Đảo trần ở đâu

Người ta ví đảo Trần [thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô] là “Trường Sa của vùng biển Đông Bắc” quả là không sai. Nói như thế để thấy được niềm tự hào và cả sự vất vả, gian nan nơi hòn đảo tiền tiêu trọng yếu này.

Tàu vượt sóng để đến đảo Trần.

Bởi vậy, rất nhiều người mong ước được đặt chân lên đảo Trần như chúng tôi. Sau rất nhiều lần lỡ hẹn, lần này, Thượng tá Nguyễn Thế Thảo, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trà Cổ và anh Trần Mạnh Cường, Giám đốc Công ty Than Hà Lầm quyết tâm thuê một chiếc ca-nô để đưa chúng tôi đến với hòn đảo tiền tiêu xa xôi ấy.

Đoàn chúng tôi xuất phát bến từ Mũi Ngọc, thuộc địa phận phường Bình Ngọc, TP Móng Cái. Chiếc xuồng cao tốc màu trắng, rẽ sóng hướng ra khơi đưa con tàu chồm lên mặt nước. Có những con sóng cao chừng độ gần cả mét. Không ít người thích thú với cảm giác lần đầu tiên được nhảy chồm lên sóng. Một số người, trong đó có tôi bắt đầu thấy nôn nao. Cô bạn ngồi bên say sóng mặt tái đi, trắng bệch. Anh Thảo rút từ trong túi ra đưa cho chúng tôi mỗi người một phong kẹo lạc bảo ăn đi sẽ đỡ. Chúng tôi nhai ngấu nghiến, cảm thấy hình như đỡ hơn thật.

Anh Thảo tủm tỉm cười bảo còn một vật độc đáo nữa anh luôn mang bên mình như kẹo lạc, đó là... bao cao su! Rút điện thoại ra, anh Thảo vừa nói vừa làm cho chúng tôi xem. Anh bảo, chẳng may tàu có vấn đề gì giữa trời nước mênh mông thế này lấy gì mà liên lạc. Cho điện thoại vào đó thắt lại, nước biển sẽ không thể xâm nhập làm hỏng được. Sau đó thì bơi vào đâu đó mà mở điện thoại ra để gọi ứng cứu. Cũng nhờ chiếc điện thoại di động cục gạch đó mà có lần anh Thảo đã phóng ca-nô ra đảo Trần đưa được một chiến sĩ bị rắn độc cắn vào bờ. Chỉ chậm một chút nữa thì chiến sĩ đó sẽ mất mạng.

Cầu cảng Đảo Trần.

Anh lái tàu thì chỉ về một vệt mờ xa trước mặt trấn an chúng tôi rằng đó là đảo Trần rồi, chẳng mấy nữa mà đến đâu. Sự háo hức đến đảo làm chúng tôi nguôi ngoai cơn mệt mỏi. Trong khi chúng tôi không ít người nôn nao vì say sóng thì mấy anh chàng thợ lò của mỏ Hà Lầm lại rất tươi tỉnh. Cũng dễ hiểu thôi vì Bác Hồ đã dạy, thợ mỏ cũng là chiến sĩ. Vậy nên những khó khăn, gian khổ của người lính và của thợ mỏ cũng có nhiều nét tương đồng.

Anh Cường giải thích sự xuất hiện của anh và đồng nghiệp ở chuyến đi này là do đơn vị luôn có những chuyến đi chăm lo, hỗ trợ cho cán bộ, sĩ quan Đồn Biên phòng đảo Trần. Mới đây nhất, Công ty vừa chuyển ra đảo bộ đầu máy karaoke. Bộ máy này cũng có thể không được bật thường xuyên vì điện yếu nhưng đó là tình cảm của những người thợ mỏ Hà Lầm với bộ đội Đồn Biên phòng đảo Trần.

Sau gần một tiếng lênh đênh, tàu của chúng tôi đến được cầu cảng đảo Trần. Trước mắt chúng tôi là dãy nhà liền kề nhau, được thiết kế cùng một kiểu, rất đẹp mắt. Được biết, đó là 17 căn nhà do Tổng Công ty Đông Bắc xây tặng cho bà con các hộ gia đình đến định cư lập làng trên đảo. Hiện tại, có một vài hộ dân do ốm đau đã tạm thời xin phép đóng cửa nhà để vào đất liền chữa bệnh.

Trước mỗi ngôi nhà đều có hệ thống điện mặt trời. Và trong tương lai gần, khi dự án cấp điện lưới quốc gia thực hiện xong, đảo Trần sẽ có điện lưới. Được biết, dự án này có tổng vốn đầu tư trên 397 tỷ đồng. Trong khi chờ đợi hoàn thiện các thủ tục đầu tư để đưa điện lưới quốc gia ra đảo Trần, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư 15 bộ pin năng lượng mặt trời [trị giá trên 70 triệu đồng/bộ] cho 15 hộ dân đang sinh sống trên đảo. Đầu năm 2019, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống này. Với công suất 1kW, hệ thống pin năng lượng mặt trời đã đảm bảo cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người dân trên đảo, như: Thắp sáng, xem ti vi, nghe radio, sử dụng quạt máy, nấu cơm… Nếu có phép màu thả tôi xuống đảo Trần mà không cần đi biển và không có tấm pin mặt trời kia thì có lẽ tôi đã lầm tưởng, đây là dãy phố liền kề hiện đại trong đất liền.

Đảo Trần ngày càng được đầu tư khang trang hơn.

Một số chiến sĩ biên phòng và dân trên đảo ra đón chúng tôi. Có người đã quen nhau từ trước nên rất quấn quýt. Cái tình cảm ấm áp đó xua tan đi cơn mưa lạnh trên biển và cảm giác nôn nao vì say sóng của chúng tôi. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng đảo Trần hồ hởi giới thiệu cho chúng tôi làm quen với từng người trong đơn vị. Thiếu tá Phạm Hồng Thái, Đồn trưởng Đồn Biên phòng đảo Trần sinh năm 1983 là một sĩ quan còn rất trẻ, hăng hái, xốc vác. Anh giới thiệu đôi nét với chúng tôi về hòn đảo vừa đặt chân lên. Đảo Trần có diện tích 4,43 cây số vuông, nằm cách đường phân định trên Vịnh Bắc Bộ chưa đầy 5km, có vị trí chiến lược trọng yếu và là khu vực quan trọng về giao thương kinh tế với Trung Quốc. Trên đảo có Tiểu đoàn đảo Trần thuộc Lữ đoàn 242, Đồn Biên phòng đảo Trần [còn gọi là Đồn số 6], Tiểu đoàn 1 bộ binh, Tiểu đoàn 29, Lữ đoàn 513, Trạm Ra-đa hải quân 480 và Trạm hải đăng.

Còn Thiếu tá Vũ Huy Công, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng đảo Trần thì kể rằng, anh và chiến sĩ trong đồn đã tăng gia sản xuất, nuôi lợn rừng, thả cá ở hồ trên núi. Kỳ công hơn nữa, anh còn mang hạt giống rau xanh từ quê nhà Hải Dương ra trồng. Dù mới ra đảo được hơn 2 năm nhưng ngần đó thời gian cũng đủ làm Thiếu tá Vũ Huy Công dạn dày sóng gió.

Trung tá Lương Ngọc Trí, chính trị viên Đồn Biên phòng đảo Trần đưa chúng tôi lên cột cờ Tổ quốc, một công trình đặc biệt mà không ai có thể bỏ qua khi đã đến đây. Cột cờ Tổ quốc trên đảo Trần được khởi công xây dựng vào ngày 21/3/2015, tại điểm cao nhất của đảo ở độ cao 188m so với mực nước biển và gần Trạm Ra-đa hải quân 480. Đây là một trong 7 cột cờ được xây dựng tại các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, thuộc Đề án xây dựng đảo thanh niên toàn quốc giai đoạn 2013-2020. Công trình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Tỉnh Đoàn Quảng Ninh phối hợp với Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam thực hiện. Sau 5 tháng xây dựng, công trình được khánh thành và giao cho Trạm Ra-đa hải quân 480 quản lý.

Du khách thích thú chụp ảnh bên cột cờ đảo Trần.

Đường lên cột cờ rộng 1m, mặt đường có đoạn làm dạng bậc thang, đảm bảo an toàn cho công trình và người di chuyển từ chân núi lên. Sau một hồi leo dốc mệt phờ, chúng tôi lên đến Nhà thờ Bác Hồ dưới chân cột cờ. Xuất phát từ niềm kính yêu Bác Hồ vô hạn và tình cảm với vùng phên giậu xa xôi này, giám đốc Trần Mạnh Cường đã đề xuất với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan chức năng cho phép được dâng tặng tượng Bác Hồ với một khán thờ Bác tại chân cột cờ chủ quyền trên đảo Trần. Thắp nén tâm nhang tưởng nhớ công lao to lớn của Bác Hồ, chúng tôi thầm cầu mong Người phù hộ cho đất nước yên bình, nhân dân no ấm, chủ quyền biển đảo được giữ vững.

Từ Nhà thờ Bác Hồ, lên tiếp một đoạn bậc thang nữa là sẽ chạm tay vào cột cờ Tổ quốc. Cột cờ có chiều cao tổng cộng là 22,5m, trong đó phần cột cao 15m, còn lại là phần bệ. Khuôn viên và Nhà lưu niệm có diện tích 432,5m2. Vừa lên đến nơi, hai anh bộ đội biên phòng đứng nghiêm trang chào cột cờ. Cả đoàn đều chung một cảm xúc trào dâng niềm tự hào về Tổ quốc thân yêu.

Giám đốc Trần Mạnh Cường chia sẻ rằng, lần sau ra đảo Trần để cung tiến bức phù điêu sau tượng Bác Hồ, nhất định anh sẽ mang tặng chiến sĩ trên đảo những lá cờ thật to, thật bền. Ở đây, gió biển dữ dội thế này, chỉ một, hai ngày là đã phải thay cờ rồi. Thậm chí, chỉ sau một đêm gió từ những cơn giông biển thổi thốc tháo trên đỉnh núi này thì lá cờ đã bị rách một góc và lính đảo lập tức phải thay lá cờ mới. Chúng tôi cũng như anh Cường đều chung một ước mong rằng, cột cờ Tổ quốc thì phải luôn đẹp đẽ và kiêu hãnh. Ở nơi hòn đảo xa xôi này, hình bóng Bác Hồ hiện diện và màu cờ Tổ quốc cứ tung bay như tiếp thêm sức mạnh cho những người lính, ngư dân bám biển, bám đảo.

Từ trên cột cờ nhìn xuống, xung quanh đảo, bà con ngư dân đánh cá trong ngư trường truyền thống Vịnh Bắc Bộ. Những con tàu ngày càng được bà con đầu tư kiên cố, chắc chắn hơn để vươn khơi. Còn tối về nhà trên đảo thì bà con đã có đủ nước ngọt cho sinh hoạt. Đảo Trần có trường học, có giáo viên dạy học cho trẻ, có những con đường bê tông đang tiếp tục được nối dài và sắp có âu tàu cho thuyền bè neo đậu tránh trú. Các hộ dân trên đảo đã được Nhà nước ưu đãi rất nhiều về nhà ở, dụng cụ sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để vươn khơi bám biển, bám đảo. Đời sống của bà con đã được quan tâm, cải thiện rất nhiều so với những năm trước, để bớt đi những thách thức, gian nan.

Chúng tôi vội vã rời đảo Trần vào cuối chiều khi mà cơn mưa giông mù trời có nguy cơ sắp ập đến. Nếu không ra về có thể mưa giông, bão gió sẽ bị cấm tàu đến vài ngày cũng nên. Ai cũng luyến tiếc vì không thể lưu lại lâu hơn với đảo. Con tàu lướt sóng, đảo Trần dần mờ xa sau đuôi tàu. Chúng tôi không ai bảo ai đều ngoái lại nhìn hòn đảo thân thương. Ở đó trên đỉnh núi kia có lá cờ Tổ quốc vẫn kiên cường tung bay trong gió...

Huỳnh Đăng

[links[]]

Đến thôn Đảo Trần, xã Thanh Lân [Cô Tô] hôm nay, rất nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” của đảo. Từ biển nhìn vào con đường trước khu dân cư lung linh, bừng sáng, ánh sáng của điện lưới quốc gia, ánh sáng của niềm tin đang chiếu rọi, thắp sáng đảo tiền tiêu.

Sau một năm có điện lưới quốc gia, đảo Trần thực sự thay da đổi thịt mạnh mẽ, điều đó có thể nhìn thấy ngay từ cuộc sống sinh hoạt của bà con nhân dân trên đảo. Trước đây khi chưa có điện, cuộc sống sinh hoạt của bà con vất vả, chật vật, điện năng lượng chỉ đủ thắp sáng không thể đáp ứng được các thiết bị điện như tủ lạnh, điều hòa, máy móc, …Từ khi có điện lưới quốc gia, cuộc sống sinh hoạt của bà con thay đổi hoàn toàn.

Đảo Trần chính thức có điện lưới quốc gia từ ngày 2/9/2020.

Chị Nguyễn Thị Sằn, ngư dân trên đảo Trần cho biết: Có điện lưới, cuộc sống của chúng tôi thay đổi nhiều lắm, trước kia mùa hè nóng bức điện năng lượng không đủ quạt mát, đá lạnh phải chuyển từ đất liền ra, thiếu thốn đủ thứ. Giờ có điện lưới rồi bà con mạnh tay mua sắm, sử dụng ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh... Ngư dân đi đánh bắt về cũng yên tâm không phải bán tống bán táng hải sản đi vì đã có tủ lạnh, tủ bảo ôn cấp đông. Cuộc sống của ngư dân chúng tôi ổn định hơn, vui hơn.

Sự thay đổi trên đảo từ khi có điện thể hiện qua nụ cười tươi rói của những người ngư dân bám biển, qua từng ánh mắt bé thơ tung tăng vui bước đến trường. Từ khi có điện lưới, trường liên cấp đảo Trần được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trường lớp ngày càng khang trang. Đặc biệt trong tất cả các phòng học đều được lắp đặt điều hòa, các thiết bị điện hiện đại phục vụ cho công tác giảng dạy không thua kém gì đất liền.

Điện thắp sáng đảo Trần hàng đêm.

Ông Đỗ Văn Quang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cô Tô, cho biết: Chúng tôi luôn luôn quan tâm cả về vật chất và tinh thần dành cho các thầy cô và các em ở đảo Trần. Trong năm học tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch đầu tư cho phân hiệu trường đảo Trần các thiết bị dạy học hiện đại phục vụ cho công tác giảng dạy tốt hơn, nâng cao chất lượng dạy và học. Mục đích để phân hiệu đảo Trần bắt nhịp cùng tất cả các trường học trên địa bàn huyện Cô Tô trong việc ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số.

Chúng tôi đến thăm nhà chị Nguyễn Thị Cảnh, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn đảo Trần – cũng là người đầu tiên gắn bó với đảo. Thấy chúng tôi, chị hồ hởi vui mừng chiêu đãi món trà sữa chân trâu. Trước sự ngạc nhiên của tôi, chị cười giòn khoe: Mọi người đừng tưởng ở đảo Trần không có món trà sữa chiêu đãi khách nhé. Còn nhiều loại nước giải khát và cả các loại chè nữa đấy.

Miệng nói tay làm, chỉ chưa đầy mười phút chị Cảnh đã bưng ra chiêu đãi chúng tôi các loại nước uống giải khát do chính tay chị tự làm.

“Từ ngày có điện đời sống của bà con đảo Trần đổi thay nhiều lắm. Cuộc sống sinh hoạt thoải mái hơn, thỉnh thoảng tối đến mọi người trong thôn cùng nhau ca hát vui lắm. Mọi người không ai có ý định rời đảo về đất liền đâu” - chị Cảnh chia sẻ thêm.

Để bà con nhân dân đảo Trần yên tâm lao động sản xuất, chính quyền các cấp đang có những chính sách, đầu tư xây dựng thôn đảo Trần có phương án nạo vét khu vực biển trước khu dân cư cho tàu thuyền vào tránh trú, neo đậu; tạo điều kiện cho bà con vận chuyển lương thực thực phẩm đảm bảo đời sống dân sinh; quan tâm hệ thống viễn thông và nước sinh hoạt; xây dựng cơ sở phục vụ hậu cần nghề cá; chăm sóc y tế tại chỗ quân dân y kết hợp cấp cứu kịp thời cho ngư dân; tiếp tục bê tông hóa các tuyến đường trên đảo Trần. Từ khơi xa nhìn vào mỗi con đường trên thôn đảo Trần giờ đây đều lung linh ánh điện như thành phố về đêm. Được biết, công trình thắp sáng những con đường trên đảo Trần là sự chung tay góp sức, phối hợp triển khai của Ban Thường vụ Huyện đoàn Cô Tô, Ban Thường vụ Đoàn Than Quảng Ninh. Hệ thống bóng điện chiếu sáng tại đảo Trần, với số lượng 35 bóng điện, trị giá 80 triệu đồng. Nguồn kinh phí thực hiện được huy động của đoàn viên thanh niên và xã hội hóa.

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Bí thư Huyện Đoàn Cô Tô cho biết: Trong quá trình thực hiện lắp đặt hệ thống đèn đường, chúng tôi đã được nhân dân địa phương ủng hộ, hy vọng rằng với sự đóng góp nhỏ bé này sẽ thắp sáng mọi nẻo đường đảo Trần, phục vụ người dân và cán bộ, chiến sĩ đi lại an toàn, thuận tiện hơn. Đồng thời, chúng tôi tích cực vận động làm nhiều công trình thanh niên khác để góp phần xây dựng đảo ngày một tươi đẹp.

Buổi tối đi trên con đường bê tông sạch đẹp, ánh điện tỏa sáng lấp lánh chiếu trên những tán bàng vuông. Cây bàng vuông cứng cáp, kiên cường trên đảo Trần đang từng ngày lớn lên tỏa bóng mát, giống như những đứa trẻ trên đảo Trần dạn dày sóng gió cũng ngày một lớn lên trở thành những công dân luôn bám trụ kiên cường giữ Đảo, biết ứng dụng công nghệ thông tin rút gần khoảng cách giữa Đảo Trần với đất liền.

Video liên quan

Chủ Đề