Khi hơi thở hóa thinh không tiếng anh

” Đôi khi, sức nặng của cái chết trở nên thật rõ ràng như sờ thấy được. Nó ở trong không khí, sự căng thẳng và đau đớn. Đôi khi, bạn hít thở mà không nhận ra. Nhưng khi khác, giống như những ngày trời nồm ẩm ướt, nó có sức nặng riêng đến ngạt thở. ”

– Paul Kalanithi

Cái chết là chủ đề muôn thuở của con người. Chúng ta ai sinh ra rồi cũng sẽ chết đi. Có người chết sớm, có người chết muộn, có người chết nhẹ nhàng, có người chết đau đớn. Có cái chết được dự báo trước, có cái chết đến đột ngột. Có người nhẹ nhàng vì sắp chết, có người lạc lõng vì sắp chết, có người đau đớn vì sắp chết nhưng lại có người tìm được ý nghĩa sống của mình khi sắp chết. Cái chết phảng phất trong thi văn, từ Homer đến Shakespeare, đến tận văn học đương đại của những Haruki Murakami, Kazuo Ishiguro. Cái chết lại hiện lên hết lần này đến lần khác trong triết học, với Socrate, Platon, Voltaire, Schopenhauer, Nietzsche, Sartre, Camus…

“Khi hơi thở hóa thinh không” [tên tiếng Anh: When breath becomes air] của Paul Kalanithi cũng viết về cái chết, nhưng không phải từ góc nhìn bên ngoài như những nhà văn, nhà triết học; mà từ góc nhìn bên trong của một bác sĩ phẫu thuật thần kinh từng ngăn cản cái chết nhiều lần, đồng thời cũng là một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Tôi biết đến “Khi hơi thở hóa thinh không” đã từ lâu, nhưng trước nay vẫn chỉ nghĩ rằng cuốn sách chỉ là tâm sự của một bác sĩ bị ung thư, sắp lìa đời [đúng như với khái quát nội dung chính], vì vậy dù mua đã một thời gian, tôi vẫn chưa thực sự bắt tay vào đọc. Mọi thứ trở nên tồi tệ khi Kiku – chú mèo tôi nuôi, qua đời. Đó là lúc tôi hoàn toàn chìm vào đau khổ, bế tắc, lạc lõng, không thể chấp nhận thực tại và đó cũng là lúc tôi quyết định đọc “Khi hơi thở hóa thinh không”.

Nội dung chính của “Khi hơi thở hóa thinh không” được chia ra làm hai phần rõ rệt: Phần 1: Khởi đầu từ một sức khỏe hoàn hảo; và Phần 2: Không dừng cho tới chết.

Phần 1: Khởi đầu từ một sức khỏe hoàn hảo.

Trong phần đầu của cuốn tự truyện, Paul kể về thời thanh niên của mình. Khi đó, Paul, cũng như chúng ta, là những con người hoàn toàn khỏe mạnh, mang trong mình những đam mê hoài bão, hoàn toàn không suy nghĩ tới cái chết bởi còn đang mải mê lo nghĩ cho tương lai của mình. Paul đứng trước những sự lựa chọn khác nhau: văn học, triết học, và lạ lùng thay khi y học không phải sự lựa chọn ban đầu của Paul. Điều này khiến tôi chú ý nhất khi mới đọc cuốn sách, bởi chính điều này cho thấy chiều sâu tâm hồn của Paul, và trước khi trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, trước hết, chúng ta đều cùng là con người. Nếu một người lính bị chết ngoài chiến trận, bạn sẽ bảo rằng đó là nghĩa vụ của anh ta. Nếu một người dân thường bị chết vì chiến tranh, bạn sẽ vô cùng thương xót họ. Tương tự như vậy, nếu một người bác sĩ bị bệnh và qua đời, bạn sẽ thấy đó là một nghịch lý trớ trêu của cuộc đời. Nhưng nếu bạn thấy Paul thời trẻ, thấy mình trong đó, thấy Paul cũng chỉ là một con người bình thường như tất cả chúng ta, có lẽ bạn sẽ phải ngậm ngùi khi biết rằng chàng trai trẻ ngày nào rồi sẽ bị ung thư và sẽ chết.

Paul thích đọc sách và đọc rất nhiều sách. Anh đọc 1984 từ khi còn nhỏ, tiếp đó, nhiều tựa sách kinh điển theo Paul trong hành trình trưởng thành: Bá tước Monsto Cristo, Robinson Crusoe, Ivanhoe, Hamlet, Don Quixote, Quân Vương, Người Mohican cuối cùng… với nhiều nhà văn như Charles Dickens, Twain, Austen, Nabokov, Franz Kafka… Đó là lý do Paul đã lựa chọn Stanford và tốt nghiệp cử nhân Văn học Anh. Dù vậy, bản chất của Paul có lẽ là một con người suy tư, anh luôn muốn phân tâm thật sâu về bản chất con người. Luận văn thạc sĩ Văn học Anh của Paul có đề tài: “Whitman và sự y khoa hóa tính cách” là một chủ đề hoàn toàn mới: Phân tích một nhà thơ trên khía cạnh tâm thần học. Đó là một bước ngoặt lớn khi Paul nhận ra rằng mình có thể tìm kiếm được câu trả lời ở tâm thần học và y khoa nhiều hơn ở văn học. Dù vẫn thích văn học và luôn ấp ủ mong muốn trở thành một nhà văn, Paul đã quyết định chuyển sang học y và sự nghiệp y khoa của Paul bắt đầu từ đó.

Paul theo học y khoa tại Yale và trong toàn bộ trường đoạn này, Paul đã kể cho người đọc về cuộc sống của một sinh viên trường y. Về cảm giác sợ hãi, ghê tởm khi lần đầu thực hành với một xác chết cho tới khi đã hoàn toàn chai lì và chỉ coi những cái xác như công cụ. Chẳng mấy chốc, Paul đã được thực hành với những ca phẫu thuật đầu tiên. Ấn tượng nhất phải kể đến ca đỡ đẻ mà Paul được thực hành. Đó là lần đầu tiên Paul chứng kiến một sự sống ra đời, nhưng đó là một ca sinh non, và đứa bé không qua nổi. Sự sống đầu tiên mà Paul chứng kiến cũng là cái chết đầu tiên trong sự nghiệp y khoa của Paul.

Cứ như vậy, Paul bị cuốn vào cuộc sống y khoa. Trong khi đa số bạn học của Paul dần chuyển sang con đường nghiên cứu, hoặc đa khoa – những con đường y học dễ dàng hơn, thì Paul lại lựa chọn con đường chông gai nhất: bác sĩ phẫu thuật thần kinh. Những bác sĩ phẫu thuật luôn là những con người có một trái tim nóng và cái đầu lạnh, nắm trong tay sinh tử của nhiều người, phải đưa ra quyết định chuẩn xác, không được mắc sai lầm, căng thẳng kéo dài và có thể lên đến 72 tiếng trong phòng phẫu thuật. Jeff – một bác sĩ phẫu thuật đồng nghiệp của Paul, đã tự sát khi mắc phải sai lầm trong ca phẫu thuật khiến bệnh nhân chết.

Toàn bộ trường đoạn này, Paul viết với ngòi bút chân thực, từ góc nhìn bên trong của một người ngăn cản cái chết. Qua hàng loạt ca phẫu thuật, hàng loạt bệnh nhân, với nhiều trường hợp khác nhau, nhiều cuộc đời khác nhau, Paul đã suy ngẫm về tính vô thường của cuộc đời, và cảm thấy mình có một mối liên hệ vô hình với cái chết.

Phần 2: Không dừng cho tới chết

Trước khi chính thức phát hiện ra mình bị ung thư, Paul đã quyết định lựa chọn tham gia vào chương trình nội trú, với cơ hội trở thành giáo sư ngay trước mắt. Dù có sự nghiệp y khoa thành công, Paul vẫn không ngừng nghĩ tới việc anh sẽ trở thành một nhà văn, nhưng lại chưa bao giờ có thời gian để viết. Cho tới khi Paul phát hiện ra mình bị ung thư.

Là một người bác sĩ, Paul thấm thía hơn bao giờ hết nỗi đau này. Paul đã thấy nhiều người bị ung thư và đồng cảm với họ, nhưng khi chính mình bị ung thư thì đó mới là toàn bộ trải nghiệm. Việc này cũng giống như khi ai đó miêu tả cơn đau của họ cho bác sĩ, bác sĩ sẽ chẩn đoán được bệnh tình như miêu tả, nhưng bác sĩ chỉ thực sự hiểu cảm giác của người đó, cơn đau của người đó như nào khi bị đau lưng.

Nếu một ngày bạn biết rằng mình chuẩn bị chết, bạn sẽ làm gì?

Paul Kalanithi – bác sĩ thần kinh từng chẩn đoán ung thư cho nhiều bệnh nhân, đưa ra nhiều lời khuyên cho người nhà các bệnh nhân, đang đứng trước cảm xúc của sự mất phương hướng đó. Cũng giống như một cánh cửa đóng sầm lại trước mắt, chỉ còn cách một quãng đường mà ta hiểu rằng có bước tiếp cũng vô vọng, mọi lời khuyên nhủ của bác sĩ trở nên vô nghĩa bởi Paul hiểu rằng chúng vô nghĩa như nào khi đã khuyên nhủ người nhà các bệnh nhân của mình.

Điều quan trọng là Paul không biết được mình còn sống bao lâu, bởi Emma – bác sĩ của Paul không cho anh biết điều đó. Emma là một người bác sĩ tốt, cô đã bảo Paul rằng anh phải làm một bệnh nhân, và coi Emma là bác sĩ, thay vì sử dụng chuyên môn để tác động tới phương pháp của mình. Emma có lý, ngay cả việc giấu đi thời gian Paul còn sống cũng có lý, bởi Emma hiểu rằng niềm tin, hy vọng của bệnh nhân là cần thiết để vượt qua ung thư. Nếu nói ra sự thật, bệnh nhân có thể sẽ mất hy vọng và không đủ nghị lực vượt qua căn bệnh quái ác ấy. Tuy nhiên với Paul, thời gian là vô cùng quan trọng. Bởi “nếu sống được 10 năm, tôi sẽ tiếp tục làm bác sĩ phẫu thuật, nếu sống được 1 năm, tôi sẽ viết văn”.

Trước sự khuyên nhủ của gia đình mà Paul đã biết chắc họ sẽ làm như vậy, trước tương lai bất định của mình, trước mối tình cảm mà Paul dành cho Lucy – vợ Paul, cũng như Lucy dành cho anh, Paul quyết định sẽ làm hóa trị. Paul dần quen với cuộc sống mới của một bệnh nhân, cuộc sống mà anh dành thời gian cho gia đình, cho lịch hẹn với bác sĩ, cho việc hóa trị và uống thuốc. Sức khỏe của Paul giảm sút nhanh chóng khiến cho anh ngày càng kiệt quệ cả thể chất và tinh thần. Trong quãng thời gian này, Paul suy ngẫm rất nhiều về sự sống và cái chết, về ý nghĩa của cuộc sống, và về Chúa. Những lời văn chân thực của Paul cho thấy mối âu lo của một người bệnh nhân đang đứng trước ngưỡng cửa thiên đường.

Một trong những quyết định mà Paul đã đưa ra đó là hiến tinh để Lucy có thể mang giọt máu của anh ngay cả khi anh đã ra đi. Đây là điều mà cả Paul và Lucy đều mong muốn: Lưu giữ một phần nào đó Paul còn lại trên đời, trong cơ thể của Lucy và sẽ tiếp tục lớn lên và trưởng thành.

Và rồi ca phẫu thuật sau chuỗi thời gian dài hóa trị cũng thành công, Paul sẽ tiếp tục sống, còn căn bệnh ung thư chưa biết liệu có di căn hay không, và thời điểm di căn là bao giờ. Paul vừa đánh bại được thần chết. Thế nhưng xen lẫn với niềm vui, đó là sự bối rối, lạc lối, khi đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để chết thì Paul lại tiếp tục sống, nhưng là một cuộc sống hoàn toàn mới mà anh chưa chuẩn bị gì. Anh sẽ tiếp tục con đường phẫu thuật thần kinh mà anh đã bỏ dở từ khi mắc bệnh ung thư? Anh sẽ viết văn – công việc anh hàng mong muốn và đã giúp anh giải tỏa trong quãng thời gian qua? Anh sẽ đi dạy học, dạy cho những sinh viên y kinh nghiệm quý báu của sự nghiệp y học và hành trình vượt qua ung thư của mình? Anh sẽ trở thành một người cha, khi mà ngày Lucy hạ sinh đang đến gần?

Sau những trăn trở, Paul bắt đầu trở lại với phòng phẫu thuật. Ban đầu khi trở lại, Paul phải cần thời gian để thích nghi, để làm quen lại với không khí ngột ngạt của phòng mổ, với những kỹ thuật mổ phức tạp, với nhiều giờ liền trong phòng mổ căng thẳng… Rồi thì dần dần mọi thứ trở về quỹ đạo cũ, Paul lại quen với công việc đã gắn bó với mình bao lâu nay, và tưởng như có thể trở về cuộc sống cũ. Thế nhưng…

Cuộc đời luôn có những cách thức trêu đùa cay độc của riêng nó. Paul đã ngăn chặn thần chết nhiều lần, vừa mới đánh bại thần chết nhưng thần chết đã quay trở lại, lần này sẽ không còn cơ hội để đánh bại nữa. Khối u ung thư của Paul đã di căn, lan rộng hơn cả ngày trước.

Paul đấu tranh với căn bệnh ung thư một lần nữa, lần này tia hy vọng đã trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Đó là quãng thời gian mà Paul dành tâm trí để viết cuốn sách này, cuốn “Khi hơi thở hóa thinh không” – mang theo mọi tâm sự, nỗi niềm, kinh nghiệm và quan điểm của anh về cuộc sống và cái chết. Trong quãnng thời gian cuối này, Paul trân trọng từng giây phút ở bên Lucy và đặc biệt hơn, anh đã được đón con gái của mình chào đời. Cô bé tên là Cady. Paul cố gắng sống những ngày cuối cùng bên con gái, để được chứng kiến Cady lớn lên, để Cady có chút ký ức về người bố khi lớn lên sau này.

Và rồi để kết lại cuốn sách, Paul Kalanithi đã viết một thông điệp đến con gái Cady. Thông điệp rất đơn giản:

Khi đến một trong những khoảnh khắc mà con phải nói về bản thân mình trong cuộc sống, về việc con từng là ai, những gì con đã làm và con có nghĩa thế nào với cuộc đời, cha nguyện cầu con sẽ không quên rằng, con đã từng lấp đầy tháng ngày của một người đàn ông đang chết bằng một niềm vui chan chứa, một niềm vui cha chưa từng biết đến trong những năm suốt đây, một niềm vui không khiến cha khao khát thèm thuồng hơn nữa mà là thỏa mãn, bình an. Tại thời điểm này, ngay lúc này, đó là một điều vĩ đại.

Lời kết

“Khi hơi thở hóa thinh không” của Paul Kalanithi là tự truyện của tác giả, về cái chết nhìn từ bên trong. Không chỉ là một tự truyện cứng nhắc bình thường mà tôi còn thấy có cả chất văn học, triết học trong đó, bởi Paul Kalanithi luôn khao khát trở thành một nhà văn. Đây cũng là một cuốn sách hay và xúc động. Tôi nghe rằng Bill Gates thổ lộ phải khóc khi đọc cuốn sách, tôi không biết có đúng không nhưng tôi đã thực sự khóc khi đọc cuốn sách này.

“Khi hơi thở hóa thinh không” giúp tôi nhẹ nhõm hơn và vượt qua sự đau khổ khi Kiku ra đi. Tôi đã sẵn sàng chấp nhận điều đó, chấp nhận cái chết sẽ chia lìa người thân của chúng ta, và dù đau khổ cách mấy, ta vẫn phải vượt lên để tiếp tục sống. Cái chết là một phần trong cuộc sống, bởi ai rồi cũng sẽ chết. Chúng ta cũng vậy, một ngày nào đó chúng ta sẽ chết, và khi đó chúng ta sẽ tìm kiếm ý nghĩa sống của bản thân mình.

Thật khó để nói rằng cái chết với Paul là tốt hay xấu. Không ai nói cái chết là tốt cả, nhưng nếu không có cái chết, có lẽ Paul đã không viết cuốn sách này, đã là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh thành công nhưng không thể quay lại con đường nhà văn viết sách. Dù sao đi nữa thì Paul cũng đã chấp nhận cái chết của mình, và cái chết không tốt cũng không xấu, bởi đó đơn giản là định mệnh. Bởi đó đơn giản là khi hơi thở hóa thinh không.

Khi hơi thở Hòa Thịnh không tiếng Anh là gì?

Khi hơi thở hóa thinh không [tựa gốc tiếng Anh: When Breath Becomes Air] là tự truyện của tiến sĩ Paul Kalanithi về cuộc đời và cuộc chiến của anh chống lại căn bệnh ung thư phổi.

Chủ Đề