Việt nam và nhật bản giao lưu văn hóa năm 2024

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Viện Nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục (CLEF) và Hội Giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản phối hợp tổ chức cuộc thi Dịch dân ca của Việt Nam - Nhật Bản 2023 và Liên hoan dân ca Việt - Nhật.

Sự kiện được tổ chức nhằm giới thiệu các bài dân ca Việt Nam tới khán giả Nhật Bản cũng như các bài dân ca Nhật Bản tới khán giả Việt Nam, từ đó giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về văn hóa giữa người dân hai nước, thúc đẩy việc học tập và nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam - Nhật Bản.

Chương trình có sự bảo trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cùng sự đồng hành của Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, trường Đại học Việt - Nhật, CLB cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Việt nam và nhật bản giao lưu văn hóa năm 2024

Cuộc thi Dịch dân ca của Việt Nam - Nhật Bản 2023

Theo ban tổ chức, cuộc thi Dịch dân ca của Việt Nam - Nhật Bản năm 2023 bắt đầu triển khai từ tháng 4, nhằm chọn ra những bản dịch tốt nhất của bài dân ca Việt Nam “Bèo dạt mây trôi” sang tiếng Nhật và bài dân ca Nhật Bản “Sakura, Sakura” sang tiếng Việt. Sau thời gian triển khai, ban tổ chức đã nhận được tổng số 124 bài dự thi (52 bản dịch bài “Bèo dạt mây trôi” sang tiếng Nhật và 72 bản dịch bài “Sakura” sang tiếng Việt).

Dựa trên đánh giá của ban giám khảo là các chuyên gia văn hóa, ngôn ngữ, nhạc sĩ, nhà thơ của Việt Nam và Nhật Bản, cuộc thi đã tìm ra được một giải nhất, một giải nhì, một giải ba cho hạng mục dịch bài dân ca Việt Nam “Bèo dạt mây trôi” sang tiếng Nhật và một giải nhì, hai giải ba cho hạng mục dịch bài dân ca Nhật Bản “Sakura, Sakura” sang tiếng Việt (không có giải nhất).

Ông Ngô Tự Lập, thành viên Hội đồng ban giám khảo chia sẻ, quyết định lựa chọn bài "Bèo dạt mây trôi" và "Sakura, Sakura" được Hội đồng cố vấn đưa ra sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các tiêu chí: chủ đề, tính phổ biến, tính đại diện trong hai nền âm nhạc truyền thống. Ban giám khảo đặt ra yêu cầu bản dịch vừa phải trung thành về ngữ nghĩa vừa phải phù hợp với giai điệu, có giá trị văn học hay sáng tạo đặc biệt. Có thể nói, đây là một yêu cầu cao do có sự khó khăn, khác biệt giữa hai ngôn ngữ, chẳng hạn như tiếng Việt có cấu trúc chủ - vị, chính trước phụ sau, trong khi tiếng Nhật động từ luôn ở cuối câu. Điều này khiến người dịch phải có giải pháp về cấu trúc, ngữ đoạn đặc biệt. Mặt khác, tiếng Việt có 6 thanh điệu, điều này tạo ra sức ép lớn đối với người dịch khi phải lựa chọn các từ phù hợp cho từng nốt nhất định...

Ban tổ chức cũng lựa chọn 5 bài dân ca từ nhiều vùng của Việt Nam (Trống cơm, Ru con Nam Bộ, Về đây anh hỡi, Gà gáy le te, Đi cấy) và 5 bài dân ca của Nhật Bản (Hái hồng hoa, Hò đánh cá, Thợ làm than đảo Kyushu, Cắt cỏ tranh, Asadoya Yunta) để Giáo sư Nhật Bản Shine Tohihiko và nhà thơ - nhạc sĩ Ngô Tự Lập dịch tương ứng sang tiếng Nhật và tiếng Việt. Toàn bộ 12 bài dân ca trên được trình diễn bằng hai thứ tiếng tại Liên hoan dân ca Việt Nam - Nhật Bản diễn ra tại Viện Âm nhạc Việt Nam.

Ban tổ chức nhấn mạnh, đây là hoạt động văn hóa ý nghĩa, độc đáo, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Liên hoan không chỉ góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam và Nhật Bản cho nhân dân hai nước mà còn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc.

Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia có mối quan hệ lịch sử lâu đời. Từ cuối thế kỷ 16, các nhà buôn Nhật đã đến Việt Nam giao thương, buôn bán. Ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, khởi đầu cho một kỷ nguyên hợp tác phát triển có lợi cho cả 2 bên về nhiều mặt. Với quyết tâm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, tháng 4-2009, hai nước chính thức nâng quan hệ lên tầm “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Quan hệ hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới toàn diện và tốt đẹp chưa từng có trên tất cả các lĩnh vực, như chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, giao lưu cấp địa phương, giao lưu nhân dân... Trải qua gần 50 năm, quan hệ ngoại giao hai nước ngày càng bền chặt và đạt nhiều thành tựu mới, nhất là trong lĩnh vực giao lưu văn hóa.

1. Giảng dạy tiếng Nhật ở Việt Nam và giảng dạy tiếng Việt ở Nhật Bản

Cả hai quốc gia có chung quan điểm về phổ cập, tăng cường số lượng người dân học ngôn ngữ của nhau là một trong những ưu tiên trong giao lưu văn hóa của chính phủ. Đó là mong muốn từ lâu của hai nước nhưng thực tế triển khai việc giảng dạy ngôn ngữ dường như theo những chiều hướng khác nhau. Sở dĩ như vậy là do việc giảng dạy ngôn ngữ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, chủ quan mà Việt Nam và Nhật Bản cũng có sự khác biệt lớn về điều kiện, môi trường giảng dạy ngôn ngữ. Sự khác biệt này đến từ nhiều nguyên nhân, về cơ bản đó là điều kiện kinh tế, nhu cầu người học, mức độ quan hệ hai nước. Tuy nhiên, cả Việt Nam và Nhật Bản đều chung sự tin tưởng rằng ngoại ngữ sẽ giúp người học hiểu về văn hóa, con người cũng như tăng độ thiện cảm với đất nước có ngôn ngữ mà mình sử dụng. Trên thực tế, tiếng Việt đã được giảng dạy tại Nhật Bản từ thập niên 1960, trong khi tiếng Nhật xuất hiện tại Việt Nam từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Điểm chung của sự khởi đầu này đều bắt đầu từ các trường đại học với Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Trường Đại học Ngoại ngữ Quốc gia Osaka, Trường Đại học Keio của Nhật Bản và Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội) ở Việt Nam. Từ thập niên 1990, nhu cầu học tiếng Việt và tiếng Nhật ngày càng tăng lên theo thời gian. Cho tới đầu thế kỷ XXI, có tới hàng trăm người học và giảng dạy tiếng Nhật được sang tu nghiệp tại Nhật Bản. Ngày 25/8/1994, tại Hà Nội, Chính phủ hai nước đã thỏa thuận về việc giáo viên Nhật Bản tình nguyện sang dạy tiếng Nhật tại Việt Nam[1]. Trung tâm Ngoại ngữ tiếng Nhật Núi Trúc – Sugi Ryotaro thuộc Hội Giao lưu Văn hóa Việt Nam – Nhật Bản, là cơ sở giảng dạy tiếng Nhật đầu tiên ở miền Bắc,được thành lập ngày 10/09/1992 (hoạt động từ ngày tháng 5/21995) thuộc Hội Giao lưu Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản, cho tới nay vẫn hoạt động tốt với diện tích hơn 1000 mét vuông và 11 phòng học đầy đủ tiện nghi [2]. Nếu như thập niên 1990, chương trình giảng dạy tiếng Việt tại Nhật Bản và tiếng Nhật tại Việt Nam còn khá lạc hậu với những bộ giáo trình được biên soạn từ thập kỷ 70, 80, cơ sở vật chất thiếu thốn, chỉ chú trọng đến dạy ngữ pháp…thì từ đầu thế kỷ XXI, đặc biệt những năm gần đây, tiếng Việt và tiếng Nhật là bộ môn ngoại ngữ được cung cấp những phương tiện giảng dạy tiên tiến nhất, đội ngũ giáo viên có trình độ cao, hầu hết đều được tu nghiệp ngắn hạn hoặc dài hạn tại hai nước theo chương trình tài trợ của các quĩ giao lưu, trường đại học, chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Có thể nói, giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ qua vài thập niên đến nay. Trước hết, giáo trình giảng dạy tiếng Nhật ngày càng phong phú, đa dạng và được cập nhật liên tục. Tiếp đó là đội ngũ giáo viên tu nghiệp tại Nhật Bản trở về nước đã sử dụng các phương pháp giảng dạy mới, chú trọng đến mục đích nâng cao khả năng giao tiếp để học viên có thể nhanh chóng sử dụng vốn kiến thức đã học vào giao tiếp thực tiễn. Theo Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản, năm 1998 có khoảng 10.000 người Việt Nam học tiếng Nhật tại 30 cơ sở đào tạo công lập và tư nhân trên toàn quốc với số giáo viên giảng dạy 300 người kể cả giáo viên người Nhật sang tình nguyện giảng dạy. Đến năm 2007, số học viên đã tăng lên 30.000 người, số cơ sở đào tạo là gần 100 trường với khoảng trên 1000 giáo viên, đưa Việt Nam trở thành nước có số người học tiếng Nhật nhiều thứ 8 trên thế giới [3].

Về cơ bản, giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam thường được tiến hành theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu, tiếng Nhật được dạy chủ yếu tại các trường đại học và các trung tâm tiếng Nhật tư nhân (hoặc trực thuộc một trường đại học) tại các thành phố lớn. Giai đoạn hai, mở rộng về đối tượng học viên (dạy cả ở bậc giáo dục phổ thông), mở rộng về phạm vi địa lý, có thêm nhiều cơ sở giảng dạy ở các địa phương. Từ những bước thử nghiệm giảng dạy tiếng Nhật tại một số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông ở thập niên 2000 thì nay tiếng Nhật đã chính thức trở thành một trong những ngoại ngữ quan trọng ở nhiều cơ sở này. Theo số liệu của Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam, tới tháng 1/2021, với 9 tỉnh và thành phố trong số 63 tỉnh thành trên cả nước đã có 2 trường tiểu học, 81 trường trung học cơ sở, 36 trường trung học phổ thông đang triển khai giảng dạy tiếng Nhật. Theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, học sinh phổ thông bắt buộc phải học 1 ngoại ngữ (gọi là ngoại ngữ 1) và được chọn thêm ít nhất một ngoại ngữ khác (gọi là ngoại ngữ 2) theo nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục. Hiện nay, tiếng Nhật là ngoại ngữ 1 cùng với các ngôn ngữ khác là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Nga. Theo đó, ngoại ngữ 1 là môn học được tổ chức giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12 và tuân thủ các qui định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và đào tạo về thời lượng dạy học môn học.

Đề cập tới thành tựu này, chắc chắn không thể không nói tới sự trợ giúp tích cực từ phía Nhật Bản, thể hiện qua viện trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giảng dạy người Nhật Bản. Trải qua thời gian từ thập niên từ 1990 đến nay, giảng dạy tiếng Việt, tiếng Nhật dường như trở thành nhân tố không thể thiếu trong giao lưu văn hóa tinh hoa. Thành quả của sự giao lưu này xuất phát từ nhu cầu của Việt Nam cùng với sự giúp đỡ của phía Nhật Bản, thật sự đưa giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam phát triển như hiện nay. Theo số liệu báo cáo nhanh của Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation - một cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản) thì năm 2018, số lượng người học tiếng Nhật tại Việt Nam lên tới gần 175.000 người, đứng thứ 6 trên thế giới. So với năm 2015, tốc độ tăng số người học tiếng Nhật của Việt Nam đứng đầu thế giới. Cụ thể, năm 2015, tại Việt Nam có 219 cơ sở đào tạo tiếng Nhật, 1.795 giáo viên và 64.483 học viên. Tới năm 2018, tại Việt Nam có 818 cơ sở đào tạo tiếng Nhật (đứng thứ 7 trên thế giới), số giáo viên là 7.030 người (đứng thứ 3 trên thế giới) và tổng số người học là 174.152 người. Như vậy tỷ lệ tăng giữa năm 2018 so với năm 2015 ở từng số liệu là 3,4 lần, 4,0 lần và 2,7 lần[4].

Sự kết nối giữa các nhà nghiên cứu và giảng viên ngành tiếng Nhật cũng được chú trọng. Ngày 30/9/2017 tại Hà Nội đã long trọng diễn ra Lễ ra mắt Phân hội Nghiên cứu Nhật ngữ học và Giảng dạy tiếng Nhật - trực thuộc Hội ngôn ngữ học Việt Nam theo quyết định số 24/QĐ-HNNHVN ngày 25/11/2016. Đây là kết quả đánh dấu bước đầu của việc thực hiện thành công ý tưởng kết nối các cơ sở đào tạo tiếng Nhật trong cả nước, tạo diễn đàn học thuật để chia sẻ các ý tưởng, thành tựu nghiên cứu về Nhật ngữ học, Nhật Bản học và giảng dạy tiếng Nhật giữa các nhà nghiên cứu, các giảng viên tiếng Nhật thuộc các trường đại học, các trường phổ thông[5]. Rất nhiều trường đại học cả công lập và dân lập có Khoa tiếng Nhật hoặc bộ môn Nhật Bản học như Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Ngoại thương, Đại học Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội &Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học dân lập Phương Đông, Đại học dân lập Thăng Long, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Đông Á, Đại học Đà Lạt, Đại học Yersin Đà Lạt, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc Gia TP.HCM), Đại học Sư phạm TP.HCM...

Theo chiều ngược lại, giảng dạy tiếng Việt tại Nhật Bản cũng có bước phát triển vượt bậc từ thập niên 1990 đến nay. Cùng với sự phát triển của ngành Việt Nam học tại Nhật Bản, số người sử dụng tiếng Việt đã tăng tới hàng ngàn người khi mà tiếng Việt trở thành môn học của nhiều trường đại học, các trung tâm ngoại ngữ tư thục, Hội Hữu nghị Nhật - Việt ở các địa phương. Khoa tiếng Việt đã được thành lập tại một trường đại học ngoại ngữ nổi tiếng của Nhật Bản từ cách đây hơn 40 năm là Đại học Ngoại ngữ Tokyo, sau đó là Đại học Ngoại ngữ Osaka. Tại các cơ sở đào tạo này với chương trình đào tạo quy mô, bài bản, chất lượng cao, số sinh viên nhiều hơn hẳn so với những cơ sở tương tự tại các nước Âu, Mỹ khác. Ngoài ra, hiện nay còn có rất nhiều trường đại học khác ở Nhật Bản như Đại học Takushoku, Đại học Kobe, Đại học Waseda, Đại học ngoại ngữ Kanda, Đại học dân lập Châu Á Thái Bình Dương Ritsumeikan… đều có chuyên ngành Việt Nam học nằm trong Khoa Văn hoá phương Đông hay Châu Á học. Bên cạnh đó, việc dạy tiếng Việt cho một số đối tượng khác là con em Việt kiều và những người học tiếng Việt vì yêu thích ở các trung tâm ngoại ngữ cũng khá phát triển ở một số nơi như Tokyo, Kobe (là nơi Việt kiều sinh sống đông nhất), Yaoshi (Osaka), Hiroshima. Đại học Ngoại ngữ Tokyo là trường đại học có số sinh viên chuyên ngành Tiếng Việt lớn nhất so với các trường đại học khác ở Nhật Bản. Với một chuyên ngành độc nhất vô nhị, bao trùm trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội khác như vậy, khoa tiếng Việt tại đây sẽ còn phát triển hơn nữa. Khoa tiếng Việt là một cây cầu kết nối và thúc đẩy một cách tích cực hai bờ giao lưu của Nhật Bản với các trường đại học bên ngoài. Bên cạnh đó, những cơ sở giảng dạy tiếng Việt cũng nhận được sự trợ giúp hiệu quả từ các giảng viên, giáo viên người Việt Nam, nhờ thế lan tỏa hơn nữa tiếng Việt tại quốc gia này. Sự phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, cũng giúp cho học tiếng Việt trở thành trào lưu, đặc biệt là trong giới trẻ. Theo đó, số lượng người Nhật Bản lựa chọn Việt Nam là điểm đến để học tập tăng nhanh và vươn lên tốp đầu trong số các sinh viên quốc gia trên thế giới đến Việt Nam.Ngoài ra, bắt đầu từ năm 1990 do chính sách mở cửa của Việt Nam nên làn sóng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam phát triển rất mạnh, do đó nhiều sinh viên khoa tiếng Việt sau khi tốt nghiệp đã tìm kiếm cơ hội việc làm ở Việt Nam trong các công ty thương mại với nhiều vai trò khác nhau như phiên dịch, nhân viên quan hệ cộng đồng, nhân viên thương mại, hướng dẫn viên du lịch...[6]

2. Giao lưu trí tuệ và nghiên cứu đất nước học

Giao lưu trí tuệ luôn là nhân tố quan trọng trong các hoạt động giao lưu văn hóa tinh hoa mà Việt Nam và Nhật Bản tiến hành từ thập niên 1990 đến nay. Về tổng thế, giao lưu trí tuệ được thể hiện qua các chương trình mời các nhà nghiên cứu, học giả về Việt Nam và Nhật Bản đến quốc gia là đối tượng nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó còn có các chương trình trao đổi, hợp tác nghiên cứu khoa học thuộc nhiều lĩnh vực giữa các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam và Nhật Bản. Trải qua vài thập kỷ đầy biến động nhưng giao lưu trí tuệ Việt Nam - Nhật Bản đến nay là đi đúng hướng khi biết sử dụng tiềm năng, lợi thế hai bên để qua đó “triển khai rộng rãi hợp tác nghiên cứu giữa các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học của Việt Nam và Nhật Bản với sự hỗ trợ tài chính của chính phủ và các quỹ khác”[7]. Trên thực tế, trong các hoạt động giao lưu trí tuệ cũng cần phải nhắc tới vai trò của Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản (thuộc Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản, được thành lập ở Việt Nam tháng 03 năm 2008), bởi đây là nơi hỗ trợ cho các nghiên cứu về Việt Nam và Nhật Bản, cung cấp học bổng cho các nhà nghiên cứu, học giả, tổ chức hội thảo khoa học vv… Trong đó, hợp tác nghiên cứu khoa học hàng năm được xem là những dấu mốc hay, điểm nhấn trong giao lưu văn hóa tinh hoa Việt Nam - Nhật Bản. Ví dụ, chương trình hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học hai nước với quy mô lớn mang tên “Chương trình nghiên cứu sông Hồng” được sự tài trợ của Bộ Giáo dục Nhật Bản trong thời gian 3 năm (1993-1995). Một trong các chương trình hợp tác khác giữa các nhà khoa học Việt Nam - Nhật Bản trong thập niên 2000, đó là “Nghiên cứu so sánh về vai trò của Nhà nước trong phát triển kinh tế ở Nhật Bản và Việt Nam”. Từ thập niên 1990, hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội giữa Việt Nam và Nhật Bản diễn ra hàng năm, ngoài các dự án hợp tác, Nhật Bản còn giúp Việt Nam đào tạo cán bộ. Với sự trợ giúp tài chính từ Quỹ Toyota, khóa học thứ nhất được tổ chức tại Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia từ 20 đến 30/7/1996 về vấn đề nghiên cứu liên ngành trong khoa học xã hội, nghiên cứu khu vực và phương pháp nghiên cứu thực hiện. Khóa học thứ hai tổ chức từ ngày 28/7 đến 5/8/1997 với chủ đề về phương pháp nghiên cứu văn hóa, xã hội, quan hệ quốc tế của Nhật Bản. Ngoài các chương trình có tính chất bản lề như trên, với sự giúp đỡ của các Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản, Quỹ Toyota, Quỹ Sumitomo,Quỹ Hakuho, rất nhiều cơ quan, cá nhân có thêm kinh phí nghiên cứu và có cơ hội sang thực tập, học tập tại Nhật Bản. Không chỉ vậy, giao lưu trí tuệ hai nước ngày càng thêm tươi sáng khi chính phủ, cơ quan sẵn sàng đồng hành trợ giúp thành lập các hội nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản, cung cấp học bổng cho các nhà nghiên cứu Việt Nam, Nhật Bản, tổ chức hội thảo về hai quốc gia v.v… cho đến nay giao lưu trí tuệ Việt Nam-Nhật Bản đã tiến một bước dài với ý nghĩa không chỉ tăng cường thêm sự hiểu biết của Việt Nam về Nhật Bản và ngược lại mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển các thế hệ học giả kế tiếp, xứng tầm với quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng hiện nay.

Cùng với giao lưu trí tuệ thì nghiên cứu đất nước học là thành phần không tách rời của giao lưu văn hóa tinh hoa. Cụ thể hơn là ngành Nhật Bản học tại Việt Nam và Việt Nam học tại Nhật Bản. Tuy nhiên, xuất phát điểm của ngành này tại Việt Nam và Nhật Bản khác nhau do điều kiện lịch sử của mỗi nước. Về nghiên cứu Nhật Bản, ngành Nhật Bản học từng bước được mở rộng theo chiều hướng đi lên và tỷ lệ thuận với quan hệ hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu. Khởi đầu cho nghiên cứu Nhật Bản là sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản (năm 1993) thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) trực thuộc Chính phủ. Trong Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản có phòng nghiên cứu Văn hóa Nhật Bản được xem là bước đi đầu tiên trên con đường tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Từ khi ra đời, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản đóng vai trò quan trọng là cầu nối giữa các nhà khoa học xã hội Việt Nam và Nhật Bản, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho nghiên cứu Nhật Bản phát triển như hiện nay. Cũng năm 1993, Khoa Đông Phương học thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội bắt đầu giảng dạy về Nhật Bản học. Hiện nay, ở Việt Nam đã có hàng chục cơ sở nghiên cứu Nhật Bản, các khoa giảng dạy chuyên ngành Nhật Bản học tại các trường đại học với đội ngũ hàng trăm nhà nghiên cứu. Hơn nữa, nghiên cứu và giảng dạy về Nhật Bản học không chỉ tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh mà còn được mở rộng ra các địa phương khác. Nhìn chung, ngành Nhật Bản học đào tạo và nghiên cứu kết hợp nhiều lĩnh vực như: ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội, ngoại giao, văn học, nghệ thuật, âm nhạc v.v. Nhật Bản. Có thể thấy, các cơ sở nghiên cứu giảng dạy Nhật Bản học ngày càng có vai trò, vị trí uy tín nâng cao theo thời gian. Chất lượng nghiên cứu, giảng dạy được thể hiện qua tỉ lệ người nghiên cứu, sinh viên dành được học bổng của Chính phủ Nhật Bản, các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín của Nhật Bản để đi nghiên cứu, học cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ. Tiềm năng nâng cao, mở rộng hơn nữa về Nhật Bản học còn rất lớn bởi lực lượng nghiên cứu được bổ sung nhiều hơn từ những người trẻ được đào tạo tại Nhật Bản. Đây là đội ngũ nghiên cứu Nhật Bản đầy tiềm năng bởi những lợi thế về tuổi trẻ, sử dụng thành thạo tiếng Nhật, qua đó là nền tảng tốt cho sự phát triển nghành này trong tương lai. Do đó, quan hệ văn hóa Việt Nam - Nhật Bản chắc chắn mở rộng, phát triển hơn nữa như mong đợi của Chính phủ và nhân dân hai nước. Không những thế, hàng năm, Chính phủ Nhật Bản dành hàng trăm suất học bổng du học và nghiên cứu tại Nhật Bản, cùng với đó Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản tài trợ một số dự án cho giao lưu nghiên cứu và Nhật Bản học. Qua thời gian hơn ba thập kỷ đến nay, nghiên cứu Nhật Bản trở thành nhân tố không thể thiếu trong quan hệ giao lưu văn hóa tinh hoa giữa hai quốc gia. Nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản có từ trước khi Việt Nam - Nhật Bản ký kết quan hệ ngoại giao (năm 1973) đến vài thập niên. Tuy nhiên, sau sự kiện này, nghiên cứu Việt Nam mới tách ra trở thành một ngành khoa học độc lập để rồi phát triển nhanh chóng từ thập niên 1990. Cùng với quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp, ngành Việt Nam học tại Nhật Bản càng có cơ hội lớn hơn để mở rộng qui mô thể hiện rõ qua số lượng người nghiên cứu về Việt Nam tăng lên hàng năm và làm việc tại nhiều cơ quan, tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học ở hai quốc gia. Giới nghiên cứu Việt Nam học của Nhật Bản thường tập trung vào những dự án, đề tài truyền thống, hợp tác nhiều với các ngành khoa học xã hội Việt Nam và được xem như một điều kiện tiên quyết đối với sự phát triển của ngành này. Bên cạnh đó, các nhà khoa học Nhật Bản xúc tiến hợp tác với các nhà Việt Nam học ở Việt Nam, Nhật Bản học ở Việt Nam để cung cấp những tư liệu và thông tin cho doanh nghiệp, người dân, học sinh, sinh viên, cho những người ngoài lĩnh vực khoa học xã hội phục vụ các mục tiêu phát triển. Cả hai phía Việt Nam, Nhật Bản từng bước tiến tới chiến lược hợp tác chung về các sản phẩm, công trình nghiên cứu gây ấn tượng sâu sắc hơn giữa người dân Nhật Bản và Việt Nam nhằm giới thiệu những nét đặc sắc của hai quốc gia. Năm 1987, Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam được thành lập với hơn 100 thành viên. Từ đó đến nay hoạt động của Hội ngày càng phát triển cả về qui mô và chiều sâu trong quan hệ hợp tác nghiên cứu với Việt Nam. Thực tế cho thấy, dưới tác động của Hội, Việt Nam học tại Nhật Bản đã nhanh chóng vươn lên trình độ hàng đầu thế giới. Những thập kỷ qua, để nghiên cứu Việt Nam, các nhà khoa học Nhật Bản thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã kết hợp với các nhà khoa học Việt Nam xây dựng các kế hoạch nghiên cứu dài hạn về các vấn đề, lĩnh vực khoa học xã hội như: lịch sử, khảo cổ học, nhân học, luật pháp, xã hội truyền thống và hiện đại v.v…Có thể kể tới dự án Bách Cốc là một chương trình nghiên cứu khoa học lớn do các nhà khoa học Nhật Bản trực tiếp triển khai từ năm 1994 với sự hợp tác của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa, nhằm nghiên cứu một cách đầy đủ nhất bức tranh về đời sống kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội... của làng Bách Cốc, một ngôi làng cổ nhỏ bé nằm ở vùng châu thổ sông Hồng, để từ đó có thể đưa ra một cái nhìn minh xác nhất về cấu trúc mô hình làng, đơn vị hành chính nhỏ nhất nhưng lại có vai trò quan trọng nhất trong đời sống xã hội của người Việt. Dự án kéo dài suốt 14 năm (từ 1994 đến 2008), thu hút 176 nhà khoa học từ 17 trường đại học của Nhật Bản cùng nhiều nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu của nước ta. Kết quả, đã xuất bản 16 cuốn kỷ yếu "Thông tin Bách Cốc" bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật Bản[8]. Năm 2022, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Đại học Đông Á (Nhật Bản) cũng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích thành cổ Luy Lâu năm 2022. Đây là thành quả trong 10 năm hợp tác nghiên cứu giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh và Đại học Đông Á (Nhật Bản), đã đóng góp nhiều tri thức mới về di tích thành cổ Luy Lâu, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa trong giai đoạn lịch sử 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở Việt Nam và khu vực Đông Á [9].

Có thể nói, thành quả hợp tác nghiên cứu Việt Nam học giữa hai nước rất đáng ghi nhận với hàng trăm công trình tập thể, cá nhân được xuất bản là minh chứng rõ nhất cho sự giao lưu ấy. Thông qua giao lưu văn hóa, nhiều cuộc trao đổi, tọa đàm, hội thảo khoa học quốc tế diễn ra hàng năm khiến cho sự trao đổi học thuật giữa hai nước ngày càng sôi động, vươn tầm cao mới về nghiên cứu đất nước học được hai nước đặc biệt quan tâm.

Nguyễn Ngọc Phương Trang

TTNC Nhật Bản

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]Dương Phú Hiệp - Ngô Xuân Bình - Trần Anh Phương (Đồng Chủ biên) (1999), 25 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 1973 - 1998, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 246.

[2]Nguồn: https://trungtamtiengnhatnuitruc.edu.vn/, truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2023.

[3] Nguồn: Ngô Hương Lan, Quan hệ văn hóa Việt Nam- Nhật Bản giai đoạn từ 1993 tới nay,

http://cjs.inas.gov.vn/index.php?newsid=623, truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2023.

[4]Nguồn: Bài phát biểu của ông Ando Toshiki, giám đốc JF Việt Nam, tại hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản” (Meet Japan), năm 2020.

[5]Nguồn: Lễ ra mắt phân hội nghiên cứu Nhật ngữ học và giảng dạy tiếng Nhật, https://www.udn.vn/tin-tuc/chi-tiet/le-ra-mat-phan-hoi-nghien-cuu-nhat-ngu-hoc-va-giang-day-tieng-nhat, truy cập 6 tháng 8 năm 2023.

[6]Lưu Thu Thủy (2008), Học tiếng Việt tại Nhật Bản, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3 (85)/2008, tr.75.

[7]Nguyễn Quang Thuấn-Trần Quang Minh (Đồng Chủ biên) (2014), Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: 40 năm nhìn lại và định hướng tương lai, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 358.

[8]Nguồn: Thế giới nghiên cứu về Việt Nam như thế nào? https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/144/the-gioi-nghien-cuu-ve-viet-nam-nhu-the-nao%3F.aspx, truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2023.

[9]Nguồn: Bảo tàng lịch sử Quốc gia báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích thành cổ Luy Lâu Bắc Ninh lần thứ 6 năm 2022, https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3090/73113/bao-tang-lich-su-quoc-gia-bao-cao-so-bo-ket-qua-khai-quat-di-tich-thanh-co-luy-lau-bac-ninh-lan-thu-6-nam-2022.html, truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2023.