Phân tích hệ giá trị của văn hóa việt nam năm 2024

VHO- Nghiên cứu và xây dựng “Hệ giá trị Việt Nam”, “Hệ giá trị gia đình Việt Nam”, “Hệ giá trị văn hóa Việt Nam”, “Xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam”… là những vấn đề có mối quan hệ biện chứng với nhau và đang trở thành nhu cầu ngày càng cấp thiết đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, và đang là đề tài được thảo luận nhiều trong giới nghiên cứu, khoa học để đề xuất một số bảng giá trị, nhưng cần làm rõ hơn những điểm còn khác nhau.

Có những cách định nghĩa “hệ giá trị” không hoàn toàn giống nhau như một nhà xã hội học người Mỹ cho rằng:

… Tất cả những gì có ích lợi, đáng ham chuộng, đáng kính phục đối với con người hoặc nhóm người đều là có một giá trị…”. Còn nhiều nhà nghiên cứu của Việt Nam định nghĩa: Cái đó là cần, là tốt, là hay, là đẹp… được coi là chân thiện mỹ. Hai định nghĩa trên tuy khác nhau về ngôn ngữ diễn đạt nhưng thống nhất về các yếu tố chính là: Phải có ích lợi, phải có giá trị nhân văn, giá trị thẩm mỹ và phải được ngưỡng mộ. Tuy nhiên chưa phân biệt rõ “giá trị” thuộc “văn hóa phi vật thể” hay bao gồm cả “văn hóa vật thể”. Nếu là tất cả thì bảng hệ giá trị của mỗi quốc gia sẽ rất dài. Phải chăng khái niệm “hệ giá trị” chỉ thuộc về các giá trị văn hóa “phi vật thể”, nhưng phải là những gì nổi trội nhất về: Năng lực, về tính nhân văn và được ngưỡng mộ nhất trong cộng đồng, nói cách khác phải là “phẩm giá cao nhất” và tồn tại lâu dài nhất như nền độc lập dân tộc của VN.

Quá trình nghiên cứu hệ giá trị Việt Nam diễn ra với những sự kiện: Nghị quyết TW 5-1998 và NQ 33-TW 2014 đã nêu bảng giá trị gồm 6 điểm (tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, nhân ái, bao dung, nghĩa tình, trọng đạo lý, cần cù, sáng tạo, tinh tế trong ứng xử). Năm 2016, công trình nghiên cứu “Hệ giá trị VN từ truyền thống đến hiện đại” đã nêu 5 “giá trị cốt lõi” (cộng đồng, hài hước, âm tính, cầu toàn, linh hoạt), và 2 “giá trị định hướng” (dân chủ, pháp quyền), cùng với 8 giá trị thuộc con người và cá nhân (yêu nước, nhân văn, trung thực, bản lĩnh, trách nhiệm, hợp tác, khoa học, sáng tạo), đồng thời cũng nêu rất nhiều điểm gọi là “phi giá trị” đó là các “thói hư tật xấu” của người VN nhìn từ bên trong và nhìn từ bên ngoài. Năm 2020, nhóm nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN có bài viết nêu bảng giá trị 10 điểm: (yêu nước, nhân ái, anh hùng dũng cảm, chấp nhận tiếp thu, hiếu học, sáng tạo, cần cù, lạc quan, trọng đạo lý, ưa ổn định). Tháng 6.2020 Bộ Chính trị đánh giá kết quả thực hiện xây dựng hệ giá trị VN là còn nhiều hạn chế, chưa đạt một số mục tiêu đặt ra…, ngoài những thành tựu đạt được, nhìn từ góc khác, bức tranh hệ giá trị VN lại có nhiều mảng tối đáng quan ngại…, đạo đức của một bộ phận xuống cấp, giá trị lệch lạc, niềm tin suy giảm… Tháng 11.2022, có một nghiên cứu thuộc Học viện Chính trị quốc gia có bài tham luận nêu bảng giá trị 6 điểm (yêu nước, tính cộng đồng, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần thân dân, tính hòa hiếu, thượng võ)…

Từ các định nghĩa và các bảng giá trị đã nêu, có thể nhận thấy một số vấn đề cần làm rõ hơn: Một là, các bảng giá trị đều nêu giá trị “lòng yêu nước” nhưng lại không đề cập giá trị “ý chí độc lập dân tộc”, trong khi “ý chí độc lập dân tộc” bao hàm cả yêu nước, ý chí và năng lực bảo vệ nền độc lập, đồng thời còn là tình cảm thiêng liêng nhất như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không gì quý hơn độc lập tự do”, giá trị ấy đã trường tồn qua hàng ngàn năm lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt và đó chính là “phẩm giá cao nhất” của dân tộc VN. Hai là, nếu đã cho rằng “tính cộng đồng” và “tính trọng âm” tạo thành lòng yêu nước, vì đó là tinh thần tập thể, đoàn kết, dân chủ… có sức tự vệ và sức bật nhưng đồng thời lại coi tính cộng đồng và trọng âm là “nguồn gốc” của hàng chục thói hư tật xấu như: Ỷ lại, hẹp hòi, nhu nhược, yếu đuối… nếu không phân biệt rõ đâu là “bản chất” đâu là “hiện tượng”? Ba là “gần dân” là khái niệm chỉ “thái độ” của giới cầm quyền, không thuộc về giá trị của cộng đồng.

Người nước ngoài có thể nói về những thói hư tật xấu từ biểu hiện của những cá nhân người Việt nhưng từ cảm nhận lịch sử VN, họ thường nói đến: Ý chí độc lập dân tộc, tính bất khuất, kiên cường, tài năng quân sự, sức chịu đựng gian khổ, tính thân thiện và tinh thần lạc quan… Đó là cảm nhận từ bên ngoài nên có tính khách quan rất cần tham khảo để kết hợp với nghiên cứu từ bên trong nhằm xác định chính xác hơn “hệ giá trị Việt Nam truyền thống” làm cơ sở lý luận và thực tiễn cho nghiên cứu xây dựng “hệ giá trị Việt Nam hiện đại” trong mối quan hệ biện chứng với xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

TCCS - Giá trị là sản phẩm của quá trình tư duy, sản xuất tinh thần của con người, là yếu tố cốt lõi nhất của văn hóa. Giá trị văn hóa là một hình thái của đời sống tinh thần, được phản ánh và kết tinh đời sống văn hóa của con người, giúp điều tiết hành vi và định hướng sự phát triển tới chân - thiện - mỹ, góp phần tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của các quốc gia - dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân tại Di tích lịch sử - văn hóa Đền Đô (phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh)_Ảnh: TTXVN

Giá trị là hệ thống những đánh giá mang tính chủ quan của con người về tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những cái gì là cần, là tốt, là hay, là đẹp; nói cách khác, đó chính là những cái được con người cho là chân, thiện, mỹ. Do vậy, giá trị văn hóa là một hình thức của giá trị xã hội, gắn bó mật thiết với hoạt động sống của con người, sự tồn tại và phát triển của mỗi xã hội.

Giá trị văn hóa (cultural value) do con người ở mỗi xã hội nhất định sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, nhưng một khi hệ giá trị văn hóa đã hình thành thì nó lại có vai trò định hướng cho các mục tiêu, phương thức và hành động của con người trong các xã hội ấy. Nó cũng chính là một thứ vốn xã hội (social capital)(1). Khi đó, giá trị kết nối con người với nhau thông qua việc cùng chia sẻ giá trị, tạo nên tình đoàn kết và sức mạnh; đồng thời, cũng có thể tạo nên những biểu tượng thể hiện những giá trị đó. Những nhân vật lịch sử, như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung... không chỉ là những con người cụ thể, mà quan trọng hơn, đại diện cho những giá trị mà dân tộc tôn vinh. Như thế, khi nói bản chất của giá trị hay nói tới vai trò định hướng, chi phối, điều tiết của hệ giá trị thì về thực chất chúng ta đang nói tới mối quan hệ đa chiều của con người. Cũng như văn hóa, giá trị được sản sinh từ các mối quan hệ con người với tự nhiên, với xã hội, với chính cả con người.

Giá trị văn hóa của mỗi cộng đồng (tộc người, quốc gia...) bao giờ cũng tạo nên một hệ thống, với ý nghĩa là các giá trị ấy nảy sinh, tồn tại trong mối quan hệ, tác động hữu cơ với nhau; giá trị này liên hệ, bổ trợ giá trị kia. Chúng ta nói hệ giá trị (value system) hay bảng giá trị văn hóa của mỗi cộng đồng thì thường hàm hai ý nghĩa: Một là, các giá trị riêng lẻ liên kết nhau tạo nên một hệ thống các giá trị; hai là, có sự sắp đặt trước sau, độ nhấn về tầm quan trọng của từng nhân tố giá trị trong một bảng giá trị. Ví dụ, với người Việt Nam thì chủ nghĩa yêu nước là nhân tố hàng đầu trong bảng (hệ) giá trị dân tộc, nhưng với người Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản hay một số dân tộc khác thì có thể chủ nghĩa yêu nước lại được xếp ở các vị trí khác... Thường thì nhiều dân tộc đều có chung những giá trị, như yêu nước, cần cù, tính cộng đồng..., tuy nhiên, trong mỗi dân tộc thì việc xếp đặt thứ tự ưu tiên của từng giá trị ấy trong bảng giá trị có thể khác nhau, tùy vào những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã đưa ra một định nghĩa về văn hóa: “Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và các cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ, cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình”(2).

Chiếu chèo ngày xuân (ảnh: Nguyễn Thị Thanh)_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Qua những định nghĩa trên có thể thấy rằng, yếu tố cốt lõi của văn hóa là hệ giá trị. Hay nói một cách khái quát thì văn hóa là hệ giá trị chính thống của một xã hội. Hệ giá trị chuyển thành các chuẩn mực xã hội, từ đó định hướng sự lựa chọn trong hành động của mỗi cá nhân và cộng đồng. Hệ giá trị có tính ổn định rất lớn và có tính bền vững tương đối, có sức mạnh to lớn đối với cộng đồng. Trong sự tiến bộ và phát triển của xã hội, các giá trị này thường không biến mất mà hóa thân vào các giá trị của thời sau, theo quy luật kế thừa và tái tạo. Dù vậy, khủng hoảng giá trị sẽ xuất hiện khi các giá trị cũ chưa mất hẳn, các giá trị mới chưa định hình rõ ràng. Khủng hoảng giá trị dẫn đến các khủng hoảng khác trong xã hội, như khủng hoảng kinh tế, giáo dục,... trong gia đình và nhiều mối quan hệ khác.

Giá trị văn hóa thường thấm sâu vào trong nhận thức, tư tưởng của con người, cộng đồng nên có tính chất hướng dẫn các hành vi của con người. Vì vậy, trong quá trình hình thành và phát triển, mỗi quốc gia, mỗi vùng, miền và từng tộc người đều hình thành nên những giá trị văn hóa để tạo ra sự thống nhất về nhận thức và định hướng hành vi cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Giá trị văn hóa cũng mang tính tương đối. Vì vậy, đánh giá về mặt giá trị văn hóa của một sự vật, hiện tượng thì cần phải đặt trong tọa độ không gian, thời gian và chủ thể văn hóa. Nếu không tính đến những yếu tố đó, chúng ta rất khó đo đếm, đánh giá được tính giá trị hay phản giá trị của các hiện tượng xuất hiện trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa của mỗi quốc gia, vùng, miền hay tộc người nhất định. Ví dụ, “trung với vua” là một giá trị của văn hóa Việt Nam thời phong kiến, nhưng nó không phải là giá trị trong xã hội Việt Nam hiện đại khi nước ta không còn tồn tại chế độ quân chủ. Giá trị yêu nước thể hiện khác nhau ở những nhóm xã hội khác nhau, trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Làng Việt ở miền Trung dù có nhiều nét giống làng Việt ở miền Bắc nhưng cũng có nhiều khác biệt theo kiểu quần cư theo chòm, xóm, thích ứng với duyên hải nhỏ, hẹp(3). Chưa kể tiếp cận từ phía các cá nhân, điều có ý nghĩa, giá trị với người này chưa chắc đã có ý nghĩa, giá trị với người khác. Bản thân mỗi người, trong những giai đoạn, hoàn cảnh nhất định cũng ưu tiên giá trị này hay giá trị kia.

Trong những hoàn cảnh lịch sử và xã hội cụ thể, mỗi dân tộc đều tồn tại hệ giá trị tổng quát và những hệ giá trị bộ phận. Hệ giá trị tổng quát bao gồm những giá trị chung nhất, mang tính phổ quát, có vai trò định hướng đối với tư duy và hành động của cả cộng đồng. Ví dụ, GS. Trần Văn Giàu đã nêu 7 giá trị mang tính tổng quát nhất của dân tộc Việt Nam, đó là: yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa(4). Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII nêu những đức tính nổi bật của bản sắc Việt Nam, cũng có thể hiểu đó là các giá trị của con người Việt Nam: Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc, lòng khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, tính cần cù sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI cũng nhấn mạnh, trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Những thập niên vừa qua, một số ý kiến đưa ra hệ giá trị chung của châu Á: hiếu học, cộng đồng, cần cù, huyết thống(5). Bên cạnh những giá trị tổng quát như vậy, trong từng lĩnh vực của đời sống, hoạt động của con người và từng nhóm xã hội thì người ta lại đúc rút nên các giá trị, có vai trò định hướng trong từng lĩnh vực riêng lẻ. Ví dụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang lựa chọn 4 phẩm chất, đồng thời cũng là 4 giá trị của phụ nữ Việt Nam hiện đại là: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.

Một góc làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội_Nguồn: vietnamnet.vn

Từ cách tiếp cận quốc gia, giá trị văn hóa góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc, một yếu tố cấu thành nên bản lĩnh dân tộc. Nhờ đó, giá trị văn hóa quốc gia hình thành nên sức mạnh cho đất nước. Quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc cũng chính là quá trình kết tinh giá trị văn hóa Việt Nam. Như trên đã trình bày, nếu GS. Trần Văn Giàu đã đưa ra 7 giá trị phổ quát của dân tộc Việt Nam thì GS. Nguyễn Hồng Phong cũng cho rằng lòng yêu nước, yêu quê hương là giá trị cơ bản nhất(6), bên cạnh đó là những giá trị khác, như lòng nhân ái, sự gắn bó cộng đồng, trọng đạo đức, học thức và yêu cái đẹp. Tuy vậy, GS. Nguyễn Hồng Phong đã nhìn nhận được giá trị mới, đang hình thành và ngày càng rõ nét trong xã hội Việt Nam, đó là sự bình đẳng, công bằng xã hội, vai trò của cá nhân và sự thành đạt. Đây là giá trị mới mẻ đối với một xã hội Việt Nam phong kiến trước đây. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI của Đảng cũng đưa ra những đặc trưng thể hiện giá trị văn hóa của đất nước.

Thực tế, từ lâu, các quốc gia đã xây dựng hệ giá trị văn hóa cho riêng mình. Ví dụ, thời phong kiến, Trung Quốc đã hình thành hệ giá trị văn hóa dựa trên mong muốn của con người là ngũ phúc (phúc, lộc, thọ, khang, ninh), hay dựa trên phẩm chất của con người gồm nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Trong văn hóa Hy Lạp - La Mã xưa thì hệ giá trị đó là chân, thiện, mỹ. Đặc biệt, trong những giai đoạn biến động của lịch sử, các quốc gia càng mong muốn định hình hệ giá trị, tạo điều kiện cho sự thống nhất nhận thức, hành động xây dựng quốc gia. Cách mạng tư sản Pháp (năm 1789) thì đề cao giá trị tự do, bình đẳng, bác ái. Người Mỹ đề cao các yếu tố như: sự thành đạt, phù hợp với ngoại cảnh, dân chủ, hoạt động và có công việc, hướng về đạo đức, nhân đạo, tính hiệu quả và tính thực tế, tiến bộ, tiện nghi vật chất, bình đẳng, tự do, khoa học và tinh thần hợp lý thế tục, tinh thần dân tộc và yêu nước, nhân cách cá nhân, các đề tài về siêu nhiên...(7). Chính những giá trị đó đã góp phần định hướng và làm ổn định xã hội trong khoảng thời gian dài.

Từ cách tiếp cận vùng, miền có thể thấy, chính từ những đặc điểm riêng có về tự nhiên, lịch sử, tộc người, quá trình chung sống lâu dài với nhau đã khiến mỗi vùng, miền có bản sắc riêng và từ đó hình thành những giá trị khác nhau. Thí dụ, “nước, phân, cần, giống” là hệ giá trị trong canh tác nông nghiệp truyền thống của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ hay hệ canh tác “luân canh, hưu canh, xen canh, gối canh” của cư dân canh tác nương rẫy ở miền núi. Người Mông sinh sống trên cao nguyên đá khô cằn lại quen thuộc với thổ canh hốc đá... Hay theo GS Trần Ngọc Thêm thì hệ thống tính cách văn hóa Tây Nam Bộ có 6 đặc trưng: tính sông nước, tính trọng nghĩa, tính bộc trực, tính bao dung, tính thiết thực và tính mở thoáng(8); hay đặc trưng tính cách người Hà Nội xưa là trọng học vấn, trọng nhân cách, trọng bản lĩnh khí tiết, trọng tài hoa, trọng tình cảm, đa tình(9).

Từ cách tiếp cận tộc người, giá trị văn hóa của mỗi tộc người cũng có sự khác biệt, trước tiên thông qua các biểu tượng văn hóa. Mỗi biểu tượng đều chứa đựng các giá trị nhất định. Đối với người Việt Nam từ xưa tới nay, các Vua Hùng là một biểu tượng thiêng liêng của dân tộc, mang giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, thể hiện tâm thức “hướng về cội nguồn”, “uống nước nhớ nguồn”, tinh thần cố kết dân tộc, tạo nên sức mạnh lớn lao của toàn dân tộc trong các cuộc đấu tranh chống thiên tai và địch họa. Thánh Gióng lại là biểu tượng chứa đựng giá trị tinh thần chống giặc ngoại xâm, là ý chí vươn lên mạnh mẽ của dân tộc. Sơn Tinh là biểu tượng thể hiện giá trị tinh thần chinh phục thiên nhiên, bảo vệ và mở mang đất nước. Trong khi đó, giá trị văn hóa của các tộc người thiểu số Việt Nam là những thành tố văn hóa được biểu tượng hóa hết sức sinh động trong các sinh hoạt tín ngưỡng, như then Tày, mo Mường, tục ăn trâu của một số tộc người ở Tây Nguyên, lễ hội Ka-tê của người Chăm... Giá trị văn hóa được thể hiện qua những phương tiện thực hành tín ngưỡng, như đàn lễ, tranh thờ, đạo cụ, nghệ thuật trang trí, biểu tượng vàng mã, trang phục, nhạc cụ, sách cúng, vật lễ, ẩm thực... kết tinh trong các hình thức diễn xướng phục vụ tín ngưỡng, như hát múa, âm nhạc, thể hiện ở lời kinh, lời giáo huấn, các luật lệ, phép tắc đối với người thực hành nghi lễ và cả cộng đồng.

Vũ điệu cồng chiêng Tây Nguyên (ảnh: Nguyễn Duy Tưởng)_Nguồn: vapa.org.vn

Tuy có sự khác biệt như vậy, nhưng giá trị văn hóa từ cách tiếp cận quốc gia, vùng, miền hay tộc người đều có sự thống nhất trong đa dạng, theo đó, các giá trị của các cộng đồng nhỏ luôn tôn trọng các giá trị của cộng đồng lớn. Sự thống nhất trong đa dạng các giá trị này vừa tạo ra những sắc thái văn hóa phong phú, hấp dẫn, góp phần hình thành nên “tài sản văn hóa”, từ đó tạo ra những lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, miền, vừa bảo đảm sự ổn định của văn hóa quốc gia, sự phát triển bền vững của đất nước.

Như vậy, có thể khẳng định, giá trị văn hóa là sản phẩm của con người, phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa mỗi thời đại, giúp định hướng mục tiêu, phương thức hành động của mỗi con người và giúp điều tiết sự phát triển chung của cả xã hội. Từ chiều cạnh giá trị quốc gia, vùng, miền, tộc người, việc xây dựng giá trị văn hóa cần phải kết hợp giữa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với lựa chọn tiếp thu tinh hoa giá trị văn hóa thế giới, phù hợp với bối cảnh phát triển đất nước. Cần chấp nhận thực tiễn rằng, sự phát triển của nền kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế và ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông mới sẽ tác động rất mạnh mẽ đến giá trị văn hóa ở các phương diện quốc gia, vùng, miền, tộc người, theo đó, một số giá trị văn hóa cũ sẽ mất đi, một số giá trị mới sẽ dần định hình. Trong quá trình đó, sẽ có những giai đoạn khủng hoảng giá trị ở quy mô quốc gia, vùng, miền và tộc người, dẫn đến những tác động tiêu cực đối với xã hội. Nhận thức được tính quy luật của sự hình thành và phát triển giá trị văn hóa, với nước ta hiện nay, cần có các biện pháp khắc phục những tác động tiêu cực này, thông qua đó, các giá trị văn hóa Việt Nam, với giá trị cốt lõi chân - thiện - mỹ, sẽ giúp khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đồng thời định hướng, điều tiết sự phát triển bền vững của xã hội. Bên cạnh đó, cần xây dựng giá trị văn hóa quốc gia - gia đình - con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế./.

----

(1) Xem: Ngô Đức Thịnh: Tiếp cận nghiên cứu nông thôn Việt Nam từ mạng lưới xã hội và vốn xã hội, Tạp chí Dân tộc học, số 4 – 2008 (2) Ủy ban Quốc gia về thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa: Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, Bộ Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1992, tr. 23 (3) Xem: Lâm Bá Nam: Nghiên cứu tộc người ở Việt Nam: Văn hóa và phát triển, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020, tr. 69 (4) Xem: Trần Văn Giàu: Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980 (5) Xem: Hồ Sĩ Quý: Về giá trị và giá trị châu Á, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006 (6) Xem: Nguyễn Hồng Phong: “Văn hóa và phát triển”, in trong sách Những vấn đề văn hóa Việt Nam hiện đại, Lê Quang Trang - Nguyễn Trọng Hoàn tuyển chọn và giới thiệu, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1999 (7) Xem: Ngô Đức Thịnh: Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010, tr. 24 (8), (9) Trần Ngọc Thêm: Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng (tái bản có sửa chữa), Nxb. Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2014, tr. 226, 211