Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến môn Tiếng Anh

Theo cô Kim, giáo viên làm tốt 7 biện pháp trọng tâm sau nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh.

Thứ nhất, chú trọng việc rà soát, phân tích kết quả học tập, tăng cường hỗ trợ học sinh yếu kém.

Theo cô Kim, sau mỗi giai đoạn kiểm tra đánh giá, giáo viên cần phân tích thật đầy đủ kết quả đạt được của học sinh. Cần so sánh kết quả của học sinh trong cùng lớp, học sinh giữa các lớp với nhau.

Từ đó, phân nhóm học sinh để có những giải pháp bồi dưỡng hợp lý. Giáo viên phải giúp học sinh xóa bỏ cảm giác lo lắng tự ti khi học ngoại ngữ bằng cách không ngừng tìm ra các giải pháp để làm cho môn học hấp dẫn lý thú.

"Việc tổ chức phụ đạo, giao bài tập cho học sinh cần đảm bảo tính vừa sức, tránh giao việc quá tải, quá khó sẽ tạo ra cảm giác chán nản tự ti. Cần khen thưởng động viên kịp thời các cố gắng dù rất nhỏ của học sinh" - cô Kim trao đổi.

Cũng theo cô Kim, bên cạnh củng cố về kiến thức, giáo viên phải tăng cường thiết kế các hoạt động thiết thực tạo điều kiện cho học sinh nghe và nói tiếng Anh. Thông qua các hoạt động trên, học sinh có cơ hội sử dụng những kiến thức của mình trong giao tiếp và các em sẽ phát hiện ra hứng thú khi có thể sử dụng những kiến thức mình có được trong giao tiếp thực tế bằng tiếng Anh.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ học sinh nòng cốt làm nền tảng giúp đỡ và tuyên truyền tinh thần học tập cho học sinh toàn trường.

Cụ thể, giáo viên cần vận động thành lập và bồi dưỡng các em học sinh có năng khiếu về ngoại ngữ. Việc làm trên cần thực hiện theo hai mục tiêu: một là, đào tạo các em học sinh gỏi để tham gia các cuộc thi cấp tỉnh và quốc gia. Hai là, mạnh dạn đăng ký thực hiện lớp tiếng Anh thí điểm để có một nhóm học sinh nòng cốt.

Qua đó nhằm giúp các em thể hiện được thế mạnh của mình và đã tạo được niềm tin về lợi ích của việc học ngoại ngữ cho tất cả các em học sinh khác.

Đồng thời giúp các em thể hiện sự tự tin khi phát biểu, có khả năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh, hình thành các kỹ năng khác như: Thiết kế và sử dụng power point, thuyết trình trước đám đông, dần dần hình thành cho các em niềm tin rằng, học sinh vùng sâu cũng có thể nói tiếng Anh giỏi.

Thứ ba, xây dựng, chọn lọc nguồn tư liệu phục vụ giảng dạy.

Về vấn đề, cô Kim cho biết: Tài liệu dành cho môn tiếng Anh rất phong phú, đa dạng. Chính vì thế, ngoài sách giáo khoa, giáo viên cần tích cực tìm và chọn lọc các tư liệu từ nhiều nguồn như: Tìm qua mạng các tài liệu hay của các trường trên cả nước; thu thập có hệ thống từ các hội thảo tập huấn chuyên môn.

Tổ chuyên môn cần biên tập đề cương, xác định những yêu cầu trọng tâm của chương trình sao cho đảm bảo yêu cầu chương trình nhưng phù hợp với năng lực học sinh tại đơn vị.

Ngoài ra, giáo viên cũng đưa công nghệ thông tin vào việc giảng dạy nhiều hơn, ngoài việc thực hiện các tiết dạy trên lớp, giáo viên thành lập địa chỉ mail chung để phân công bài tập hoặc nhận bài làm của các em.

Giáo viên giới thiệu các chương trình hoặc trang web để các em nghiên cứu thêm và tự học. Nếu việc tổ chức các hoạt động của giáo viên hợp lý, khoa học và có kiểm tra, học sinh sẽ tham gia một cách nhiệt tình. Cũng thông qua các hoạt động tự học này, giáo viên sẽ phát hiện ra những em có khả năng tốt và giúp các em phát huy khả năng của mình.

Thứ tư, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh trong và ngoài đơn vị.

Tổ chức tốt việc dự giờ, đánh giá tiết dạy, phân tích đầy đủ ưu điểm và hạn chế các tiết thao giảng. Tại các cuộc họp chuyên môn, giáo viên tập trung bàn các giải pháp cải tiến nâng cao hiệu quả giảng dạy theo từng bài, từng tiết.

Thứ năm, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoa, giúp học sinh có cơ hội sử dụng tiếng Anh trong môi trường tập thể.

Theo cô Kim, hoạt động ngoại khóa giúp các em vượt qua cảm giác ngại nói tiếng Anh. Hoạt động này được tổ chức, tư vấn bởi giáo viên và sự động viên cổ vũ của bạn bè. Thông qua hoạt động ngoại khóa, các em thấy tự tin hơn và cảm nhận rằng mình hoàn toàn có thể nói tiếng Anh.

"Hoạt động ngoại khóa cũng giúp giáo viên tìm ra được học sinh có năng khiếu bộ môn để rèn luyện và bồi dưỡng tuyển chọn cho các kỳ thi học sinh giỏi, hùng biện, Olympic... Từ đó hạt nhân cho bộ môn và những học sinh này có thể giúp đỡ và hỗ trợ rèn luyện cho các học sinh khác để giúp nhà trường gây dựng phong trào thực hành tiếng Anh" - cô Kim trao đổi.

Thứ sáu, thường xuyên tổ chức các kỳ thi nghe nói để các em có động cơ rèn luyện và học tiếng Anh.

Qua thực tiễn 3 năm tổ chức kỳ thi nghe nói tiếng Anh đã giúp nhiều học sinh vượt qua cảm giác tự ti trong giao tiếp bằng tiếng Ánh. Do thiếu môi trường thực hành giao tiếp bằng ngoại ngữ nên đa số học sinh không áp dụng được kiến thức đã học và không có cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh.

Thông qua kỳ thi nghe - nói tập trung, học sinh có cơ hội trao đổi, chia sẻ về các chủ đề gần gũi với cuộc sống. Chính vì thế các em tăng cường tìm hiểu, rèn luyện.

Sau mỗi lần tham dự cuộc thi này, nhiều học sinh đã tiến bộ hẳn vì cảm thấy mình hoàn toàn có thể nói được tiếng Anh, thậm chí các em có thể đáp ứng được giao tiếp thông thường bằng tiếng Anh.

Thứ bảy, giáo viên cần tìm ra cách dạy tiếng Anh dễ nhớ, thiết kế các hoạt động bổ ích và sinh động nhằm giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và nhẹ nhàng.

Việc tìm ra những quy tắc giúp học sinh dễ ghi nhớ bài học, ghi nhớ từ vựng sẽ giúp các em bớt nhọc nhằn trong việc học tiếng Anh. Những câu vè, những hình ảnh liên hệ, sự tương đồng về âm thanh trong tiếng Việt và tiếng Anh sẽ giúp học sinh hứng thú tìm hiểu và tích cực ghi nhớ. Các em sẽ không cảm thấy học tiếng Anh là việc hết sức khó khăn và vất vả.

Theo kinh nghiệm của cô Kim, giáo viên có thể sử dụng 10 phút đầu giờ để giúp học sinh thực hành nói tiếng Anh thay vì kiểm tra bài cũ bằng những công thức khô khan và khó nhớ.

VD: Khi bài học 12 của chương trình lớp 10, giáo viên có thể cho học sinh nói tiếng Anh về chủ đề âm nhạc. Để nhiều học sinh có cơ hội nói tiếng Anh và học được nhiều cấu trúc ngữ pháp, từ vựng, giáo viên đặt câu hỏi và yêu cầu mỗi học sinh phải lời bằng một phương án khác nhau, câu trả lời không được trùng nhau, học sinh trả lời sẽ ít bị trùng ý và sẽ không bị phạt.

Học sinh sẽ trả lời cho đến khi các em không tìm ra từ vựng để trả lời cho câu hỏi đó. Thông qua mỗi câu hỏi, tất cả học sinh trong lớp sẽ được nhiều từ vựng từ bạn bè.

Câu trả lời hay sẽ được thưởng. Nếu áp dụng tốt cho nhiều tiết học, giáo viên sẽ rèn luyện dần cho học sinh nói tiếng Anh chứ không tiết speaking. Cách làm này sẽ giúp học sinh yêu thích môn tiếng Anh và góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn này.

"Tiếng Anh là môn đòi hỏi khả năng thiết kế hoạt động và điều khiển tiết dạy của người thầy. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy và đổi mới kiểm tra đánh giá cũng góp phần rất lớn trong việc động viên tinh thần học ngoại ngữ của các em. Giáo viên giảm đi sự khô cứng trong tiết dạy và thay vào bằng các hoạt động giúp các em hứng thú, tự tin hơn.

Thay vì các em phải trả bài những từ vựng riêng rẽ, những công thức khô cứng thì các em có thể thể hiện một bài hát tiếng Anh, cùng các bạn diễn một vở kịch ngắn, nói một đoạn hội thoại trước cả lớp, không khí lớp học vui tươi và cá em rất sẵn sàng thể hiện niềm yêu thích của mình".

Cô Trương Mi Kim - Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ Trường THPT Tháp Mười.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh trong trường THCS

I. PHẦN MỞ ĐẦU:

1. Lý do:

Lịch sử và nhân loại đã chứng minh rằng mục tiêu của giáo dục đào tạo bao giờ cũng gắn liền với mục tiêu phát triển của xã hội. Mỗi thời kì lịch sử đều có một mục tiêu giáo dục khác nhau, phù hợp với sự phát triển của xã hội giai đoạn đó.

Trong giai đoạn hiện nay, sự giao lưu và hợp tác giữa các Quốc gia trong quá trình phát triển khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ hiện đại đã làm cho các Quốc gia xích lại gần nhau, xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ. Đảng ta chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập Quốc tế.

Mục tiêu chiến lược của ngoại ngữ gắn chặt với những mục tiêu lớn của giáo dục và đào tạo, được xác định trên ba bình diện: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.  Ngoại ngữ nói chung và Tiếng Anh nói riêng có vai trò và vị trí quan trọng trong sự nghiệp giáo dục đào tạo và trong sự phát triển của đất nước. Trong đề án dạy học ngoại ngữ đến năm 2020, mục tiêu đặt ra: “ Đến năm 2020 đa số thanh niên tốt nghiệp Trung cấp, Cao đẳng, Đại học đều sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập, tự tin khi giao tiếp, học tập và làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ thành thế mạnh khi tham gia thị trường lao động trong và ngoài nước”.

Ngày nay, chúng ta đã thấy rõ rằng ngoại ngữ là yếu tố đặt biệt góp phần phát triển khả năng của mọi dân tộc. Cùng với sự phát triển vũ bảo của cuộc “Cách mạng khoa học-công nghệ”, chiến lược phát triển ngoại ngữ đã trở thành bộ phận tất yếu của chiến lược con người cho tương lai ở mọi Quốc gia. Ngoại ngữ tạo điều kiện để cho các dân tộc trên thế giới ngày càng hiểu và xích lại gần nhau hơn. Chúng ta đang sống và làm việc trong một thế giới phong phú, đa dạng về ngôn ngữ, điều này đòi hỏi mỗi người phải học hỏi và khám phá. Học ngôn ngữ là hình thành một công cụ giao tiếp mới để trao đổi những tri thức khoa học, kiến thức tiên tiến, tìm hiểu các nền nếp văn hóa, quá đó góp phần tạo dựng sự hiểu biết lẫn nhau, hình thành ý thức công dân toàn cầu, góp phần vào việc phát triển phẩm chất và năng lực cá nhân. Thông qua việc học ngôn ngữ và tìm hiểu về nền kinh tế khác nhau, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về ngôn ngữ và nền văn hóa của dân tộc mình.

Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, phải tìm ra con đường sáng tạo để có thể hội nhập vào khu vực và thế giới, nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển đất nước trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin. Với bối cảnh đó, ngoại ngữ đã có một vai trò, vị trí mới về chất:

- Thực sự trở thành công cụ giao tiếp cần thiết, phương tiện thông tin nhạy bén và phong phú.

- Được nâng lên như vai trò của một năng lực phẩm chất cần thiết về nhân cách của con người Việt Nam hiện đại.

Việc dạy học môn Tiếng Anh ở trường THCS đang được quan tâm đúng mức, song còn nhiều vấn đề để bàn về nhận thức, về CSVC, đội ngũ nhà giáo, phương pháp dạy học bộ môn… . Chính bởi lẽ đó, Tiếng Anh luôn được coi là một môn học quan trọng là chìa khóa giúp cho mỗi chúng ta mở rộng cánh cửa tương lai. Xuất phát từ những vấn đề trên cùng với kinh nghiệm trong giảng dạy tôi xin mạnh dạng lựa chọn nghiên cứu và tham gia cuộc thi với đề tài “Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh trong trường THCS”, dưới gốc độ là một giáo viên trong trường học.

2. Điểm mới của đề tài:

Đây là một đề tài hoàn toàn mới, áp dụng đối với công tác dạy và học môn Tiếng Anh trong trường THCS nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn Anh văn.

II. PHẦN NỘI DUNG:

1. Thực trạng: Thực trạng chung về dạy học Tiếng Anh trong trường THCS hiện nay:

Trên thế giới hiện nay Tiếng Anh đã trở thành phương tiện giao tiếp phổ biến và tiện lợi nhất. Việc dạy và học Tiếng Anh ở nhiều nước không còn giới hạn ở độ tuổi từ 11-12 trở lên mà đã mở rộng đến lứa tuổi tiểu học và Mẫu giáo. Ở Việt Nam việc dạy và học môn Tiếng Anh đã được phổ biến. Trước yêu cầu cấp thiết của xu thế hội nhập, Đảng và Nhà nước đã xác định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và đưa môn học Tiếng Anh vào dạy ở trường học như một môn học bắt buộc. Nhìn chung, chất lượng dạy học của giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu nội dung chương trình giảng dạy. Hầu hết giáo viên đều yêu nghề, nhiệt tình trong công tác, có nhiều cố gắng đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với các đối tượng học sinh. Liên tiếp trong nhiều năm qua, ngành giáo dục đã tổ chức các đợt tập huấn thay sách giáo khoa cũng như bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giáo viên Tiếng Anh nên tất cả giáo viên đều được tiếp cận với phương pháp dạy học tích cực, cùng với các thiết bị, đồ dùng dạy học hiện đại đã được trang bị. Khả năng dạy học của giáo viên ngày càng được nâng lên về chất. Về phía học sinh: Tiếng Anh là một môn học khó đối với đa phần học sinh. Song do nhận thức được tầm quan trọng của bộ môn này đối với xã hội, đối với bản thân, các em đã cố gắng nhiều và có thái độ động cơ học tập đúng đắn. Việc học Tiếng Anh ngày càng được sự quan tâm ủng hộ của gia đình và xã hội. Chất lượng học tập đại trà ngày càng được cải thiện rõ rệt. Về CSVS: Một số trường trọng điểm đã xây dựng được phòng học Tiếng Anh riêng, có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại. Tất cả các trường đều đảm bảo thiết bị dạy học theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn Tiếng Anh. Thực tế hiện nay hiệu quả việc dạy và học Tiếng Anh vẫn còn hạn chế, là một vấn đề cần phải tiếp tục suy ngẩm. Tôi xin được ra vài nguyên nhân sau:

- Trước hết về phía người dạy:

Giáo viên tuy có nhiều cố gắng trong việc vận dụng phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hóa các hoạt động của học sinh, nhưng giáo viên chỉ có thể áp dụng đối với một số bài, một số tiết và một số bộ phận học sinh, nguyên nhân một phần là do nội dung sách giáo khoa quá tải, sĩ số học sinh đông trong một lớp, sức học của học sinh còn hạn chế, một phần do một số giáo viên còn ít chịu khó đầu tư vào các tiết dạy, quan tâm tìm tòi những phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh nên chất lượng, hiệu quả dạy và học của bộ môn này chưa thật sự như mong muốn. Qua thanh, kiểm tra, tìm hiểu cho thấy có rất nhiều tiết học học sinh còn thụ động, giờ học ít sinh động mặc dù giáo viên có quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động học tập để phát huy sự hoạt động tích cực, sáng tạo của học sinh. Nhiều hoạt động dạy và học tích cực chỉ mới được sử dụng có tính hình thức, chưa được đầu tư, chuẩn bị đúng mức và triển khai đúng qui trình nên chưa đạt hiệu quả cao. Các đối tượng học sinh yếu kém chưa được quan tâm đúng mức để tạo điều kiện cho các em vươn lên. Một bộ phận giáo viên phát âm Tiếng Anh còn chưa chuẩn xác, sai sót kiến thức cơ bản. Đây là một vấn đề đòi hỏi sự tự bồi dưỡng không ngừng của bản thân mỗi thầy cô giáo vì không thể có một khóa bồi dưỡng ngắn hạn nào có thể giúp giáo viên giải quyết nhược điểm này.

- Về phía học sinh và phụ huynh:

Bên cạnh những học sinh có hứng thú học ngoại ngữ vẫn còn không ít học sinh cảm thấy không thích học hoặc cảm thấy khó khăn trong việc học bộ môn này. Tiếng Anh là môn học bắt buộc cho học sinh các cấp và là môn thi bắt buộc cho học sinh các cấp. Mặc dù là môn học quan trọng, nhưng rất nhiều học sinh vẫn có ý thức học đối phó hoặc chủ quan dẫn đến mất kiến thức cơ bản, học kém do đó không đạt kết quả cao trong học tập. Đa phần học sinh không tiếp cận với sách tham khảo, các phần mềm học tiếng Anh hay Internet để học online, một số do không có điều kiện, một số do gia đình hoặc bản thân của các em không tìm tòi, đầu tư. Chương trình học thì nặng và khô khan nên phần nào gây sự nhàm chán cho học sinh. Sự quan tâm của gia đình còn rất hạn chế. Do đó, chất lượng học đại trà chưa cao. Một bộ phận học sinh không nghiêm túc trong giờ học [nói chuyện, không chú ý nghe thầy cô giảng bài]; bị tác động bởi ngoài xã hội như: trò chơi điện tử, chát…..Học sinh chưa chăm học, chưa có ý thức tự giác trong học tập: như học bài và luyện thực hành ở nhà…… . Một số phụ huynh và học sinh chưa thấy được tầm quan trọng của việc học bộ môn Tiếng Anh nên chưa có đầu tư đúng mức; ít quan tâm đến vấn đề học tập của con em.

2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh trong trường THCS:

2.1. Nâng cao nhận thức và nhiệm vụ triển khai chương trình dạy và học Tiếng Anh cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh. BGH  nhà trường cần triển khai những yêu cầu về việc thực hiện chương trình dạy và học Tiếng Anh đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh trong nhà trường, giúp cho mọi người nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc triển khai dạy và học chương trình này trước mắt và trong tương lai: Học ngôn ngữ Tiếng Anh là hình thành một công cụ giao tiếp mới để trao đổi những tri thức khoa học, để tìm hiểu, tiếp thu những tin hoa văn hóa của nhân loại nhằm thực hiện nhiệm vụ góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. Tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ quốc tế thông dụng nhất trên thế giới hiện nay. Học Tiếng Anh giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, đồng thời là một trong những điểm khởi đầu quan trọng góp phần vào việc hình thành và phát triển các kỹ năng học tập suốt đời, năng lực làm việc trong tương lai và khả năng tham gia các hoạt động văn hóa xã hội, cũng như trang bị các kỹ năng học ngoại ngữ cơ bản để học các ngoại ngữ khác trong tương lai. Ngoài ra còn giúp học sinh hình thành năng lực diễn đạt ý tưởng cá nhân một cách tự tin, độc lập và sáng tạo. Đầu tư cho việc dạy và học môn Tiếng Anh là nhiệm vụ cấp thiết, cần có sự nhận thức đúng đắn của các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh. Nhà trường cần tổ chức học tập, tuyên truyền các văn bản, Nghị quyết……..của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ dạy học môn Tiếng Anh trong nhà trường. Phổ biến, quán triệt đầy đủ các chủ trương, giải pháp giáo dục, những đổi mới về yêu cầu, nội dung, chương trình của cấp trên về môn học đầy đủ, kịp thời đến CB-GV, phụ huynh và học sinh. Cần phân tích rõ thực trạng: Ưu điểm, tồn tại cần khắc phục trong nhà trường. Đồng thời, khẳng định vai trò của nhà trường trong sự phát triển của xã hội, địa phương cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh nhận thấy.

2.2 Phương pháp dạy và học môn Tiếng Anh trong nhà trường THCS:

Mục tiêu , nội dung, chương trình dạy và học Tiếng Anh đã đặt ra những vấn đề mới trong quá trình chỉ đạo phương pháp dạy và học. Nội dung chương trình, trang thiết bị dạy và học, cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, tài liệu tham khảo, phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học…….. đều có mối quan hệ chặt chẽ và chúng quy định lẫn nhau. Đó là những yếu tố không thể thiếu để thực hiện mục tiêu dạy và học Tiếng Anh trong nhà trường. Trên thực tế dạy Tiếng Anh cho bậc THCS còn nặng về phương pháp truyền thống, chú trọng đến vai trò của người thầy hơn là coi người học như trung tâm quá trình dạy và học. Hầu hết các hoạt động học tập thường diễn ra theo kiểu tương tác giữa thầy và trò hơn là giữa trò với trò dưới hình thức luyện tập thực hình theo cặp hoặc nhóm nhỏ. Các loại bài tập mang tính giao tiếp ít được áp dụng với lý do lớp quá đông không thể quán xuyến được. Thường là giáo viên coi trọng việc nhắc đi, nhắc lại, cho học sinh đọc đồng thanh; quá nhấn mạnh kỹ năng đọc, viết ngay từ giai đoạn đầu, không gây hứng thú học tập cho các em mà còn ngược lại. Chính vì vậy, người quản lí chuyên môn cần có những biện pháp cụ thể trong chỉ đạo dạy và học ở bộ môn này. Hiện nay, phong trào thực hiện đổi mới phương pháp dạy học không còn mới đối với giáo viên nữa. Vấn đề trong đổi mới phương pháp dạy học là người giáo viên dạy học môn Tiếng Anh phải làm gì? Làm như thế nào trước đối tượng học sinh của mình, trước những khó khăn cần tháo gỡ để Phương pháp dạy học tích cực thực sự có hiệu quả, không mang tính hình thức. Muốn có phương pháp dạy học tốt cần xác định rõ mục tiêu của Phương pháp dạy học tích cực là phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; bồi dưỡng tự học, tự rèn kỹ năng vận dụng thực hành của học sinh; thực hiện tốt vai trò tổ chức, hướng dẫn học sinh thực hiện tốt nhiệm vụ học tập của người giáo viên trong các giờ học trên lớp.

a. Dạy học môn Tiếng anh cần tập trung những vấn đề sau:

Đổi mới soạn giảng: Chuẩn bị tốt bài soạn trước khi lên lớp là vấn đề không kém phần quan trọng. Qua bài soạn phần nào có thể đánh giá năng lực của giáo viên. Kế hoạch dạy học tốt là kế hoạch dạy học thể hiện được nội dung dạy học cho từng đối tượng học sinh của lớp học cụ thể, thể hiện sự chủ động, linh hoạt tổ chức hướng dẫn học sinh trong tiết học và đảm bảo yêu cầu khung kế hoạch dạy học quy định. Bài soạn phải thể hiện rõ nội dung kiến thức của từng phần trong bài học, hoạt động của thầy và trò, phân bố thời gian hợp lý cho từng nội dung bài học, có kiến thức cho từng đối tượng học sinh trong lớp học cụ thể

b. Đổi mới Phương pháp dạy học cần định hướng những điểm cơ bản sau:

- Dạy học trên lớp:

+ Tạo sự khởi đầu một tiết học vui vẻ, nghiêm túc bằng lời chào hỏi bằng tiếng Anh. Trong các tiết học trên lớp giáo viên cần sử dụng lệnh bằng tiếng Anh để giúp các em dễ nhớ, nhớ lâu từ vựng, tạo môi trường và thói quen sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp.

+ Trong khi tham gia học tập chúng ta nên động viên, khuyến khích các em tham gia phát biểu sôi nổi, và nhất là những em học sinh trung bình, yếu có cố gắng. Điều này giúp các em cảm thấy tự tin và mạnh dạn hơn.

+ Nội dung kiến thức môn học này đòi hỏi các em phải vận dụng nhiều giác quan cũng như sự trải nghiệm của các em. Do vậy giáo viên cần chú ý đến các hình thức dạy học trải nghiệm cách thức thực hành phong phú, đa dạng, kích thích các giác quan cùng tham gia vào quá trình tri giác.

+ Đưa ra các dạng bài tập khác nhau để các em có cơ hội luyện tập và trao dồi kiến thức đã học, trong đó mỗi giáo viên cố gắng chọn những câu từ mang tính thực tế, gần gũi với cuộc sống hàng ngày để các em dễ hiểu khi áp dụng cấu trúc câu. Những câu tiếp theo sẽ dài hơn, phức tạp hơn để kích thích các em suy nghĩ.

+ Để có cơ hội cho học sinh luyện tập nhiều thì nên sử dụng hỗ trợ của phần mềm “power point”, bảng tương tác. Các em đều có cơ hội như nhau và các bài tập được xây dựng theo hình thức trắc nghiệm, có hiệu ứng âm thanh, hình ảnh khi các em trả lời đúng hoặc sai. Hình thức này sẽ giúp các em có hứng thú tham gia.

+ Ngoài ra cần sử dụng bảng phụ, bảng nhóm để các em luyện tập chung và thảo luận nhóm, làm các bài tập tự luận, qua đó giáo viên kiểm tra được lỗi chính tả, việc áp dụng các cấu trúc vào bài học như thế nào.

- Dạy kỹ năng nói:

+ Trong khi dạy học sinh phát âm cần chú ý dạy cách phát âm bằng cấu hình của bộ máy phát âm để giúp các em biết cách phát âm và phát âm chuẩn ngay từ đầu.

+ Giáo viên tích cực và kiên trì sử dụng câu lệnh bằng tiếng Anh và yêu cầu học sinh nói lại, như vậy sẽ giúp học sinh phải chú ý nghe, hiểu để thực hiện.

+ Tổ chức cho học sinh luyện nói theo nhóm đôi, nhóm lớn. Trong luyện nói yêu cầu nói to, rõ ràng, chậm. Giáo viên tập trung lắng nghe, giúp đỡ, động viên học sinh mạnh dạn, tự tin, khuyến khích các em nói lại nếu sai.

+ Hướng dẫn học sinh tự tạo môi trường học tập bằng cách: lập nhóm giao tiếp bằng tiếng anh ở nhà, ở lớp khi hoạt động vui chơi để luyện nói những từ mới, những câu lệnh trong học tập, câu giao tiếp hàng ngày, sưu tầm đĩa tiếng Anh có hội thoại; các bài hát online 123; thẻ học tiếng Anh.

- Dạy từ vựng:

Cần chú ý từ theo trường nghĩa rộng, trường nghĩa hẹp, dạy từ theo cách vận dụng nét tương đồng trong dạy học như: những từ có cách phát âm, cách viết gần giống nhau…. . Mặt khác, dạy từ vựng thường đơn điệu, khô khan nên giáo viên cần sử dụng kênh hình phụ họa, không nên quá tuân thủ những gì giáo viên đã soạn, cần xem xét đến hứng thú đến kết quả học tập của học sinh để có những biện pháp hỗ trợ. Gắn từ vựng với biểu tượng, vật cụ thể để dễ nhớ. Cần phân loại từ vựng để dễ dạy, nếu từ vựng là từ ghép phải phân tích rõ để học sinh dễ nhớ, ví dụ: homework: bài tập về nhà; phân tích: home [nhà]; work [công việc]. Tạo ra những bài thơ ngắn dễ nhớ, dễ thuộc để giúp các em ôn tập từ vựng sau:

Long dài, short ngắn, tall cao

Here đây, there đó, which nào, where đâu

Sentence có nghĩa là câu

Lesson bài học, rainbow cầu vòng

Close friend có nghĩa bạn thân

Leaf là chiếc lá, còn Sun mặt trời

Fall down có nghĩa là rơi

Wellcome chào đón, mời là invite

Short là ngắn, long là dài

Cái mũ là hat, chiếc giày là shoes

Autunm có nghĩa mùa thu

Summer mùa hạ, cái tù là jail

Duck là vịt, pig là heo

Rich là giàu có, còn nghèo là poor

Crab thì có nghĩa con cua

Church nhà thờ đó, còn chùa temple

Aunt có nghĩa dì, cô

Chair là cái ghế, cái hồ là pool

Late là muộn, sớm là soon

Hospital bệnh viện, school là trường

Dew thì có nghĩa là sương

Happy vui vẻ, chán trường weary

Exam có nghĩa kỳ thi

Nervous nhút nhát, mommy mẹ hiền.

Bên cạnh đó cần phải tổ chức cho các em những hoạt động chơi mà học, học mà chơi để rèn các kỹ năng qua các trò chơi “Ai nhanh, ai đúng” như:

+ Rèn kỹ năng nghe: Tìm từ qua nghe câu hội thoại; sử dụng băng đĩa cho học sinh nghe kể chuyện ngắn bằng tiếng Anh có sử dụng những câu hỏi đơn giản để tìm hiểu nội dung hoặc nhân vật…

+ Rèn kỹ năng phát âm: Tập hát bài hát bằng tiếng anh

+ Rèn kỹ năng viết: ghép chữ

+ Rèn kỹ năng nhớ từ vựng: tìm sự vật với từ cho trước, gọi tên sự vật, hiện tượng

2.3. Mua sắm các trang thiết bị, xây dựng CSVC đảm bảo dạy học chương trình theo yêu cầu:

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là hai yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Hoạt động dạy học chỉ diễn ra khi có đủ cơ số học sinh, CSVC và trang thiết bị dạy học. Đặc thù của môn tiếng Anh là dạy học cho học sinh biết cách nghe, nói, đọc, viết. Để dạy cho học sinh biết cách nghe, biết cách phát âm chuẩn không thể chỉ dựa vào phấn trắng, bảng đen và lời diễn thuyết của giáo viên. Theo những mục tiêu, yêu cầu đặt ra của nội dung chương trình nhà trường cần phải xây dựng CSVC đầy đủ, mua sắm thiết bị dạy học hiện đại đảm bảo chất lượng phục vụ việc dạy học môn tiếng Anh như:

+ Xây dựng phòng học tiếng anh riêng đạt chuẩn quy định

+Mua sắm máy cattsetes vừa dùng được cả băng, đĩa và USB, đĩa CD, máy đọc tiếng Anh Easy-talk, tai phone, ti vi màng hình lớn phục vụ dạy học cho học sinh trên lớp.

+ Mua tranh ảnh, phần mềm dạy học tiếng Anh, đĩa có hình ảnh phục vụ dạy học từ vựng, đĩa có hình ảnh và lời hội thoại bằng tiếng Anh ngắn để hỗ trợ cho việc dạy học phần nghe-nói…

+ Nối mạng Internet toàn bộ máy tính trong phòng máy tính học tập của học sinh, hỗ trợ cho các em việc khai thác các thông tin trên mạng.

+ Thư viện cần mua sắm đầy đủ các tài liệu tham khảo, SGK cho học sinh và giáo viên dạy học chương trình tiếng  Anh các khối lớp đầy đủ.

+ Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh mua sắm đầy đủ SGK, vở bài tập, ………..

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, đa dạng, phong phú sẽ thu hút học sinh tham gia hoạt động học tập, gây hứng thú cho các em trong quá trình học

 2.4. Tổ chức câu lạc bộ năng khiếu tiếng Anh trong nhà trường:

Nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh không chỉ dừng lại ở dạy học trong chương trình chính khóa. Mà cần tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh cho học sinh các khối lớp tự đăng kí tham gia. Việc thành lập câu lạc bộ được công khai. Ban chỉ đạo xây dựng chương trình kế hoạch và tổ chức hoạt động nghiêm túc, hiệu quả. Tham gia câu lạc bộ là tự nguyện nhưng khi đã tham gia phải thực hiện nghiêm túc mọi qui định, nội quy của câu lạc bộ đề ra. Tổ chức câu lạc bộ năng khiếu tiếng Anh phải có mục đích rõ ràng:

+ Thứ nhất là nhằm nâng cao chất lượng môn tiếng Anh cho học sinh góp phần đào tạo nhân lực.

+ Thứ hai là bồi dưỡng học sinh năng khiếu, tham gia các hội thi các cấp góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Do vậy, nội dung câu lạc bộ tiếng Anh phải là kiến thức nâng cao.

Sau mỗi đợt cần phải họp rút kinh nghiệm, phân tích điểm mạnh, yếu và đề ra hướng khắc phục cho đợt sau.

    [Ngày hội tiếng Anh tại trường THCS xã Hàng Vịnh – Năm Học: 2017-2018]

2.5. Kết hợp chặt chẽ giữa gia đinh - nhà trường - xã hội tạo cho học sinh có điều kiện và môi trường học tiếng Anh tốt. Việc dạy học tiếng Anh đạt chất lượng theo yêu cầu của xã hội hiện nay là một vấn đề còn có nhiều khó khăn do nhiều lý do, chính vì vậy rất cần đến sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường-gia đình-xã hội. Nhà trường cần giáo dục cho học sinh mục đích, động cơ học tiếng Anh một cách đúng đắn, để các em có ý thức, thái độ đúng trong quá trình học tập. Mua sắm đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất, hiện đại để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh cũng như yêu cầu của đặc thù môn học. Trang bị cho các em cách tự học, tự tạo ra môi trường học tập tự nhiên. Xây dựng môi trường học tập tiếng Anh ngay trong lớp học, trường học, ở nhà. Ví dụ: Các em có thể học từ vựng bằng cách nghi từ ra các mẫu giấy và dán ở những nơi mà các em hay nhìn thấy nhiều nhất. Khi đã học thuộc các từ này rồi các em có thể thay bằng các từ mới khác. Động viên các em dùng những từ chào hỏi, những câu hội thoại ngắn, đơn giản hằng ngày để ghi nhớ kiến thức đã học. Thường xuyên trao đổi với phụ huynh những vấn đề khó khăn cần hợp tác của gia đình trong dạy học môn học này để được chia sẽ, hiến kế của các bậc phụ huynh. Phối hợp với phụ huynh mua sắm đầy đủ sách, vở. đồ dùng học tập, các tài liệu tham khảo cần thiết của học sinh. Đối với những học sinh có năng khiếu cần động viên gia đình mua sắm máy vi tính tạo điều kiện cho các em tự tham khảo kiến thức, luyện thực hành qua mạng Internet trong thời gian ở nhà để trau dồi thêm kiến thức. Trang bị các phương tiện nghe, nhìn phục vụ việc tự học tiếng Anh cho các em. Nhà trường cần tham mưu với các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương….hỗ trợ kinh phí để tăng trưởng cơ sở vật chất, xây dựng các điều kiện cho việc dạy học môn tiếng Anh đạt hiệu quả cao. Giáo viên thường xuyên trao đổi với phụ huynh kết quả học tập của học sinh để phụ huynh nắm và cùng nhà trường phối hợp trong việc nâng cao chất lượng học tập của các em.

* Kết quả đạt được:

Qua 5 năm nghiên cứu và áp dụng các giải pháp trên đã mang lại kết quả rất khả quan, năm sau luôn đạt cao hơn năm trước; số lượng học sinh đạt học sinh giỏi các cấp luôn tăng theo hàng năm, chất lượng đại trà luôn vượt chỉ tiêu đề ra.

III. KẾT LUẬN:

1. Ý nghĩa của đề tài thể hiện ở các giải pháp và bài học sư phạm như sau:

- Nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của môn tiếng Anh trong thường THCS cho cán bộ giáo viên, học sinh và phụ huynh trước yêu cầu của xã hội hiện nay.

- Phương pháp dạy học môn tiếng Anh trong trường THCS cần tập trung vào các vấn đề: đổi mới soạn bài; đổi mới Phương pháp dạy học theo định hướng đặc thù của môn học nhằm thực hiện tốt mục tiêu cần đạt 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết; đổi mới phương pháp tự học của học sinh; đổi mới kiểm tra đánh giá.

- Xây dựng CSVC đảm bảo cho việc dạy học môn tiếng Anh theo yêu cầu của chương trình, mua sắm các trang thiết bị dạy học hiện đại, tài liệu tham khảo, SGK cho học sinh và giáo viên đầy đủ.

- Tổ chức câu lạc bộ năng khiếu tiếng Anh trong nhà trường cho học sinh các khối lớp. Chú trọng hiệu quả, chất lượng câu lạc bộ.

- Kết hợp chặt chẽ giữa gia đình-nhà trường-xã hội tạo cho học sinh có điều kiện và môi trường học tiếng Anh tốt.

Nội dung các giải pháp này được áp dụng trong việc nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh trong phạm vi nhà trường THCS. Tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ Quốc tế thông dụng nhất trên thế giới hiện nay. Dạy học tiếng Anh THCS là nhiệm vụ thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chiến lược giáo dục hiện nay.

2. Kiến nghị, đề xuất:

- Đối với ngành : Hằng năm nên liên kết với các trường đại học như trường đại học Cần Thơ mở lớp bồi dưỡng cho cán bộ giáo viên dạy môn Tiếng anh tập huấn kỹ năng nghe, nói và phương pháp dạy học tích cực

- Đối với nhà trường: Cần phải có sự chuẩn bị, tổ chức và phối hợp với các cơ quan, các tổ chức trong và ngoài nhà trường để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện dạy học chương trình trước mắt. Mua sắm trang thiết bị đầy đủ đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng dạy học. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá.

- Đối với giáo viên: Phải có ý thức tự giác tham gia bồi dưỡng và tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Đúc kết kinh nghiệm bồi dưỡng của bản thân, vận dụng kinh nghiệm đồng nghiệp để làm tăng thêm vốn kinh nghiệm trong công tác dạy học, nâng cao chất lượng dạy học một cách ổn định. Thường xuyên động viên, khuyến khích học sinh tham gia học tập

Trên đây là một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh của trường THCS tôi đã thực hiện và sẽ tiếp tục thực hiện trong những năm tới. Kết quả đạt được của nhà trường còn khiêm tốn tôi mạnh dạn đưa ra những ý kiến của mình để đồng nghiệp tham khảo.

Rất mong được quý đồng nghiệp góp ý, xin chân thành cảm ơn.

Người dự thi

Lâm Ngọc Ân

Video liên quan

Chủ Đề