Ví dụ về công nghiệp hóa nông thôn năm 2024

Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là chủ trương, hướng đi đúng đắn, phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất cũng như đời sống người dân nông thôn. Đây là mục tiêu mà tỉnh luôn hướng tới và đẩy mạnh thực hiện trong những năm qua.

Để nông thôn trở thành nơi đáng sống

Sau 36 năm đổi mới, đặc biệt là từ khi thực hiện Nghị quyết (NQ) Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nền nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ và đạt những thành tựu khá toàn diện. Bộ mặt nông thôn đổi thay vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao.

Toàn tỉnh hiện có 108/161 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm 67,08% tổng số xã toàn tỉnh), trong đó có 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Số tiêu chí (TC) NTM đạt bình quân/xã của toàn tỉnh là 17,64 TC.

Ví dụ về công nghiệp hóa nông thôn năm 2024
Toàn tỉnh hiện có trên 2.000ha rau màu sản xuất ứng dụng công nghệ cao

Mục tiêu của tỉnh là phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 142 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 88,2% số xã toàn tỉnh), 57 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 11 xã đạt NTM kiểu mẫu; có 8 huyện đạt chuẩn NTM, 2 huyện đạt NTM nâng cao, 1 huyện đạt NTM kiểu mẫu; có 2 thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ XDNTM”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải

Cùng với sự đầu tư của cấp trên, thời gian qua, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An huy động nhiều nguồn lực trong nhân dân, phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM theo TC nâng cao, tiến tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.

Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị - Ngô Minh Tòng cho biết: “Qua tuyên truyền, vận động, nhận thức và ý thức của người dân ngày càng nâng lên, thể hiện bằng những việc làm cụ thể như tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hiến đất xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, góp phần xây dựng thành công xã NTM”.

Tháng 4/2022, có dịp trở lại Thạnh Trị, chúng tôi nhận thấy diện mạo xã vùng sâu, biên giới khó khăn ngày nào nay có nhiều đổi thay. Rõ nét nhất phải kể đến hệ thống giao thông nông thôn, trong đó tuyến đường chính dẫn về trung tâm xã đã được nâng cấp, trải trựa rộng rãi, sạch đẹp hơn. Ngay từ khu vực cổng chào, cây xanh và hoa được trồng dọc 2 bên đường, tạo thêm cảnh quan cho xã NTM. Trường học, trạm y tế xã, nhà văn hóa ấp được xây dựng khang trang. Nhà ở dân cư cũng được xây dựng kiên cố.

Không chỉ đổi thay về diện mạo, đời sống người dân ở các xã NTM, NTM nâng cao của tỉnh cũng thực sự khởi sắc, thể hiện qua mức thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên. Theo Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thanh Phú (xã NTM nâng cao đầu tiên của huyện Bến Lức) - Lê Văn Lộc: “Cuối năm 2021, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 68 triệu đồng, tăng trên 35 triệu đồng so với thời điểm năm 2015. Hiện tại, xã không còn hộ nghèo. Lao động có việc làm qua đào tạo đạt trên 75%”.

Gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thống nhất trong lãnh, chỉ đạo thực hiện của MTTQ các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; người dân tin tưởng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ động, đồng thuận đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình tại địa phương.

Phó Trưởng ấp 1A, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức - Nguyễn Ngọc Việt bộc bạch: “Mưa dầm thấm lâu, nhờ kiên trì vận động, hầu hết người dân đều hiểu và đồng thuận tham gia thực hiện, nâng chất các TC NTM, NTM nâng cao. Bộ mặt địa phương nhờ đó không ngừng đổi mới. So với những năm đầu triển khai chương trình XDNTM, cuộc sống người dân bây giờ đầy đủ hơn, không thua gì thành thị. Đặc biệt, những người nghèo, gia đình chính sách luôn được địa phương quan tâm, hỗ trợ kịp thời”.

Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn

Trên cơ sở nhu cầu thị trường, lợi thế của từng vùng và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả đất nông nghiệp, tỉnh đã phê duyệt và triển khai, thực hiện các quy hoạch, chương trình, đề án quan trọng như quy hoạch vùng rau an toàn, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), đề án phát triển cây chanh, thanh long,... làm cơ sở tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng cho các vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Đến nay, tỉnh cơ bản hoàn thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa nông sản tập trung theo từng vùng sinh thái, phát huy lợi thế cạnh tranh cho từng loại nông sản.

Ví dụ về công nghiệp hóa nông thôn năm 2024
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa giúp nông dân tăng lợi nhuận

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2014 - 2021, có 27.500ha đất lúa được chuyển đổi sang trồng thanh long, chanh, rau màu các loại, nuôi thủy sản, trong đó, nhiều nhất là thanh long với 7.100ha. Cùng với đó, tỉnh triển khai, thực hiện chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, dự báo về tình hình sâu, bệnh, hạn, mặn và diễn biến chất lượng nước được thực hiện kịp thời và thường xuyên, giúp nông dân sản xuất ngày càng hiệu quả hơn.

Diện tích, năng suất và sản lượng cây trồng chủ lực là lúa liên tục tăng qua từng năm. Việc sử dụng giống lúa xác nhận, áp dụng các giải pháp kỹ thuật và sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp trong việc đầu tư ứng trước vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm,... đã góp phần giảm giá thành, tăng lợi nhuận trong sản xuất lúa. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, so với sản xuất lúa không ƯDCNC, chi phí sản xuất giảm từ 2 - 2,5 triệu đồng/ha, năng suất bình quân tăng 3 - 5 tạ/ha, lợi nhuận tăng từ 4 - 6 triệu đồng/ha; đặc biệt, đối với sản xuất hữu cơ, lợi nhuận tăng từ 6 - 8 triệu đồng/ha.

Là một trong những địa phương nằm trong vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh, huyện Mộc Hóa chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm đáp ứng, phục vụ tốt việc sản xuất của người dân. “Năm 2021, tổng diện tích gieo sạ lúa trên địa bàn huyện là 43.929ha. Năng suất bình quân đạt 60,9 tạ/ha, cao hơn 1,7 tạ/ha so với năm 2020. Sản lượng lúa cả năm đạt 265.990 tấn, trong đó có 5.487ha lúa ƯDCNC, sản lượng đạt trên 32.000 tấn” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mộc Hóa - Dương Văn Tuấn thông tin.

Cùng với cây lúa, qua 15 năm thực hiện NQ số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, diện tích và sản lượng rau màu các loại trên địa bàn tỉnh đều tăng. Trong đó, diện tích rau màu sản xuất ƯDCNC trên 2.000ha, chiếm gần 20% diện tích rau màu toàn tỉnh, lợi nhuận cao hơn từ 2 - 5 triệu đồng/1.000m2 so với sản xuất rau truyền thống. Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng được 8 chuỗi sản xuất rau an toàn tại các vùng sản xuất rau ƯDCNC để cung cấp rau cho các siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn tập thể, công ty, doanh nghiệp.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh quy hoạch lại và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi tập trung (trang trại). Nhiều dự án, chương trình phát triển chăn nuôi đã được triển khai, thực hiện như dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò sữa; dự án phát triển giống bò sữa bằng phương án sử dụng tinh phân biệt giới tính; chương trình ƯDCNC trong chăn nuôi bò thịt;... Qua đó, ngành Chăn nuôi của tỉnh đã có sự chuyển dịch cơ cấu trong chăn nuôi, nhất là áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Tiếp tục cụ thể hóa nghị quyết của Đảng

NQ Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NQ số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008) đã xác định rõ quan điểm: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển KT - XH bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ví dụ về công nghiệp hóa nông thôn năm 2024
Nông thôn đổi thay từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Căn cứ các quan điểm, mục tiêu NQ số 26-NQ/TW đã đề ra; đồng thời, cụ thể hóa các kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện NQ Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động và các kế hoạch để thực hiện kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương. HĐND tỉnh cũng đã ban hành các NQ chuyên đề. UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng và triển khai, thực hiện hơn 20 chương trình, đề án trên các lĩnh vực chuyên ngành.

Nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển khá nhanh, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và hưởng thụ văn hóa, thể thao của người dân nông thôn. Cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Dân chủ ở nông thôn được cải thiện rõ rệt, sự tham gia của người dân vào các hoạt động của chính quyền cơ sở ngày càng sâu. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn tiếp tục được giữ vững.

Phát huy những kết quả đã đạt và cũng để triển khai, thực hiện hiệu quả NQ Đại hội XIII của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với XDNTM trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải, mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn tới là phấn đấu tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt 1,5 - 2%/năm; sản lượng lúa từ 2,5 - 2,6 triệu tấn/năm; phát triển nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, cơ khí và các loại dịch vụ phục vụ đời sống, sản xuất ở nông thôn; thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững; phát triển nông thôn theo quy hoạch; kết cấu hạ tầng kinh tế được đầu tư theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa tập trung;...

Với việc xác định rõ mục tiêu và tiếp tục nghiên cứu đề ra những giải pháp cụ thể, phù hợp, nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế qua 15 năm thực hiện NQ số 26-NQ/TW, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi NQ của Đảng và nhiệm vụ được Chính phủ giao trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn./.

Quí I/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh công nhận xã Mỹ Hạnh Nam, An Ninh Tây, huyện Đức Hòa và xã Thanh Phú, huyện Bến Lức đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2020; công nhận thêm 1 xã đạt chuẩn NTM. Thị xã Kiến Tường và huyện Tân Trụ đã được Trung ương thẩm định, đang trình hồ sơ Hội đồng Trung ương họp Hội đồng thẩm định thông qua.