So sánh bộ máy nhà nước Mỹ và Anh

Từ thế kỷ XV – XVII, ở phương Tây chế độ phong kiến lâm vào thời kỳ khủng hoảng ngày càng trầm trọng. Quan hệ kinh tế tư bản chủ nghĩa hình thành và phát triển. Giai cấp tư sản ra đời, là giai cấp tiến bộ, đại diện cho lực lượng sản xuất mới. Giai cấp tư sản lãnh đạo quần chúng nhân dân lao động, tiến hành cách mạng tư sản, lật đổ chế độ phong kiến, thiết lập nhà nước tư sản.

Nhà nước tư sản ra đời là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, là thành quả trực tiếp của cách mạng tư sản. Trong đó, nhà nước quân chủ nghị viện Anh là nhà nước điển hình cho chính thể quân chủ nghị viện, nhà nước cộng hòa tổng thống ở hợp chủng quốc Hoa Kỳ là nhà nước điển hình cho chính thể cộng hòa tổng thống.

Để thấy rõ được những được những điểm giống và khác nhau của hai chính thể này, em xin chọn đề bài: “So sánh cách thức thiết lập, thẩm quyền của Nghị viện Anh và Nghị viện Mỹ thời cận đại”.

Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật Thế giới/trường Đại học Luật Hà Nội; chủ biên: Phạm Điềm, Vũ Thị Nga – Hà Nội, Công An nhân dân, 2012.
  • Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới [xuất bản lần thứ hai], TS Nguyễn Minh Tuấn, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014.
  • Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, Khoa Luật Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
  • Thể chế nghị viện của các nước tư sản/Thái Vĩnh Thắng//Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, số 6/1995.

Nghị viện là gì?

Nghị viện là cơ quan đại diện cao nhất của các tầng lớp dân cư trong xã hội, được lập ra bằng con đường bầu cử, thể chế có biểu hiện dân chủ nhất trong các nhà nước, có chức năng chủ yếu là lập pháp.

Nghị viện các nước trên thế giới có thể có một viện [Thụy Điển, Phần Lan, Hy Lạp,…], hai viện [Mỹ, Nhật, Anh, Đức, Italia,…] với con đường hình thành, nhiệm kỳ và phạm vi quyền lực khác nhau tùy theo quy định mỗi nước.

Giống nhau

Đều được hình thành sau thắng lợi Cách mạng tư sản, giai cấp tư sản thiết lập lại bộ máy nhà nước theo thuyết phân quyền. Nguyên tắc tổ chức nhà nước được chia làm ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ba cơ quan giữ ba quyền này tạo ra sự cân bằng và đối trọng quyền lực để phòng ngừa sự lạm dụng quyền lực, trong đó có nghị viện.

Nghị viện bao gồm Thượng viện và Hạ viện, đa số được hình thành do bầu cử.

Vị trí, vai trò của Nghị viện rất quan trọng. Thẩm quyền Nghị viện lớn đặc biệt trong lĩnh vực lập pháp và quyết đinh ngân sách. Trong đó Thượng nghị viện và Hạ nghị viện giữ những chức năng, vai trò khác nhau, nhằm kiềm chế đối trọng nhau.

Khác nhau

Về cách thức thiết lập

Thứ nhất, ở hai nước đều thiết lập chế độ hai viện nhưng số lượng đại biểu của các viện ở Anh và Mỹ là khác nhau. Trong nghị viện Anh có 1185 thượng nghị sĩ, 653 hạ nghị sĩ. Còn trong nghị viện Mỹ chỉ có 435 người.

Thứ hai: ở Nghị viện Anh: cách thức thành lập của thượng nghị viện [viện nguyên lão] không phải do dân bầu mà được hình thành từ 4 nguồn: quý tộc có tước vị từ bá tước trở lên thì được cha truyền con nối chức thượng nghị sĩ, dưới bá tước thì chỉ được giữ chức này suốt đời; thủ lĩnh tôn giáo đương thời; các thủ tướng hết nhiệm kỳ; một số đại tư sản quý tộc do hoàng đế bổ nhiệm.

Cách thức thành lập của hạ nghị viện ở Anh là do nhân dân bầu ra, mỗi người đại diện cho một khu vực bầu cử trong dân cư. Lúc đầu, sau cuộc chính biến của Vin-hem năm 1688, trong số gần 7 triệu dân Anh, chỉ có 25 vạn người có quyền tuyển cử. Gần một nửa số hạ nghị sĩ là những người được bầu ra từ những “thị trấn hoang tàn”.

Đó là những vùng rất ít dân cư, thường bầu và cử theo ý muốn của chúa đất. Khi mảnh đất được bán đi, thì người chủ mới thay thế người chủ cũ làm hạ nghị sĩ. Ghế nghị viện được mua đi bán lại. Phiếu bầu cử cũng được mua. Sau đó mặc dù đã trải qua ba cuộc cải cách chế độ tuyển cử [từ 1832-1884] cũng chỉ có 4,5 triệu người trong tổng số 36 triệu người [chiếm 12,55%] được bầu cử. Đại đa số công nhân lớp dưới, cố nông, người đi ở và toàn thể phụ nữ bị gạt ra ngoài đời sống sinh hoạt chính trị – bầu cử.

So sánh cách thức thiết lập, thẩm quyền của Nghị viện Anh và Nghị viện Mỹ thời cận đại

Chế độ đa đảng ở Anh là chế độ hai đảng. Thông qua việc giới thiệu các ứng cử viên của đảng để bầu vào hạ viện, hai đảng tư sản thay thế nhau khống chế nghị viện.

Ở nghị viện Mĩ: thượng nghị viện là cơ quan đại diện cho các bang, mỗi bang có hai Thượng nghị sĩ. Thượng nghị viện có nhiệm kỳ 6 năm nhưng 2 năm bầu lại 1/3 số thượng nghị sĩ, không phụ thuộc vào diện tích và số dân. Bang nhỏ nhất [Rhode Island – 3156 km2] và bang lớn nhất [Alaska – 1 524 640 km2] đều có 2 thượng nghị sĩ. Theo khoản 3 điều 1 Hiến pháp năm 1787 thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ đều do dân chúng trực tiếp bầu ra.

Khi là nghị sĩ của một viện, thì không được bầu là nghị sĩ của viện kia và cũng không được làm thành viên của cơ quan hành pháp hoặc cơ quan tư pháp. Các nghị sĩ được hưởng lương, có văn phòng và người giúp việc.

Về thẩm quyền

Nghị viện Anh: thời kì chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh là thời hoàng kim của nghị viện. Nghị viện thật sự có ưu thế hơn hẳn các cơ quan nhà nước khác. Lúc bấy giờ, người Anh có câu ngạn ngữ “nghị viện có quyền được làm tất cả, chỉ trừ việc biến đàn ông thành đàn bà”. 

Nghị viện có quyền hạn: quyền lập pháp, quyền quyết định ngân sách và thuế, quyền giám sát hoạt động của nội các, bầu hoặc bãi nhiệm các thành viên của nội các. Vai trò và quyền hạn của nghị viện lớn như vậy là để hạn chế tới mức tối đa quyền hạn của nhà vua, làm cho ngai vàng trở thành hư vị.

Lúc đầu thượng nghị viện có quyền uy hơn hạ nghị viện. Dần dần, do là đại diện của thế lực bảo lực, lỗi thời, đã hết vai trò lịch sử trong xã hội nên thượng nghị viện vừa hoạt động rất hình thức, mang tính chất rất danh nghĩa, vừa là thế lực kiềm chế và đối trọng của hạ viện. Vai trò kiềm chế, đối trọng thể hiện ở chỗ: khi có thượng viện, ít nhất trong công cuộc làm luật, làm cho việc thông qua các quyết định phải được tiến hành dài hơn, với những thủ tục rườm rà, để ngăn chặn sự quá tải, vội vàng của hạ nghị viện.

Chức năng của hạ viện ở Anh là thông qua các đạo luật chủ trương, chính sách lớn về kinh tế, xã hội, chính trị, đối nội và đối ngoại, giám sát hoạt động của Chính phủ.

Ở nghị viện Mỹ: Nghị viện có quyền lớn, như quyền thông qua các đạo luật, quyền sửa đổi, bổ sung dự án luật và dự án ngân sách của tổng thống, quyền tán thành hoặc không tán thành các quan chức cao cấp do tổng thống bổ nhiệm, quyền phê chuẩn hoặc bác bỏ các điều ước quốc tế do Tổng thống đã ký. Xuất phát từ nguyên tắc đối trọng và cân bằng quyền lực nên hai viện có chức năng, quyền hạn khác nhau. 

Ở Nghị viện Mỹ, mỗi viện có quyền đưa ra văn bản pháp lý về bất kỳ vấn đề gì trừ các dự thảo luật về thu ngân sách và phải bắt nguồn từ Hạ viện. Do vậy, mỗi viện đều có quyền bỏ phiếu chống lại những văn bản pháp lý đã được viện kia thông qua. Trong trường hợp một viện không tán thành, một tiểu ban tham vấn sẽ được thành lập bao gồm thành viên của cả hai viện phải đi tới một số sự thỏa hiệp đối với cả hai bên trước khi dự thảo luật trở thành luật.

Đối với hành pháp, Thượng nghị việ có quyền xác nhận sự bổ nhiệm của tổng thống đối với các chức quan cao cấp và đại sứ của Chính phủ liên bang, cũng như quyền phê chuẩn tất cả các hiệp ước với 2/3 số phiếu thuận. Trong cả hai trường hợp, hành động không ủng hộ của Thượng Nghị viện sẽ vô hiệu hóa hoạt động của ngành hành pháp.

Để đảm bảo hoạt động hành pháp tuân thủ luật pháp, Hạ nghị viện có quyền luận tội và Thượng nghị viện có quyền xét xử [kết tội] nghững hành vi của Tổng thống. Ví dụ cuộc điều tra của Nghị viện năm 1973 đã vạch trần các quan chức nhà Trắng sử dụng trái phép địa vị của họ để tạo a lợi thế chính trị, các thủ tục luận tội của Ủy ban Tư pháp Hạ nghị viện với Tổng thống Richard Nixon đã chấm dứt tư cách tổng thống của ông này.

Nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau về thẩm quyền của Nghị viện Anh và Nghị viện Mỹ

Anh là nước theo chế độ quân chủ nghị viện là hình thức quân chủ hạn chế, “Nhà vua trị vì, nhưng không cai trị”, Việc áp dụng học thuyết phân quyền nhưng mềm dẻo khiến nghị viện Anh có quyền hạn vô cùng to lớn đặc biệt là thời kì cạnh tranh tự do nhằm hạn chế tới mức tối đa quyền hạn của nhà vua, làm cho ngai vàng trở thành hư vị.

Còn Mỹ đưa ra một cuộc cách mạng tư sản triệt để vì vậy tạo điều kiện hình thành nhà nước cộng hòa tổng thống với việc áp dụng triệt để, cứng rắn học thuyết tam quyền. Quyền lực ở nghị viện Mỹ không lớn như ở nghị viện Anh.

Qua nghiên cứu và so sánh ta hiểu rõ được về cách thức thiết lập, thẩm quyền của Nghị viện Anh và Nghị viện Mỹ cũng như phần nào hiểu rõ về tổ chức của nhà nước tư sản Anh và Mỹ thời cận đại. Và qua đó ta hiểu rõ được thiết chế chính trị của hai nước mạnh trong lịch sử và đây cũng là bài học cho quá trình xây dựng – hoàn thiện cơ cấu tổ chức cùng thiết chế nhà nước ta hiện nay.

Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: So sánh cách thức thiết lập, thẩm quyền của Nghị viện Anh và Nghị viện Mỹ thời cận đại. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

Video liên quan

Chủ Đề