Tầm quan trọng của công tác đánh giá tổng kết

Công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện chính sách dân tộc phải nêu lên được kết quả toàn diện về triển khai công việc trong kỳ, kể cả mặt được và mặt chưa được trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng; phải chỉ ra được nguyên nhân khách quan và chủ quan, nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa dẫn tới những mặt đạt được và chưa đạt được của kết quả đã nêu; phải rút ra được những bài học kinh nghiệm qua việc triển khai công việc, nhất là những bài học kinh nghiệm tổng kết ý kiến phản hồi của người dân được thụ hưởng chính sách và chính quyền địa phương; phải đề xuất được các kiến nghị và giải pháp phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, yếu kém hoặc phải đưa ra được những giải pháp khắc phục những hậu quả do việc triển khai công việc không thành công.

Thông thường, công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện chính sách dân tộc được thực hiện theo quy trình sau:

1. Xác định mục đích và yêu cầu của việc sơ kết, tổng kết:

Mục đích của việc sơ kết, tổng kết là nhằm đánh giá đúng thực trạng kết quả, hiệu quả của nội dung chính sách, quá trình tổ chức triển khai thực hiện và đề xuất giải pháp, kiến nghị bổ sung, sửa đổi nội dung của chính sách cũng như việc tổ chức thực hiện hiệu quả của chính sách phù hợp với điều kiện thực tế.

Muốn việc sơ kết, tổng kết đạt kết quả thì cần phải thực hiện bước xác định mục đích và yêu cầu của việc sơ kết, tổng kết. Bởi đây là bước định hướng cho công tác sơ, tổng kết; là bước đặt ra mục tiêu chủ yếu của công tác sơ, tổng kết cần hướng tới hay cần đạt được.

2. Xây dựng đề cương kế hoạch triển khai thực hiện việc sơ kết, tổng kết:

- Căn cứ vào nội dung chính sách cần được sơ kết, tổng kết để xây dựng đề cương;

- Tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế tại địa phương, thường là các địa bàn trọng điểm, các địa phương tổ chức triển khai tốt và yếu kém trong việc thực hiện chính sách’

- Xây dựng hệ thống các biểu mẫu thống kê, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả chính sách và công tác tổ chức triển khai thực hiện chính sách; ; tuỳ từng loại, từng đặc điểm của chính sách mà xây dựng các biểu thống kê thu thập thông tin phù hợp. Các biểu mẫu thống kê phải đảm bảo tính hệ thống, tính toàn diện, tính cấn đối, tính cập nhật thông tin và đặc biệt là có thể so sánh được. Có 4 nhóm bảng biểu chính liên quan đến chính sách dân tộc, gồm:nhóm các bảng biểu phản ánh khái quát phạm vi của chương trình/dự án, nhóm các bảng biểu phản ánh nguồn lực tập trung cho chương trình/dự án, nhóm các bảng biểu phản ánh kết quả thực hiện các chương trình/dự án, nhóm các bảng biểu đánh giá tác động của chương trình/dự án.

- Hướng dẫn các địa phương bằng văn bản nội dung kiểm tra sơ kết, tổng kết, gửi báo cáo kết quả để tổng hợp;

- Tập hợp các tài liệu có liên quan đến nội dung chính sách, các văn bản hướng dẫn thực hiện để làm cơ sở so sánh kết quả thực hiện so với mục tiêu và nội dung chính sách;

- Lựa chọn các phương pháp sử dụng trong báo cáo: Sử dụng các phương pháp như: mô tả, so sánh, phân tích nguyên nhân, …để từ đó xác định mức độ tác động của từng nguyên nhân đến tổng thể nghiên cứu.

3. Xây dựng báo cáo tổng hợp:

Tập trung phân tích, đánh giá các nội dung sau:

- Đối tượng thụ hưởng chính sách;

- Nguồn lực đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện chính sách;

- Đánh giá quá trình tổ chức thực hiện chính sách [khâu quản lý, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra];

- Hiệu quả của chính sách [nhấn mạnh hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội];

- Mặt hạn chế [chưa phù hợp, thiếu tính khả thi] của chính sách đối với các địa phương qua thời gian tổ chức thực hiện;

- Đề xuất, kiến nghị bổ sung hoàn chỉnh chính sách [cả về nội dung chính sách, tổ chức thực hiện, nguồn lực đảm bảo và đối tượng thụ hưởng];

- Xin ý kiến đóng góp vào dự thảo và hoàn chỉnh báo cáo và trình cấp có thẩm quyền [có thể tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết việc thực hiện chính sách nấu thấy cần thiết].

Mỗi vấn đề đưa ra trong báo cáo phải có nhận định, có dẫn chứng, phân tích nguyên nhân; bố trí các phần trong báo cáo hài hoà cân đối nhau theo một quan hệ tỷ lệ.

Kết cấu của 01 báo cáo sơ kết, tổng kết:

Phần 1: Mở đầu

- Nêu đặc điểm tình hình chung, thời điểm trước, trong và sau khi tổ chức thực hiện chính sách;

- Khái quát nhiệm vụ, nội dung cơ bản của chính sách cần được sơ kết, tổng kết.

Phần 2: Kết quả thực hiện:

- Trình bày kết quả thực hiện chính sách có minh hoạ, dẫn chứng, có đánh giá nhận định những mặt đạt được và những mặt chưa đạt được;

- Nguyên nhân dẫn đến những kết quả [đạt được và chưa đạt được] nêu trên;

- Những bài học kinh nghiệm, đặc biệt là những bài học rút ra được từ việc tổng hợp các ý kiến phản hồi của người được thụ hưởng chính sách và chính quyền cơ sở;

Phần 3: Kiến nghị đề xuất:

Đề xuất, kiến nghị các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tiếp theo; các giải pháp phát huy kết quả đạt được và khắc phục những khó khăn, hạn chế trong tổ chức triển khai thực hiện chính sách; những nội dung chính sách cần được bổ sung hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn địa phương.

Xây dựng báo cáo là công việc có tính tổng hợp, đòi hỏi người viết ngoài việc biết thu thập thông tin một cách khoa học [chính xác, kịp thời, đầy đủ] còn phải biết lựa chọn và sử dụng có hiệu quả các phương pháp phân tích. Việc lựa chọn phương pháp phân tích phù hợp là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao giá trị những tư liệu hiện có, góp phần quan trọng quyết định chất lượng của báo cáo. Có 03 nhóm phương pháp phân tích thường dùng trong biên soạn các báo cáo sơ kết, tổng kết việc thực hiện chính sách dân tộc đó là phương pháp mô tả [sử dụng các số liệu để diễn giải, minh họa cho báo cáo]; phương pháp so sánh [so sánh kết quả thực hiện với mục tiêu, nhiệm vụ, so sánh từng bộ phận với tổng thể chung, giữa các chỉ tiêu khác nhau tác động đến cùng một mục đích…]; phương pháp phân tích nguyên nhân [mức độ của từng nguyên nhân tác động đến tổng thể của kết quả thực hiện chính sách].

Để đảm bảo chính sách dân tộc được triển khai một cách có hiệu quả; kịp thời phát hiện những ưu, nhược điểm trong quá trình triển khai thực hiện nhằm phát huy, nhân rộng những mặt được, hạn chế những mặt chưa được; công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện chính sách dân tộc cần phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, theo lộ trình thời gian nhất định. Để làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, những người tham gia các hoạt động xây dựng chính sách cũng như triển khai thực hiện chính sách phải có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực, trong đó có yêu cầu phải nắm chắc công nghệ và quy trình tổ chức công tác sơ kết, tổng kết; phải biết vận dụng kiến thức đã cập nhật được, chủ động tiến hành các hoạt động sơ kết, tổng kết trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, từ đó đúc rút kinh nghiệm hoàn thiện kiến thức và kỹ năng triển khai các hoạt động sơ kết, tổng kết nói chung và sơ kết, tổng kết các chính sách dân tộc nói riêng./.

Chủ Đề