Giải thích ý nghĩa của lòng hiếu thảo là gì

✔ Tổng hợp những bài văn mẫu và dàn ý hay nhất cho đề bài nghị luận về lòng hiếu thảo. Giúp các bạn học sinh có thêm tài liệu tham khảo. Mong rằng các bạn học sinh sẽ hiểu thế nào là lòng hiếu thảo, từ đó áp dụng vào cuộc sống để giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

  • Nghị luận xã hội
  • Nghị luận về một tư tưởng đạo lí

Dàn bài nghị luận về lòng hiếu thảo

Dưới đây là một vài dàn ý mẫu cho đề bài nghị luận về lòng hiếu thảo. Dàn ý sẽ giúp bạn bám sát vào đề văn, giúp bài viết đầy đủ ý và tránh được các tình trạng lặp từ. Có thể nói lập dàn ý là một bước bắt buộc khi viết bất cứ một thể loại văn học nào.

Nghị luận về lòng hiếu thảo – Mẫu 1

Mở bài

  • Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Lòng hiếu thảo.

Thân bài

#1. Giải thích
  • Lòng hiếu thảo đó là một truyền thống văn hóa lâu đời, một đức tính, phẩm chất mà ai cũng cần có.

Tại sao lại phải  cần hiếu thảo:

  • Thể hiện nhân phẩm, đạo đức của con người.
  • Là để đền đáp công ơn sinh thần nuôi dưỡng của ông bà cha mẹ
  • Mở rộng ra là biết ơn thầy cô, tổ tiên, những chiến sĩ cách mạng, cha ông ta ngày trước.
#2. Biểu hiện– Trong lời nói, hành động cụ thể:
  • Tôn trọng, vâng lời, làm cho họ vui vẻ, giúp đỡ trong công việc, chăm sóc, lo lắng cho họ.
  • Phụng dưỡng ông bà cha mẹ khi về già và tôn thờ họ khi qua đời.
  • Luôn sống đúng mực, ra sức cố gắng học tập làm việc để mang lại tiếng thơm cho gia đình, dòng tộc…
  • Không toan tính, vụ lợi, so đo, hiếu thảo một cách chân thành, tùy vào khả năng một cách phù hợp, đúng đắn.
– Ý nghĩa: 
  • Được mọi người yêu mến, quý trọng, noi gương và có thiện cảm hơn.
  • Là chỗ dựa tinh thần, là động lực vượt qua khó khăn, thử thách.
  • Yêu thương đùm bọc lẫn nhau, gần gũi với các thành viên trong gia đình hơn.
– Dẫn chứng: 
  • Trong văn học: Thúy Kiều, Kiều Nguyệt Nga, em bé xé hoa cúc,…
  • Trong cuộc sống: Thầy Nguyễn Ngọc Ký, anh Phan Đức Chinh,…
#3. Bình luận
  • Tiêu diệt lối sống ích kỷ, cá nhân, vô ơn, bội nghĩa, thờ ơ.
  • Rèn luyện, hình thành nhân cách, đạo đức của mỗi người để xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ hơn.
  • Không cư xử vô lễ, bất hiếu, ngỗ ngược.
  • Phê phán những người có lối sống, suy nghĩ lệch lạc sai lầm: Trách móc, bất hiếu, thực dụng không phụng dưỡng báo đáp ông bà, cha mẹ.
#4. Bài học cá nhân về lòng hiếu thảo
  • Dành nhiều thời gian nói chuyện, quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ để hiểu cha mẹ hơn.
  • Cố gắng phụ giúp cha mẹ dù là những việc nhỏ để báo đáp công sinh thành của cha mẹ.
  • Nhớ ngày của cha mẹ, Vu lan báo hiếu.

Kết bài

  • Khẳng định lại ý nghĩa của lòng hiếu thảo.
  • Kêu gọi mọi người rèn luyện đức tính hiếu thảo.

Văn mẫu nghị luận về lòng hiếu thảo

Nghị luận về lòng hiếu thảo – Mẫu 1

Lòng hiếu thảo được xem là một phẩm chất vô cùng đáng quý, thật sự cần thiết với mỗi con người. Dù cuộc sống có quá nhiều khó khăn, nhiều bộn bề lo toan và có những lúc vấp ngã thì chúng ta luôn muốn tìm cho mình một điểm tựa để có thể vượt qua. Khi đó gia đình là một điểm tựa vững chắc nhất cho mỗi người. Để nói về tình cảm gia đình phải nói đến sự hiếu thảo của các thành viên trong gia đình. Lòng hiếu thảo là tấm lòng biết ơn, kính trọng sâu sắc của bậc con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Hiếu thảo là một trong những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.   

Để hiểu sâu hơn về lòng hiếu thảo, trước tiên chúng ta cần hiểu và làm rõ định nghĩa hiếu thảo là như thế nào. Hiếu thảo là tấm lòng yêu thương chăm sóc ông bà cha mẹ, luôn đối xử thật tâm, kính trọng hết mực và quan trọng nhất là tấm chân tình yêu thương kính mến dạt dào ấy phải xuất phát từ tận sâu thẩm đáy lòng của người con, người cháu. Hiếu thảo còn được thể hiện rõ nét qua những hành động chăm sóc hay phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi già yếu, bệnh tật, chúng ta phải có trách nhiệm phụng dưỡng, hoặc thờ phụng bậc ông bà cha mẹ khi họ rời xa khỏi cõi đời này. Bậc con cháu phải lễ phép, kính trọng, thể hiện tình yêu thương, cảm thông sâu sắc.Mỗi chúng ta phải cố gắng ra sức học tập và làm việc thật tốt để đền đáp công ơn sinh thành, nuôi dưỡng dạy dỗ của cha mẹ, ông bà.

Nếu chúng ta biết hiếu thảo, yêu thương, trân trọng tình cảm gia đình thì cuộc sống trở nên hạnh phúc, ý nghĩa hơn, tạo niềm tin tốt đẹp trong cuộc sống góp phần làm xã hội văn minh hơn, đất nước phát triển giàu mạnh. Đúng vậy, đấng sinh thành là những người đã đưa ta đến với cuộc đời này để ta có thể sống với những niềm vui hạnh phúc của cuộc sống ban tặng, gười sinh ra, nuôi dưỡng bao bọc và che chở cho ta bằng tất cả tấm lòng tình yêu thương rộng lớn hơn biển cả.

Lòng hiếu thảo được nhiều nhạc sĩ sáng tác thành bài hát để khắc họa làm rõ hơn công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành và con cháu phải có lòng hiểu thảo, tri ân sâu sắc.

“ Đi khắp thế gian, cho con hỏi thứ gì cao quý hơn tình mẹ

Vũ trụ bao la hay thiên hà rộng lớn lời giải chưa bao giờ được hé

Ân cần chở che mang nặng đẽ đau 9 tháng 10 ngày con khôn lớn

Cắt da sẻ thịt cho sự sống thử hỏi công lao nào lớn hơn

Công ơn sinh thành nhiều năm dưỡng dục 16 năm trời con ghi nhớ”

Qua lời bài hát ta thấy được sự hi sinh, công ơn sinh thành, dưỡng dục của bậc làm cha mẹ là vô cùng to lớn không có tình cảm nào có thể thay thế được. Qua đó mỗi đứa con có trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng để tỏ lòng thành kính, làm tròn đạo hiếu với bậc đấng sinh thành.

Người Việt Nam có truyền thống coi trọng đời sống tình cảm gia đình. Chắc có lẽ sẽ không ai là không biết đến bài ca dao đã thành lời cho những bài hát ru mà ba mẹ dành cho con thuở còn nhỏ. Những câu ca dao vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày nay

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Công lao nuôi dưỡng cả cha mẹ đối với con cái rộng lớn bao la như biển cả. Bằng 4 câu ca dao giản dị mà chứa đựng ý nghĩa thật to lớn, ngợi ca công lao của cha mẹ sinh thành, dưỡng dục chúng ta. Qua đó ngầm nhắc ai còn cha còn mẹ hãy làm trọn đạo hiếu, hãy trân trọng những giây phút thiêng liêng này khi còn hưởng được niềm vui bên ba me. Đừng để hối hận vì không sống trọn đạo làm con, đạo làm người. Đạo hiếu được xem là cầu gắn kết chặt tình mẫu tử, gia đình, dòng họ, rộng hơn là xã hội, quê hương, đất nước được thấm sâu vào cuộc sống của người Việt Nam. Chúng ta không tự dưng được sinh ra mà chính mẹ đã mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày để sinh ta ra và cha mẹ xem những đứa con của mình là một phần máu thịt của chính mình vậy.

Tình yêu thương của mẹ được khắc họa rõ nét của nhà thơ Chế Lan Viên qua câu thơ:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”

Tình yêu thương của mẹ dành cho con vô cùng thiêng liêng, cao cả, bất tử, bao la vô tận không sao có thể đền đáp hết được. Không có gì hạnh phúc hơn khi được sống trong vòng tay và tình yêu thương của mẹ.

Nếu như mẹ yêu con bằng những cưu mang, hoạn dưỡng thì cha thương con bằng những nhọc nhằn cả đời bươn chải kiếm tiền để chăm lo cho gia đình nhỏ. Mẹ thương con bằng sự đùm bọc, che chở, thương con bằng những lời hỏi han, lo lắng khi con vắng nhà, thì cha thương con bằng những công việc cực nhọc thấm đẫm mồ hôi để có tiền chi trả lo cho cuộc sống. Không ai có thể phủ nhận được công lao to lớn như ngọn Thái Sơn, như nguồn nước luôn chảy của mẹ.

Mỗi chúng ta khi sinh ra không ai tự nhiên mà lớn lên cả, không tự niên mà trưởng thành mà chính nhờ công ơn cha mẹ đã nuôi dưỡng. Không phải cha mẹ nào cũng như nhau, có điều kiện khá giả, kinh tế tài chính tốt, nhưng có một số lớp trẻ bây giờ thường trách ngược lại cha mẹ sao lại nghèo không đủ điều kiện chăm lo cho các con cuộc sống tốt như những ba mẹ khác giàu có, điều kiện tốt. Những ai còn suy nghĩ như vậy là không thể chấp nhận được. Vì sự so sánh đó làm cho cha mẹ phải buồn, tủi hổ và rất đau lòng. Thay vì than thân trách phận thì hãy cố gắng học tập thật tốt để có cuộc sống tốt hơn phụ dưỡng cha mẹ đã nuôi chúng ta ăn học thành tài.

Cha mẹ nuôi ta vất vả là thế, từ khi sinh ra còn đỏ hỏn rồi ta dần biết đi, biết đọc biết viết cho đến tuổi trưởng thành thì cũng là lúc cha mẹ lại già đi. Vậy làm con phải đối xử với cha mẹ như thế nào để đền đáp chữ  hiếu. Câu ca dao: 

“Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Người xưa có dạy làm con phải thờ mẹ kính cha giữ trọn đạo hiếu. Hiếu là hiếu thuận, hiếu nghĩa, hiếu thảo biết kính trọng, biết yêu thương. Đó là cách sống, lẽ sống của con người mà ai cũng phải biết. Biết nghe lời cha mẹ, ngoan ngoan, chăm lo học tập thật tốt để trở thành một người thành đạt phụ giúp cha mẹ khi về già.

Hay cho câu “ Chim trời ai dễ đếm lông, nuôi con ai dễ kể công tháng ngày” không cha mẹ nào muốn kể ra công ơn sinh thành nuỗi dạy của mình. Cái mà cha mẹ mong muốn thật giản đơn là con cái học tập thật tốt để sau này có cuộc sống sung sướng, thành đạt trong công việc, gia đình vui vẻ hạnh phúc. Vì vậy những ai còn cha còn mẹ xin hãy yêu thương chân trọng thật nhiều, đừng để mất đi rồi lại tiếc nuối ân hận vì lúc còn cha mẹ lại thờ ơ không một lời hỏi han. Qua bài ca dao này tác giả muốn thức tỉnh những người con bất hiếu không làm trọn đạo hiếu mà về báo hành cha mẹ của mình để hiểu được thêm tình yêu thương bao la rộng lớn như biển cả của cha mẹ. Chữ hiếu không dừng ở mức độ là gia đình rộng hơn là hiếu với dân, trung với nước nhằm xây dựng một xã hội lành mạnh, đất nước tươi đẹp hơn. Một cá thể gia đình góp phần tạo nên một xã hội đẹp đẽ hơn. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc thì chất lượng cuộc sống của dân ta mới nâng cao làm đất nước giàu mạnh hơn.

Trong xã hội thực tại không phải ai cũng làm được trọn chữ hiếu với cha mẹ của mình nhiều người con bất hiếu phá phách, gây loạn theo sự rủ rê của bạn bè làm việc phạm pháp làm cha mẹ phải buồn phiền. Hiện nay còn tồn tại những người có lối sống bất hiếu, vô lễ, đánh đập đối xử tàn nhận, bỏ rơi cha mẹ già không ai chăm sóc và để ba mẹ sống trong viện dưỡng lão. Họ thể hiện một lối sống vô ơn, một nhân cách kém cỏi cần phải lên án, bài trừ.Qua đây, bản thân mỗi chúng ta, chủ nhân tương lai của đất nước cùng nhìn nhận lại đạo đức, nhân cách của bản thân sống phải có lòng hiếu thảo. Lòng hiếu thảo thể hiện lối sống trọng tình trọng nghĩa. Đó là nếp sống cao đẹp và hãy ghi nhớ câu này: “Tội lớn nhất của đời người là tội bất hiếu với mẹ cha, tội này không thể tha thứ được”

Cuộc đời của chúng ta như một hành trình trải nghiệm có vấp ngã, có đứng lên, có thất bại mới có thành công. Ta gặp rất nhiều hành trình kiếm tìm hạnh phúc cho riêng mình nhưng ai dám đủ tự tin nói rằng ta hạnh phúc vì có mẹ, và tự khẳng định rằng ta đã làm trọn đạo hiếu với mẹ mình rồi. Chữ hiếu thảo nó vô hình không thể đong đếm được. Nó được thể hiện qua những hành động cụ thể như những dòng tin nhắn,cuộc gọi hỏi thăm sức khỏe, sự chăm sóc phụng dưỡng khi mẹ về già mà thôi,… Nhưng người con lại nghĩ nó thật xa vời nằm ngoài tầm của họ và quên luôn có mẹ đang ở quê xa ngóng trông con cái gọi điện về nhà. Biết rằng ngoài kia những người con luôn gồng mình với công việc bận rộn, lo cho cuộc sống mưu sinh hằng ngày vất vả, ít có thời gian hỏi thăm. Nhưng các bạn hãy nhớ rằng ba mẹ nuôi ta không bao giờ quên không bao giờ bận việc mà bỏ mặc ta.

Cha mẹ luôn giành cho tất cả chúng ta những thứ tốt nhất trên đời, luôn cho ta những điều tốt đẹp nhất. Phận con cháu tất cả chúng ta phải dành cho nha mẹ những tình yêu thương ngọt ngào, tấm lòng hiếu thảo, sống có trách nhiệm, tạo nên đức hạnh tốt đẹp. Có như vậy thì bậc làm cha mẹ mới được vui lòng và sự sung sướng, tất cả chúng ta mới hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ của một người con ngoan. Ai hiện đang còn cha còn mẹ hãy làm trọn đạo hiếu, đúng đạo làm con, tình yêu lòng hiếu thảo với cha mẹ bước đầu mới hiểu về quê hương đất nước nơi cưu mang tất cả con dân của Tổ Quốc. Hôm nay chúng ta được sự chăm sóc nuôi dưỡng của bố mẹ, mai kia con lớn khôn thành đạt phải chăm sóc bố mẹ, đền đáp, tri ân sâu sắc bao công lao dưỡng dục của đấng sinh thành mà có thể muôn đời sau con không đền đáp hết được.

Nguồn: Verbalearn.com

Nghị luận về lòng hiếu thảo – Mẫu 2

Ông cha ta có câu:

“Công cha như núi thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Có thể thấy lòng hiếu thảo là truyền thống  tốt đẹp đã ăn sâu vào trong máu của người Việt từ xưa đến nay và truyền thống đó vẫn sẽ được gìn giữ cho thế hệ mai sau nữa. Cha mẹ là đấng sinh thành nuôi ta khôn lớn và dạy dỗ ta thành người nếu không có họ có lẽ cũng sẽ không có chúng ta của ngày hôm nay, vì vậy con cái có bổn phận hiếu thuận với cha mẹ, phải biết kính trên nhường dưới, bởi tiền tài địa vị đều có thể biến mất nhưng chỉ có tình thương của cha mẹ là tồn tại mãi.

Cuộc đời luôn có những thăng trầm nhưng sự hiếu thảo không bao giờ được đánh mất trong bản chất của mỗi con người. Hiếu thảo cũng là thể hiện tấm lòng biết ơn của mình đối với đấng sinh thành. Dẫu cuộc đời có nghèo khó hay giàu sang và cho dù có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa thì lòng hiếu thảo vẫn là một việc quan trọng nhất của mỗi chúng ta. Kể từ khi sinh ra cha mẹ đã dành cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất, chính vì vậy bổn phận của con cái là phải biết ơn, hiếu kính, chăm sóc và phụng dưỡng ông bà cha mẹ khi họ ốm đau hay già yếu.

Vậy, như thế nào mới là lòng hiếu thảo? Đây có lẽ là một vấn đề muôn thuở. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ và mỗi người cũng có những cách thể hiện lòng hiếu thảo khác nhau. Hiếu thuận là luôn giữ thái độ hành vi cử chỉ nhẹ nhàng lựa ý lựa lời để nói với mẹ cha, khi cha mẹ ốm đau bệnh tật kiên nhẫn thuốc than chăm sóc, không để cha mẹ thiếu thốn, phải dành cho cha mẹ những thứ tốt nhất, chu toàn mà không nên tính toán so đo với cha mẹ. Hiếu thuận với cha mẹ là chăm sóc cho cha mẹ cả những lúc khỏe mạnh chứ không phải đợi tới lúc cha mẹ lâm bệnh rồi mới quan tâm, chăm sóc.

Báo hiếu cũng là việc tự cố gắng học hành rạng danh để cho ông bà cha mẹ hãnh diện, không những vậy mà lòng hiếu thảo còn thể hiện qua việc chúng ta cư xử với những người xung quanh luôn kính trên nhường dưới, có như vậy thì cha mẹ sẽ cảm thấy tự hào.

Ngoài việc việc báo hiếu về vật chất và tinh thần, chúng ta còn phải biết tự chăm sóc bản thân, bởi cha mẹ là người đã sinh ra nuôi dưỡng ta, không nên vì một thất bại nào đó mà tự hủy hoại bản thân mình, báo hại mẹ cha tổn hao tiền của, ăn không ngon, ngủ không yên từ đó mà sinh tâm bệnh. Thân thể chúng ta là do cha mẹ sinh ra vì vậy khi làm bất cứ việc gì cũng phải thận trọng, có mạnh khỏe thì mới có sức để làm ra tiền của phụng dưỡng cha mẹ.

Truyền thống hiếu kính cha mẹ đã có từ bao đời nay, nó như phần nào cũng cho chúng ta biết được ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng của nó, là một phần không thể thiếu trong đời sống. Hiếu thuận với ông bà cha mẹ làm cho chúng ta trở nên có giá trị và được những người xung quanh yêu quý, nó là thước đo chuẩn mực đạo đức của xã hội. Hiếu thảo cũng là nguồn gốc của đạo đức, Chủ Tịch Hồ Chí Minh của chúng ta có nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”, lời nói của bác với mong muốn thanh niên phải rèn luyện cả đức lẫn tài, nếu một đứa con mà có tài giỏi đến đâu, thành công đến thế nào đi nữa nhưng mang tội bất hiếu với cha mẹ, không biết cội nguồn của mình cũng sẽ trở thành người vô dụng.

Mỗi chúng ta ai rồi cũng sẽ trở thành ông bà cha mẹ, lòng hiếu thuận với cha mẹ hôm nay còn là tấm gương cho con cháu chúng ta noi theo mai sau. Nếu chúng ta muốn sau này cũng nhận được sự hiếu thuận của con cái thì ngay từ lúc này hãy đối xử tử tế với cha mẹ, hãy chăm sóc cha mẹ như những ngày họ đã làm chúng ta khi còn trong nôi, như những lúc cha mẹ đút chúng ta từng muỗng cháo, từng miếng sữa.

Lòng hiếu kính cha mẹ là một biểu hiện cho một đạo đức cao đẹp, sự hiếu thảo không những giúp cho cha mẹ vui vẻ mà đồng thời nó còn mang lại cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc, khi cha mẹ khỏe mạnh hạnh phúc thì chúng ta mới có thể yên tâm mà làm việc, học hành.

Vua Tự Đức là một minh chứng cho lòng hiếu thảo, tuy là người đứng đầu thiên hạ nhưng ông vẫn biết cúi đầu nhận tội trước mẹ mình. Ông là người được ca ngợi có tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ. Có thể nói ông xem lòng hiếu thảo chính là một quan niệm sống, một cách trị dân, trị nước của ông. Xét về vấn đề triều chính có lẽ ông chưa phải là vị vua giỏi nhất nhưng tấm lòng hiếu thảo của ông khiến cho nhiều người đáng nể, và câu chuyện ấy vẫn được người dân nhắc lại để dạy bảo cho con cháu.

Go-rơ-ki đã nói “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Vâng, vẫn có một thành phần giới trẻ dửng dưng vô tâm với cha mẹ, không ít người nhận được sự yêu thương chăm sóc của cha mẹ lại xem đó là một điều hiển nhiên, rồi khi trưởng thành họ quên hết công ơn, ân nghĩa, đối xử tệ bạc, thậm chí đánh đập cha mẹ. Hay cũng có những người vì đua đòi theo bạn bè mà khinh chê cha mẹ nghèo khó, họ đòi hỏi cha mẹ phải chu cấp tiền để có thể chạy theo đám bạn. Thậm chí còn có những người vì cha mẹ già yếu không đi lại được mà sinh hoạt tại chỗ, họ đã dùng những từ ngữ dung tục, hay thậm chí là đánh đập. Những vụ việc con cái đối xử tệ bạc với cha mẹ đã khiến nhiều người không khỏi xót xa. Thực tế đã cho thấy cha mẹ vẫn luôn là người gánh chịu những đau đớn, luôn là người phải gánh chịu những thiệt thòi. Đối với những người con bất hiếu cần được lên án phê phán thậm chí còn cần phải có những phương án trừng trị thật nặng để nêu gương cho thế hệ mai sau và cũng là để cho đất nước và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Thật hãnh diện khi chúng ta là một người con đất Việt, nơi có truyền thống  hiếu thảo từ bao đời qua, vì vậy mỗi người hãy tự trau dồi cho bản thân mình lòng hiếu thảo với cha mẹ từ ngày hôm nay, người nhỏ thì làm việc nhỏ còn người lớn thì làm việc lớn, đừng để một ngày nào đó khi cha mẹ không còn nữa, những thứ bạn làm cũng trở thành vô nghĩa.

Như vậy, lòng hiếu thảo là một phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người là nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Chúng ta mất một năm để tập đi, ba năm để học nói, mất cả đời để học nói lời cảm ơn và xin lỗi. Hãy nói lời cảm ơn, xin lỗi và những lời yêu thương dành cho ông bà cha mẹ nhiều nhất có thể bạn nhé, bởi nó sẽ không khiến bạn xấu hổ đâu, mà nó sẽ là thứ giúp bạn nuôi dưỡng tình cảm gia đình trở nên tốt đẹp đấy.

Nguồn: Verbalearn.com

Nghị luận về lòng hiếu thảo – Mẫu 3

Ông cha ta có câu:

“ Công cha nghĩa mẹ cao vời

Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta

Nên người con phải xót xa

Đền đáp nghĩa nặng như là trời cao

Đội ơn chín chữ cù lao

Sanh thành kể mấy non cao cho vừa ”

Chúng ta ai ai cũng có một gia đình, gia đình ấy luôn bảo vệ về yêu thương ta vô điều kiện, gia đình là nơi luôn ở bên ta dù có khó khăn, gian khổ, hoạn nạn. Ba mẹ là những người đã sinh ra chúng ta và cho đi những thứ đẹp đẽ, sung sướng nhất trên cuộc đời, ngoài họ ra không có ai đối xử tốt với ta hơn cả. Vì thế hãy luôn biết ơn, hiếu thảo với ba mẹ của mình các bạn nhé!

Từ xưa đến nay, phận làm con cái phải luôn đặt chữ “ hiếu ” lên hàng đầu, đó cũng là một truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam ta mà ai cũng cần phải có, từ lâu đời được ông cha ta chú ý răn dạy con cháu sau này phải biết thờ mẹ kính ch. Vậy lòng hiếu thảo là gì? Đó là tình cảm, tấm lòng yêu thương, kính trọng tôn thờ, chăm sóc biết ơn đối với các bậc sinh thành, nuôi dưỡng chính mình, đối với tổ tiên ông bà cha mẹ, những người thân trong gia đình chúng ta có những hành động, thái độ phụng dưỡng, đền đáp công ơn của họ dành cho mình. Nó cũng là thứ tình cảm bất biến, không thay đổi, không toan tính, vụ lợi và là thước đo giá trị đạo đức của con người. Tại sao chúng ta cần phải có lòng hiếu thảo? Trước hết, nó thể hiện là phẩm chất đạo đức, đạo lí tốt đẹp của dân tộc cần có trong mỗi chúng ta. Có sự hiếu thảo là để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, những “ Cù lao chín chữ ” mà họ đã dành cả thanh xuân, sức lực dành cho ta. Cha là bắt nguồn cho nguồn gốc, lí tưởng và tương lai, mẹ là bắt đầu cho sự sống, tình yêu và hạnh phúc. Cha có nghĩa là chỗ dựa, suốt đời lo cho con trọn vẹn yêu thương, mẹ có nghĩa là mãi mãi, là cho đi mà chẳng bao giờ đòi lại. Cha là núi, mẹ là sông, cho con hiếu thảo nhớ công sinh thành, những tấm lòng chăm sóc, chỉ dạy, nuôi nấng con cái trưởng thành nên người của cha mẹ là vô tận, nó chỉ có thể sánh được với núi cao sông sâu hùng vĩ và vĩnh cửu mà thôi, nó có thể sánh ngang với sự kì vĩ của vũ trụ, đất trời.

“Ơn cha bóng núi âm thầm

Nghĩa mẹ lặng lẽ nước sông đầu nguồn

Một đời dãi nắng dầm sương

Nuôi con khôn lớn tình thương dạt dào”

Nếu cha là người đã thức khuya dậy sớm làm lụng vất vả, lo cho con cơm ăn áo mặc, học hành đầy đủ, là chỗ dựa tinh thần và vật chất cho con.Thì mẹ là người 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, tần tảo chắt chiu vất vả kiếm tiền để chăm chút nâng niu ta, nuôi ta khôn lớn bằng những lời ru, tiếng hát ngọt ngào. Ta nhờ có sự chăm sóc, tần tảo của cha mẹ mà lớn lên trong sự yêu thương đong đầy. Họ còn là người luôn đồng hành, là người bạn luôn kề bên bạn trong suốt quá trình trưởng thành, là chỗ dựa vững chắc khi bạn vấp ngã, gặp phải những khó khăn thử thách, động viên, khích lệ, giúp đỡ chia sẻ cùng bạn, cha mẹ cũng là người thầy, người cô tốt nhất của con chỉ dạy những điều hay lẽ phải, những kinh nghiệm quý báu mà không có trong sách vở nào, là người luôn âm thầm theo dõi, ủng hộ với những quyết định trên con đường chinh phục ước mơ của mình. “Ba sẽ là cánh chim cho con bay thật xa. Mẹ sẽ là cành hoa cho con cho con cài lên ngực”. Hiếu thảo không những là tình cảm tự nhiên cũng là đức tính thể hiện phẩm chất, giá trị của mỗi con người. Có thể thấy đạo lý hiếu thuận với ông bà cha mẹ là rất cần thiết, đặc biệt là đối với giới trẻ ngày nay, khi cuộc sống ngày càng hiện đại, tiến bộ, nhịp sống ngày càng hối hả tấp nập với sự phát triển của nền khoa học công nghệ. Chúng ta lại cần phải chú ý giữ gìn, phát huy, nuôi dưỡng tấm lòng hiếu thảo của mình. Không chỉ đơn thuần là những lời nói suông hay hô khẩu hiệu mà phải thể hiện bằng những việc làm, hành động cụ thể được thể hiện qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Như luôn cung kính, tôn trọng, vâng lời ông bà, cha mẹ, biết cách làm cho họ vui vẻ, đỡ đần công việc trong nhà hoặc nương rẫy, thể hiện với những hành động chăm sóc phụng dưỡng ngọt ngào, có những lời nói yêu thương giúp đỡ họ vơi đi những nỗi vất vả, mệt nhọc của cuộc đời, quan tâm lo lắng cho ông bà cha mẹ khi ốm yếu già cả và tôn thờ hương khói tổ tiên, cha ông khi đã qua đời. Hằng năm vẫn tổ chức đều đặn ngày giỗ, có mâm cơm, chén nước dâng lên tổ tiên hoặc vào những ngày lễ lớn để thẻ hiện sự biết ơn sâu sắc của mình. Các tục lệ tảo mộ, thanh minh, uống nước nhớ nguồn, luôn biết sống đúng chuẩn mực với đạo đức xã hội, không vi phạm pháp luật, thực hiện đầy đủ lễ nghi hiếu kính đối với các bậc sinh thành từ những thế hệ trước. Ra sức nỗ lực, cố gắng học tập và làm việc thật tốt, thành đạt trong cuộc sống để mang lại những tiếng thơm, cho gia đình, họ hàng được vui lòng hơn.

Lòng hiếu thảo của chúng ta không chỉ đối với cha mẹ mà còn thể hiện với mọi người xung quanh, tổ tiên, ông bà, thầy cô, những chiến sĩ cách mạng. Thầy cô là người dạy ta kiến thức, âm thầm, lặng lẽ đưa bao thế hệ học sinh cập bến đến bến bờ tri thức, hiện thực hóa những ước mơ. Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” vì thế mà vẫn được lưu truyền biết bao đời nay, để có được hòa bình, có được cuộc sống ấm no hạnh phúc, ông cha ta, các anh các chị đã phải đổ biết bao nhiêu xương máu, tuổi trẻ của mình vì nền độc lập dân tộc vì thế ta cũng cần phải biết ơn những anh hùng liệt sĩ, những tấm gương anh dũng, họ là những người đã làm nên đất nước tươi đẹp ngày hôm nay. Ngoài việc có những cử chỉ, hành động thiết thực thì việc thể hiện lòng biết ơn, hiếu thảo phải được thực hiện một cách thường xuyên, đều đặn, đó không phải là sự hiếu thảo có tính chất nhất thời, bắt buộc hay chỉ làm cho có, cũng không thể đem ra cân đo đong đếm, tính toán được. Hiếu thảo cũng không đợi tuổi tác, hay tùy theo lứa tuổi, khả năng, mức độ mà ta thể hiện nó một cách phù hợp đúng đắn, không so đo với người khác cũng không vụ lợi cá nhân. Xuất phát từ một trái tim chân thành, yêu mến đầy tình cảm, hiếu thảo cũng không quá khó để thực hiện, nó có thể được thể hiện qua lời ăn tiếng nói, hỏi han, quan tâm, những hành động đơn giản nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày, ẩn sâu trong tiềm thức của mỗi chúng ta một cách tự nhiên nhất mà không ai bắt ép hay thúc giục. Vậy lòng hiếu thảo có giá trị tinh thần, có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi chúng ta? Đó là một chuẩn mực đạo đức trong đời sống văn hóa lâu đời của người Việt Nam, thể hiện những đạo lí tốt đẹp như “Uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa, góp phần to lớn trong quá trình hình thành, rèn luyện nhân phẩm, nhận thức của mỗi người. Người có lòng hiếu thảo luôn được mọi người xung quanh yêu mến, quý trọng, thiện cảm, là động lực giúp ta vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống, nỗ lực trở thành một người tốt, có ích cho cho gia đình và xã hội, biết giữ gìn và phát huy những giá trị, phong tục, truyền thống của dân tộc. Lòng hiếu thảo còn giúp gắn kết các thành viên trong gia đình lại gần với nhau hơn, thể hiện được sự yêu thương đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống. Hãy xóa bỏ sự đố kị, ích kỷ của cá nhân, nó triệt tiêu lối sống thờ ơ vô cảm mà hãy sống trong sự yêu thương hạnh phúc của gia đình, chắc hẳn bạn sẽ mạnh mẽ vững bước trên mọi nẻo đường. Lòng biết ơn, hiếu thảo với ông bà cha mẹ cũng là cội nguồn cho sự biết ơn yêu thương quê hương, tổ quốc, xã hội cũng vì thế mà trở nên tốt đẹp, lành mạnh, văn minh.

“Công cha như núi thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Trong văn chương cũng như trong thực tế cuộc sống chúng ta đã gặp được rất nhiều tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Xã hội xưa đã đề cập đến “Nhị thập tứ hiếu” tức là 24 tấm gương hiếu thảo ghi danh sổ sách muôn đời. Đó là một Thúy Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, là một Kiều Nguyệt Nga đã “ Làm con đâu dám cãi cha” trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Xưa hơn nữa là những câu truyện cổ tích về một em bé ít tuổi nhưng hiểu chuyện với lòng hiếu thảo với mẹ đã rất thông minh khi nghĩ đến việc xé bông hoa cúc ra thành nhiều cánh để cứu sống mẹ lâu hơn… Không cần đi đâu xa, hiện nay trong cuộc sống đã có biết bao tấm gương người con nghèo vượt khó, cố gắng học hành chăm chỉ, vượt lên trên mọi hoàn cảnh để đạt được thành công trong cuộc sống, để báo hiếu cho cha mẹ như thầy Nguyễn Ngọc Ký, anh Phạm Đức Chinh ở Đông Hưng [Thái Bình] dù sinh ra không được trọn vẹn như những người khác, anh là một người khuyết tật với đau bệnh đủ đường nhưng không ngừng nỗ lực cố gắng trên con đường làm khoa học, đỗ hai trường đại học lớn trong đó có Bách khoa Hà Nội, hàng ngày cống hiến sức mình cho xã hội và báo đáp công lao, sự yêu thương của cha mẹ đó chính là lòng hiếu thảo đáng quý, thật đáng trân trọng và khâm phục.

Tuy nhiên hiếu thảo không có nghĩa là “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”,  phải luôn tuân thủ, đồng ý với những ý kiến của cha mẹ mà ta đôi khi trong từng trường hợp khác nhau cũng phải góp ý kiến, thể hiện quan điểm để tìm được tiếng nói chung để cha mẹ hiểu mình. Nhưng không được cư xử vô lễ ngỗ ngược, bất hiếu, đối xử tàn nhẫn, không tốt, ruồng bỏ ông bà cha mẹ. Như lời Khổng Tử đã nói: “Tội ác lớn nhất của con người đó chính là tội bất hiếu”. Đặc biệt là đối với giới trẻ ngày nay khi chữ “Hiếu” phải chăng đang bị xói mòn và thay vào đó là lối sống vô ơn, thực dụng, vật chất nhiều hơn tình cảm, có những người còn không có nhận thức,suy nghĩ lệch lạc, sai lầm, trách móc, quay lưng với cha mẹ khi không cho họ cuộc sống đầy đủ hơn. Chỉ biết nghĩ cho bản thân mình bỏ mặc cha mẹ già yếu, neo đơn để đua theo bạn bè xã hội, thay vì lo lắng, phụng dưỡng cho cha mẹ thì lại đùn đẩy, phủ nhận trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Những người như thế sẽ bị mọi người coi thường, khinh ghét, phê phán, bị xã hội lên án. Vì vậy, chúng ta cần phải tránh xa những lối sống, suy nghĩ tiêu cực này, mỗi sự hành xử bất lương của mỗi người đều phải bị trả giá.

“Ăn cơm mẹ nấu, ngủ giường cha

Được sống trong cái gọi là nhà

Ấm êm hạnh phúc thật may mắn

Tại sao cứ nghĩ cho riêng ta”

Có lẽ chúng ta còn nhỏ không thể hiểu được hết tấm lòng bố mẹ nên chúng ta mới trơ lì, nghịch ngợm. Nhưng khi bạn đã trải qua thời kỳ nổi loạn đó, tâm hồn đã trưởng thành và hiểu được đạo lí hơn, khi bạn rời xa vòng tay ấm áp của họ, phải tự bước đi trên chính đôi chân của mình và có gia đình riêng, tự làm cha làm mẹ thì lúc đó bạn mới thấu hiểu được và cảm nhận được tấm lòng cao cả của cha mẹ đã dành cho mình, thấy thật thấm thía và cảm động biết ơn rất nhiều. Đúng vậy đây, hãy thử nhìn xem tóc bố bạn đã bạc chưa, gương mặt của mẹ đã có bao nhiêu nếp nhăn rồi, đó đều là vì già đi do cả một đời lo lắng, hy sinh cho chúng ta. Vì vậy, hãy hiếu thảo với ông bà cha mẹ khi còn có thể, biết dành thời gian để quan tâm phụng dưỡng, chăm sóc, nói lời yêu thương nhiều hơn, nhớ đến ngày của cha mẹ, mùa Vu lan báo hiếu để mua quà, nói lời cảm ơn, trao gửi tấm lòng của mình, cố gắng phấn đấu hàng ngày để không để họ phải đau lòng và để làm tròn chữ “Hiếu” của bản thân.

Tấm lòng hiếu thảo thể hiện lối sống trọng tình trọng nghĩa, biết ơn đối với những đấng sinh thành, những thế hệ hệ đi trước. Đó mãi mãi là một nét đẹp cao quý trong nền văn hóa Việt Nam. Vì vậy, ta cần phải rèn luyện, nuôi dưỡng lòng hiếu thảo ấy để có những lối sống tình nghĩa, hòa hợp, giàu tình cảm, nó cũng sẽ giúp bạn tìm kiếm những niềm hạnh phúc, những ý nghĩa trong cuộc sống.

Nguồn: Verbalearn.com

Tốt nghiệp cử nhân ngôn ngữ Anh năm 2010, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy về Tiếng Anh. Nguyễn Võ Mạnh Khôi là một trong những biên tập viên về mảng ngoại ngữ tốt nhất tại VerbaLearn. Mong rằng những chia sẽ về kinh nghiệm học tập cũng như kiến thức trong từng bài giảng sẽ giúp độc giả giải đáp được nhiều thắc mắc.

Video liên quan

Chủ Đề