Đi hái lộc đầu năm là gì

Người Việt có tục hái lộc từ ngàn xưa, vào thời điểm sau giao thừa, người ta thường đi chùa hái một cành lộc.

Theo phong tục xưa, cứ đêm giao thừa hoặc sớm mùng 1 Tết, người dân đến đình chùa, đền phủ để hái một cành lộc non mang về với ý nghĩa xin cành lộc nhỏ ở chốn linh thiêng để rước tài lộc, may mắn về nhà.

Trước đây các cụ chỉ hái một cành rất nhỏ cây sanh, si, sung, đa... vốn có sức sống mạnh mẽ đem chứ không cho ai vì sợ “mất lộc”, rồi treo trước hiện hoặc cắm vào bình hoa, có nơi còn treo trước gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma quỷ, hay có ý báo là đã “rước phước lộc” về gia đình.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người [Liên hiệp Hội KH & KT Việt Nam], tục hái lộc là một nét đẹp văn hóa. Lộc là nụ đầu tiên, mầm non mới nhú. Hái lộc ở đền, chùa ngụ ý xin hưởng một chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân đầu năm mới.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nhận thức của nhiều người về tục hái lộc đầu xuân đã sai lệch, mang khía cạnh tiêu cực. Theo các nhà nghiên cứu, sai lầm lớn nhất là nghĩ rằng cành cây càng to, lộc càng nhiều. Vì thế nên nhiều người mang hẳn cả dao đi để “chặt lộc” chứ không phải hái lộc. Có người còn trèo lên cây để cao để chọn “lộc đẹp” và không hái riêng cho mình mà còn hái hộ cho bạn bè, người thân. Có người còn lấy cả xe máy chở chậu cây cảnh nhà chùa về cho “đại cát, đại lợi”.

Ngoài đền chùa, nhiều người còn đến các trụ sở ngân hàng, kho bạc... để hái lộc vì nghĩ, cây xanh ở các địa điểm này sẽ cho nhiều tiền tài.

Theo trụ trì chùa La Dương [Hà Đông, Hà Nội] chia sẻ trên Dân Việt, hái lộc theo nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây. Lộc xuân có thể là mua một vài quả khế, cây mía, cành vàng lá ngọc hoặc một chậu cây nho nhỏ… đem về nhà trong ngày đầu năm.

Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Mạnh Cường [Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người] cho rằng, trong dân gian có truyền thuyết là những linh hồn trẻ nhỏ và oan hồn không thể siêu thoát thường vất vưởng, tá túc vào cây cối. Vì vậy khuyên con cháu không nên hái cành lộc vào ngày Tết kẻo vớ phải vong dữ thì phiền phức, tốt nhất người dân không nên bẻ cành, chặt cây ở chốn linh thiêng. Nơi công cộng cũng nên hạn chế bởi bẻ lộc gần như là tàn phá cây cối môi trường mùa xuân, mỗi người bẻ một cành lộc là vườn cây trơ trụi, xơ xác.

Các chùa nước ngoài cũng bị hái lộc đầu năm. Nhưng họ đối phó bằng cách giao thừa phát lộc cho người tới lễ chùa bằng hoa quả. Khách lễ phật xong, hái lộc bằng cách chọn một quả quít, hay táo bày sẵn trong các mâm ở phía ngoài, vừa là lộc cây, vừa là lộc chùa. Việc này đã hạn chế rất nhiều việc vặt chồi non, cây cảnh trong chùa. Ở một số nước phương Tây còn quy định dịp Tết tây người dân phải trả tiền mới được vào rừng chặt cây thông trang trí, số tiền đó được dùng để trồng cây mới thay thế. Tùy ban quản lý mỗi chùa có thể làm được, có thể không.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, các chùa chiền ở nước ta nên có hình thức nào thay thế “hái lộc đầu xuân” để người dân có lộc may mắn mang về sẽ tốt hơn, kể cả hình thức dâng công đức lễ bái xong thì phát lộc. Hành động bẻ một cành lộc xanh tươi không phải là gieo nhân tốt, mà là phá hoại, gieo một nhân xấu. Hãy có những hình thức sáng tạo hơn, thay vì hái lộc hãy gieo lộc bằng cách trồng cây sẽ tốt hơn.

Tết Nguyên đán đang cận kề, mong rằng, mọi người nâng cao ý thức trong việc hái lộc đầu xuân, góp phần bảo vệ cây xanh và thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Nguồn: báo Đời sống và Pháp luật

Phong tục hái lộc đầu năm là một trong những nét đẹp truyền thống của dân tộc ta với ý nghĩa cầu mong cho một năm mới suôn sẻ, gia đình gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Vậy hái lộc đầu năm là gì? Cách hái lộc đầu năm đúng như thế nào? Cùng tham khảo bài viết dưới đây để có thêm nhiều thông tin hữu ích về phong tục hái lộc đầu năm của dân tộc ta nhé!

Hái lộc đầu năm là gì? Và diễn ra vào thời gian nào?

Hái lộc đầu năm thực chất là việc bẻ một vài cành, chồi cây để đặt vào trong nhà để trưng hoặc thờ để cầu mong những điều may mắn sẽ đến với gia đình. “Lộc” ở đây là những cành chồi của những loại cây xanh tươi có nhiều lá và nụ mầm phát triển quanh năm như cây đa, cây si…. ở nhiều vùng trung du, người ta còn chọn lá chè để hái lộc.

Phong tục hái lộc đầu năm thường diễn ra vào mùng 1 âm lịch

Thời gian hái lộc diễn ra vào ngày đầu tiên của năm mới theo lịch âm [Mùng 1 Tết Nguyên Đán]. Ở nhiều nơi, khi vừa bước qua thời khắc giao thừa, người dân đã tranh thủ đi hái lộc. Đây là một tín ngưỡng, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, nó giúp con người sống lạc quan, có niềm tin vào một năm tươi sáng, hạnh phúc hơn.

Nguồn gốc và ý nghĩa của phong tục hái lộc đầu năm

Nguồn gốc của phong tục hái lộc đầu năm

Phong tục này đã có từ thời xa xưa, cụ thể là từ đời các vua Hùng. Theo truyền thuyết, vào một ngày đầu xuân nọ, Vua Hùng đã tập hợp các Lạc Hầu, Lạc Tướng, thần dân và các người con của mình lại để truyền dạy rằng: “Nay các con đã lớn, ta muốn các con đi dạy dân làm ăn và trấn cư các nơi.”

Quyết định này của vua cha làm các người con rất bất ngờ,buồn và quyến luyến vì họ không muốn rời xa gia đình của mình. Thấy vậy Hoàng Hậu bèn thưa: “Các con đều luyến mẹ, thương cha nên không muốn đi xa, thần thiếp nghĩ rằng Nhà vua nên làm lễ tế trời đất rồi sau đó hái các cành lộc chia cho các con. Các con ai nhận được cành lộc chỉ phương nào thì theo phương ấy mà đi.”

Thấy hợp lý nên nhà vua đã truyền cho mọi người về nhà nghỉ ngơi; sau đó chọn 1 ngày lành làm Lễ tế Trời – Đất tại đỉnh núi Nghĩa Lĩnh [thuộc tỉnh Phú Thọ hiện nay] để cầu thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm. Chờ lúc sang canh, Vua và Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân.

Truyền thuyết Vua Hùng

Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời xuất hiện đằng Đông, Vua chia cho mỗi người con một cành lộc và căn dặn rằng:

“Non ở nhà, già đi ấp

Chẵn lên non, còn xuống biển”

Các con hãy mang những cành lộc này đi trấn giữ các phương, răn dạy dân cách làm ăn, kiếm sống. Nếu trên đường đi, gặp điều gì không may, các con hãy dùng những cành lộc còn đượm sương sớm này mà vẩy lên trời thì thú dữ, tà ma sẽ bỏ chạy không hại được các con. 

Nghe lệnh vua cha, những người con quỳ lạy cha mẹ, nhận cành lộc chia nhau đi trấn giữ các miền và giúp muôn dân.

Và từ đó, trong dân gian đã dần hình thành nên phong tục hái lộc. 

Ý nghĩa của phong tục hái lộc đầu năm

Người xưa tin rằng trong dịp đầu năm mới, nếu đem 1 cành chồi lộc từ chùa, miếu, đền hay từ các cây xanh mọc trước ngõ để trưng ở trong nhà hoặc treo trước hiên sẽ có tác dụng đuổi tà ma, những điều xui xẻo và Thần, Phật sẽ ban phước lành, may mắn cho gia đình họ.

Ở nhiều vùng trung du người ta hái lộc chè vào đầu xuân

Ngoài ra, việc hái lộc còn mang ý nghĩa khuyên nhủ, răn dạy con người ta về đạo lý “Tay làm hàm nhai” “Có làm thì mới có ăn”. Tài lộc và những điều may mắn sẽ không tự nhiên đến với chúng ta, mà phải hành động, đấu tranh thì những điều hạnh phúc, thành công mới đến. Nếu cứ mãi làm biếng và ở yên trong nhà thì những điều xui rủi, thất bại sẽ đeo bám.

Cách hái lộc đầu năm đúng chuẩn giúp gia đình gặp nhiều may mắn

Vào đêm giao thừa hoặc mùng 1 Tết, bạn cùng gia đình có thể đến chùa, đền, miếu hoặc đơn giản là lựa chọn 1 cái cây xanh tươi, nhiều lá ở nhà mình để hái một vài cành lá non và trưng trong phòng khách, để trên bàn thờ hoặc treo trước hiên nhà.

Cành lộc có nhiều loại mang nhiều ý nghĩa cầu mong khác nhau. Ví dụ: cành hoa hải đường tượng trưng cho sự giàu sang phú quý; cành trứng gà dùng để cầu con cái hoặc sự sum vầy, đầy đủ của gia đình; cành phất lộc để cầu công danh, tài lộc cho gia chủ.

Và để hái lộc thì đầu tiên bạn phải chuẩn bị một tâm hồn thanh tịnh nhất. Việc ngắt chồi chỉ là hình thức, bạn chú ý không nên ngắt quá nhiều chồi hay bẻ những cành cây quá lớn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cây.

Hái lộc đầu năm tại chùa

Trên thực tế, phong tục hái lộc đầu xuân đang dần biến tướng và trở thành một vấn đề nóng trong xã hội. Ở nhiều nơi, tại lễ hái lộc, nhiều người tụ tập đu, trèo lên các tán cây cao để bẻ cành. Việc làm này không những gây phá hoại môi trường, mất mỹ quan đô thị mà còn làm xấu, biến tướng một nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Những lưu ý khi hái lộc đầu năm

Việc hái lộc cốt là ở tấm lòng và chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, bạn nên tránh bẻ quá nhiều lộc gây tổn hại cho cây và môi trường

Việc hái lộc cũng có nhiều cấm kỵ không chỉ là vì ý nghĩa tâm linh mà còn là để bảo vệ môi trường. Dưới đây là một số lưu ý khi hái lộc đầu năm:

  • Lựa chọn kỹ cây để hái lộc, tránh lựa chọn những loại cây sắc nhọn hoặc có màu đen tối mang vào nhà vào những ngày đầu năm.
  • Khoảng thời gian tốt nhất để hái lộc là sau thời khắc giao thừa hoặc mùng 1 Tết.
  • Không nói những điều xui xẻo, mặc đồ màu tối, cãi vã, tranh giành trong lúc hái lộc
  • Chỉ hái chồi để tượng trưng, tránh ngắt quá nhiều chồi gây ảnh hưởng đến cây. Ngoài ra, bạn có thể mua một vài cây mía, cành lộc vàng hoặc cành hoa ở chùa, miếu về nhà trưng. Đây cũng là một hình thức hái lộc vừa để tăng thêm thẩm mỹ cho ngôi nhà vừa để bảo vệ môi trường.

Hi vọng qua những chia sẻ từ bài viết này sẽ giúp bạn có thể có thêm kiến thức về phong tục hái lộc đầu năm. bTaskee chúc bạn có một mùa Tết bình an và hạnh phúc. Và chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ và phát triển những truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc bạn nhé!

Tham khảo thêm các bài viết liên quan:

  • Hướng Dẫn Lễ Cúng Ông Công Ông Táo Đầy Đủ Nhất Năm 2022
  • Giao Thừa Là Gì? Truyền Thống Đêm Giao Thừa Của Người Việt Nam Có Gì Đặc Biệt?

Nguồn ảnh: Google hình ảnh

Post Views: 623

Chủ Đề