Làm thế nào để giải quyết những khác biệt về văn hóa phong tục thói quen tư tưởng

 Trong tác phẩm “Đời sống mới” năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cách nhìn biện chứng, sâu sắc về mối quan hệ giữa cái “cũ” và cái “mới” trong xây dựng đời sống mới. “Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”[1].

Về mặt nhận thức, dù biết là chưa hợp lý, nhưng do thói quen, người ta vẫn hành động, xử thế như cũ. Vì vậy, việc sửa đổi những thói quen, phong tục, tập quán không còn phù hợp, loại bỏ những cái xấu, xây dựng những cái tốt là công việc rất khó khăn, phức tạp. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen...”[2]; “Thói quen rất khó đổi. Cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu. Cái xấu mà quen người ta cho là thường”[3]. Như vậy, những giá trị tốt - xấu, đúng - sai, thật - giả... trong xã hội, thường bị lẫn lộn, khó phân biệt là do những thói quen và tập tục lạc hậu chi phối. Người ta gọi đây là tình trạng “loạn chuẩn” hay “lệch chuẩn” rất nguy hiểm, gây nên sự biến đổi và tác động tới các chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ xã hội, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

Có thể chỉ ra căn nguyên của nó là thói quen, tâm lý tiểu nông mang những yếu tố tiêu cực, lạc hậu không chỉ tác động đến con người Việt Nam trong xã hội cũ, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, tình cảm, hành vi của chúng ta trong xã hội hiện đại, trong đó có đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó là tư duy thiển cận chỉ nhìn thấy những lợi ích trước mắt, nhỏ bé mà thiếu tầm nhìn xa, trông rộng, không có tính chiến lược lâu dài; tình cảm dòng họ thiên lệch trở thành liên kết bè phái, cục bộ, phe cánh nhằm tranh quyền, đoạt lợi cho mình và cho dòng họ của mình, gây mất đoàn kết nội bộ; thái độ “trọng nam, khinh nữ”, coi thường người trẻ, ghét người giàu có, thông minh hơn mình; tâm lý bằng lòng, yên phận với những gì đã có, thiếu năng động, sáng tạo trong công việc; tâm lý “ăn xổi ở thì” chỉ lo vun vén, thu lợi cho cá nhân mình, không quan tâm đến lợi ích tập thể; tác phong làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao, xem thường pháp luật, khả năng hợp tác trong công việc hạn chế; tình trạng đi muộn, về sớm, làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm, hiệu quả thấp... 

Việc xóa bỏ những thói quen, lạc hậu là một việc không đơn giản trong một sớm, một chiều. Vì vậy, phải thường xuyên tăng cường giáo dục cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về những ảnh hưởng tiêu cực và những hậu quả xấu của những thói quen lạc hậu, để họ nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi trong nhận thức và hành vi của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, sự nghiệp xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa đòi hỏi “Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm”[4]. Đó là: Phải cấm những thói hư, tật xấu như cờ bạc, hút xách, trộm cắp, bịp bợm. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi, kiện cáo nhau, xây dựng làng kiểu mẫu về thuần phong mỹ tục. Người nêu ra những việc rất cụ thể như vấn đề giữ vệ sinh sạch sẽ, quan hệ hàng xóm láng giềng, lễ hội, hiếu hỷ...

Việc thay đổi những thói quen lạc hậu cần tiến hành thường xuyên, liên tục và rộng khắp với sự tham gia hưởng ứng của toàn xã hội.

Cần tuyên truyền, giải thích cho mọi người về tác hại của những thói hư, tật xấu và những lợi ích của việc xây dựng những thói quen tốt, hướng dẫn cách làm cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện. “Tuyên truyền đời sống mới cũng như tuyên truyền việc khác, phải hăng hái, bền gan, chịu khó, đồng thời phải cẩn thận, khôn khéo, mềm mỏng”[5]. Những biện pháp ép buộc, trấn áp thô bạo đều phản tác dụng.

Để thay đổi một thói quen xấu, cách tốt nhất là phải tạo dựng cho được những thói quen và truyền thống tốt đẹp. Phải làm thế nào để những thói quen và truyền thống tốt từng bước và tiến tới thay thế hoàn toàn. Xây dựng lối sống mới, nếp sống mới, phong cách mới... không phải là cái gì cao siêu, trừu tượng, mà nó được thể hiện và thực hiện trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, mỗi tổ chức, đơn vị, rất dễ hiểu, cụ thể, thiết thực. Đó là “sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”[6]; “Nêu cao và thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính tức là nhen lửa cho đời sống mới”[7]. Quá trình xây dựng lối sống mới cũng là quá trình làm cho lối sống mới dần dần trở thành thói quen ở mỗi người, thành nề nếp, phong tục tập quán của cộng đồng, xã hội.

Một trong những vấn đề xã hội nổi cộm hiện nay là tình trạng vi phạm luật giao thông, đặc biệt là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trung bình mỗi năm có trên 10 nghìn người chết do tai nạn giao thông, số người bị thương cũng rất lớn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, nhưng chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông kém, dẫn đến việc vi phạm pháp luật về giao thông xảy ra thường xuyên, trở thành thói quen của nhiều người. Đây là thói quen cần phải lên án, ngăn chặn và xử phạt nghiêm. Xây dựng văn hóa giao thông chính là góp phần xây dựng nhân cách con người trong xã hội văn minh, hiện đại. Văn hóa giao thông phải thật sự trở thành nếp sống, nếp nghĩ của mỗi người khi tham gia giao thông. Điều đó không chỉ trông chờ vào sự tự giác của mỗi người mà còn cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều thói hư, tật xấu khác đã và đang tồn tại trong xã hội như: thói đánh đập vợ con; tình trạng hút thuốc ở nơi công cộng; thói quen uống bia, rượu say xỉn; tệ nạn cờ bạc; thói quan liêu, cửa quyền, hách dịch, tham nhũng, lãng phí; lối sống xa hoa, hưởng thụ, buông thả, đua đòi, trụy lạc...  cần phải bị lên án một cách mạnh mẽ và kiên quyết ngăn chặn, loại bỏ.

Phải có những người làm gương về đạo đức, lối sống. Trong phạm vi gia đình, đó là cha mẹ làm gương cho con cái; trong nhà trường là gương của các thầy, cô giáo đối với học sinh; trong xã hội, thế hệ trước phải làm kiểu mẫu cho thế hệ sau, cấp trên làm gương cho cấp dưới; những người lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu trước cán bộ, nhân viên; cán bộ, đảng viên gương mẫu cho quần chúng noi theo... “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”[8]; “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[9]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tác dụng nêu gương của những người lãnh đạo, quản lý; những người tuyên truyền xây dựng đời sống mới: “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”[10]. Cán bộ, đảng viên và quần chúng không chấp nhận những cán bộ lãnh đạo, quản lý nói nhiều, làm ít, lời nói không đi đôi với việc làm, nói một đằng làm một nẻo. Thói xấu đó chẳng những làm cho các nghị quyết, chỉ thị, pháp luật của Đảng và Nhà nước không trở thành hiện thực mà còn làm giảm niềm tin của quần chúng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. 

Xây dựng đời sống mới, thuần phong mỹ tục phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, tạo thành những phong trào thi đua sâu rộng trong nhân dân, trong mỗi ngành, mỗi giới, đem lại hiệu quả thiết thực. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về nếp sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Nếp sống đó không chỉ có ở Người khi hoạt động cách mạng bí mật, gian khổ, hiểm nguy mà còn giữ nguyên vẹn khi Người ở cương vị Chủ tịch nước. Tuy không có nhiều thời gian ngồi trên ghế nhà trường, nhưng để bù vào sự thiếu hụt đó, Người đã suốt đời cố gắng tự học. Theo Người, học ở trường lớp chỉ là một phần, còn phần chủ yếu là phải học trong lao động, trong công tác, trong hoạt động thực tiễn. Năm 1961, trong lần về thăm quê hương Nghệ Tĩnh, nói chuyện với những cán bộ, đảng viên hoat động lâu năm, Người tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”[11]. Năm 1966, nói chuyện với lớp huấn luyện đảng viên mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Người đã nhấn mạnh quan điểm học tập suốt đời, phê phán nhận thức không đúng của một số đảng viên mới 40 tuổi đã cho mình là già, không chịu học tập: “Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”[12]. Lênin khuyên chúng ta: “Học, học nữa, học mãi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một tấm gương về chăm lo, rèn luyện sức khỏe. Sau cách mạng, tại Bắc Bộ phủ, sáng nào Người cũng dậy sớm cùng anh em trong đội bảo vệ tập thể dục, tập quyền. Người kêu gọi đồng bào cả nước tập thể dục, coi đó là bổn phận của mỗi một người yêu nước. “Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”[13].

Tập một thói quen tốt cũng như từ bỏ một thói quen xấu không phải là điều dễ dàng, phải có ý chí và sự kiên trì. Chúng ta có thể học được ở Chủ tịch Hồ Chí Minh thái độ và quyết tâm trong việc từ bỏ một thói quen. Ai cũng biết Người có một thói quen hút thuốc lá. Người cũng nhận mình có thói quen xấu đó và đã từng khuyên thanh niên Việt Nam đừng có học Bác điều này. Từ năm 1966, sức khỏe của Người không được tốt, theo lời khuyên của các bác sĩ nên bỏ thuốc lá và Người đã có kế hoạch “cai thuốc lá” cho mình. Người nói: Bác hút thuốc từ lúc còn trẻ, nay đã thành thói quen, bỏ thì tốt, nhưng không dễ, các chú phải giúp Bác bỏ tật xấu này. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường chỉ uống một ly rượu thuốc trong bữa ăn. Khi bỏ thuốc, Người cũng thôi uống rượu. Tháng 3/1968, Người có bài thơ để ghi nhận niềm vui này:

KHÔNG ĐỀ

Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm

Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần

Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn

Một năm là cả bốn mùa Xuân[14].

Sửa đổi, từ bỏ những thói quen xấu, tạo nên những thói quen tốt là một “cuộc chiến đấu khổng lồ”, đầy khó khăn, gian khổ, nhưng cũng đầy vinh quang, hạnh phúc. Khó nhưng không thể không làm. Có ý chí, có quyết tâm thì nhất định làm được. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhận thức sâu sắc lời căn dặn của Người: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết... thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”[15].

Ghi chú:

[1], [3], [5], [6], [7], [8], [10], [15] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.1995, tr.94-95; tr.107; tr.109; tr.95; tr.110; tr.108; tr.108; tr.254.

[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 9, Sđd, tr.283. 

[4] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 8, Sđd, tr.493.

[9], [12], [14] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Sđd, tr.558; tr.92; tr.341.

[11] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 10, Sđd, tr.465.

[13] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Sđd, tr.212.

ThS. Nguyễn Mậu Linh Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III

Video liên quan

Chủ Đề