuyên tiếp xúc đã đem lại phồn vinh khiến bộ mặt xã hội ốc đảo thay đổi hẳn. Từ xã hội nông nghiệp đơn thuần biến thành xã hội nông thương nghiệp đặc thù. Hơn nữa, còn giao lưu với các dân tộc Đông Tây, tiếp thu khá nhiều văn hóa bên ngoài làm cho bộ mặt văn hóa ốc đảo ngày càng trở nên phong phú và đa dạng.

Các ốc đảo ven Nam Bắc Thiên Sơn trở thành một loại bến cảng, hình thành 2 dây chuyền Đông Tây nối liền, cộng với đường mậu dịch Đông Tây ven sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can, làm thành 3 con đường buôn bán. Đó là “Con đường Tơ lụa” mà đoạn đường Nam Bắc Thiên Sơn là chủ yếu.

Từ trước thời Tây Hán, Hậu Vương Đình đã xây dựng “Kim Mãn Thành” tại Xa Sư [nay là huyện Cát Mộc Tát Nhĩ, Tân Cương]. Thời Sơ Đường thành lập Đình Châu, thủ phủ đặt tại Kim Mãn Thành. Thời Võ Tắc Thiên, Đình Châu trở thành Bắc Đình Đô Hộ Phủ, thủ phủ vẫn là Kim Mãn Thành, cai quản toàn bộ quyền hành chính quân sự của con đường Bắc Thiên Sơn. Những năm khai quốc Đường triều xã hội ổn định, kinh tế phát đạt, Kim Mãn Thành là một trong 3 đô thị tơ lụa của Tây Vực [2 đô thị kia là Tây Châu và Vu Điền], nghề dệt tơ lụa tại 3 nơi này phát triển cực thịnh.

Kim Mãn Thành nay là huyện Cát Mộc Tát Nhĩ của tỉnh Tân Cương. Phiên âm từ tiếng Đột Quyết “Cát Mộc” là “Kim Mãn”, “Tát Nhĩ” là “Thành”. Ngày nay tại phía Bắc huyện thành Cát Mộc Tát Nhĩ khoảng 10km, còn di tích của “Hộ Bảo Tử Phá Thành”. Đó là nền xưa của Bắc Đình Đô Hộ phủ đời Đường. Còn sót những mẫu tường thành cao 10m và gạch ngói đổ nát. Riêng những kiến trúc lớn như Phật tháp vẫn còn nhận ra được.

Phía Bắc Thiên Sơn là A Nhĩ Thái Sơn, cực Bắc nữa là Yên Nhiên Sơn [nay là Hàng Aùi Sơn], đều là những địa danh thường xuất hiện trong thơ Biên Tái đời Đường. “A Nhĩ Thái” là tiếng Đột Quyết có nghĩa là “Kim”, nên A Nhĩ Thái Sơn cũng còn gọi là “Kim Sơn”. Bài thất tuyệt “Thu Khuê Tứ” của nhà thơ Đường Trương Trọng Tố có đề cập địa danh này.

秋閨思 張仲素

碧窗斜月蔼深暉

愁听寒螿泪濕衣

梦里分明見关塞

不知何路向金微

Âm:

THU KHUÊ TỨ Trương Trọng Tố

Bích song tà nguyệt ái thâm huy,

Sầu thính Hàn Tương lệ thấp y.

Mộng lý phân minh kiến quan tái,

Bất tri hà lộ hướng Kim Vi.

Dịch:

NỖI NHỚ ĐÊM THU NƠI KHUÊ PHÒNG

Trăng khuya vằng vặc qua song cửa,

Áo đằm nước mắt oán tiếng ve.

Rõ ràng mộng thấy ra quan ải,

Đường nào đưa thiếp tới Kim Vi.

Bài thơ viết về tình và cảnh một đêm Thu. Thiếu phụ tưởng nhớ chồng đang chinh chiến ngoài biên tái. Một đêm sâu tỉnh mộng, trăng tà chiếu qua song cửa sáng ngập khuê phòng. Nàng không ngủ được nữa, tiếng kêu không ngừng của những con Hàn Tương [Hàn Tương là một loài ve nhỏ chỉ kêu vào cuối Thu] khơi dậy lòng sầu, nước mắt đẩm cả tay áo. Lúc trong mộng nàng thấy rõ mình đang ở quan tái. Nhưng con đường nào có thể đưa tới Kim Vi Sơn [tức A Nhĩ Thái Sơn] nơi trấn thủ của chồng. Bài thơ xử dụng đảo ý rất tuyệt, tả cảnh mộng tỉnh rồi sau mới tả cảnh trong mộng.

Chương V- lộ tuyến bắc của con đường tơ lụa

Rời Đôn Hoàng ra Hán Ngọc Môn Quan đi về phía Tây Bắc, qua Tây Châu, Yên Kỳ, Hán Luân Đài rồi đến Sơ Lặc. Tức từ phía Đông bồn địa Tháp Lý Mộc đi giữa lòng bồn địa về phía Tây. Đó là Lộ tuyến Bắc của “Con đường Tơ lụa”.

Tháp Lý Mộc là bồn địa nằm sâu trong đất liền lớn nhất Trung Quốc và nổi tiếng nhất Thế Giới. Bồn địa cách Bắc Băng Dương phía Bắc và Thái Bình Dương phía Đông mỗi bề 3.800km. Cách Ấn Độ Dương phía Nam 2.200km, có tổng diện tích 53 vạn km2. Đó là bồn địa khép kín và hoàn chỉnh nhất.

Phía Bắc có Thiên Sơn che chắn, phía Nam có núi Côn Luân và núi A Nhĩ Kim. Núi bao quanh bồn địa cao từ 4.000 tới 6.000m so với mặt biển.

Khí hậu bồn địa khô, nhiều gió, nhiệt độ thay đổi lớn. Lượng nước mưa mỗi năm dưới 50mm, thậm chí có nơi không tới 25mm. Mặt đất bồn địa chủ yếu là sa mạc [chiếm 64%]. Thời kỳ đóng băng thế kỷ thứ 4, nguồn nước trên các dãy núi quanh bồn địa đều đóng băng. Khi băng tan kéo theo một lượng lớn bùn cát xuống bồn địa, lượng cát trầm tích dày tới 500m. Nhưng từ những thế kỷ về sau khí hậu dần dần khô hạn, các nguồn nước giảm nhiều và gió càng mạnh hơn. Lượng cát trầm tích từ những thế kỷ trước dần hồi biến thành sa mạc.

Sông Tháp Lý Mộc [con sông nội địa dài nhất Trung Quốc] chảy xuyên bồn địa từ Đông sang Tây, nhưng lại chảy qua vùng sa mạc khô cằn không có nước [sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can] nên biến thành con đường có màu xanh lục, tạo một rừng Hồ Dương thiên nhiên trong bồn địa. Rừng Hồ Dương có diện tích 28.000.000 mẫu, một nguồn gỗ quan trọng.

Về nhân văn, theo nhiều tư liệu ghi chép, bồn địa Tháp Lý Mộc thời cổ đại, từng là lãnh địa của nhiều vương quốc đã có một thời kỳ phồn vinh. Khi nhà Hán thông sứ Tây Vực thì bồn địa Tháp Lý Mộc có 36 vương quốc. Về sau lại phân chia thành 50 nước. Như vậy trong bồn địa đương thời phải có khoảng 50 thành trấn lớn nhỏ. Điển hình là nước Vu Chấn [nay là Hòa Điền], theo ghi chép của Hòa Thượng Pháp Hiển [đời Tấn] khi qua đây: Nước này đông vui, thịnh vượng. Chúng tăng có đến vạn người. Chỉ một ngôi chùa Cù Phu Đế cũng có đến 3.000 tăng. Trong nước có 14 ngôi chùa lớn như vậy, không kể những chùa nhỏ. Cho nên những thành thị đó xứng đáng gọi là thông đô đại ấp.

Hiện nay những cổ thành trong bồn địa có nhiều nơi đã khai quật, như cổ thành Lâu Lan phía Bắc và cổ thành Ni Nhã phía Nam, đều là những thành thị to lớn. Điều này chứng tỏ bồn địa Tháp Lý Mộc đã có một thời kỳ dài khí hậu ôn hòa.

Về kinh tế, nhiều khu vực trong bồn địa phát triển công nông nghiệp khá sớm. Nhiều tư liệu ghi chép về công nghiệp luyện sắt nơi đây: Ban đêm lửa đỏ rực, ban ngày khói mịt mù. Người ta lấy quặng trong núi về luyện sắt để dùng trong 36 nước. Đó là núi Khưu Từ, tức dãy núi Khố Xa, nằm về miền Bắc bồn địa ngày nay. Toàn vùng ven của bồn địa và các nhánh sông Tháp Lý Mộc giữa bồn địa, có nhiều ốc đảo cây cối xanh tươi. Tiềm năng phát triển nông nghiệp rất lớn.

Bồn địa Tháp Lý Mộc còn có giá trị giao thông quan trọng. Các lộ tuyến của “Con đường Tơ lụa” đều phải đi qua khu vực này. Lộ tuyến mới phía Bắc chạy dọc rìa Bắc của bồn địa. Lộ tuyến Bắc chạy suốt giữa lòng bồn địa. Lộ tuyến Nam chạy dọc rìa Nam. Như vậy bồn địa Tháp Lý Mộc chính là bản lề trọng yếu của “Con đường Tơ lụa”.

Những thế kỷ về sau, khí hậu khô hạn đã xua đuổi cư dân, gió cát chôn vùi thành thị. Bồn địa Tháp Lý Mộc từ đó trở thành khổ nạn cho không biết bao nhiêu lạc đà, người ngựa trên “Con đường Tơ lụa ”.

Lộ tuyến Bắc còn có một địa danh, gần như thần bí, thường xuất hiện trong thơ Biên Tái đời Đường, nhất là Vương Xương Linh và Lý Bạch: “Vương quốc Lâu Lan”. Các nhà thơ có khi chỉ thẳng sự kiện công phá thành và giết vua Lâu Lan, nhưng thường khi mượn hình bóng Lâu Lan để chỉ chung những địch quốc phía Tây và Tây Bắc Trung Quốc thời cổ đại. Điển hình như trường hợp nhà thơ đời Đường Trương Trọng Tố trong bài thất tuyệt thứ 3, đề tài “Tái Hạ Khúc”.

塞下曲五首其三張仲素

朔雪飄飄開雁門

平沙历乱卷蓬根

功名耻計擒生数

直斬楼兰报國恩

Âm:

TÁI HẠ KHÚC NGŨ THỦ [kỳ tam] Trương Trọng Tố

Sóc tuyết phiêu phiêu khai Nhạn môn,

Bình sa lịch loạn quyển Bồng căn.

Công danh sỉ kế cầm sinh số,

Trực trảm Lâu Lan báo quốc ân.

Dịch:

KHÚC HÁT DƯỚI ẢI [bài 3]

Hoa tuyết đầy trời, ra ải Nhạn,

Cỏ Bồng quyện gió cát bay vàng.

Thẹn với công danh đâu dám tưởng,

Chỉ mong vì nước diệt Lâu Lan.

Tác giả chỉ mượn Lâu Lan để chỉ một địch quốc vùng quan ngoại. Vị trí Nhạn Môn Quan [theo những kết quả khảo sát sau này], cách xa hơn ngàn dặm, không liên quan gì đến lãnh thổ Lâu Lan. Đủ thấy vào thời kỳ hưng thịnh [hơn 1.600 năm trước], Lâu Lan là hình bóng bao phủ khắp các chiến địa vùng Tây Vực.

Cổ vương quốc thần bí này đã bị chôn vùi trong sa mạc mênh mông. Nước Lâu Lan ở đâu? Làm sao tìm được dấu tích của một vương quốc bị chôn vùi hằng ngàn năm trước [đây là nói về địa bàn tổ của vương quốc Lâu Lan, trước khi dời đến Y Tuần để tránh thế lực Hung Nô, đổi tên nước Thiện Thiện năm 77 trước Công Nguyên].

Tháng 3 năm 1900, nhà thám hiểm Thụy Điển Svend Heyting đã dẫn một đội thám hiểm đến khảo sát vùng La Bố Bạc. Đồng hành gồm 8 người, trong đó có 2 người Duy Ngô Nhĩ, tên Ngãi Nhĩ Đắc Khắc và Khoa Đạt Khắc Lạp. Đội thám hiểm theo ngã A Tư Đình Bố Lạp Khắc đi về hướng Tây Nam. Trên đường, họ bị một trận cuồng phong xô đẩy thất lạc nhau. Ngãi Nhĩ Đắc Khắc trên mình ngựa không biết bị xô dạt tới đâu. Khi trấn tỉnh, ông thấy mình đang đứng giữa phế tính của một tòa cổ thành. Giữa thành có một tháp cao. Gần tháp, dưới chân những mẫu tường sụp đổ, là những mộc bản chạm khắc rất tinh mỹ. Trong thành, ông còn nhận định được di tích những khu vực công sở và cư dân. Trước những sự kiện tình cờ phát hiện, Ngãi Nhĩ Đắc Khắc tưởng chừng tòa cổ thành được vực dậy từ ký ức của một giấc ngủ chìm hơn ngàn năm.

Khi Ngãi Nhĩ Đắc Khắc bị cuốn vào trận cuồng phong bão cát, Svend Heyting cho rằng ông đã gặp bất hạnh, đã bị chôn vùi trong sa mạc không còn trở lại. Nhưng khi họ gặp lại nhau với những sự kiện vừa phát hiện, cùng những điêu họa mộc bản đem theo từ di tích cổ thành, đội thám hiểm mới biết mình đã thu được những kết quả lớn hơn kỳ vọng lúc ra đi.

Tháng 3 năm 1903, Svend Heyting, sau khi chuẩn bị chu đáo, đã dẫn đội thám hiểm trở lại tòa cổ thành. Lần này họ đã phát hiện được số lớn văn vật. Trong đó có một mộc giản đời Hán [phiến gỗ dùng ghi chép văn tự thời cổ đại], trên đó có khắc 2 chữ “Lâu Lan”. Svend Heyting kết luận đây là di tích cổ thành Lâu Lan bị chôn vùi trong sa mạc hơn 1.600 năm trước. Những văn vật và tư liệu thu thập từ 2 cuộc khảo sát cổ thành Lâu Lan, trong một bản báo cáo phát biểu sau này của Svend Heyting, đã gây chấn động giới khảo cổ toàn cầu.

Trong những văn vật phát hiện tại cổ thành Lâu Lan, có nhiều mẫu tơ lụa sản xuất từ thời Tây Hán. Dù đã trải gần 2.000 năm chôn vùi, sắc thái vẫn tươi nhuận như mới. Mặt lụa vẫn còn nguyên những lời chúc tụng tốt lành như: “Tử tôn vô cực” [con cháu vô cùng], “Diên niên ích thọ” [dài thêm tuổi thọ], “Xương lạc quang minh” [vui sáng phồn vinh]… Chứng tỏ tơ lụa đương thời đã được sử dụng rộng rãi tại vương quốc Lâu Lan.

Vị trí di tích cổ thành Lâu Lan, theo hai lần khảo sát của Svend Heyting, nằm về Đông bộ sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can và ngay trên bờ Tây hồ La Bố Bạc. La Bố Bạc thời cổ đại còn có những tên gọi khác như “Diêm Trạch”, “Bồ Xương Hải”, “Lao Lan Hải”, “Khổng Tước Hải”, “Hạc Hải”. Đương thời hồ La Bố Bạc còn được gọi “La Bố Náo Nhĩ” [Hồ Bùn], ý nói có nhiều nguồn nước đổ vào tích tụ hồ này. La Bố Bạc là hồ có thủy lượng lớn thứ 2 của Trung Quốc thời cổ đại, hiện nay đã hoàn toàn khô kiệt.

Vị trí chuẩn xác của di tích cổ thành Lâu Lan, căn cứ Nhân Dân Nhật Báo [Trung Quốc] số ra ngày 13 tháng 4 năm 1982: Kinh Đông 89055’22’’. Vĩ Bắc 40029’22’’. Tòa thành nằm thiên Bắc mặt quay Nam. Mặt Đông dài 333,5m, mặt Nam dài 329m, Tây và Bắc mỗi mặt dài 327m, tổng diện tích 108.240m2. Thành tường Lâu Lan đương thời dày 8m, cao 4m. Đông Bắc thành là khu tự viện. Trung tâm đổ về Tây Nam là khu nha môn. Khu cư dân nằm cả về phía Tây và Nam thành.

Vị trí cho thấy, cổ thành Lâu Lan cách phía Tây Đôn Hoàng khoảng 80km. Nghĩa là vẫn nằm về Đông Bộ sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can và nằm trên bờ Tây hồ La Bố Bạc. Hoàn toàn không xê dịch, so với vị trí khảo sát của Svend Heyting [năm 1900 và 1903].

Từ Đôn Hoàng nhìn về phía Tây cho tới ngoài tầm mắt, là một không gian vô tận được cấu thành từ những gò cát chằng chịt và sỏi đá lổm chổm trên qua bích. Không có nước, không có sinh thực vật. Hoàn toàn là vùng đất không có sự sống. Bao quanh cổ thành Lâu Lan là địa hình “Nhã Đan”. “Nhã Đan” là tiếng Duy Ngô Nhĩ, có nghĩa là một địa hình được cấu thành từ những gò đất nối liền thành giồng luống, đan xen những khe hố. Địa hình này ngày càng trải dài theo phương hướng những trận cuồng phong. Giồng luống ngày càng bị xâm thực nâng cao từ 0,5m đến trên 10m, dài có đến vài trăm mét. Khe hố cũng bị khoét sâu khoảng 2m, rộng trên 20m. Người ngựa di chuyển trên địa hình này cực kỳ gian nan nguy hiểm.

Địa hình “Nhã Đan”, theo nhận định của các nhà khoa học, là một địa hình tác động bởi những trận cuồng phong trường kỳ xâm thực. Trong vòng 10 năm [1960-1970], vùng La Bố Bạc mỗi năm, gió cấp 5-6 chiếm hết 150 ngày, gió cấp 7 – 8 chiếm 80 ngày. Thời gian còn lại trong năm [135 ngày] là gió giật cấp 10 trở lên. Nhiều thập kỷ tiếp sau đó, những trận gió cuồng bạo như những răng nhọn của chiếc lược sắt liên tục cào lên địa hình. Những tầng đất nhuyễn và cát đá của giồng luống trường kỳ bị nạo vét theo chiều gió. Cắn cứ kết quả nghiên cứu trong vòng 40 năm [1919-1959], những giồng luống khe hố quanh cổ thành Lâu Lan và La Bố Bạc bị nạo vét tới độ sâu trên 5m.

Năm Thiên Bảo thứ 8 Đường Huyền Tông [CN 749], nhà thơ Sầm Tham đến Khưu Từ [nay là Khố Xa, Tân Cương], nhận chức Phán quan tại An Tây Đô Hộ phủ. Hành trình có đi qua sa mạc Đồ Luân [nay là Tháp Khắc Lạp Mã Can] và bờ hồ La Bố Bạc. Chắc chắn nhà thơ không biết mình đang dẫm lên phế tích bị chôn vùi hằng ngàn năm trước của tiểu vương quốc Lâu Lan [năm 1903 đội thám hiểm Svend Heyting mới tìm ra đầu mối của phế tích này]. Con đường sa mạc đầy gian hiểm, hoang vu không một làn khói bếp. Lòng nhớ quê trỗi dậy, Sầm Tham đã viết bài thất tuyệt “Thích Trung Tác”.

磧中作 岑参

走馬西來欲到天

辞家見月兩回圓

今夜不知何处宿

平沙万里絕人烟

Âm:

THÍCH TRUNG TÁC Sầm Tham

Tẩu mã Tây lai dục đáo Thiên,

Từ gia kiến nguyệt lưỡng hồi viên.

Kim dạ bất tri hà xứ túc,

Bình sa vạn lý tuyệt nhân yên.

Dịch:

VIẾT GIỮA SA MẠC

Một mình một ngựa ruỗi trời Tây,

Xa quê hai độ nguyệt vơi đầy.

Đêm nay chưa biết nơi nào tạm,

Sa mạc tìm đâu khói bếp bay.

Xa quê đã tròn 2 tháng, một mình ruỗi ngựa về phương Tây. Đêm nay chưa biết sẽ dừng chân nơi nào, vì sa mạc mênh mông không một làn khói bếp. Nhà thơ tiếp tục vượt đường dài, thành Khưu Từ còn ở cuối trời Tây. Giữa sa mạc, tình cờ gặp sứ giả Đường triều từ Tây Vực về Trường An. Sầm Tham đã cảm xúc viết thêm bài thất tuyệt “Phùng Nhập Kinh Sứ”.

逢入京使 岑參

故园東望路漫漫

双袖龙钟泪不干

馬上相逢無紙笔

恁君传語报平安

Âm:

PHÙNG NHẬP KINH SỨ Sầm Tham

Cố viên Đông vọng lộ man man,

Song tụ long chung lệ bất can.

Mã thượng tương phùng vô chỉ bút,

Nhậm quân truyền ngữ báo bình an.

Dịch:

GẶP SỨ GIẢ VỀ KINH

Dặm trường quê cũ tít phương Đông,

Ướt đôi tay áo lệ đôi dòng.

Trên ngựa gặp nhau không giấy bút,

Thăm nhà cậy bạn báo tin suông.

Cách quê nhà phương Đông một cự ly thăm thẳm, nước mắt đẳm đôi tay áo. Tình cờ gặp sứ giả trên đường về kinh đô. Trên ngựa không sẵn giấy bút, xin tạm nhắn về quê đôi lời bình an.

Lịch sử ghi chép từ hơn 2.000 năm trước, Lâu Lan đã là một vương quốc trong vùng Tây Vực. Tên nước Lâu Lan có thể bắt nguồn từ “Lao Lan Hải” [tức La Bố Bạc]. Lâu Lan chính là hài âm của Lao Lan. Điều này khá thuyết phục vì đất Lâu Lan có một phần nằm ngay bên bờ Tây hồ La Bố Bạc. Lãnh thổ Lâu Lan vào thời kỳ hưng thịnh, phía Đông đạt tới Dương Quan, Tây đến bờ Nê Nhã Hà [Nam sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can], phía Nam giáp A Nhĩ Kim Sơn, Bắc đến Cáp Mật. Lãnh thổ hầu hết là sa mạc và đất kiềm muối. Nhưng vương quốc Lâu Lan, có một phần nằm bên bờ Tây La Bố Bạc, hồ này nhờ tích tụ nguồn nước rất lớn của 2 sông Tháp Lý Mộc và Khổng Tước, nên ven hồ có nhiều rừng rậm và thảo nguyên. Dân số của vương quốc này rất ít, chỉ hơn vạn nhân khẩu. Cư dân Lâu Lan chăn thả súc vật trên thảo nguyên, đánh bắt cá trên sông Khổng Tước và hồ La Bố Bạc hoặc săn bắn mưu sinh.

Từ Tây Hán [năm 220 TCN-CN 8], Lâu Lan là vùng đất nằm trên “Con đường Tơ lụa”. Sứ giả và những đoàn thương nhân qua lại Đông Tây không thể không dừng chân nơi đây. Lâu Lan nhờ đó trở thành một tiểu quốc phồn vinh.

Khi thế lực Hung Nô nhập xâm vùng Tây Vực, đối địch với Hán triều, Lâu Lan vì thế lực yếu hơn nên ngã theo Hung Nô. Họ thường cung cấp cho Hung Nô tin tức tình báo, giết sứ giả Hán triều, đánh cướp các thương đội và gây gián đoạn lưu thông “Con đường Tơ lụa”.

Năm Nguyên Phụng thứ 4 Hán Chiêu Đế [năm 77 TCN], đại tướng nhà Hán Hoắc Quang phái Phó Giới Tử đi sứ Lâu Lan. Phó Giới Tử đem nhiều vàng lụa đến biên cảnh Lâu Lan và truyền các tiểu quốc Tây Vực thông báo vua Lâu Lan đến nhận ban phẩm của triều đình. Phó Giới Tử cho vũ sĩ mai phục sẵn, khi vua Lâu Lan đến, giết chết ngay trên chiếu tiệc. Sau đó lập huynh đệ của y là Uý Đồ Kỳ làm vua Lâu Lan. Uý Đồ Kỳ vì muốn tránh thế lực Hung Nô nên cũng ngay trong năm 77 trước Công Nguyên, dời đô đến Y Tuần, đổi tên nước là Thiện Thiện [nay là huyện Nhược Khương, Tân Cương. Không phải huyện Thiện Thiện của Tân Cương ngày nay].

Đất cũ của vương quốc Lâu Lan từ đó [năm 77 TCN] trở thành trọng trấn quân sự của Hán triều và là nơi gặp gỡ của các thương đội, lữ hành cùng tăng lữ trên huyết mạch giao thông Đông Tây [Con đường Tơ lụa]. Có một số người Lâu Lan ở lại cố quốc chứ không di dời theo vương quốc đến Y Tuần. Vì là trung tâm giao lưu văn hóa kinh tế, nên đất cũ Lâu Lan cũng thu hút khá nhiều dân cư những tiểu quốc lân cận, ngay cả người Trung Nguyên cũng đổ xô đến kinh doanh.

Đất cũ Lâu Lan từ thời Tây Hán, không chỉ là thành thị phồn vinh trên Con đường Tơ lụa. Quanh hồ La Bố Bạc đương thời còn là vùng khí hậu ôn hòa, nguồn nước của nhiều con sông nội địa tích tụ vào hồ, biến toàn khu thành lục châu có màu xanh. Đó là cơ địa [đất nền] sinh hoạt của toàn khu vực. Người ta săn thú, đánh bắt cá, trồng trọt và chăn thả súc vật thành đàn trên thảo nguyên.

Theo ghi chép trong “Hán Thư”, mặt nước hồ La Bố Bạc đương thời ngang dọc mỗi bề 300 dặm [tương đương 150km]. Mặt hồ có tổng diện tích gần 1 vạn km2. Diện tích này khá phù hợp với không ảnh lấy từ vệ tinh nhân tạo ngày nay.

Tới đầu đời Đông Hán, vùng La Bố Bạc vẫn còn là cơ địa sinh hoạt của cư dân sống trên đất cũ Lâu Lan. Những thế kỷ về sau, khí hậu ngày càng khô hạn, những nguồn nước đổ vào hồ giảm dần, diện tích mặt hồ từ từ thu nhỏ. Vùng lục châu bị sa mạc hóa và kiềm muối hóa. Rừng và thảo nguyên chết khô, người và sinh vật không còn điều kiện tồn tại, phải bỏ đất dời cư. Năm Thái Nguyên thứ nhất Đông Tấn Hiếu Vũ Đế [CN 376], cổ thành Lâu Lan chính thức bị chôn vùi trên vùng sa mạc hóa.

Riêng 2 nguồn nước của sông Tháp Lý Mộc và Khổng Tước đổ vào hồ, giảm tới mức tối đa nhưng chưa kiệt hẵn. Năm 1959, đội khảo sát của viện khoa học Tân Cương Trung Quốc đã đến bờ Bắc hồ La Bố Bạc. Hồ vẫn còn mặt nước khá rộng. Thủy cầm sống thành đàn. Đội khảo sát vẫn còn chèo thuyền trên hồ, và còn đánh bắt những con cá dài 1m.

Sau ngày giải phóng, người ta khai khẩn nông điền trên đầu nguồn sông Tháp Lý Mộc và Khổng Tước, chi phối hết nguồn nước của 2 sông. Hồ La Bố Bạc từ đó mới khô kiệt hẵn. Cổ thành Lâu Lan đã có một thời kỳ phồn vinh trên “Con đường Tơ lụa” gần 2.000 năm trước, từ đó cũng trở thành tư liệu nghiên cứu cho giới khảo cổ.

Phía Bắc cổ thành Lâu Lan là Tây Châu [hậu thân của vương quốc Cao Xương, nay là Thổ Lỗ Phiên, Tân Cương], một thành thị trọng yếu trên Lộ tuyến Bắc của “Con đường Tơ lụa”.

Khi nhắc đến Thổ Lỗ Phiên, người ta nghĩ ngay tới một nhiệt độ nóng bức như lửa. Vì khu vực này có bồn địa “Để Oa” diện tích 5 vạn km2. Mặt đất của bồn địa thấp hơn mặt biển 154m và khí hậu rất khô kiệt. Lượng nước mưa bình quân mỗi năm chỉ có 16mm, bốc lên hơi nóng tới 3.000mm, cho nên địa hình bồn địa chỉ toàn qua bích và sa mạc. Nhiệt độ trong bồn địa lên nhanh xuống chậm, hình thành mùa Hạ nóng bức từ tháng 6 đến tháng 8. nhiệt độ trong không gian từ 40 đến 47 độ duy trì hơn 1 tháng, nhiệt độ bên dưới lớp cát cao tới 82 độ, trứng gà vùi xuống đó cũng chín.

Trong bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc “Tây Du Ký” có một đoạn cố sự, Tôn Ngộ Không bảo vệ Đường Tăng đi qua 800km Hỏa Diệm Sơn. Bốn thầy trò Đường Tăng đến chân Hỏa Diệm Sơn chỉ thấy hơi nóng bốc lên ngùn ngụt, chim không thể bay qua. May nhờ Tôn Ngộ Không mượn được quạt “Ba Tiêu”, quạt tắt lửa tan hơi nóng mới qua được. Hỏa Diệm Sơn đề cập trong “Tây Du Ký” chính là núi bao quanh bồn địa “Để Oa” [dài từ Đông sang Tây 100km], thuộc Trung bộ Thổ Lỗ Phiên ngày nay. Núi này do những sa nham màu đỏ tía cấu thành từ thế kỷ thứ 3. Khí hậu nơi đây cực kỳ khô hạn, không tìm thấy một tấc cỏ. Dưới nắng mùa hạ tòa núi như bốc lên ngọn lửa lớn, từ đó núi có tên “Hỏa Diệm Sơn”.

Ngoại trừ viêm nhiệt, Thổ Lỗ Phiên còn là “Phong khố” [kho gió] lớn nhất Trung Quốc. Bình quân mỗi năm, gió cấp 8 chiếm hết 72 ngày trở lên. Theo những ghi chép gần đây, mỗi cơn gió “Cát bay đá chạy” [phi sa tẩu thạch] làm tróc cả lớp sơn bên ngoài tàu hỏa, làm lật cả ô tô, thậm chí đưa cả những toa tàu hỏa ra khỏi đường tàu.

Những năm khai quốc Đường triều, phía Đông Nam Thổ Lỗ Phiên không xa, có nước Cao Xương. Năm Trinh Quán thứ 4 Đường Thái Tông [CN 630], vua Cao Xương Khúc Văn Thái từng đến Trường An triều kiến. Đương thời, khu vực Trung Nguyên bị tàn phá trong chiến loạn cuối đời Tùy chưa phục hồi, cảnh tượng hoang lương, thành ấp tiêu điều. Khúc Văn Thái ngầm cho rằng thế lực Đường triều không mạnh, nên khi về nước, ngã theo Tây Đột Quyết chống Đường. Thường khi đánh phá những nước nhỏ thuộc Đường trong vùng Tây Vực và gây trở ngại lưu thông trên “Con đường Tơ lụa”. Đường Thái Tông phái Ngu Bộ Lang Trung Lý Đạo Dụ đến hỏi tội trước. Khúc Văn Thái ngạo mạn trả lời? “Chim Ưng bay trên trời, chim Trỉ nằm trong tổ, mèo dạo chơi sân nhà, Chuột nằm trong hang… Ta là vua một nước chẳng lẽ không bằng được loài chim thú hay sao?”. Lý Đạo Dụ về bẩm báo, Đường Thái Tông nghĩ việc này không dùng vũ lực không xong. Năm Trinh Quán thứ 14 [CN 640], Đường Thái Tông phái đại tướng quân Hầu Quân Tập đem quân Tây chinh Cao Xương.

Khúc Văn Thái nghe quân Đường kéo đến, không hề phòng bị, vì cho rằn g Đường triều cách nước Cao Xương rất xa, đường đi toàn sa mạc, khí hậu khắc nghiệt, cỏ nước thiếu thốn. Không bao lâu cũng sẽ tự lui binh thôi. Khi quân Đường đến biên cảnh Cao Xương, Khúc Văn Thái không chống cự được, sợ quá ngã bệnh chết. Quân Đường diệt vong nước Cao Xương và cùng năm đó, thiết lập Cao Xương thành Tây Châu [nay là Thổ Lỗ Phiên, Tân Cương].

Nước Cao Xương đổi là thành Tây Châu từ thời sơ Đường. Đến giữa thế kỷ thứ 9 Công Nguyên, Hồi Cốt [nay là tộc Duy Ngô Nhĩ] có một chi từ phương Bắc dời đến, dựng đô tại thành Cao Xương. Lịch sử gọi đó là nước Hồi Cốt Cao Xương, là thuộc quốc của Đường Triều, và đổi tên là Hỏa Châu [còn gọi là Hòa Châu]. Đến đầu đời Minh, Hỏa Châu tuy hoang vắng nhưng vẫn còn người ở. Khoảng thế kỷ thứ 14-15, cổ thành Cao Xương mới hoàn toàn bị bỏ phế.

Tại công xã Hỏa Diệm Sơn, phía Đông Nam huyện thành Thổ Lỗ Phiên, Tân Cương khoảng 40km, ngày nay vẫn còn di tích cổ thành Cao Xương. Thành có chu vi 5km. Tường thành cao 11m, xây bằng đất ép, trải gần 2.000 năm vẫn còn đứng vững.

Bố cục trong thành đúng theo quy cách kinh đô Trường An đời Đường.

Phía Tây Bắc di tích cổ thành Cao Xương không xa, có 2 thôn trang nhỏ. Một thôn tên A Tư Tháp Ná, thôn kia là Cáp Lạp Hòa Trác. Giữa 2 thôn trang là một bãi qua bích có nhiều ngôi mộ cổ. Theo kết quả nghiên cứu, những ngôi mộ này được chôn cất từ niên hiệu Thái Thủy thứ 9 đời Tây Tấn [CN 273] đến niên hiệu Đại Lịch thứ 7 đời Đường [CN 772]. Tại những ngôi cổ mộ này, người ta khai quật được khá nhiều văn vật trân quí. Nhờ khí hậu khô kiệt trên qua bích, những mẫu tơ lụa sản xuất từ đời Đường vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn. Quan trọng nhất là quyển cổ thư đã thất truyền từ đời Tống: “Luận Ngữ Trịnh Huyền chú” [quyển cuối]. Sách dài 538mm, ghi niên hiệu Cảnh Long thứ 4 Đường Trung Tông [CN 710]. Người sao chép đề ký: “Tây Châu, huyện Cao Xương, làng Ninh Xương, thôn Hậu Phong. Học trò tên Nghĩa sao chép năm Bốc Thiên Thọ thứ 12”. Điều này chứng minh, sách học của trẻ em vùng Tây Vực thời cổ đại không khác với Trung Nguyên.

Tại thôn A Tư Tháp Ná còn phát hiện chiếc hộp bọc giấy Hồ Quan trên một bộ hài cốt. Trong đó có một hóa đơn xuất nhập thức ăn cho ngựa của dịch trạm Tây Châu do lính dịch trạm tên Trần Kim viết năm Thiên Bảo 13-14 Đường Huyền Tông: “Phán quan họ Sầm mua bắp cho ngựa ăn là 3 đấu 5 cân. Thanh toán tiền cho lính dịch trạm tên Trần Kim”. Cứ theo lịch sử ghi chép, người họ Sầm đi nhận chức phán quan tại Bắc Đình Đô Hộ phủ của Phong Thường Thanh [năm Thiên Bảo thứ 13-14], chính là nhà thơ “Biên Tái” trứ danh Sầm Tham. Lộ trình theo “Con đường Tơ lụa” đến thành Khưu Từ [thủ phủ của Bắc Đình Đô Hộ], nhà thơ có dừng chân tại Tây Châu và mua thức ăn cho ngựa tại dịch trạm này.

Thời Tây Hán, thành Giao Hà thuộc vương quốc Xa Sư Tiền [còn có tên Xa Sư Tiền Vương Đình]. Đến đời Thập Lục quốc, vương quốc này bị diệt vong, thành Giao Hà sau đó thuộc nước Cao Xương và là đô thị lớn thứ 2 của Cao Xương. Công Nguyên 640 Đường triều diệt nước Cao Xương, thành Giao Hà được dùng làm Tổng Hành Dinh của An Tây Đại Đô Hộ phủ, đến Công Nguyên 658 mới di dời đến thành Khưu Từ.

Phía Tây thành Thổ Lỗ Phiên không xa, có di tích cổ thành Giao Hà. Tường thành chỉ còn vài mẫu sụp đổ. Trong thành có một con đường chủ yếu thông từ Đông Nam sang Tây Bắc. Rải rác đây đó cũng còn những di tích phòng ốc và tự viện nhưng đều đã trốc mái.

Mùa Xuân năm 1979, Thổ Lỗ Phiên mở rộng khu du lịch nối liền 2 tòa cổ thành Cao Xương và Giao Hà, và thiết lập tại đó một trung tâm bảo hộ văn vật quốc gia trọng điểm. Nhờ đó thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Từ Tây Châu tiếp tục đi về phía Tây khoảng 200km sẽ đến Yên Kỳ, là một trong những tiểu vương quốc Tây Vực thời cổ đại. Đời Hán Ban Siêu đã từng trấn thủ nơi đây. Đến đời Đường, Yên Kỳ được nâng thành Đô Đốc Phủ, là một trọng trấn quân sự quan trọng ở Tây Vực.

Phía Tây Yên Kỳ không xa, là thành thị Khố Nhĩ Lạc. Phía Bắc thành Khố Nhĩ Lạc có Thiết Môn Quan, một tòa quan ải trọng yếu có thể khống chế 14km sườn núi cheo leo vùng thượng du sông Khổng Tước và cả cửa khẩu Hiệp Cốc. Từ đó có thể thông vào bồn địa Tháp Lý Mộc.

Khưu Từ [nay là Khố Xa Tân Cương] là thành phố lớn nhất trên Lộ tuyến Bắc của “Con đường Tơ lụa”. Thành phố này cách phía Đông Luân Đài [Hán Luân Đài] khoảng 100km. Ngày nay đi ô tô chỉ mất 2 giờ, nhưng thời xưa dùng Lạc Đà phải mất 2 hoặc 3 ngày, gặp lúc thời tiết nhiều gió có khi hơn.

Những năm đầu thời Tây Hán [năm 200 TCN], vùng Tây Vực có 36 tiểu quốc, phối trí trên cả 3 lộ tuyến của “Con đường Tơ lụa”. Những nước nhỏ chỉ có một thành thị và nhân khẩu toàn nước chỉ độ vài ngàn. Nước lớn hơn thì ngoài kinh đô còn có một hai thành trấn, dân số khoảng từ 1 đến 2 vạn. Trong đó, Khưu Từ là vương quốc lớn nhất. Dân số có đến trên 8 vạn. Lãnh thổ bao quát 6 huyện thành gồm, Luân Đài [Hán Luân Đài], Khố Xa, Sa Nhã, Bái Thành, A Khắc Tô, và Tân Hòa. Tất cả đều thuộc tỉnh Tân Cương ngày nay.

Khoảng niên hiệu Thần Tước Tây Hán Tuyên Đế [năm 61 đến năm 58 TCN], vương quốc Khưu Từ đã thuộc lãnh thổ Tây Hán. Đến năm Vĩnh Nguyên thứ 3 Đông Hán Hòa Đế [CN 91], Ban Siêu nhận chức Tây Vực Đô Hộ, bản doanh của Đô Hộ Phủ đóng tại phụ cận thành Khưu Từ. Khưu Từ đương thời vẫn là một tiểu vương quốc thuộc Hán chứ chưa diệt vong.

Đến đời Đường, An Tây Đại Đô Hộ phủ đóng tại thành Giao Hà [Tây Châu], quản lý toàn bộ con đường phía Nam Thiên Sơn. Năm Trinh Quán thứ 22 Đường Thái Tông [CN 648], Đường triều phái A Sử Na Xã Nhĩ diệt nước Khưu Từ và thành lập Khưu Từ Đô Đốc phủ. Cùng năm đó, di dời An Tây Đại Đô Hộ phủ từ thành Giao Hà đến Khưu Từ. Hai năm sau lại dời trở về thành Giao Hà. Năm Hiển Khánh thứ 3 Đường Cao Tông [CN 658], lại dời An Tây Đại Đô Hộ phủ trở lại thành Khưu Từ. Từ đó, Khưu Từ trở thành trung tâm chính trị quân sự chủ yếu trên Lộ tuyến Bắc của “Con đường Tơ lụa”.

Rời Khưu Từ, Lộ tuyến Bắc tiếp tục đi về phía Tây sẽ hội tụ với Lộ tuyến Nam tại Sơ Lặc Trấn. Từ đó 2 Lộ tuyến Bắc Nam của “Con đường Tơ lụa” sẽ cùng vượt Thông Lãnh để đến Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và đế quốc La Mã.

Chương VI- lộ tuyến nam của con đường tơ lụa -PHẦN KẾT

Nội dung bài này chỉ giới hạn ở đoạn phía Đông của “Con đường Tơ lụa”. Tức từ kinh đô Trường An thời Hán Đường qua Hàm Dương, men theo Hành Lang Hà Tây rồi ra Ngọc Môn Quan và Dương Quan, xuyên Tây Vực để đến địa đầu vùng Trung Á Tế Á.

Thời cổ đại, các thương đội và lữ hành khi vượt hết được đoạn phía Đông của “Con đường Tơ lụa”, họ đều coi như trút được gánh nặng của hành trình. Mặc dù từ đó nhìn về các thị trường phương Tây vẫn còn một đoạn đường phía trước, tức vùng Trung Á Tế Á.

Đoạn đường này tuy tương đối khắc nghiệt về khí hậu sa mạc nhưng lại ít khắc nghiệt về địa lý nhân văn, tuy có đi qua gió cát sa mạc nhưng lại không phải qua sông vượt núi gian hiểm nhiều như đoạn phía Đông. Vùng Trung Á Tế Á là cơ địa của các vương quốc Ba Tư [nay là Iran và Irak], Đột Quyết [nay là Thổ Nhĩ Kỳ].. Những cộng đồng dân cư trên sa mạc của các vương quốc này có cự ly cách nhau không quá xa như vùng Tây Vực của đoạn phía Đông. Hơn nữa, họ cũng có quan hệ mậu dịch với Trung Nguyên, nên những thương đội Trung Quốc cũng không gặp nhiều khó khăn khi qua đây.

Đoạn phía Đông của “Con đường Tơ lụa” ngoài hai thành phố phồn vinh là Trường An và Hàm Dương, Hành Lang Hà Tây còn là yết hầu quan trọng về cả quân sự lẫn chính trị và kinh tế. Đó là một dãy dài, hẹp, có màu xanh trải từ bờ Tây sông Vị đến vùng sa mạc phía Nam cao nguyên Mông Cổ.

Các khu vực Âm Sơn, Lũng Sơn, Hà Tây Tẩu Lang và Hà Hoàng trên Hành Lang Hà Tây đều có những cứ điểm chiến lược quan trọng, làm bình phong che chắn Trung Nguyên và bảo vệ sự lưu thông của “Con đường Tơ lụa”.

Những vùng có khí hậu ôn hòa trải dài các chân núi Âm: Sơn, Lũng Sơn, Kỳ Liên Sơn [còn gọi Thiên Sơn] và Yên Chi Sơn là những vùng cỏ nước dồi dào, thu hút cư dân nhiều bộ tộc ít người, và đã hình thành những cộng đồng kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi rất trù phú.

Những thành thị nằm dọc Hành Lang Hà Tây như Thiên Thủy, Cam Châu [nay là Trương Dịch], Túc Châu [nay là Tửu Tuyền], Lương Châu [nay là Vũ Uy], Sa Châu [nay là Đôn Hoàng]… Nhờ sự lưu thông của “Con đường Tơ lụa” mà trở thành những đô thị phồn vinh và là những trung tâm giao lưu văn hóa kinh tế Đông Tây theo 2 chiều mậu dịch. Thành phố Đôn Hoàng không những là ngã rẽ và là điểm hội tụ của 2 Lộ tuyến Bắc Nam mà còn là trung tâm của 2 chiều mậu dịch Đông Tây. Mặt khác, các thương đội và tăng lữ hành hương khi dừng chân tại Đôn Hoàng để chuẩn bị xuyên Tây Vực, đều cầu Thần bái Phật phù hộ cho hành trình, nên từ rất sớm, Đôn Hoàng đã trở thành trung tâm phát triển cực thịnh của Phật Giáo.

Rời Đôn Hoàng, các Lộ tuyến của “Con đường Tơ lụa” đều phải ra Dương Quan hoặc Ngọc Môn Quan để xuyên Tây Vực. Đó là 2 tòa quan ải yết hầu của “Con đường Tơ lụa” và của cả nền an ninh Trung Nguyên. Vì muốn bảo vệ Trung Nguyên và làm chủ tình hình vùng Tây Vực nhằm giữ an toàn cho huyết mạch giao lưu Đông Tây mà, ngay từ thời cổ đại, nơi đây đã xảy ra vô số trận chiến khốc liệt. Đời Hán chiến tranh với Hung Nô và Đại Uyển, đời Đường chiến tranh với Đột Quyết và Thổ Phồn… Cho nên 2 tòa quan ải này không những đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Trung Quốc, mà còn để lại nhiều hình ảnh tuyệt vời trong thi ca Biên Tái đời Đường.

Tây Vực là vùng đất vừa hiểm ác vừa quyến rũ, vừa hoang sơ vừa thần bí mà, các Lộ tuyến của “Con đường Tơ lụa” bắt buộc phải đi qua. Đó là vùng đất đã đưa mặt hàng tơ lụa của Trung Nguyên đến các thị trường bờ Tây Thế Giới và là huyết mạch giao lưu văn hóa văn minh Đông Tây. Nhưng đó cũng là nơi chôn vùi không biết bao nhiêu hành nhân trong gió cát sa mạc.

Thời viễn cổ, Tây Vực là nơi định đô của hơn 100 tiểu vương quốc. Tới khi nhà Tây Hán thông sứ Tây Vực thì nơi đây chỉ còn 36 tiểu vương quốc, gồm khoảng 50 thành trấn lớn nhỏ, phối trí trên các Lộ tuyến của “Con đường Tơ lụa”. Nhưng qua những thời kỳ biến thiên, phần lớn diện tích Tây Vực bị sa mạc hóa, cư dân lưu tán, gió cát chôn vùi nhiều thành trấn. Tới đời Đường, Tây Vực chỉ còn lại các thành trấn: Y Châu [nay là huyện Cáp Mật Tân Cương], Đình Châu [nay là Cát Mộc Tác Nhĩ Tân Cương], Ô Lỗ Mộc Tề và Y Ninh nằm trên Lộ tuyến mới phía Bắc. Thành Yên Kỳ, Khố Nhĩ Lặc, Khưu Từ [nay là Khố Xa Tân Cương] và A Khắc Tô nằm trên Lộ tuyến Bắc. Thành Thạch Thành [nay là Nhược Khương Tân Cương], Bá TIÊN [nay là huyện Thả Mạc Tân Cương], Vu Điền [nay là Hòa Điền Tân Cương] và Sơ Lặc trấn [nay là thành phố Ca Thập Tân Cương] nằm trên Lộ tuyến Nam của “Con đường Tơ lụa”.

Bồn địa Tháp Lý Mộc chiếm gần hết diện tích của Tây Vực và sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can cũng chiếm gần hết bồn địa này. Từ sau thời kỳ đóng băng thế kỷ thứ 4 khí hậu bồn địa ngày càng khô kiệt và nhiều gió, lượng nước mưa hằng năm rất thấp, thậm chí toàn vùng gần như không có cỏ nước [trừ rừng Hồ Dương thiên nhiên tồn tại từ thời kỳ bồn địa chưa trải qua biến thiên].

Nhưng theo lịch sử ghi chép và nhất là căn cứ kết quả khai quật những cổ thành Lâu Lan, Y Tuần, Ni Nhã, Cao Xương… thì bồn địa Tháp Lý Mộc đã từng tồn tại nhiều vương quốc hùng mạnh. Chứng tỏ bồn địa đã có một thời kỳ khá dài khí hậu ôn hòa, hình thành nhiều cộng đồng quốc gia trù phú. Nhưng về sau khí hậu ngày càng khô kiệt, bồn địa mất nguồn nước băng tan và các con sông cũng tắt hẳn dòng chảy. Lượng cát trầm tích từ nhiều thế kỷ trước dần hồi bị sa mạc hóa xua đuổi cư dân, chôn vùi thành trấn. Bồn địa Tháp Lý Mộc từ đó trở thành khổ nạn cho các thương đội và lữ hành trên “Con đường Tơ lụa”.

Hồ La Bố Bạc nằm mút phía Đông của bồn địa Tháp Lý Mộc. Hồ này tích tụ nguồn nước lớn của 2 sông Tháp Lý Mộc và Khổng Tước nên từ thời cổ đại, mặt nước hồ có diện tích gần 1 vạn km2 [thủy lượng lớn thứ 2 của Trung Quốc]. Nhưng cũng do ảnh hưởng các thời kỳ biến thiên, mực nước hồ cạn dần và đến nay thì khô kiệt hẳn. Bờ Tây hồ La Bố Bạc là nền xưa của vương quốc Lâu Lan, nằm giữa 2 Lộ tuyến Bắc Nam của “Con đường Tơ lụa”. Tất cả 3 Lộ tuyến đều phải đi qua bồn địa Tháp Lý Mộc, nên khu vực này đã trở thành bản lề giao thông trọng yếu của “Con đường Tơ lụa”.

Từ thế kỷ thứ 4 trở đi, kỹ thuật Dâu Tằm Tơ dần hồi được truyền bá qua một số nước vùng cực Tây Tây Vực. Những năm khai quốc Đường triều xã hội ổn định, kinh tế phát đạt, các thành thị Kim Mãn Thành [xưa là vương quốc Xa Sư Tiền Vương Đình], Vu Điền [xưa là vương quốc Cù Tát Đán] và Tây Châu [xưa là vương quốc Cao Xương] là 3 thủ phủ tơ lụa nổi danh của vùng Tây Vực. Mặt hàng tơ lụa từ các thủ phủ này chuyển đến thị trường phương Tây đã rút ngắn được Hành Lang Hà Tây và một phần đường Tây Vực. Nhưng “Con đường Tơ lụa” từ đó cũng biến thành huyết mạch giao lưu văn hóa văn minh Đông Tây.

“Con đường Tơ lụa” trên lý thuyết tồn tại 17 thế kỷ, nhưng thực tế có 1 thế kỷ gián đoạn [CN 763-CN 866]. Năm Thiên Bảo 14 Đường Huyền Tông [CN 755], vì loạn An Sử, triều đình điều hết quân tinh nhuệ về nội địa dẹp loạn. Thổ Phồn thừa cơ đem quân tấn công Lương Châu. Đến năm Quảng Đức thứ 2 Đường Đại Tông [CN 763], quân Thổ Phồn chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Hà Hoàng và “Con đường Tơ lụa” cũng tắt nghẽn từ đó. Năm Đại Trung thứ 2 Đường Tuyên Tông [CN 848], nhân Thổ Phồn có nội loạn, Trương Nghĩa Triều lãnh đạo nghĩa quân đánh đuổi Thổ Phồn. Cuộc khởi nghĩa kéo dài đến năm Hàm Thông thứ 7 Đường Ý Tông [CN 866], Trương Nghĩa Triều tái chiếm toàn bộ khu vực Hà Hoàng và tái khai thông “Con đường Tơ lụa”.

“Con đường Tơ lụa” được khai mở từ mối lợi của các thương nhân nhưng, hoàn chỉnh trong vai trò lịch sử trọng đại. Đây không chỉ là con đường mậu dịch buôn bán Đông Tây thời cổ đại mà, còn là huyết mạch giao lưu chính trị, tôn giáo, văn hóa văn minh giữa Trung Quốc với vùng Trung Tây Á và cả các nước Châu Âu. Trong lịch sử, “Con đường Tơ lụa” ảnh hưởng sâu đậm đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây, và là tổng hợp tinh hoa, thúc đẩy phát triển văn minh nhân loại. Huyết mạch này tồn tại suốt 17 [thực tế chỉ có 16] thế kỷ, khi nhân loại chưa phát triển đường hàng hải.

SÁCH THAM KHẢO

Trung Hoa thượng hạ ngũ thiên niên [2 tập] của Trần Thắng Lợi [Nội Mông cổ nhân đân xuất bản xả 1998]

Đường thi cố sự tục tập [tập 1] của Lật Tư [Trung Quốc Quốc Tế Quảng Bá xuất bản xã Bắc Kinh 1988]

Quang Minh Nhật Báo Bắc Kinh [số ra ngày 26.2.1985].

Nhân Dân Nhật Báo Bắc Kinh [số ra ngày 13.4.1982].

Trung Quốc Nhất Tuyệt của Lý Duy Côn [bản Việt ngữ của nhiều dịch giả, NXB Văn Hoá Thông Tin Hà Nội 1997].

Ý nghĩa Con đường tơ lụa là gì?

Con đường tơ lụa có ý nghĩa lịch sử to lớn như một mạng lưới các tuyến đường thương mại cổ xưa nối liền phương Đông và phương Tây. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình lịch sử thế giới, tạo điều kiện trao đổi văn hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra sự kết nối giữa các nền văn minh đa dạng.

Con đường tơ lụa tồn tại bao lâu?

Con đường tơ lụa
Khoảng thời gian Khoảng 114 TCN – 1450
Di sản thế giới UNESCO
Tên chính thức Con đường tơ lụa: Mạng lưới tuyến Trường An-Thiên Sơn
Loại Văn hóa

Con đường tơ lụa – Wikipedia tiếng Việtvi.wikipedia.org › wiki › Con_đường_tơ_lụanull

Chiến lược Con đường tơ lụa là gì?

Con đường tơ lụa là một loạt các mạng lưới thương mại cổ đại kết nối Trung Quốc và Viễn Đông với các quốc gia ở châu Âu và Trung Đông. Tuyến đường bao gồm một tập hợp các điểm giao dịch và chợ được sử dụng để giúp lưu trữ, vận chuyển và trao đổi hàng hóa. Nó còn được gọi là Silk Road thay vì Silk Route.

Tại sao Con đường tơ lụa sụp đổ?

Suy tàn và Di sản của Con đường Tơ lụa Sự suy tàn của Con đường Tơ lụa bắt đầu với sự trỗi dậy của các tuyến thương mại hàng hải và sự bất ổn chính trị ở Trung Á. Sự sụp đổ của nhà Hán và sự trỗi dậy của đối thủ của Đế chế La Mã, Đế chế Parthia, cũng góp phần khiến Con đường tơ lụa suy tàn.

Chủ Đề