Dấu hiệu vỡ tử cung hoàn toàn

Mỗi năm, hàng triệu phụ nữ mang thai và sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, không phải mọi phụ nữ đều có cuộc sinh dễ dàng và không gặp rủi ro nào. Đặc biệt, ở ba tháng cuối thai kỳ, khi đã gần ngưỡng cửa chuẩn bị cho một cuộc sanh. Người mẹ càng cần được quan tâm và cần được theo dõi sức khỏe thai kỳ nhiều hơn. Trong giai đoạn này, nếu người mẹ có dấu hiệu chảy máu âm đạo, thì một trong những tai biến thường được bác sĩ để tâm đến là vỡ tử cung. Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam tìm hiểu về tình trạng này qua bài viết sau đây.

Nội dung bài viết

Vỡ tử cung là gì?

Vỡ tử cung là tình trạng bị nứt và rách hoàn toàn các lớp cơ ở tử cung. Làm cho các thành phần bên trong tử cung, bao gồm cả thai bị tống vào ổ bụng. Nếu không được xử trí kịp thời, sẽ đe dọa tính mạng của cả mẹ và con. Ngoài ra, tình trạng này còn gây ra các vấn đề nghiệm trọng khác cho người mẹ như: Sốc do mất máu, rách bàng quang, tổn thương tử cung, v.v. Và đe dọa sự sống của đứa bé do bị thiếu oxy trong tử cung.

Vỡ tử cung là tình trạng bị nứt và rách hoàn toàn các lớp cơ ở tử cung

Hầu hết vỡ tử cung ở các nước đang phát triển và phát triển có liên quan đến tiền sử mổ lấy thai của người mẹ. Trong khi đó, ở các nước nghèo, nhiều ca vỡ là do không có điều kiện mổ lấy thai khi cuộc sinh bị trậm trễ, kéo dài.  

Tử cung có thể vỡ trong thời kỳ mang thai hoặc ngay trong cuộc sinh. Tuy nhiên, vỡ trong thời kỳ mang thai thường hiếm gặp. Nếu có, thường xảy ra trên vết mổ cũ hay có dị dạng tử cung.

Hiện nay nhờ tiến bộ của khoa học trong lĩnh vực gây mê hồi sức. Ngoài ra, trình độ chuyên khoa sản được nâng cao cùng việc mở rộng mạng lưới quản lý thai nghén. Bên cạnh đó, nhờ việc hạn chế các thủ thuật thô bạo, chỉ định mổ lấy thai kịp thời. Vì thế tỷ lệ vỡ tử cung đã giảm đi nhiều so với trước đây.

Tần xuất mắc phải

Mặc dù tình trạng này nguy hiểm nhưng lại khá hiếm gặp. Theo thống kê, vỡ tử cung chiếm khoảng 325 trên 100,000 ca sinh ở những phụ nữ có tiền sử mổ lấy thai trước đây.

Vỡ tử cung trên phụ nữ không có sẹo tử cung hiếm hơn, với chỉ khoảng 1/5700 – 1/20.000 ca sinh.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ dẫn đến vỡ tử cung là gì?

Vào ba tháng cuối thai kỳ, lúc này thai trong bụng mẹ phát triển nhanh về trọng lượng. Điều này làm tăng áp lực trong buồng tử cung, đặc biệt khi kèm theo có cơn gò. Nếu tử cung có kiếm khuyết như sẹo mổ cũ, dị dạng tử cung, hoặc do cuộc sanh quá kéo dài, v.v. Thành tử cung không chịu nổi áp lực sẽ dẫn đến nứt, vỡ.

Để trình bày rõ ràng hơn, các yếu tổ nguy cơ có thể chia làm hai trường hợp: Vỡ tử cung trong lúc mang thai và trong cuộc sinh.

Yếu tố nguy cơ trong lúc mang thai

  • Có sẹo mổ cũ trên tử cung như: Sẹo mổ lấy thai, tiền sử bóc nhân xơ tử cung, sẹo mổ chỉnh hình tử cung, v.v. Đặc biệt, nguy cơ cao hơn khi sẹo mổ ở góc tử cung do tiền sử thai ở sừng tử cung.
  • Dị dạng tử cung: Tử cung một sừng hay hai sừng, tử cung đôi, v.v.
  • Do chấn thương mạnh, trực tiếp vào bụng.
  • Thủ thuật xoay ngôi thai.
  • Nhau cài răng lược [Xem thêm: Nhau cài răng lược: Định nghĩa, nguyên nhân, thông tin xử trí].

Yếu tố nguy cơ trong cuộc sinh

  • Cuộc sinh bị kéo dài do: Có sự cản trở sự lọt xuống của thai như bất thường khung chậu, thai to, ngôi thai bất thường.
  • Sử dụng thuốc tăng co: Thuốc có tác dụng tăng tần xuất cơn gò để thúc đẩy cuộc sinh.
  • Do chấn thương [hiếm gặp]: Thường do các thủ thuật xoay thai [trong trường hợp ngôi thai bất thường]. Ngoài ra, còn có thể bị chấn thương do sử dụng công cụ hỗ trợ sanh khi cổ tử cung chưa mở trọn.

Dấu hiệu nhận biết tử cung vỡ

Vỡ tử cung biểu hiện các triệu chứng như sau:

  • Chảy máu âm đạo nhiều.
  • Đau bụng liên tục ngoài cơn gò, đau dữ dội.
  • Cơn gò về sau có thể giảm dần, hoặc mất.
  • Tim thai giảm dần, sau đó mất.
  • Thăm khám âm đạo thấy: ngôi thai bị đẩy lên cao, sưng phình phần dưới xương mu, mất trương lực cơ co tử cung. Khi vết nứt lớn, thai bị tống vào bên trong ổ bụng, khám thấy phần phần thai lổn nhổn không đều, lồi nông dưới thành bụng.
  • Thất bại sinh ngã âm đạo.

Vỡ tử cung có thể dẫn đến hậu quả gì?

Nếu không được xử trí kịp thời có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và con

Ở người mẹ, sẽ gây ra mất nhiều máu, dẫn đến sốc do mất máu. Tuy nhiên, thường tình trạng mất máu ở người mẹ do vỡ tử cung hầu hết đều được kiểm soát tốt khi được sinh nở tại bệnh viện.

Vỡ tử cung ảnh hưởng đến sự sống còn của thai nhi. Vì thế, khi bác sĩ nghi ngờ vỡ tử cung, sẽ nhanh chóng mổ cấp cứu. Mục tiêu để đưa em bé ra ngoài càng sớm càng tốt, cầm máu kịp thời cho người mẹ. Nếu em bé không được đưa ra khỏi bụng mẹ trong vòng từ 10 – 40 phút, sự sống còn của em bé là không thể dự đoán trước.

Cắt tử cung

Tỷ lệ cắt tử cung cao ở những trường hợp vỡ tử cung.

Tổn thương các tạng khác

Có thể tổn thương bàng quang, niệu quản, mạch hạ vị, đại – trực tràng khi vỡ tử cung. Ngoài ra, có thể tốn thương cơ quan lân cận trong khi phẫu thuật xử trí vỡ tử cung.

Vỡ tử cung được chẩn đoán như thế nào?

Thời gian xử trí vỡ tử cung phụ thuộc vào sự đánh giá kịp thời. Trước đây, bác sĩ sẽ nhận diện vỡ tử cung qua những dấu hiệu điển hình như đau chói ở vết mổ cũ, xuất huyết âm đạo trầm trọng, mất cơn co tử cung, v.v. . Tuy nhiên, theo kinh nghiệm ngày này, ngày ta thấy rằng các dấu hiệu này không đặc hiệu [tin cậy]. Ngoài ra, không phải mọi trường hợp đều có đầy đủ triệu chứng.

Mặc dù vậy, dấu hiệu tim thai suy là triệu chứng đáng tin cậy nhất để quyết định xử trí tiếp theo của bác sĩ.

Một kết quả quan sát cho thấy, trong khoảng 99 ca vỡ, chỉ có khoảng 13 ca người mẹ than đau bụng và chỉ 11 ca có xuất huyết âm đạo. Hơn nữa, mất cơn co tử cung không đáng tin cậy để phát hiện vỡ. Đặc biệt ngay cả khi người mẹ được theo dõi bằng ống thông áp lực trong tử cung [IUPC], kết quả thường không cho thấy mất trương lực tử cung hoặc mất co bóp sau khi vỡ tử cung.

Tuy nhiên, dấu hiệu chậm hoặc mất tim thai được thấy trong theo dõi nhịp tim của thai nhi là biểu hiện phổ biến nhất của vỡ tử cung.

Máy theo dõi nhịp tim thai và cơn gò tử cung

Ngoài ra, xuất huyết 3 tháng cuối thai kỳ còn cần nghĩ đến các vấn đề khác, bao gồm:

Nhau tiền đạo: Không có dấu hiệu dọa vỡ như: Cơn co dồn dập, đau bụng nhiều, vật vã. Chảy máu ra ngoài âm đạo là chủ yếu. Còn nghe được tim thai nếu không bị chảy máu quá nhiều. Siêu âm có thể thấy nhau thai ở vị trí che lấp cổ tử cung.

Xem thêm: Nhau tiền đạo: định nghĩa, dấu hiệu, thông tin xử trí?

Nhau bong non: Có thể có các dấu hiệu của hội chứng tiền sản giật đi kèm. Máu chảy ra ngoài là màu đỏ sậm, không đông. Tình trạng choáng ở mẹ không tương xứng với mức độ máu chảy ra ngoài. Ngoài ra, cơn co tử cung của mẹ có sự cường tính, dữ dội và bụng cứng như gỗ. Có thể không khe được tim thai. Khi nắn bụng, khó sờ thấy các phần thai qua thành bụng.

Xem thêm: Nhau bong non: Dấu hiệu nhận biết và thông tin hướng xử trí?

Ngoài ra, còn có các vấn đề khác như nguy cơ dọa sinh non, vỡ tử cung và một số nguyên nhân ít gặp khác như vỡ mạch máu của bánh nhau, những tổn thương ở cổ tử cung, âm đạo, rối loạn đông máu,…

Việc xử trí vỡ tử cung như thế nào?

Sau khi bác sĩ nghi ngờ có vỡ tử cung, sẽ lập tức cần tiến hành mổ cấp cứu. Ngoài ra, lập đường truyền ở tay để bù dịch và truyền máu khi cần. Việc kéo dài sinh ngã âm đạo sẽ đưa đến tình trạng nguy kịch cho cả mẹ và con.

Khi nghi ngờ có vỡ tử cung, bác sĩ sẽ lập tức cần tiến hành mổ cấp cứu

Sau khi em bé được đưa ra khỏi bụng mẹ, và bóc nhau. Tùy vào tình trạng rách của tử cung và nguyện vọng muốn tiếp tục mang thai của người mẹ. Sau đó, bác sĩ sẽ lựa chọn khâu lại vết rách hay sẽ mổ cắt tử cung để cầm máu. Tuy nhiên, tử cung chỉ được khâu lại khi vết nứt vỡ sạch sẽ, gọn, không nham nhỡ, không bị nhiễm trùng.

Khi đã ổn định sức khỏe, người mẹ sẽ cần dùng kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng.

Cách quản lý và phòng ngừa

Tần xuất xuất hiện vỡ tử cung sẽ giảm khi các yếu tố nguy cơ được quản lý tốt.

Để làm được điều này, người mẹ cần tuân thủ khám thai định kỳ. Bác sĩ sẽ khai thác thông tin của người mẹ. Đặc biệt tìm các yếu tố nguy cơ như: đẻ nhiều lần, từng phẫu thuật liên quan đến tử cung, bất xưng thai – khung chậu, v.v. Từ đó, lập ra kế hoạch quản lý thai nhi và lựa chọn phương pháp sinh phù hợp.

Trường hợp người mẹ có tiền sử vỡ tử cung

Khi người mẹ có tiền sử vỡ tử cung trước đây. Ở lần mang thai tiếp theo, bác sĩ sẽ cân nhắc và tư vấn cho mẹ mổ lấy thai chủ dộng trước khi có dấu hiệu chuyển dạ [sinh con].

Theo ACOG – Hội sản phụ khoa Hoa Kỳ, thời điểm để đưa em bé ra ngoài nên vào khoảng từ 36 – 37 tuần thai. Về thời gian cụ thể sẽ tùy vào tình huống, hoàn cảnh đánh giá của bác sỹ.

Trong trường hợp người mẹ xuất hiện vỡ tử cung tái phát, sẽ cần được mổ cấp cứu. Mức độ khẩn cấp phụ thuộc vào sự đánh giá của bác sĩ về tình trạng của mẹ và con. Ngoài ra, còn đánh giá về các nguyên do khác dẫn đến đau bụng, bất thường tim thai, chảy máu âm đạo và mức độ mất máu của người mẹ.

Vỡ tử cung có thể xảy ra lúc mang thai hay trong chuyển dạ. Vỡ trong lúc mang thai thường hiếm gặp và nếu có thường xảy ra trên vết mổ cũ hay có bất thường, dị dạng tử cung. Điều quan trọng, ngay khi bạn có dấu hiệu: đau bụng, có cơn co tử cung, chảy máu âm đạo, hoặc cảm thấy mệt vã người, choáng. Hãy đến cơ sở Sản phụ khoa gần nhất để được xử trí kịp thời. Ngoài ra, do vỡ tử cung có liên quan lớn đến sẹo mổ cũ, vì thế người mẹ chỉ nên quyết định sinh mổ khi được bác sĩ chỉ định. Bên cạnh đó, việc khám thai định kỳ là vô cùng quan trọng. Điều này giúp tạo điều kiện để bác sĩ có thể theo dõi và tiên lượng các rủi ro có thể xảy ra. 

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

Bài Viết Liên Quan

Toplist mới

Bài mới nhất

Chủ Đề