Điểm tương đồng giữa các chiến lược chiến tranh Mĩ thực hiện ở miền Nam Việt Nam 1954 1975 là gì

[Bqp.vn] - Mối quan hệ giữa hậu phương và quân đội là một vấn đề quan trọng trong đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam, một nội dung lớn trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thấu hiểu đúng đắn, sâu sắc mối quan hệ giữa hậu phương và quân đội không chỉ giúp ta có cái nhìn toàn diện về nguyên nhân thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mà còn có thể rút ra những kinh nghiệm phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Đoàn xe vận tải 238 vận chuyển hàng hóa cho chiến dịch Tây Nguyên. [ảnh tư liệu]

Đế quốc Mỹ có âm mưu can thiệp vào Việt Nam từ những năm 1945 - 1946, đến năm 1950, Mỹ công khai giúp Pháp duy trì, đẩy mạnh cuộc chiến tranh và tìm cách thay chân Pháp thống trị Đông Dương. Từ tháng 7/1954, khi Pháp thất bại, Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm lên cầm quyền nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Trên thực tế, đế quốc Mỹ đã dùng mọi lực lượng và thủ đoạn để thực hiện mưu đồ của mình.

Để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược đó, Việt Nam đã rất coi trọng xây dựng hậu phương về mọi mặt để có được tiềm lực to lớn nhằm bảm đảm hậu cần, nâng cao sức mạnh của của quân đội, đẩy mạnh kháng chiến đến toàn thắng. Ở miền Bắc, về chính trị, từ tháng 7/1954, Việt Nam đã có chủ trương tranh thủ hòa bình, quyết định tập kết lực lượng từ miền Nam ra miền Bắc, xây dựng thành hậu phương của cách mạng cả nước, làm hậu thuẫn cho đấu tranh thống nhất nước nhà. Những năm 1955 - 1957, Việt Nam tập trung khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Từ năm 1958, Việt Nam tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa để đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tháng 9/1960, Đại hội III của Đảng chủ trương xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam. Theo quan điểm đó, miền Bắc đã tăng cường xây dựng các phong trào: Gió Đại Phong, Sóng Duyên Hải, Cờ Ba nhất, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Toàn dân làm giao thông vận tải”, “Tất cả vì tiền tuyến lớn miền Nam”…

Về kinh tế, với tinh thần khẩn trương, đến năm 1957, miền Bắc hoàn thành kế hoạch khôi kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Đến năm 1960, kinh tế miền Bắc có bước phát triển mới với sự xuất hiện nhiều khu công nghiệm lớn Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Thái Nguyên, Việt Trì. Từ năm 1961 - 1965, miền Bắc thực hiện hàng loạt phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi. Đến đầu 1965, do đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại, song cơ bản miền Bắc đã đạt được các mục tiêu đề ra, nâng cao tiềm lực quốc phòng. Từ năm 1965 - 1972, miền Bắc vừa sản xuất, xây dựng, vừa chiến đấu bảo vệ; đồng thời vừa làm tốt nhiệm vụ hậu phương với miền Nam và chiến trường quốc tế. Từ năm 1973, miền Bắc tập trung khôi phục kinh tế, xây dựng tiềm lực hậu phương, đạt nhiều kết quả lớn, đến năm 1975 đạt mức tăng trưởng như năm 1965 và có mặt phát triển hơn, quan hệ đối ngoại được mở rộng.

Về văn hóa, xã hội, trong thời kỳ 1954 - 1964, miền Bắc đẩy mạnh phong trào xóa nạn mù chữ, xây dựng đời sống mới, phát triển mạnh giáo dục đào tạo. Văn hóa, y tế, giáo dục được xây dựng, giao lưu văn hóa quốc tế được thúc đẩy. Thời kỳ 1965 - 1975, dù chiến tranh ác liệt, cơ sở vật chất bị tàn phá, nhưng với khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, khí thế “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, miền Bắc đã đề cao hơn bao giờ hết tinh thần hướng ra tiền tuyến, tỉnh cảm Bắc - Nam ruột thịt...

Về quân sự, ngay sau khi hòa bình lập lại, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tăng cường tiềm lực quốc phòng miền Bắc. Từ năm 1957, yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân, đưa quân đội tiến lên chính quy, hiện đại được chú trọng. Quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, chú trọng giữ vững và tăng cường bản chất nhân dân của các lực lượng vũ trang được đề cao. Vũ khí trang bị được nâng cấp, các quân binh chủng kỹ thuật được thành lập.

Thời kỳ 1965 - 1975, thế trận chiến tranh nhân dân được xây dựng vững chắc, có nhiều khu vực phòng thủ mạnh như Hà Nội, Quân khu 4. Đoàn 559 được tăng cường thành Bộ đội Trường Sơn với tuyến đường dài 16.790 km [cả Đông và Tây]. Miền Bắc đã tổ chức tiếp nhận một khối lượng lớn vũ khí, trang bị quân sự do các nước chi viện, chủ yếu qua đường sắt và đường thủy.

Với sự lớn mạnh của hậu phương và sự chi viện to lớn của các nước anh em, quân và dân miền Bắc đã đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc địa bàn và góp phần “chia lửa” với tiền tuyến miền Nam. Tuy nhiên, do mức độ khốc liệt của chiến tranh miền Bắc bị tàn phá rất nặng nề. Trong công nghiệp, có 18% máy móc công nghiệp không sử dụng được, 26% máy móc công nghiệp bị hư hỏng, số còn lại chỉ hoạt động 6 giờ/ngày, 91 ngày/năm. Trong nông nghiệp, diện tích trồng trọt giảm 3,6%, chi phí sản xuất tăng 75%. Giao thông vận tải chịu 60% sự đánh phá của địch. Hầu hết công trình xây dựng, cầu cống, bệnh viện, trường học đều bị bom đạn địch tàn phá nặng nề.

Ở miền Nam, về chính trị, Đảng ta đã sớm chủ trương xây dựng hậu phương tại chỗ. Năm 1954, khi thực hiện tập kết lực lượng ra miền Bắc, nhiều cán bộ đã ở lại bám cơ sở và chuyển cuộc chiến đấu sang đấu tranh chính trị, hợp pháp theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Từ 1960, sau phong trào Đồng Khởi, Đảng đã chủ trương bảo vệ, xây dựng các vùng giải phóng thành hậu phương tại chỗ, thành lập và sử dụng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kiêm nhiệm chức năng chính quyền cách mạng, củng cố Trung ương Cục, xây dựng Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam, Đoàn Thanh niên cách mạng, Hội Lao động giải phóng. Đến năm 1969, Việt Nam thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, xây dựng hệ thống chính quyền cách mạng các cấp ở vùng giải phóng và các các căn cứ du kích, các vùng tranh chấp, được nhiều nước trên thế hiới công nhận, đặt quan hệ ngoại giao và ủng hộ, giúp đỡ.

Về kinh tế, từ năm 1960, tại các vùng giải phóng, khu căn cứ lớn, phát triển sản xuất, thực hiện đảm bảo một phần nhu cầu lương thực, vũ khí tại chỗ cho bộ đội, nhân dân, nhất là ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Mặt khác, tiếp nhận sự chi viện của hậu phương miền Bắc và vận động nhân dân các vùng tạm bị chiếm tiếp tế cho các căn cứ kháng chiến.

Về văn hóa, xã hội, trong các vùng giải phóng, đời sống văn hóa được chú trọng xây dựng, phát triển. Hệ thống giáo dục phổ thông được xây dựng, trước hết là bậc tiểu học. Mạng lưới y tế được tăng cường với các tuyến bệnh viện, bệnh xá, trại an dưỡng, trạm phẫu thuật các cấp. Các đội chiếu phim, đoàn văn công đã lưu động phục vụ bộ đội, nhân dân; đồng thời, ta đẩy mạnh chống văn hóa phản động của địch, đẩy mạnh tuyên truyền tinh thần yêu nước cho nhân dân vùng địch hậu.

Về quân sự, từ năm 1960, khi có vùng giải phóng, có các chiến khu, ta đã đẩy mạnh xây dựng đơn vị vũ trang các cấp, thành lập Quân giải phóng, Bộ Chỉ huy toàn miền và các khu, tỉnh. Nhiều công binh xưởng được xây dựng, sản xuất vũ khí cung cấp cho lực lượng vũ trang địa phương. Việc lấy vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch để đánh địch được phát động, thu được kết quả đáng kể. Hệ thống kho tàng, đường sá, trạm giao liên tiếp nhận sự chi viện quân sự của hậu phương lớn được tổ chức liên thông. Việc vận động nhân dân gia nhập bộ đội chủ lực Quân Giải phóng, bộ đội địa phương, làm giao thông được chú trọng đẩy mạnh. Trong những năm 1974 - 1975, các quân đoàn 2, 3, 4 và Đoàn 232 [tương đương quân đoàn] thành lập ở chiến trường miền Nam.

Nhìn chung, tại các căn cứ, vùng giải phóng miền Nam ta đã xây dựng được các cơ sở hậu cần vững mạnh, nơi dứng chân của các lực lượng vũ trang, đặt kho tàng, công xưởng và có năng lực để tiếp nhân sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc, trở thành hậu phương tại chỗ ngày càng lớn mạnh, bảo đảm hậu cần cho Quân Giải phóng toàn Miền và cho cả chiến trường ba nước Đông Dương chiến đấu và chiến thắng.

Tuy nhiên, trong xây dựng hậu phương bảo đảm hậu cần cho quân đội thời kỳ 1954 - 1975 có mặt còn hạn chế, tư duy về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc còn giản đơn, mô phỏng nước ngoài, nóng vội cải tạo một số thành phần kinh tế đang còn tác dụng, đẩy mạnh công nghiệp hóa khi còn thiếu các điều kiện cơ bản. Quy mô sản xuất nhiều lĩnh vực chưa thích hợp, nôn nóng trong việc xây dựng hợp tác hóa quy mô lớn, nhất là giai đoạn cuối chiến tranh…

Từ thực tiễn xây dựng hậu phương và quân đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, sức mạnh của hậu phương quyết định sức mạnh của quân đội, hậu phương là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh. Công thức chung về mối quan hệ giữa hậu phương với quân đội luôn là: “cung” của hậu phương phải luôn bằng hoặc lớn hơn “cầu” của quân đội thì quân đội mới giành được chiến thắng. Vì vậy, khi có chiến tranh hay lúc bình thường đều phải nhận thức đúng đắn quan điểm đó để ra sức xây dựng, bảo vệ tiềm lực mọi mặt của hậu phương đất nước, tạo thế và lực bảo đảm cho quân đội giành chiến thắng. Không có thực lực [vật chất, nhân lực, tinh thần, địa bàn…] thì quân đội không thể giành thắng lợi trên chiến trường, kể cả bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và không phận của quốc gia.

Hai là, xây dựng, bảo vệ hậu phương, huy động sức mạnh hậu phương cho quân đội, cho chiến tranh phải toàn diện cả về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá, khoa học kỹ thuật. Phải quán triệt quan điểm dựa vào dân và sức mình là chính; đồng thời ra sức tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Hậu phương của ta phải là hậu phương của chiến tranh nhân dân, có chế độ chính trị, văn hoá, xã hội ưu việt, tiến bộ hơn hậu phương địch, dần dần có kinh tế, quốc phòng lớn mạnh mới đủ sức bảo đảm hậu cần cho quân đội và chi viện tiền tuyến chiến thắng.

Ba là, muốn có hậu phương, nhất là những vùng hậu phương chiến lược vững mạnh phải ra sức bảo vệ, giữ vũng và chiếm được những nơi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nơi đã từng là căn cứ địa hậu phương trong các cuộc kháng chiến; đồng thời phải căn cứ vào thực tế mỗi thời kỳ, mỗi khu vực để tạo đất đứng chân, căn cứ địa, hậu phương chiến lược đáp ứng nhu cầu mới của chiến tranh và quân đội. Nói chung phải hết sức chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong xây dựng, bảo vệ hậu phương tại chỗ, hậu phương chiến lược cũng như hậu phương quốc tế.

Bốn là, xây dựng, bảo vệ hậu phương, bảo đảm hậu cần cho quân đội là một quá trình từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, tạo thành hệ thống liên hoàn có khả năng hỗ trợ cho nhau; đồng thời, phải kết hợp tốt các nhiệm vụ xây dựng với bảo vệ và chi viện, không coi nhẹ nhiệm vụ nào, song tùy từng thời kỳ mà tập trung cho mỗi lĩnh vực. Nhìn chung, xây dựng phải đi liền với bảo vệ, xây dựng là cơ sở để bảo vệ và chi viên, phải trên cơ sở bồi dưỡng sức dân mà huy động sức dân, phải làm tốt công tác hậu phương quân đội, hậu phương sau chiến tranh để “làm kế sâu rễ bền gốc” cho quân đội, cho sự nghiệp bảo vệ đất nước lâu dài.

Năm là, chiến tranh càng hiện đại, vai trò của nhân tố kinh tế, hậu phương đối với quân đội, với tiền tuyến càng tăng. Chiến tranh càng hiện đại, thời gian diễn ra ngắn, nhưng mức độ hao tổn lớn và nhanh, nhất là đối với nguồn nhân lực kỹ thuật, vũ khí hiện đại, nên quân đội, tiền tuyến càng lệ thuộc vào hậu phương, trong khi đó hậu phương thường bị đối phương đánh phá, khó đáp ứng được. Do đó, phải có sự kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế từ thời bình, trong phạm vi toàn quốc cũng như mỗi khu vực, mỗi địa phương để quân đội không bị động, hậu phương không bị rối loạn khi có chiến tranh [nếu xảy ra]. Mặt khác, phải kết hợp tốt giữa quảng bá, tuyên truyền tiềm lực quốc phòng của hậu phương, đất nước với che giấu sức mạnh và cài bẫy về thế trận phòng thủ của quân đội.

Sáu là, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện tại, nhiều vấn đề tuy đã khác  trước, song nhân tố quyết định thường xuyên của hậu phương đối với sức mạnh của quân đội, với thắng lợi của chiến tranh vẫn là tiềm lực của hậu phương. Xây dựng hậu phương trong thời kỳ mới vẫn phải chú trọng cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, kỹ thuật, quân sự, phải kết hợp kinh tế với quốc phòng và ngoại giao, kinh tế với văn hoá, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Việc nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng về mối quan hệ giữa hậu phương với quân đội, hậu phương với tiền tuyến là rất cần thiết đối với các thế hệ đương đại. Nó không chỉ giúp hiểu thấu đáo, sâu xa một nguyên nhân thắng lợi của các cuộc kháng chiến thời kỳ 1945 - 1975 mà còn có ý nghĩa thực tiễn thiết thực đối với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc hiện nay.

PGS, TS Ngô Đăng Tri, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Video liên quan

Chủ Đề