Vân tiếng hán việt là gì

ĐẶC ĐIỂM VĂN HÓA PHẢN ÁNH TRONG CẤU TRÚC HỌ TÊN CỦA NGƯỜI VIỆT

KỲ QUẢNG MƯU

Học giả Trung Quốc

Họ và tên là tín hiệu của một thành viên xã hội phân biệt với thành viên xã hội khác, hàm chứa nhiều nội dung văn hóa về ngôn ngữ, lịch sử, địa lí, quan niệm giá trị của cộng đồng dân tộc mà thành viên xã hội đó đang sinh sống.

So sánh kết cấu họ tên [tiếng Hán gọi là 姓名tức tính danh] và nội hàm văn hóa của hai dân tộc Hán - Việt thì chúng ta thấy có nhiều chỗ giống nhau mà từ đó cũng đã phản ánh mối quan hệ chặt chẽ của hai dân tộc. Riêng về họ thì người Việt có: Nguyễn, Lê, Phan, Phạm, Ngô, Trần, Lý, Đỗ, Cao, Hồ, Vũ, Trương, Vương, Mã, Lưu, Lâm, Bùi, Phùng, Văn, Tăng, Hạ, Hoàng, Tôn, Tống, Tô, Hàn, Hà, Thái, Đinh, Đoạn, Đồng, Chu, Dương, Đàm, Giang, Mạc, Mai, Mạnh, Đặng, Trịnh,v.v. đều là âm Hán Việt, phục nguyên thành chữ Hán thì là , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , v.v… không khác gì tên họ của người Trung Quốc.

Bản thân ngữ nghĩa của họ tên đã phản ánh tư duy và văn hóa của người Việt gắn liền với đặc sắc tiếng Hán và văn hóa Hán. Điển hình là họ tên của chủ tịch Hồ Chí Minh [胡志明]. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890. Nguyên có họ tên là Nguyễn Sinh Cung, bố là Nguyễn Sinh Sắc, mẹ là Hoàng Thị Loan [黄氏鸾]. Khi đi học được đặt tên là Nguyễn Tất Thành [阮必成], có nghĩa là có thể thành tựu được việc lớn. Ngày 5 tháng 6 năm 1911 Người đổi tên là Ba, theo tàu Pháp lên đường tìm đường cách mạng. Do sự hoạt động và cống hiến của Người đối với cách mạng, tên Nguyễn Ái Quốc [阮爱国] đã trở thành niềm tin của cách mạng Việt Nam và làm cho bọn đế quốc hoang mang lo sợ. Để tiện cho hoạt động của cách mạng, khi ở Quảng Châu Người đã từng lấy tên là Lý Thụy [李瑞], Vương Sơn Nhi [王山儿], tại Thượng Hải thì là Vương đồng chí [王同志], ở Xiêm La là Đào Cửu [陶九], ở Hồng Công là Tống Sơ Văn [宋初文]. Tháng 8 năm 1942, Người đổi tên là Hồ Chí Minh, có nghĩa là chí lớn cách mạng của Người đã minh bạch rõ rệt. Từ đó họ tên Hồ Chí Minh đã đi cùng với Người suốt cả cuộc đời.

Việc đổi tên của nhà thơ Nguyễn Khuyến [15.2.1835 - 4.2.1909] thể hiện đặc điểm tôn sùng ngôn ngữ của truyền thống văn hóa người Việt.

Nguyễn Khuyến [阮劝] người Yên Đổ huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam, thuở nhỏ có tên là Thắng []. Năm 1864 thi Hương đậu Giải nguyên, năm sau [1865] vào Huế thi Hội bị hỏng, đổi tên Thắng thành Khuyến, vào học Quốc tử giám ở Huế. Năm 1871 thi Hội đỗ Hội nguyên, vào thi Đình đỗ Đình nguyên. Vì đều đỗ đầu ở cả ba kỳ nên đương thời gọi ông là Tam Nguyên Yên Đổ. Tương truyền sau lần đầu thi Hội bị trượt, ông suy nghĩ mãi nguyên nhân bị trượt và cho là tại tên chữ mình có chữ “Thắng” [], “thắng” có thể thắng lợi nhưng “lực” [] yếu quá, là “tiểu lực” [小力] cho nên cần đổi thành “đại lực” [大力] tức là gắng hết sức mình mới có thể đỗ đạt được. Từ đó ông đổi tên là Khuyến, hai chữ Thắng [] và Khuyến [] ở thời xưa hình dáng gần như giống nhau, Khuyến có nghĩa là khuyên răn, trong chữ lại có một chữ lực lớn, đó là một sự khuyên bảo của ông đối với mình.

Việc đổi tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nguyễn Khuyến thể hiện nội dung văn hóa là người Việt Nam rất coi trọng tên chữ của mình, luôn gửi gắm vào nguyện vọng tốt đẹp của mình, đồng thời qua đó có thể nhận thấy quan niệm tôn sùng ngôn ngữ của người Việt.

Họ tên của cộng đồng người Việt mang nhiều nội dung văn hóa, có những đặc điểm riêng của dân tộc mình.

1. Tâm lí văn hóa phản ánh trong họ tên của người Việt

1.1. Tâm lí dân tộc trọng danh húy tính [trọng tên kiêng nể họ]

Mô thức kết cấu họ tên của người Việt cũng giống như người Trung Quốc, hình thức biểu hiện là họ + [chữ đệm] + tên họ tên. Họ có một tiếng, cũng có thể có hai tiếng, như Nguyễn Xuân, Nguyễn Hữu, Nguyễn Đức, Trần Ngọc, Trần Quang, Lê Đình, Lê Bá, v.v… Tên cũng vậy, có tên một chữ, cũng có tên hai chữ. Họ tên người Việt thông thường là ba chữ, gồm họ một tiếng cộng với tên hai tiếng mà thành, như Nguyễn Công Hoan, Lê Quốc Tuấn, Hà Bích Nhung, v.v…

Họ là tín hiệu chung của một dòng họ, một gia tộc, đại diện cho một tập thể của một dòng họ hay những người có quan hệ máu mủ, nó là tín hiệu chung của tất cả thành viên. Còn tên là tín hiệu riêng của mỗi một thành viên trong cộng đồng dòng họ, là tín hiệu cá thể. Trong một xã hội coi trọng cội nguồn và máu mủ, họ lẽ đương nhiên đặt trước tên. Về đặc điểm này, người Trung Quốc và người Việt Nam giống nhau.

Trong khi xưng hô cụ thể, người Trung Quốc và người Việt Nam có những điểm khác nhau. Giữa đồng sự và người ngang bậc thì người Trung Quốc có thể gọi thẳng họ và tên, nếu muốn bày tỏ quan hệ gần gũi thì có thể gọi hai chữ tên, ví dụ như có thể gọi Chu Minh Cường là Minh Cường. Nếu hai người có quan hệ đặc biệt thân mật ví dụ như giữa quan hệ vợ chồng thì có thể gọi tên một tiếng là Cường. Trong các trường hợp xã giao chính quy, thông thường dùng kiểu thức họ tên + xưng hô xã hội hay họ + xưng hô xã hội, ví dụ như 张忠诚先生[Trương Trung Thành tiên sinh, ông Trương Trung Thành], 张经理 [Trương kinh lí, Giám đốc Trương]. Nếu rất thân mật hay muốn biểu đạt tình cảm thân thiết thì dùng tên hai tiếng + xưng hô xã hội, như小平同志 [Tiểu Bình đồng chí, đồng chí Đặng Tiểu Bình], 伯承将军 [Bá Thừa tướng quân, tướng quân Bá Thừa]. Trong trường hợp giao tiếp bình thường, thường sử dùng phương thức họ + xưng hô xã hội hoặc đặt trước họ những chữ [tiểu], [đại], [lão] để biểu thị lòng kính trọng hay quan hệ thân mật, chẳng hạn như 老张 [bác Trương], 李婶 [thím Lí], 小陈 [anh Trần], 大孙 [anh Tôn], 老齐 [ông Tề]. Dù trong trường hợp nào người Trung Quốc vẫn xưng hô họ là chính.

Còn người Việt Nam thì chủ yếu xưng hô tên, ví dụ gọi Nguyễn Văn Trỗi là “Trỗi”. Trước tên có thể thêm loại từ hay xưng hô xã hội, như đồng chí Tuấn, bác Mạnh, giám đốc Đức chẳng hạn. Trong trường hợp chính thức thì dùng phương thức xưng hô xã hội + họ tên, như Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhà văn Hữu Mai. Những người ngang bậc hay người trên gọi người dưới thì có thể gọi trực tiếp tên, ví dụ: Thảo, mày có đi thư viện không? Hương, con ra mời bố về ăn cơm. Cường, đến ngay văn phòng gặp tôi. Khi đặc biệt tôn trọng một người nào đó hay đối với những danh nhân lịch sử thì người Việt thường nói thẳng họ tên của người đó, nhưng nhiều khi đặt trước họ tên của người đó một loại từ chuyển từ từ xưng hô gia đình, như ông Đỗ Phủ, cụ Nguyễn Du. Thông thường người Việt không xưng hô họ, khi đặc biệt tôn kính một người nào đó thì dùng phương thức xưng hô xã hội + họ như gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác Hồ, Cụ Hồ, gọi Chủ tịch Tôn Đức Thắng là Bác Tôn. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Việt cũng gọi theo trật tự tiếng Hán như Hồ Chủ Tịch, đó là một cách xưng hô tôn kính dành riêng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xưng hô bằng họ đã phản ánh tâm lí tôn sùng dòng họ của cộng đồng người Việt, chỉ có những người có cống hiến to lớn cho xã hội và cộng đồng dân tộc và đã giành được sự tôn kính của cả dân tộc thì người Việt mới xưng hô người đó bằng họ.

Ở thời xưa, họ tên không những là tín hiệu để phân biệt với nhau, còn có nhiều ý nghĩa văn hóa ẩn chứa trong đó. Vì họ tên có liên quan tới địa vị xã hội, cho nên ở thời xưa đã có những cách đặt tên kiêng húy. Vì coi trọng dòng họ, khi một đại thần có công lớn cho triều đình thì vua có thể ban cho “quốc tính” [国姓]. Ví dụ Nguyễn Trãi [1380 - 1442] nhà Lê đã được Lê Lợi ban quốc tính họ Lê. Khi muốn khuất phục một dòng họ thì lệnh cho dòng họ đó phải đổi họ, ví dụ như cuối đời Lí, khi Trần Thủ Độ nắm được quyền bính phế Lí Chiêu Hoàng mà lập Trần Thái Tông, để củng cố chính quyền nhà Trần đã giết chết nhiều người trong hoàng tộc Lí, và bắt buộc người họ Lí trong nước đổi thành họ Nguyễn, để đoạn tuyệt hy vọng của dân chúng.

Vì tâm lí “trọng danh húy tính”, người Việt thông thường kiêng nể không gọi trực tiếp họ tên của người khác, nhất là đối với những người mình tôn kính. Ví dụ xưng hô Chủ tịch Hồ Chí Minh thì xưng hô là Bác, Bác Hồ, Cụ Hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Chủ Tịch chứ không thể gọi trực tiếp là Hồ Chí Minh. Nếu gọi trực tiếp thế thì sẽ không tôn kính, không phù hợp với tâm lí của cộng đồng. Đối với hiện tượng này, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói:

“Lâu nay, chúng ta đã quen gọi Bác Hồ là Bác, khi thân mật và là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những trường hợp trang trọng. Trên thế giới, đối với các bậc thầy cách mạng, nhân dân các nước và cả nhân dân ta, đã quen gọi bằng tên với tất cả lòng tôn kính, như Mác, Ăngghen, Lênin… Trong nước ta, đối với các anh hùng dân tộc, nhân dân cũng quen gọi bằng tên như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ… Xin đề nghị từ nay chúng ta cũng gọi Bác bằng tên, với lòng kính yêu của chúng ta đối với Người”[1].

Tâm lí “trọng danh húy tính” làm cho người Việt nhiều khi xưng hô tên mà ít xưng hô họ. Khi giới thiệu cho nhau, họ thường xuyên tỉnh lược tên họ, như:

- Thưa anh, tôi là Tuyết, chắc anh không biết tôi nhưng tôi lại biết anh và anh Bình.

Như vậy là dễ dẫn tới một hiện tượng là chỉ biết tên mà không biết họ. Đồng thời, vì chỉ xưng hô tên một tiếng, những ý nghĩa văn hóa trong họ tên có lúc sẽ bị mất đi, ví dụ như nếu chỉ gọi là Phong thì khó có thể biết được anh ta là Xuân Phong [春风], Tiên Phong [先锋] hay là Cao Phong [高峰]. Vũ cũng vậy, không thể biết được “vũ” này nghĩa “mưa”, nghĩa “vũ trụ” hay nghĩa “lông”, nghĩa “vũ trang”. Trong hệ thống cách đọc Hán Việt, “vũ” là tiếng một âm nhiều nghĩa.

1.2. Quan niệm trật tự tôn ty và “vợ theo họ chồng”

Vì nguyên nhân lịch sử, quan niệm đạo đức luân lí tam cương ngũ thường của nhà Nho có một ảnh hưởng sâu sắc đối với ý thức xã hội phong kiến và phương thức sinh hoạt của Việt Nam, về trật tự xã hội thì coi trọng tôn ty đẳng cấp. Quan niệm đó phản ánh trong họ tên khi viết gia phả. Gia phả dùng để ghi chép tên tuổi, thân thế, sự nghiệp từng người trong dòng họ. Mỗi một thế hệ đều nên đặt tên theo gia phả đã quy định là yêu cầu truyền thống. Gia phả của người Việt thời xưa được viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm, đó là những tài liệu quý báu để nghiên cứu văn hóa truyền thống của người Việt.

Quan niệm tôn ty trật tự còn thể hiện trong đặc điểm “vợ phải theo họ của chồng”. Ngày xưa, địa vị phụ nữ rất thấp hèn, trong đời sống hàng ngày người ta thường xưng gọi một phụ nữ bằng họ tên của chồng, trước họ tên của chồng thường thêm một từ xưng hô xã hội. Ví dụ một nữ nhà thơ đã viết nhiều bài thơ Nôm rất hay như Qua Đèo Ngang, Chiều hôm nhớ nhà, Thăng Long thành hoài cổ và Chùa Trấn Bắc, thông thường người ta gọi bà là Bà huyện Thanh Quan, vì chồng bà từng làm Tri huyện Thanh Quan tỉnh Thái Bình. Nữ luật sư Phạm Thị Thanh Vân đã từng đấu tranh anh dũng trong phong trào giành quyền sinh tồn phụ nữ trước khi đất nước Việt Nam được thống nhất, trên báo chí người ta căn cứ họ tên của chồng bà mà gọi bà là Ngô Bá Thành. Trong đời sống hàng ngày thì những chuyện đó rất bình thường, ví dụ trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan thì vợ của anh Pha được người ta gọi là chị Pha.

Quan niệm trật tự tôn ty thể hiện trong họ tên là trong họ tên phụ nữ người ta thường đặt thêm một chữ “thị” [] giữa họ và tên để biểu thị giới tính, như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Thị Hinh. Trong thời phong kiến một người phụ nữ đặt tên mình là Hồ Xuân Hương rất hiếm thấy. Trước Cách mạng Tháng 8, phụ nữ quý tộc nhà Nguyễn dù tên mình dài như thế nào cũng phải thêm chữ đệm “thị” vào, như Công Tằng Tôn Nữ Thị Minh Tâm. Vì “thị” luôn xuất hiện trong tên của phụ nữ, cho nên đã trở thành tiêu chí của phụ nữ, như Thị Nở trong Chí Phèo của Nam Cao. Khi được sử dụng riêng thậm chí còn mang sắc thái châm biếm và khinh rẻ: Thị bị bắt vì tội buôn bán ma túy.

Trong xã hội Việt Nam ngày nay, không ít tên của phụ nữ đã tỉnh lược dần chữ đệm “thị”, như Hoàng Thị Ngân Mai, Đào Thị Bạch Tuyết đổi thành Hoàng Ngân Mai, Đào Bạch Tuyết và Lê Thị Bảo Ngọc thành Lê Bảo Ngọc. Nhưng nếu là tên một tiếng thì vẫn giữ nguyên chữ “thị”, nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn muốn trong tên mình thể hiện được đặc sắc nữ tính. Nếu họ là họ ghép của họ bố mẹ, thông thường họ của bố đặt trước họ của mẹ, còn tên thì thường là hai tiếng, như Lê Trần Vân Anh, Bùi Nguyễn Hương Li.

1.3. Quan niệm thẩm mĩ “nam mạnh cường nữ mềm dẻo”

Khi bố mẹ đặt tên cho con mình chắc đã có gửi gắm một phần hy vọng và lòng tin tưởng đối với con cháu, tên chữ có thể phản ánh rất nhiều quan niệm thời thượng và quan niệm giá trị của cộng đồng. Trong tên của người Trung Quốc cũng như của người Việt Nam thường thể hiện một đặc điểm là tên của nam giới thường thể hiện khí thế hùng mạnh, oai vệ; còn tên của nữ tính thì thường mềm dẻo, yêu kiều và thanh tú. Ví dụ như ở Việt Nam, nam giới thường có tên là Anh, Hùng, Mạnh, Cường, Tuấn, Kiệt, Khôi, Thắng, Thành, Vinh, Hoa, Phú, Quý, Phúc, Lộc, Thọ, Hiền, Đức, Trung, Dũng, Hòa, Bình, Nam, Việt, Giáp, Huy, Tài, Chiến, Quân, Dân, Kiên, Tường, Khánh, Hải, Dương, Quang, Minh, v.v… Còn nữ giới thì thường đặt tên là Xuân, Thu, Hà, Giang, Thủy, Thùy, Thanh, Ngọc, Nga, Hoa, Thảo, Phương, Phượng, Loan, Hằng, Hiền, Mai, Hạnh, Lan, Cúc, v.v… Qua những tên chữ ngụ ý phong phú mà tính chất mạnh cường và mềm dẻo lại rõ rệt như vậy thì người ta rất dễ phán đoán người đó là nam hay nữ. Còn một tiêu chí khác thì chữ “thị” mà trên đã trình bày. Dù rằng cũng có người chủ trương rằng để mưu cầu bình đẳng nam nữ, tiêu trừ sự kì thị đối với nữ tính, nên bỏ không dùng chữ "thị" trong tên của nữ tính nữa, nhưng vẫn có người chủ trương cần giữ nó lại, cho đó là một tín hiệu để phân biệt nam nữ. Hơn nữa, tùy theo sự phát triển của xã hội, quan niệm bình đẳng nam nữ đi sâu vào lòng người, nữ tính Việt Nam nên coi tính biệt của mình là một vinh dự chứ không cần lo ngại vì một tên chữ mà dẫn tới sự kì thị của người khác. Sự thật, trong xã hội Việt Nam, nếu ai đã có cống hiến to lớn đối với đất nước và dân tộc thì nhân dân sẽ nhớ được họ tên của người đó, dù người đó là một nữ giới, như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thị Hồng Gấm, Võ Thị Sáu, Bùi Thị Xuân, Ngô Thị Tuyển, Nguyễn Thị Bình, v.v…

2. Nguyên tắc và phương thức đặt tên của người Việt

2.1. Nguyên tắc đặt tên của người Việt

Lấy chữ nghĩa tốt đẹp để đặt tên là một truyền thống lâu đời. Người ta quan niệm tên chữ không những đại diện cho danh dự và phẩm chất của con người, mà còn có thể đại diện cho lý tưởng và hạnh phúc. Đặt được một tên chữ hay có thể tránh xa được những xấu xí gian tà, có thể đông đúc con cháu, thăng quan đỗ đạt, làm cho cả dòng họ hiển hách vinh quang.

Nhìn chung thì người Việt đặt tên có mấy nguyên tắc sau:

- Coi trọng âm vang và ý đẹp lời hay:tên chữ của con người là tượng trưng của thân phận, mang nhiều nội dung văn hóa. Một cái tên có kêu hay không trước hết thể hiện tại âm hưởng của nó có vang hay không, có ý đẹp lời hay không. Có âm vang là những tiếng chọn thường nghe rất vang và vui tai, dễ đọc, như Cường, Mạnh, Hoa, Giang, Mai, Tú, v.v…; có lời hay ý đẹp là những tiếng được chọn có nội hàm văn hóa phong phú, ngụ ý cao nhã tốt lành, như Phú, Quý, Nhân, Đức, Hiền, Nga, v.v… Vì đầu óc thẩm mĩ của mỗi người khác nhau, cho nên tiêu chuẩn chọn chữ đặt tên cũng có thể khác nhau.

- Đặc điểm lựa chọn âm Hán Việt là chính:tiếng Hán Việt có đặc điểm âm vang mà nghĩa lại cao nhã bác học, rất phù hợp nguyên tắc coi trọng âm vang và lời hay ý đẹp. Cho nên người Việt khi đặt tên vẫn chủ yếu chọn âm Hán Việt. Tuy nhiên, những người chọn tiếng thuần Việt để đặt tên cũng không phải là ít, như Võ Thị Sáu, Lê Vân Mây, Phạm Thị Hến, Trần Đức Bưởi, v.v…

- Đặt tên không tránh thô tục: dù rằng đại đa số tên mang nghĩa cao nhã trang trọng, nhưng cũng có những tên rất nôm na như Bưởi, Sáu, Mười, Hến. Thậm chí có những tên rất thô tục, rất trẻ con, như đặt tên con trai là Cu, Cò, Bòi, Gầy, Còm và đặt tên con gái là Đĩ, Hĩm, Mẹt, Tồ, Tẹt, v.v… Đó là kết quả do sùng bái ngôn ngữ. Thời xưa, vì sức sản xuất thấp, những người chết yểu không phải là ít. Do mê tín, người ta cho rằng đặt tên thô tục cho con cháu mình để không gây sự chú ý của ma quỷ như thế mà lợi cho trẻ con lớn lên thành người. Có một vài tên được lưu truyền đến ngày nay và được đăng ký thành tên chính thức, như Vịa, Toẻn, Liểu, Vủ, Đém, v.v… Trong từ điển rất khó có thể tra được giải nghĩa của những tiếng đó.

2.2. Phương thức đặt tên

Phương thức đặt tên của người Việt chủ yếu có mấy loại sau đây:

- Đặt tên theo quan niệm đạo đức nhà Nho: chịu sự ảnh hưởng văn hóa Hán nhất là văn hóa Nho học rất rộng, xã hội Việt Nam luôn coi trọng quan niệm đạo đức luân lí của nhà nho, đặc điểm đó đã thể hiện trong quá trình đặt tên, ví dụ con trai thì thường có các tên Nhân, Nghĩa, Lễ, Trung, Dũng, Hiếu, Đạo, Hiền, Đức, v.v…

- Đặt tên cho quan niệm giá trị xã hội: người ta thường có tâm lí ưa thích tốt lành và muốn tránh những điều xấu xí, có nguyện vọng được sống bình yên và phú quý. Quan niệm đó được phản ánh trong phương thức đặt tên là thường sử dụng những chữ tốt lành như: Phúc, Lộc, Thọ, Thành, Đạt, Thắng, Thông, Dương, Mạnh, Cường, Hương, Thơm, Châu, Khôi, Ngọc, v.v… Trong xã hội hiện nay, có nhiều người gọi là Chiến, Quân, Dân, Toàn Thắng, Quốc Khánh, phản ánh một thời chiến tranh oanh liệt và tinh thần chiến đấu của người Việt.

- Đặt tên theo địa danh non nước và phương vị: ví dụ dùng các chữ Sơn, Hà, Giang, Thủy, Việt, Đông, Tây, Nam, Bắc, v.v…

- Đặt tên theo thời gian năm sinh: có căn cứ vào bốn mùa, nhiều hơn là căn cứ vào thiên can địa chi. Như các tên Lê Xuân Thại, Nguyện Thị Thanh Xuân, Phạm Thị Thu Nguyệt, Phan Kế Bính, Lê Xuân Mậu, Vũ Mão, Trần Văn Sửu, Nguyễn Quang Thân, Dương Thị Xuân Quý, v.v…

- Đặt tên theo tên của động vật: ở thời xưa, Long, Lân, Quy, Phượng gọi là tứ linh, là biểu tượng của may mắn tốt lành, nên thường được dùng để đặt tên, như Nguyễn Thế Long, Nguyễn Lân, Trịnh Mạnh Quy, Hoàng Thị Mỹ Phượng, Mai Thị Loan. Ngoài ra còn có các tên động vật và côn trùng như Hổ, Yến, Điệp cũng thường được dùng vào tên người.

- Đặt tên theo tên thực vật: ở Việt Nam, đặt tên theo các tên cây cối hoa quả rất phổ biến, như các tên Hoa, Liên, Tùng, Cúc, Lan, Mai, Đào, Quế, Hạnh, Hòe, Sâm, Lâm, v.v… Cũng có người dùng tới tên thuần Việt Cỏ, Mận, Bưởi, Xoan, v.v…

- Đặt tên theo tên kim loại: ví dụ như Phạm Thanh Ngân, Trần Trọng Kim, Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Thị Kim Dung, Lê Thị Kim Thoa, Thép Mới, v.v…

- Đặt tên theo nhân vật trong cổ tích thần thoại: như Nguyễn Thị Diệu Hằng, Trần Thị Thúy Nga, v.v…

Họ tên của người Việt Nam phản ánh ý nghĩa văn hóa của người Việt rất phong phú, trong đó âm Hán Việt đã phát huy vai trò rất quan trọng, vừa giúp cho việc mỗi thành viên cộng đồng xã hội phân biệt với nhau và chia sẻ với nhau những thông tin về cội nguồn, thế hệ, vừa truyền đạt được những quan niệm tâm lí thẩm mĩ truyền thống để thế hệ sau có thể tiếp tục phát huy.

Chú thích:

1. Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb. Sự thật, H. 1990, tr.7.

Tài liệu tham khảo chính:

1. Đào Duy Anh: Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2002.

2. Cơ sở văn hóa Việt Nam: Trần Quốc Vượng [chủ biên], Nxb. Giáo dục, H. 1999.

3. Kỳ Quảng Mưu: Văn hóa ngôn ngữ học tiếng Việt, PLA Foreign Languages Audio - Video Press, 2006./.

[Tạp chí Hán Nôm, Số 3[88] 2008; Tr.25-31]

 

Chủ Đề