Tại sao nói Puskin la Mặt trời thi ca Nga

Ảnh: Thi hào Nga Puskin.

Xuất thân là quý tộc, nhưng giống như bất cứ một thiên tài nào, Puskin đứng hẳn về phía nhân dân. Hãy nghe thơ của ông lúc 18 tuổi:

Tôi muốn ngợi ca tự do cho trần thế

Tôi muốn đạp vào những tật xấu gian tham,

Đang nghiễm nhiên ngự trị trên ngai vàng.

Cuộc đời của thi hào Alêcxanđrơ Xecgâyêvit Puskin thật ngắn ngủi, có 38 năm [1799-1837]. Trong 38 năm đó, nước Nga chứng kiến biết bao sự biến lịch sử đầy kịch tính, đầy thống khổ, vinh quang và căm giận. Đó là một nước Nga của chế độ nông nô chuyên chế dưới thời Alêcxanđrơ I, lạc hậu so với châu Âu lúc đó, tiếp nối là thời Nicôlai I tàn bạo. Cùng những năm tháng đó, nhân dân Nga đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống lại đội quân xâm lược hùng mạnh của Napôlêông [Pháp], đánh cho chúng tan tác đến tận sào huyệt Paris [1812-1814]; sau đó, nước Nga, lại buồn thảm trở về với chế độ nông nô; Buồn thảm và căm giận đã giương cánh buồm cho nước Nga đi đến cuộc khởi nghĩa của những người tháng Chạp vào năm 1825. Đây là cuộc tiến công đầu tiên vào chế độ nông nô chuyên chế của Nga Hoàng do những người trí thức quý tộc tiến bộ lãnh đạo. Khởi nghĩa 1825 bị dìm trong máu, nhưng nó làm được mọt việc cực kỳ vĩ đại là đã thức tỉnh nhân dân Nga!

Puskin đã sống 38 năm ngắn ngủi nhưng đầy biến động của nước Nga, những năm tháng đầu thế kỷ 19. Tuổi trẻ của Puskin đã tắm mình trong dòng thác cách mạng và ở đỉnh cao của ngọn triều thời đại, nhà thơ là người phát ngôn cho cách mạng, chuẩn bị cho tiếng súng của khởi nghĩa 1825.

Từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường quý tộc, Puskin đã nhận ra bộ mặt tàn bạo của Nga Hoàng. Với bài thơ đầu tiên “Gửi bạn thơ” đăng trên tờ báo “Người truyền tin châu Âu”, lúc nhà thơ vừa tròn 15 tuổi, Puskin đã là một tiếng thơ được cả văn đàn Nga chú ý. Một năm sau đó, với bài thơ “Kỷ niệm hoàng hôn”, đọc trước ban giám khảo kỳ thi lên lớp, Puskin đã bước lên hàng thi bá của văn đàn nước Nga thời đó. Đây là một trường hợp hiếm thấy trong lịch sử văn học thế giới. Đecgiavin, nhà thơ vĩ đại của nước Nga thế kỷ 18, lúc đó đã 72 tuổi, tuyên bố: “Thời của tôi đã qua rồi…chẳng bao lâu nữa sẽ xuất hiện một Đecgiavin thứ hai, đó là Puskin…ngay bây giờ cậu ta đã vượt tất cả các nhà thơ.”

Tốt nghiệp trường học quý tộc năm 1817, Puskin được bổ nhiệm làm việc ở Bộ Ngoại giao, nhưng con người nghệ sĩ “kẻ thù của nô dịch” và là “người bạn của tự do” này, đã đối lập hoàn toàn với chính quyền chuyên chế của Nga Hoàng. Vì thế Puskin đã bị lưu đầy đi phương nam [từ 1820 đến 1824] và sau đó lại là những năm lưu đầy ở phương bắc, kéo dài suốt 6 năm…

Học vấn của một nhà quý tộc với vốn sống cực kỳ phong phú của những năm lang thang khắp nước Nga rộng lớn, hòa mình với cuộc sống của nhân dân đã tạo cho Puskin một bản lãnh sáng tạo nghệ thuật mà không một nghệ sĩ Nga nào ở thời đó có được. Thơ trào ra từ trái tim đầy ắp những yêu thương, căm giận của thiên tài Puskin. Lần đầu tiên trong văn học Nga có một “nhà thơ của thực tại:. Không còn có sự phân biệt cái “cao quý” và cái “thấp hèn” trong thơ Puskin.

Thơ viết trên ghế nhà trường, viết thời chiến tranh vệ quốc, lúc lưu đầy, thời chuẩn bị khởi nghĩa, những năm cách mạng thoái trào, từ thời Alêcxanđrơ I đến thời Nicôlai I bạo tàn…Puskin đã để lại, đã cống hiến cho nhân dân Nga ngay từ thời đó một rừng thơ ca đồ sộ, ông đã dẫn đầu chủ nghĩa lãng mạn Nga, dẫn đầu chủ nghĩa hiện thực Nga.

Ngoài thơ trữ tình, Puskin là tác giả của những bản trường ca bất hủ: Ruxlan và Liutmila [1820], Người tù Capca [1821], Anh em kẻ cướp [1821-1822], Lệ đài Bkhơsixarai [1822-1823], Đoàn người Tsưgan [1824], Pôntara [1828], Kỵ sĩ đồng [1833] v.v…Puskin còn để lại một kho tàng truyện cổ tích, truyện ngắn, tiểu thuyết lịch sử, bi kịch, bút ký, chính luận v.v…Thời đó, người Nga đã ngây ngất trước những kiệt tác thơ và văn xuôi của Puskin. Không một nghệ sĩ nào trong lịch sử nhân loại, trong một thời gian ngắn [hơn 20 năm] như thế, lại có được một khối lượng sáng tác đồ sộ đến như vậy. Ở tất cả các thể loại, Puskin đều đạt đến đỉnh cao, có cống hiến xuất sắc và đặt nền móng cho văn học Nga tiến tới trở thành một nền văn học kỳ diệu của nhân loại ở thế kỷ 19, với những tên tuổi lẫy lừng như Lécmantốp, Gôgôn, L.Tônxtôi, Gorki…

Chỉ lấy riêng một thể loại truyện ngắn làm ví dụ, đến bây giờ, tức 200 năm sau, chúng ta đọc những truyện “Người chủ hiêu quan tài”, “Người trưởng trạm”, “Tiểu thư nông dân”, “Con đầm pích”, “Phát sung”, “Bão tuyết” v.v…vẫn thấy từ cách chọn đề tài kết cấu, nội dung, nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật, ngôn ngữ kể chuyện v.v…đều vô cùng mới mẻ, hiện đại. Nhà nghiên cứu văn học và biên dịch Việt Nam Đỗ Hồng Chung đã viết: “…Truyện Puskin đã đọc là đọc liền một mạch, càng đọc càng bị lôi cuốn, hấp dẫn. Puskin có lối viết cô đọng, chọn lọc kỹ chi tiết, lấy ngắn gọn và chính xác làm tiêu chuẩn cho văn xuôi.” [A.X. Puskin, truyện ngắn, nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp Hà Nội 1987].

Có thể nói, tất cả những gì được xem là nghệ thuật của văn chương đã được Puskin hoàn thiện đến mức “không thể so sánh được” như lời Tvarđôpski: “Mỗi chúng ta có một Puskin của mình, và chỉ có một Puskin với tất cả mà thôi.”.

Lịch sử Nga, cuộc sống Nga, tình yêu Nga, thiên nhiên Nga, tâm hồn Nga, khát vọng Nga, ngôn ngữ Nga…đã ùa vào tác phẩm của Puskin. Trong thơ Puskin, “có hoa hồng, có họa mi, có lá thư tình bị đốt cháy, lại có túp lều, đống rạ, tấm lưới dân chài, thơm hương hồng lại thơm hương lúa; đọng lại cái gì rất Nga với những hàng sồi, cỗ xe tam mã, một điệu dân ca….”

[Đỗ Hồng Chung].

Chúng ta hãy đọc lại tiểu thuyết lịch sử “Người con gái viên đại úy” mà xem, cái nhân vật lão bộc Xavêlích trung thành, ranh ma, tằn tiện, ngang bướng và vô cùng đáng yêu ấy…trong truyện có khác gì người “giúp việc” của Puskin đã theo ông suốt những năm nhà quý tộc bị lưu đày cho đến lúc đưa nhà thơ về lòng đất [!]. Puskin là nước Nga vì thế, và còn vì ông đã “ca ngợi tự do” trong “thế kỷ bạo tàn” của thời đại Nicôlai I độc ác! Nhà thơ tuyên bố dứt khoát:

Và nhân dân sẽ còn yêu tôi mãi

Vì bằng đàn thơ, tôi đã thức tỉnh những tình cảm tốt lành.

[Đài kỷ niệm 1836]

Chúng ta tưởng niệm Puskin trong lúc thế giới này đang có những kẻ “muốn đem dùi cui ra đứng ở ngã ba lịch sử để chỉ đường cho các quốc gia dân tộc” gây nên cảnh bạo tàn và xâm phạm tự do của dân tộc khác, thật có nhiều ý nghĩa. Puskin dường như vẫn sống bên ta.

Tạp chí phát thanh. 3.1999.

Lê Phú Khải.

Liên lạc tác giả:

Liên lạc trợ lý:

Phone, Whatsapp, Signal: +84344331741

Bài viết được đưa vào sách Giáo trình văn học Nga của nhà văn Tôn Phi đã phát hành trên Amazon:

Ảnh bìa sách Giáo trình văn học Nga của nhà văn Tôn Phi đã phát hành trên Amazon.

Giá: PDF: 250 000 VNĐ. Sách in: 500 000 VNĐ.

Số tài khoản nhận tiền đặt sách: 142720499- ACB- Tôn Phi. Paypal: .

Trân trọng cám ơn quý vị.

Đặt mua trên Amazon, có bản in bìa cứng rất đẹp ship về tận nhà:

Trích đoạn "Cái chết của nhà thơ"

M.LECMÔNTÔP [nhà thơ Nga]

...

Chúng giết anh!... Giờ khóc lóc nghĩa tình,

Rồi nức nở những lời khen trống rỗng,

Rồi biện bạch tuôn lời lảm nhảm thiên nhiên

Để làm chi? Án số mệnh quyết rồi!...

Không phải ư thoạt tiên chính các người

Đã tàn nhẫn đuổi xua tài năng tự do, can trường của thi sĩ?

Và đám cháy nhúm nhen âm ỉ

Các người đã thổi bùng lên làm chuyện mua vui?

Đã lặng rồi, kể từ buổi nay đi

Không bao giờ còn vang lên những âm thanh của những bài ca trác tuyệt.

Nơi ngụ mới của thi nhân u buồn và chật hẹp,

Đôi môi người đã ngậm chặt ngàn thu.

...

Các người, một đám tham lam xúm xít bên ngai vàng

Lũ đao phủ giết Tự do, Thiên tài và Niềm vinh hiển!

Trước mặt các người quan toà và chân lý - thẩy đều câm miệng!

Các người núp dưới bóng chở che luật pháp

Nhưng còn toà án lôi đình đang chờ các ngươi đó!

....

Và có đem tất cả máu đen của các người mà gột rửa

Cũng không sạch vết máu đỏ chính nghĩa của thi nhân

THÚY TOÀN dịch n

ĐÔI LỜI VỀ PUSKIN

N.V.GÔGÔN [nhà văn Nga]

Khi nhắc đến Puskin ta nghĩ đến ngay đó là một nhà thơ dân tộc. Trên thực tế không một ai trong số các nhà thơ của chúng ta có thể xứng đáng hơn ông mang danh hiệu đó. Danh hiệu đó chỉ thuộc về ông. Ở ông, giống như cuốn tự điển, chứa đựng toàn bộ sự giầu có, sức mạnh và sự uyển chuyển của ngôn ngữ chúng ta. Hơn bất cứ ai, ông đã mở rộng ranh giới của ngôn từ, đã chỉ ra không gian bao la của nó. Trong ông, thiên nhiên Nga, tâm hồn Nga, ngôn ngữ Nga, tính cách Nga được phản ánh thuần khiết đẹp tới mức giống như cảnh vật được soi trên mặt phóng đại. Puskin là một hiện tượng đặc biệt, có thể nói, duy nhất của tinh thần Nga: đó là con người Nga trong sự phát triển của nó, người Nga này, có thể, chỉ xuất hiện sau 200 năm nữa.

Bản thân cuộc đời của ông cũng rất Nga. Số phận, như một sự tình cờ, cuốn ông tới những nơi mà biên giới nước Nga được phân biệt bởi tính dữ dội, hùng vĩ, nơi đồng bằng mênh mông được thay bằng núi non trùng điệp bao phủ cả phía Nam. Dãy Capcaz quanh năm tuyết trắng, nằm giữa thung lũng nắng nôi đã làm ông kinh ngạc; có thể nói, nó đã réo gọi sức mạnh tâm hồn ông và phá tung những mắt xích cuối cùng đè nặng lên tư tưởng tự do của ông. Cuộc sống phóng khoáng đầy chất thơ của người dân miền núi dũng mãnh, những cuộc chiến, những cuộc tập kích chớp nhoáng của họ làm ông ngây ngất say sưa; từ đó ngòi bút của ông có tầm phóng rộng lớn, nhanh nhậy, dữ dội khiến nước Nga mới bắt đầu đọc sách bàng hoàng, kinh ngạc. Khi ông vẽ cảnh đánh nhau giữa ngcôười Tretren với người Capcaz thì mỗi âm điệu của ông như tia chớp, sáng loé như ánh thép của thanh gươm và lao nhanh hơn trận đánh. Puskin - ca sĩ duy nhất của Capcaz: ông yêu nó bằng cả tâm hồn, tình cảm của mình; ông đã xâm nhập và được nuôi dưỡng bởi những vùng đất, bầu trời phía Nam, những thung lũng của Gruzia, những khu vườn và trời đêm tuyệt diệu của Crưm. Có lẽ vì thế trong sáng tác của mình bao giờ ông cũng cháy bỏng hơn, rực lửa hơn ở những chỗ mà tâm hồn chạm tới phương Nam. Thơ ông, chính vì vậy, có sức lôi cuốn ma thuật kỳ lạ: nó làm kinh ngạc thậm chí cả những người không có nhiều năng khiếu thưởng thức, không đủ khả năng, trình độ để có thể hiểu được ông. Không một nhà thơ Nga nào có số phận đáng ghen tị như Puskin. Không một ai có được vinh quang nhanh chóng đến như vậy. Mọi người, muốn hay không muốn, đều phải nói tới thơ của ông, đôi lúc còn bóp méo, xuyên tạc những đoạn thơ sáng chói của ông. Tên tuổi ông dường như tích điện. Chỉ cần một kẻ vô danh nào đó mượn tên tuổi ông, lập tức nó được truyền đi khắp nơi.

Ngay từ bước khởi đầu ông đã là nhà thơ dân tộc, bởi tính dân tộc không phải ở chỗ miêu tả bộ xaraphan [một kiểu áo của người phụ nữ nông dân Nga -Người biên soạn], mà ở trong tâm hồn nhân dân. Nhà thơ mang tính dân tộc ngay cả khi miêu tả những sự vật bình thường, nhưng đã nhìn những sự vật ấy bằng con mắt của đồng bào ông, cảm nhận và diễn tả như thể chính họ cảm nhận và diễn tả. Từ của ông chính xác, rõ ràng, mạnh bạo, nhiều khi thay thế cả một đoạn miêu tả; ngòi bút ông bay lượn. Đoạn kịch ngắn của ông bằng cả thiên trường ca. Khó có thể tìm thấy một nhà thơ nào trong một vở kịch ngắn chứa ngần ấy điều kỳ vĩ, sự giản dị và sức mạnh như ở Puskin.

ĐÀO TUẤN ẢNH dịch

[Rút từ cuốn Alexandr Puskin - Tuyển tập tác phẩm, tập V, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999]

SÁNG TÁC CỦA A.X. PUSKIN

V.G.BELINXKI [nhà phê bình Nga]

Puskin thuộc về hiện tượng mãi mãi sống, mãi mãi vận động, không dừng lại ở thời điểm bắt gặp cái chết mà tiếp tục được phát triển trong ý thức xã hội. Mỗi thời đại sẽ nói lên sự phán xét của mình về những hiện tượng ấy và cho dù nó có hiểu đúng đến đâu đi chăng nữa thì bao giờ nó cũng vẫn để dành lại cho thời đại tiếp sau nó nói lên một điều gì đó mới mẻ và đúng đắn hơn, và chẳng bao giờ một thời đại nào lại có thể nói hết tất cả.

[...]

Puskin xuất hiện vào đúng lúc mà thơ ca ở nước Nga có khả năng trở thành nghệ thuật. Năm 1812 là thời kỳ vĩ đại trong cuộc sống của nước Nga. Đó là sự kiện quan trọng sau cải cách của Pie Đại đế. Nước Nga bắt đầu bước vào con đường văn minh của châu Âu.

Sứ mệnh của Puskin là làm nhà thơ - nghệ sĩ đầu tiên của nước Nga, hiến cho đất nước mình một nền thơ nghệ thuật, chứ không phải chỉ là một thứ ngôn ngữ tuyệt vời của tình cảm. Hiển nhiên một mình ông không thể làm nổi điều này. Trong các bài báo trước chúng tôi đã trình bày tiến trình của nghệ thuật ngôn từ nước Nga, chỉ ra khởi nguồn và sự phát triển của thi ca với sự đóng góp của những nhà thơ trước Puskin. So với Puskin, các nhà thơ đó giống như các con sông lớn và nhỏ tích tụ nước cho đại dương. Thơ của Puskin giống như đại dương ấy. Đại dương vĩ đại và quan trọng hơn các con sông, nhưng thiếu chúng, đại dương không hình thành được.

[...]

Bởi thườiế thơ trong những vở kịch độc đáo của Puskin bỗng nhiên trở thành một bước ngoặt hay là một sự ngắt quãng ghê gớm trong lịch sử thi ca Nga, phá vỡ các truyền thuyết, là một cái gì đó chưa từng được biết tới, chưa từng giống cái gì trước đó, nó đại diện cho một nền thơ mới chưa từng tồn tại trước đây. Thơ ấy như thế nào? Đó là sự uyển chuyển cổ điển cùng với sự giản dị nghiêm túc kết hợp với sự quyến rũ của nhịp điệu lãng mạn; tất cả sự giầu có về âm thanh, tất cả sức mạnh của ngôn ngữ Nga thể hiện trong nó một cách đầy đủ nhất; thơ ông dịu dàng, ngọt ngào, mềm mại, giống giọng thì thầm của sóng, đàn hồi, đậm đặc như nhựa cây, sáng chói như ánh chớp, trong trẻo và thanh khiết như pha lê, thơm tho như mùa xuân, mạnh mẽ và gớm ghiếc như nhát chém của thanh gươm trong tay chàng dũng sĩ... Và nếu như chúng ta muốn nói về tính chất thơ Puskin chỉ trong vài ba lời ngắn gọn, thì chúng ta có thể nói rằng đó là thơ nghệ thuật, thơ nghệ sĩ ở mức độ cao nhất - và cũng chính bằng điều này chúng ta giải được điều bí ẩn trong cảm hứng toàn bộ thi ca của ông...

Sứ mệnh của Puskin được lý giải bằng lịch sử văn học của chúng ta. Thơ ca Nga - một thứ cây được mang từ nơi khác tới, chứ không phải giống cây bản địa. Tất cả thơ ca đều cần phải thể hiện cuộc sống, trong nghĩa rộng của từ này, nó bao quát cả thế giới vật chất cũng như tinh thần. Chỉ có tư tưởng mới hướng thơ ca đến được điều đó. Nhưng để thể hiện cuộc sống, thơ ca trước hết phải là thơ ca[...]

Trước Puskin chúng ta thậm chí chưa có cả linh cảm thế nào là nghệ thuật, là chất nghệ sĩ, cái làm nên một mặt tuyệt đối của tâm hồn con người. Trước ông thơ ca chỉ là sự trình bày hùng biện những tình cảm tuyệt vời và những tư tưởng cao cả, những thứ không tạo nên tâm hồn của nó, nhưng được nó tận dụng như một công cụ tiện lợi cho mục đích cao cả của mình, giống như phấn trắng, phấn màu dùng để trang điểm cho bà già chân lý già nua. Cái khái niệm ch4ết cứng đó tiện lợi cho hình thức thể hiện tư tưởng đạo đức cùng với những tư tưởng khác sinh ra loại thơ ca giáo huấn...

Kết luận: Puskin trước hết là một nhà thơ, một họa sĩ, ngoài ra ông không là ai khác theo bản chất tự nhiên của mình. Ông hiến tặng cho chúng ta thơ ca như một nghệ thuật, một hội họa. Chính vì vậy ông vĩnh viễn là một nghệ nhân mẫu mực của thi ca, người thày của nghệ thuật. Một trong những đặc tính cơ bản nhất của thơ Puskin đó chính là khả năng làm nảy nở và phát triển trong con người tình cảm đối với cái đẹp và tính thiện, hiển nhiên ở đây muốn nói tới sự tôn trọng vô cùng tận đối với phẩm cách con người theo đúng nghĩa của nó. Puskin, với bản chất của mình, là một con người luôn yêu thương, một người đáng yêu, sẵn sàng bằng cả trái tim mình chìa tay cho những ai mà ông thấy đó là "con người". Mặc dù tính tình nồng nhiệt dẫn tới mức cực đoan, mặc dù tính cách vô cùng mạnh mẽ, trong ông vẫn nhiều nét trẻ thơ đáng yêu, nhiều sự mềm mại và dịu dàng. Tất cả những cái đó được phản ánh trong những tác phẩm tuyệt vời, tao nhã của ông. Sẽ tới một lúc nào đó khi ông trở thành một nhà thơ kinh điển của nước Nga, thơ ca của ông sẽ làm nảy sinh và phát triển không chỉ tình cảm đối với cái đẹp, mà còn tính nhân bản và đạo đức nữa.

CÔNG ĐỨC dịch

[Trích từ cuốn Alexandrơ Puskin- Tuyển tập tác phẩm, tập V, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999]

PUSKIN

P.M. ĐÔXTÔIEPXKI [nhà văn Nga]

Gôgôn nói: "Puskin là một hiện tượng đặc biệt và, có thể nói, là hiện tượng duy nhất của tinh thần Nga". Tôi xin bổ sung: hiện tượng mang tính tiên tri. Đúng vậy, đối với chúng ta, tất cả những người Nga, sự xuất hiện của ông thực sự là một cái gì đó mang tính tiên đoán. Puskin xuất hiện đúng vào lúc xã hội chúng ta, cả một thế kỉ sau cải cách của Pi-e Đại đế, bắt đầu manh nha ý thức đúng đắn về mình. Và sự xuất hiện của ông đã soi rọi con đường tăm tối của chúng ta bằng thứ ánh sáng định hướng mới mẻ. Trong ý nghĩa đó, Puskin chính là nhà tiên tri và người chỉ dẫn.

Cũng phải thừa nhận rằng trong giai đoạn đầu, Puskin đã bắt chước các nhà thơ châu Âu: Parny, Andre Senie và những người khác, đặc biệt là Bairn. Không có gì nghi ngờ, các nhà thơ châu Âu đã có ảnh hưởng to lớn đối với sự phát triển thiên tài của ông, và sự ảnh hưởng ấy được gìn giữ suốt cuộc đời ông. Tuy nhiên ngay cả trong những bài thơ đầu tiên của ông, ngoài sự bắt chước ra, còn bộc lộ rõ bản sắc độc lập đặc biệt của một thiên tài. Nếu chỉ là bắt chước thì không thể có được cái riêng như thế trong đau khổ, sự sâu sắc nhường ấy trong ý thức, như ở Puskin, ví dụ như trong Đoàn người Zigan -bản trường ca giai đoạn đầu của ông.

Trong nhân vật Alecô, Puskin đã tìm thấy và chỉ rõ đó là một kiểu người lang thang bất hạnh ngay trên quê hương mình, một loại người Nga đau khổ, tồn tại lịch sử và cần thiết trong cái lớp người tách rời với nhân dân. Ông tìm típ người này không chỉ ở Bairn. Típ người này được nắm bắt một cách chính xác, chân thực - một típ người mà ta thường xuyên bắt gặp và còn tồn tại ở nước Nga về lâu dài. Từ đó đến nay loại người lang bạt này vẫn tiếp tục cucộc sống vô gia cư, và còn lâu mới biến mất. Kiểu người này, tôi nhắc lại, xuất hiện vào thập kỉ thứ hai, sau cải cách của Pi-e Đại đế, trong giới trí thức cách biệt với nhân dân, với sức mạnh của nó.

[...]

Không, một bản trường ca như vậy quyết không thể là sự bắt chước! Chính tác phẩm này đã mách bảo cách giải quyết vấn đề, một "vấn đề đáng nguyền rủa" theo kiểu Nga, theo đức tin và chân lý của nhân dân Nga: "Hãy quy phục, hỡi con người kiêu ngạo, trước tiên hãy bẻ gãy lòng kiêu hãnh của mình. Hãy quy thuận, hỡi con người ăn không ngồi rồi, trước tiên hãy lao động trên mảnh đất của mình." Đó chính là giải pháp theo chân lý và trí tuệ của nhân dân.

[...] Chưa từng có một nhà văn Nga nào trước và sau Puskin lại gắn bó máu thịt với nhân dân như ông. Trong số các nhà văn của chúng ta có rất nhiều người hiểu biết về nhân dân, nói về họ một cách tài tình, trìu mến. Nhưng thử so sánh những người kế tục sau này với Puskin thì chỉ có một, cùng lắm là hai trường hợp, còn lại chỉ toàn là "các ngài" viết về đám chúng sinh. Ở những người tài giỏi nhất trong số họ, kể cả một hai trường hợp tôi vừa nói, vẫn thoáng thấy thái độ ngạo mạn của những người từ cuộc sống khác, thế giới khác, mong muốn nâng nhân dân lên ngang tầm của mình và làm cho họ hạnh phúc vì hành động nâng đỡ đó. Ở Puskin có cái gì đó thật sự gắn bó ruột thịt với nhân dân, tới mức thật tự nhiên, đáng yêu.

[...] Thực ra nền văn học châu Âu có khá nhiều thiên tài - Secxpia, Cervantes, Siler... Nhưng hãy chỉ ra dù chỉ một trong số các vị thiên tài đó có được khả năng cảm thông, có lòng vị tha đối với toàn nhân loại như Puskin của chúng ta. Chính đây là khả năng chính yếu nhất, là đặc tính của dân tộc ta, và Puskin đã chia sẻ nó với nhân dân mình, chính vì lẽ đó, ông là một nhà thơ dân tộc. Các nhà thơ vĩ đại nhất của châu Âu chưa khi nào có thể hoà nhập một dân tộc khác vào bản thân mình, thể hiện chiều sâu tinh thần và những đau khổ của nó với một sức mạnh thiên tài như Puskin. Ngược lại, khi viết về những dân tộc khác, những nhà thơ châu Âu thường biến họ thành cái của dân tộc mình và hiểu họ theo cách của mình. Thậm chí ngay cả Secxpia cũng vậy, những người ý của ông hầu như "Anh hoá" hoàn toàn. Puskin là hiện tượng duy nhất có khả năng biến hoá hoàn toàn vào một dân tộc khác. Hãy xem lại Don Juan, nếu như không có chữ ký ở phía dưới của Puskin, thì các ngài sẽ không lại bao giờ nghĩ rằng đó không phải do người Tây Ban Nha tạo ra. Những hình tượng trong Bữa tiệc thời dịch hạch mới sâu sắc, huyền bí làm sao! Nhưng trong những hiện tượng huyền bí ấy ta nghe thấy tiếng vọng của thiên tài nước Anh [...] Có thể khẳng định rằng chưa từng có một nhà thơ nào có được sự đồng cảm với nhân loại như Puskin, nhưng vấn đề không phải là sự cảm thông bề ngoài, mà là độ sâu thẳm của nó, sự hoà nhập tâm hồn của mình vào tâm hồn của các dân tộc khác một cách hoàn hảo, chính vì thế mà vô cùng tuyệt diệu, chính vì thế mà không có ở đâu, không có ở bất cứ một nhà thơ nào trên thế giới hiện tượng tương tự như thế có thể lặp lại. Điều đó chỉ có ở Puskin, và tôi chỉ xin nhắc lại, chính vì vậy mà ông là hiện tượng chưa từng được nhìn thấy và nghe thấy, nói theo cách của chúng ta, đó là hiện tượng mang tính tiên tri, bởi vì... bởi vì ở đây thể hiện rõ hơn cả tinh thần dân tộc Nga, thể hiện tính nhân dân trong thơ của ông, tính nhân dân trong sự phát triển của nó, tính nhân dân trong tương lai của chúng ta, đã thấm nhuần trong hiện tại và thể hiện một cách tiên tri. Bởi vì sức mạnh tinh thần của dân tộc Nga là gì, nếu không phải sự vươn tới tính toàn cầu, toàn nhân loại - mục đích cuối cùng của nó? Puskin chí mới vừa chạm tới sức mạnh nhân dân, ông đã cảm nhận trước được thiên chức vĩ đại của nó trong tương lai. Chính vì vậy ông là một nhà thơ nhân dân, chính vì thế ông là một nhà đoán định số phận, một nhà tiên tri.

[...] Ngay từ buổi sơ khởi đó chúng ta đã vươn tới sự hòa nhập thiết thực, sống còn nhất, sự hoà nhập với toàn nhân loại! Chúng ta đã tiếp nhận không thù địch [điều có thể xảy ra] mà hữu hảo tinh hoa của tất cả các dân tộc xa lạ vào thế giới tinh thần của mình, không phân biệt đối xử, cởi bỏ được các mâu thuẫn, biết tha thứ và hiểu được những sự đa dạng, khác biệt nhau, bằng điều đó chúng ta biểu thị được sự sẵn sàng, lòng mong mỏi của chúng ta được hoà nhập vào tất cả các dân tộc [...] Ở các dân tộc châu Âu, họ phải biết rằng họ quý giá biết chừng nào đối với chúng ta! Và tôi tin tưởng rằng, chúng ta, nói đúng hơn không phải chỉ chúng ta, mà các thế hệ tiếp nối, đều hiểu rằng, là người Nga chân chính có nghĩa là phải dự phần vào sự hoà giải các mâu thuẫn xung đột của châu Âu, tìm sự giải thoát cho bi kịch của châu Âu trong tâm hồn Nga [...] Dấu ấn của sự hoà nhập này tôi đã nhìn thấy trong lịch sử của chúng ta, trong những con người tài năng của chúng ta và trong thiên tài nghệ thuật của Puskin. [...] Nếu ông sống lâu hơn thì ông có thể tạo được những hình tượng vĩ đại, bất tử của tinh thần Nga gần gũi dễ hiểu đối với những người anh em châu Âu của chúng ta, lôi cuốn họ đến với chúng ta mạnh hơn, gần gũi hơn là bây giờ, có thể diễn giải cho họ tất cả sự chân thành cố gắng của chúng ta, và họ có thể hiểu chúng ta hơn bây giờ, không cần phải đoán định dò xét, không nhìn chúng ta bằng con mắt nghi ngại và kiêu ngạo như họ đang nhìn chúng ta hiện nay. Nhưng Chúa Trời đã phán định theo cách khác. Puskin mất đi trong lúc đang sung sức nhất và không còn nghi nghờ gì, ông đã mang theo mình một bí mật vĩ đại. Và hiện tại chúng ta đang phải tìm ra bí mật này.

ĐÀO TUẤN ẢNH dịch

[Trích từ cuốn Alexandrơ Puskin - Tuyển tập tác phẩm, tập V Nxb Văn học, Hà Nội, 1999]

VỀ PUSKIN

M.GORKI [nhà văn Nga]

Có những người mỗi khi đọc một tác phẩm nghệ thuật chân chính lại thấy tâm hồn dào dạt một niềm cảm phục hân hoan, một lòng ngưỡng mộ hầu như tôn giáo đối với vẻ đẹp và sự sáng suốt của trí tuệ con người. Nếu những người như vậy ở châu Âu và châu Mỹ biết sự nghiệp sáng tạo của Alexandrơ Puskin, họ sẽ đánh giá nó cao ngang hàng với di sản thiêng liêng của những kiệt tác nói về con người mà những nghệ sĩ thiên tài như Sexpia, Gớt và những người khác đứng trong hàng ngũ vĩ nhân này đã để lại.

Về quy mô sáng tác, Puskin gần gũi với Gớt hơn cả, và nếu gạt sang một bên những hứng thú khoa học và những giả thiết của Gớt, thì sẽ thấy sáng tác của Puskin đa dạng hơn, rộng lớn hơn toàn khối những thành tựu của nhà đại văn hào Đức.

Như do một phép thần thông nào đó, ngay sau cuộc xâm lăng của Napoleon, ngay sau khi những người Nga mặc quân phục đặt chân lên thành Pari, con người thiên tài ấy đã xuất hiện và trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, đã đặt những nền móng không gì lay chuyển nổi cho tất cả những gì sau này sẽ kế tục mình trong nghệ thuật Nga. Không có Puskin thì trong một thời gian rất dài sẽ không có được Gôgôn, Tuôcghênhép, Đôxtôiepxki, - tất cả những con người Nga vĩ đại này đều công nhận Puskin là vị thủy tổ tinh thần của mình.

Puskin là tác giả những vần thơ trữ tình tuyệt diệu về những cảm xúc mãnh liệt và đằm thắm, là người đã sáng tạo những thiên trường ca hùng tráng và đầy trí tuệ như Kị sĩ đồng, Pôntava, những truyện cổ tích tuyệt đẹp chứa chất trí thông minh của nhân dân Nga như: Ruxlan và Luitmila, Truyện cổ tích về chú gà trống vàng, Ông lão đánh cá và con cá vàng, Lão cố đạo và anh làm công Balđa; Puskin đã sáng tác vở kịch lịch sử ưu tú nhất của nền văn học Nga mà cho đến nay vẫn chưa có vở kịch nào sánh kịp: vở Bôrix Gôđunôp. Trong lĩnh vực văn xuôi, Puskin đã viết cuốn tiểu thuyết lịch sử Người con gái viên đại úy: trong truyện này, với cái nhìn thấu suốt của một nhà sử học, Puskin đã xây dựng nên một hình tượng sinh động của người Cozac Êmiliên Pugatsôp, người đã tổ chức một trong những cuộc khởi nghĩa hùng vĩ nhất của nông dân Nga. Những truyện ngắn Con đầm pích, Đubrôpxki, Người quản trạm và một số truyện ngắn khác đã đặt nền móng cho văn xuôi hiện đại, mạnh dạn đưa vào văn học những đề tài mới, và trong khi giải thoát ngôn ngữ Nga ra khỏi ảnh hưởng của tiếng Pháp, tiếng Đức, đồng thời đã giải thoát văn học ra khỏi chủ nghĩa duy cảm nhạt nhẽo mà các tác giả trước Puskin thường mắc phải. Ngoài ra Puskin cũng là người đặt nền tảng cho sự hoà hợp giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực, sự hoà hợp mà cho đến nay vẫn là đặc trưng tiêu biểu nhất của nền văn học Nga, làm cho nó có một âm hưởng riêng, một diện mạo riêng.

Thiên tiểu thuyết bằng thơ Epghênhi Ônhêghin vĩnh viễn sẽ là một trong những thành tựu ưu tú nhất của nền nghệ thuật Nga và chiếm được một vị trí danh dự bên những kiệt tác của nền văn học châu Âu như Nỗi đau của chàng Vecter, Truyện Manông Lexcô, Clarix Haclâu v. v...

Ai nấy đều biết rằng âm nhạc chỉ sử dụng những tác phẩm văn học thiên tài bậc nhất và những truyền thuyết dân gian có ý nghĩa sâu sắc nhất. Thế mà các nhạc sĩ đã sử dụng cả một loạt tác phẩm của Puskin để sáng tác ca kịch. Ruxlan và Luitmila, Con đầm pích, Đubrôpxki, Epghênhi Ônhêghin, Truyện cổ tích về chú gà trống vàng, Truyện cổ tích về vua Xaltan, về các con trai của nhà vua, về nàng công chúa thiên nga, Bôrix Gôđunôp, Đoàn người Zigan, Mozart và Xalieri, Hiệp sĩ keo kiệt - tất cả những vở ca kịch đó đều dựa trên văn bản của Puskin và do những nhạc sĩ lớn nhất nước Nga soạn: Glinca, Tsaicốpxki, Muxorgxki, Rimxki, Côrxacôp, Rakhmaninốp...

Những tác phẩm như Hiệp sĩ keo kiệt, Đêm Ai cập, Bữa tiệc trong thời kỳ dịch hạch, Mozart và Xalieri cho ta thấy rõ ở Puskin một khả năng huyền diệu mà ngay ở những nhà văn thiên tài cũng hiếm có, là biết đi sâu vào tinh thần và sinh hoạt của những xứ sở xa lạ, những thời đại đã lùi vào dĩ vãng. từ lâu. Trong những tác phẩm này của Puskin loé lên một cách đặc biệt rực rỡ dấu ấn của vẻ đẹp không thể tàn phai của nghệ thuật bất tử, của sự minh mẫn thiên tài.

Puskin là bậc thầy trong thể văn thư tín, những bức thư ông viết cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị những mẫu mực ưu tú nhất của thể văn này.

Khó lòng kể hết được tất cả các tác phẩm ưu việt, phi thường mà Puskin đã viết. Những thiên trường ca như Đoàn người Zigan, Anh em kẻ cướp, Người tù Capcaz đều là những mẫu mực kinh điển của thơ văn Nga, và chương Giấc mơ của Tachianna trong Epghênhi Ônhêghin khiến cho người ta phải kinh ngạc vì sự kết hợp tài tình giữa tính huyễn hoặc và tính hiện thực.

Puskin còn viết Lịch sử cuộc khởi nghĩa Pugatsôp: đó là một thí nghiệm của nhà thơ cố gắng dùng thứ ngôn ngữ chính xác của nhà sử học, cũng giống như thí nghiệm của Siler khi viết Lịch sử cuộc chiến tranh ba mươi năm.

Sự nghiệp sáng tác của Puskin là một dòng thác thơ văn mở rộng chói lọi. Puskin dường như đã thắp nên một vầng thái dương mới trên đất nước giá lạnh, và ánh nắng của vầng thái dương ấy lập tức làm cho nó phì nhiêu, tươi tốt lên. Có thể nói rằng trước Puskin ở nước Nga chưa có một nền văn học xứng đáng được châu Âu chú ý đến, có được một chiều sâu, một sự phong phú ngang với những thành tựu kỳ diệu của sáng tác văn học châu Âu.

Trong sáng tác của Puskin, người ta cảm thấy có một cái gì thần diệu, một sự kết hợp kỳ lạ giữa tình cảm tha thiết và trí tuệ anh minh, giữa tình yêu nồng nàn đối với cuộc sống và lòng căm thù sâu sắc đối với những thói đê hèn của nó. Tình cảm đằm thắm, có sức xúc động lòng người của ông không sợ nụ cười châm biếm, và cả thân thế ông là một phép nhiệm màu.

Đối với nhà văn học sử không có một sẽ là đề tài nào có nhiều ý nghĩa và huyền diệu hơn là thân thế và sự nghiệp của Puskin.

CAO XUÂN HẠO dịch

[Trích từ cuốn Alexandrơ Puskin - Tuyển tập tác phẩm, tập VNxb Văn học, Hà Nội, 1999]

Ngọn cờ nền văn hóa của chúng ta

Đ.LIKHATRÔP [nhà nghiên cứu văn học người Nga]

[...] Vậy tại sao trong nền văn hoá của chúng ta Puskin là người nổi lên số một trong số những người số một? Puskin là nhà thiên tài đã tạo dựng được lý tưởng của dân tộc. Không chỉ đơn thuần "phản ảnh" những đặc điểm dân tộc của tính cách Nga, mà là tạo dựng được lý tưởng của dân tộc Nga, lý tưởng của nền văn hoá.

Puskin là thiên tài của sự vươn lên cao cả, thiên tài ở mọi nơi tìm kiếm và sáng tạo ra trong thơ ca những biểu hiện cao cả nhất: trong tình yêu, trong tình bạn, trong nỗi buồn và trong niềm vui, trong sự dũng cảm nơi chiến trận. Trong tất cả, ông đều tạo nên sự căng thẳng sáng tạo mà cuộc sống có thể đạt tới. Ông đã đưa lên rất cao lý tưởng của danh dự và sự độc lập của thơ ca cũng như của nhà thơ.

Puskin là nhà cải tạo vĩ đại nhất những tình cảm tốt đẹp nhất của con người thơ . Trong tình bạn ông tạo ra lý tưởng của tình bạn cao cả thời Litxê; trong tình yêu ông tạo ra lý tưởng cao thượng của quan hệ đối với người đàn bà - nàng thơ [Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu...]. Ông tạo ra tình cảm cao thượng của chính nỗi buồn. Mấy từ "nỗi buồn của anh tươi sáng" đủ để an ủi hàng vạn con người. Ông tạo ra thái độ sáng suốt một cách rất thơ đối với cái chết [Tôi đi trên phố phường náo động...]. Ông chỉ ra ý nghĩa cao cả của kỉ niệm và hồi ức. Thơ của ông chứa đầy những hồi ức cao đẹp của tuổi trẻ. Hồi ức của tuổi trẻ hoà lẫn vào ký ức của lịch sử Nga. Không một nhà thơ nào dành cho quá khứ Nga nhiều tác phẩm như vậy - văn xuôi sử thi, kịch thơ trữ tình, văn xuôi trữ tình. Chính trong các hồi ức ở Puskin đã nảy sinh ra hình ảnh cay đắng và có sức thu hút của quá khứ và cách giải thích hiện tại một cách sáng suốt. Ông tạo ra những hình tượng con người sống động cơ bản của lịch sử Nga, mà khi hình dung về những hình tượng đó chúng ta không thể bỏ qua trong nhũng suy nghĩ riêng của chúng ta về lịch sử Nga. Đó là hình tượng Bôrix Gôđunôp, Pi-e, Pugatsôp... Ông sáng tạo ra họ như thể đã đoán ra ở họ mối xung đột chính của quá khứ lịch sử Nga: Nhân dân và Nga hoàng chuyên chế. Ông tạo ra khuynh hướng cơ bản của tiểu thuyết Nga thế kỉ XIX - "tiểu thuyết trang ấp", dường như trong đó đã xác định những nhân vật chính yếu: Ônhêghin và Tachianna - đó là một dạng những trung tâm xung đột mà chúng ta sẽ tìm thấy ở Gôntrarốp, Tuôcghênhép và ở nhiều nhà văn Nga cổ điển khác.

Puskin là một hình thức hết sức ngắn gọn và vô cùng biểu cảm đã thể hiện những thành tựu cơ bản của thơ ca thế giới. Ông đã tạo ra như những biểu tượng của những thành tựu cao nhất của văn học thế giới: Gửi Ovidius, Từ Catull, Phỏng theo Coran, Dante nghiêm khắc không coi khinh Xone..., Từ Gphiz, Lời nói đầu bản dịch Iliad, Từ Anacreon, Phỏng theo phong cách Ả-rập, Những người cha hoang mạc và những người vợ trinh tiết, Bài ca những người Tây Xlav và những tác phẩm thiên tài bởi đã đào đến tận đáy sâu sáng tạo nghệ thuật: Hoạt cảnh từ Phauxt, Người khách đá và nhiều tác phẩm khác. Không phải tình cờ mà ông coi nước Nga là quan toà của nền văn hoá châu Âu- là người bình luận và đánh giá nó. Sự vươn tới cao cả của tinh thần là đặc điểm nổi rõ nhất của thơ ca Puskin.

[...] Chúng ta cần phải đi cùng Puskin ít ra là một quãng ngắn nhất trên những con đường mà ông đã tạo ra cho chúng ta trong thơ ca của ông. Ông phục vụ chúng ta cả trong tình yêu, cả trong đau khổ, cả trong tình bạn, cả trong những cái suy tư về cái chết, cả trong những hồi ức. Ông là nhà thơ đầu tiên đến với chúng ta trong tuổi thơ và ở lại cùng chúng ta cho đến trọn đời. "Puskin là tất cả của chúng ta" - A. Grigôriep đã nói về ông như vậy. Và ông đã nói đúng vì rằng sức mạnh biến cải và vươn lên cao cả của thơ Puskin đều có xác suất có mặt trong tất cả những khoảnh khắc trọng đại của cuộc đời chúng ta.

ĐOÀN TỬ HUYẾN dịch

[Trích từ cuốn Alexandrơ Puskin - Tuyển tập tác phẩm, tập V, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999]

Về A.X. PUSKIN

TEODOR DRAIZER [nhà văn Mỹ]

Sự nghiệp sáng tác của A.X. Puskin gắn bó vô cùng chặt chẽ với khát vọng quyền năng của cuộc sống và kinh nghiệm - đặc thù của các nền văn học lớn, đặc biệt là nền văn học Nga đồ sộ. Thật chính xác khi cho rằng A.X.Puskin là nhà tiên tri đầu tiên của nước Nga đươngất đại, người đầu tiên hiểu hết những khả năng to lớn trong sự phát triển đạo đức xã hội - những khả năng mà sau này đã được nước Nga thể hiện.

Mặc dù tôi không đọc nguyên bản, nhưng trong các bản dịch thơ A.X. Puskin tôi vẫn thấy không chỉ nổi lên tài năng thi pháp tuyệt vời mà tất cả những gì khiến ông xứng đáng với vị trí cao quý giữa những người Xlav. Ý nghĩa vị trí đó không chỉ nằm trong bút pháp mà cả trong ý tưởng Puskin hun đúc và thể hiện. Vào thời đó, theo tôi, khi mà tư tưởng Nga đúng lúc cần ông, ông xuất hiện, làm nổi bật những gì còn rời rạc, dở dang chắt lọc chất Nga, chậm nhưng vững chắc khi giải thích chất Nga thông qua chính bản thân mình. Chính ông là người đầu tiên trong số những người làm xoay chuyển toàn bộ hệ thống tư tưởng và ảnh hưởng, thổi vào đó hình thức thơ ca lãng mạn châu Âu, đồng thời bao quát sâu rộng tầm vĩ đại có từ xa xưa của nước Nga, khám phá ra chất thanh cao và sức mạnh trong vô thức, hoang dã, lòng cảm thông và sức mạnh tinh thần của những ai sống gần gũi với thiên nhiên hơn là những trí thức nửa mùa phục vụ triều đình hay lũ tay sai giàu có xun xoe của chúng.

Đúng hơn, ông đã lồng ý tưởng đó vào dòng thơ ca làm nức lòng văn học Nga trong suốt thế kỉ qua. Khí chất và trí tuệ trong sáng của ông đã mở đầu cho thời kỳ Phục hưng ở Nga cũng ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ lớp người kiệt xuất thiên tài Nga: Đôxtôiepxki, Tuôcghênhep, Tônxtôi, Gôgôn...

Thời trẻ A.X.Puskin là một người nổi loạn vạch trần cuộc sống trống rỗng và vô nghĩa của các tầng lớp cánh tả trong đó có ông. Sự kiện này khiến những người Nga đương thời tập trung chú ý đến ông. Ông tìm và đã tìm ra trong cội nguồn quá khứ, trong lịch sử và truyền thuyết nước Nga những luận cứ xây dựng một khái niệm phong phú ngày nay đã là khái niệm có cơ sở khoa học về sự pha trộn giữa cái ác và cái thiện, đạo đức và phi đạo đức, dốt nát và thông minh, nghiệt ngã và bác ái... Từ đó giải thích vì sao phải đấu tranh sinh tồn, báo trước và kêu gọi phải có những người thay đổi xã hội to lớn vì cuộc sống tốt đẹp và tiến bộ. Tóm lại, A.X.Puskin báo trước về một cuộc sống mà nước Nga và khắp mọi nơi đang hướng tới.

Xét về chiều sâu và tính chân thực, thơ văn A.X.Puskin đặc biệt dễ thẩm thấu... Ai có thể thờ trước tình cảm chân thành, trung thực, tư duy khoáng đạt, hiểu biết sâu rộng của tâm hồn và trí tuệ A.X. Puskin! Các tác phẩm của ông vừa dễ hiểu, đầy tính nhạc, tinh tế, uyên bác, vừa đơn giản mà vẫn luôn mang ý tưởng sâu sắc. Đây chính là điều làm nên giá trị chân lý toàn cầu của ông.

Và hôm nay sau hơn một thế kỉ từ khi A.X.Puskin mất nào ai dám nghĩ đến chuyện phủ nhận sự vĩ đại của con người này cũng như vị thế của ông trong lịch sử. Ông là nhà tiên tri, một nhân cách lớn đáp lại được tiếng gọi của nhân dân ông.

HOÀNG THỊ VINH dịch

[Trích từ cuốn Alexandrơ Puskin - Tuyển tập tác phẩm, tập V, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999]

*

Puskin am hiểu mọi khả năng, toàn bộ vẻ phong phú kỳ diệu của tiếng mẹ đẻ nhưng tư tưởng của ông bao giờ cũng được thể hiện trong một hình thức giản dị tới mức tưởng như không thể nào diễn tả giản dị hơn.

Sự giản dị và sự thoải mái của nhà thơ là kết qủa của tài nghệ tinh tế.

Quả bằng thực thơ Puskin nở rộ kỳ diệu chừng như từ chính văn xuôi tỉnh táo.

P. MÊRIMÊ [nhà văn Pháp]

Nhà thơ dẫn dắt công chúng theo mình vào xứ sở chưa quen thuộc của cái đẹp, vào một thiên đường nào đó mà không khí ngát hương ở đó khiến tâm hồn phấn chấn, suy nghĩ tốt hơn, tình cảm tinh tế hơn.

A ÔXTRÔPXKI [nhà soạn kịch Nga]

Chúng ta đọc thấy ở Puskin những câu thơ trơn tru quá, giản dị quá và ta cứ tưởng rằng tự nhiên thơ ông nó tuôn ra trong hình thức như thế. Vậy mà ta không biết rằng ông đã bỏ biết bao công sức cho câu thơ được giản dị và trơn tru.

L. TÔNXTÔI [nhà văn Nga]

Puskin, Anh là Anh cả của thơ ca và tự do! Ở khắp mọi nơi - bất cứ ở đâu chúng tôi đấu tranh và ca ngợi Tổ quốc của Anh - kỷ niệm về Anh luôn luôn sẽ cùng chúng ta, đem cho chúng ta ngọn nguồn cổ vũ, dũng ảcm, sắc đẹp và tuổi trẻ.

Đ cuộcược dân tộc vĩ đại của mình gìn giữ, Puskin là ngọn đuốc sáng của mọi dân tộc.

PABLO NÊRUĐA [nhà thơ Chi lê]

Đối với tôi, Puskin là một trong những đại lượng dùng để đo tất cả các nhà văn của thế giới. Sự nghiệp sáng tạo rực rỡ của ông, số phận cá nhân của ông - tất cả đều rất hấp dẫn và có ý nghĩa đối với chúng tôi, bất kể sự khác biệt về ngôn ngữ và thời đại. Đó là một thứ ẩn dụ chứa đựng tất cả những gì tuyệt vời và bi thảm mà chỉ cuộc đời nhà thơ mới có thể chứa đựng được.

Là một nhà thơ mang chất Nga sâu đậm, Puskin đồng thời là một người châu Âu chân chính, biết hấp thụ văn hoá thời đại mình rồi tỏa ra qua sáng tạo.

PAT'RIC BESSON [nhà văn Pháp]

Ông đã kịp làm chính số phận của mình thành thước đo và đồng thời là đối tượng sáng tác của mình. Ông đã làm được việc đó với lòng tự tôn, với thái độ khách quan, với trí tưởng tượng chính xác và rành mạch trạng thái tâm hồn con người, điều đó khiến ông hoàn toàn xứng đáng được xếp vào hàng ngũ các nhà thơ lãng mạn đầy kịch tính nội tâm.ồng

E. WILSON [nhà nghiên cứu văn học người Mỹ]

"Bạn thân thiết trong những ngày cơ cực"

PHẠM THỊ PHƯƠNG

Khi nói về những người xung quanh Puskin, người ta thường hay nhắc đến đồng chí, bạn bè tâm giao hơn là những người trong gia đình của nhà thơ. Thế nhưng có những người, không phải đồng môn Litxê, không phải là đồng nghiệp văn chương, cũng không phải cha mẹ họ hàng, mà đối với Puskin còn thân thương, gắn bó và quý báu hơn cả gia quyến ruột thịt. Đó là những "con người bé nhỏ" - những người đồng hành thủy chung của nhà thơ trong suốt cuộc đời ngắn ngủi và kì diệu. Giữa những người ấy nổi bật lên nhũ mẫu Arina Rôđiônốpna Iacốpleva và lão bộc Nikita Timôphâyvich Côzlôp.

Hai con người này có nhiều điểm chung: họ đều xuất thân từ dòng dõi nông nô, suốt đời phục vụ trong gia đình dòng họ Ganniban - Puskin, là chỗ dựa, niềm an ủi lớn nhất của nhà thơ, cùng nhà thơ chia sẻ buồn vui, gánh nặng số phận. Họ yêu thương chăm sóc Puskin từ tấm bé bằng tình yêu phụ mẫu tận tụy và được nhà thơ đền đáp bằng tình yêu gắn bó đầy cảm động của đứa con hiếu thảo, trọng nghĩa trọng tình. Hai con người đó từ cuộc sống đã bước vào trang sách của Puskin, trở thành nguyên mẫu của nhân vật nhũ mẫu trong Epghênhi Ônhêghin và lão bộc trong Người con gái viên đại úy.

Arina Rôđiônôpna [1754 - 1828] là nữ nông nô của dòng họ Gannihưng ban, sống trong nhà Puskin 31 năm, chăm sóc tất cả trẻ em của gia đình này. Ngay từ tấm bé Puskin ít có dịp quanh quẩn bên mẹ, mà thường quấn quýt với nhũ mẫu. Arina Rôđiônôpna không những cho Puskin dòng sữa mát lành mà còn là người tưới đẫm tâm hồn mộng mơ, đầy nhậy cảm của cậu bé - nhà thơ tương lai bằng dòng văn học dân gian. Người đàn bà nông nô không biết chữ nhưng là cả một kho báu với những khúc hát dân ca, những truyện cổ tích muôn mầu muôn vẻ, ca dao - tục ngữ sống động. Đặc biệt Arina Rôđiônôpna có biệt tài kể chuyện hết sức hấp dẫn, mạch lạc, khúc chiết, khiến không chỉ Puskin - chú bé, mà cả Puskin - nhà thơ đã thành danh say mê, thán phục. Hầu hết những bài hát dân ca, những truyền thuyết dân gian mà Puskin biết đều nghe từ bà. Hơn cả vai trò của người mẹ chăm bẵm cho con, bà còn là người bạn thân thiết tâm giao, người nâng đỡ tinh thần nhà thơ trong những ngày tháng gieo neo. Bà cùng nhà thơ trải qua những đêm đông bão tuyết, những ngày dài cô đơn, đỡ giùm nhà thơ gánh nặng ưu phiền. Puskin yêu quý bà, gọi bà là "mẹ", mỗi sớm dậy trong ngôi nhà ở Mikhailốpxcôie đều chạy sang phòng bà chào hỏi, chia sẻ suy tư, dự định:

Những ước mong kết trái

Những dự định mộng mơ

Chỉ kể cho u già

Bạn tôi ngày thơ trẻ

Những năm tháng sau này, khi đã đứng trên đỉnh quang vinh, nhà thơ vẫn gắn bó với bà bằng tình yêu của đứa con trai, vẫn giữ thói quen ân cần trò chuyện với bà hàng tiếng đồng hồ. Người sinh ra Puskin ít bao giờ hiện diện trong thơ của ông, nhưng nhũ mẫu lại giữ một vị trí đặc biệt trong sáng tác của ông, được ông trìu mến gọi là "Bạn thân thiết trong những ngày cơ cực", tặng những vần thơ đẹp nhất, cảm động nhất:

U già của tuổi thơ con

Bạn của đời con cực khổ

Uống đi u vài ngụm nhỏ

Trái tim có bớt ưu phiền?

U hát con nghe bài hát

Về con chim biển bình yên

U hát con nghe bài hát

Cô em quẩy nước dịu hiền.

Những năm tháng cuối đời, Puskin vẫn thường nhắc về người nhũ mẫu. Trở về thăm lại nơi xưa tù đày, bà đã mất, nhà thơ vẫn bồi hồi nhớ "tiếng chân người gieo nặng", "sự chăm lo đằm thắm". Suốt đời mình, Puskin chịu ơn Arina Rôđiônốpna và tình yêu thương của họ dành cho nhau đã thành lời bất tử.

Nikita Timôphâyvich Côzlôp [1770 - 1854] cũng là người "bạn thân thiết trong những ngày cơ cực" của Puskin. Trong cuộc đời đầy bất hạnh của Puskin, bạn bè, gia đình đến rồi đi, không ai luôn có mặt cạnh nhà thơ bền lâu như Nikita Timôphâyvich - với vai trò của lão bộc, người đánh xe, người quản gia. Đó là một con người cao lớn, vui tính, chơi đàn ghi ta và babalaica cừ khôi, thuộc nằm lòng nhiều thơ ca dân gian, biết bịa truyện cổ tích rất khéo. Puskin đánh giá cao đức tính tận tụy phục vụ, nhưng không quỵ lụy, rất tự trọng, độc lập và sáng dạ của bác.

Nikita Timôphâyvich đã ngoài 30 tuổi khi Puskin đến tuổi rời nhũ mẫu, bác được gia đình giao trông nom, dạy dỗ chú bé và từ đó trở thành người đồng hành trên các chặng đường cho đến cuối cuộc đời của nhà thơ. Cậu chủ nhỏ gọi lão bộc của mình bằng "bác", cùng dạo chơi trong các lễ hội, trong các công viên, học cách quan sát và những trí tuệ dân gian. Bác chăm lo cho Puskin những ngày sau khi tốt nghiệp Litxê về sống ở Petecbua, suốt thời gian nhà thơ bị lưu đày và sau khi nhà thơ thành gia thất. l

Giữa hai người có sự gắn bó hoàn toàn, sẵn sàng quên mình vì nhau. Ở Petecbua, có lần M. A. Korph, một tay công tử - chủ nô, bạn học cũ của Puskin, vô cớ đánh Nikita, Puskin biết chuyện đã vô cùng tức giận, viết thư thách đấu súng. Tay này hèn nhát không nhận lời, viện lý do thách đấu vì một kẻ như Nikita không đáng. Quan hệ bạn bè giữa Puskin và Korph chấm dứt từ đó. Nikita sau chuyện ấy càng yêu quý, trân trọng cậu chủ trẻ. Bác cất giấu kỹ những tác phẩm lưu hành bí mật của nhà thơ, bảo vệ, lo lắng cho nhà thơ. Trong những chuyến lưu đày dằng dặc, cô đơn, trên những con đường mùa đông vắng vẻ muộn phiền, bác theo nhà thơ rong ruổi hết phương nam lại lên phương bắc, chăm sóc chải chút cho Puskin chu đáo hơn một người mẹ, thấu hiểu và cảm thương cho số phận của nhà thơ hơn cả một người cha. Puskin tin cậy, cởi mở với bác hơn bất cứ người thân nào trong gia đình. Không lâu trước khi mất, trong ngày chôn cất mẹ, Puskin chỉ cho Nikita nơi thi sĩ muốn yên nghỉ. Bằng trái tim nhậy cảm và từng trải, Nikita linh cảm một tai hoạ đang rình rập cậu chủ, nhưng bác biết làm gì để giúp con người đang bị cả thành Petecbua đầu độc, bức hại? Ngày quyết đấu của Puskin là ngày đau đớn nhất trong đời bác quản gia. Theo lời kể của Zucôpxki, khi cỗ xe chở Puskin về đến cổng, Nikita hớt hải chạy ra, bác bế nhà thơ trên tay, lên cầu thang, Puskin bảo: "Bác có buồn khi phải bế tôi thế này không?" - bác biết nói gì hơn, càng khóc thống thiết. Biết nói gì hơn, khi xưa cũng đôi bàn tay ấy đã từng bế cậu chủ nhỏ đang tuổi chơi đùa, đã ân cần cho nhà thơ vịn lấy suốt một đời! Và đôi bàn tay ấy đã đưa linh cữu nhà thơ về nơi an nghỉ cuối cùng ở tu viện Xviatago gần Mikhailốpxcôie, rồi cùng bạn bè nhà thơ thu vén, gìn giữ những ghi chép, thư từ, tác phẩm của con người gần gũi và vĩ đại nhất của mình.

Sinh thời Puskin còn cả mẹ và cha [mẹ ông chỉ mất trước ông một năm, người cha còn nhận được tin con tử thương qua thư từ bạn bè], nhưng những gì hai con người đầy học vấn ấy cho con trai mình hoàn toàn không nhiều, nhất là tình cảm chăm nom, lo lắng ân cần. Cuộc đời nhà c thơ sẽ càng cô lẻ, bất hạnh hơn nếu như không từng có trên đời này người nhũ mẫu và lão bộc tuyệt vời ấy, không có tình yêu thương của họ, không có dòng tri thức ngọt lành từ suối mát dân gian họ đem đến. Puskin đã dựng cho mình đài kỷ niệm vĩnh cửu trong lòng nhân loại, và nhân loại sẽ muôn đời kính cẩn nghiêng mình trước một tượng đài nữa - tượng đài những người "bạn thân thiết trong những ngày cơ cực" của nhà thơ Nga vĩ đại.

NGHE THƠ PUSKIN

Nguyễn Thị Hồng

Lòng xúc động bâng khuâng tưởng nhớ

về làng quê và mảnh đời xưa

những kỉ niệm vụt lên hư ảo

dịu ngọt lòng ta không ngờ...

Khi giọng người thiếu nữ

đọc bài Con đường mùa đông

buồn tẻ cô đơn tư lự

của nước Nga xưa mênh mông...

Nikita Timôphâyvich

Quê tôi không có tuyết rơi

cũng không có xe tam mã

chỉ có ánh trăng xa xôi

trải trên cánh đồng vàng rạ

và có nắng hồng đâm quả...

Nhưng sao khi nghe bài thơ

từng giọt tuyết rơi trong nắng

tiếng nhạc tam mã xa xưa

vang lên đều đều thăm thẳm...

Lòng xúc động bâng khuâng tưởng nhớ

về làng quê và mảnh đời xưa

những kỉ niệm vụt lên hư ảo

ngọt dịu lòng ta không ngờ...

[Trích từ tập Em ra đi -Nxb Văn học]

nghe thấy ti

NHỚ TUYẾT

Bế Kiến Quốc

Lặng lẽ tuyết rơi

Như không như có

Đêm nay trời lạnh bao nhiêu độ?

Thương trái tim nhà thơ

Rực nóng trong ngực đồng buốt giá

Puskin

Đứng

Quảng trường lộng gió

Nhìn thời đại đi qua

Giữa thế kỉ bạo tàn tôi ca ngợi tự do

Tự do tinh khiết

Như tuyết

Và như tuyết - lạnh buốt

Hơn bất cứ bao giờ

Cần tiếng nói nhà thơ:

Hỡi đồng chí, hãy vững lòng tin tưởng!

Trên tuyết trắng

Một bông cẩm chướngVị chua cay nhắc lại

Như thực

Như mơ...

[Trích trong tập Cuối rễ đầu cành, Nxb Hà Nội, 1994]

BÀI THƠ CON ĐƯỜNG MÙA ĐÔNG CỦA PUSKIN

PHẠM THỊ PHƯƠNG

1.

Con đường mùa đông là một tuyệt tác trữ tình về thiên nhiên của Puskin, được viết vào năm 1826 trong thời gian nhà thơ bị lưu đày ở phương Bắc - nơi ông gọi là "mảnh đất cô đơn giá lạnh". Từ phương Nam chói ngời sắc nắng, lồng lộng gió biển khơi, giữa lòng bạn bè thân quen cùng chí hướng, "con đại bàng non trẻ" khao khát khí trời phải về cầm cố tại trang ấp Mikhailôpxcôie hẻo lánh, bên cạnh chỉ có người nhũ mẫu già thay tình mẫu tử sẻ chia, săn sóc. Bài thơ ra đời trong thời điểm đó, thấm đẫm nỗi buồn trầm lắng đơn côi, khi tuổi đời thi sĩ mới có 27.

Thời gian này Puskin thường hay viết về thiên nhiên Nga, nhất là về mùa đông. Nhìn chung, thi sĩ ít viết về mùa xuân - cái mùa băng tan tuyết ẩm làm ông khó chịu và dễ đau ốm. Ông yêu thích mùa thu và mùa đông hơn cả, coi đó là mùa của cảm xúc sáng tạo, mùa của "lá vàng heo lạnh", của "khoảnh khắc huyền diệu", của "tuyết trắng và rừng bao la" - những "mùa buồn đầy thi vị". Không phải ngẫu nhiên mà Puskin có nhiều bài thơ về mùa đông đến thế [Buổi tối mùa đông, Buổi sáng mùa đông, Con đường mùa đông].

Trong chùm thơ này, bài Con đường mùa đông nổi lên bởi sắc thái đặc biệt của nó. Viết về mùa đông Puskin thường dùng những âm thanh và sắc màu rõ và chói để thể hiện những cảm xúc nồng nhiệt, nhưng ở bài này không hoàn toàn như vậy. Nếu như trong bài Buổi tối mùa đông là cơn "Tuyết lốc quay mù mịt, Khi gầm như mãnh thú, Khi gào như trẻ thơ", trong Buổi sáng mùa đông là "Băng giá và mặt trời - ngày tuyệt đẹp", thì trong bài Con đường mùa đông tràn ngập những nốt nhạc mơ hồ chìm lấp trong làn sương huyền ảo, đượm nỗi buồn xa vắng mênh mông và trong sáng tuyệt trần. Đây là bức tranh phong cảnh Nga với phong cách hội hoạ xen kẽ các gam màu trắng đen, sáng tối, thể hiện một tâm hồn gắn bó, chan hoà với thiên nhiên xứ sở, một trái tim nhậy cảm với nỗi đau buồn nhưng giầu nghị lực, giầu mơ ước trên con đường đời cô lẻ, lắm gian truân của thi sĩ.

2.

Bài thơ được viết theo thể tự do, gồm 7 khổ, mỗi khổ 4 câu. Mạch thơ tuôn trào theo dòng không gian bao la và thời gian dài lăng lắc giữa một đêm trăng mờ ảo trên con đường tuyết trắng chạy hun hút mang "nỗi buồn nặng đìu hiu", giúp người đọc hình dung rõ hiện thực mô tả.

Bản dịch được chọn đưa vào SGK Văn học 11 là của Thúy Toàn, được đánh giá là bản dịch hay, tái hiện khá thành công các hình ảnh và tinh thần của nguyên tác. Dịch giả hoàn toàn có lý khi chọn thể thơ sáu tiếng để diễn tả cảm xúc hướng nội hết sức hàm súc của nguyên tác.

Bản dịch nghĩa của chúng tôi:

Xuyên qua sương mù gợn sóng

Mảnh trăng nhô ra,

Buồn bã rót ánh sáng

Lên những cánh đồng trống quạnh u sầu

Trên đường mùa đông buồn tẻ

Cỗ xe tam mã lao vun vút

Lục lạc đơn điệu

Uể oải rung.

Có gì vọng lên thân thiết

Trong những khúc hát triền miên của bác xà ích:

Khi thì niềm hân hoan phóng khoáng

Khi thì nỗi buồn thăm thẳm trong tim...

Không một ánh lửa, không một mái lều đen

Rừng thẳm sâu và tuyết...Đón tôi đằng trước

Chỉ toàn cột sọc cây số

Cứ trải ra liên tiếp một mình...

Chán ngán, u sầu... Ngày mai, Nina

Ngày mai khi trở về bên em yêu

Ta sẽ đắm mình bên lò sưởi

Sẽ lặng ngắm nhìn e đẹpm mãi không thôi.

Kim đồng hồ vang tích tắc

Mãi quay những vòng đều đều của mình

Và xua đám người tẻ ngắt

Sẽ không chia rẽ chúng ta giữa đêm

Buồn lắm, Nina: đường đời ta tẻ ngắt

Bác xà ích bặt im, thiu thiu ngủ

Tiếng lục lạc đơn điệu,

Sương che mờ khuôn trăng.

3.

Bức tranh thiên nhiên đặc sắc Nga

Con đường mùa đông được coi là bức tranh phong cảnh Nga đặc sắc nhất trong thi ca thế giới. Trung tâm bức tranh là một con đường tuyết phủ trắng đang cứ trải ra, trải ra phía trước. Trùm lên con đường đó cùng những cảnh sắc quạnh hiu là làn ánh sáng phương Bắc mênh mông và mờ ảo của ánh trăng lọc qua màn sương đêm.

Xuyên những làn sương lượn sóng

Mảnh trăng mờ ảo chiếu qua,

Buồn rải ánh vàng lai láng

Lên cánh đồng buồn giăng xa.

Không gian mờ ảo đó trải khắp chiều dài tít tắp tưởng chừng vô định của con đường, băng qua đồng không mông quạnh, qua rừng thẳm hun hút, không dấu vết con người, không dấu hiệu sự sống, không đốm lửa hy vọng. Tất cả thật mông lung và quạnh quẽ:

Không một mái lều, ánh lửa...

Tuyết trắng và rừng bao la...

Chỉ những cột dài cây số

Bên đường sừng sững chào ta.

Ở phương Bắc không riêng gì nước Nga mới có tuyết trắng dăng mênh mông và rừng tai-ga bạt ngàn. Và chỉ có tuyết, có rừng, có đồng trống vào mùa đông không thôi thì chưa tạo nên khung cảnh riêng biệt của mùa đông xứ sở Nga. Màu sắc Nga, âm thanh Nga, tâm hồn Nga được toát lên qua hình ảnh cỗ xe tam mã băng trên đường, lao vun vút về phía trước, qua tiếng lục lạc lanh canh, qua khúc hát dân ca trầm bổng của người xà ích vọng vào không gian tĩnh lặng thực thực, hư hư, và đặc biệt là qua nỗi buồn trong sáng, lắng đọng của nhân vật trữ tình. Chính những cái đó làm cho bức tranh im lìm của mùa đông phương Bắc cựa mình, phả hơi thở, hương vị và âm hưởng Nga rõ rệt:

Bức tranh phong cảnh cổ kính nguyên sơ ấy là phong cảnh quen thuộc của thiên nhiên Nga mà ta từng bắt gặp trong các trang sách, trong các khúc dân ca ngọt ngào, sâu lắng.

Bức tranh tâm trạng

Thiên nhiên trong thơ Puskin không bao giờ là thiên nhiên thuần túy, nó còn là khung cảnh của tâm trạng con người, là bức phông nền để khắc hoạ cái tôi trữ tình. Nhân vật trữ tình trong trường hợp này chính là tác giả. Nhìn lại hoàn cảnh sáng tác bài thơ, ta càng hiểu rõ tại sao quán xuyến toàn bộ thi phẩm là một nỗi buồn khắc khoải, một ước mơ da diết về một bến đợi ở cuối cuộc hành trình tưởng như vô tận ấy.

Sự vận động tâm trạng của nhân vật trữ tình diễn tiến the9;o từng bước: Mới đầu chỉ là một nỗi buồn vô cớ mông lung bởi sự hiện diện của ánh trăng đẹp nhưng u sầu dăng trên đường đi. Rồi nỗi buồn trở nên định hình hơn qua sự cảm nhận âm thanh khắc khoải, buồn tẻ đều đều của tiếng lục lạc. Nỗi buồn trở nên da diết hơn, hoà nhập vào nỗi nặng đìu hiu của khúc dân ca, được tô đậm thêm bởi sự vắng vẻ, im lìm của cảnh vật, gợi cho con người niềm hiu quạnh, cô lẻ, thốt nhiên ao ước về một hạnh phúc đơn sơ, trong căn phòng sáng ánh đèn, bên lò sưởi ấm áp, cạnh người bạn gái dịu hiền. Nhưng mơ ước chỉ là mơ ước, đêm tối và cuộc hành trình vẫn chưa chấm dứt. Trở về với thực tại, càng thấy day dứt buồn hơn trong tiếng nhạc ngựa đều đều tẻ ngắt - âm thanh duy nhất giờ đây làm nền cho cuộc lữ hành đơn độc, thăm thẳm.

Trong suốt bài thơ ta thấy lặp đi lặp lại từ buồn. Trong nguyên tác, tâm trạng buồn được dùng bằng nhiều từ có sắc thái biểu cảm khác nhau, thể hiện những cung bậc của nỗi cô đơn, sầu vắng. Trong bản dịch ta cũng có thể đếm được nhiều từ thể hiện tâm trạng ấy: trăng buồn, cánh đồng buồn, nhạc ngựa buồn, khúc hát buồn... Con đường mùa đông nước Nga giữa không gian đêm khuya hiu quạnh thực chất là bức tranh, là bản nhạc phụ hoạ cho nỗi buồn hiện thời của nhà thơ. Bài thơ trước hết nói về một không gian cụ thể, một con đường xa lăng lắc [đarôga - đường để đi, hiểu theo nghĩa đen], nhưng đồng thời cũng là tiếng thở dài của nhân vật trữ tình khi bất chợt nghĩ về quãng đường đời [puch - đường đời] mà mình đã đi qua, mình sắp đi tới mà không khỏi xót xa đượm buồn. Con đường trở thành hình ảnh phúng dụ. Puskin tự gọi mình là "người gieo giống tự do trên đồng vắng", và giữa lúc hạt giống mới nẩy mầm trên luống cày nô dịch giá lạnh thì người gieo giống trở thành kẻ tù biệt xứ. Hành trình đến với tự do của nước Nga là "con đường mùa đông" khắc nghiệt. Cỗ xe tam mã - biểu tượng của nước Nga, đang lao về đích, nhưng đích ấy còn xa lắm, với nhiều "tuyết trắng và rừng bao la"ta trước mắt, với những "cột dài cây số" thầm lặng, kiên trung nhẩm tính, ghi nhận từng khoảng cách.

Đường đời báo hiệu còn lắm gian truân. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, thời kỳ Mikhailôpxcôie đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong sự phát triển thế giới quan của Puskin: do gần gũi với nhân dân, tiếp xúc trực tiếp với đời sống của nhân dân, học ở nhân dân và viết về nhân dân, cộng thêm bản lĩnh kiên cường, nhà thơ đã vượt lên trên hoàn cảnh, nỗi buồn cá nhân. Bài dân ca của người xà ích khi dậy niềm an ủi thân thiết. Tiếng vọng dân ca trong tâm hồn chứng tỏ con người mang nỗi sầu riêng tư đang đi trên con đường mùa đông nước Nga lạnh lẽo ấy vẫn gắn bó xiết bao với cuộc sống, với hồn dân tộc. Nhà thơ trẻ 27 tuổi nhìn thấy trên con đường lạnh lẽo xa tít tắp kia vẫn có một bến đợi, một ngọn lửa sưởi ấm và người sẻ chia.

Đến với bài thơ Con đường mùa đông ta gặp được chính con người Puskin, bởi nhân vật trữ tình và nhà thơ ở đây là một, gặp những nỗi lo âu về số phận, sự khắc khoải về hạnh phúc - tức là ta gặp lại chính ta. Những cung bậc của nỗi buồn trong bài thơ không làm ủy mị trái tim, mà làm ta tha thiết yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, củng cố niềm tin để vượt lên trên hoàn cảnh và số phận. Nỗi buồn ấy có tác dụng "thanh lọc" tình cảm, - nỗi buồn rất Puskin, rất Nga - nỗi buồn trong sáng.

BÀI THƠ TÔI YÊU EM CỦA PUSKIN

PHẠM THỊ PHƯƠNG

1.

A.X.Puskin [1799 -1838] được coi là "Mặt trời thi ca Nga", là "vinh quang của nước Nga", người đã đem đến cho nhân loại những vần thơ chói ngời vẻ đẹp và thắm đượm tình yêu. Trong thơ của ông, tinh thần dân tộc được nâng cao hơn bao giờ hết, tâm hồn Nga, cuộc sống Nga được chưng cất ở độ đậm đặc chưa từng thấy, đồng thời cũng tổng hợp được cao độ những gì tinh túy nhất của văn học thế giới.

Đề tài tình yêu chiếm một vị trí quan trọng trong thơ trữ tình của Puskin. Chất liệu dệt nên những bài thơ tình diễm lệ, trong sáng, chân thành của ông là những cảm xúc cụ thể, những trải nghiệm sâu xa của con tim, chinh phục chúng ta bằng vẻ đẹp giản dị, nhưng hết sức tinh tế của thế giới nội tâm con người.

2.

Bài thơ Tôi yêu em đã gây một niềm xúc động lớn vì đã vươn tới những giá trị tinh thần chung của nhân loại: những tình cảm chân thành, cao thượng, nhân ái của tình yêu chứa đựng trong những ngôn từ giản dị, sống động và trong sáng nhất.

Bài thơ được viết năm 1829 trong chùm thơ về tình yêu, được in trong tập thơ "Những bông hoa phương Bắc". Cũng trong cùng một mạch cảm xúc của hàng loạt thi phẩm thời kỳ này, khi Puskin bước vào lứa tuổi 30, [Trên đồi Gruzia đêm xuống, Ngài và anh cô và em, Bông hoa nhỏ, Một chút tên tôi đối với nàng, Thành phố phồn hoa thành phố bần hàn...], bài thơ Tôi yêu em ngàn ngập những nốt nhạc buồn trong trẻo và dịu êm của con tim đã qua rồi cái thời tuổi trẻ bồng bột, cuồng nhiệt và đớn đau tuyệt vọng, mà giờ đây như đã lắng đọng trong sự chiêm nghiệm, nghĩ suy, trong ký ức "Vị chua cay nhắc lại. ơMột bờ bên kia, một đời bên kia". Đối tượng trữ tình của bài thơ cho đến nay vẫn còn là sự bí ẩn, các nhà Puskin học vẫn phân vân giữa A. Ôlênhina [ái nữ của vị chủ tịch Viện Hàn lâm Nghệ thuật thời ấy] và Natalia Gôntsarôpva [vợ Puskin sau này].

3.

Bài thơ nổi tiếng được nhiều người dịch. Bản dịch trong sách giáo khoa Văn học lớp 11 là của Thúy Toàn. Bản dịch này cho đến nay vẫn được coi là trội hơn cả, vì nó khá sát nghĩa và thể hiện được tình cảm đằm thắm, chân thành gần với nguyên tác, trong đó có những hình ảnh, cảm xúc đồng điệu với nhà thơ Nga.

Bản dịch nghĩa của chúng tôi:

Tôi đã yêu em: tình yêu hãy còn, có lẽ là

Trong lòng tôi [nó] đã không tắt hẳn;

Nhưng thôi, hãy để nó chẳng quấy rầy em thêm nữa.

Tôi không muốn làm phiền muộn em bởi bất cứ điều gì.

Tôi đã yêu em lặng thầm, không hy vọng,

Bị giày vò khi thì bởi sự rụt rè, khi thì bởi nỗi hờn ghen.

Tôi đã yêu em chân thành đến thế, dịu dàng đến thế,

Cầu Chúa cho em vẫn là người được yêu dấu như thế bởi người khác.

Bản dịch thơ của Thúy Toàn:

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai; cách mạng

Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,

Hay hồn em phải gợn sóng u hoài.

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng,,

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,

Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.

Bài thơ trong nguyên tác được viết theo thể Iămb truyền thống, kết cấu hài hoà, chặt chẽ, ngôn ngữ hết sức cô đọng, trong sáng, dễ hiểu. Cũng như các bài thơ khác, ở đây từ ngữ như được tuôn rơi từ ngọn bút của nhà thơ xuống mặt giấy, hết sức tự nhiên, không cần một mảy may cố sức, đẽo gọt. Cái khó đầu tiên khi chuyển ngữ bài thơ chính là thể hiện được sự trong sáng, giản dị nhưng cũng hết sức hàm súc ấy. Cái khó thứ hai là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai ở đây được dùng theo phong cách Kính ngữ: Vưi - tương đương trong tiếng Việt là quý bà hay quý chị. Đặc thù của hai hệ thống văn hoá-ngôn ngữ Nga-Việt không chấp nhận việc chuyển nghĩa trực tiếp trường hợp này, bắt buộc phải biến đổi cho thích hợp. [Hầu hết các bản dịch tiếng Việt đã chuyển tải việc thể hiện thái độ tôn thờ và sắc thái nhất định về khong cách ấy bằng phép hoán đổi ngôi xưng hô nhất - Tôi]. Cái khó thứ ba là chuyển dịch sự cấu âm đặc biệt của nguyên tác, nổi bật là các âm rung ở cuối các câu thơ lẻ tạo nên cung bậc day dứt, khắc khoải, ngân vang. Một khó khăn nữa là việc hiểu và dịch đúng tinh thần câu thơ cuối. Ở bản dịch của Thuý Toàn, theo chúng tôi, chưa thật đúng tinh thần của Puskin. [Bản dịch: cầu cho em một người tình khác; nguyên tác: cầu cho em được yêu dấu - không dỗi hờn, thách thức, hay lý trí quá]. Điều cần nói nữa là trong nguyên tác, ngoài "Tôi" và "Em" còn có nhân vật thứ ba mang tính chất độc lập - đó là "Tình yêu". Nhân vật thứ ba này được khách thể hoá và được gọi bằng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba "Nó" trong nguyên cách: "Nó đã chưa tắt hẳn", "Nó không quấy rầy em thêm nữa". Lời dịch trong SGK 11 chưa nhận diện rõ nhân vật này, cho nên dễ gây thất thoát tính chất khách quan và tế nhị của nguyên tác. Cũng cần phải nhận rõ vai trò của việc xen kẽ các động từ ở thể chưa hoàn thành, chia thời quá khứ [đã yêu, đã không tắt] với các động từ chia ở thời hiện tại [không quấy rầy, không làm phiền muộn, cầu cho] làm nổi bật ý nghĩa chiều dài thời gian và chiều sâu của tình cảm. Cảm xúc được dấy lên bởi tình yêu không chịu ngủ yên, lời nguyện cầu chúc phúc cho cô gái cũng là lời xoa dịu trái tim mình của nhà thơ. Tất cả những đều trên cho thấy dù bản dịch của Thúy Toàn có nhiều thành công, nhưng nó vẫn là ... bản dịch, còn có những khoảng cách tất yếu so với nguyên tác. Cho nên, khi bình giảng, vẫn nhất thiết phải chú ý đến bản dịch nghĩa, đến cái thần của bài thơ.

Bản dịch thành công khi truyền tải được hồn thơ dung dị, chân thành bằng ngôn từ trong sáng, dịch khá sát nghĩa, thoát ý, cách ngắt nhịp theo mạch tuôn chảy của tình cảm con tim: khi dè dặt, dàn trải như giãi bày, khi dồn dập, xô dạt và kết thúc bằng đợt sóng trào dâng rồi lan dần trở ra biển cả mênh mông, bao dung.

4.

Lời bộc bạch - trần tình

Bài thơ hay trước hết ở sự chân thành, giản dị. Điều đó được thể hiện ngay trong những lời giãi bày đầu tiên:

Tôi yêu em đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai

Đây là tình yêu đơn phương, không được đền đáp, nhưng không phải vì thế mà nhân vật trữ tình hờn giắận, chối bỏ lòng, mà vẫn tiếp tục giãi bày: Tình cảm nhen nhóm từ lâu, giờ đây có lẽ không còn thổn thức như thủa ban đầu nhưng vẫn không thể nguôi ngoai - tình xưa mà chưa cũ. Lời thơ thể hiện sự thâm trầm, dè dặt cân nhắc của nhà thơ như vừa nói với người ấy, lại vừa như đang tự ngẫm xem trái tim mình nói gì. Hoá ra ngọn lửa tình vẫn âm ỉ, dai dẳng cháy khôn nguôi. Và, quả nhiên, vừa được chạm đến, trái tim thức dậy, "sống lại đủ điều":

Tôi yêu em, âm thầm không hy vọng

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen.

Nhịp thơ ngắt ra, tái hiện những cung bậc cao thấp, những cảm xúc dằn vặt vừa mới qua đây thôi. Đó là những xúc cảm rất thật, rất thường tình của con người đang yêu. Nhân vật trữ tình kể lại những gì mình trải qua một cách nồng nhiệt, chân thành, giản dị đến cảm động, nhưng không phải để phiền trách bạn lòng, chỉ cốt nàng thấu hiểu cho thôi.

Sự tự nguyện rút lui cao thượng và sự "bất tuân" của trái tim.

Nhân vật trữ tình không chỉ giãi bày tình yêu đắm đuối mà còn hướng đến nguyện ước được quên mình cho hạnh phúc của người mình yêu. Điều đó làm cho bài thơ đã hay lại càng thêm đẹp. Nhân vật trữ tình sợ ánh sáng ngọn lửa tình ấy, dù mình đã cố vặn nhỏ bớt đi, làm phiền muộn lòng người phụ nữ yêu dấu:

Nhưng không muốn em bận lòng thêm nữa

Hay hồn em phải gợn sóng u hoài.

Bất chấp tất cả những cơn sóng ào ạt của con tim, nhân vật trữ tình chỉ e sự bận lòng, nỗi u hoài - mà chỉ thêm chút nữa thôi, gợn chút nữa thôi, của nàng. Tình yêu đơn phương và dường như tuyệt vọng bỗng vụt lớn lên, tỏa sáng một tình cảm trong sáng, cao thượng đến tuyệt vời: nhà thơ ý thức được rằng sự tĩnh tâm của người phụ nữ mình yêu đáng quý hơn ngọn lửa tình làm cháy lòng mình. Ông nhắc lại một lần nữa - ba lần trong tám dòng thơ, thêm một lần nữa, rành rọt hơn, khẳng định hơn: Tôi yêu em.

Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm

Nhân vật trữ tình đã gọi đúng tên của cảm xúc, tên của tình mình - tình yêu chân thành, đằm thắm. Và có lẽ trên đời không mấy ai có được tấm lòng đằm thắm và chân thành hơn thế nữa, đó là sự tận tuỵ quên mình, tìm thấy niềm thanh thản trong sự quên mình hết sức cao thượng ấy:

Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm,

Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.

Ngọn lửa tình không thể lụi tắt, không thể tàn phai ấy đã hoá thân vào lời nguyện cầu tha thiết, thiêng liêng về sự bình yên và hạnh phúc cho cô gái của lòng mình. Thi sĩ hiểu hạnh phúc và bình yên là niềm khao khát của cuộc đời mỗi phụ nữ. Và ông cũng biết tình yêu chân thành đằm thắm như tình yêu của ông dành cho nàng không phải là thứ có nhiều trên trần gian này, mà chỉ nó mới thực sự đem được hạnh phúc đến. Cho nên ông nguyện cầu cho nàng được yêu dấu bằng chính tình yêu như thế. Trong lời ước nguyện ấy, nhà thơ như tìm thấy sự thanh thản của lòng mình. Lời nguyện chúc như muốn khép lại mối tình trong nỗi buồn trong sáng, nhưng thật ra có thể tắt được chăng ngọn lửa tình âm ỉ, dai dẳng không đòi hỏi được đền đáp? Lý trí nói thôi, nhưng con tim bảo không thể thôi. Nhân vật Tôi một lúc nào đó không đồng nhất với nhân vật mang tính khách thể độc lập Nó - con tim. Ý thức và vô thức cùng hiện diện nhưng trong thế đối nghịch. Trái tim có lí lẽ riêng của mình: Nhà thơ thì nhún nhường nhưng con tim lại bướng bỉnh, bất tuân mệnh lệnh của lý trí. Sự nhún nhường, nghiêng mình trước người mình yêu đã nâng thi sĩ lên một tầm cao mới. Bài thơ Tôi yêu em đã trở thành bài ca chung về những cảm xúc trần gian nhất và về vẻ đẹp thần thánh đN nhất của tâm hồn con người.

Video liên quan

Chủ Đề