Ngày đầu tiên đi học - Thanh Tịnh

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường[1]. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học. Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không đi ra đồng nô đùa như thằng Sơn nữa. Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn. Dọc đường thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tuổi tôi áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng xệch ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước ôm sách vở nhiều lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết. Tôi muốn thử sức mình nên nhìn mẹ tôi: - Mẹ đưa bút thước cho con cầm. Mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm: - Thôi để mẹ cầm cũng được.

Tôi có ngay cái ý nghĩ vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.

Ý nghĩ ấy thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi. Trước sân trường làng Mĩ Lí dày đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa. Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang qua làng Hoà An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé lại trường một lần. Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ. Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường. Tôi không có cảm tưởng nào khác là nhà trường cao ráo và sạch sẽ hơn các nhà trong làng. Nhưng lần này lại khác. Trước mắt tôi trường Mĩ Lí trông vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hoà Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn trong những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ. Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ. Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Cảm thấy mình chơ vơ là lúc này. Vì chung quanh là những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa, hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả ban tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp.

Ông đốc[2] trường Mĩ Lí cho gọi mấy cậu học trò mới đến đứng trước lớp ba[3]. Trường làng nhỏ nên không có phòng riêng của ông đốc. Trong lúc ông ta đọc tên từng người, tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tôi đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng.

Sau khi đọc xong mấy mươi tên đã viết sẵn trên mảnh giấy lớn, ông đốc nhìn chúng tôi nói sẽ:

- Thế là các em được vào lớp năm[4]. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ được vui lòng và để thầy dạy các em được sung sướng. Các em đã nghe chưa? [Các em đều nghe nhưng không em nào dám trả lời. Cũng may đã có một tiếng dạ ran của phụ huynh đáp lại.]

Ông đốc nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động. Mấy cậu học trò trong lớp ba cũng đua nhau quay đầu nhìn ra. Và ngoài đường cũng có mấy người đứng dừng lại để nhìn vào. Trong những phút này chúng tôi được người ta ngắm nhìn nhiều hơn hết. Vì vậy đã lúng túng chúng tôi càng lúng túng hơn. Ông đốc lấy cặp kính trắng xuống rồi nói: - Thôi, các em lên đứng đây sắp hàng để vào lớp. Tôi cảm thấy sau lưng tôi có một bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước. Nhưng người tôi lúc ấy tự nhiên nặng nề một cách lạ. Không giữ được chéo áo hay cánh tay người thân, vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng dưới hiên lớp. Các cậu lưng lẻo nhìn[5] ra sân, nơi mà những người thân đang nhìn các cậu với cặp mắt lưu luyến. Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác[6] quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. Một bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi. Ông đốc tươi cười nhẫn nại chờ chúng tôi. - Các em đừng khóc. Trưa nay các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai lại được nghỉ cả ngày nữa. Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi đi vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt tươi cười, đang đón chúng tôi trước cửa lớp. Trong thời thơ ấu tôi chưa lần nào thấy xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ. Vì có những hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lê Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết.

Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên lạm nhận[7] là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề quen biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin có thật.

Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao. Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỉ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa hay bên bờ sông Viêm sống lại đầy rẫy trong trí tôi. Nhưng tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật. Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm nhẩm đánh vần đọc:

Bài viết tập: Tôi đi học.

[1] Tựu trường: đến trường ngày khai giảng năm học.[2] Ông đốc: ở đây là ông hiệu trưởng.[3, 4] Lớp ba, lớp năm: các lớp bậc Tiểu học. Theo hệ thống giáo dục thời trước Cách mạng, lớp năm là lớp thấp nhất.[5] Lưng lẻo nhìn [ít dùng]: có thể hiểu là nhìn lại với tâm trạng lưu luyến, dùng dằng.[6] Bất giác: chợt, bỗng chợt.[7] Lạm nhận: nhận quá đi, nhận vào mình những phần, những điều không phải của mình.

Truyện ngắn Tôi đi học in trong tập Quê mẹ, xuất bản năm 1941.

Nguồn: Thanh Tịnh, Tổng tập văn học Việt Nam, tập 29B, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981

VNTN – “Hàng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.

 Tôi quên sao được cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy đóa hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng…”

Tôi đã đọc và dường như nhớ ngay lập tức được những dòng văn trong trẻo với thứ nhịp điệu thơ hơn mọi bài thơ ấy vào mùa tựu trường năm 1993, khi còn là cô bé 7 tuổi. Với tiêu đề “Nhớ lại buổi đầu đi học”, một trích đoạn trong truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh được in trong những trang đầu tiên của sách giáo khoa lớp 2 thập niên chín mươi thế kỉ trước. Năm lớp 8, lại một lần nữa, Tôi đi học xuất hiện trong sách giáo khoa, lần này là trọn vẹn tác phẩm chứ không còn là đoạn trích để các cháu mới vỡ lòng tập đánh vần nữa. Gió đầu mùa của Thạch Lam, Thời thơ ấu của Nguyên Hồng, Tôi đi học của Thanh Tịnh đặt cạnh nhau đã làm nên một trong những trường đoạn nên thơ và ngọt ngào nhất trên hành trình Văn học Nhà trường. Mê mải đến độ, dễ đến nửa năm, lúc nào tôi cũng ôm ấp cuốn sách giáo khoa Văn học lớp 8, tập 1, đọc đi đọc lại trăm lần và tự mình bầu chọn, rằng đó là cuốn sách Văn hấp dẫn nhất trong suốt 12 năm đi học.

Tôi đi học của Thanh Tịnh như làn gió nhẹ mơn man tâm hồn tôi hơn 20 năm nay cứ mỗi độ thu về. Trên những trang văn Thanh Tịnh, kí ức ấu thơ của chú bé làng Mĩ Lí năm nào ào ạt dội về, có lúc quang quẻ, tinh khôi như bầu trời tươi sáng sau cơn mưa, có khi lại mơ màng, bảng lảng như cơn mộng mị chập chờn, kì lạ mà người đàn ông ba, bốn mươi tuổi bỗng thấy mình trở về làm cậu bé lớp vừa lên 6: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này, tự nhiên thấy lạ…”.  Những đám mây bàng bạc, con đường làng hai bên bờ cỏ thấm đẫm sương đêm, những người mẹ líu tíu dắt đứa con thơ đang kệ nệ ôm chồng sách mới, những cặp mắt rụt rè như “con chim non đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời cao rộng muốn bay nhưng còn ngập ngừng e sợ”…Tất cả hình ảnh và cảm xúc ấy, dường như đều hiện hữu trong trí nhớ của tôi, không phải chỉ trong ngày tựu trường đầu tiên mà trong rất nhiều buổi tựu trường suốt một thời thơ ấu.

Trong tôi, ngày khai giảng là một vùng kí ức trong trẻo, thiêng liêng. Ở đó, có niềm hân hoan được mặc quần xanh áo trắng, đội lên đầu chiếc mũ ca-nô gấp bằng giấy màu có gắn sao mà chỉ mấy hạt mưa bụi cũng đủ làm xiêu vẹo, ngồi xổm hàng giờ trên sân trường lổn nhổn sỏi đá chờ tiếng trống trường rồi lố nhố xếp hàng đợi thầy giáo chủ nhiệm đọc tên vào lớp để lo lắng đoán xem, năm nay, mình ngồi bàn nào, cạnh ai, ai được bầu là quản ca, lớp trưởng… Ba tháng nghỉ hè chạy rông khắp đồng chuôm ao bãi, ngày khai trường gặp lại nhau, đứa nào đứa ấy đen trùi trụi, cao lêu nghêu, tóc tai cháy nắng vàng khè và răng thì đã đi sơ tán vài chiếc…

Nhiều mùa “lá ngoài đường rụng nhiều” đã trôi qua, dường như, lũ trẻ ngày nay chẳng còn có ngày tựu trường. Ngay sau lễ bế giảng, thầy trò, bạn bè đã lại gặp nhau ở lớp học thêm, trong cuộc dã ngoại, qua facebook, zalo. Lễ khai trường vẫn được đầu tư hoành tráng, công phu với cờ hoa rực rỡ, nhưng chính việc tập đi tập lại màn diễu hành và đầy đủ các nghi thức đứng lên, ngồi xuống, vỗ tay, tặng hoa, ôm hôn, phát biểu cảm tưởng… cả nửa tháng ròng khiến lễ khai giảng chính thức hoàn toàn chỉ có ý nghĩa như một cuộc biểu diễn trước phụ huynh và đại biểu đến dự. Học sinh phổ thông tập trung học ôn từ đầu tháng 8 khiến tiếng trống khai trường ngày mùng 5 tháng 9 cũng khô khan, giả dối, mà có khi… “chỉ mang tính chất minh họa” vì ngày thường, nhiều trường học đã dùng chuông điện tiện ích thay cho mặt trống da trâu từng là biểu tượng của mái trường Việt Nam hơn một thế kỷ. Sinh viên Đại học, nếu không phải bí thư, lớp trưởng còn chẳng được dự lễ khai giảng, cho nên, nhiều bạn học đến năm thứ 2, thứ 3 vẫn không biết hiệu trưởng, chưa một lần dự lễ chào cờ mở đầu năm học mới. Đã lâu lắm, tôi không còn trông thấy em bé nào “rụt rè trong cảnh lạ” hay nước mắt ngắn dài núp vào nón mẹ như trong văn Thanh Tịnh và trong câu hát thân quen “Ngày đầu tiên đi học/ Mẹ dắt tay đến trường/ Em vừa đi vừa khóc…”. Trẻ con thời nay bạo hơn, tự tin hơn, độc lập hơn, thậm chí vui vẻ và sẵn sàng ở lại trường cả tuần không về nhà, theo mô hình đào tạo kiểu Âu mà các bố mẹ thành phố đua nhau đăng kí.

Mỗi thời mỗi khác, chẳng thể nào so sánh tốt, xấu dở hay nhưng mỗi độ thu về, nhìn mây bàng bạc và lá rụng ngoài đường, tôi lại tiếc nhớ những buổi tựu trường ngày xưa, khi mà đứa trẻ 6 tuổi cũng có thể nhận ra và khắc sâu thứ cảm xúc kì lạ chỉ xuất hiện trong đời người một lần duy nhất: “Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.

Suối Linh

Video liên quan

Chủ Đề