Tại sao chúng ta phải xuất gia tu học

Lời Ban Biên Tập: Trong thời gian qua, chúng tôi nhận được nhiều email của các bạn trẻ ngỏ ý muốn được xuất gia và hỏi về các điều kiện xuất gia. Bài viết này nhằm mục đích trả lời chung các bạn. Trước hết chúng tôi tán thán tâm nguyện xuất gia của các bạn và sau nữa, chúng tôi khuyên các bạn nên tiếp cận với thầy trụ trì ngôi chùa nào gần nơi cư trú để tham vấn hay ghi danh tham dự một hay nhiều khóa tu xuất gia gieo duyên do bất cứ một tu viện hay thiền viện nào tổ chức để có cơ hội tham học với quý thầy, quý sư và sinh hoạt với môi trường sống trong chùa hay tu viện. Xuất gia gieo duyên là chịu sự ràng buộc của giới luật trước hết trong một thời gian, còn sau đó, là nếp sống quy củ của tự viện và cách thay đổi thói quen hàng ngày như chuyện ăn uống là phải thay đổi thói quen ăn uống từ 3 bữa/ngày thành 1 bữa/ngày và không ăn phi thời [ăn vặt].

Ý NGHĨA XUẤT GIA

Xuất gia đi tu là nguyện suốt đời sống với giáo lý đạo Phật, mang trái tim từ bi sưởi ấm cho chúng sanh. Người xuất gia là bậc đại trượng phu, có ý chí kiên cường, tâm nguyện vững chắc, và việc làm cao thượng. Xuất gia có nghĩa lìa xa gia đình, lìa bỏ nhà cửa sự nghiệp, cha mẹ, vợ chồng, con cái, dứt đường ái ân, không còn thiết tha lưu luyến mùi đời thế tục, để vào ở hẳn trong chùa hay tu viện sống suốt đời độc thân, qui y thọ giới, hằng ngày tu thiền, tụng kinh, niệm Phật, học kinh, đọc sách, để thanh lọc tâm ý.

Hòa thượng Thích Thanh Từ dạy “xuất gia có ba nghĩa: 1. Xuất thế tục gia. 2. Xuất phiền não gia. 3. Xuất tam giới gia. Trước hết là xuất thế tục gia. Khi phát nguyện cạo tóc xuất gia làm Sa-di, thì kể từ ngày đó phải ra khỏi nhà thế tục. Nhà thế tục là nhà cha mẹ, anh chị. Nếu người già, thì nhà của con cháu. Tại sao chúng ta phải ra khỏi nhà đó? Bởi vì còn trong nhà thế tục thì phiền não còn vây khốn chung quanh, không thể nào gỡ được. Đến ý nghĩa thứ hai là xuất phiền não gia, tức ra khỏi nhà phiền não. Người xuất gia là ra khỏi nhà phiền não. Còn phiền não thì chưa gọi là xuất gia.  Đến thứ ba là xuất tam giới gia. Nghĩa là ra khỏi nhà tam giới. Đức Phật dạy có ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Người tu chẳng những ra khỏi nhà phiền não của Dục giới, mà ra luôn cả nhà phiền não của Sắc giới và Vô sắc giới, hoàn toàn thoát ly sanh tử, không còn đi trong tam giới nữa. Đó là xuất tam giới gia.”

Cụ Đoàn Trung Còn trong quyển Phật Học Từ Điển, có phân ra ba hạng xuất gia như dưới đây:

Thân xuất gia mà Tâm không xuất gia, ấy là hạng người dầu là đầu tròn áo vuông, mà tâm còn luyến tục.

Thân Tâm đều xuất gia, ấy là hạng người mộ Tam Bảo, giữ giới thanh tịnh, quyết dứt các phiền não, quyết đắc quả Bồ Đề.

Thân tại gia mà Tâm xuất gia, ấy hạng người dầu còn ở thế gian mà tinh tấn tu học,không say đắm nhiễm trược, ấy cầm bằng xuất gia.”

Hiện nay việc xuất gia gặp nhiều khó khăn nên người tu hành quyết tâm cầu tu giải thoát có thể chọn loại thứ ba kể trên để tu tiến lên hàng thượng thừa.

ĐIỀU KIỆN XUẤT GIA

Ngoài ý chí nguyện lực của mình, người muốn xuất gia còn phải được sự cho phép của cha mẹ nếu là vị thành niên hay nếu đã có gia đình thì phải có sự cho phép của chồng hoặc vợ, và chính quyền địa phương thường trú [nếu ở Việt Nam]. Dưới đây là các điều khoản mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hiến chương Phật giáo đã qui định [Điều 28 chương VI của nội quy ban Tăng sự Trung ương]: a. Là công dân tốt, không vi phạm pháp luật. Tự tay viết đơn phát nguyện, ghi rõ lý do và nguyện vọng phát tâm xuất gia. b. Người xin xuất gia phải đầy đủ các căn [bộ phận cơ thể], thể chất lành mạnh, không bị bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần và có phiếu khám sức khỏe tốt.  c. Nếu Nam Nữ Phật tử dưới 16 tuổi [tính theo khai sinh], thì do cha mẹ hoặc người giám hộ làm đơn ký thác cho vị trụ trì cơ sở Tự, Viện. Nếu nam nữ Phật tử đã có gia thất, muốn xuất gia phải có giấy ly hôn do Tòa án cấp và theo các quy định tại mục a, b, c, d điều 28 chương VI của Nội quy này.  d. Thông qua ý kiến chấp thuận của Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện. e. Được Tăng, Ni trụ trì cơ sở Tự, Viện nơi người xuất gia đến cư trú và tu hành bảo lãnh.

f. Các nam nữ Phật tử tại địa phương có nhân duyên xuất gia, tu học phải được vị trụ trì, Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện cùng [chính quyền] địa phương chấp thuận. Ban Đại diện Phật giáo phải báo trình Ban Tăng sự cấp Tỉnh được tri tường.

g. Các nam nữ Phật tử từ địa phương này đến địa phương khác [ngoài Tỉnh] xuất gia tu học, phải được Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện đề xuất, Ban Trị sự Phật giáo cấp Tỉnh chấp thuận. h. Việc nhận người vào tu hành tại cơ sở Tự, Viện phải thực hiện theo quy định của điều 21 chương III Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo và điều 22 mục 2 chương IV Nghị định số 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ. i. Nam nữ Phật tử có đầy đủ thủ tục xuất gia được Ban Tăng sự cấp Tỉnh cấp giấy chứng nhận xuất gia theo mẫu do Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN ban hành.

TẬP SỰ ĐỂ XÁC LẬP LÝ TƯỞNG

Thông thường, những ai muốn xuất gia phải trải qua thời gian thực tập xuất gia từ ba tháng cho đến sáu tháng. Tùy theo mỗi người tập sự, thầy trụ trì hay thầy bổn sư có thể quan sát người đó từ lời nói, việc làm, xem họ có thật sự muốn vào chùa trở thành người tu bằng lý tưởng, chí nguyện lớn hay không. Đây là sự thử thách cần thiết.

Ở trong nước ví dụ như chùa Hoằng Pháp, Phật tử được vị trụ trì chấp thuận cho xuất gia khi đã qua thời gian thực tập xuất gia là 6 tháng, phải có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc phải 32 chướng nạn của người xuất gia và học thuộc các thời khóa tụng kinh, công phu như: Chú Lăng Nghiêm, Kinh Nhật Tụng và các nghi thức sử dụng chuông, trống, mõ...

Ở hải ngoại ví dụ như Làng Hoa Anh Đào [Virginia, Hoa Kỳ - Thầy Thích Minh Niệm trụ trì] việc xuất gia tu học tương đối dễ dàng hơn [vì không cần giấy phép cho xuất gia của chính quyền địa phương]. Chỉ cần thỏa mãn các điều kiện sau:

Tuổi từ 18 đến 50. Sức khỏe tốt [có thể tham dự đầy đủ các chương trình luyện tập]. Không bệnh tật nặng hay bệnh truyền nhiễm. Không mắc nợ [cá nhân hay nhà nước] Không đang mắc tội hình sự. Phải được sự chấp thuận của gia đình [cha mẹ, hoặc vợ/chồng] Phải trải qua từ 3 đến 6 tháng thử nghiệm. Phải trả chi phí sinh hoạt trong thời gian thử nghiệm [giảm 50% so với các thiền sinh. Trong trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, Làng sẽ cứu xét]. [xem thêm: www.thienhieubiet.org]

KẾT LUẬN

Như trên đã trình bày, việc xuất gia có nhiều khó khăn, tối thiểu phải hội đủ ba điều kiện tiên quyết là [1] phải được sự hoan hỷ chấp thuận của gia đình [cha mẹ, hoặc vợ/chồng] [2] phải được vị trụ trì và Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện chấp thuận và [3] phải được chính quyền địa phương chấp thuận. Tuy nhiên việc khó cũng trở thành dễ là do cái duyên, nhất là có túc duyên nhiều đời theo Phật Giáo [là tu sĩ hay là cư sĩ] của mỗi người.

Đi tu không phải để trốn chạy cuộc đời thực của mình, để đi tìm hạnh phúc ảo tưởng nào đó mà là tự mình tu hành giải thoát và trợ giúp người khác giải thoát, và lấy việc tự cứu mình cứu người đồng được giải thoát làm lý tưởng.

Xuất Gia Gieo Duyên là cánh cửa phương tiện được mở ra để những ai mong cầu giải thoát trong hiện tại và tương lai. Truyền thống này rất phổ biến tại các quốc gia theo truyền thống Nam tông như Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Sri Lanka và một vài nước Phật Giáo Bắc Truyền như  Đài Loan và Trung Quốc. Ở Việt Nam thì truyền thống này còn khá mới mẻ. Có lẽ người phát khởi đầu tiên tổ chức các khóa tu gieo duyên là HT. Pháp Cao chùa Nam Quang, tỉnh Quảng Nam và sau đó là TT. Bửu Chánh trụ trì Thiền viện Phước Sơn với khóa đầu tiên tại đây có 150 tăng sinh vào 7 tháng 7 năm 2009. Theo đó, những Phật tử xuất gia gieo duyên ấy sẽ học tập giáo lý của Đức Phật, thực tập theo lời Phật dạy và sống trong nếp sống thiền môn, nếu sau khóa tu có duyên lành thì sẽ phát nguyện xuất gia trọn đời. Nếu người nào không phát nguyện trọn đời xuất gia thì sau khi mãn kỳ hạn xuất gia gieo duyên, họ trở lại cuộc sống đời thường.

Hiện nay ở Việt Nam có một số tu viện, chùa, thiền viện của cả hai truyền thống Nam Tông và Bắc Tông đều có mở những khóa tu xuất gia gieo duyên như ở miền Nam có thiền viện Phước Sơn đã tổ chức được 7 khóa, mỗi khóa là 30 ngày với thời khóa biểu theo đúng quy định của thiền môn đối với một tu sĩ thực thụ. Ở miền Bắc có Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, Vĩnh Phúc mỗi khóa tu là 15 ngày. Và ở miền Trung có chùa Huyền Không, Huế đã tổ chức được hai khoá tu mỗi khoá là 10 ngày.  Ở hải ngoại cũng có chùa hay tu viện tổ chức các khóa tu xuất gia gieo duyên như Tu viện Trúc Lâm ở Canada hay chùa Tầm Nguyên ở Mỹ.

Xuất gia là gì? Điều kiện để xuất gia tầm cầu giác ngộ giải thoát

Những người xuất gia [hay còn gọi là chư Tăng] được coi là trưởng tử của Đức Phật, thay Như Lai giữ gìn và hoằng truyền giáo Pháp ở nhân gian. Chư Tăng cũng là người thể hiện nếp sống tinh thần của Đức Phật, là bậc Thầy mô phạm của chúng sinh, xứng đáng là ruộng phước tối thắng của nhân thiên và loài người. Vì vậy, vị trí của người xuất gia rất quan trọng trên thế gian và công đức của người xuất gia vô cùng lớn.

Vậy xuất gia là gì? Mục đích và điều điều kiện để xuất gia như thế nào? Mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu qua lời giảng trên Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong bài viết dưới đây.

Xuất gia là gì?

Một người xuất gia hay còn gọi là Sa - môn phải làm được ba điều sau: Xuất thế tục gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia. Đó cũng chính là ý nghĩa của hai chữ “xuất gia” và như vậy mới xứng đáng là Sa-môn Thích tử.

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh giảng giải về xuất gia. [Ảnh minh họa]

#1 Xuất gia là xuất thế tục gia

Nghĩa đầu tiên của chữ “xuất gia” đó là ra khỏi ngôi nhà tại gia, rời bỏ khỏi gia đình, không còn ở với bố, mẹ, vợ, chồng, con cái.

#2 Xuất gia là xuất phiền não gia

Nếu người xuất gia từ bỏ ngôi nhà tại gia nhưng không loại bỏ được phiền não mà lại nhập thêm hoặc trút bỏ phiền não sang người khác thì họ chưa được gọi là xuất gia.

Còn nếu người tại gia mà tu tập xả bỏ hết phiền não thì đó cũng có nghĩa là xuất gia. Trước khi chưa tu tập, chưa biết Phật Pháp thì phiền não trăm phần, nhưng dần phiền não vơi đi thì đó cũng gọi là xuất gia.

#3 Xuất gia là xuất tam giới gia

Xuất tam giới gia tức là ra khỏi ngôi nhà tam giới. “Tam giới” là nơi ràng buộc chúng ta trong dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Chúng ta phải ra khỏi ngôi nhà tam giới này để không còn bị trói buộc bởi sinh tử luân hồi. Và Đức Phật, các bậc Thánh đệ tử đã đều giải thoát tự tại, ra khỏi hoàn toàn ngôi nhà tam giới.

Mục đích của việc xuất gia

“Nếu như trong loài hoa, bạch liên hoa là cao quý nhất, thì cũng thế, trong hàng sa-môn, các sa-môn diệt tận phiền não rồi - là cao quý nhất”. - trích trong kinh Mi Tiên Vấn Đáp, chương 119, trang 426. Đó cũng chính là mục đích tối hậu người xuất gia: diệt hết phiền não, đạt được Niết bàn, nguyện là con thuyền dẫn đường giúp chúng sinh cập bến bờ chân hạnh phúc.

Để thành tựu mục đích đó, người xuất gia phải chí khí, quyết tâm tu hành để độ mình và độ người. Đó mới thực là báo được tứ ân, cứu được ba cõi. Nếu người xuất gia chưa làm được ngay việc đó thì trước hết phải gắng rèn mình trong giới luật của Phật, sửa đổi tập khí của mình để ngày một tiến đạo.

Chư Tăng chùa Ba Vàng ngày đêm miên mật tu hành đầu đà để diệt hết phiền não, đạt được Niết bàn

Điều kiện để xuất gia tại chùa Ba Vàng

#1 Là người có chí nguyện với Phật Pháp

Theo thanh quy của chùa Ba Vàng, để được xuất gia, các cư sĩ Phật tử phải có thời gian thử thách, tập luyện từ sáu tháng cho đến một năm, hoặc hai đến ba năm. Trong thời gian đó, cư sĩ tập tu xuất gia được Sư Phụ cho vào rừng để thực tập, rèn luyện. Chặng đường tu hành còn dài, rất nhiều gian nan, khó khăn, nên khi thấy được chí nguyện kiên tâm của cư sĩ tập tu xuất gia qua những lần thử thách thì Sư Phụ mới đồng ý cho họ xuất gia. Bởi Sư Phụ rất cần những người có chí nguyện xuất gia, vì chí nguyện là gốc gác, yếu tố căn bản để trở thành người tu.

#2 Điều kiện về sức khỏe

Về sức khỏe, người xuất gia phải là những người không mắc các bệnh nan y, bệnh truyền nhiễm, bệnh về tâm thần, thần kinh hoặc bị khuyết tật về các căn. Bởi người xuất gia là đại diện, trưởng tử của Đức Như Lai để giữ gìn và hoằng truyền giáo Pháp ở nhân gian, thể hiện nếp sống tinh thần của Ngài, là bậc Thầy mô phạm của chúng sinh nên phải là một biểu tượng tốt đẹp cho mọi người.

#3 Các điều kiện khác

Ngoài tâm cầu đạo chân chính, cũng như điều kiện về sức khỏe, người muốn xuất gia cần đáp ứng một số điều kiện như: - Trên 18 tuổi [vì ở chùa không được đi học các trường ở ngoài đời];- Không có những bệnh truyền nhiễm nan y;- Không nghiện ngập, nợ nần; không vi phạm pháp luật;- Những ai đã lập gia đình mà muốn xuất gia thì phải có đơn ly hôn;- Không nhận bố [mẹ] đi xuất gia mà có con còn nhỏ dưới 18 tuổi vào chùa cùng tu;- Chấp hành đầy đủ thanh quy của chùa dành cho Phật tử khi còn là cư sĩ;- Phải làm tờ cam kết không phạm nội quy của chùa;- Vâng kính tất cả những lời chỉ dạy của chư Tăng trong quá trình tập tu xuất gia;- Từ lúc viết đơn xuất gia, đủ một năm tu tập mới được xét duyệt xuất gia;

- Ăn ngày hai bữa [sáng - trưa], ngoài ra không ăn vặt.

Hình ảnh lễ xuất gia chùa Ba Vàng qua các năm

“Hủy hình thủ chí tiết
Cắt ái từ sở thân
Xuất gia hoằng Thánh đạo
Thế độ nhất thiết nhân
Thế trừ tu phát
Đương nguyện chúng sanh,
Viễn ly phiền não,
Cứu cánh tịch diệt”

Sư Phụ chấp đao thế phát, cắt bỏ mái tóc xanh gửi lại đời cho đệ tử xuất gia. [Ảnh năm 2016]
Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chụp ảnh lưu niệm cùng tân hình đồng trong lễ xuất gia chùa Ba Vàng. [Ảnh năm 2016]
Sư Phụ chụp ảnh cùng các Sư chú, Sư cô. [Ảnh năm 2017]
Quý Thầy cạo mái tóc phiền não để các giới tử được lãnh thọ tướng người xuất thế. [Ảnh năm 2020]
Các giới tử trao gửi lại mái tóc xanh cho cha mẹ. [Ảnh năm 2020]
Các giới tử hướng về Tam Bảo thỉnh cầu Sư Phụ chú nguyện và truyền trao y bát. [Ảnh năm 2020]
Buổi lễ xuất gia trang nghiêm. [Ảnh năm 2020]

Qua lời chia sẻ trên Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh, chúng ta hiểu được thế nào là xuất gia và mục đích cao cả của việc xuất gia. Mong rằng, cho những ai có chí nguyện cũng như đang đi trên con đường xuất gia, cầu đạo sẽ giữ vững được chí tu hành, kiên tâm vững vàng cho đến ngày thành tựu quả vị giác ngộ và giải thoát.

Hạnh Tâm Diệu

Video liên quan

Chủ Đề