9 ngân hàng yếu kém là ngân hàng nào 2023 năm 2024

(KTSG) – Sau nhiều năm chậm trễ, đang có những tín hiệu tích cực về việc xử lý các ngân hàng yếu kém. Đặc biệt, tiến độ thực hiện sẽ có những bước đột phá quan trọng trong năm 2024 này, khi Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.

  • Lỗ hổng tái cơ cấu ngân hàng yếu kém
  • Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém: càng để lâu càng khó
    9 ngân hàng yếu kém là ngân hàng nào 2023 năm 2024
    MBBank đã hoàn thành phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém và đề xuất được phê duyệt ngay trong quí 1 năm nay. Ảnh: MB

Những tín hiệu tích cực

Đã gần chín năm trôi qua kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại 0 đồng ngân hàng đầu tiên là VNCB. Sau ngần ấy năm, việc tái cơ cấu các ngân hàng thuộc diện yếu kém (ba ngân hàng NHNN mua lại 0 đồng và một ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt khác) chẳng những chưa thể về đích, mà lại còn phát sinh thêm ngân hàng yếu kém phải kiểm soát đặc biệt nữa là SCB vào năm 2022.

Lý giải về sự chậm trễ này, Chính phủ mới đây chia sẻ dù đã tích cực tìm kiếm, đàm phán với ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc, nhưng gặp nhiều khó khăn khi phụ thuộc lớn vào sự tự nguyện tham gia của các ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng cũng cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trước đó thừa nhận trước đại biểu Quốc hội rằng việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém rất khó, vì đây là việc chưa có tiền lệ, trong khi năng lực, kinh nghiệm của cán bộ xây dựng đề án còn hạn chế. Việc tìm kiếm nhà đầu tư tự nguyện tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém cũng rất khó khăn.

Tuy nhiên, đang có những tín hiệu tích cực về việc xử lý các ngân hàng yếu kém.

Mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội (MBBank), cho biết ngân hàng này đã hoàn thành phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém và đề xuất được phê duyệt ngay trong quí 1 năm nay. MBBank là một trong bốn ngân hàng tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, cùng với Vietcombank, HDBank và VPBank.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024, NHNN cho biết việc định giá các ngân hàng chuyển giao bắt buộc dù chưa có tiền lệ nhưng đến nay về cơ bản đã hoàn thành, tạo cơ sở cho việc hoàn tất phương án chuyển giao trong thời gian tới.

Cụ thể, MBBank đã chuyển giao mô hình kinh doanh, cấp tín dụng hợp vốn 2.000 tỉ đồng và ủy thác cho vay hơn 60.000 tỉ đồng với một ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, bên cạnh việc hỗ trợ củng cố hệ thống công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống công nghệ cơ bản và cử nhân sự hỗ trợ ngân hàng này, từ đó giúp ngân hàng này cải thiện hiệu quả kinh doanh, góp phần giảm lỗ lũy kế cũng như hoàn thành kế hoạch kinh doanh được NHNN giao.

NHNN cho biết đang nghiên cứu đề nghị tham gia tái cơ cấu SCB của một số nhà đầu tư, để trình Chính phủ phương án tái cơ cấu. SCB là ngân hàng có quy mô thuộc tốp đầu hệ thống, do đó việc tái cơ cấu ngân hàng này nếu diễn ra nhanh là một bước đột phá quan trọng. Thực tế cho thấy với những ngân hàng yếu kém, càng để lâu sẽ càng khó xử lý, lộ trình phục hồi về sau sẽ càng thách thức và mất nhiều thời gian hơn.

Trong chuyến làm việc mới đây tại châu Âu khi tham dự Hội nghị Thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc và mời SEB Bank – ngân hàng lớn nhất Bắc Âu với tổng tài sản gần 339 tỉ đô la Mỹ, tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém Việt Nam.

Trước đó, vào giữa tháng 12-2023, nhân chuyến công tác và dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm ASEAN – Nhật Bản, trong cuộc gặp lãnh đạo Ngân hàng Mizuho – một trong ba ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị ngân hàng này tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém của Việt Nam.

Chờ đợi bước đột phá

Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị ban hành vào cuối năm 2023 đặt ra yêu cầu phải giải quyết dứt điểm những tồn tại kéo dài ở các ngân hàng yếu kém. Trước những tín hiệu tích cực kể trên, kỳ vọng tiến độ tái cơ cấu ngân hàng yếu kém sẽ có những bước đột phá quan trọng trong năm 2024 này.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024, NHNN cho biết việc định giá các ngân hàng chuyển giao bắt buộc dù chưa có tiền lệ nhưng đến nay về cơ bản đã hoàn thành, tạo cơ sở cho việc hoàn tất phương án chuyển giao trong thời gian tới. Thông tin này càng củng cố thêm kỳ vọng việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém sẽ có kết quả cụ thể hơn trong năm nay.

Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi)vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, đã sửa đổi, bổ sung một số điều khoản về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém cho phù hợp, như quy định về khoản vay đặc biệt, tài sản bảo đảm khoản vay đặc biệt… Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các ngân hàng được chuyển giao bắt buộc lẫn ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, sẽ thúc đẩy các ngân hàng sớm tận dụng những cơ chế ưu đãi này để đẩy nhanh lộ trình chuyển giao.

Cụ thể, theo điều 182 về biện pháp hỗ trợ đối với ngân hàng được chuyển giao bắt buộc, các ngân hàng này có thể được tiếp cận khoản vay đặc biệt với lãi suất 0% do Thủ tướng Chính phủ quyết định; được miễn tiền lãi vay tái cấp vốn, vay đặc biệt; được bán nợ xấu không có tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm đang bị kê biên hoặc tài sản bảo đảm không có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ; được nhận tiền gửi hoặc vay của bên nhận chuyển giao bắt buộc; được mua nợ, mua trái phiếu doanh nghiệp do bên nhận chuyển giao bắt buộc nắm giữ. Đặc biệt, các khoản cho vay, bảo lãnh, tiền gửi của bên nhận chuyển giao bắt buộc và các ngân hàng khác đối với ngân hàng chuyển giao bắt buộc được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.

Bên cạnh đó, các tổ chức nhận chuyển giao bắt buộc cũng được hưởng một loạt cơ chế hỗ trợ từ cơ quan quản lý theo điều 185 về quyền và nghĩa vụ của bên nhận chuyển giao bắt buộc. Cụ thể: không phải hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc và khi tính tỷ lệ an toàn vốn; được vay tái cấp vốn với lãi suất bằng lãi suất bên nhận chuyển giao bắt buộc cho vay, gửi tiền tại ngân hàng được chuyển giao bắt buộc; được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc; phát hành trái phiếu dài hạn cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo quyết định của NHNN; được bán, phát hành cổ phần của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc cho nhà đầu tư nước ngoài; được loại trừ các khoản hỗ trợ ngân hàng được chuyển giao bắt buộc khi tính toán một số tỷ lệ an toàn như giới hạn cấp tín dụng, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, tỷ lệ mua, nắm giữ, đầu tư trái phiếu chính phủ…

Như trường hợp của MBBank, lãnh đạo ngân hàng này chia sẻ việc nhận chuyển giao bắt buộc không yêu cầu ngân hàng phải bỏ tiền, do đây là đơn vị yếu kém trong diện tái cơ cấu đã được mua lại 0 đồng. Để xử lý khoản lỗ lũy kế 20.000 tỉ đồng, MBBank cho biết biện pháp quan trọng nhất là sự hỗ trợ của NHNN. Theo đó, khi MB nhận chuyển giao sẽ được vay với lãi suất 0% trong thời gian tái cơ cấu, được phép tăng trưởng quy mô cao hơn, hỗ trợ ngân hàng nhận chuyển giao bằng việc chuyển một số khoản tín dụng chất lượng tốt.

Một số giải pháp này cũng đã được triển khai, như trong năm 2023 vừa qua các ngân hàng nhận hỗ trợ các ngân hàng yếu kém cũng đã được nhận chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của ngành và so với các ngân hàng khác. Dù vậy, điểm mấu chốt là các ngân hàng yếu kém và ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc phải sớm được tiếp cận các khoản vay giá rẻ từ cơ quan quản lý, để có thêm nguồn lực giúp các ngân hàng yếu kém khắc phục lỗ và tiến đến xóa lỗ lũy kế, đẩy nhanh lộ trình phục hồi theo phương án được phê duyệt.