Nguyên nhân lạm phát 2011 ở việt nam

- Năm 2011, tình hình kinh tế - xã hội xuất hiện nhiều yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát có xu hướng tăng cao, tình hình thiên tai, dịch bệnh, giá cả các nguyên liệu đầu vào gia tăng. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Với sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện tốt nghị quyết này, tình hình kinh tế vĩ mô đã có chuyển biến và dần đi vào ổn định.

Kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát dần được kiểm soát

Trong năm 2011, Chính phủ đã thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở với lãi suất hợp lý nhằm kiểm soát và ổn định tiền tệ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, ước tính cả năm, tổng dư nợ tín dụng tăng 12%, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,5%. Điểm đáng chú ý, vốn tín dụng được ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm tỷ trọng vốn vay của khu vực phi sản xuất; lãi suất tín dụng đã có xu hướng giảm. Thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực, tỷ giá ổn định, trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng, dự trữ ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện. Cán cân tổng thể thặng dư 3,1 tỷ USD.

Cân đối ngân sách nhà nước được điều hành một cách chủ động, tăng được nguồn thu, tiết kiệm chi tiêu, góp phần kiềm chế lạm phát. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2011 vượt kế hoạch, đáp ứng được các nhu cầu chi, trả nợ, giảm bội chi ngân sách nhà nước. Bội chi ngân sách nhà nước cả năm 2011 ước giảm xuống còn 4,9% GDP (kế hoạch là 5,3%).

Chủ trương cắt giảm đầu tư công được đẩy mạnh, theo hướng không khởi công mới, rà soát cắt giảm đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tín dụng đầu tư; cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công trong năm 2011 tương đương khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Kết quả là tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã giảm từ 41,9% GDP năm 2010 xuống 34,5% GDP năm 2011; vốn đầu tư công (không kể doanh nghiệp nhà nước) giảm tỷ trọng tổng đầu tư xã hội từ 34,6% năm 2010 xuống còn 31,2% năm 2011. Các dự án hoàn thành năm 2011 là 4.400 dự án, tăng thêm 1.053 dự án so với dự kiến.

Xuất khẩu tăng cao, nhập khẩu được kiểm soát. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2011 đạt con số kỷ lục là 202 tỷ USD, bằng 170% GDP. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 106 tỷ USD, tăng 25%. Nhập siêu giảm mạnh, cả năm dự kiến khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mục tiêu đề ra (không quá 18%), đã góp phần tích cực cải thiện cán cân thanh toán và ổn định tỷ giá.

Lạm phát dần được kiểm soát, từ tháng 5/2011, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng đã giảm dần. 4 tháng qua, lạm phát chỉ tăng ở mức dưới 1% (tháng 8: 0,93%; tháng 9: 0,82%; tháng 10: 0,36% và tháng 11: 0,36%). Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2011 so với cùng kỳ ước tăng khoảng 18%. Nợ công được giữ ở mức an toàn, cuối năm 2011 ước khoảng 54,6% GDP.

Sản xuất, kinh doanh tiếp tục phát triển

Trong điều kiện tập trung kiềm chế lạm phát, giảm mạnh tăng trưởng tín dụng, thắt chặt chi tiêu ngân sách, nhưng nhờ thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho sản xuất như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng,… khuyến khích xuất khẩu, thúc đẩy thị trường trong nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, nhất là về cuối năm. Ước thực hiện cả năm tốc độ tăng trưởng GDP đạt gần 6%. Quy mô nền kinh tế ước đạt 119 tỷ USD, với mức GDP bình quân đầu người ước đạt 1.355 USD/người.

Công tác bảo đảm an sinh có nhiều chuyển biến tích cực

Trước tình hình giá cả tăng cao, Chính phủ đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, chính sách bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho nhiều đối tượng. Triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đồng thời, đã triển khai thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo.

Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhưng chi ngân sách nhà nước cho công tác an sinh xã hội ước tăng khoảng 20% và dư nợ tín dụng ưu đãi thực hiện chính sách xã hội tăng khoảng 17% so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 2%, đây là một nỗ lực lớn. Công tác giải quyết việc làm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ứơc thực hiện cả năm 2011 tạo việc làm cho gần 1,6 triệu người.

Vấn đề đặt ra và giải pháp chủ yếu

Tuy bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong năm 2011, tình hình kinh tế vĩ mô cũng còn một số yếu kém, tồn tại như: kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định; lạm phát tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao; nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại khó khăn; dự trữ ngoại hối đạt thấp, áp lực đối với tỷ giá còn lớn. Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện nguồn vốn tín dụng hạn hẹp, lãi suất đã bắt đầu giảm nhưng vẫn còn cao. Thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản giảm sút. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người lao động có thu nhập thấp và đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn…

Những hạn chế trên có những nguyên nhân khách quan do tác động của những bất ổn của kinh tế và nợ công cao ở nhiều nước trên thế giới, nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan trong nội tại nền kinh tế đã tích tụ từ nhiều năm trước như: cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng chưa hợp lý; cơ cấu đầu tư, nhất là đầu tư công lớn, nhưng dàn trải, hiệu quả thấp; do nhiều năm nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoá,…; nhập siêu cao; khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Việc quản lý điều hành nền kinh tế; sự phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô và tổ chức triển khai thực hiện của các ngành, các cấp còn bất cập làm giảm hiệu quả chính sách vĩ mô…

Để khắc phục những tồn tại, yếu kém trên, mục tiêu tổng quát năm 2012 của Việt Nam là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đảm bảo phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân… Để thực hiện được mục tiêu trên, trong năm 2012, Chính phủ sẽ tập trung vào triển khai 6 nhóm giải pháp chủ yếu, đó là: tiếp tục thực hiện nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ chặt chẽ; thực hiện từng bước việc tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh; tăng cường và phát huy hiệu quả của công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế sâu rộng hơn và nâng cao hiệu quả hội nhập; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và dự báo phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác thông tin.