Lý thuyết về cấu trúc văn hóa của levy strauss năm 2024

Bài báo này là bản ghi lại một bài giảng của C. Levi-Strauss bằng tiếng Anh tại Hoa Kỳ vào năm 1972 cho sinh viên tại Đại học Barnard. Ấn bản đầu tiên: Structuralism and Ecology: Geedersleeve lecture, delivered at Barnard College, March 28 // Barnard Alumnae, Spring 1972, p. 6—14. Tái bản năm 1973 (bằng tiếng Anh) tại Paris; bản dịch sang tiếng Pháp được Lévi-Strauss đưa vào tuyển tập các bài báo Le regard eloigne. Paris: Plon, 1983.

Bản dịch này bỏ qua trang đầu tiên của bài báo, có tính chất giới thiệu bài giảng. Về tư liệu, bài viết có những điểm giao thoa với tác phẩm ” La Voie des Masques The Way of The Mask ” (xuất bản 1975), và về vấn đề thì rất gần với “La Pansee sauvage” – liên quan đến “những yếu tố giới hạn (restreints) của tâm trí.”

Tất cả những ví dụ này cho thấy hai loại thuyết tất định mà tôi đã đề cập được thể hiện như thế nào: một cái được áp đặt lên tư duy thần thoại bởi những yếu tố giới hạn liên quan chặt chẽ với môi trường cụ thể; cái kia là bắt nguồn từ những yếu tố giới hạn ổn định của trí óc, không phụ thuộc vào môi trường. Một sự tương tác như vậy sẽ khó hiểu, nếu như mối quan hệ của con người với môi trường và với những yếu tố giới hạn vốn có trong tâm trí lại nảy sinh từ những trật tự riêng biệt không thể cưỡng lại. Đã đến lúc cần xem xét những yếu tố giới hạn của trí óc này, mà ảnh hưởng bao trùm của chúng dẫn đến giả định rằng chúng có cơ sở tự nhiên. Bằng không, thì chúng ta có nguy cơ rơi vào bẫy của thuyết nhị nguyên triết học cũ. Mong muốn xác định bản chất sinh học của con người bằng ngôn ngữ giải phẫu và sinh lý học không làm thay đổi thực tế rằng bản chất cơ thể của anh ta cũng là một môi trường, mà con người thực hiện khả năng của mình trong đó; cái môi trường hữu cơ này gắn chặt với môi trường vật lý đến nỗi một người chỉ hiểu được cái thứ hai thông qua cái thứ nhất. Như vậy, phải tồn tại sự tương đồng nhất định giữa các dữ liệu giác quan và quá trình xử lý chúng trong não – là phương tiện của sự lĩnh hội này – và bản thân thế giới vật lý.

Bản chất của những gì tôi đang cố gắng xác định có thể được minh họa bằng cách đề cập đến sự khác biệt trong ngôn ngữ học giữa cấp độ “etic” và “emic”. Những thuật ngữ tiện lợi này, bắt nguồn từ phonetic và phonemic, chỉ định hai cách tiếp cận bổ sung lẫn nhau cho các âm thanh ngôn ngữ: hoặc cách chúng được cảm nhận (hay đúng hơn là được cho là cảm nhận) bằng tai, thậm chí với sự trợ giúp của các phương tiện âm thanh, hoặc cách chúng được phát hiện sau khi được mô tả và phân tích, chuyển từ vật liệu âm thanh thô vào sâu đến các đơn vị hình thành nên nó. Nhà nhân học, theo gương nhà ngôn ngữ học, tìm cách nâng cao các hệ tư tưởng thực nghiệm lên sự tương tác của các đối lập nhị phân và các quy tắc của biến đổi.

Mặc dù, một sự khác biệt như vậy, có thể thực sự tồn tại, là rất thuận tiện, nhưng sẽ là sai lầm nếu đẩy nó đi quá xa và cho nó một trạng thái khách quan. Công trình của nhà tâm lý học thần kinh người Nga A. R. Luria (1976) [3] đã thành công trong việc mang lại cho chúng ta ý thức rằng ngôn ngữ nói không được xây dựng từ các âm thanh. Ông đã chỉ ra rằng các cơ chế của não chịu trách nhiệm nhận thức tiếng ồn và âm thanh âm nhạc hoàn toàn khác biệt với các cơ chế cho phép chúng ta nhận thức cái gọi là các âm thanh của ngôn ngữ; và tổn thương thùy thái dương bên trái làm mất khả năng phân tích âm vị, nhưng lại không ảnh hưởng đến thính giác âm nhạc. Để giải thích nghịch lý rõ ràng này, người ta phải thừa nhận rằng bộ não, khi chú ý về ngôn ngữ, không để ý các âm thanh, mà là các nét khác biệt. Hơn nữa, những nét như vậy vừa logic lại vừa mang tính thực nghiệm, bởi vì chúng được ghi lại trên màn hình bằng các thiết bị âm thanh mà không thể bị nghi ngờ là theo chủ nghĩa tâm thần (mentalism) hay chủ nghĩa duy tâm nào đó. Suy ra, chỉ có cấp độ thực sự “etic” mới là cấp độ “emic”.

Các nghiên cứu hiện đại về các cơ chế của thị giác cũng đưa ra những kết luận tương tự. Mắt không đơn giản là chụp ảnh các vật thể: nó còn mã hóa các đặc điểm riêng biệt của chúng. Các đặc điểm này không bao gồm những phẩm chất mà ta gán cho những thứ xung quanh ta, mà ở tổng thể các mối liên hệ. Ở động vật có vú, các tế bào chuyên biệt trong vỏ não thực hiện một kiểu phân tích cấu trúc mà ở các họ động vật khác thì lại được thực hiện hay thậm chí hoàn tất bởi các tế bào ở võng mạc và hạch. Mỗi tế bào – của võng mạc, hạch hay não – chỉ phản ứng với các kích thích thuộc một loại nhất định: với sự tương phản giữa chuyển động và tĩnh lặng; sự hiện diện hay vắng mặt của màu sắc; thay đổi độ đậm nhạt; với các đối tượng mà đường viền của nó bị bóp méo tích cực hoặc tiêu cực; với hướng chuyển động – thẳng hay sang ngang, từ phải sang trái hay ngược lại, ngang hoặc dọc; v.v. Sau khi nhận được tất cả thông tin này, bộ não, có thể nói, sẽ tái tạo các đối tượng mà trong thực tế không được nhận thức như vậy. Chức năng phân tích của võng mạc chủ yếu chiếm ưu thế ở các loài không có vỏ não, chẳng hạn như ếch; nhưng ở sóc cũng vậy. Còn trong số các động vật có vú bậc cao, mà bộ não đảm nhận chức năng phân tích, thì các tế bào vỏ não chỉ thu thập những hoạt động đã được các cơ quan giác quan ghi nhận. Có mọi lý do để tin rằng cơ chế mã hóa và giải mã, truyền các dữ liệu nhận được bằng một số bộ điều biến (modulator), được ghi trong hệ thần kinh dưới dạng đối lập nhị phân, cũng tồn tại ở con người. Do đó, dữ liệu trực tiếp được tiếp nhận qua giác quan không phải là nguyên liệu thô – một thực tại “etic” mà, nghiêm ngặt mà nói, là không tồn tại; ngay từ đầu chúng đã là những trừu tượng hóa mang tính phân biệt của thực tại, và do đó thuộc về cấp độ “emic”.

Nếu chúng ta khăng khăng gắn với sự phân biệt “etic” / “emic”, thì chúng ta sẽ phải thay đổi ý nghĩa thường được gán cho các thuật ngữ này. Mức độ “etic” được chấp nhận là thực tế duy nhất bởi các tác giả được giáo dục theo tinh thần của chủ nghĩa duy vật cơ giới và triết học duy cảm, và nó được rút gọn thành một hình ảnh ngẫu nhiên và thoáng qua – cái mà chúng ta gọi là tạo tác (artifact). Mặt khác, chính là ở cấp độ “emic”, mà cả hoạt động tri giác lẫn hoạt động trí tuệ cao hơn của trí não có thể gặp nhau và, khi hòa quyện, có thể thể hiện sự tuân thủ chung của chúng đối với bản chất của bản thân thực tại. Sự sắp xếp cấu trúc không phải là sản phẩm thuần túy của các hoạt động trí óc; các cơ quan cảm giác cũng hoạt động theo cấu trúc; và bên ngoài chúng ta có những cấu trúc tương tự trong các nguyên tử, phân tử, tế bào và cơ quan sinh học. Vì những cấu trúc này, đồng thời bên trong và bên ngoài, không thể chạm đến ở cấp độ “etic”, nên từ đó suy ra rằng, bản chất của sự vật là “emic” chứ không phải “etic”, và chỉ duy nhất cách tiếp cận “emic” đưa chúng ta đến gần nó hơn. Khi trí óc xử lý những dữ liệu thực nghiệm đã được các giác quan xử lý trước đó, nó tiếp tục xử lý một cách cấu trúc những nguyên vật liệu mà nó nhận được ở dạng cấu trúc hóa.[4]” Và nó chỉ có thể làm được điều này nếu trí óc, cơ thể chứa trí óc, và những đồ vật được tri giác bởi cơ thể và trí óc, là phần không thể thiếu của cùng một thực tại.

Nếu lý thuyết hóa học lập thể về mùi do John E. Amoore (1970) phát triển là đúng, thì sự đa dạng về chất, mà – ở cấp độ cảm quan – không thể được phân tích hoặc thậm chí được mô tả đầy đủ, lại có thể được quy về sự khác biệt giữa các đặc tính hình học của các phân tử có mùi thơm. Hãy để tôi thêm một ví dụ nữa: Brent Berlin và Paul Kay, trong cuốn sách quan trọng của họ Các thuật ngữ cơ bản về màu sắc (1969), theo ý kiến ​​của tôi, không nên đánh đồng giữa sự đối lập của màu trắng và màu đen và sự đối lập của phụ âm và nguyên âm. Thật vậy, các bản đồ não của hệ thống thị giác và thính giác, mỗi hệ thống theo cách riêng của chúng, dường như nằm trong tương đồng rộng hơn với hệ thống các phụ âm và nguyên âm. Sử dụng công trình của Wolfgang Köhler (1910-1915) và Karl Stumpf (1926), Roman Jakobson đã chỉ ra rằng, sự đối lập của tối và sáng tương ứng với các âm vị p và t mà, theo quan điểm ngữ âm, đối lập với nhau như tù và nhọn, còn trong hệ thống nguyên âm, đối lập này chuyển thành u và i. Hai âm vị chính này đối lập với âm vị thứ ba – a; và nó, mang tính màu sắc mạnh hơn – “ít nhạy cảm hơn với sự đối lập của sáng và tối” – như Jakobson (1962, trang 324) nói – tương ứng với màu đỏ, mà tên của nó, theo Berlin và Kay, theo ngay sau tên gọi cho màu đen và trắng ở trong ngôn ngữ. Bắt chước các nhà vật lý, Berlin và Kay phân biệt ba chiều của màu sắc – bóng màu (hue), độ bão hòa (saturation) và giá trị (độ sáng). Bằng cách đó ta nhấn mạnh rằng, tam giác ban đầu, bao gồm trắng, đen, đỏ, khi được so sánh với các tam giác từ phụ âm và nguyên âm, được so sánh với hai tam giác ngôn ngữ – trong chừng mực không cái nào trong số đó yêu cầu bóng màu (hue), là phép đo có tính “etic” nhất trong ba cái (theo nghĩa là bóng màu có thể được xác định chỉ bằng tiêu chí factual: bước sóng ánh sáng). Ngược lại, khi nói về một màu sắc, rằng nó bão hòa hay không bão hòa, rằng nó có độ sáng tối hay sáng nhạt, người ta phải xem xét điều này trong mối quan hệ với một màu khác: tri giác về một liên kết, một hành động logic, đi trước nhận thức của cá nhân về đối tượng [5]. Nhưng vị trí của màu đỏ trong tam giác màu cơ bản không bao gồm bóng màu; màu đỏ chỉ đơn giản là được đặt trên rìa của trục, mà các cực của nó được xác định tương ứng bởi sự hiện diện hoặc vắng mặt của sắc độ (chromatism), đặc trưng cho toàn bộ trục của màu trắng và màu đen. Do đó, luôn có thể xác định độ bão hòa của một màu hoặc độ sáng của nó bằng cách sử dụng các phép đối lập nhị phân, bằng cách đặt ra câu hỏi – trong tương đối với một màu khác, mà bóng màu của nó không cần xác định nữa – thì có hay không có đặc tính đó. Và ở đây, những sự phức tạp của tri giác bằng giác quan gợi ý đến một cấu trúc đơn giản và logic nằm ở nền tảng.

Chỉ có sự hợp tác chặt chẽ giữa khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn mới có thể bác bỏ chủ nghĩa nhị nguyên triết học lỗi thời. Thay vì đối nghịch giữa lý tưởng và hiện thực, trừu tượng và cụ thể, “emic” và “etic”, người ta sẽ nhận ra rằng, các dữ liệu tức thời của tri giác không thể được rút gọn đến bất kỳ thuật ngữ nào trong số chúng, không nằm ở chỗ này hoặc chỗ kia: nói cách khác, các dữ liệu đã được mã hóa bởi các cơ quan cảm giác cũng tốt như bởi bộ não, ở dạng văn bản, mà giống như bất kỳ văn bản nào, phải được giải mã theo cách để nó có thể được dịch sang ngôn ngữ của các văn bản khác. Hơn nữa, các quá trình hóa lý mà nhờ đó văn bản gốc này được mã hóa ban đầu, về căn bản không khác với các quy trình phân tích mà trí óc sử dụng trong việc giải mã. Các cách thức và phương tiện hiểu biết không phải là riêng có của hoạt động trí tuệ cao nhất, vì sự hiểu biết được cho là hoạt động của các quá trình trí tuệ, đã được thực hiện ngay trong chính các cơ quan cảm giác.

Chủ nghĩa duy vật thô tục và chủ nghĩa kinh nghiệm duy cảm đặt con người mâu thuẫn trực diện với thiên nhiên, mà không hiểu rằng thiên nhiên có những đặc tính cấu trúc, mặc dù chắc chắn là phong phú hơn, nhưng không khác biệt đáng kể với những mật mã mà nhờ đó hệ thần kinh giải mã chúng, hoặc khác biệt với những phạm trù do trí óc phát triển để quay trở lại cấu trúc ban đầu của thực tại. Việc ai đó thừa nhận rằng, trí óc chỉ có thể hiểu được thế giới bởi vì bản thân trí óc là một phần và sản phẩm của thế giới này, không có nghĩa là người đó là một nhà tinh thần (mentalist) hay một nhà duy tâm. Có một điều được khẳng định hàng ngày là, khi tìm cách hiểu thế giới, trí óc hoạt động theo những cách thức có vẻ như không khác gì với những cách thức đã có trên thế giới kể từ thời sơ khai.

Những người theo chủ nghĩa cấu trúc thường bị buộc tội chơi đùa với những điều trừu tượng không liên quan gì đến thực tại. Tôi đã cố gắng chứng tỏ rằng, khác xa với trò giải trí của những trí thức sành sỏi, việc phân tích cấu trúc, thâm nhập vào bên trong, đạt đến sợ hiểu biết chỉ bởi vì mô hình của nó đã tồn tại bên trong cơ thể [6]. Ngay từ đầu, tri giác thị giác đã dựa trên các đối lập nhị phân; và các nhà thần kinh học có lẽ nên đồng ý rằng, điều này cũng đúng với các vùng hoạt động khác của não. Đi theo con đường mà đôi khi bị cáo buộc sai là trí tuệ quá mức, cấu trúc luận khám phá và giúp mọi người nhận thức được những chân lý sâu hơn, vốn đã có sẵn trong chính cơ thể ở dạng ẩn; nó dung hòa vật chất và tinh thần, tự nhiên và con người, trí óc và thế giới, và hướng đến dạng duy nhất của chủ nghĩa duy vật, phù hợp với sự phát triển thực tế của tri thức khoa học. Không gì có thể ra xa khỏi Hegel hay thậm chí Descartes, người mà chúng ta vừa tìm cách khắc phục chủ nghĩa nhị nguyên của họ, đồng thời lại duy trì sự tuân thủ của họ với chủ nghĩa duy lý (rationalism).

Có ảo tưởng rằng, chỉ những người suốt ngày thực hành phân tích cấu trúc mới có thể nắm bắt rõ ràng hướng đi và giới hạn của hoạt động của mình: nói cách khác, kết hợp các quan điểm mà những người theo đuổi phương pháp tiếp cận khoa học hạn hẹp trong vài thế kỷ qua coi là không tương thích – sự nhạy cảm và trí thông minh, chất lượng và số lượng, cụ thể-có thật và hình học, hay, như chúng ta đang nói ở đây, ‘etic’ và ’emic’. Ngay cả những sáng tạo hệ tư tưởng, có cấu trúc rất trừu tượng (bất cứ thứ gì có thể được gộp lại dưới chủ đề “thần thoại”) và, dường như, do trí óc phát triển ra không phụ thuộc quá mức vào những yếu tố hạn chế của cơ sở hạ tầng kinh tế – kỹ thuật, vẫn nằm ngoài mô tả và phân tích, nếu như không có sự chú ý kỹ lưỡng đến các điều kiện môi trường và những phương cách khác nhau mà mỗi nền văn hóa phản ứng với môi trường tự nhiên của nó. Chỉ có một sự tôn kính gần như nô lệ đối với thực tại cụ thể nhất mới có thể truyền cho chúng ta niềm tin rằng trí óc và cơ thể không hề mất đi sự thống nhất cổ xưa của chúng. Cấu trúc luận cũng nhận thức được những hoàn cảnh khác, ít lý thuyết hơn và nhiều thực tế hơn, để biện minh cho nó. Cái gọi là những nền văn hóa nguyên thủy, được các nhà nhân học nghiên cứu, dạy ta bài học rằng thực tại có thể có ý nghĩa cả ở cấp độ tri thức khoa học và cấp độ tri giác bằng giác quan. Những nền văn hóa này khuyến khích chúng ta rằng, để phủ định cái lỗ hổng giữa thứ có thể hiểu được và thứ có thể cảm được, được tuyên bố bởi kinh nghiệm luận (empirism) và cơ học luận (mechanicism) lỗi thời, và khám phá sự hài hòa bí mật giữa cuộc tìm kiếm vĩnh cửu của nhân loại về ý nghĩa cuộc sống và thế giới, nơi chúng ta xuất hiện và đang tiếp tục sống – một thế giới được xây dựng nên từ các hình dạng, màu sắc, độ dài của vải vóc, vị và mùi. Cấu trúc luận dạy chúng ta yêu và tôn trọng thiên nhiên và các sinh vật sống trong đó nhiều hơn, hiểu rằng thực vật và động vật, cho dù chúng có khiêm tốn đến đâu, không chỉ cung cấp cho con người sinh kế, mà ngay từ khởi đầu còn là nguồn gốc của cảm xúc thẩm mỹ mạnh nhất của họ, và trong khía cạnh trí tuệ và đạo đức – là nguồn gốc của những suy tư sâu sắc đầu tiên và sau đó.

Tham khảo

  1. Amoore John Е. Molecular basis of odor. Spriengfield. 111. 1970.
  2. Berlin Brent, Kay Paul. Basic color terms: Their universality and evolution. Berkeley, 1969.
  3. Jakobson Roman. Selected writings. Vol. 1. Gravenhage, 1962.
  4. Kohler Wolfgang. Akustische Untersuchungen // Zeitschrift fur Psychologie. Leipzig, 1910—1915.
  5. Levi-Strauss С. La pensee sauvage. Paris, 1962.
  6. Luria A. R. Basic problems of neurolinguistios. The Hague, 1976.
  7. Stumpf Karl. Die Sprachlante. Berlin, 1926.
  8. Teit James A. The Shuswap // Publications of the Jesup North Pacific Expedition. N 2. Part 7. New York, 1909.

[3]. Luria A. R. (1902-1977) – Nhà tâm lý học người Nga, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, cộng sự của L. S. Vygotsky trong việc nghiên cứu về sự hình thành của các chức năng tâm thần bậc cao. Các nghiên cứu tâm lý thực nghiệm và lý thuyết của ông về sự định vị của não đối với các chức năng tâm thần (dựa trên nghiên cứu về rối loạn chức năng trong tổn thương não) đã đặt nền móng cho tâm lý học thần kinh (neuropsychology).

[4]. “Структуральный” / “структурный”, методологически важное различие, здесь использовано автором для различения понятийного и чувственного уровней познания.

[5]. “… tri giác về sự kết nối, một hành động logic, có trước nhận thức về các đối tượng” – lặp lại phương pháp tiếp cận tri giác của các nhà tâm lý học nổi tiếng, các chuyên gia về nhận thức luận Jean Piaget và Jerome Bruner.

[6]. Nguyên văn “in the body”. Ở đây tác giả chơi chữ, vì “in a body” nghĩa là “đầy đủ các thành phần”, và tác giả dường như kéo cơ thể con người lại gần với thiên nhiên bên ngoài trí óc, và ám chỉ cùng lúc cả hai giá trị đó. (ND tiếng Nga)