Điều gì là khác biệt nổi trội để vượn người phương nam có thể thích nghi và tiến hóa

Chúng ta thường vẫn quen cho mình là đỉnh cao tự nhiên vì chúng ta nghĩ rằng, nhân loại là đại diện thượng đẳng về trí tuệ so với tất cả các loài động vật khác trên trái đất. Nếu điều này là đúng thì tại sao chính chúng ta chứ không phải là giun đất hay cá voi mới có thể đạt được những đỉnh cao như thế trong phát triển các năng lực trí tuệ và đứng lên thống lĩnh muôn loài? Đó là vận may độc nhất vô nhị hay chỉ là một sự tình cờ?

Và nếu đúng như vậy thì mọi sự sẽ tiếp diễn ra sao: quá trình tiến hóa của não người đã kết thúc hay sẽ không bao giờ ngừng nghỉ? Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này là bộ môn tâm lý học tiến hóa [tiếng Anh: Evolutionary Psychology] là một nhánh mới và đang phát triển mạnh trong môn tâm lý học hiện đại, chuyên nghiên cứu về các đặc điểm điển hình của con người như những đại diện "Homo sapiens" [Nhân loại].

Hướng nghiên cứu này xuất hiện trên cơ sở tiệm cận của các bộ môn khoa học xã hội khác nhau như nhân chủng học,  xã hội học, sinh học, tập tính học, tâm lý học, di truyền học…

Không phải cứ to là hơn

Phóng viên tạp chí Nga Itogi trong số cuối tháng 5/2011 đã dẫn  ý kiến của TS Boris Porshnev, người sáng lập ra bộ môn tâm lý học tiến hóa ở Nga, cho rằng, bước biến chuyển chất lượng chủ đạo, đã nâng động vật lên thành con người, thực chất chỉ mới diễn ra cách đây không lâu, ở mức độ người Crô - Manhông [sống ở khoảng 40-12 nghìn năm trước] và gắn với việc xuất hiện ngôn ngữ.

TS Porshnev phân loại tổ tiên của nhân loại - từ chi vượn người  phương Nam tới cả người Nealderthal - vẫn thuộc dạng động vật  và đề nghị xếp những đại diện này vào thành phần đặc biệt của dòng giống tinh tinh, những người sống trong hang [Troglodyte], là khỉ nhưng vẫn chưa thành người thực sự.

Ông chỉ xếp người Crô-Manhông và con người hiện đại vào  thuật ngữ nhân loại [Hominidae]. TS Porshnev cho rằng, những Troglodyte dù chưa có ngôn ngữ vẫn làm ra được một cách bản năng các công cụ sản xuất, tương tự như loài chim biết làm tổ. Còn các Hominidae thì lại khác, họ làm những việc như thế một cách có ý thức.

Các kết luận mà TS Porshnev đưa ra đã gây nên những cuộc tranh cãi gay gắt trong chính giới khoa học.  Thí dụ, con người hiện đại khác xa so với người Crô-Manhông ở nhiều chỉ số não và điều này đã bác bỏ giả thuyết cho rằng, từ khi xuất hiện những người Crô-Manhông đã thôi thay đổi về mặt thể chất.

Kết luận thứ hai còn gây sửng sốt lớn hơn: não của chúng ta hóa ra không phải là thứ phát triển cao nhất. Ta có thể ở những người Nealderthal chẳng hạn sự phát triển tối đa của hàng loạt đặc điểm [thí dụ như kích thước của phần não ở gáy và phần não thị giác] từng được phát hiện ở những giống người tiền sử cổ kính hơn. Não của những người Nealderthal lớn hơn so với loài người hiện đại. Chẳng lẽ người Nealderthal lại thông minh hơn chúng ta hôm nay?

"Một số nhà nhân chủng học cho rằng, người Nealderthal không ngốc nghếch hơn chúng ta, chẳng qua là trí tuệ của họ đã phát triển theo một hướng khác", - đó là ý kiến của TS sinh học Aleksandr Dubrov.

Nhà khoa học này cũng cho rằng, ở người Nealderthal tư duy trừu tượng  dựa trên các mối liên tưởng hình ảnh vượt  trội hơn so với chúng ta. Còn ở người Crô-Manhông lại phát triển lối tư duy khác, trực diện và cụ thể hơn. Chính lối tư duy này đã trở nên chủ đạo ở con người hiện đại.

TS Porshnev cho rằng, kích thước của não không có ý nghĩa gì trong việc đánh giá sự phát triển của trí tuệ. Nếu so sánh những hộp sọ của người Nealderthal và người Crô-Manhông từ bên trong với nhau thì sẽ có cảm giác như hộp sọ của người Nealderthal dường như được làm ra cẩu thả, không hài hòa lắm.

Những biến đổi tiến hóa như thế, được gọi là không hài hòa [in-adaptive], trái ngược với những biến đổi tiến hóa hài hòa [adaptive], thường phát triển chậm hơn, cân đối hơn, toàn diện hơn, đồng bộ hơn và nhờ thế có lẽ đã dẫn tới ưu thế sinh tồn của người Crô-Manhông trước sự diệt vong của người Nealderthal.

Gọn nhẹ và hiệu quả

Stanislav Drobyshevsky, cán bộ nghiên cứu nhân chủng học  của Khoa Hình học Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên M. Lomonosov [MGU] đã phát hiện ra một điều kỳ lạ: não của tổ tiên chúng ta thoạt tiên đã phát triển ngày một lớn, nhưng rồi tới một thời điểm nào đó lại bắt đầu ngày một nhỏ đi.

Không hẳn là kích thước mà có lẽ chính là cấu tạo của não đã giúp cho người thượng cổ có được cách hành xử đã có và nhờ thế dần dà giành được vị thế chúa tể muôn loài trên trái đất. Ông Drobyshevsky đã xác định được rằng, chi vượn người  phương Nam, những sinh vật đi bằng hai chân đầu tiên, từng sống ở khoảng từ 7 tới 1 triệu năm trước, đã có não không khác nhiều lắm so với những con khỉ dạng người hiện đại.

Từng tồn tại đồng thời với chi vượn người phương Nam to lớn đã có những "Homo sơ khai" sống ở khu vực miền nam và miền đông châu Phi, có não lớn hơn. Giữa những tập thể này có cả những vị tổ tiên trực tiếp của nhân loại hiện đại. Và trong não các vị tiền bối ấy đã đặc biệt phát triển những bộ phận mà ở con người hiện đại phải chịu trách nhiệm về việc đồng bộ ngôn ngữ và cử động của tay.

Ông Drobyshevsky cho rằng, đó là điều rất hợp lý: chính những "Homo sơ khai" là những sinh vật đầu tiên đã có công cụ sản xuất bằng đá và là những thợ săn chuyên nghiệp đầu tiên và vì thế, họ rất cần sự "phối hợp tác chiến" với nhau.

Gần 40 nghìn năm trước đã bắt đầu xuất hiện những sinh vật giống như con người hiện đại, "Homo sapiens". Chính với sự xuất hiện của họ đã làm nảy sinh quá trình thay thế việc não phát triển to lên thành nhỏ đi. Ông Drobyshevsky cho rằng, trong quá trình đó, cấu tạo của não đã phải chịu những thay đổi đáng kể.

Phần tư duy chính đã trở nên gọn nhẹ hơn và cũng có hiệu quả hơn. Phần tiến hóa mạnh mẽ nhất trong não của Hominidae ở trán, đặc biệt là phần trên mắt, chịu trách nhiệm về khả năng tư duy, nhận thức và khả năng giao tiếp với những sinh vật khác.

Ở phần sau của nếp cuộn não dưới trán có khu vực Broc, chịu trách nhiệm về ngôn ngữ và nếp cuộn não Brodmann area 4 chịu trách nhiệm về cử động có ý thức. Đối với những vị tiền bối "trán dô" của chúng ta, đỉnh cao của khả năng giao tiếp là việc thuần hóa một số loài động vật thành gia súc.

Về sau này, ở thời đại đồ đá cũ, họ mới bắt đầu học được cách làm các đồ trang sức và nghĩ ra các  huyền thoại và tín ngưỡng. Tuy thế,  theo nhận định của ông Drobyshevsky, ranh giới giữa động vật và con người vẫn còn chưa rõ ràng lắm.

Tiến hóa tương lai

Nguyên tắc căn bản của bộ môn tâm lý học tiến hóa cho rằng, ở con người cũng như ở bất cứ một loài sinh vật nào đều tồn tại những tố chất đã được hình thành trong quá trình tiến hóa. Chính nhờ những tố chất này nên "Homo sapiens" mới trở thành những sinh vật vô tiền khoáng hậu đã vượt qua được những rào cản của sự chọn lọc tự nhiên và trở thành chúa tể trên trái đất, ngày càng tăng cường được khả năng sống sót và sinh sôi nảy nở. Và rốt cuộc là, theo nhà nghiên cứu tâm lý học tiến hóa, GS Devendra Singh ở Trường Đại học Tổng hợp Texas tại thành phố Austin [Mỹ], trong quá trình tiến hóa muôn loài không có mục tiêu nào khác ngoài chức năng sinh sôi nảy nở trót lọt. Nhưng vấn đề chính lại không chỉ ở những chức năng sinh sôi nảy nở.

Dẫu những chức năng này là thuộc tính của muôn loài sinh vật nhưng tâm lý con người lại không chỉ dồn hết vào đó. Vấn đề trở nên phức tạp hơn còn bởi, cho tới nay vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát về việc, thế nào là ý thức - ngay cả những nhà khoa học đã dày công nghiên cứu về vấn đề này hiện vẫn đang rất lúng túng.

Theo hai nhà nghiên cứu John Tooby và  Leda Cosmides, lãnh đạo Trung tâm Tâm lý học tiến hóa thuộc Trường Đại học Tổng hợp Califfonia ở Santa - Barbara [Mỹ], nguyên nhân dẫn tới các mâu thuẫn chỉ nằm trong việc, quá trình tiến hóa của chúng ta cho tới hôm nay vẫn chưa kết thúc. Hai nhà khoa học này cho rằng, dạng người như chúng ta đã tồn tại trong vai trò những người săn bắn và hái lượm lâu gấp một nghìn lần so với trong bất cứ một vai trò nào khác.

Cái thế giới mà chúng ta đang cảm thấy thân thuộc - với các hệ thống đường sá, trường học, nhà máy… - thực ra mới chỉ tồn tại trong chớp mắt so với toàn bộ quá trình tiến hóa mà nhân loại đã trải qua. Chọn lọc tự nhiên, đó là một quá trình cực kỳ chậm rãi và số lượng các thế hệ thay thế nhau vẫn còn là quá ít, chưa đủ để tạo nên một sơ đồ có thể thích nghi tốt với cuộc sống hậu công nghiệp của chúng ta hiện nay.

Nói một cách khác, trong hang cùng ngõ hẻm của bộ não chúng ta bây giờ vẫn đang còn ẩn náu tâm lý của thời kỳ đồ đá. Công nhận điều này không có nghĩa là cho rằng tâm lý của nhân loại thời nay vẫn còn thô sơ. Trái lại, đó là một computer được cấu tạo quá phức tạp, với những sơ đồ được xây dựng rất ngoạn mục để giải quyết hàng loạt những vấn đề mà tổ tiên chúng ta từng phải đối mặt hàng ngày…

Những gì đã trình bày ở trên không có nghĩa não là bộ phận duy nhất trong cơ thể chúng ta vẫn đang tiếp tục tiến hóa để ngày một thích nghi hơn với những biến đổi mới trong cuộc sống con người. Thí dụ như khả năng ghi nhớ ngày một nhiều hơn các thông tin của chúng ta.

Như các nhà khoa học đã chứng minh, chúng ta hiện nay làm được việc này không phải bởi não của chúng ta đã thích ứng với việc ghi nhớ thông tin, mà bởi vài nghìn năm trước nó đã trải qua sự thích ứng mà giờ đây đang giúp chúng ta xử lý được vấn đề này. Nếu xét theo cách diễn giải đó, những con người trong tương lai sẽ phải rất khác chúng ta hôm nay.

Họ sẽ không còn có những bản năng - vì họ sẽ không phải phụ thuộc vào các nhu cầu vật chất của thân thể, bị hành hạ bởi những cơn đói, khát, đau đớn. Thực vật và sinh vật sẽ không tồn tại như những nguồn thực phẩm đối với họ nữa, mà thay thế chúng sẽ là những thành quả của công nghệ gien.

Trong những điều kiện như thế, theo dự đoán của một số nhà tương lai học, con người sẽ ngày một giống hơn những sinh vật tự động học với một tư duy cô đúc và hiệu quả vô kể. Và khi ấy, chức năng sinh sản cũng  sẽ không còn ở vị trí hàng đầu nữa. Nhưng nếu đúng như vậy, thì con người có còn là con người nữa hay không?

Trần Thanh Tịnh

Video liên quan

Chủ Đề