Tại sao gọi sư tử hà đông

Mọi người hễ nghe đến “Sư tử Hà Đông” hay “Sư tử Hà Đông hống” liền hiểu ngay đó là chỉ những bà vợ hay nổi đóa, hung hãn, làm cho người chồng phải sợ hãi, nó còn ẩn dụ để chế giễu những anh chồng sợ vợ. Nguyên lai của câu nói này cũng rất phức tạp. Thật ra “Sư tử hống” vốn là một từ trong Phật Gia, là biểu hiện của sự uy nghiêm. Vậy tại sao nó lại được so sánh với những bà vợ hung dữ đây?

Điển tích về thành ngữ “Sư tử Hà Đông”

Chuyện kể rằng, thành ngữ “Sư tử Hà Đông” bắt nguồn từ nhà văn hào Tô Đông Pha vào triều Tống. Khi Tô Đông Pha bị giáng chức đến Hoàng Châu, có một người bằng hữu tên là Trần Lý Thường [Trần Tháo] rất thích đàm cổ luận kim, hay lui tới chỗ ông để trò chuyện. Trần Lý Thường sống tại Kỳ Đình của Hoàng Châu [nay thuộc Hoàng Châu, Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc], rất tín ngưỡng Phật Pháp, thường tìm hiểu về thiền định, tự xưng là Long Khưu. Tuy nhiên, Lý Thường tính tình lại hiếu khách, trong nhà có cả một đoàn ca kỹ riêng, vào lúc có tiệc đãi khách sẽ tấu nhạc múa hát để góp thêm phần vui vẻ. Thê tử của Lý Thường tên là Liễu Thị, xuất thân từ vùng Hà Đông [Lãnh thổ tỉnh Sơn Tây, phía Đông của sông Hoàng Hà]. Liễu Thị tính hay ghen tuông, đanh đá, tiếng vang khắp nơi. Hoàng Đình Kiên gửi cho Lý Thường một bức thư, trong đó viết rằng phải để tâm đến “Giờ cần uống thuốc” của Liễu Thị, ám chỉ nguyên nhân cớ sự này là từ Lý Thường mà ra.

Tô Đông Pha có một bài thơ “Ký Ngô Đức Nhân Kiêm Giản Trần Lý Thường”. Những cảm khái khi học Thiền mà thường ngày hay chia sẻ với Lý Thường cũng được đưa vào trong bài thơ:

“Long Khưu cư sĩ diệc khả liên

Đàm không thuyết hữu dạ bất miên

Hốt văn hà đông sư tử hống

Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên.”

Dịch nghĩa:

“Long Khưu cư sĩ thật đáng thương

Đàm tiếu đến đêm mà không ngủ

Bỗng nghe sư tử Hà Đông hống

Gậy tuột khỏi tay tim bàng hoàng.”

“Sư tử Hà Đông” chính là xuất phát từ đây.

Trần Lý Thường thích đãi khách, bày yến tiệc thường tổ chức cho các ca kĩ đàn hát mua vui, vào lúc mà mọi người đang cao hứng nhất, từ sát vách trong phòng truyền ra tiếng gầm gừ tức giận như tiếng sư tử hống của thê tử Liễu Thị, Trần Lý Thường sợ run người, trong lòng lo sợ không yên, cả cây gậy cầm trong tay cũng rơi tuột xuống. Bởi vì Liễu Thị là người vùng Hà Đông, cho nên Tô Đông Pha thêm chữ “Hà Đông” trước chữ “Sư tử”, ý muốn nói đến thê tử của Lý Thường là Liễu Thị. Sở dĩ Lý Thường là người trong tâm luôn hướng Phật nên Tô Đông Pha đã mượn từ “Sư tử hống” trong Phật giáo để trêu đùa ông.

“Sư tử hống” là từ trong Phật giáo dùng để nói đến Bồ Tát, Phật Đà khi giảng Pháp có uy lực thần kì, trấn áp hết thảy tà thuyết ngoại đạo, giống như khi sư tử hống thì muông thú phải khuất phục, chỉ sự uy nghiêm của Đức Phật. Trong “Phẩm Phật Quốc – Kinh Duy Ma Cật] có ghi: “Diễn Pháp vô úy, do như sư tử hống”. “Sư tử hống” ở đây cũng phiếm chỉ truyền kinh thuyết Pháp, ví dụ như trong “Kinh niết bàn” cũng có “Phẩm sư tử hống”.

“Hà Đông” và “Sư tử hống” vốn là hoàn toàn là hai khái niệm khác nhau. Ngày nay mọi người dùng cụm từ “Sư tử Hà Đông” khá phổ biến. Trần Lý Thường với Liễu Thị vùng Hà Đông có duyên nên vợ nên chồng, tạo ra một điển cố lưu truyền cho đời sau. Lại nhờ có sự hóm hỉnh hài hước của Tô Đông Pha tiên sinh, “sư tử” và “Hà Đông” lại được khéo léo ghép lại với nhau, cụm từ “Sư tử hà Đông” vì thế mà trở nên có hàm ý rất sâu xa.

Dịch từ: //epochtimes.sg/%e6%b2%b3%e4%b8%9c%e7%8b%ae%e5%90%bc%e6%80%8e%e4%bc%9a%e5%92%8c%e6%82%8d%e5%a6%bb%e7%89%b5%e7%ba%bf%ef%bc%9f/

Tác giả: Dung Nãi Gia

Phụ trách biên tập: Vương Du Duyệt

Thoạt nghe câu thành ngữ “Sư Tử Hà Đông”, hẳn sẽ có không ít người đặt ra câu hỏi: liệu đằng sau thành ngữ này có điển tích gì liên quan đến mảnh đất Hà Đông xưa của Việt Nam chăng?

Chuyện thực lại không phải như vậy. Hỏi từ các ông già, bà lão đã sống gần hết cả đời người trên mảnh đất Hà Đông của Việt Nam, hay những người tinh thông chữ nghĩa, cả đời tầm chương trích cú, cũng chẳng ai biết hai chữ Hà Đông quen thuộc kia nó có liên hệ gì với cái “máu tam bành” của những người đàn bà cả ghen, sẵn sàng đập phá, quát tháo chồng con ngay trước mặt mọi người? Tra rõ ngọn nguồn thì té ra cũng lại là chuyện “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Vậy câu thành ngữ “Sư tử Hà Đông” nọ bắt nguồn từ đâu và khi nào vậy?

Chuyện kể rằng: ở vùng đất Vĩnh Gia bên Trung Quốc đời nhà Tống, có một anh chàng tính nết thất thường, họ Trần tên Tạo, tự Lý Thường.

Lúc còn nhỏ, Tạo rất thích chơi trò đấu kiếm. Cậu ta có thể ngồi cả ngày để nghe kể chuyện về các anh hùng hảo hán và hết sức khâm phục lòng dũng cảm, đức tính trung thực của những con người “đội trời đạp đất, thỏa chí vẫy vùng” ấy.

Lớn lên, Tạo thường lân la tìm gặp các chí sĩ giang hồ để học mót các chiêu võ nghệ và cùng bọn họ ngao du đây đó. Vậy là Tạo cũng nghiễm nhiên tự liệt mình vào danh sách “cùng hội cùng thuyền” với những bậc kẻ sỹ anh hùng kia, và lúc nào cũng rất tự tin mà tỏ ra sẵn lòng làm việc nghĩa, giúp bạn, cứu người.

Lạ thay, khi vừa bước sang tuổi trung niên Trần Tạo bỗng nhiên thay đổi tính nết. Tạo chán ghét cuộc sống giang hồ và lạc vào chốn văn chương, chữ nghĩa. Có lúc, Tạo háo hức với ý nghĩ bước lên văn đàn để tạo dựng thanh thế với đời. Nhưng tiếc thay, cũng vì tài non, trí đoản nên đành “lực bất tòng tâm”.

Sang tuổi trung niên Trần Tạo bỗng nhiên thay đổi tính nết,chán ghét cuộc sống giang hồ và lạc vào chốn văn chương. [Ảnh: youtube.com]

Đã quá nửa đời người, mà xem ra Tạo ta vẫn công chẳng thành, danh chưa toại. Trần Tạo lúc này đâm ra nản chí, bèn quay về sống ẩn dật rồi lấy vợ, sớm hôm vui thú ruộng vườn. Vì đã có một thời “giang hồ quen thói vẫy vùng”, vào cung ra kiếm, lúc múa gươm chốn thị thành, khi khua chèo nơi biển vắng… lại vốn là người sống có nghĩa tình nên dẫu Tạo đã quay về ở ẩn nhưng các huynh đệ, chiến hữu cũ vẫn thường xuyên lui tới nhà Tạo để đàm đạo thế sự, hoặc cũng chỉ là giữ mối giao tình và cùng giải khuây bên chén rượu cuộc trà.

Chẳng nói ra thì ai cũng biết, cùng đến với các chàng trai “anh hùng” ấy bao giờ cũng có cả các ca kỹ, vũ nữ. Họ xinh tươi, lại hát hay, múa đẹp… Thế là, Tạo kia vốn tiếng là “ở ẩn” mà vẫn cứ lại qua, vẫn cứ chè rượu linh đình với bạn bè chiến hữu, cũng khó lòng mà tránh khỏi cái cảnh lả lướt, liếc mắt đưa tình với các cô nương đương thì xuân sắc vốn đi cùng với cánh chiến hữu giang hồ kia vậy.

Thấy hoài cái cảnh đó, vợ Tạo là Liễu Thị rất ấm ức, cơn ghen nổi lên tắc nghẹn ở cổ. Liễu thầm nghĩ:

“Biết đâu, trong số những cô vũ nữ cầm ca xinh đẹp, tài ba kia, lại chẳng có kẻ tà tâm, muốn chiếm đoạt chồng mình”.

Không kìm được máu ghen tức, một lần kia Liễu Thị bèn đứng phắt dậy cầm gậy vụt lấy vụt để vào tường, vào phản, vào bàn. Vừa vụt, Liễu vừa kêu la, quát tháo chửi bới ầm ĩ hết cả lên! Các chiến hữu giang hồ của Tạo cùng hết thảy bọn ca nữ hiện diện trong bữa tiệc kẻ thì ngại ngùng quá, kẻ thì e sợ điều kia tiếng nọ mà ba chân bốn cẳng tìm lối tháo thân.

Trần Tạo cũng biết sự tình như vậy là bất nhã lắm! Nhưng vốn là người sợ vợ, nên không dám đứng ra khuyên ngăn. Anh ta cứ đứng im một chỗ, hai tay khoanh trước ngực, mắt nhìn lấm lét, vẻ mặt đầy sợ hãi như muốn lẩn tránh cặp mắt hung dữ và khuôn mặt đỏ phừng phừng đang trong cơn “bốc lửa tam bành” của cô vợ!

Người vợ nổi cơn ghen làm ông chồng sợ hãi. [Ảnh: youtube.com]

Nghe được tin ấy, Tô Đông Pha – danh sỹ đương thời, cũng là bạn xã giao với Tạo, đã đề thơ tặng cho anh chàng này như sau :

“Hốt văn Hà Đông sư tử hống

Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên”

Ý tứ là:

Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống

Gậy tuột khỏi tay tim bàng hoàng

Chữ “Hà Đông” ở đây là có ý ám chỉ người đàn bà họ Liễu [Thơ Đỗ Phủ có câu: “Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu”]. Còn “sư tử hống” là cách chơi chữ, trong đó có hàm ý biểu thị cho sự uy nghiêm.

Trong tiếng Việt, thành ngữ “Sư tử Hà Đông” nhằm ám chỉ những người thuộc phái đẹp có tính nóng giận bốc lửa và ghen tuông ghê gớm. Mỗi khi ‘nổi máu tam bành’ thì có thể làm cho các đức ông chồng kinh hồn, bạt vía, khiến bao dũng lược của giới mày râu cũng phải tiêu tan thành mây khói cả! Quả đúng là:

“Một khi gặp trận tam bành

Anh hùng chiến hữu cũng thành người rơm”!

Đường Minh

Từ Khóa:giai thoại Phụ nữ

Video liên quan

Chủ Đề