Nguyên nhân gây thất thu ngân sách nhà nước

Chấn chỉnh công tác thu ngân sách

Đánh giá về công tác thu NSNN, nhiều đại biểu có chung quan điểm cho rằng, việc tăng thu chưa bền vững và công tác thu còn bộc lộ nhiều bất cập. Đại biểu Mai Sỹ Diến [Thanh Hoá] phân tích, thu NSNN tăng hơn 87 nghìn tỷ đồng so với dự toán thu nhưng lại tăng chủ yếu từ ngân sách địa phương là 83.700 tỷ đồng. Việc tăng thu chủ yếu từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất - một nguồn thu không ổn định và không phản ánh nội lực phát triển của nền kinh tế. “Tình trạng này đã xảy ra suốt một giai đoạn dài từ năm 2011-2015. Nguyên nhân của vấn đề trên theo Báo cáo kiểm toán của KTNN là do một số địa phương khi lập dự toán thu đã ước tính thực hiện năm 2014 thấp hơn khả năng thực hiện, dự toán chưa đầy đủ, chưa bao quát hết nguồn thu trên địa bàn” - đại biểu nêu rõ.



Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm [tỉnh Phú Thọ] phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Chung quan điểm, đại biểu Hoàng Quang Hàm [Phú Thọ] chỉ ra thực tế, “điệp khúc” tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu nhưng thu ngân sách luôn vượt dự toán thể hiện thu NSNN có những nguồn thu không vững chắc, không phải từ nội lực phát triển sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế mà do Chính phủ đã dùng các biện pháp tình thế để hoàn thành kế hoạch thu, như khai thác thêm tài nguyên dầu thô, đôn đốc để tăng thêm các khoản thu từ đất, thoái vốn nhà nước, thu nợ đọng thuế... “Đây là vấn đề Chính phủ cần cân nhắc kỹ vì muốn cân đối ngân sách bền vững thì nguồn thu phải bền vững. Để khống chế bội chi và đảm bảo an toàn nợ công thì phải chi trong khả năng của nền kinh tế và vay theo khả năng trả nợ” - đại biểu Hàm lưu ý. Một hạn chế khác trong công tác thu ngân sách được các đại biểu chỉ ra là tình trạng nợ thuế, trốn thuế chưa được kiểm soát hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh [Hòa Bình] băn khoăn: Có vấn đề gì trong việc dự toán thu không? Đặc biệt là việc tăng thu đột biến, có những khoản thu tăng tới 121% so với dự toán. Ở đây có đặt vấn đề về năng lực lập dự toán thu không sát hay còn nguyên nhân nào khác? Đại biểu cho rằng, phương pháp thu ngân sách, đặc biệt thu thuế chưa sát và còn bỏ lọt các khoản thu; việc quản lý các nguồn thu chưa chặt chẽ, gây thất thu thuế. Dẫn con số, tính đến 31/12/2015 số nợ thuế là 79.276 tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2014 và nợ xấu cũng rất lớn, đại biểu Phạm Đình Toản [Hưng Yên] cho rằng, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, “KTNN thông qua kiểm toán đã kiến nghị tăng thu 11.365 tỷ đồng. Tôi cho rằng, nếu đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống nợ đọng thuế thì số thực thu NSNN còn cao hơn”.

Cần xử lý nghiêm các vi phạm

Từ phân tích thực tế, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất cho rằng, những bất cập trong công tác quản lý, điều hành ngân sách diễn ra kéo dài trong nhiều năm là do xử lý chưa nghiêm các vi phạm. Theo đại biểu Mai Sỹ Diến, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 21 năm 2016 về điều chỉnh dự toán và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2014 giao Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách và báo cáo với Quốc hội khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2015. Năm 2008 Thủ tướng Chính phủ cũng có Chỉ thị về thực hiện nghiêm các chính sách tài khóa và thực hiện các kết luận kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ còn rất chung chung. Do vậy, đại biểu Diến và một số đại biểu khác kiến nghị Chính phủ phải có một báo cáo riêng về nội dung kiểm điểm tổ chức, cá nhân vi phạm và có giải pháp khắc phục. Đại biểu Hoàng Quang Hàm thì đề nghị Chính phủ cần có một nghị quyết để triển khai Nghị quyết của Quốc hội và giao cho một cơ quan làm đầu mối theo dõi, đôn đốc, có báo cáo cụ thể, chi tiết và rõ mức độ sai phạm mà xử lý vi phạm. Cùng với đó, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần thực hiện nghiêm túc kết luận và kiến nghị của KTNN và các cơ quan thanh tra, kiểm tra tài chính. Tăng tỷ lệ thực hiện các kiến nghị về hủy bỏ hoàn thiện các văn bản, chính sách không còn phù hợp, mâu thuẫn, không có nguồn lực thực hiện như kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán. 

Nhấn mạnh vai trò của Báo cáo kiểm toán, đại biểu Phạm Đình Toản cho rằng, mặc dù phạm vi kiểm toán chưa được thực hiện hết tại các đơn vị sử dụng ngân sách nhưng hoạt động kiểm toán có tác dụng tốt, cung cấp thông tin cho Quốc hội một cách khách quan, tin cậy để xem xét phê duyệt quyết toán NSNN. Đại biểu đề nghị Quốc hội phê duyệt quyết toán NSNN năm 2015 nhưng cần ra nghị quyết để các cơ quan hữu quan của Chính phủ tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các nguồn thu - chi NSNN, báo cáo kết quả với Quốc hội khi trình Quốc hội quyết toán NSNN năm sau, đồng thời công khai vấn đề xử lý cá nhân, đơn vị trong kiến nghị kiểm toán.


NGUYỄN HỒNG

Thời gian qua, với mục tiêu nhằm hạn chế tối đa thất thu ngân sách Nhà nước [NSNN], thu hồi nợ đọng, Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Yên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn thành phố.

Công ty TNHH Công nghệ Cosmos [KCN Khai Quang] là một trong những đơn vị đóng góp nguồn thu lớn trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên. Ảnh: Chu Kiều

Xác định rõ những khó khăn sẽ làm ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách trên địa bàn năm 2017, ngay từ đầu năm, ngoài việc chủ động tham mưu với chính quyền địa phương cũng như làm tốt công tác phối hợp với các phòng, ban, UBND các xã, phường trên địa bàn, Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Yên chủ động xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả nhiệm vụ công tác thuế năm 2017.

Để hạn chế tối đa thất thu thuế, đảm bảo kịp thời thu đúng, thu đủ số nợ đọng thuế, chi cục đã có Tờ trình đề nghị UBND thành phố xem xét, ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách thành phố và Đoàn công tác liên ngành chống thất thu NSNN năm 2017

Theo đánh giá của lãnh đạo chi cục, một số nguyên nhân chủ yếu, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu NSNN tại đơn vị, như: Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp [DN] trên địa bàn thành phố còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc ngừng hoạt động, giải thể do nguồn lực tài chính yếu; nhận thức, trách nhiệm, tính tự giác của người nộp thuế [NNT] trong thực hiện nghĩa vụ đối với NSNN còn hạn chế; một số DN hoạt động trong lĩnh vực XDCB có khối lượng công trình lớn đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa được chủ đầu tư thanh toán, dẫn đến chậm nộp thuế; DN có số thuế nợ lớn không có khả năng thanh toán tự ý ngừng hoạt động hoặc tự ý bỏ địa chỉ kinh doanh gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ đọng thuế…

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức đơn vị, nhiệm vụ thu nợ thuế luôn được lãnh đạo chi cục quan tâm, chú trọng. Chi cục triển khai giao kế hoạch bổ sung nhiệm vụ đôn đốc thu nợ thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày [đối với những khoản nợ có khả năng thu] cho các Đội thuế được giao kế hoạch thu trong năm.

Hầu hết các đơn vị nhận được thông báo truy thu nợ thuế đều chấp hành và cam kết nộp đầy đủ các khoản nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp còn nợ vào NSNN. Đối với những trường hợp quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày cam kết, chi cục sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ theo đúng quy định của pháp luật. Đây được xem là giải pháp mang lại hiệu quả cao trong công tác thu hồi nợ đọng thuế.

Quyết tâm giải quyết thu hồi nợ đọng thuế, đến hết tháng 10/2017, Chi cục Thuế thành phố đã thực hiện các biện pháp quản lý và cưỡng chế nợ thuế đối với 13.150 lượt đơn vị. Trong đó có trên 2.400 lượt đơn vị đã tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế vào NSNN với số tiền trên 94 tỷ đồng; cưỡng chế bằng hình thức trích tiền từ tài khoản tại ngân hàng đối với 758 lượt đơn vị [đến nay có 159 lượt đơn vị đã thực hiện nộp tiền nợ thuế vào NSNN với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng]; cưỡng chế bằng hình thức thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với 80 lượt đơn vị [số đơn vị đã thực hiện nộp NSNN là 29 đơn vị với số tiền hơn 12tỷ đồng]. Nhờ vậy, tổng thu ngân sách của chi cục tính đến hết tháng 10/2017 đạt trên 340 tỷ đồng [bằng 71,2% dự toán Cục Thuế tỉnh giao, bằng 86,9% so cùng kỳ 2016].

Đồng chí Nguyễn Đại Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Yên cho biết: Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Yên luôn xác định, tuyên truyền hướng dẫn người nộp thuế là một trong những yếu tố tiên quyết góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết cho NNT về quyền và nghĩa vụ đối với NSNN.

Thông qua các hội nghị tập huấn, các cuộc đối thoại được tổ chức tại đơn vị, NNT nắm được những văn bản quy định của Nhà nước trong lĩnh vực Thuế, trên cơ sở đó cơ quan Thuế kịp thời giải đáp, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình làm việc với NNT.

Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Yên đã cụ thể hóa nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính [TTHC] thuế với những giải pháp cụ thể: Công khai các TTHC thuế, quy trình nghiệp vụ, quản lý thu thuế gắn với thực hiện cơ chế một cửa tại đơn vị nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NNT thực hiện nghĩa vụ với NNSN; đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, nhất là các phần mềm phục vụ quản lý hồ sơ, quản lý nợ, hỗ trợ NNT, phần mềm thanh, kiểm tra. Qua đó, từng bước xây dựng phương pháp làm việc khoa học cũng như giảm áp lực trong quá trình đăng ký, kê khai nộp thuế, nộp hồ sơ khai thuế của các tổ chức, cá nhân.

Với mục tiêu thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN, hoàn thành kế hoạch thu nợ Tổng cục Thuế giao trong năm 2017, góp phần đảm bảo tính công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế nói chung và xử lý nợ thuế nói riêng, từ nay đến cuối năm, Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Yên tiếp tục thực hiện các giải pháp trong tâm: Tăng cường giám sát kê khai, đôn đốc nộp đủ số thuế phát sinh, nợ đọng vào NSNN; thu đủ và kịp thời số thuế tăng thêm sau quyết toán thuế; khai thác triệt để các nguồn thu hiện có để huy động tối đa vào NSNN, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, ăn uống, thương mại, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; quản lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân thuộc diện nộp Thuế Thu nhập cá nhân để tăng cường nguồn thu; tăng cường thanh, kiểm tra thuế, nhất là đối với các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp thuộc diện phải hoàn thuế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, kiên quyết xử phạt theo quy định đối với các trường hợp không kê khai, kê khai chậm, kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp vào NSNN.

Ngọc Lan

Video liên quan

Chủ Đề