Tác hại của trò chơi điện tử với học sinh

Trình bày suy nghĩ của em về vấn nạn nghiện trò chơi điện tử [nghiện game online] ở học sinh – văn mẫu 8

Trò chơi điện tử từ lâu đã thâm nhập vào đời sống con người đặc biệt là ở lứa tuổi ham thích cái mới lạ như học sinh. Vượt ra ngoài mục đích giải trí ban đầu, trò chơi điện tử trở thành một vấn nạn, một nguyên nhân gây ra tổn thất không nhỏ đối với sức khỏe, tinh thần của học sinh từ đấy tác động tiêu cực đến việc học và tương lai của lứa tuổi lẽ ra phải được trưởng thành trong một môi trường tốt đẹp, học hỏi những điều hay lẽ phải.

          Chúng ta không còn xa lạ gì với những trò chơi điện tử có mặt ở khắp mọi nơi trong khu vui chơi, siêu thị, quán internet, ngay cả trong các thiết bị điện thoại thông minh, máy vi tính…vẫn tích hợp hàng ngàn trò chơi điện tử khác nhau. Như vậy có thể hiểu trò chơi điện tử là một hình thức giải trí ảo do sự tương tác giữa người chơi với các thiết bị điện tử được cài đặt sẵn hoặc người chơi với người chơi thông qua ứng dụng game online. Trò chơi điện tử gồm rất nhiều hình thức, nhiều cách chơi trong đó phổ biến nhất và được giới trẻ yêu thích nhất vẫn là game online. Khi người chơi không còn kiểm soát được thời gian chơi, tâm lý và hành vi khi chơi game có nghĩa là đang rơi vào tình trạng nghiện game. Nghiện game có thể hiểu là một căn bệnh tâm lý khi mà bản thân người nghiện lúc nào cũng có cảm giác thèm chơi game, mọi vui buồn, phấn khích đều lệ thuộc vào game. Người nghiện game không còn làm chủ được mình mà lao vào chơi game bất kể giờ giấc, bất kể sự ngăn cản của mọi người và sự trì trệ của bản thân trong học tập và công việc.

          Ngay nay nghiện game không còn là câu chuyện của một đối tượng, một nơi nào đó mà nhan nhản khắp mọi nơi, khắp mọi lứa tuổi đặc biệt là tuổi trẻ. Các quán net mọc lên khắp các ngõ ngách lúc nào cũng có không ít bạn trẻ vào đấy ngồi hàng giờ hoặc cả ngày, thậm chí là nhiều bạn trẻ bỏ ăn, bỏ ngủ suốt ngày dán mắt vào màn hình máy tính. Không chỉ thế, hầu như những gia đình nào có con đang trong độ tuổi thanh thiếu niên, nhất là con trai đều phàn nàn con em mình mê game, chơi game. Vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cô cậu học sinh tan trường cầm trên tay chiếc điện thoại mà say sưa tranh đấu trong game. Thậm chí những em học sinh tiểu học ra ngoài công viên hay vào quán ăn, quán cafe cùng cha mẹ vẫn thản nhiên ôm chiếc smartphone mà không quan tâm đến việc bên ngoài. Mạng xã hội vẫn ngày ngày đưa tin tức về tình trạng nghiện game ở học sinh mà hậu quả gây ra đau lòng những bậc làm cha mẹ. Câu chuyện một bé trai 5 tuổi tử vong một cách thương tâm trong đau đớn, sợ hãi và đói khát đã ám ảnh chúng ta trong thời gian qua chỉ vì liên quan đến một thanh thiếu niên nghiện game thực tế ảo. Hay một học sinh cấp hai nhẫn tâm giết người bà của mình vì muốn có được tiền chơi game..

          Nghiện game là một dạng nghiện tinh thần nên để nhận dạng nó ta cũng nên dựa vào những dấu hiệu tinh thần. Người nghiện trò chơi điện tử có những thay đổi bất thường trong cảm xúc. Nếu được chơi game và thỏa mãn cảm giác thèm chơi não bộ sẽ tạo ra chất Dopamine kích thích thần kinh phấn khởi, sảng khoái. Nghiện cảm giác này nên người chơi muốn tìm lại bằng cách chơi liên tục. Khi không được chơi sẽ bực dọc, khó chịu, cáu gắt. Những người nghiện game chỉ biết có game trong cuộc sống, với họ mọi thứ khác chỉ là phụ kể cả việc học hành và mối quan hệ với những người thân. Một đứa trẻ nghiện game sẽ thờ ơ trước mọi niềm vui xung quanh, không gắn kết với cha mẹ, anh chị em. Học sinh nghiện game vào lớp học không thể tập trung chỉ muốn tranh thủ chơi trong lúc giải lao, nói dối để được tiền mua các vật dụng, nạp game.. Dấu hiệu tiếp theo của nghiện game không khác gì trầm cảm. Thanh thiếu niên nghiện game sức khoẻ sẽ suy giảm, kém ăn, mất ngủ, đầu óc luôn trong trạng thái mỏi mệt, không tỉnh táo. Không muốn vận động, lười biếng, thụ động. Làm việc gì cũng khó tập trung, qua loa đại khái. Chẳng những thế ta thấy học sinh nghiện trò chơi điện tử sẽ nhút nhát tự ti khi ra ngoài xã hội.

          Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến nghiện trò chơi điện tử. Trước hết phải kể đến nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía bản thân người chơi. Ở lứa tuổi học sinh, lứa tuổi thích khám phá và trải nghiệm cảm giác nên việc các em học sinh tìm đến game để thoả mãn trí tò mò, thị hiếu trước cái mới lạ, khác thường. Từ những cảm giác hưng phấn mà các em học sinh có được khi thắng trận trong game sẽ dần kích thích các em vào các trò chơi khác, ngày một hấp dẫn hơn. Ở tuổi này học sinh vẫn chưa thực sự trưởng thành trong suy nghĩ hoặc không thể chiến thắng chính bản thân mình trước cám dỗ từ bè bạn, những người xung quanh nên dù biết nghiện trò chơi điện tử sẽ có hại mà vẫn không thoát ra được. Một số học sinh tìm đến game để giảm áp lực học tập từ phía gia đình, nhà trường. Thế giới ảo trong game không giống với thế giới bên ngoài, sai có thể làm lại nên giới trẻ chìm mình trong cảm giác chiến thắng, quên đi thực tại tự ti. Trong game các bạn có thể tự chủ bản thân, chinh phục mọi chướng ngại thoả mãn tính hiếu thắng và hơn hết là thể hiện bản thân khi chơi game. Nghiện game còn đến từ nguyên nhân lứa tuổi học sinh thích chống đối, bất mãn với gia đình, chán nản việc học hành muốn tìm một thế giới khác để dựa vào.

          Nguyên nhân thứ hai từ phía khách quan gia đình, nhà trường, xã hội. Trong gia đình cha mẹ không dành thời gian cho con, vì bận công việc hoặc thú vui riêng mà phó mặc con với chiếc điện thoại hoặc máy vi tính. Nhiều phụ huynh yêu chiều con quá mức, không có biện pháp nghiêm cấm hoặc xử phạt con em khi vi phạm hoặc dùng đòn roi ngăn cản chỉ khiến vấn đề càng trầm trọng hơn. Thêm yếu tố nữa khiến học sinh lao vào chơi game vì cuộc sống quá nhiều cám dỗ, các thiết bị điện tử ngày một hiện đại, tiện lợi chơi game mọi lúc mọi nơi mà không mất tiền. Dù các em có nhiều bạn bè nhưng hầu như ít sự kết nối, quan tâm lẫn nhau kể cả người thân trong gia đình, các em cảm thấy lạc lõng, cô đơn, không ai chia sẻ chơi đùa cùng nên chỉ biết giết thời gian vào game.

          Tác hại của nghiện game trong học sinh là một câu chuyện buồn mà nhìn ở khía cạnh nào cũng nhiều nỗi lo cho thế hệ tương lai. Đầu tiên phải nói đến là tác hại đối với sức khỏe. Học sinh nghiện game sẽ dành nhiều thời gian ngồi trước thiết bị chơi mà quên đi cơ thể mình cần hoạt động để phát triển toàn diện. Hậu quả đầu tiên là gây ra hiện tượng mỏi mệt cơ, đau nhức xương, mỏi mắt, ù tai. Tình trạng thiếu ngủ kéo dài do thức khuya chơi game sẽ làm rối loạn giấc ngủ, đau đầu, giảm sút trí nhớ. Ánh sáng của máy vi tính tác động trực tiếp lên mắt gây ra các bệnh về mắt như loạn, cận, khô mắt..rất nguy hại. Đâu chỉ thế nhiều bạn trẻ bỏ ăn hoặc ăn uống quan loa để có thời gian chơi sẽ gây hại đến bao tử, lâu dài thiếu chất và làm giảm sức đề kháng.

          Nghiện game dẫn đến bệnh lý rối loạn tâm thần khi mà não bộ của người chơi game bị phá huỷ bởi những thứ độc hại vượt qua ngoài tầm kiểm soát. Học sinh nghiện game trong suy nghĩ luôn bị ám ảnh bởi cảm giác vui, buồn trong game, bị ảo giác, mộng tưởng viển vông, xa rời thực tế. Các em học sinh rơi vào trạng thái bi quan, chán nản, tự ti về bản thân mình. Có không ít học sinh trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực dẫn đến những hành vi sai trái huỷ hoại bản thân hoặc người khác.

          Nghiện game còn là bóng đêm bao lấy cuộc sống và tương lai thế hệ trẻ. Các em học sinh sa lầy vào game luôn đầu tư tất cả những gì mình có là thời gian vào thế giới ảo. Các em không thể tập trung suy nghĩ, học bài, học hành chểnh mảng, qua loa đối phó. Nếu có học cũng chỉ vì lời hứa sẽ được cho phép chơi game chứ không phải vì bản thân ham học thì đúng là tai hại. Ngoài việc chơi game thì người nghiện game chây lười mọi việc, ỷ lại, thụ động, không biết phấn đấu vào việc học, lâu dài sẽ đánh mất tương lai, không tìm được hướng đi đúng đắn trong cuộc đời.

          Vì toàn bộ thời gian dành cho game nên người nghiện game ngoài những bạn ảo trên mạng xã hội thì thực tế cô đơn. Mọi mối quan hệ bạn bè, người thân dần mất đi. Đã thế tiền bạc cũng không còn bởi càng lún sâu vào game thì người chơi luôn muốn đầu tư trang thiết bị xịn, công nghệ cao hoặc bỏ tiền để mua vật phẩm trong game không hề nhỏ. Trong khi học sinh lại không làm ra tiền, các em phải nói dối thậm chí là trộm cắp tiền ba mẹ. Từ những hành vi gian lận nhỏ sẽ dẫn đến các hành vi trộm cắp. Xã hội không ít người trẻ vì mê game mà rơi vào con đường phạm tội, tham gia vào tệ nạn xã hội. Đã không học hành, không tương lai lại bên tha vậy vừa là gánh nặng của gia đình cũng là nỗi lo của xã hội.

          Nghiện game để lại những hậu quả khôn lường, vậy nên chúng ta cần quyết liệt hơn nữa trong công tác khắc phục và ngăn chặn các bạn trẻ rơi vào vấn nạn này. Nhà trường cần kiểm soát chặt chẽ thời gian học và những biểu hiện của các học sinh nghiện game để hỗ trợ phụ huynh quản lý giờ giấc con em. Cần có những buổi sinh hoạt để giải thích hậu quả, tác hại của nghiện game cho học sinh, tổ chức những buổi ngoại khóa, vui chơi lành mạnh để học sinh gắn kết với nhau. Xã hội cần thắt chặt hơn nữa quản lý các trò chơi trong giới trẻ để ngăn chặn những trò chơi mang tính bạo lực, đồi truỵ. Về phía gia đình, cha mẹ nên dành nhiều thời gian cho con mình, đừng phó mặc con với chiếc điện thoại, nuông chiều con quá mức sẽ là gián tiếp hại con mình. Tuổi thanh thiếu niên rất cần người đồng hành, cha mẹ hãy làm người bạn đường chỉ dẫn con, tâm sự với con để con mình không cảm thấy lạc lõng.

          Quan trọng hơn cả là ý thức và sự cố gắng của mỗi chúng ta để không bị trò chơi điện tử làm cho nghiện. Chúng ta phải lập thời gian biểu hợp lý để học tập và giải trí. Tránh xa những trò bạo lực, những trò kích thích thần kinh, tốt nhất là dành thời gian rảnh đọc sách, ra ngoài chơi các trò chơi vận động, tập thể dục, làm cho bản thân mình bận rộn với việc chăm sóc thú cưng, trồng cây, trang trí góc học tập…

          Đến lúc này nhiều bạn vẫn nghĩ rằng chơi game chẳng can hệ gì đến tương lai hoặc vẫn chìm đắm trong thế giới game mà không hề bận tâm đến bản thân mình thế nào ở hiện tại. Hãy nhớ rằng chúng ta đang sống, ăn uống và hít thở bằng cuộc sống bên ngoài, lớn lên bằng tình yêu thương, sự hy sinh và công sức của biết bao người chứ không phải bằng thế giới ảo kia. Vậy nên điều chúng ta cần làm hiện tại ở rời xa các trò chơi vô bổ ấy để mà học tập, rèn luyện bản thân. Hãy đặt hạt giống trong tay bạn vào miền đất thực tại đừng viển vông trong thế giới không thuộc về mình.

Video liên quan

Chủ Đề