Trình bày quan điểm về chọn lọc tự nhiên theo học thuyết tiến hóa hiện đại

Chào các em, hôm nay thầy sẽ tiếp tục hướng dẫn cho các em bài tiếp theo của chương Tiến hóa sinh học.

Bài Học thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại và học thuyết tiến hóa trung tính.

1. Thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại

1.1 Sự ra đời

  • Ra đời vào những năm 40 của thế kỉ 20.
  • Dựa trên nền tảng học thuyết Đacuyn và những thành tựu của di truyền học [đặc biệt là di truyền học quần thể].
  • Ý nghĩa: Làm sáng tỏ cơ chế của tiến hóa.
  • Nội dung chính của học thuyết chia thành hai phần chính là tiến hóa nhỏ và tiến hóa lớn.

1.2. Tiến hóa nhỏ và tiến hóa lớn

a] Tiến hóa nhỏ

* Nội dung: Tiến hóa nhỏ là quá trình làm biến đổi tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể [dưới tác động của nhân tố tiến hóa] dẫn đến hình thành quần thể thích nghi đến hi xuất hiện sự cách li sinh sản của quần thể thích nghi với quần thể ban đầu thì loài mới hình thành.

  • Đặc điểm: Diễn ra trong phạm vi hẹp [quần thể] và thời gian ngắn, có thể nghiên cứu được bằng thực nghiệm.
  • Tiến hóa nỏ là trung tâm của học thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại.

b] Tiến hóa lớn

* Nội dung: Tiến hóa lớn là quá trình hình thành các đơn vị phân loại trên loài.

  • Đặc điểm: Diễn ra trong quy mô lớn, diễn ra trong thời gian dài, không thể nghiên cứu được bằng thực nghiệm.

1.3. Đơn vị tiến hóa cơ sở

  • Đơn vị tiến hóa cơ sở cần đáp ứng 3 điều kiện:
    • Có tính toàn vẹn trong không gian và thời gian.
    • Có sự biến đổi cấu trúc di truyền qua các thế hệ.
    • Tồn tại thực trong tự nhiên.
  • Chỉ có quần thể thỏa mãn 3 điều kiện trên vì:
    • Quần thể là tổ chức cơ sở của loài.
    • Quần thể gồm các cá thể có kiểu gen khác nhau, khi giao phối với nhau tạo ra vô số các biến dị tổ hợp làm tăng khả năng thích nghi của các cá thể trong quần thể với môi trường sống.
    • Quần thể là đơn vị sinh sản của loài trong tự nhiên.
    • Các mối quan hệ trong quần thể [quan hệ dinh dưỡng, quan hệ đực - cái, quan hệ họ hàng] giúp quần thể tồn tại thực trong không gian và thời gian.
  • Loài không được xem là tiến hóa cơ sở vì:
    • Loài gồm nhiều quần thể có thành phần kiểu gen phức tạp, và loài có hệ di truyền kín, cách li sinh sản với loài khác.
    • Loài gần như không có sự biến đổi về thành phần kiểu gen.

1.4. Nguồn nguyên liệu của tiến hóa

  • Nguồn nguyên liệu sơ cấp: đột biến [đột biến gen và đột biến NST].
  • Nguồn nguyên liệu thứ cấp: Biến dị tổ hợp.

⇒ Nguyên liệu tiến hóa là biến dị di truyền.

2. Thuyết tiến hóa trung tính

  • Kimura đưa ra thuyết tiến hóa trung tính vào năm 1971.
  • Dựa trên những nghiên cứu về protein.
    • Ví dụ: Nghiên cứu 59 mẫu hemoglobin ở người thấy có 43 mẫu đột biến không gây ảnh hưởng đến sức sống của cơ thể ⇒ không có lợi cũng không có hại.
  • Từ đó ông đưa ra học thuyết tiến hóa bằng đột biến trung tính.
  • Nội dung: Quá trình tiến hóa diễn ra do sự củng cố ngẫu nhiên các đột biến trung tính mà không liên quan đến tác động của chọn lọc tự nhiên.

⇒ Tạo khả năng tiến hóa ở cấp độ phân tử diễn ra nhanh hơn, bằng chứng là sự đa hình cân bằng trong các nhóm máu ở người.

  • Ý nghĩa: Bổ sung thêm cho học thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại bằng con đường chọn lọc tự nhiên chứ không phủ nhận.

Table of Contents

Kết hợp cơ chế tiến hóa bằng chọn lọc tự nhiên của Đacuyn với các thành tựu của di truyền học và đặc biệt là di truyền học quần thể, các nhà khoa học khác nhau đã cùng xây dựng nên “Học thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại”. 

I. NỘI DUNG 1. QUAN NIỆM TIẾN HÓA

Học thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại chia tiến hóa thành 2 quá trình là tiến hóa nhỏ và tiến hóa lớn.

                     TIẾN HÓA LỚN

                                     TIẾN HÓA NHỎ

Định  nghĩa

Là quá trình hình thành các nhóm phân loại trên loài [chi – họ – bộ – lớp – ngành – giới].

Là quá trình biến đổi cấu trúc di truyền của quần thể [biến đổi về tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể].

Qui mô

Lớn hơn loài.

Quần thể.

Thời gian

Từ lúc loài mới được hình thành cho đến lúc hình thành các nhóm phân loại trên loài.

→ Hình thành loài là ranh giới giữa tiến hoá nhỏ và tiến hoá lớn.

Từ lúc bắt đầu có sự biến đổi về tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể cho đến lúc loài mới xuất hiện.

→ Quần thể là đơn vị tồn tại nhỏ nhất của sinh vật có khả năng tiến hoá.

II. NỘI DUNG 2. NGUỒN BIẾN DỊ DI TRUYỀN CỦA QUẦN THỂ

 Học thuyết tiến hóa Đacuyn

                          Học thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại

Nguyên liệu tiến hóa

Biến dị cá thể

Biến dị di truyền:

  • Đột biến là nguồn gốc phát sinh mọi biến dị trong quần thể nên được xem là nguyên liệu sơ cấp.
  • Biến dị tổ hợp được tạo ra qua quá trình giao phối, được xem là nguyên liệu thứ cấp.
  • Biến dị có thể được bổ sung bởi sự di chuyển của các cá thể hay của các giao tử từ quần thể khác vào.

→ Quần thể trong tự nhiên có rất nhiều biến dị di truyền: quần thể đa hình.

III. NỘI DUNG 3. CÁC NHÂN TỐ TIẾN HÓA

Nhân tố tiến hoá

ĐẶC ĐIỂM

Đột biến

Định nghĩa: Đột biến là những biến đổi trong cấu trúc của gen, NST.

Ảnh hưởng: Làm biến đổi tần số alen, thành phần kiểu gen của quần thể. 

Tốc độ: Đột biến thường làm thay đổi tần số alen chậm. 

Vai trò: Đột biến cung cấp nguồn biến dị sơ cấp cho quá trình tiến hoá. Dù tần số đột biến gen rất thấp từ [khoảng từ 10–6 đến 10–4], nhưng mỗi cá thể có rất nhiều gen và quần thể lại có rất nhiều cá thể nên đột biến tạo ra rất nhiều alen đột biến.

Di nhập gen 

Định nghĩa: Di nhập gen [dòng gen] là sự trao đổi các cá thể hoặc các giao tử giữa các quần thể.

Ảnh hưởng: Làm biến đổi tần số alen, thành phần kiểu gen của quần thể.

  • Khi nhập gen mang đến loại alen đã có sẵn sẽ thay đổi tần số alen.
  • Khi nhập gen mang đến alen mới sẽ làm phong phú vốn gen.
  • Ngược lại khi cá thể di cư khỏi quần thể sẽ làm thay đổi cấu trúc di truyền.

Tốc độ: Di nhập gen làm biến đổi tần số alen, thành phần kiểu gen nhanh hay chậm tuỳ thuộc tỉ lệ số lượng cá thể di – nhập so với số lượng cá thể của quần thể.

Vai trò: Di nhập gen là nhân tố tiến hóa có thể tăng nguồn nguyên liệu tiến hóa của quần thể.

Chọn lọc tự nhiên

Định nghĩa: CLTN là quá trình phân hoá khả năng sống sót và khả năng sinh sản [phân hoá mức độ thành đạt sinh sản] của các cá thể có các kiểu gen khác nhau trong quần thể.

Ảnh hưởng: CLTN tác động trực tiếp lên kiểu hình và gián tiếp biến đổi thành phần kiểu gen, qua đó làm biến đổi tần số alen, thành phần kiểu gen của quần thể.

Tốc độ làm thay đổi tần số alen của CLTN phụ thuộc vào tính trội lặn của alen:

  • Chọn lọc chống lại alen trội: nhanh vì gen trội biểu hiện kiểu hình cả ở trạng thái đồng hợp và dị hợp.
  • Chọn lọc chống lại alen lặn: chậm vì alen lặn chỉ bị đào thải ở trạng thái đồng hợp nên chọn lọc tự nhiên không thể loại bỏ hết alen lặn trong các cá thể có kiểu gen dị hợp.

Vai trò: CLTN là nhân tố quy định chiều hướng tiến hóa. 

Ví dụ về chọn lọc tự nhiên ở quần thể chuột.

Nguồn: Illustration by Kathryn Born, M.A

Các yếu tố ngẫu nhiên

Định nghĩa: Các yếu tố ngẫu nhiên [thiên tai, dịch bệnh...] là nhân tố gây ra sự biến động di truyền hay phiêu bạt di truyền.

Ảnh hưởng: Làm biến đổi tần số alen, thành phần kiểu gen của quần thể.

  • Một alen có lợi cũng có thể bị loại bỏ hoàn toàn khỏi quần thể và một alen có hại cũng có thể trở nên phổ biến trong quần thể.
  • Có thể dẫn đến làm nghèo vốn gen của quần thể, giảm sự đa dạng di truyền.

Tốc độ làm thay đổi cấu trúc di truyền quần thể của các yếu tố ngẫu nhiên thường nhanh và đột ngột nhưng có phụ thuộc kích thước quần thể.

  • Thường xảy ra đối với quần thể có kích thước nhỏ. Quần thể có kích thước càng nhỏ thì càng dễ thay đổi cấu trúc di truyền và ngược lại.
  • Quần thể có kích thước lớn có thể bị giảm kích thước → những cá thể sống sót có thể có vốn gen khác biệt hẳn với vốn gen ban đầu

Vai trò: Là nhân tố tiến hóa thay đổi tần số alen không theo một chiều hướng nhất định.

Ví dụ về các yếu tố ngẫu nhiên làm thay đổi quần thể côn trùng.

Giao phối không ngẫu nhiên

Định nghĩa: Giao phối không ngẫu nhiên là nhân tố tiến hoá gồm các kiểu:

  • Tự phối: tự thụ phấn ở thực vật, giao phối gần ở động vật.
  • Giao phối có chọn lọc: các nhóm cá thể có kiểu hình nhất định thích giao phối với nhau hơn là giao phối với các nhóm cá thể có kiểu hình khác.

Ảnh hưởng: 

  • Có thể dẫn đến làm nghèo vốn gen của quần thể, giảm sự đa dạng di truyền.
  • Có thể thay đổi thành phần kiểu gen theo hướng tăng tần số kiểu gen đồng hợp, giảm tần số kiểu gen dị hợp.

Tốc độ: Nhanh.

Vai trò: Là nhân tố tiến hóa chỉ làm thay đổi thành phần kiểu gen mà không làm thay đổi tần số alen của quần thể.

Câu 1: Quần thể chỉ tiến hóa khi nào?

Hướng dẫn giải:

Quần thể chỉ tiến hóa khi cấu trúc di truyền của quần thể được biến đổi qua các thế hệ.

Câu 2: Vì sao chọn lọc tự nhiên là nhân tố quy định chiều hướng tiến hóa?

Hướng dẫn giải:

- Vì khi môi trường thay đôi theo một hướng xác định thì CLTN sẽ làm biến đổi tần số alen theo một hướng xác định.

Câu 3: Theo Đacuyn và theo thuyết tiến hoá tổng hợp hiện đại, chọn lọc tự nhiên là gì?

Hướng dẫn giải:

Theo Đacuyn, chọn lọc tự nhiên Là sự phân hoá khả năng sống sót và khả năng sinh sản của các cá thể khác nhau trong quần thể.

Theo thuyết tiến hoá tổng hợp hiện đại, chọn lọc tự nhiên Là sự phân hoá khả năng sống sót và khả năng sinh sản của các cá thể có các kiểu gen khác nhau trong quần thể.

Câu 4: Tại sao chọn lọc tự nhiên chống lại alen lặn lại làm thay đổi tần số alen của quần thể rất chậm?

Hướng dẫn giải:

Vì alen lặn chỉ bị đào thải ở trạng thái đồng hợp → chọn lọc không thể loại bỏ hết alen  lặn  trong các cá thể có kiểu gen dị hợp.

Câu 5: Thế nào là giao phối có chọn lọc?

Hướng dẫn giải:

- Các nhóm cá thể có kiểu hình nhất định thích giao phối với nhau hơn là giao phối với các nhóm cá thể có kiểu hình khác.

Câu 6: Kể tên các nhân tố tiến hoá làm thay đổi cấu trúc di truyền và tần số alen của quần thể.

Hướng dẫn giải:

Đột biến, di nhập gen, chọn lọc tự nhiên, các yếu tố ngẫu nhiên.

Câu 1. Mối quan hệ giữa quá trình đột biến và quá trình giao phối đối với tiến hoá là

  1. Đột biến tạo ra nguồn nguyên liệu sơ cấp còn giao phối tạo ra nguồn nguyên liệu thứ cấp.
  2. Đa số đột biến là có hại, quá trình giao phối trung hoà tính có hại của đột biến.
  3. Đột biến gây áp lực không đáng kể đối với sự thay đổi tần số tương đối của các alen, quá trình giao phối sẽ tăng cường áp lực cho sự thay đổi đó.
  4. Quá trình đột biến làm cho một gen phát sinh thành nhiều alen, quá trình giao phối làm thay đổi giá trị thích nghi của một đột biến gen nào đó.

Câu 2. Các nhân tố tiến hoá không làm phong phú vốn gen của quần thể là

  1. Giao phối không ngẫu nhiên, chọn lọc tự nhiên.
  2. Đột biến, biến động di truyền.
  3. Di nhập gen, chọn lọc tự nhiên.
  4. Đột biến, di nhập gen.

Câu 3. Vai trò chủ yếu của chọn lọc tự nhiên trong tiến hoá nhỏ là

  1. Làm cho tần số tương đối của các alen trong mỗi gen biến đổi theo hướng thích nghi.
  2. Quy định chiều hướng và nhịp điệu biến đổi thành phần kiểu gen của quần thể, định hướng quá trình tiến hoá
  3. Phân hoá khả năng sống sót và khả năng sinh sản của những kiểu gen khác nhau trong quần thể
  4. Phân hóa khả năng sống sót của các cá thể thích nghi nhất

Câu 4. Khái niệm “biến dị cá thể” của Đacuyn tương ứng với những loại biến dị nào trong quan niệm hiện đại? 

  1. Biến dị tổ hợp, đột biến gen, đột biến NST.
  2. Biến đổi, đột biến gen, đột biến NST.
  3. Biến dị thường biến, đột biến gen, đột biến NST.
  4. Biến dị tổ hợp, đột biến gen, đột biến NST, thường biến.

Câu 5. Câu nào sau đây nói về chọn lọc tự nhiên theo quan niệm hiện đại là đúng?

  1. Chọn lọc tự nhiên tác động trực tiếp lên tần số alen của quần thể.
  2. Chọn lọc tự nhiên tác động làm phát sinh các đặc điểm thích nghi trên cơ thể sinh vật.
  3. Chọn lọc tự nhiên trực tiếp làm tăng tần số kiểu gen thích nghi trong quần thể.
  4. Chọn lọc tự nhiên trực tiếp làm gia tăng số lượng cá thể có kiểu hình thích nghi trong quần thể.

Câu 6. Di nhập gen được xem là nhân tố tiến hóa vì nó

  1. làm phong phú thêm vốn gen của quần thể.
  2. làm nghèo vốn gen của quần thể.
  3. làm thay đổi tần số các alen và thành phần kiểu gen của quần thể
  4. được thực hiện thông qua trao đổi giao tử, cá thể giữa các quần thể.

Câu 7. Quá trình tiến hoá nhỏ kết thúc khi

  1. quần thể mới xuất hiện.
  2.  cá thể mới xuất hiện.
  3. loài mới xuất hiện.
  4. đột biến mới xuất hiện.

Câu 8. Khi nói về thuyết tiến hóa của Đacuyn và thuyết tiến hóa hiện đại, phát biểu nào sau đây không đúng?

  1. Đối tượng của chọn lọc tự nhiên theo Đacuyn và theo quan niệm tiến hóa hiện đại lần lượt là cá thể và quần thể. 
  2. Theo Đacuyn, kết quả của chọn lọc tự nhiên là tạo nên loài sinh vật có các đặc điểm thích nghi với môi trường. 
  3. Đóng góp chủ yếu của thuyết tiến hóa hiện đại là làm sáng tỏ cơ chế tiến hóa nhỏ. 
  4. Tiến hóa có thể sẽ vẫn xảy ra nếu quần thể không có các biến dị di truyền.

Câu 9. Đối với tiến hoá, đột biến gen có vai trò:

  1. Tạo ra các gen mới cung cấp nguyên liệu cho chọn lọc tự nhiên.
  2. Tạo ra các kiểu gen mới cung cấp nguyên liệu cho chọn lọc tự nhiên.
  3. Tạo ra các alen mới, qua giao phối tạo ra các biến dị cung cấp chọn chọn lọc.
  4. Tạo ra các kiểu hình mới cung cấp nguyên liệu cho chọn lọc tự nhiên.

Câu 10. Theo quan niệm tiến hóa hiện đại, khi nói về chọn lọc tự nhiên, phát biểu nào sau đây là đúng?

  1. Chọn lọc tự nhiên thực chất là quá trình phân hóa khả năng sống sót, khả năng sinh sản của các cá thể với các kiểu gen khác nhau trong quần thể, đồng thời tạo ra kiểu gen mới quy định kiểu hình thích nghi với môi trường.
  2. Khi chọn lọc tự nhiên chống lại thể dị hợp và không chống lại các thể đồng hợp thì sẽ làm thay đổi tần số alen nhanh hơn so với chọn lọc chỉ chống lại thể đồng hợp trội hoặc chỉ chống lại thể đồng hợp lặn.
  3. Chọn lọc tự nhiên đảm bảo sự sống sót và sinh sản ưu thế của những cá thể mang các đột biến trung tính qua đó làm biến đổi thành phần kiểu gen của quần thể.
  4. Chọn lọc tự nhiên chỉ đóng vai trò sàng lọc và giữ lại những cá thể có kiểu gen quy định kiểu hình thích nghi mà không tạo ra các kiểu gen thích nghi.

Câu 11. Phát biểu nào sau đây về sự biểu hiện của đột biến gen là đúng? 

  1. Một đột biến gen lặn gây chết xuất hiện ở giai đoạn tiền phôi không thể bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi quần thể dưới tác dụng của chọn lọc tự nhiên. 
  2. Đột biến gen lặn ở tế bào xôma biểu hiện ở một phần của cơ thể tạo nên thể khảm và không di truyền được qua sinh sản hữu tính. 
  3. Đột biến gen trội xảy ra ở giao tử cần phải trải qua ít nhất là hai thế hệ để tạo ra kiểu gen đồng hợp thì mới có thể biểu hiện ra kiểu hình. 
  4. Sự biểu hiện của đột biến gen không những phụ thuộc vào loại tác nhân, cường độ và liều lượng của từng loại tác nhân mà còn phụ thuộc vào đặc điểm cấu trúc của gen. 

Câu 12. Thành tựu khoa học quan trọng đóng góp vào sự ra đời của thuyết tiến hóa tổng hợp là

  1. Di truyền học quần thể.
  2.  Sinh học tế bào.
  3. Cổ sinh học.
  4.  Hóa thạch.

Câu 13. Phát biểu nào sau đây không chính xác khi nói về vai trò của quá trình giao phối trong tiến hóa?

  1. Giao phối làm trung hòa tính có hại của đột biến.
  2. Giao phối tạo ra alen mới trong quần thể.
  3. Giao phối góp phần làm tăng tính đa dạng di truyền.
  4. Giao phối cung cấp nguyên liệu thứ cấp cho quá trình chọn lọc tự nhiên.

Câu 14. Sự thích nghi của một cá thể theo học thuyết Đacuyn được đo bằng

  1. mức độ sống lâu của cá thể đó.
  2. số lượng bạn tình được cá thể đó hấp dẫn.
  3. sức khỏe của cá thể đó.
  4. số lượng con cháu của cá thể đó sống sót để sinh sản.

Câu 15. Nhận định nào dưới đây về chọn lọc tự nhiên là sai?

  1. Chọn lọc tự nhiên tạo ra những kiểu gen thích nghi với những điều kiện môi trường.
  2. Chọn lọc tự nhiên là quá trình phân hóa khả năng sống sót và khả năng sinh sản của các kiểu gen khác nhau trong quần thể.
  3. Chọn lọc tự nhiên là quá trình đào thải những kiểu gen không thích nghi và duy trì những kiểu gen thích nghi trong quần thể.
  4. Chọn lọc tự nhiên giúp tăng tần số các cá thể có kiểu hình thích nghi trong quần thể.

Câu 16. Theo quan niệm hiện đại, các yếu tố ngẫu nhiên tác động vào quần thể

  1. làm thay đổi tần số các alen không theo một hướng nhất định.
  2. làm tăng tính đa dạng của quần thể.
  3. không làm thay đổi tần số các alen của quần thể.
  4. làm tăng tần số kiểu gen đồng hợp tử và làm giảm tần số kiểu gen dị hợp tử.

Câu 17. Khẳng định nào sau đây không đúng?

  1. Di – nhập gen không làm thay đổi tần số tương đối của các alen và vốn gen của quần thể.
  2. Giao phối không ngẫu nhiên làm thay đổi thành phần kiểu gen của quần thể qua các thế hệ.
  3. Đột biến tự nhiên được xem là nguồn nguyên liệu sơ cấp của quá trình tiến hóa.
  4. Dưới tác động của chọn lọc tự nhiên tần số tương đối của các alen có lợi được tăng lên trong quần thế.

Câu 18. Vai trò của tự phối, giao phối gần trong quá trình tiến hóa nhỏ là

  1. tạo điều kiện cho các gen lặn được biểu hiện, làm thay đổi thành phần kiểu gen trong quần thể.
  2. không thay đổi tỷ lệ kiểu gen, duy trì trạng thái cân bằng của quần thể.
  3. tạo alen mới làm phong phú thêm vốn gen của quần thể.
  4. làm cho đột biến được phát tán trong quần thể và tạo nhiều biến dị tổ hợp.

Câu 19. Thuật ngữ nào dùng để mô tả sự thay đổi tần số các alen và thành phần kiểu gen của một quần thể sau một số thế hệ?

  1. Tiến hóa lớn.
  2.  Vốn gen của quần thể.
  3. Tiến hóa nhỏ.
  4.  Thường biến.

Câu 20. Nguồn gốc của mọi biến dị di truyền là

  1. đột biến
  2. các nhân tố ngẫu nhiên
  3. chọn lọc tự nhiên
  4.  biến dị tổ hợp

Câu 21. Đặc điểm khác nhau cơ bản giữa các yếu tố ngẫu nhiên và chọn lọc tự nhiên là:

  1. Chọn lọc tự nhiên chỉ diễn ra mạnh mẽ khi môi trường thay đổi, còn các yếu tố ngẫu nhiên xảy ra ngay cả môi trường không thay đổi.
  2. Chọn lọc tự nhiên trực tiếp tạo ra kiểu gen thích nghi còn các yếu tố ngẫu nhiên thì không.
  3. Chọn lọc tự nhiên làm biến đổi tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể theo hướng xác định, còn các yếu tố ngẫu nhiên thì không.
  4. Kết quả của chọn lọc tự nhiên là hình thành loài mới còn kết quả của các yếu tố ngẫu nhiên là tăng tần số alen có lợi trong quần thể.

Câu 22. Trong những nhận định sau, có bao nhiêu nhận định không đúng khi nói về tiến hoá nhỏ? 

[1] Tiến hoá nhỏ là quá trình biến đổi tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể qua các thế hệ. 

[2] Tiến hoá nhỏ là quá trình biến đổi vốn gen của quần thể qua thời gian. 

[3] Tiến hoá nhỏ diễn ra trong thời gian địa chất lâu dài và chỉ có thể nghiên cứu gián tiếp. 

[4] Tiến hoá nhỏ diễn ra trong thời gian lịch sử tương đối ngắn, phạm vi tương đối hẹp. 

[5] Tiến hóa nhỏ hình thành các nhóm phân loại trên loài [chi, họ, bộ...]. 

[6] Tiến hóa nhỏ chỉ làm biến đổi tần số alen, không làm biến đổi tần số kiểu gen. 

Câu 23. Cho các phát biểu sau:

[1] CLTN là cơ chế duy nhất liên tục tạo nên tiến hóa thích nghi.

[2] CLTN lâu dài có thể chủ động tạo nên những sinh vật thích nghi hoàn hảo.

[3] CLTN dẫn đến sự phân hóa trong thành đạt sinh sản dẫn đến một số alen nhất định được truyền lại cho thế hệ sau với một tỉ lệ lớn hơn so với tỉ lệ của các alen khác.

[4] Sự trao đổi di truyền giữa các quần thể có xu hướng làm giảm sự khác biệt giữa các quần thể theo thời gian.

[5] Hiện tượng phiêu bạt di truyền về lâu dài có thể làm giảm biến dị di truyền.

Tổ hợp câu đúng là

  1. 1, 3, 4, 5.
  2. B. 1, 2, 3, 4.
  3. C. 1, 2, 3, 5.
  4. D. 2, 3, 4, 5.

Câu 24. Có bao nhiêu phát biểu trong các phát biểu sau đây không phải là quan niệm của Đacuyn? 

[1] Loài mới được hình thành dần dần qua nhiều dạng trung gian dưới tác dụng của chọn lọc tự nhiên theo con đường phân li tính trạng. 

[2] Ngoại cảnh thay đổi chậm chạp, sinh vật có khả năng thích ứng kịp thời. 

[3] Toàn bộ sinh giới ngày nay là kết quả quá trình tiến hóa từ một nguồn gốc chung. 

[4] Chọn lọc tự nhiên tác động thông qua đặc tính biến dị và di truyền của sinh vật. 

[5] Chọn lọc tự nhiên dẫn đến hình thành các quần thể có nhiều cá thể mang các kiểu gen quy định các đặc điểm thích nghi với môi trường. 

[6] Chọn lọc tự nhiên là sự phân hóa về khả năng sống sót và khả năng sinh sản của các cá thể trong quần thể. 

[7] Đối tượng tác động của chọn lọc tự nhiên là các cá thể trong quần thể. 

[8] Kết quả của chọn lọc tự nhiên là hình thành nên loài sinh vật có các đặc điểm thích nghi với môi trường. 

Câu 25. Kết luận nào sau đây thuộc về yếu tố ngẫu nhiên?

[1] Làm thay đổi tần số alen và thành phần kiểu gen một cách đột ngột không theo một hướng xác định.

[2] Hiệu quả tác động thường phụ thuộc vào kích thước quần thể.

[3] Một alen nào đó cũng có thể bị loại thải hoàn toàn và một alen bất kì có thể trở nên phổ biến trong quần thể.

[4] Kết quả có thể dẫn đến hình thành quần thể thích nghi và hình thành loài mới.

[5] Làm tăng sự đa dạng di truyền của quần thể.

  1. [1], [3], [4].
  2. [1], [2], [3].
  3. [1], [3], [5].
  4. [2], [3], [4], [5].

Câu 26. Các phát biểu sau theo quan niệm của Đacuyn về chọn lọc tự nhiên: 

[1] là sự phân hoá về khả năng sống sót và khả năng sinh sản của các cá thể trong quần thể. 

[2] đối tượng của chọn lọc tự nhiên là các cá thể nhưng kết quả của chọn lọc tự nhiên lại tạo nên loài sinh vật có các đặc điểm thích nghi với môi trường. 

[3] dẫn đến hình thành các quần thể có nhiều cá thể mang kiểu gen quy định các đặc điểm thích nghi với môi trường. 

[4] đối tượng của chọn lọc tự nhiên là quần thể nhưng kết quả của chọn lọc tự nhiên lại tạo nên loài sinh vật có kiểu gen quy định các đặc điểm thích nghi với môi trường. 

[5] làm thay đổi tần số alen nhanh hay chậm phụ thuộc vào chọn lọc chống lại alen trội hay chọn lọc chống lại alen lặn. 

[6] đối tượng của chọn lọc tự nhiên là các cá thể nhưng kết quả của chọn lọc tự nhiên lại tạo nên các quần thể sinh vật có kiểu gen quy định kiểu hình thích nghi với môi trường. 

[7] đối tượng của chọn lọc tự nhiên là quần thể nhưng kết quả của chọn lọc tự nhiên lại tạo nên các loài sinh vật có sự phân hoá về mức độ thành đạt sinh sản. 

[8] tác động trực tiếp lên kiểu hình và gián tiếp làm biến đổi tần số kiểu gen, qua đó làm biến đổi tần số alen của quần thể. 

Có bao nhiêu phát biểu đúng?

Câu 27. Hình ảnh dưới đây mô tả hiện hiện tượng di- nhập gen giữa hai quần thể cùng loài. Hãy nghiên cứu hình ảnh và cho biết, trong các phát biểu dưới đây, có bao nhiêu phát biểu đúng?

  1. Tần số alen và tần số kiểu gen của quần thể I sẽ bị thay đổi rất lớn.
  2. Tần số alen và tần số kiểu gen của quần thể II không bị thay đổi mà chỉ phong phú hơn.
  3. Tần số alen và tần số kiểu gen của cả hai quần thể đều bị thay đổi.
  4. Quần thể I chỉ thay đổi về tần số kiểu gen, quần thể II chỉ bị thay đổi tần số alen.

Câu 28. Trong các phát biểu sau, có bao nhiêu phát biểu không đúng khi nói về chọn lọc tự nhiên theo quan điểm tiến hóa hiện đại?

  1. Chọn lọc tự nhiên làm xuất hiện các alen mới và các kiểu gen mới trong quần thể.
  2. Chọn lọc tự nhiên tác động trực tiếp lên kiểu hình và gián tiếp làm biến đổi tần số kiểu gen.
  3. Chọn lọc tự nhiên chống lại alen trội làm thay đổi tần số alen nhanh hơn chống lại alen lặn.
  4. Chọn lọc tự nhiên đào thải hết các alen trội và lặn có hại ra khỏi quần thể, chỉ giữ lại alen có lợi.

Câu 29. Cho các thông tin về vai trò của các nhân tố tiến hoá sau, có bao nhiêu thông tin nói về vai trò của các yếu tố ngẫu nhiên?

  1. Làm thay đổi tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể theo một hướng xác định.
  2. Có thể loại bỏ hoàn toàn một alen nào đó khỏi quần thể cho dù alen đó là có lợi.
  3. Không làm thay đổi tần số alen nhưng làm thay đổi thành phần kiểu gen của quần thể.
  4. Có thể làm nghèo vốn gen của quần thể, dẫn đến giảm sự đa dạng di truyền.

Câu 30. Cho các thông tin về vai trò của các nhân tố tiến hoá sau, có bao nhiêu thông tin nói về vai trò của giao phối không ngẫu nhiên?

  1. Làm thay đổi tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể theo một hướng xác định.
  2. Làm phát sinh các biến dị di truyền của quần thể, cung cấp nguồn biến dị sơ cấp cho quá trình tiến hoá.
  3. Làm nghèo vốn gen của quần thể, dẫn đến giảm sự đa dạng di truyền.
  4. Không thay đổi tần số alen nhưng tần số kiểu gen thay đổi theo hướng xác định.
ĐÁP ÁN

Câu 1: Đáp án: A

Hướng dẫn giải:

Mối quan hệ giữa quá trình đột biến và quá trình giao phối đối với tiến hoá là đột biến tạo ra nguồn nguyên liệu sơ cấp còn giao phối tạo ra nguồn nguyên liệu thứ cấp.

Đáp án B sai vì đa số đột biến là có lợi có hại hoặc trung tính, quá trình giao phối trung hoà tính có hại của đột biến.

Đáp án C sai vì đột biến gây áp lực đáng kể đối với sự thay đổi tần số tương đối của các alen vì tần số đột biến thấp nhưng một cá thể có nhiều gen và một quần thể có nhiều cá thể, quá trình giao phối sẽ tăng cường áp lực cho sự thay đổi đó.

Đáp án D sai vì quá trình đột biến l

àm cho một gen phát sinh thành nhiều alen, quá trình giao phối làm thay đổi giá trị thích nghi của một đột biến gen nào đó nhưng không thể hiện vai trò của đột biến và giao phối với tiến hóa.

Câu 2: Đáp án: A

Hướng dẫn giải:

Các nhân tố tiến hoá không làm phong phú vốn gen của quần thể là giao phối không ngẫu nhiên, chọn lọc tự nhiên. Giao phối không ngẫu nhiên làm giảm kiểu gen dị hợp trong quần thể, chọn lọc tự nhiên đào thải các cá thể có kiểu gen không thích nghi.

Câu 3: Đáp án: B

Hướng dẫn giải:

Vai trò chủ yếu của chọn lọc tự nhiên trong tiến hoá nhỏ là quy định chiều hướng và nhịp điệu biến đổi thành phần kiểu gen của quần thể, định hướng quá trình tiến hoá.

Đáp án A, B sai vì việc làm cho tần số tương đối của các alen trong mỗi gen biến đổi theo hướng thích nghi và phân hoá khả năng sống sót và khả năng sinh sản của những kiểu gen khác nhau trong quần thể là đặc điểm của chọn lọc tự nhiên, không phải là vai trò.

Đáp án D sai vì việc phân hóa khả năng sống sót của các cá thể thích nghi nhất là quan điểm về chọn lọc tự nhiên của Đacuyn.

Câu 4: Đáp án: A

Hướng dẫn giải:

Khái niệm “biến dị cá thể” của Đacuyn tương ứng với những loại biến dị di truyền trong quan niệm hiện đại gồm biến dị tổ hợp, đột biến gen, đột biến NST.

Câu 5: Đáp án: D

Hướng dẫn giải:

Chọn lọc tự nhiên trực tiếp làm gia tăng số lượng cá thể có kiểu hình thích nghi trong quần thể.

Đáp án A, C sai vì chọn lọc tự nhiên tác động trực tiếp lên kiểu hình của các cá thể trong quần thể chứ không tác động trực tiếp lên kiểu gen và alen.

Đáp án B sai vì chọn lọc tự nhiên không làm phát sinh các đặc điểm thích nghi trên cơ thể sinh vật mà chỉ đóng vai trò sàng lọc.

Câu 6: Đáp án: C

Hướng dẫn giải:

Di nhập gen được xem là nhân tố tiến hóa vì nó làm thay đổi tần số các alen và thành phần kiểu gen của quần thể.

Đáp án A, B sai vì di nhập gen có thể làm phong phú thêm hoặc làm nghèo vốn gen của quần thể.

Đáp án D sai vì di nhập gen được thực hiện thông qua trao đổi giao tử, cá thể giữa các quần thể nhưng điều này không phản ánh nhân tố tiến hóa.

Câu 7: Đáp án: C

Hướng dẫn giải:

Quá trình tiến hoá nhỏ kết thúc khi loài mới xuất hiện vì tiến hóa nhỏ có thời gian từ lúc bắt đầu có sự biến đổi về tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể cho đến lúc loài mới xuất hiện. 

Câu 8: Đáp án: D

Hướng dẫn giải:

Khi nói về thuyết tiến hóa của Đacuyn và thuyết tiến hóa hiện đại, phát biểu D không đúng vì nếu quần thể không có các biến dị di truyền thì sẽ chọn lọc tự nhiên sẽ không chọn lọc được cá thể có kiểu gen thích nghi và cá thể có kiểu gen không thích nghi, lúc này tiến hóa sẽ không xảy ra.

Câu 9: Đáp án: A

Hướng dẫn giải:

Đối với tiến hoá, đột biến gen có vai trò tạo ra các gen mới cung cấp nguyên liệu cho chọn lọc tự nhiên.

Đáp án B, D là vai trò của quá trình giao phối.

Đáp án C là vai trò của quá trình đột biến và giao phối.

Câu 10: Đáp án: D

Hướng dẫn giải:

Theo quan niệm tiến hóa hiện đại, thì chọn lọc tự nhiên chỉ đóng vai trò sàng lọc và giữ lại những cá thể có kiểu gen quy định kiểu hình thích nghi mà không tạo ra các kiểu gen thích nghi.

Đáp án A sai vì chọn lọc tự nhiên không tạo ra kiểu gen mới quy định kiểu hình thích nghi với môi trường.

Đáp án B sai vì khi chọn lọc tự nhiên chống lại thể dị hợp và không chống lại các thể đồng hợp thì có thể không làm thay đổi tần số alen. Ví dụ quần thể có cấu trúc di truyền 0,25AA: 0,5Aa: 0,25aa thì khi chọn lọc chống lại thể dị hợp thì tần số alen A và a không đổi và vẫn bằng 0,5 qua nhiều thế hệ.

Đáp án C sai vì chọn lọc tự nhiên đảm bảo sự sống sót và sinh sản ưu thế của những cá thể mang các đột biến quy định kiểu hình thích nghi qua đó làm biến đổi thành phần kiểu gen của quần thể. Các đột biến trung tính không có lợi cũng không có hại nên sẽ không chịu tác động của chọn lọc tự nhiên.

Câu 11: Đáp án: A

Hướng dẫn giải:

Một đột biến gen lặn gây chết xuất hiện ở giai đoạn tiền phôi không thể bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi quần thể dưới tác dụng của chọn lọc tự nhiên vì đây là gen lặn. 

Đáp án B sai vì đột biến gen lặn ở tế bào xôma thì sẽ không được biểu hiện ở một phần của cơ thể nên không tạo nên thể khảm và không di truyền được qua sinh sản hữu tính. 

Đáp án C sai vì đột biến gen trội xảy ra ở giao tử chỉ cần trải qua một thế hệ là đã có thể biểu hiện ra kiểu hình ở kiểu gen dị hợp hoặc đồng hợp. 

Đáp án D sai vì không phải sự biểu hiện mà là tần số của đột biến gen mới không những phụ thuộc vào loại tác nhân, cường độ và liều lượng của từng loại tác nhân mà còn phụ thuộc vào đặc điểm cấu trúc của gen. 

Câu 12: Đáp án: A

Hướng dẫn giải:

Thành tựu khoa học quan trọng đóng góp vào sự ra đời của thuyết tiến hóa tổng hợp là di truyền học quần thể.

Câu 13: Đáp án: B

Hướng dẫn giải:

Phát biểu B sai vì giao phối không tạo ra alen mới trong quần thể mà chỉ có thể tạo ra kiểu gen mới trong quần thể, đột biến và di nhập gen là 2 nhân tố có khả năng tạo ra alen mới trong quần thể.

Câu 14: Đáp án: D

Hướng dẫn giải:

Sự thích nghi của một cá thể theo học thuyết Đacuyn được đo bằng số lượng con cháu của cá thể đó sống sót để sinh sản. Vì theo Đacuyn, quá trình chọn lọc tự nhiên là sự phân hoá về khả năng sống sót và sinh sản của các cá thể trong quần thể.

Câu 15: Đáp án: A

Hướng dẫn giải:

Nhận định A sai vì chọn lọc tự nhiên không tạo ra những kiểu gen thích nghi với những điều kiện môi trường.

Câu 16: Đáp án: A

Hướng dẫn giải:

Theo quan niệm hiện đại, các yếu tố ngẫu nhiên tác động vào quần thể làm thay đổi tần số các alen không theo một hướng nhất định.

Đáp án B, D sai vì yếu tố ngẫu nhiên là nhân tố tiến hóa không có hướng.

Đáp án C sai vì yếu tố ngẫu nhiên là nhân tố tiến hóa nên nó sẽ làm thay đổi tần số các alen của quần thể. 

Câu 17: Đáp án: A

Hướng dẫn giải:

Đáp án A sai vì di – nhập gen làm thay đổi tần số tương đối của các alen và vốn gen của quần thể.

Câu 18: Đáp án: A

Hướng dẫn giải:

Vai trò của tự phối, giao phối gần trong quá trình tiến hóa nhỏ là tạo điều kiện cho các gen lặn được biểu hiện, làm thay đổi thành phần kiểu gen trong quần thể.

Đáp án B sai vì tự phối, giao phối gần làm thay đổi tỷ lệ kiểu gen, không tạo trạng thái cân bằng của quần thể.

Đáp án C sai vì tự phối, giao phối gần không tạo ra alen mới làm phong phú thêm vốn gen của quần thể.

Đáp án D sai vì tự phối, giao phối gần không tạo nhiều biến dị tổ hợp.

Câu 19: Đáp án: C

Hướng dẫn giải:

Thuật ngữ dùng để mô tả sự thay đổi tần số các alen và thành phần kiểu gen của một quần thể sau một số thế hệ là tiến hóa nhỏ.

Câu 20: Đáp án: A

Hướng dẫn giải:

Nguồn gốc của mọi biến dị di truyền là đột biến.

Câu 21: Đáp án: C

Hướng dẫn giải:

Đặc điểm khác nhau cơ bản giữa các yếu tố ngẫu nhiên và chọn lọc tự nhiên là chọn lọc tự nhiên làm biến đổi tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể theo hướng xác định, còn các yếu tố ngẫu nhiên thì không.

Đáp án A sai vì chọn lọc tự nhiên và các yếu tố ngẫu nhiên diễn ra cả khi môi trường thay đổi hoặc không thay đổi.

Đáp án B sai vì chọn lọc tự nhiên và các yếu tố ngẫu nhiên đều không trực tiếp tạo ra kiểu gen thích nghi mà là quá trình đột biến và giao phối.

Đáp án D sai vì các yếu tố ngẫu nhiên là nhân tố tiến hóa nên có thể làm tăng tần số alen có lợi hoặc có hại trong quần thể.

Câu 22: Đáp án: B

Hướng dẫn giải:

3 nhận định không đúng khi nói về tiến hoá nhỏ là nhận định [3], [5], [6]. 

Nhận định [3] sai vì tiến hoá lớn mới diễn ra trong thời gian địa chất lâu dài và chỉ có thể nghiên cứu gián tiếp. 

Nhận định [5] sai vì tiến hoá lớn mới hình thành các nhóm phân loại trên loài [chi, họ, bộ...]. 

Nhận định [6] sai vì tiến hóa nhỏ làm biến đổi tần số alen và cả tần số kiểu gen. 

Câu 23: Đáp án: A

Hướng dẫn giải:

Các phát biểu đúng là [1], [3], [4], [5].

Phát biểu [2] sai vì CLTN không thể tạo nên những sinh vật thích nghi hoàn hảo vì đặc điểm thích nghi có tính tương đối, trong môi trường này có thể thích nghi nhưng trong môi trường khác có thể không thích nghi.

Câu 24: Đáp án: B

Hướng dẫn giải:

2 phát biểu không phải là quan niệm của Đacuyn là:

Phát biểu [2]: Ngoại cảnh thay đổi chậm chạp, sinh vật có khả năng thích ứng kịp thời. Đây là quan niệm của Lamac.

Phát biểu [5]: Chọn lọc tự nhiên dẫn đến hình thành các quần thể có nhiều cá thể mang các kiểu gen quy định các đặc điểm thích nghi với môi trường. Đây là quan niệm của học thuyết tiến hóa hiện đại.

Câu 25: Đáp án: B

Hướng dẫn giải:

Kết luận [1], [2], [3] thuộc về yếu tố ngẫu nhiên.

Kết luận [4]: kết quả có thể dẫn đến hình thành quần thể thích nghi và hình thành loài mới. Đây là kết quả của các nhân tố tiến hóa và quá trình cách li

Kết luận [5]: làm tăng sự đa dạng di truyền của quần thể. Đây là kết quả của quá trình đột biến và giao phối.

Câu 26: Đáp án: B

Hướng dẫn giải:

2 phát biểu đúng theo quan niệm của Đacuyn về chọn lọc tự nhiên là: 

[1] là sự phân hoá về khả năng sống sót và khả năng sinh sản của các cá thể trong quần thể. 

[2] đối tượng của chọn lọc tự nhiên là các cá thể nhưng kết quả của chọn lọc tự nhiên lại tạo nên loài sinh vật có các đặc điểm thích nghi với môi trường. 

Phát biểu [3], [4], [5], [6], [8] là quan niệm về chọn lọc tự nhiên của thuyết tiến hóa hiện đại, không phải của Đacuyn.

Phát biểu [7] sai vì đối tượng của chọn lọc tự nhiên là cá thể. 

Câu 27: Đáp án: A

Hướng dẫn giải:

I sai vì quần thể I có kích thước lớn nhưng chỉ có 1 cá thể di nhập thì tần số alen và tần số kiểu gen của quần thể I sẽ bị thay đổi không lớn.

II sai vì tần số alen và tần số kiểu gen của quần thể II có thay đổi và phong phú hơn.

III đúng. Tần số alen và tần số kiểu gen của cả hai quần thể đều bị thay đổi.

IV sai. Cả 2 quần thể đều thay đổi về tần số kiểu gen và tần số alen.

Câu 28: Đáp án: D

Hướng dẫn giải:

I không đúng vì chọn lọc tự nhiên không làm xuất hiện các alen mới và các kiểu gen mới trong quần thể mà chỉ giữ lại và đào thải nguồn biến dị di truyền sẵn có.

II đúng. Chọn lọc tự nhiên tác động trực tiếp lên kiểu hình và gián tiếp làm biến đổi tần số kiểu gen.

III đúng. Chọn lọc tự nhiên chống lại alen trội làm thay đổi tần số alen nhanh hơn chống lại alen lặn.

IV sai vì chọn lọc tự nhiên không thể đào thải hết các lặn có hại ra khỏi quần thể.

Câu 29: Đáp án: A

Hướng dẫn giải:

I sai vì các yếu tố ngẫu nhiên làm thay đổi tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể không theo một hướng xác định.

II đúng vì các yếu tố ngẫu nhiên có thể loại bỏ hoàn toàn một alen nào đó khỏi quần thể cho dù alen đó là có lợi.

III sai vì các yếu tố ngẫu nhiên làm thay đổi tần số alen và thay đổi thành phần kiểu gen của quần thể.

IV đúng vì các yếu tố ngẫu nhiên có thể làm nghèo vốn gen của quần thể, dẫn đến giảm sự đa dạng di truyền.

Câu 30: Đáp án: C

Hướng dẫn giải:

Cho các thông tin về vai trò của các nhân tố tiến hoá sau, có bao nhiêu thông tin nói về vai trò của giao phối không ngẫu nhiên?

I sai vì giao phối không ngẫu nhiên không làm thay đổi tần số alen của quần thể.

II sai vì giao phối không ngẫu nhiên không cung cấp nguồn biến dị sơ cấp mà chỉ cung cấp nguồn nguyên liệu thứ cấp cho quá trình tiến hoá.

III đúng vì giao phối không ngẫu nhiên làm nghèo vốn gen của quần thể, dẫn đến giảm sự đa dạng di truyền vì làm giảm tần số kiểu gen dị hợp.

IV đúng vì giao phối không ngẫu nhiên không thay đổi tần số alen nhưng tần số kiểu gen thay đổi theo hướng xác định là tăng tần số kiểu gen đồng hợp và giảm tần số kiểu gen dị hợp.

GIÁO VIÊN BIÊN SOẠN: LÊ ĐÌNH HƯNG

TRƯỜNG THCS – THPT NGUYỄN KHUYẾN

Video liên quan

Chủ Đề