Nhà nước bảo đảm cho công dân thực hiện tốt quyền bầu cử và ứng cử chính là

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI   Giấy phép số 02/GPTTĐT-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp ngày 12/05/2014   Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Công Hùng – Phó Viện trưởng - Trưởng Ban biên tập   Địa chỉ: 03 Lý Thái Tổ - TP. Pleiku - Tỉnh Gia Lai  -  Điện thoại: 02693.824 426 - Fax: 02693.823 873

   E-mail:

Bầu cử là một trong những quyền chính trị quan trọng của công dân nhằm thiết lập nên bộ máy nhà nước, trước hết là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Quyền bầu cử của công dân luôn được Nhà nước ta quan tâm ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật và bảo đảm thực hiện trong thực tế. Bài viết phân tích về quyền bầu cử, cơ chế bảo đảm quyền bầu cử và đề xuất một số giải pháp bảo đảm quyền bầu cử của công dân ở Việt Nam.

1. Quyền bầu cử của công dân ở Việt Nam

1.1. Quan niệm về quyền bầu cử

Bầu cử theo nghĩa gốc được hiểu là sự lựa chọn hoặc ra quyết định. Dưới giác độ pháp lý, “Bầu cử được hiểu là thủ tục thành lập cơ quan nhà nước hay chức danh nhà nước, thủ tục này được thực hiện bởi sự biểu quyết của cử tri [đại cử tri, đại diện cử tri] với điều kiện để bầu một đại biểu [chức danh] phải có từ hai ứng cử viên trở lên”[1]. Bầu cử gắn với sự ra đời và phát triển của chế độ xã hội dân chủ, trong đó quyền bầu cử và quyền ứng cử của công dân phải được bảo đảm. Ở Việt Nam, theo quy định của pháp luật, quyền bầu cử của công dân là khả năng của công dân thực hiện quyền lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước.

Quyền bầu cử được coi là một trong những quyền cơ bản của con người trong lĩnh vực chính trị và đã được ghi nhận tại Điều 21 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc: “1] Tất cả mọi người đều có quyền tham gia vào quản lý của đất nước mình trực tiếp hoặc thông qua những người đại diện đã được tự do lựa chọn; 2] Tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ công cộng của đất nước mình; 3] Nguyện vọng của nhân dân là cơ sở quyền lực của chính quyền; nguyện vọng này sẽ được thể hiện trong những cuộc bầu cử định kỳ, phổ thông, bình đẳng và bỏ phiếu kín hoặc thông qua những thủ tục bầu cử tự do tương đương”[2].

Ở Việt Nam, quyền bầu cử của công dân được quy định tại Điều 27 Hiến pháp năm 2013: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”. Thông qua quyền bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, công dân có thể lựa chọn những đại biểu ưu tú nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước.

1.2. Quyền bầu cử của công dân

Theo quy định pháp luật, công dân Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử, tuy nhiên xuất phát từ tính chất quan trọng của quyền bầu cử, theo Điều 30 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, các trường hợp sau không được tham gia bầu cử:

- Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

- Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án;

- Người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo;

- Người mất năng lực hành vi dân sự.

Người thuộc các trường hợp nêu trên, nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri.

1.3. Nội dung quyền bầu cử

Quyền bầu cử bao gồm quyền tham gia đề cử, giới thiệu người ứng cử và quyền bỏ phiếu, giúp cho công dân chủ động trong việc lựa chọn đại biểu thay mặt mình trong cơ quan quyền lực nhà nước, cụ thể là:

Thứ nhất, quyền tham gia đề cử, giới thiệu người ứng cử của công dân được thực hiện thông qua quyền tham dự hội nghị cử tri nơi người ứng cử đại biểu công tác và hội nghị cử tri nơi người ứng cử đại biểu cư trú để nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín theo quyết định của hội nghị cử tri [quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, tại Điều 45 đối với đại biểu Quốc hội và Điều 54 đối với đại biểu Hội đồng nhân dân].

Kết quả lấy ý kiến cử tri cùng với tiêu chuẩn đại biểu; cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu là căn cứ để Hội nghị hiệp thương lần thứ ba lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Những người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trường hợp đặc biệt thì báo cáo Hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.

Thứ hai, quyền bỏ phiếu của công dân được quy định tại Điều 69 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Theo đó, công dân thực hiện quyền bỏ phiếu như sau:

- Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.

- Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp pháp luật quy định; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.

- Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

- Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

- Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.

- Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.

2. Cơ chế bảo đảm quyền bầu cử của công dân ở Việt Nam

Theo Đại từ điển Tiếng Việt, cơ chế là: “Cách thức sắp xếp tổ chức để làm đường hướng, cơ sở theo đó mà thực hiện”[3]. Như vậy, cơ chế là phương thức, hệ thống các yếu tố làm cơ sở, đường hướng cho sự vận động của sự vật hay hiện tượng. Cơ chế bảo đảm quyền bầu cử của công dân là phương thức và các yếu tố làm cho quyền bầu cử của công dân thực hiện có hiệu quả. Ở Việt Nam, quyền bầu cử của công dân được bảo đảm thực hiện theo các phương thức và yếu tố sau:

2.1. Pháp luật điều chỉnh về quyền bầu cử

Để quyền bầu cử thực hiện được trên thực tế, cần có khung pháp lý đầy đủ về quyền bầu cử của công dân. Hiện nay, quyền bầu cử của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 đã quy định khá đầy đủ về chủ thể của quyền bầu cử, quy trình bầu cử, nguyên tắc bầu cử và quyền cụ thể của công dân trong bầu cử. Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền bầu cử của công dân, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 [sửa đổi, bổ sung năm 2020] quy định về xử lý hành chính; Bộ luật Hình sự năm 2015 [sửa đổi, bổ sung năm 2017] quy định về xử lý hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền bầu cử [Điều 160 Bộ luật Hình sự quy định tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân; Điều 161 quy định về tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân].

2.2. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong bầu cử

Trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong bầu cử là một trong các yếu tố quan trọng để thực hiện quyền bầu cử của công dân. Các cơ quan chủ yếu có trách nhiệm trong bầu cử hiện nay gồm:

- Quốc hội có trách nhiệm quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quyết định, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.

- Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện việc dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu; xác định cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tổ chức giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, bảo đảm cho việc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.

- Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện công tác bầu cử theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm kinh phí, hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí tổ chức bầu cử, bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền, an ninh, an toàn và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cuộc bầu cử.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

- Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội tại địa phương; Ủy ban bầu cử ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban bầu cử ở xã, phường, thị trấn tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tương ứng; các Ban bầu cử, Tổ bầu cử thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật.

- Thường trực Hội đồng nhân dân dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân của cấp mình; Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và thực hiện công tác bầu cử theo quy định của pháp luật.

- Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế có trách nhiệm tạo điều kiện để các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

2.3. Kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong bầu cử

Để bầu cử được tiến hành khách quan và thực hiện có hiệu quả quyền bầu cử của công dân; công tác kiểm tra, giám sát đối với bầu cử được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 đã quy định về thẩm quyền kiểm tra của các cơ quan, tổ chức đối với bầu cử, cụ thể:

- Hội đồng bầu cử kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử. Hội đồng bầu cử quốc gia phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát, kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Ủy ban bầu cử chỉ đạo, kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri.

Ban bầu cử có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

+ Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử của các Tổ bầu cử thuộc đơn vị bầu cử;

+ Kiểm tra, đôn đốc việc lập, niêm yết danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách những người ứng cử ở các Tổ bầu cử thuộc đơn vị bầu cử;

+ Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc bố trí các phòng bỏ phiếu và công việc bầu cử ở các phòng bỏ phiếu;

Để xử lý vi phạm trong bầu cử, Điều 95 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 đã quy định rõ: người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý vi phạm, để bảo đảm thực hiện quyền bầu cử, công dân có quyền tố cáo về người ứng cử, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử. Tùy theo từng loại khiếu nại, tố cáo, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử có trách nhiệm giải quyết.

3. Những vấn đề đặt ra và giải pháp bảo đảm quyền bầu cử của công dân ở Việt Nam hiện nay

3.1. Những vấn đề đặt ra trong thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền bầu cử của công dân

Công tác bầu cử ở nước ta những năm qua đã bảo đảm dân chủ, bình đẳng, an toàn, đúng quy định và thực sự là ngày hội của toàn dân[4]. Thông qua thực hiện quyền bầu cử, các cử tri đã lựa chọn những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, uy tín, trí tuệ làm đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền bầu cử của công dân hiện nay còn một số vấn đề bất cập như:

- Về pháp luật điều chỉnh quyền bầu cử: liên quan đến quyền bầu cử, hiện nay về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân còn quy định chung chung, định tính, khó lượng hóa. Ví dụ: tiêu chuẩn có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu… điều này chưa tạo thuận lợi để cử tri lựa chọn đại biểu đúng theo tiêu chuẩn. Về giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử: quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 chưa cụ thể quy trình giải quyết. Trách nhiệm người ứng cử tiếp xúc với cử tri chưa được quy định đầy đủ để bảo đảm cho cử tri tiếp cận và hiểu cơ bản về người ứng cử nhằm lựa chọn chính xác đại biểu.

- Về trách nhiệm của các tổ chức thực hiện bầu cử: một số nơi, thành viên Tổ bầu cử còn hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện công tác bầu cử, để xảy ra một số trường hợp vi phạm pháp luật về bầu cử phải trình Hội đồng bầu cử quốc gia hủy bỏ kết quả bầu cử để tổ chức bầu cử lại[5].

- Về phía cử tri, vẫn còn có những cử tri chưa nhận thức đúng đắn về quyền bầu cử của công dân; có hiện tượng nhờ bỏ phiếu hộ hoặc chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc lựa chọn đại biểu.

3.2. Giải pháp bảo đảm quyền bầu cử của công dân

Một là, hoàn thiện pháp luật về bầu cử: cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân theo hướng chú trọng tiêu chuẩn về năng lực thực tiễn của đại biểu. Bổ sung quy định về trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo trong bầu cử từ khâu thụ lý khiếu nại, tố cáo đến xác minh, xử lý và ra quyết định giải quyết. Quy định rõ hơn trách nhiệm của người ứng cử đại biểu trong tiếp xúc với cử tri ở nơi công tác và nơi cư trú để cử tri đánh giá chính xác tâm huyết và năng lực thực tế của người ứng cử, làm cơ sở cho việc đánh giá tín nhiệm để giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu lựa chọn đại biểu.

Hai là, nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức thực hiện bầu cử. Cần lựa chọn các thành viên của các tổ chức bầu cử có năng lực, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ để tránh sai sót, bảo đảm khách quan, chính xác trong bầu cử.

Ba là, nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong bầu cử nhằm bảo đảm chính xác, khách quan, nhanh chóng, tiết kiệm. Cụ thể là ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của quá trình bầu cử, công nghệ hiện đại trong kiểm phiếu, gắn camera để kiểm soát việc công dân có thực hiện nghiêm túc quyền bầu cử và các tổ chức có thực hiện tốt trách nhiệm được giao trong bầu cử hay không.

Bốn là, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các hình thức thiết thực, kịp thời và phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền để công dân nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của quyền bầu cử, nắm rõ quy trình cũng như nội dung cụ thể nhằm thực hiện tốt quyền bầu cử./.

-------------------------------------------

Ghi chú:

[1] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hiến pháp nước ngoài, Nxb Công an nhân dân, H.1999, tr. 53.

[2] Gudmundur Alfredsson & Asbj#rn Eide[chủ biên], Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948, Nxb Lao động - Xã hội, H. 2011, tr. 447.

[3] Nguyễn Như Ý, Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa thông tin, H. 1998, tr. 464.

[4], [5] Chính phủ, Báo cáo số 207/BC-CP ngày 16/7/2016 về Tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Tài liệu tham khảo:

1. Hiến pháp năm 2013.

2. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

3. Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 [sửa đổi, bổ sung năm 2020].

4. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 [sửa đổi, bổ sung năm 2019].

5. Bộ luật Hình sự năm 2015 [sửa đổi, bổ sung năm 2017].

6. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 [sửa đổi, bổ sung năm 2020].

TS Đàm Bích Hiên - Học viện Hành chính Quốc gia

tcnn.vn

Video liên quan

Chủ Đề