Vì sao đất bị nhiễm mặn

Đất nhiễm mặn khiến cây trồng không thể phát triển, gây nguy cơ cho an ninh lương thực thế giới. [Nguồn: agric.wa.gov.au]

Một thế giới thiếu đất canh tác là một thế giới có rất ít sự phát triển. Thế nhưng khoảng 20-50% đất trồng trọt ở tất cả các châu lục đã trở nên quá mặn, tạo ra thách thức đáng kể cho hơn 1,5 tỷ người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Liên hợp quốc đã dành Ngày Đất thế giới năm nay cho vấn đề này với chủ đề “Ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn đất, nâng cao năng suất đất.”

Hơn 833 triệu ha đất bị nhiễm mặn trên toàn cầu, tương đương 8,7% diện tích hành tinh. Mỗi năm đất bị nhiễm mặn chiếm tới 1,5 triệu ha đất canh tác. Thiệt hại năng suất nông nghiệp do đất nhiễm mặn ước tính là 31 tỷ USD/năm.

Đây là thông số từ Bản đồ toàn cầu về các loại đất nhiễm mặn, một công cụ do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc [FAO] công bố vào tháng 10.

Bản đồ toàn cầu về các loại đất nhiễm mặn là dự án hợp tác với sự tham gia của 118 quốc gia và hàng trăm công ty thu thập dữ liệu. Bản đồ được công bố tại Hội nghị chuyên đề toàn cầu về đất nhiễm mặn.

FAO hy vọng sẽ cung cấp thông tin tốt hơn cho các nhà hoạch định chính sách trong quá trình giải quyết vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu và với các dự án thuỷ lợi.

Đây là dự án “mở đường” cho Ngày Đất thế giới 5/12 năm nay nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc duy trì hệ sinh thái lành mạnh và phúc lợi của con người bằng cách giải quyết những thách thức ngày càng gia tăng trong quản lý đất, chống nhiễm mặn đất, nâng cao nhận thức về đất và khuyến khích xã hội cải thiện chất lượng của đất.

Theo FAO, nhiễm mặn đất là một trong những mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất đối với các vùng khô hạn và bán khô hạn, bởi đất tốt là điều kiện tiên quyết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và là nền tảng của Sáng kiến Bốn tốt hơn của FAO - Sản xuất tốt hơn, Dinh dưỡng tốt hơn, Môi trường tốt hơn và Cuộc sống tốt hơn, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Đất bị nhiễm mặn có tác động nghiêm trọng đến các chức năng của đất, chẳng hạn như giảm năng suất nông nghiệp, chất lượng nước, đa dạng sinh học đất và xói mòn đất.

Chất lượng đất suy giảm do muối làm giảm khả năng hoạt động như một bộ đệm và bộ lọc của đất chống lại các chất ô nhiễm.

[FAO: Giá lương thực thế giới tháng 11 tăng cao nhất trong 10 năm qua]

Đất bị nhiễm mặn làm giảm cả khả năng cây trồng lấy nước và sự sẵn có của vi chất dinh dưỡng. Chúng cũng tập trung các ion độc hại đối với thực vật và có thể làm suy giảm cấu trúc của đất.

Đất có thể bị nhiễm mặn vì nhiều lý do như quản lý kém, sử dụng phân bón quá mức hoặc không phù hợp, phá rừng, nước biển dâng, mực nước ngầm ảnh hưởng đến tầng sinh môn hoặc nước biển xâm nhập vào nguồn nước ngầm sau đó được sử dụng để tưới.

Tình trạng biến đổi khí hậu cũng đang làm tăng vấn đề này, với các mô hình cho thấy vào cuối thế kỷ này, các vùng đất khô hạn trên toàn cầu có thể tăng tới 23% - chủ yếu ở các nước đang phát triển.

Việc giữ cho đất khỏe sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu của thế giới.

Điều này không chỉ vì đất có khả năng lưu giữ đáng kể khí thải carbon mà còn giúp giảm thiểu các tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu như hạn hán, suy thoái và sa mạc hóa.

Ngoài ra, đất khoẻ và phì nhiêu còn là trọng tâm trong việc xây dựng hệ thống lương thực bền vững cho tương lai.

Đất nhiễm mặn gây thiệt hại đáng kể cho nền nông nghiệp thế giới. [Ảnh: FAO]

Giới chuyên gia đã chỉ ra một số hướng tiếp cận để đảm bảo an ninh đất trồng. Trước hết, nhiệm vụ này cần hành động của nhiều bên liên quan xung quanh việc mở rộng quy mô nghiên cứu, ứng dụng khoa học và triển khai thực tiễn.

Một ví dụ là Liên minh Hành động vì an ninh đất [CA4SH], được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh hệ thống lương thực Liên hợp quốc năm nay.

Liên minh tập hợp cộng đồng nghiên cứu, nhiều quốc gia, khu vực tư nhân, nông dân và các tổ chức phát triển cùng chung nhận thức rằng an ninh lương thực phải bắt đầu từ đất.

Thứ hai, cần áp dụng một cách tiếp cận tổng thể đối với nghiên cứu đất để đảm bảo nghiên cứu sẽ được triển khai trên thực tế. Điều này bao gồm làm việc với các đối tác quốc tế, với nông dân và cộng đồng địa phương để tìm giải pháp cho những thách thức mà họ phải đối mặt.

Ví dụ, dự án Regreening Africa, do Tổ chức Nông Lâm Thế giới [ICRAF] đứng đầu và hợp tác với một số tổ chức phát triển quốc tế và địa phương, đặt mục tiêu khôi phục 1 triệu ha đất và cải thiện sinh kế của 500.000 hộ gia đình tại "Lục địa Đen."

Tương tự, cũng cần ủng hộ việc áp dụng công nghệ theo dõi tình trạng đất trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những khu vực đang bị suy thoái, để xây dựng hệ thống lương thực có khả năng phục hồi và bền vững trước những thách thức của biến đổi khí hậu.

Cuối cùng, phải đảm bảo rằng những lợi ích to lớn và tác động tích cực của những công nghệ này đến được với nông dân và chính quyền địa phương, những người cần lợi ích này nhất.

Tương tự như sự sống phụ thuộc vào nước và oxy, sự bền vững của hệ thống thực phẩm toàn cầu không thể bỏ qua tầm quan trọng của đất khỏe. Nói cách khác, giữ cho đất khỏe chính là cơ sở để hướng tới một tương lai bền vững./.

Minh Ngọc [TTXVN/Vietnam+]

TPO - Ngày 26/10, Sở Tài nguyên và Môi trường [TN&MT] Bình Thuận cho biết, họ đã có báo cáo kết luận xác định nguyên nhân cây chết, nước giếng nhiễm mặn, đất bị ngập úng và nhiễm mặn tại khu vực gần bãi xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.

Trước đó, vào tháng 2/2017, một số hộ dân sinh sống tại khu vực sân xe chùa Linh Sơn Tự, phía Tây Nam bãi thải xỉ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có phản ánh về tình trạng cây trồng lâu năm và hoa màu bị chết, nước giếng nhiễm mặn làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Tổ công tác 2896 [nay là Tổ công tác 1072] của UBND tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát thực tế và lấy, phân tích mẫu nước, đất tại khu vực các hộ dân phản ánh; đồng thời lấy mẫu tro xỉ, mẫu nước tưới trong bãi xỉ để phân tích, đánh giá.

Qua kết quả phân tích mẫu nước dưới đất, mẫu đất của các hộ dân và mẫu tro xỉ, mẫu nước của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cho thấy hàm lượng Clorua trong nước ngầm của 3/4 hộ dân vượt từ 1,2 lần đến 1,8 lần, hàm lượng Clorua trong 4/5 hồ nước để phục vụ nhu cầu tưới tro, xỉ vượt từ 1,05 lần đến 1,8 lần, đất bị mặn.

Để xác định nguyên nhân dẫn đến ngập úng, cây chết, nước bị nhiễm mặn, UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất chọn đơn vị độc lập là Viện Môi trường và Tài nguyên thực hiện nhiệm vụ xác định nguyên nhân cây chết nước giếng nhiễm mặn, đất bị ngập úng và nhiễm mặn, phạm vi ảnh hưởng, mức độ thiệt hại của các hộ dân sinh sống tại khu vực trên.

Viện Môi trường và Tài nguyên đã đo vẽ chi tiết địa hình khu vực nghiên cứu; đo địa vật lý [ảnh điện] dọc 4 tuyến cắt ngang qua khu vực bị ảnh hưởng tiềm năng, tổng cộng khoảng 3000 mét; tổ chức khoan bổ sung 8 lỗ khoan địa chất thủy văn dựa vào kết quả đo ảnh điện; lấy mẫu khảo sát bổ sung các mẫu đất trong khu dân cư, đất có lẫn san hô đổ đống ven đường, mẫu nước ngầm, nước mặt ở khu vực xung quanh bãi xỉ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2; điều tra, khảo sát thực tế tình trạng cây chết, nước giếng bị nhiễm mặn, đất bị ngập úng nước, nhiễm mặn tại khu vực nghiên cứu.

Sở TN&MT đã tổ chức công bố kết quả của Viên Môi trường và Tài nguyên đến UBND huyện Tuy Phong, UBND xã Vình Tân và các hộ dân bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cây trôm bị chết ở khu vực sân xe chùa Linh Sơn Tự, thôn Vĩnh Phúc [xã Vĩnh Tân] là do bị ngập úng, không phải do bị nhiễm mặn.

Nguyên nhân gây ngập úng cục bộ ở khu vực này là do trong năm 2016 lượng mưa tại khu vực này gia tăng đột biến so với các năm từ 2012-2015 nên đã góp phần thúc đẩy nhanh sự ngập úng.

Đồng thời, điều kiện tiêu thoát nước ở khu vực này kém. Hệ thống cống thoát nước bề mặt ngang qua tuyến đường sắt Bắc – Nam không được duy tu bảo dưỡng tốt, cây cối mọc nhiều phía trước miệng cống làm cản trở dòng chảy, giảm năng lực thoát nước từ đó góp phần làm gia tăng mức độ ngập úng tại khu vực.

Do chưa có tuyến kênh thoát lũ ngoại lai ở phía Bắc bãi xỉ nên nước mưa từ trên sườn núi cao đổ xuống không có đường tiêu thoát, bị thấm hết xuống đất làm gia tăng dòng chảy ngầm và mực nước ngầm tầng nông. Trong đó đáng chú ý là sự hình thành bãi thải xỉ làm thay đổi địa hình tự nhiên, thay đổi chế độ dòng chảy bề mặt và dòng chảy ngầm ngang qua khu bãi xỉ, dẫn đến sự dồn đọng nước tập trung về khu vực trũng thấp phía Tây bãi xỉ và gây ra ngập úng.

Nguyên nhân gây nhiễm mặn đất và nguồn nước ở khu vực xung quanh bãi xỉ hoàn toàn không có nguồn gốc nào từ tự nhiên mà chủ yếu là do tác động của con người.

Quan sát thực tế cho thấy, tại khu vực này dọc theo các tuyến đường mòn phía Tây và phía Bắc bãi xỉ có những đống đất cát có lẫn san hô. Hiện tượng đổ đất ở đây được ghi nhận từ năm 2016 do quá trình thi công các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Kết quả phân tích 18 mẫu đất cho thấy các mẫu đất đổ đống có giá trị pH từ 6,04 – 9,05, hàm lượng clorua [Cl–] từ 25 – 2235 mg/kg, độ mặn từ 0,22 – 1,43 ‰.

Cây trôm của người dân bị ngập úng thối rễ

Các đống đất này có nguồn gốc từ phía ven biển đưa lên mang theo một hàm lượng muối nhất định trong đó. Theo thời gian, khi gặp mưa, độ mặn trong đất bị rửa trôi theo nước mưa, một phần chảy tràn trên bề mặt xuống khu vực trũng thấp phía Tây bãi xỉ, một phần thấm xuống đất đi vào tầng nước ngầm mạch nông, từ đó góp phần gây nhiễm mặn cho khu vực xung quanh.

Qua kết quả công bố, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận sẽ tiếp tục báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và đề nghị Tổng Công ty Phát điện 3 thực hiện các giải pháp để hạn chế tình trạng ngập úng, ngăn ngừa việc nhiễm mặn nước dưới đất, nước mặt trong khu vực; triển khai thực hiện kiểm kê, xác định mức độ thiệt hại của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng và đề xuất biện pháp hỗ trợ để sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân tại khu vực.

Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Tuy Phong, UBND xã Vĩnh Tân niêm yết công khai nội dung báo cáo trên tại UBND xã Vĩnh Tân và giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm ổn định đời sống người dân tại khu vực.

Phương Nghi

Video liên quan

Chủ Đề