Gia đình là tế bào của xã hội, là gì

Gia đình là một tế bào cơ bản và tự nhiên cấu thành nên từng cộng đồng, xã hội. Gia đình giữ vai trò trung tâm trong đời sống của mỗi con người, là nơi bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của mỗi cá nhân, là một trong những giá trị xã hội quan trọng bậc nhất của người Á Đông, trong đó có Việt Nam. Đối với mỗi quốc gia thì gia đình được coi là một tế bào xã hội có tính sản sinh. Do vậy sức mạnh trường tồn của quốc gia, dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào sự tồn tại và phát triển của gia đình.
Đối với sự phát triển của xã hội trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào, sự vững vàng bền bỉ của nền tảng gia đình cũng sẽ là yếu tố quyết định đến sự giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước. Cho nên, việc quan tâm coi trọng đến yếu tố gia đình chính là hướng đi đúng đắn cho việc tạo dựng một xã hội phát triển ổn định và bền vững. Điều này càng thấy rõ khi chúng ta nhìn nhận đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng của gia đình trong xã hội hiện nay. Đúng như C.Mác đã nói: hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi, nảy nở đó là quan hệ giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái, đó là gia đình. Cho nên yếu tố huyết thống và tình cảm là nét bản chất nhất của gia đình. Nhưng, xét rộng hơn và đầy đủ hơn, gia đình không chỉ là một đơn vị tình cảm tâm lý, mà còn là một tổ chức kinh tế tiêu dùng, một môi trường giáo dục văn hóa, một cơ cấu thiết chế xã hội đặc biệt. Với tất cả những đặc biệt đó, cho thấy gia đình có một vị trí vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của xã hội nói chung.
Gia đình là tế bào của xã hội. Điều này chúng ta luôn luôn khẳng định và dù trong hoàn cảnh nào, xã hội nào nó vẫn luôn luôn đúng. Nó nói lên mối quan hệ mật thiết giữa gia đình và xã hội, quan hệ đó giống như sự tương tác hữu cơ của quá trình trao đổi chất, duy trì sự sống của cơ thể. Xã hội [cơ thể] lành mạnh tạo điều kiện cho các gia đình tiến bộ, gia đình [tế bào] hạnh phúc góp phần cho sự phát triển hài hòa của xã hội.
Trong mối quan hệ ấy, trình độ phát triển về mọi mặt của xã hội quyết định đến hình thức, tính chất, kết cấu và quy mô của gia đình. C.Mác nhiều lần lưu ý rằng: tôn giáo, gia đình, nhà nước, pháp quyền, đạo đức, khoa học, nghệ thuậtchỉ là những hình thức đặc thù của sản xuất và phục tùng quy luật chung của sản xuất. Và thực tế cũng cho ta thấy, gia đình lần lượt biến đổi tương ứng với những giai đoạn phát triển xã hội khác nhau.
Gia đình là cầu nối giữa mọi thành viên trong gia đình với xã hội. Nhiều thông tin về xã hội tác động đến con người thông qua gia đình. Xã hội nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn về một người khi nhận rõ hoàn cảnh gia đình của người ấy. Nhiều nội dung quản lý xã hội không chỉ thông qua hoạt động của các thiết chế xã hội, mà còn thông qua hoạt động của gia đình để tác động đến con người; nghĩa vụ và quyền lợi xã hội của mỗi người được thực hiện với sự hợp tác chung của các thành viên trong gia đình. Qua đó ý thức công dân được nâng cao và sự gắn bó giữa gia đình và xã hội có ý nghĩa thiết thực.
Gia đình là tổ ấm thân yêu đem lại hạnh phúc cho mỗi con người. Trong gia đình, mỗi cá nhân được đùm bọc về mặt vật chất và giáo dục về tâm hồn; trẻ thơ có điều kiện được an toàn và khôn lớn, người già có nơi nương tựa, người lao động có điều kiện để phục hồi sức khỏe và thoải mái tinh thầnỞ đó, hàng ngày diễn ra các mối quan hệ thiêng liêng giữa vợ chồng, cha con, anh em,những người đồng tâm, đồng cảm, nâng đỡ nhau suốt cả cuộc đời. Khi đó, gia đình thực sự là một tổ ấm thực sự của mỗi con người.
Gia đình là nơi cung cấp nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay ngày càng đòi hỏi trình độ và yêu cầu cao, đó phải là những người giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính. Gia đình chính là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách để hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp của mỗi cá nhân, mỗi con người, góp phần đắc lực vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Gia đình là nơi nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp trong suốt quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc và phát huy trong giai đoạn hiện nay.
Có thể thấy rằng, trong sự phát triển chung của xã hội hiện nay, gia đình luôn đóng một vai trò quan trọng. Không thể có một xã hội giàu mạnh, văn minh nếu như không dựa trên cơ sở xây dựng những gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ. Vì vậy, xây dựng và phát triển gia đình với những giá trị tốt đẹp trong xã hội hiện đại là một trong những yếu tố cốt lõi trong mục tiêu chung của xây dựng nền văn hóa mới XHCN.

Bài viết cùng chủ đề

  • Công tác ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác gia đình năm 2019 trên địa bàn tỉnh Nam Định
  • Đồng Tháp kết quả 10 năm thực hiện Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam
  • Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2019
  • Triển khai Quy chế phối hợp liên ngành về PCBLGĐ ở Trung ương của ngành Giáo dục
  • Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ, tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ
  • Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030

Video liên quan

Chủ Đề