Việt Nam bắt đầu đàm phán Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ vào năm nào

Để biết thêm thông tin về Việt Nam, vui lòng truy cập trang quốc gia Việt Nam và các ấn phẩm khác của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

QUAN HỆ HOA KỲ – VIỆT NAM

25 năm sau khi thiết lập quan hệ song phương vào năm 1995, Hoa Kỳ và Việt Nam đã trở thành đối tác đáng tin cậy với tình hữu nghị dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. Hoa Kỳ – Việt Nam có mối quan hệ hợp tác ngày càng tích cực và toàn diện, và đã phát triển thành quan hệ đối tác vững chắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh và giao lưu giữa nhân dân hai nước. Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, góp phần đảm bảo an ninh quốc tế; tham gia các quan hệ thương mại hai bên cùng có lợi; và tôn trọng nhân quyền và pháp quyền. Mối quan hệ song phương được định hướng bởi Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam ký kết năm 2013 – đây là một khuôn khổ tổng thể nhằm thúc đẩy mối quan hệ song phương; và các Tuyên bố chung do lãnh đạo hai nước ban hành vào các năm 2015, 2016, và tháng 5 và tháng 11 năm 2017. Năm 2020, Việt Nam và Hoa Kỳ đã kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tiếp tục cam kết tăng cường hợp tác.

Quan hệ Đối tác Toàn diện nhấn mạnh cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cung cấp cơ chế thuận lợi cho việc hợp tác trong các lĩnh vực chính trị và quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế và thương mại, quốc phòng và an ninh, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và y tế, trợ giúp nhân đạo/cứu trợ thiên tai, các vấn đề chiến tranh để lại, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, giao lưu nhân dân hai nước, và văn hóa, thể thao và du lịch. Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực thực thi pháp luật, hợp tác xuyên biên giới trong khu vực, và thực hiện các công ước và tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam là một đối tác trong các cơ chế chống phổ biến vũ khí hạt nhân, bao gồm Sáng kiến Toàn cầu Chống Khủng bố Hạt nhân, và tận dụng chuyên môn, thiết bị và chương trình đào tạo sẵn có trong chương trình Kiểm soát xuất khẩu và An ninh biên giới liên quan. Năm 2016, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký một thư thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật và tư pháp, và hai quốc gia đang phối hợp để triển khai thỏa thuận. Hoa Kỳ và Việt Nam thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại về lao động, an ninh, năng lượng, khoa học công nghệ và nhân quyền.

Việc tìm kiếm một cách đầy đủ nhất có thể các quân nhân Hoa Kỳ mất tích và chưa được tìm thấy ở Đông Dương là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Hàng năm Bộ Chỉ huy Hỗn hợp tìm kiếm Tù binh và Quân nhân mất tích thực hiện bốn giai đoạn tìm kiếm và khai quật lớn tại Việt Nam, trong đó các cán bộ quân sự và dân sự được đào tạo đặc biệt của Hoa Kỳ sẽ điều tra và khai quật hàng trăm trường hợp để thống kê một cách đầy đủ nhất các trường hợp này. Kể từ tháng 8 năm 2011, các đội khai quật của Việt Nam cũng thường xuyên tham gia vào những cuộc khai quật này.

Việt Nam vẫn bị ô nhiễm rất nặng bởi các vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, chủ yếu dưới dạng vật liệu chưa nổ, bao gồm nhiều diện tích ô nhiễm bom chùm từ cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là nhà tài trợ riêng lẻ lớn nhất cho hoạt động khắc phục hậu quả vật liệu chưa nổ/bom mìn tại Việt Nam, theo đó Hoa Kỳ đã đóng góp hơn 140 triệu USD từ năm 1994, và vào tháng 12 năm 2013, hai quốc gia đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc tiếp tục hợp tác trong xử lý bom mìn, vật liệu chưa nổ. Những nỗ lực của Hoa Kỳ trong giải quyết các vấn đề chiến tranh để lại, như xử lý bom mìn và vật liệu nổ, tìm kiếm quân nhân mất tích và xử lý dioxin đã tạo nền tảng cho quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ – Việt Nam. Hoa Kỳ và Việt Nam cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước như đề cập trong Bản ghi nhớ về Thúc đẩy Hợp tác Quốc phòng Song phương năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng Hoa Kỳ – Việt Nam ký kết năm 2015, trong đó ưu tiên về hợp tác nhân đạo, các vấn đề chiến tranh để lại, an ninh hàng hải, gìn giữ hòa bình, trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai.

Vào tháng 5 năm 2016, Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về an ninh hàng hải – bao gồm thông qua Sáng kiến An ninh Hàng hải, chương trình Hợp tác Giảm thiểu Đe dọa và quỹ Hỗ trợ tài chính Quân sự Đối ngoại. Hoa Kỳ đã bàn giao các tàu tuần duyên lớp Hamilton cho Việt Nam vào năm 2017 và 2020 để giúp Việt Nam nâng cao năng lực thực thi luật hàng hải. Hoa Kỳ tái khẳng định sự ủng hộ đối với những nỗ lực gìn giữ hòa bình của Việt Nam thông qua hỗ trợ Việt Nam lần đầu tiên triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan vào năm 2018.

Mối quan hệ giữa nhân dân Hoa Kỳ và Việt Nam cũng phát triển rất nhanh chóng. Hàng chục ngàn du học sinh Việt Nam học tập tại Hoa Kỳ, đóng góp gần 1 tỷ USD cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Đại học Fulbright Việt Nam, với khóa đại học đầu tiên khai giảng vào mùa thu năm 2019, đã đưa nền giáo dục đẳng cấp, độc lập, mang phong cách Hoa Kỳ đến Việt Nam. Ngoài ra, hơn 25.000 thanh niên Việt Nam đang là thành viên của mạng lưới Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á tại Việt Nam. Năm 2020, Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận triển khai chương trình Tổ chức Hòa bình.

Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam

Nhằm giúp Việt Nam xây dựng sự tự chủ, Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng và khả năng cạnh tranh thương mại, ứng phó với các mối đe dọa từ đại dịch, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, giải quyết các vấn đề chiến tranh để lại, bảo tồn rừng và đa dạng sinh học.

Những trợ giúp của Hoa Kỳ đối với Việt Nam tập trung vào việc củng cố các lợi ích nhằm đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, đồng thời thúc đẩy quản trị tốt và pháp quyền. Các dự án hỗ trợ đều hướng tới mục tiêu thực hiện sâu sắc hơn các cải cách thể chế, nâng cao năng lực và tính độc lập của các cơ quan tư pháp và lập pháp Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của công chúng vào quá trình xây dựng luật và quy định. Hoa Kỳ cũng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam điều chỉnh các bộ luật và thực hành phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế, cũng như thực thi hiệu quả luật lao động và đảm bảo tốt hơn quyền của người lao động. Những hỗ trợ của Hoa Kỳ hướng tới giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và các thách thức môi trường khác, bao gồm xử lý dioxin, nâng cao chất lượng hệ thống y tế và giáo dục của Việt Nam, và trợ giúp nhóm dân số dễ bị tổn thương. Năm 2017, Hoa Kỳ và Việt Nam đã kết thúc thành công giai đoạn đầu tiên của hoạt động xử lý dioxin tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, và từ tháng 12 năm 2019, hai quốc gia bắt đầu triển khai dự án kép dài 10 năm về xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa, cũng như sáng kiến trị giá 65 triệu USD nhằm hỗ trợ người khuyết tật tại các tỉnh bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Quan hệ kinh tế song phương

Kể từ khi hiệp định thương mại song phương Hoa Kỳ – Việt Nam có hiệu lực vào năm 2001, hoạt động thương mại giữa hai quốc gia và đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc. Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký kết một hiệp định khung về thương mại và đầu tư; cũng như các hiệp định về dệt may, vận tải hàng không, hải quan và hàng hải. Hiện Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam máy móc, máy tính và đồ điện tử, sợi/vải, nông sản và các loại xe. Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam đồ may mặc, giày dép, nội thất và giường tủ, nông sản, hải sản và thiết bị điện. Thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tăng trưởng từ 451 triệu USD vào năm 1995 lên hơn 90 tỷ USD vào năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu từ Hoa Kỳ sang Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD vào năm 2020, và kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ cùng năm đạt 79,6 tỷ USD. Đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam đạt 2,6 tỷ USD vào năm 2019.

Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế

Việt Nam và Hoa Kỳ đều là thành viên của một số tổ chức quốc tế, bao gồm Liên Hợp Quốc, Diễn đàn Khu vực ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương [APEC], Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới. Việt Nam đang đảm nhận vai trò thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với nhiệm kỳ hai năm, từ 2020 đến 2021, và gần đây nhất là Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Đại diện song phương

Các quan chức chủ chốt của đại sứ quán được liệt kê trong Danh sách quan chức chủ chốt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Việt Nam đặt đại sứ quán tại Hoa Kỳ ở số 1233 Đường 20, NW, #400, Washington DC 20036 [SĐT: 202-861-0737].

Hành Trình Mới

Bài viết này được đăng trên trang báo mạng của Hội đồng các Đại sứ Hoa Kỳ.

Ted Osius
Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là cơ hội để làm sâu sắc hơn nữa Quan hệ Đối tác Toàn diện của hai nước chúng ta. Vào tháng Giêng, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã khai mạc một hội nghị ở Hà Nội đánh dấu dịp kỷ niệm mốc quan trọng này với lời kêu gọi chúng ta đi xa hơn hợp tác song phương để tiến tới hợp tác ở cấp độ khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, khí hậu, cũng như an ninh nước, an ninh lương thực và an ninh năng lượng. Ông nói đúng. Các mục tiêu được nêu lên trong Quan hệ Đối tác Toàn diện của chúng ta góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của mỗi nước, trong khu vực và trên thế giới. Lịch sử gần đây của các quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ với Ấn Độ và Indonesia dạy chúng tôi rằng tiến xa hơn can dự song phương để đi đến hợp tác rộng lớn hơn là điều cần thiết và lành mạnh đối với các mối quan hệ đạt độ chín.

Trong tuyên bố chung vào tháng 7 năm 2013, Tổng thống Obama và Chủ tịch Sang đã xác định 9 lĩnh vực chín muồi để hợp tác. Dưới đây tôi sẽ điểm lại tiến bộ trong từng lĩnh vực và xác định các cơ hội cho hoạt động chung trong tương lai.

Hợp tác Chính trị và Ngoại giao

Kể từ năm 2013, chính phủ hai nước đã nhanh chóng tăng cường nhịp độ các chuyến thăm cấp cao; dự kiến có thêm nhiều chuyến thăm trong năm nay. Đối thoại của chúng ta đã trở nên phong phú hơn và thẳng thắn hơn, và trong vài năm qua Việt Nam và Hoa Kỳ đã làm việc với nhau hiệu quả hơn tại các diễn đàn khu vực. Trong quá trình Hoa Kỳ, Việt Nam, và các nước khác tiếp tục phát triển Sáng kiến Hạ vùng Mê Công, chúng ta đã chứng minh rằng chúng ta chia sẻ các mục tiêu quan trọng.

Thứ trưởng Ngọc cũng kêu gọi Hoa Kỳ và Việt Nam làm việc cùng nhau để ủng hộ một hệ thống quốc tế ổn định và luật pháp quốc tế. Cả hai nước đều nhìn vào những thách thức đối với hiện trạng ở Biển Đông qua cùng một lăng kính, mong muốn sử dụng ngoại giao, các cơ chế luật pháp quốc tế, và xây dựng năng lực trong lĩnh vực hàng hải để ngăn ngừa sự hung hăng và hành động đơn phương ở vùng biển mà một nửa lượng vận tải biển của thế giới đi qua. Chúng ta đã bắt đầu làm việc với nhau tại Liên hợp quốc, ngay cả trong Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc- mặc dù thống kê về kết quả bỏ phiếu của chúng ta tiếp tục phản ánh sự bất đồng sâu sắc trong một số vấn đề quan trọng. Quan hệ theo kênh đảng được tăng cường, bao gồm các chuyến thăm cấp cao ở cả hai chiều trong năm nay. Một mục tiêu quan trọng cho tương lai là xây dựng sự hiểu biết chung về một số vấn đề với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Trong thời gian ngắn tới, chúng tôi hy vọng sẽ hoàn tất đàm phán về khu Đại sứ quán mới, để chúng tôi có thể xây dựng một toà đại sứ quán an toàn phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của mối quan hệ giữa chúng ta.

Quan hệ Thương mại và Kinh tế

Kim ngạch thương mại hàng năm đã tăng từ dưới 500 triệu đôla lên 35 tỷ đôla trong 20 năm bình thường hóa quan hệ, mặc dù tốc độ tăng trưởng hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ đã nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của chúng tôi sang Việt Nam. Hiện nay khi chúng ta đang ở vào giai đoạn kết thúc đàm phán hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương [TPP], chúng tôi có thể dự đoán rằng việc Việt Nam tham gia vào hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao và toàn diện này sẽ dẫn đến những thay đổi quan trọng trong quản lý kinh tế, cũng như các cơ hội thương mại và đầu tư mới khi các rào cản được dỡ bỏ. Với việc Việt Nam tham gia TPP, và với việc Việt Nam tiếp tục tiến theo hướng minh bạch công khai cao hơn và tôn trọng pháp quyền, Hoa Kỳ có thể trở thành nhà đầu tư số 1 của Việt Nam, như vị trí xếp hạng đầu tư Hoa Kỳ hiện nay trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á nói chung.

Nhờ cam kết của Cục Hàng không Việt Nam, chúng ta đang có tiến bộ để Việt Nam tiến tới đạt được Mức 1 [CAT 1], một điều kiện cần thiết cho các chuyến bay trực tiếp giữa hai nước chúng ta. Chương trình Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện [GIG] của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ [USAID] giúp Việt Nam thúc đẩy một chương trình cải cách kinh tế sẽ có lợi cho mối quan hệ, cũng như các nhà đầu tư, thương mại khu vực và nhân dân Việt Nam. Hiện có nhiều cơ hội lớn cho việc mở rộng thương mại và đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam, vào ngành hàng không phát triển nhanh chóng của đất nước, cũng như trong lĩnh vực năng lượng sạch. Một cản trở đáng ngại đối với sự gia tăng quan hệ kinh tế này sẽ là những hạn chế về thị thực Việt Nam. Trong khi Trung Quốc hiện cấp thị thực xuất nhập cảnh nhiều lần 10 năm, thì Việt Nam lại đi theo hướng ngược lại và hạn chế du khách với mức thị thực 3 tháng và chỉ được nhập cảnh một lần.

Hợp tác Khoa học và Công nghệ

Trong 14 năm qua, Uỷ ban Hỗn hợp Hoa Kỳ-Việt Nam về Hợp tác Khoa học và Công nghệ đã điều phối và thúc đẩy hợp tác, phần nhiều liên quan đến các tổ chức học thuật. Một thành tựu đỉnh cao là việc hoàn tất Hiệp định 123 về năng lượng hạt nhân dân sự. Hiệp định này mở đường cho hợp tác hạt nhân dân sự chặt chẽ hơn trong những thập kỷ tới đồng thời củng cố những cam kết của chúng ta về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Cùng lúc, chúng ta vui mừng ghi nhận số lượng ngày càng tăng các hoạt động hợp tác khoa học do Chương trình Quan hệ Đối tác nhằm Thúc đẩy Tham gia Nghiên cứu [PEER] hỗ trợ.

Quan hệ đối tác của chúng ta về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu cũng đang trở nên sâu sắc hơn. USAID đang triển khai một chương trình quan trọng về Rừng và Đồng bằng nhằm giúp Việt Nam thích ứng với vấn đề nước biển dâng và áp dụng các phương thức sử dụng đất đai bền vững hơn. Hoa Kỳ đã đề nghị hỗ trợ Việt Nam phát triển kế hoạch Đóng góp Do Quốc gia Tự Quyết định [INDC] cho cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Mới đây, Việt Nam đề xuất hợp tác với Hoa Kỳ trong vấn đề an ninh lương thực và dinh dưỡng, đặc biệt ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Chúng ta cần cùng nhau tìm hiểu những tác động sâu xa về an ninh lương thực do khả năng dễ bị tổn thương của Việt Nam đối với biến đổi khí hậu, và ý nghĩa của điều đó đối với khu vực và hơn thế nữa. Hợp tác không gian song phương, là lĩnh vực giúp tăng cường viễn thông, các công việc về khí hậu, giám sát mặt biển, và dự báo thiên tai, cũng đang là một lĩnh vực có nhiều cơ hội hấp dẫn để hợp tác nhiều hơn nữa.

Môi trường và Y tế

Chúng tôi đang làm việc cùng các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam để chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã, và đã hợp tác với chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ [NGO] để xây dựng một liên minh bảo tồn Vịnh Hạ Long, một di sản thế giới UNESCO đang bị đe dọa bởi nhiều nguồn ô nhiễm. Làm việc cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc, Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Việt Nam khi Việt Nam triển khai Chiến lược Tăng trưởng Xanh và đưa đất nước vào con đường phát triển với lượng phát thải thấp hơn. Sáng kiến Hạ vùng Mekong mang đến cho chúng ta cơ hội làm sâu sắc hơn sự hợp tác trong các vấn đề về nước.

Trong lĩnh vực y tế, Hoa Kỳ đã đầu tư gần 700 triệu đôla thông qua Kế hoạch Cứu trợ AIDS Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ [PEPFAR]. Việt Nam cũng trở thành một quốc gia trọng tâm trong Chương trình nghị sự của Tổng thống Hoa Kỳ về An ninh Y tế Toàn cầu, và Các Trung tâm Kiểm soát và Dự phòng Bệnh dịch [CDC] tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để giúp ngăn chặn sự lây lan của Ebola. Sau khi kiểm soát thành công dịch SARS và cúm gia cầm, Việt Nam đang chuẩn bị cho dịch bệnh tiếp theo. Bộ trưởng Y tế và tôi đã khánh thành Văn phòng Đáp ứng Khẩn cấp phòng chống dịch bệnh, nơi kết nối Hà Nội với bốn khu vực khác và sẽ hoạt động như một Phòng trực chiến để trao đổi thông tin về các trường hợp bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm. Trong tương lai, Hoa Kỳ và Việt Nam có thể hợp tác chống lại bệnh lao và sốt rét kháng thuốc. Hoa Kỳ đã bắt đầu trợ giúp người khuyết tật – về y tế, giáo dục, và bảo vệ pháp lý – trong một thời gian dài trước khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao và hiện vẫn tiếp tục, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Quốc hội Hoa Kỳ, đem lại những cơ hội to lớn để hợp tác.

Hợp tác Giáo dục

Thông qua các hoạt động trao đổi trong khuôn khổ chương trình Fulbright của chúng tôi, hơn 1.000 sinh viên và học giả từ hai nước chúng ta đã thúc đẩy hợp tác giáo dục gần gũi hơn và hiểu biết sâu hơn qua việc học tập, nghiên cứu hoặc giảng dạy ở mỗi nước. Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright [FETP] vừa kỷ niệm năm thứ 20 chuyển đổi phương thức giảng dạy kinh tế học và chính sách công ở Việt Nam. 1.100 học viên tốt nghiệp FETP hiện giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Một chương trình đối tác công-tư, Chương trình Liên minh Giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật [HEEAP] đã thu hút hàng triệu đôla vốn hỗ trợ từ 6 đối tác doanh nghiệp chính, cùng với các thiết bị kỹ thuật và kiến thức chuyên môn. HEEAP nhằm cải biến công tác đào tạo ngành kỹ thuật ở Việt Nam và cung cấp những sinh viên tốt nghiệp có khả năng sẵn sàng làm việc cho ngành kỹ thuật cao đang bùng nổ của đất nước.

Sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội Hoa Kỳ dành cho một trường Đại học Fulbright Việt Nam [FUV] độc lập đã truyền cảm hứng để các công ty Hoa Kỳ và Việt Nam cân nhắc những đóng góp quan trọng. FUV sẽ là trường đại học tư phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam, và, xây dựng trên nền tảng FETP, sẽ tạo ra một cơ chế nhân tài học thuật được điều hành minh bạch, và một nền tảng cho các khuyến nghị chính sách tâm huyết. Chúng tôi gần đây đã công bố ngân sách đáng kể mới cho các chương trình đối tác giáo dục đại học, và chúng tôi tiếp tục mở rộng mạng lưới cựu sinh viên của chúng ta trên cả nước cũng như nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Anh. Việt Nam đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á về số lượng sinh viên học tập tại Hoa Kỳ. Chúng ta phải bảo đảm rằng việc trao đổi sinh viên này, ở cả hai chiều, tiếp tục phát triển.

Các vấn đề Di sản Chiến tranh

Nhờ vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy và sự tham gia trong thời gian dài của nhiều người ở trong và ngoài chính phủ, cho đến nay Hoa Kỳ đã đầu tư hơn 65 triệu đôla để xử lý ô nhiễm dioxin và 80 triệu đôla để rà phá vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh [UXO]. Năm nay, chúng tôi đã tăng gấp đôi mức đóng góp thường niên cho các hoạt động UXO lên đến hơn 10 triệu đôla. Chúng tôi mong muốn giúp Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam [VNMAC] vừa thành lập trở thành một trung tâm với đầy đủ chức năng có thể hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế và NGOs. Việt Nam tiếp tục hỗ trợ nỗ lực của chúng tôi để tìm kiếm với mức độ đầy đủ nhất có thể được những quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh [POW/MIA], và hai nước đang chia sẻ kiến thức chuyên môn có thể cho phép tìm kiếm hiệu quả hơn những người Việt Nam mất tích.

Quốc phòng và An ninh

Chúng ta tiếp tục đạt được tiến bộ vững chắc trong cả 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác được nêu rõ trong Bản Ghi nhớ Hợp tác Quốc phòng năm 2011: an ninh hàng hải, đối thoại cao cấp, tìm kiếm và cứu nạn, trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai [HA/DR], và hoạt động gìn giữ hòa bình. Các chuyến viếng thăm quân sự cấp cao thường xuyên giúp hai bên hiểu biết và trở nên thoải mái với nhau hơn. Sự hiểu biết lẫn nhau này đã đưa đối thoại trở thành hành động. Năm ngoái, chúng ta tiến hành cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn lần đầu tiên giữa hải quân hai nước và một cuộc huấn luyện tìm kiếm cứu nạn trong khu vực đô thị của lực lượng lục quân hai nước. Các hoạt động sử dụng nhiều nguồn lực như chương trình Đối tác Thái Bình Dương [Pacific Partnership] và chương trình Thiên thần Thái Bình Dương [Pacific Angel] giúp tăng cường hợp tác về HA/DR. Trong quá trình Việt Nam xem xét mở rộng đóng góp vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đề xuất hỗ trợ. Các bước đi tích cực khác bao gồm việc Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương và quyết định của Việt Nam tham gia vào Sáng kiến An ninh Chống Phổ biến Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt.

Tập trung vào việc hiện đại hóa năng lực phòng thủ, Việt Nam tất nhiên sẽ dựa vào các đối tác truyền thống. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng có nhiều để đề xuất, và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tầm nhìn dài hạn trong việc xây dựng mối quan hệ quốc phòng. Trong quá trình chúng ta tìm hiểu để làm việc cùng nhau, Việt Nam sẽ thấy Hoa Kỳ là một đối tác có thể trông cậy được để củng cố và tăng cường an ninh khu vực và luật pháp quốc tế. Điều này sẽ không xảy ra một sớm một chiều, và Hoa Kỳ phải kiên nhẫn và có một tầm nhìn dài hạn về hợp tác an ninh. Tiến triển trong các chuỗi hoạt động khác có khả năng sẽ tạo thuận lợi cho tiến triển trong lĩnh vực an ninh – là lĩnh vực bị tụt lại phía sau do những nghi ngờ bắt nguồn từ lịch sử phức tạp của chúng ta.

Thúc đẩy và Bảo vệ Nhân quyền

Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, tôn trọng pháp quyền và nhân quyền. Đối thoại nhân quyền hàng năm của chúng ta đã có hiệu quả, Quốc hội Việt Nam đã nhất trí bỏ phiếu phê chuẩn Công ước chống Tra tấn và Công ước về Quyền của Người Khuyết tật. Việt Nam đã cho phép không gian rộng hơn cho tự do tôn giáo và thả một số tù nhân lương tâm, mặc dù nhiều việc còn cần phải làm. Việt Nam cũng đã sửa đổi luật để phi hình sự hoá hôn nhân giữa hai người trưởng thành cùng giới tính và ủng hộ hành động trong Liên hợp quốc giúp mang lại lợi ích cho những người đồng giới, song tính và chuyển giới [LGBT] trên toàn thế giới.

Bên cạnh việc tiếp tục kêu gọi phóng thích tất cả các tù nhân lương tâm, Hoa Kỳ đang tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong việc cải cách hệ thống pháp luật và mở rộng các quyền tự do cá nhân theo hiến pháp mới và các cam kết quốc tế về nhân quyền của Việt Nam. Hoa Kỳ luôn sẵn sàng làm việc với các cơ quan hữu quan Việt Nam nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình công, sự minh bạch [bao gồm cả quyền tiếp cận thông tin], và phát triển xã hội dân sự. Chúng tôi đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật về các luật chủ chốt của Việt Nam, bao gồm cả về vấn đề ngân sách và quyền tiếp cận thông tin. Chính phủ đã bắt đầu tham khảo ý kiến với xã hội dân sự và khu vực tư nhân trong quá trình xây dựng và thực thi luật. Hoa Kỳ phải tiếp tục kết nối tiến bộ về nhân quyền với tiến bộ trong các lĩnh vực khác, kể cả hợp tác an ninh và kinh tế.

Văn hoá, Du lịch và Thể thao

85% người Việt Nam dưới tuổi 35 coi Hoa Kỳ là đối tác thân cận nhất của nước mình. Thông qua tiếp xúc trực tiếp, các phương tiện truyền thông truyền thống, mạng xã hội, và các trung tâm văn hóa của chúng tôi, Phái đoàn Hoa Kỳ kết nối với hàng chục nghìn thanh niên Việt Nam mỗi ngày. Chúng tôi luôn thể hiện sự tôn trọng chân thành đối với con người, lịch sử, giá trị và văn hóa của Việt Nam. Chúng tôi đã thiết lập quan hệ đối tác giữa các tổ chức văn hoá của Hoa Kỳ và Việt Nam như Trung tâm Kennedy và Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, và tiếp tục tài trợ nhiều chương trình giao lưu hai chiều giúp xây dựng mối quan hệ giữa nhân dân hai nước. Chúng tôi tái khởi động một chương trình cho phép nhận con nuôi từ Việt Nam, bắt đầu với các trẻ em từ 5 tuổi trở lên, anh chị em ruột, và trẻ em có nhu cầu đặc biệt. Một cộng đồng Việt kiều ngày càng có ảnh hưởng sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong việc tăng cường mối liên kết giữa hai nước.

Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam cần phải tận dụng các chuyến viếng thăm cấp cao và các sự kiện kỷ niệm 20 năm để thực hiện các hoạt động hợp tác, đạt được tiến bộ trong các vấn đề còn tồn đọng và đưa ra những ý tưởng mới. Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý rằng, trong 40 năm qua, quan hệ giữa người dân Mỹ và người dân Việt Nam đã tiến triển nhanh hơn so với sự tương tác giữa hai chính phủ. Khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức giáo dục, các cơ quan tư vấn chính sách, và các quỹ đã và tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt Nam. Nơi nào có quan hệ đối tác phi chính phủ lành mạnh và năng động thì nơi đó các mối quan hệ khác cũng sẽ vững mạnh nhất.

Trong bối cảnh chúng ta mong muốn thúc đẩy Quan hệ Đối tác Toàn diện, tầm nhìn của chúng ta là rõ ràng. Quan hệ đối tác của chúng ta sẽ đạt được tiềm năng tối đa nếu chúng ta làm việc cùng nhau trong các vấn đề chúng ta cùng nhất trí, đồng thời thẳng thắn và cởi mở trong các lĩnh vực chúng ta còn có sự khác biệt, như trong lĩnh vực có tính then chốt là nhân quyền, và sẵn sàng mở rộng sang các lĩnh vực hợp tác mới.

Bài của vnmission | 10 Tháng Tư, 2015 | Tìm kiếm: Các bài phát biểu, Ngài Đại sứ, Sự kiện nổi bật | Tags: Đại sứ Ted Osius, Kỷ niệm 20 năm

Video liên quan

Chủ Đề