Mra-tp quy định chuẩn nghề cho lĩnh vực nghề nào năm 2024

(Toquoc)- Theo Thỏa thuận MRA-TP, kể từ năm 2015, lao động trong ngành du lịch sẽ được dịch chuyển tự do trong khối ASEAN. Tuy nhiên, khi thời điểm thỏa thuận có hiệu lực chỉ còn tính bằng tháng thì du lịch Việt Nam vẫn còn quá nhiều khó khăn, bất cập trong việc thực hiện MRA-TP.

Cơ hội song hành thách thức

Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực du lịch đối với sự phát triển du lịch trong khu vực, tại diễn đàn du lịch ATF 2009 được tổ chức ở Hà Nội, Việt Nam, các Bộ trưởng Du lịch trong khối ASEAN đã nhân danh Chính phủ ký Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (gọi tắt là Thỏa thuận MRA-TP). Thỏa thuận MRA-TP là khuôn khổ để so sánh khung trình độ nghề du lịch ASEAN với khung trình độ của các quốc gia trong khu vực, từ đó đánh giá và công nhận năng lực, trình độ của lao động du lịch theo chuẩn mực chung của khu vực. Mục tiêu cuối cùng là tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động và cân bằng cung – cầu nguồn nhân lực du lịch của các nước thành viên. Như vậy, đối với các nước trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng, việc đào tạo năng lực nghề du lịch theo Khung trình độ chung hoặc khung trình độ được chấp nhận trong ASEAN là điều kiện tiên quyết để thực thi Thỏa thuận MRA-TP.

Thỏa thuận MRA-TP vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với ngành du lịch (Ảnh: Ngọc Thành)

Theo ông Trần Phú Cường - Trưởng Văn phòng Hội đồng cấp chứng chỉ nghiệp vụ Du lịch (VTCB), Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Tổng cục Du lịch: "MRA-TP khi được triển khai tại Việt Nam sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người lao động và cả đất nước. Người lao động sẽ có điều kiện để phát huy năng lực của mình, được thừa nhận chuyên môn và các doanh nghiệp trong nước sẽ có ưu đãi cho người lao động được thừa nhận trong khối ASEAN, đồng thời có cơ hội để làm việc tại các nước khác trong khu vực. Đối với doanh nghiệp, không chỉ có được bộ tiêu chuẩn áp dụng cho công tác đào tạo tại chỗ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng sẽ được nâng lên nhờ chất lượng nhân lực và dịch vụ được đảm bảo đạt chuẩn của khu vực.

Tuy nhiên, ông Cường cũng khẳng định, Thỏa thuận MRA-TP vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với ngành du lịch. “Nếu người lao động không trau dồi, nâng cao nghiệp vụ, thái độ, kiến thức và kỹ năng, chúng ta có thể bị “thua ngay trên sân nhà”. Lao động của các nước khác có thể làm việc tại Việt Nam trong khi lao động Việt Nam lại có nguy cơ bị mất việc. Nếu doanh nghiệp trong nước không nỗ lực đổi mới, phát triển để giữ chân người lao động có năng lực, tay nghề thì bản thân đội ngũ doanh nghiệp có thể bị chảy máu chất xám, khả năng cạnh tranh bị suy giảm”- ông Cường nhận định.

Còn quá nhiều khó khăn

Khó khăn đầu tiên là Việt Nam chưa có khung trình độ nghề Du lịch quốc gia, nên không có cơ sở để so sánh với với khung trình độ tương đồng trong khối ASEAN. Được biết, sắp tới Bộ LĐTB&XH sẽ ban hành chương trình và Khung trình độ Nghề Du lịch quốc gia. Đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo cho việc triển khai MRA-TP tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, một khó khăn khác trong quá trình triển khai MRA-TP tại Việt Nam là bộ tiêu chuẩn các kỹ năng nghề Du lịch của Việt Nam chưa đồng nhất với bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch chung trong khối ASEAN. Có một điều bất cập là trong ASEAN có 6 bộ tiêu chuẩn nghề chung, còn ở Việt Nam có 8 bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia trong lĩnh vực Du lịch. Tuy nhiên, trong 8 bộ đó lại không có đầy đủ 6 bộ tiêu chuẩn nghề chung của ASEAN, có nghề có, có nghề không. Do vậy, chúng ta không thể so sánh tiêu chuẩn nghề quốc gia của Việt Nam với tiêu chuẩn nghề trong ASEAN. Bên cạnh đó, nghề Du lịch trong khối ASEAN phải theo một tiêu chuẩn chung, trong đó tiếng Anh được sử dụng như một ngôn ngữ chung để sử dụng. Trong khi đó, ở các tiêu chuẩn nghề của Việt Nam mới chỉ có tiếng Việt, rất khó có thể so sánh.

Một khó khăn khác là hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về các tiêu chuẩn nghề Du lịch của Việt Nam cũng như trong khối ASEAN tại các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Các chuyên gia du lịch cho rằng, những tiêu chuẩn nghề Du lịch của Việt Nam nói riêng và của ASEAN nói chung cần được giới thiệu hoặc thể chế hóa, để các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo có được hướng dẫn hoặc có cơ sở pháp lý để xây dựng các tài liệu hướng dẫn, đào tạo. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên, giảng viên được đào tạo để truyền tải tiêu chuẩn Nghề chung của ASEAN hiện nay còn rất thiếu.

Được biết, để hỗ trợ du lịch Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới, trong giai đoạn từ 2005 – 2010, Liên Minh Châu Âu (EU) đã tài trợ Dự án Phát triển nguồn nhân lực du lịch, trong đó một nội dung cốt lõi là việc hình thành và vận hành Hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (gọi tắt là Hệ thống VTOS). Với bộ Tài liệu tiêu chuẩn kỹ năng nghề và đĩa viđeo hướng dẫn cho 13 nghề du lịch, hoạt động của Hệ thống VTOS đã bắt đầu tạo ra những tác động tích cực đến chất lượng của đội ngũ lao động nghề trong ngành du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Thắng – chuyên gia kỹ thuật đào tạo du lịch của Dự án EU, với 13 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam trước đây, hệ thống VTOS không còn phù hợp với quy định của khu vực cũng như của Việt Nam hiện nay về xây dựng tiêu chuẩn nghề Du lịch quốc gia cũng như thực hiện MRA-TP. Chính vì vậy, Dự án EU đã tiếp tục cập nhật, sửa đổi bộ tiêu chuẩn đó và hiện nay công việc đã hoàn thành với VTOS phiên bản mới có 10 bộ tiêu chuẩn. Bộ tiêu chuẩn này đã được Tổng cục Du lịch thông qua để triển khai trong khuôn khổ hoạt động dự án EU và các chương trình tập huấn, đào tạo.

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, hiện nay Việt Nam cần phải hài hòa VTOS với tiêu chuẩn Nghề quốc gia để trở thành bộ tiêu chuẩn Nghề Du lịch Quốc gia chính thức, khi đó mới có thể triển khai để thực hiện Thỏa thuận MRA-TP.

Dưới góc độ doanh nghiệp ông Nguyễn Hữu Bắc, Công ty CP Lữ hành quốc tế Thái Sơn TST cho rằng, VTOS là điều kiện tiên quyết để có thể cạnh tranh với các nước ASEAN về mặt quản lý doanh nghiệp cũng như quản lý lực lượng lao động. Tuy nhiên, việc đào tạo và áp dụng bộ tiêu chuẩn này phải làm ngay từ bây giờ, càng sớm càng tốt trước khi thỏa thuận MRA-TP có hiệu lực.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, còn có một bất cập khác đó là, hầu hết doanh nghiệp lại không mặn mà và tự giác với việc tuyển dụng lao động có tiêu chuẩn VTOS này. Thạc sĩ Trần Đình Hà - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch - Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An góp ý: "Để các doanh nghiệp tự giác cũng như có động lực để áp dụng tiêu chuẩn này, nên cụ thể hóa vào trong các văn bản quy phạm như đưa vào tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn, tiêu chuẩn phương tiện vận chuyển khách du lịch cũng như các đơn vị lữ hành. Nên đưa bậc nghề vào đánh giá xếp hạng cơ sở lưu trú lữ hành cũng như các phương tiện vận chuyển khách du lịch”./.