Nguyên nhân của tội phạm ẩn là gì

Tội phạm ẩn là gì? Tội phạm “rõ” và tội phạm “ẩn” được quy định thế nào? Tìm hiểu về tội phạm rõ. Những quy định liên quan đến tội phạm rõ và tội phạm ẩn.

Tuy nền tư pháp ngày càng phát triển tích cực hơn nhưng trên thực tế vẫn tồn tại thực trạng tội phạm ẩn bởi những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, khiến cho việc phát hiện cũng như hệ thống tội phạm diễn ra cũng gặp nhiều khó khăn.

Luật sư tư vấn pháp luật miễn phí qua điện thoại 24/7: 1900.6568

Mục lục bài viết

  • 1 1. Tội phạm ẩn là gì?
  • 2 2. Tội phạm ẩn tiếng Anh là gì?
  • 3 3. Tội phạm “rõ” và tội phạm “ẩn” được quy định thế nào?
    • 3.1 3.1. Tìm hiểu về tội phạm rõ
    • 3.2 3.2. Những quy định liên quan đến tội phạm rõ và tội phạm ẩn

Thuật ngữtội phạm ẩn do nhà thiên văn học người Bỉ Adolpho Quetelet đưa ra đầu tiên năm 1830. Hiện nay, phần ẩn của tội phạm được đề cập dưới các thuật ngữ “phần ẩn của tội phạm”, “phần ẩn của tình hình tội phạm”, “tình hình tội phạm ẩn” hoặc “tội phạm ẩn”. Tội phạm ẩn là một khái niệm có đời sống thực tế, bên cạnh khái niệm tội phạm rõ, nó là hai bộ phận hợp thành của tình hình tội phạm.

Trên cơ sở nghiên cứu hai nội dung đó, chúng ta mới có thể có cơ sở khoa học đầy đủ để đưa ra dự báo tình hình tội phạm, bởi lẽ “…dự báo tình hình tội phạm không chỉ là hướng nghiên cứu của tội phạm học mà còn là nhu cầu cấp bách của thực tế đấu tranh phòng và chống tội phạm”. Còn theo V.M. Cogan “Xu hướng ẩn là đặc tính của tình trạng tội phạm nói chung cũng như mong muốn che giấu  việc thực hiện tội phạm là đặc trưng của từng tội phạm riêng biệt”. Như vậy, nghiên cứu tình hình tội phạm không chỉ dựa vào số liệu thống kê tội phạm rõ mà còn phải dựa vào tội phạm ẩn, có như vậy thì công tác phòng ngừa tội phạm mới đầy đủ và toàn diện.

Thực tế nghiên cứu đã cho thấy phần ẩn của tội phạm chiếm tỷ lệ rất lớn, lớn hơn nhiều so với phần hiện của tội phạm.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, từ năm 1990 đến 1999 tỷ lệ phá án ở nước ta đạt 41,08% . Tỷ lệ phá án ở đây chính là sự phản ánh thực tế: Những hành vi có dấu hiệu phạm tội đã được kết thúc điều tra, tức là hành vi đó đã được khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đã được tiến hành điều tra theo quy định và có một trong các kết luận sau: Tạm đình chỉ điều tra vì bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác; tạm đình chỉ điều tra vì không biết rõ bị can đang ở đâu; đình chỉ điều tra; có kết luận điều tra và đề nghị Viện kiểm sát truy tố.

Còn trường hợp vụ án không xác định được bị can thì không được xem là đã phá được án. Quan điểm về tỷ lệ phá án của nước ta cũng phù hợp với quan điểm của các nhà tội phạm học Đức: “Một hành vi có dấu hiệu phạm tội chỉ được xem là đã được “khám phá” [aufgeklaert], khi cơ quan cảnh sát đã tiến hành điều tra mà kết quả là bắt quả tang nghi can hoặc chí ít cũng xác định rõ được tên của nghi can”.

Tỷ lệ tội phạm ẩn ở các nước cũng rất khác nhau về tình hình tội phạm nói chung và tội phạm cụ thể nói riêng, như: ở Đức năm 1993 tỷ lệ phá án đạt 43,8%, tỷ lệ này ở tội giết người là 82%, ở tội trộm cắp nghiêm trọng là 11,9%; ở Anh năm 2000 tỷ lệ tội phạm ẩn chiếm 70% tổng số vụ phạm tội; theo Tymothy Mason thì số lượng tội phạm ẩn lớn hơn từ 6 đến 8 lần tội phạm rõ[8]. Như vậy, tội phạm ẩn chiếm tỷ lệ rất lớn, nó không xuất hiện trên phông của tình hình tội phạm, ở các công trình nghiên cứu về tội phạm học cũng có đề cập nhưng chỉ dưới dạng nêu hiện tượng mang tính chất chung chung, khẩu hiệu mà chưa đi sâu tìm hiểu bản chất của hiện tượng này.

Hiện nay, khái niệm về tội phạm ẩn đang được hiểu theo nhiều góc độ khác nhau. Theo Timothy Mason, “tội phạm ẩn là tội phạm có thực nhưng không được tường thuật với cảnh sát”; Frank Schmalleger cho rằng, “tội phạm ẩn là thuật ngữ được đưa ra bởi các nhà tội phạm học và xã hội học mô tả số lượng tội phạm không được tường thuật hoặc không bị phát hiện và nó trả lời cho câu hỏi về độ tin cậy của thống kê tội phạm chính thức”.

Theo PGS.TS. Phạm Văn Tỉnh, “phần ẩn của tình hình tội phạm là tổng thể các hành vi phạm tội [cùng các chủ thể của hành vi đó] đã xảy ra trên thực tế, song không được phát hiện, không bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự hoặc không có trong thống kê hình sự ”. Còn GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm cho rằng, “tội phạm ẩn là khái niệm chỉ một phần trong tổng thể các tội phạm đã xảy ra trong một khoảng thời gian và trên một địa bàn nhất định mà chưa được các cơ quan bảo vệ pháp luật [Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và các cơ quan khác của Công an có chức năng tiếp nhận tin tố giác và phát hiện tội phạm] phát hiện về sự kiện nói chung hoặc chưa nhận biết được sự kiện, hành vi đã phát hiện là tội phạm”.

Như vậy, tổng hợp các quan điểm nêu trên, kết hợp với thực tiễn nghiên cứu, chúng tôi đưa ra khái niệm về tội phạm ẩn như sau: Tội phạm ẩn là số lượng hành vi phạm tội đã xảy ra nhưng không được phát hiện, không được tường thuật, không bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự hoặc không có trong thống kê hình sự.

2. Tội phạm ẩn tiếng Anh là gì?

Tội phạm ẩn trong tiếng Anh được hiểu là: Dark figure of crime.

3. Tội phạm “rõ” và tội phạm “ẩn” được quy định thế nào?

3.1. Tìm hiểu về tội phạm rõ

Tội phạm “rõ” là tội phạm đã được xử lí về hình sự, đã được đưa vào thống kê tội phạm.Tội phạm đã được xử lí về hình sự bao gồm:

– Tội phạm đã có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật [kể cả trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, được miễn hình phạt] và các trường hợp đã được xác định là tội phạm nhưng đã bị đình chỉ mà không được xét xử vì lí do khác nhau như đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, chủ thể thực hiện đã chết v.v..

– Tội phạm đã được xử lí về hình sự như vậy được coi là tội phạm “hiện” hay tội phạm “rõ” khi đã được phản ánh trong thống kê tội phạm. Tình hình tội phạm dựa trên thống kê này mới chỉ là tình hình tội phạm “rõ”.

Bên cạnh đó còn có tội phạm tuy đã xảy ra nhưng không được thể hiện trong thống kê tội phạm. Các tội phạm đã xảy ra mà không được thể hiện trong thống kê tội phạm như vậy được gọi là tội phạm “ẩn”.

3.2. Những quy định liên quan đến tội phạm rõ và tội phạm ẩn

Mối quan hệ giữa tội phạm rõ và tội phạm ẩn

Tội phạm “rõ” và tội phạm “ẩn” có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trước hết, tội phạm “rõ” và tội phạm “ẩn” là hai phần của tội phạm đã xảy ra, có quan hệ tỉ lệ nghịch với nhau. Phần “rõ” càng lớn thì phần “ẩn” càng nhỏ và ngược lại. Phần “rõ” là phần mà có thể được khẳng định một cách chắc chắn vì dựa trên các con số thống kê cụ thể. Trong khi đó, phần “ẩn” là phần mà không thể có được sự khẳng định chắc chắn vì chỉ dựa trên sự suy đoán. Trong đó, phần “rõ” là một trong các cơ sở của sự suy đoán này.

Tội phạm nói chung cũng như nhóm tội phạm hay tội cụ thể đều có phần “ẩn”. Mức độ “ẩn” ở những đơn vị thời gian, không gian khác nhau cũng như ở những nhóm tội hoặc tội khác nhau đều có thể có sự khác nhau.

Ví dụ: Tội giết người [Điều 123 BLHS năm 2015] được coi là một trong những tội có độ “ẩn” thấp; trái lại, tội nhận hối lộ [Điều 354 BLHS năm 2015] được coi là các tội có độ ẩn cao. Lí do của sự khác nhau về độ “ẩn” cũng rất khác nhau nhưng trong đó có thể có lí do từ chính đặc điểm riêng biệt của tội phạm.

Tội phạm “rõ” so với tội phạm thực tế có thể đạt các tỉ lệ khác nhau ở các phạm vi tội danh, phạm vi không gian và phạm vi thời gian khác nhau nhưng luôn có ý nghĩa đặc biệt, vì vừa phản ánh thực trạng đấu tranh chống tội phạm của Nhà nước và xã hội vừa là cơ sở cần thiết để nghiên cứu phần còn lại của tội phạm – Phần “ẩn” hay tội phạm “ẩn”.

Nghiên cứu tình hình tội phạm là nghiên cứu tình hình tội phạm thực bao gồm cả tội phạm “rõ” và tội phạm “ẩn”. “Bức tranh” thực của tội phạm phải là “bức tranh” tổng hợp của cả tội phạm “rõ” và tội phạm “ẩn”. Về lí thuyết, khi nghiên cứu tình hình tội phạm cụ thể, chúng ta phải bắt đầu và chủ yếu nghiên cứu tội phạm “rõ”. Các mô tả, đánh giá, giải thích cũng như dự liệu trước hết và chủ yếu là dựa trên tội phạm “rõ”. Nghiên cứu tội phạm “ẩn” được tiến hành sau và kết quả của nó chỉ được sử dụng có tính tham khảo thêm khi nghiên cứu tình hình tội phạm.

Các quy định liên quan đến tội phạm ẩn

Các khái niệm liên quan

– Độ ẩn: “Độ ẩn được hiểu là khả năng ẩn khuất khác nhau của từng loại tội phạm hoặc của từng nhóm tội”.Tùy từng loại tội phạm hoặc từng nhóm tội, khả năng che dấu của người phạm tội, đối tượng bị tác động, nạn nhân, khả năng phát hiện, xử lí tội phạm của các cơ quan có thẩm quyền. Các nhà tội phạm học nước ta chia độ ẩn của các loại tội phạm thành 04 cấp độ [từ độ ẩn cấp 1 đến độ ẩn cấp 4], tội trộm cắp tài sản được xếp ở độ ẩn cấp II, tức là có độ ẩn thấp.

– Thời gian ẩn: Thời gian ẩn là khoản thời gian từ khi người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội cho đến khi hành vi phạm tội của người đó bị phát hiện. Thời gian ẩn có thể là một khoảng thời gian nhất định nhưng cũng có thể là mãi mãi, phụ thuộc vào khả năng che giấu của người phạm tội, người phạm tội có khả năng che giấu càng tinh vi thì thời gian ẩn càng lâu, nạn nhân tố giác hoặc không tố giác với cơ quan có thẩm quyền hoặc các cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm đã không tiến hành xử lí theo quy định hoặc xử lí không đúng quy định hoặc cơ quan điều tra đã không tìm ra người phạm tội.

– Tỉ lệ ẩn: Tỉ lệ ẩn được hiểu là tỉ lệ tương quan giữa tội phạm bị phát hiện và tội phạm chưa bị phát hiện. Để có cơ sở tính toán một cách tương đối chính xác tỉ lệ tội phạm ẩn phải dựa vào nhiều nguồn số liệu khác nhau [nạn nhân, cơ quan tư pháp hình sự…], do những hạn chế trong khâu thu thập số liệu, chúng tôi sử dụng nguồn số liệu của các bản án hình sự và nguồn số liệu điều tra xã hội học do chúng tôi thực hiện.

Phân loại tội phạm ẩn

Về loại tội phạm ẩn: Trên cở sở nghiên cứu lí luận và thực tiễn, tác giả chia tội phạm ẩn thành ba loại: Tội phạm ẩn khách quan [hay còn gọi là tội phạm ẩn tự nhiên]; tội phạm ẩn chủ quan [hay còn gọi là tội phạm ẩn nhân tạo] và tội phạm ẩn thống kê, cụ thể:

Thứ nhất, tội phạm ẩn khách quan: Tội phạm ẩn khách quan là những tội phạm đã xảy ra trong thực tế, song các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lí tội phạm không có thông tin về chúng.

Thứ hai, tội phạm ẩn chủ quan: Tội phạm ẩn chủ quan là những tội phạm đã xảy ra trong thực tế mà thông tin về chúng đã được cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lí tội phạm nắm được, song vì nhiều lý do khác nhau, các tội phạm đó trong một thời gian nhất định hoặc vĩnh viễn không bị xử lí hoặc không thể xử lí hoặc xử lí không đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba, tội phạm ẩn thống kê: Cho đến nay, còn có nhiều quan điểm khác nhau về tội phạm ẩn thống kê. Theo kết quả nghiên cứu, chúng tôi cho rằng tội phạm ẩn thống kê có thể có ở quốc gia này nhưng không có ở quốc gia khác, có thể có trong giai đoạn này nhưng không có trong giai đoạn khác. Có hay không có tội phạm ẩn thống kê phụ thuộc vào pháp luật về thống kê tội phạm của mỗi quốc gia.

Hiện nay, ở nước ta quy định về thống kê tội phạm có tồn tại tội phạm ẩn thống kê. Tội phạm ẩn thống kê là  toàn bộ các tội danh mà bị cáo bị tòa án xét xử trong một bản án hình sự nhưng do quy định của pháp luật về thống kê tội phạm đã không thống kê đủ số tội danh đó nên bị loại ra ngoài con số thống kê.

Lí do ẩn của tội phạm

Nguyên nhân chủ quan

Theo quy định của pháp luật hình sự, việc phát hiện tội phạm có thể được thực hiện thông qua các hình thức sau đây: Tố giác và tin báo về tội phạm, như tố giác của công dân; tin báo của cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức xã hội; tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; Trực tiếp phát hiện tội phạm của các cơ quan chức năng; Người phạm tội tự thú.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các nguồn thông tin về tội phạm nói trên đã không được thực hiện. Nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc ẩn của tội phạm có nhiều nhưng có thể bao gồm:

– Sợ dư luận [tội phạm về tình dục]; Sợ trả thù [chủ thể của tội phạm hoạt động có tính chất xã hội đen]; Có sự thỏa thuận giữa người bị hại và gia đình họ với tội phạm.

– Đe dọa người bị hại, người làm chứng khiến họ không tố giác tội phạm; Thỏa thuận với người bị hại, người làm chứng để họ không tố giác tội phạm; Dùng thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi phạm tội, không tự thú hành vi phạm tội. Hối lộ cơ quan có thẩm quyền để thoát tội.

– Người biết về sự việc phạm tội nhưng không dám tố cáo vì sợ bị trả thù hoặc do quen thân thiết với người phạm tội nên họ không tố giác, cũng có thể do họ thỏa thuận với người phạm tội để nhận một lợi ích vật chất nào đó nên họ cũng không tố giác tội phạm.

Nguyên nhân khách quan

Đây là một nguyên nhân nằm hoàn toàn ngoài ý muốn của cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự cũng như bản thân người bị hại. Họ không có bất kỳ một thông tin nào về hành vi phạm tội, mặc dù hành vi phạm tội đã xảy ra trên thực tế. Có các trường hợp sau:

– Tội phạm thực tế đã xảy ra nhưng ngay cả người bị hại cũng không biết. Do vậy, việc phạm tội đương nhiên không được tường thuật hoặc không bị phát hiện.

– Tội phạm thực tế đã xảy ra, người bị hại biết nhưng họ không còn cơ hội để tố giác tội phạm, vụ án cũng không có bất cứ một nhân chứng nào cũng như tình tiết quan trọng nào đề Cơ quan điều tra điều tra vụ án.

Bởi vì để có cái nhìn khách quan và tương đối toàn diện về thực trạng của tình hình tội phạm, trước hết cần phải đồng thời dựa vào số liệu về tội phạm rõ và số liệu về tội phạm ẩn. Sở dĩ phải có sự kết hợp này vì không phải mọi tội phạm xảy ra trên thực tế đều bị phát hiện và xử lí về hình sự. Có khá nhiều tội phạm xảy ra trên thực tế nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên không bị phát hiện và do vậy không bị xử lí về hình sự.

Vì vậy, việc nhận thức đúng và thống nhất về tội phạm rõ, tội phạm ẩn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác thống kê tội phạm cũng như đánh giá được ở mức độ tương đối về thực trạng tội phạm ẩn, từ đó giúp cho cơ quan có thẩm quyền có được cái nhìn tương đối toàn diện về tình hình tội phạm, trên cơ sở đó xây dựng được biện pháp phòng ngừa tội phạm sát với thực tế.

Chủ Đề