Ngữ văn 9 tập 2 viếng lăng bác năm 2024

Bài thơ có bốn khổ, mỗi khổ bốn câu, mỗi câu có câu bảy chữ, có câu tám chữ, thậm chí có câu chín chữ. Điều này, phần nào cho người đọc thấy được những đợt sóng lòng khi thiết tha cảm động, khi dâng trào tôn kính của Viễn Phương khi ra thăm lăng Bác ngay sau khi lăng vừa khánh thành [1976].

Có người cho rằng câu thơ mở đầu: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” chỉ thuần tuý thông báo sự việc. Theo tôi, thực ra cái hay của bài thơ bắt nguồn và bật ra từ chính câu thơ mộc mạc và giản dị này. Về chữ nghĩa, hình ảnh đúng là không có gì đặc biệt, chỉ như một câu nói hàng ngày, tưởng như ai cũng nói được. Xong, nếu đọc kĩ, lắng nghe kĩ, giọng điệu của câu thơ vô cùng cảm động, nồng ấm, trìu mến, tự nhiên như thưở nào cứ cuốn hút người đọc. Và giọng điệu ấy đã làm nên giọng điệu chủ đạo của bài thơ.

Và Viễn Phương đã triển khai cảm xúc bằng giọng điệu uyển chuyển phù hợp với nhân vật trữ tình. Ra thăm lăng Bác, điều đầu tiên Viễn Phương thấy: “hàng tre bát ngát”. Hàng tre được bao phủ trong một không gian mờ ảo của sương giăng buổi sớm. Rõ ràng nhà thơ tới thăm lăng Bác từ rất sớm, một buổi sớm tinh khôi, thanh lặng, tinh suốt. Không gian, thời gian, tâm trạng đều hoà quyện trong một không khí vừa thực vừa ảo. Tại sao đã thấy mà không là mới thấy. Mới thấy trong sương hàng tre bát ngát. Vẫn là thơ. Nhưng nó hồn nhiên quá không phù hợp với hoàn cảnh, tâm trạng. Đã thấy, nghĩa là điều đó luôn luôn in đậm trong tâm trí từ lâu và nay quả nhiên gặp lại. Biểu tượng của dân tộc Việt Nam là hình ảnh cây tre. Nguyễn Duy từng viết rất hay: Tre xanh xanh tự bao giờ. Xưa và nay, truyền thống và hiện đại, cái đã qua cái hiện tại tất cả tụ lại ở biểu tượng cây tre. Dân tộc ta là vậy: Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng. Càng gian khó, cực khổ, hiểm nguy càng sáng ngời bản lĩnh, càng dẻo dai kiên cường. Và con người đẹp nhất dân tộc ta sinh ra đó là Bác. Viễn Phương có một so sánh ngầm, lạ và độc đáo. Với con người Bác, đức độ và tài năng có lẽ chỉ hình ảnh kì vĩ, vĩnh cửu của vũ trụ mới tương xứng: Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ. Từ láy thời gian điệp trùng ngày ngày kết hợp với hình ảnh mặt trời cho người đọc cảm nhận sự vĩ đại, lớn lao và trường tồn của Bác là mãi mãi. Dù thời gian, dù vũ trụ thiên nhiên có biến đổi thì Bác vĩnh viễn in đậm trong núi sông gấm vóc của dân tộc Việt Nam và trong trái tim của mỗi người con Lạc cháu Hồng. Đức độ và tài năng của Bác đến mặt trời của thiên hà vũ trụ cũng phải ngưỡng mộ, kính phục: Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ. Có thể về kích thước, dung lượng của hai mặt trời là như nhau nhưng tính chất, đặc điểm, cái chất bên trong mặt trời của vũ trụ phải nhường [mặt trời trong lăng rất đỏ]. Điều này được tác giả dùng từ chỉ mức độ đi liền với tính từ [rất đỏ]. Rõ ràng, mặt trời trong lăng [Bác Hồ] hơn hẳn mặt trờ trong vũ trụ. Chỉ có yêu kính xúc động đến tận cùng mới bật nẩy được hình ảnh kì vĩ, lạ lẫm, độc đáo và hay đến thế. Dòng cảm xúc lặng sâu rồi lại trào dâng: Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân. Từ láy thời gian điệp trùng ngày ngày được tác giả điệp lại hai lần trong khổ thơ. Thời gian ở trên là thời gian vũ trụ thiên nhiên, thời gian ở dưới là thời gian của con người. Cả hai hoà lẫn quyện lại tạo một dòng thời gian xúc động và ngưỡng mộ. Bác mất cả vũ trụ - con người tất thảy đều ngưỡng vọng tiếc nuối, xót đau. Viễn Phương tả cảnh thực hay ẩn dụ? Có lẽ cả hai bởi sự cảm động, thiết tha chân thành, tôn kính dường như len lỏi vào âm thanh của từng con chữ: Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền/ Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim. Khổ thơ trên xuất hiện hình ảnh mặt trời, khổ này lại là hình ảnh mặt trăng. Hai hình ảnh kì vĩ, to lớn, vĩnh cửu. Một chiếu sáng ban ngày, một mang vẻ đẹp ban đêm. Một tạo ra sự sống, một làm nên vẻ đẹp tâm hồn. Một ở bên ngoài lăng, một bên trong lăng, cả hai tụ lại để nói lên sự trường tồn, vĩnh hằng của Bác trong lòng dân tộc, nhân loại. Tác giả mơ ước và cũng là mơ ước của mọi người: Bác nằm kia chỉ là nằm ngủ. Bác ngủ trong một không gian cổ tích. Giọng thơ nấc nghẹn: Mà sao nghe nhói ở trong tim. Nhịp [2/2/1/2] câu thơ lặng đi như hẫng hụt. Vẫn biết Bác là bất tử, Bác hoá thân đem sự sống cho mỗi người, Bác như trời xanh, non sông đất nước, mãi mãi bên cạnh mọi người nhưng sự thật Bác đã đi xa. Một nỗi đau âm ĩ, buốt tê, đau đớn [nhói trong tim]. Nỗi đau của một mất mát không thể lấp đầy. Nỗi đau của con người nhân với nỗi tiếc nuối của thiên nhiên thì sao có thể lấp đầy dù thời gian có trôi đi mãi mãi. Nỗi đau khó nguôi ngoai, niềm xúc động không thể cản ngăn nhưng phải: Mai về miền Nam. Quặn thắt con tim, khôn nguôi nỗi nhớ nên thương trào nước mắt. Xúc động, thành kính quyện với nhau kết thành giọt nước mắt khi chia xa. Giọt nước mắt của tác giả, của mọi người, của đồng bào miền Nam, của toàn dân tộc. Để nguôi ngoai tác giả ước nguyện: Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác/ Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây/ Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này. Điệp ngữ muốn làm được nhấn mạnh ba lần biểu hiện nhịp sóng lòng trào dâng xúc động. Ước muốn của tác giả giản dị thân thuộc nhưng có tính vĩnh cửu. Âm thanh tiếng hót của chim có bao giờ tắt, làn hương thơm của hoa có bao giờ ngừng toả, đức trung kiên vẹn toàn nghĩa tình của biểu tượng cây tre có bao giờ mờ phai. Bác nằm ngủ bình yên và hiện hữu mãi mãi trong lòng chúng con, trong tim Tổ quốc, trong mạch máu núi sông.

Mở đầu bài thơ xuất hiện hình tượng hàng tre, kết thúc bài thơ lại là hình ảnh cây tre. Vậy là từ tình cảm đã biến thành hành động. Từ cái chung đến cái riêng, từ một người toả ra muôn người. Bài thơ có bốn khổ, mỗi khổ là một đợt sóng lòng. Khi đằm sâu, lúc trào dâng, khi lắng đọng lúc lan toả. Tất cả đều thiết tha, tôn kính, ngưỡng vọng, đau đớn xúc động khôn nguôi.

Chủ Đề