Kinh tế ngoài quốc doanh là gì

Tỉnh Hưng Yên đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Sự phát triển của các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước [NSNN] trên địa bàn.

Sản xuất tại Công ty cổ phần nhựa OPEC [Văn Lâm]. Ảnh tư liệu

Những năm gần đây, trong cơ cấu số thu NSNN của tỉnh, kết quả thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh dẫn đầu trong các khu vực kinh tế. Trong khu vực kinh tế này, phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa tiêu dùng, thương mại, dịch vụ, quy mô sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ. Bên cạnh việc tăng trưởng kinh doanh, hầu hết doanh nghiệp này thực hiện tương đối nghiêm túc nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Theo số liệu thống kê của Cục Thuế tỉnh trong 3 năm gần đây, số thu NSNN khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng qua từng năm: Năm 2018 thu được 2.972 tỷ đồng, năm 2019 thu được 3.592,5 tỷ đồng, năm 2020 thu được 4.183,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong 3 năm qua, chỉ có năm 2020 kết quả thu NSNN từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh vượt dự toán HĐND tỉnh giao [cụ thể là vượt 12,1% dự toán, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2019]. Một số doanh nghiệp có số nộp NSNN đạt cao là: Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark; các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần Thuận Đức…

Để nuôi dưỡng và khai thác hiệu quả nguồn thu NSNN từ khu vực kinh tế này, ngành Thuế tỉnh thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế luôn được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phù hợp như: Tư vấn trực tiếp tại cơ quan thuế, trả lời qua điện thoại hoặc bằng văn bản các quy định của Nhà nước về thuế; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức tài chính cho doanh nghiệp; các hội nghị đối thoại giữa cơ quan thuế với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về thuế, đặc biệt là các luật thuế mới. Đổi mới phương thức và đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú theo định hướng cải cách, hiện đại hoá của ngành. Nghiên cứu xây dựng các chuyên đề tuyên truyền, hỗ trợ chuyên sâu về thuế theo từng lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi để khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Thực hiện công khai trên các phương tiện truyền thông các doanh nghiệp có thành tích nộp thuế lớn và chấp hành tốt pháp luật về thuế.

Công tác quản lý kê khai, kế toán thuế đối với doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh được thực hiện chặt chẽ. Ngành Thuế đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, giảm giờ khai, nộp thuế; công tác rà soát và quản lý đối tượng nộp thuế được thực hiện kịp thời; quy trình quản lý thuế thực hiện thông qua hệ thống công nghệ thông tin theo quy định của Tổng cục Thuế. Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn kê khai thuế kịp thời, đúng quy định; kịp thời xử lý vi phạm đối với người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế; đồng thời, giải quyết nhanh chóng, kịp thời hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế đã đầy đủ thủ tục. Bên cạnh đó, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp kê khai qua mạng, nộp thuế điện tử.

Sản xuất tại Công ty TNHH bao bì Việt Hưng [Văn Lâm]

Trong các biện pháp để quản lý tốt nguồn thu, công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế khu vực kinh tế ngoài quốc doanh được đặc biệt chú trọng. Nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tập trung vào doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế như: Doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, các doanh nghiệp có số nợ thuế lớn; các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, miễn giảm thuế; doanh nghiệp kinh doanh thương mại có doanh thu lớn nhưng số nộp ngân sách thấp… Qua đó, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuế kịp thời, đúng quy định.

Tuy nhiên, trong công tác quản lý, khai thác nguồn thu NSNN khu vực kinh tế ngoài quốc doanh còn bộc lộ một số khó khăn, bất cập: Tình trạng nợ đọng thuế ở một số doanh nghiệp còn kéo dài; thất thu thuế ở một số lĩnh vực còn xảy ra như: Xây dựng tư nhân, kinh doanh vận tải, dịch vụ nhà nghỉ, ăn uống...

Năm 2021, HĐND tỉnh giao dự toán thu NSNN khu vực kinh tế ngoài quốc doanh là 3.500 tỷ đồng. Đến hết tháng 1, ngành Thuế tỉnh thu NSNN khu vực này được trên 444,5 tỷ đồng, đạt 12,7% dự toán. Kết quả thu NSNN khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện dự toán thu ngân sách nội địa.

Dự báo trong năm 2021, nền kinh tế vẫn chịu tác động của dịch Covid-19, ảnh hưởng đến công tác thu NSNN. Trong điều kiện thực tế hiện nay, để thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN khu vực kinh tế này, ngành Thuế cần chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thuế theo chức năng nhiệm vụ. Cơ quan thuế áp dụng các hình thức tuyên truyền mới, để đối tượng nộp thuế hiểu và thực hiện đúng các quy định về thuế, nâng cao ý thức trong tự kê khai, tự tính thuế, tự nộp thuế. Thực hiện nghiêm phân cấp quản lý thuế đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh cho Chi cục thuế các khu vực theo quy định. Làm tốt công tác kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử. Bên cạnh đó, xử lý kịp thời những trường hợp lợi dụng chính sách để hoàn thuế không đúng đối tượng, sai mục đích. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho đối tượng nộp thuế và người thi hành công vụ trong ngành thuế. Rà soát, nghiên cứu và có biện pháp quản lý thu thuế phù hợp đối với một số lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh dễ xảy ra thất thu thuế như hoạt động kinh doanh vận tải, xăng, dầu, dịch vụ nhà hàng, xây dựng vãng lai... để hoàn thiện cơ chế quản lý đối tượng nộp thuế và công tác thu nộp thuế. Đa dạng hóa và linh hoạt các hình thức cưỡng chế, thu nợ và xử lý vi phạm về thuế. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt việc rà soát phân loại nợ thuế nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 94/2019/QH14ngày 26 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xoá nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN.

Chủ Đề