Tín ngưỡng thờ của quý gọi là tín ngưỡng gì

Tại thành phố Đà Nẵng hiện nay, ngoài các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân như: Phật giáo, Công giáo, Hội thành Tin Lành Việt Nam [miền Nam], Hội thánh Truyền giáo Cao đài, Hội Truyền giáo cơ đốc Việt Nam, Giáo hội Cơ đốc phục lâm Việt Nam, Hội thánh Báptit Việt Nam [Nam Phương], Họ đạo Cao đài Tây Ninh, Cộng đồng tôn giáo Baha'i, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo, còn có tồn tại một số loại hình tín ngưỡng tương đối phổ biến trong đời sống người dân với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú và đa dạng, cụ thể như sau:

1. Tín ngưỡng Thờ Mẫu

Tín ngưỡng Thờ Mẫu tại Đà Nẵng đã có lịch sử khoảng hơn 100 năm, các hoạt động của Thờ Mẫu luôn tồn tại song song và chịu ảnh hưởng của Thờ Mẫu tỉnh Thừa Thiên Huế. Dù kiến trúc theo lối phủ, đền ở miền Bắc nhưng các cơ sở tín ngưỡng Thờ Mẫu tại Đà Nẵng được gọi là "điện", tương tự cách gọi của các cơ sở Thờ Mẫu ở Huế.

Về lịch sử hình thành Tín ngưỡng Thờ Mẫu tại Đà Nẵng, cho đến nay vẫn chưa tìm thấy tài liệu hay sử sách nào ghi chép lại một cách cụ thể. Trước năm 1975, tại thành phố Đà Nẵng có Tổng Hội Thiên Tiên Thánh Giáo tại số 30 đường Triệu Nữ Vương thành phố Đà Nẵng. Sau năm 1975, các thành viên trong Ban Chấp Hành của Tổng Hội Thiên Tiên Thánh Giáo [cũ] đã giao cơ sở Thánh Đường cho Nhà nước quản lý và sử dụng, hiện nay là nhà văn hóa phường Hải Châu II, quận Hải Châu. Từ năm 1975 đến năm 1984, hầu hết các am, đền, điện tại Đà Nẵng đều ngưng hoạt động vì sợ cho là có yếu tố mê tín dị đoan, một số hoạt động cầm chừng tại tư gia. Từ năm 1995 đến nay, bắt đầu hoạt động quy mô trở lại nhưng chủ yếu tại các nhà tư gia.

Các tín đồ địa phương hướng tới Thờ Mẫu với những ước mong thực tế trong cuộc sống hiện tại: cầu tài, cầu lộc, gia đạo an vui, v.v… Nghi thức Lễ Mẫu nhiều màu sắc kết hợp với diễn xướng hát văn đem lại không khí sôi động cho tín đồ trong các cuộc lễ. Có thể nói, nhu cầu giải tỏa áp lực trong đời sống tinh thần của người thành thị khiến cho tín ngưỡng Thờ Mẫu có sức lan tỏa lớn, được nhiều người tin theo.

2. Tín ngưỡng Thờ Thiên Hậu của cộng đồng người Hoa

Thiên Hậu Thánh Mẫu là vị thần chủ được cộng đồng người Việt gốc Hoa ở Việt Nam thờ phụng trong một số các cơ sở tín ngưỡng. Thiên Hậu Thánh Mẫu được suy tôn là vị thần bảo trợ cuộc sống bình an, phù trì cho cư dân được sức khỏe, tài lộc. Là một vị thần của người Hoa, nhưng tín ngưỡng Thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu có nhiều nét gần gũi với đạo Thờ Mẫu như: cùng thờ nữ thần, cùng mong cầu được ban phúc lành, ngày vía Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng ngày với vía Thánh Thiên Y A Na, v.v… Vì vậy, tại các cơ sở tín ngưỡng thờ Thiên Hậu cũng có nhiều tín đồ của tín ngưỡng Thờ Mẫu tới dâng hương lễ bái [vì theo niềm tin tâm linh, bà Thiên Hậu với Thiên Y A Na có mối liên hệ với nhau].

Thiên Hậu Cung còn là nơi để cộng đồng người Việt gốc Hoa gặp gỡ, giao lưu cộng đồng, dạy tiếng Hoa, v.v… với hình thức sinh hoạt như một hội quán. Ở Đà Nẵng hiện nay có 2 cơ sở tín ngưỡng của người Hoa là Thiên Hậu Cung và Chiêu Ứng tự.

3. Tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên

Tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên gần như có mặt khắp nơi trong mọi gia đình, còn được gọi là Thờ ông bà. Hoạt động thờ cúng ông bà diễn ra thường xuyên trong gia đình với các lễ trọng như: lễ giỗ, lễ Tết Nguyên đán, v.v… Mỗi gia tộc đều có nhà thờ tộc [có nơi làm riêng thêm nhà thờ chi, phái]. Lễ giỗ tổ tiên và lễ tiết Thanh Minh thường là hai lễ trọng ở nhà thờ tộc tại Đà Nẵng.

Riêng tại thành phố Đà Nẵng còn có "tổ chức" gọi là đạo Tổ tiên chính giáo Đại đạo sinh tồn, một tôn giáo có xuất phát điểm từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Trên địa bàn thành phố, Tổ tiên chính giáo có số lượng người tham gia ít [17 người], chủ yếu theo nhóm gia đình [03 gia đình]. Người đứng đầu là ông Nguyễn Công Ngân [hiện nay đã mất], vì vậy hoạt động của Tổ tiên chính giáo ở trong thời gian qua bị gián đoạn.

4. Tín ngưỡng Thờ Thành Hoàng làng và các vị tiền hiền

Thành Hoàng làng là vị thần được thờ chính trong các đình làng tại địa phương. Ở các nhà thờ của các tộc, đình của các làng luôn dành nơi nghiêm trang để thờ Thành Hoàng - vị thần bảo hộ, giúp đỡ cho cuộc sống của người địa phương.

Ở các đình làng, ngoài thờ cúng Thành Hoàng, còn có hình thức thờ các vị tiền hiền nhằm thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của người dân đối với các vị tiền nhân đã có công lập làng, mở cõi. Theo một số nhà nghiên cứu, thờ tiền hiền ở các đình làng tại Đà Nẵng mang bản chất của loại hình thờ cúng ông bà tổ tiên đã được nâng cao. Tín ngưỡng thờ tiền hiền diễn ra sôi động và thu hút đông đảo bà con tham gia tại các lễ hội đình làng và ở một số cơ sở tín ngưỡng của bà con người Việt gốc Hoa trên địa bàn thành phố.

5. Tín ngưỡng Thờ tổ nghề

Ở các làng nghề có lịch sử lâu đời trên địa bàn thành phố, hằng năm đều diễn ra các hoạt động thờ phụng Tổ nghề. Tiêu biểu là Ông Tổ nghề đá được làng đá Non Nước thờ cúng ở Tổ đình nghiệp hội với lễ trọng nhất là Lễ kỵ Thạch nghệ Tổ sư. Điều đặc biệt, Tổ đình nghiệp hội của làng đá Non nước còn có tục thờ Thần đá - một trong những tín ngưỡng tự nhiên lâu đời của cư dân bản xứ. Trong thời điểm hiện tại, sự suy tôn các vị Tổ nghề là một trong những hành động bảo tồn, phát triển làng nghề của Đà Nẵng, chứng tỏ sức sống bền vững của các nghề truyền thống trong xã hội hiện đại.

6. Tín ngưỡng Thờ anh hùng dân tộc

Tín ngưỡng Thờ anh hùng dân tộc ở địa phương được biểu hiện qua việc thờ cúng tại các nghĩa trũng trên địa bàn thành phố như nghĩa trũng Phước Ninh, [quận Hải Châu], nghĩa trũng Khuê Trung [quận Cẩm Lệ]. Các nghĩa trũng là nơi quy tập hài cốt của các nghĩa sĩ, liệt sĩ và thường dân Quảng Nam – Đà Nẵng đã ngã xuống trong buổi đầu chống Pháp. Hằng năm, nghĩa trũng được người dân địa phương chăm lo hương khói và tổ chức các lễ cầu siêu, lễ tế vong linh nghĩa sĩ. Một số nghĩa trũng gắn với tên tuổi của các vị tướng đời xưa và các anh hùng dân tộc như Nguyễn Tri Phương, Lê Đình Lý, v.v…

7. Tín ngưỡng Thờ cúng âm linh [cô hồn]

Tục Thờ âm linh [cô hồn] thể hiện tinh thần nhân văn của người dân thông qua hoạt động thờ cúng các linh hồn chưa được siêu thoát, còn lang thang vất vưởng ở trần thế. Ngoài ra, loại hình tín ngưỡng này còn mang tư tưởng cầu an, cầu được bảo hộ trong công việc, cuộc sống. Hoạt động của loại hình tín ngưỡng này có thể diễn ra trong phạm vi cá nhân, gia đình; cũng có thể được thực hiện ở các cơ sở thờ tự công cộng như ở một số các nghĩa trũng, các Miếu Âm linh, Lăng Âm linh thuộc các làng chài quận Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu,v.v…Ngoài ra, lễ tế cô hồn cũng là một phần hoạt động nằm trong các lễ hội đình làng trên địa bàn thành phố.

8. Tín ngưỡng Thờ cúng Cá Ông [Ông Ngư]

Thành phố Đà Nẵng là địa phương tiếp giáp biển và có lịch sử ngư nghiệp lâu đời, tín ngưỡng Thờ cúng Cá ông ở Đà Nẵng phát triển với nhiều lễ hội được tổ chức đều đặn hàng năm tại khu vực ven biển thành phố. Hoạt động tín ngưỡng Thờ cúng Cá Ông tại Đà Nẵng chủ yếu diễn ra ở các lăng, miếu ven biển, thuộc địa phận các phường sinh sống bằng nghề sông nước như phường Nại Hiên Đông, phường Mân Thái, phường Xuân Hà, Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông, v.v…

Trong cộng đồng ngư dân, tín ngưỡng Thờ cúng Cá Ông thể hiện lòng tôn kính đối với các vị thần biển cả, qua đó, gởi gắm mong ước của người dân về một năm mưa thuận gió hòa, ra khơi bình an và mùa màng bội thu. Đặt trong thời điểm hiện tại, sự phát triển của tín ngưỡng Thờ cúng Cá Ông, mà đặc biệt là quy mô các lễ hội Cầu ngư, thể hiện rõ quyết tâm bám biển, phát triển nghề biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc của ngư dân thành phố.

Ngoài ra, tại Đà Nẵng cũng tồn tại một số các tín ngưỡng phổ biến khác như tín ngưỡng thờ Quan Công, tín ngưỡng Thờ Thổ Địa, v.v… hoạt động kết hợp cùng các loại hình tín ngưỡng khác trong phạm vi gia đình và các cơ sở thờ tự.

Chủ Đề