Vì sao Việt Nam thắng Mỹ theo triệt học

Vì sao Việt Nam chiến thắng?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đạo diễn Pháp, Daniel Roussel [nguyên là PV Báo Nhân Đạo [Pháp]. tại Hà Nội, 1980-1986]

NDĐT - Trước khi trở thành đạo diễn điện ảnh với tác phẩm đầu tay Cuộc chiến giữa hổ và voi nổi tiếng, đạo diễn D. Roussel từng là phóng viên thường trú báo Nhân Đạo [LHumanite] tại Việt Nam. Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ [1954 - 2014], tại nhà riêng của ông ở Choisy Le Roi, đạo diễn D. Roussel đã có cuộc gặp gỡ PV thường trú báo Nhân Dân tại CH Pháp để kể về những suy nghĩ và ký ức của ông đối với Việt Nam.

Hồi chưa sang Việt Nam, tôi đã đọc cuốn Trận chiến Điện Biên Phủ của nhà văn Pháp Jule Roy, trong đó kể về từng giờ từng ngày, từ các chi tiết nhỏ nhất, của trận chiến này nhìn từ phía Pháp và cả từ phía Việt Nam. Đọc xong tôi đã tự hỏi cái thung lũng Điện Biên Phủ này là gì và trận chiến phi thường này là thế nào? Rồi sau đó tôi đến Việt Nam và có điều kiện để tìm hiểu.

Vào thời điểm năm 1953, Chính phủ Pháp gặp rất nhiều khó khăn ở Việt Nam vì cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Việt Minh đã gây rất nhiều tổn thất cho quân đội viễn chinh Pháp. Bằng cứ điểm Điện Biên Phủ, quân đội Pháp tin rằng sẽ cắt con đường từ Thượng Lào sang, và thu hút quân đội Việt Minh vào một cái bẫy. Chỉ huy quân Pháp nghĩ là quân của tướng Giáp sẽ bị kéo ra xa căn cứ ở hậu phương, khó có khả năng tiếp viện vũ khí đạn dược. Nghe theo cố vấn Trung Quốc, ông sẽ tiến công nhanh để giành chiến thắng, và giới quân sự Pháp cho rằng điều này là bất khả, vì không đủ con người và vũ khí để thực hiện.

Như vậy là bộ tham mưu quân đội Pháp đã đánh giá thấp tướng Giáp và QĐND Việt Nam. Họ nghĩ cái bẫy sẽ có tác dụng, họ sẽ giành thắng lợi trong một trận chiến quan trọng đúng vào thời điểm tại nước Pháp phong trào biểu tình phản đối chiến tranh đang lên mạnh, còn ở chiến trường thì nhiều binh sĩ Pháp đào ngũ. Tướng lĩnh Pháp tin rằng, thắng trong trận Điện Biên Phủ sẽ là một đòn chí tử đánh vào quân đội Việt Minh và dưới hình thức này hay hình thức khác, Việt Nam tiếp tục là thuộc địa của Pháp.

Khi phong trào kháng chiến ở Algeri ngày càng phát triển, trận chiến này lại càng có vai trò quan trọng. Đó là một bước ngoặt mang tầm thế giới, bởi nếu Việt Minh thất bại trận này thì Đông Dương sẽ vẫn nằm trong tay Pháp, và sẽ gây nhiều bất lợi cho cuộc kháng chiến ở Algieri. Đó là bước ngoặt của thế giới, nhưng sẽ là bất lợi cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Tài năng của ban lãnh đạo Việt Minh và tướng Giáp ở Điện Biên Phủ đã làm đảo lộn các kế hoạch chính trị cũng như quân sự của Pháp. Đây không chỉ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam, mà còn là chiến thắng đầu tiên của các dân tộc trên thế giới muốn vùng lên tự giải phóng. Các dân tộc khác thấy rằng, một đất nước nghèo, nông nghiệp lạc hậu, bị đô hộ gần một thế kỷ như Việt Nam mà vẫn chiến thắng một cường quốc thực dân được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, thì chính là một tấm gương để noi theo.

Tôi rất may mắn là đã được nói chuyện, phỏng vấn tướng Giáp nhiều giờ, tôi đã có nhiều ngày được sống cùng với ông. Chính ông là người đã trực tiếp tham gia viết nên lịch sử khi giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Với vai trò một đạo diễn, tôi không thể làm tốt hơn là để lịch sử được kể lại từ người đã làm nên nó, viết nên nó. Đó là điều kỳ diệu.

Khi ở Việt Nam, tôi đã phỏng vấn ông về cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, về đời tư của ông, về sở thích văn hóa của ông. Tôi đã ghi hình ngay tại nhà ông, trong phòng làm việc, hay ngoài vườn Tôi được ngồi cùng xe với ông đi thăm Hà Nội, đến vùng đồng bằng sông Cửu Long, xuống địa đạo Củ Chi Tôi đã được tiếp cận với lịch sử của con người ông, và tôi rất ấn tượng về con người bình dị, hóm hỉnh của tướng Giáp. Tôi thích cái cách ông trò chuyện, thi thoảng phá lên cười.

Tướng Giáp qua đời, dù đã biết ông tuổi cao, sức yếu nhưng đối với tôi đó là một cú sốc, Tướng Giáp là một phần của lịch sử Việt Nam, và tôi rất kính trọng ông. Với tướng Giáp, tôi đã tạo dựng được một mối liên hệ gắn bó, một mối liên hệ, như người Việt Nam thường gọi, là chú - cháu. Tôi thấy ở ông không chỉ là một vị chỉ huy quân sự lớn mà đó còn là một con người rất đỗi bình dị giống như mọi người khác. Đúng là một cú sốc, như tôi vẫn nói với bạn bè tôi ở Pháp rằng, ngày mà tướng Giáp ra đi, cả dân tộc Việt Nam đau buồn. Tại sao lại như vậy? Vì ông là người rất gần gũi với những người lính của mình, cũng như với toàn thể nhân dân Việt Nam. Ông quả là một con người vĩ đại.

Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ở Pháp cũng có một số bộ phim tài liệu về trận đánh này, nhưng các phim đó chủ yếu trình bày quan điểm của người Pháp, nhất là của các cựu binh Pháp đã tham gia Điện Biên Phủ mà tôi biết rất rõ; nhưng ít ai biết được quan điểm của người Việt Nam, đặc biệt là do người đã chiến thắng trận chiến đó kể lại, đó là tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp nói gì về những vị tướng Pháp? Ông nói rằng tướng Navare, Tổng tư lệnh Cogni và De Castri ở Điện Biên Phủ khi đó được coi là những nhà quân sự tuyệt vời. Cứ điểm mà họ xây dựng ở Điện Biên Phủ kiên cố có thể nói là không thể đánh chiếm được.

Đã có lúc tướng Giáp nghĩ có thể đánh chiếm cứ điểm trong vòng tám ngày. Nhưng ngày 25-1-1954, sau nhiều thời gian suy nghĩ, nhớ tới điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò khi giao nhiệm vụ, ông quyết định họp bộ tham mưu. Vì ở thời điểm tháng Giêng năm 1954, tướng Giáp không chắc có thể thắng, dù các đơn vị đã rất sẵn sàng, bộ tham mưu của ông cũng hừng hực khí thế. Tướng Giáp đặt một câu hỏi cho mọi người: Vài giờ nữa chúng ta sẽ tấn công, các đồng chí có chắc là sẽ thắng? và không có ai khẳng định sẽ chắc thắng. Tướng Giáp kể với tôi, ông đã trải qua một đêm dài kinh khủng để đi tới quyết định cuối cùng. Ông nói đó là một quyết định khó khăn nhất trong đời. Quyết định chưa tấn công, và rút các cánh quân cùng vũ khí ra xa 20km.

Tướng Giáp là một nhà chiến lược quân sự, một nhà chiến lược về hậu cần. Ông và bộ tham mưu đã tổ chức 260 nghìn người, bằng xe đạp, đi bộ trong vòng hai tháng rưỡi liên tục tải lương thực, đạn dược tiếp viện cho chiến trường. Rồi việc ông cho tháo rời các khẩu pháo để vận chuyển lên hang núi ở trên cao. Chiến thuật của tướng Giáp là gặm từng phần cứ điểm, phá hủy sân bay để ngăn chặn chuyển quân, chi viện vũ khí.

Tướng Giáp kể với tôi về sự khốc liệt của trận chiến. Ông kể lúc bắt đầu vào mùa mưa, phía ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp tế hậu cần, tuy nhiên ông đã dự tính trước được điều đó. Phía Pháp không thể hình dung về chiến thuật mà tướng Giáp áp dụng trong trận đánh. Tóm lại, với những người đã thua trong trận chiến, tôi muốn nói là họ đã ngả mũ để chào tướng Giáp.

Với bất kỳ một quân nhân Pháp hay Mỹ nào, nếu ai chưa học qua một trường quân sự lớn thì không thể trở thành một nhà chiến lược quân sự lớn. Song tướng Giáp đã là một người như vậy. Giờ đây trong các trường quân sự lớn, người ta vẫn coi tướng Giáp là một trong những nhà chiến lược quân sự lớn nhất của nhân loại. Các tướng Mỹ cũng có chung thái độ với các tướng lĩnh Pháp là đánh giá thấp tướng Giáp và họ đã thất bại. Con hổ giấu mình trong rừng, khi đêm xuống nó nhảy ra cào cấu con voi rồi lại trở về rừng, rồi hôm sau lại tiếp tục nhảy ra, cứ như thế cho đến khi con voi chết vì kiệt sức, vì mất máu. Theo tôi, đó chính là hình ảnh của trận Điện Biên Phủ, trận chiến giữa hổ và voi. Trong bộ phim của tôi, tướng Giáp có nói trận Điện Biên Phủ đã trở thành nấm mồ chôn con voi.

Nhưng điều tôi muốn nói, trước hết người làm nên chiến thắng phải là nhân dân Việt Nam, không có nhân dân Việt Nam thì không có chiến thắng, dù đó là cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp hay chống đế quốc Mỹ. Sức mạnh của nhân dân Việt Nam đã in đậm trong văn hóa của dân tộc, trong niềm tin mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Không có gì quý hơn độc lập tự do.

Trong hai cuộc kháng chiến, hàng triệu người đã hy sinh cuộc sống của mình, chiến đấu để giành lại độc lập cho dân tộc từ tay các cường quốc lớn, giàu có, với vũ khí tối tân. Tại sao người Việt Nam đã chiến thắng? Tôi nghĩ, vì họ có niềm tin nung nấu trong tâm khảm phải giành lại độc lập, tự do. Tại sao người Pháp và người Mỹ thua? Vì họ tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và nhân dân Việt Nam đã tiến hành một cuộc chiến tranh chính nghĩa, nhưng chính tướng Giáp lại nhiều lần nói với tôi: Đừng nói với tôi về chiến tranh nữa, đừng gọi Đại tướng, đúng tôi là Đại tướng nhưng là một tướng hòa bình.

Tôi đã sống một thời gian dài ở Việt Nam. Phim đầu tay tôi làm về trận Điện Biên Phủ, về cuộc chiến tranh thuộc địa của Pháp. Tôi đã làm hai phim tài liệu về cuộc chiến tranh của Mỹ, bộ phim thứ tư là về Hội nghị Paris. Bộ phim thứ năm, hiện tôi đang làm với kênh truyền hình Arte. Như vậy tôi đã làm năm bộ phim, và tôi dự định sẽ làm ba phim nữa. Trong đó có bộ phim riêng về tướng Giáp.

Tôi có trong tay tư liệu 10 giờ nói chuyện với ông. Về Điện Biên Phủ mới chỉ là một phần nhỏ trong các tư liệu. Có thể tôi là người duy nhất trên thế giới có trong tay những tư liệu quý giá như vậy. Đó là hình ảnh quay ông trong khoảng ba chục cuộc phỏng vấn, thực hiện ở nhiều nơi khác nhau.

Tướng Giáp nói với tôi là chừng nào ông còn sống, thì ông không muốn tôi làm phim về ông. Phim về Điện Biên Phủ thì ông ấy chấp nhận, nhưng ông không muốn tôi làm phim về cuộc đời ông. Ông nói với tôi: Khi nào tôi chết thì anh muốn làm gì thì làm. Giờ đây tôi sẽ làm phim về ông, đó là bộ phim sắp tới của tôi vào năm tới. Một bộ phim nữa sẽ làm nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền nam. Bộ phim sẽ khởi đầu từ mốc tháng 9-1989, thời điểm bộ đội Việt Nam rời khởi Campuchia. Tôi có mặt ở đó. Với tôi, Việt Nam thật sự có hòa bình từ tháng 9-1989 và từ đó trở đi Việt Nam bắt đầu có các thay đổi và phát triển. Sau đó sẽ là Tuổi 20 Việt Nam, bộ phim tôi muốn nói về thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay.                                    ĐÌNH TUẤN

Chủ Đề