Bác Hồ cải cách ruộng đất

Bác Hồ thăm hỏi bà con nông dân Tuyên Quang trong cải cách ruộng đất [1953]. [Ảnh tư liệu]

[DVT.vn] – Sau đây là một vài mẩu chuyện nhỏ nói lên sự nhân ái, tài tình của Bác trong đời sống, trong công tác tư tưởng.

Nguyễn Sĩ Đại

Thiên cao Hồ viễn

Trong báo cáo bế mạc Hội nghị cán bộ TƯ tháng 3-1955, đồng chí Trường Chinh chỉ rõ:

“Hội nghị Trung ương lần thứ 7 đã đề ra 6 công tác để củng cố miền Bắc:

1.- Hoàn thành cải cách ruộng đất ở miền Bắc. 2.- Ra sức khôi phục kinh tế, nâng cao sản xuất. 3.- Xây dựng quân đội nhân dân hùng mạnh, củng cố quốc phòng. 4.- Chấn chỉnh công tác văn hóa, xã hội. 5.- Củng cố chính quyền nhân dân.

6.- Thành lập khu tự trị Thái, Mèo.

Trong 6 công tác cụ thể để củng cố miền Bắc thì cải cách ruộng đất là công tác trọng tâm, là công tác thứ nhất”.

Từ năm 1953, cuộc vận động Giảm tô [thuế] , sau đó là Cải cách ruộng đất được phát động. Người cày có ruộng, nông dân không còn bị địa chủ áp bức. Không khí phấn khởi từ hậu phương góp phần tạo nên tinh thần quyết chiến quyết thắng ở Điện Biên Phủ và các chiến trường khác. Nhưng sự khuynh tả đã gây nên nhiều oan ức và tổn thất lớn. Truy bức, đấu tố là một hình thức tai hại nhất, không đúng với phương pháp cách mạng và đạo lý dân tộc.

Xin trích tài liệu được in trong tập san Phát động quần chúng của Ủy ban Cải cách ruộng đất trung ương :

“Tính từ đầu đợt 6 giảm tô và đợt 2 cải cách ruộng đất đến nay ở các tỉnh Vĩnh- phúc, Bắc- giang, Sơn -tây, Thái – nguyên, đã xảy ra nhiều vụ tự sát nghiêm trọng. Theo báo cáo của các Đoàn ủy, trong những người tự sát không chỉ riêng có địa chủ mà có cả phú nông, người có ít ruộng đất cho phát canh và có cả trung nông, bần nông nữa.

Ở Bắc- giang có 19 vụ tự sát thì có 9 địa chủ, 1 phú nông, 2 con địa chủ, 1 tiểu thương có ít ruộng cho phát canh, 1 dân nghèo, 4 trung nông, 1 bần nông. Ngoài ra ở một số xã còn một số người định tự sát nhưng có người biết cứu được. Trong số những người tự sát thì địa chủ đầu sỏ rất ít, đa số là địa chủ thường và các thành phần khác. Riêng ở Thái- nguyên vì cán bộ chủ quan, thiếu cảnh giác nên đã xảy ra ba vụ địa chủ cường hào gian ác tự sát trước khi đấu tranh và một vụ địa chủ tự sát ngay trong khi xử án. Những vụ tự sát trên đều dồn dập vào cuối bước 2 và phần lớn xảy ra ở vùng mới giải phóng, nếu ta  không kịp thời sửa chữa thì sang giai đoạn đấu tranh quyết liệt các vụ tự sát còn có thể xảy ra nhiều hơn nữa”.
[Tài liệu đã dẫn, số 3, ngày 10-12-1954]

Trung ương Đảng, nhất là Bác Hồ , sớm phát hiện ra những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Trong một bài nói chuyện tổng kết đợt 2 [đăng trên Tập san Phát động quần chúng số 7, ngày 5-3-1955]  Bác Hồ nói:

“Đợt cải cách ruộng đất thứ hai vừa rồi, các cô các chú đã có thành tích: đã giúp đỡ 75.000 nông dân có ruộng cày, tức là đã thực hiện được một phần chính sách “Người cày có ruộng”.

Khi nói về khuyết điểm, Người rất đau lòng  khi nhận thấy trình độ cán bộ rất thấp, không phân biệt được địch-ta, coi đội cải cách là vua, ”Thậm chí, có một số cán bộ hủ hóa, làm hại đến danh dự của Đảng, của Chính phủ, của tất cả cán bộ. Đó là một điều thật đáng thương tâm”.

Dùng nhục hình là điều phổ biến, điều Chủ tịch Hồ Chí Minh rất phản đối: “Trong đợt 2, một số cán bộ còn phạm khuyết điểm dùng nhục hình. Nhục hình là lối dã man, là cách của đế quốc, tư bản, phong kiến, nó dùng để trị quần chúng, trị cách mạng. Chúng ta có chính sách đúng, lý lẽ đúng, có lực lượng mạnh, sao còn dùng cách dã man? Dùng nhục hình là chưa tẩy sạch tư tưởng dã man, đầu óc phong kiến đế quốc… Đợt này, tuyệt đối không được dùng nhục hình, nếu dùng nhục hình là trái với chính sách của Đảng”…

Tuy vậy, khuyết điểm này còn kéo dài. Bệnh thành tích, quy cho được nhiều địa chủ, nhất là đầu sỏ, phản động khiến nhiều đội bắt con tố cha, vợ tố chồng, truy bức bắt phải nhận là Quốc dân đảng, Việt gian phản động…

Phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Thêm bạn bớt thù”; trong khi nhiều đội, đoàn lại theo phương châm của Mao Trạch Đông :”Tranh thủ số đông, đả kích số it, lợi dụng mâu thuẫn, đánh từng tên một”. Cái phương châm này sau được áp dụng trong cách mạng văn hóa, gây tổn thất lớn ở Trung Quốc trong những năm sáu mươi.

Tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất Bắc – Bắc [Bắc Ninh, Bắc Giang], đầu năm 1956, Bác lại nghiêm khắc phê bình:

“Chưa nhận rõ ai là địch, ai là ta nên một số cán bộ mắc phải khuyết điểm nữa rất nghiêm trọng là dùng nhục hình. Bác đã nhiều lần nhắc: Dùng nhục hình là dã man. Chỉ có bọn đế quốc phong kiến mới dùng. Đánh người ta đau quá thì không có người ta cũng nhận là có. Như thế là cán bộ đã tự mình lừa mình”.

Oan khuất nhiều, đến nỗi có nơi 100% đảng viên đều bị xem xét, xử lý. Nhiều cán bộ trung cao cấp của Đảng cũng bị Đội bắt. Ngay cả bần, cố nông cũng bị tố. Hồi đó có câu Thiên cao Hồ viễn , nghĩa là trời thì cao, Bác Hồ thì xa, ai thấu nông nỗi này!

Ông Mai Văn Hách, Bí thư Đoàn 12 Bắc Hưng Yên tự kiểm điểm :  Cho rằng, tất cả những người trước đây ở trong bộ máy thống trị của địch chẳng nhiều thì ít đều có tội nên chúng tôi cho bắt nhất loạt… Lúc đó chúng tôi chỉ nghĩ : Có bắt như thế mới kiên quyết trấn áp phản cách mạng… Qua thống kê, thấy con số bắt ít, chúng tôi chỉ thúc cho các đội”sao bắt ít thế”. Việc duyệt địa chủ cường hào gian ác và bọn cầm đầu phá hoại, chúng tôi hoàn toàn giao cho các đồng chí Đoàn ủy viên cụm duyệt, cũng không kiểm tra lại xem duyệt có đúng không; do đó có đồng chí đã duyệt cho đội bắt một lúc hàng chục người…

Tình hình đó tạo ra một không khí nặng nề  Bà con họ mạc, hàng xóm láng giềng không dám đến chơi nhà nhau, gặp nhau ngoài đường không dám trò chuyện, thậm chí không dám chào hỏi vì sợ nhỡ xảy ra việc gì lại liên quan. Tối tối , nhan dân đi họp rất  đông, nhưng chỉ ngồi nghe, không phát biểu; đi họp đông đủ cũng vì sợ ở nhà nhỡ xảy ra việc gì lại liên quan…[Mai Văn Hách].

Cốc nước đổ rồi, đừng làm đổ thêm

Trong cải cách, với tinh thần” triệt để” của cách mạng nông dân, địa chủ thì quy lên địa chủ cường hào gian ác; phú nông thì quy lên địa chủ, trung nông, nông dân cũng quy lên phú nông. Hiện tượng quy sai phổ biến. Nông dân Việt Nam nghèo. Năm 1954,1955 lại càng nghèo. Vì thế, ở Phú Thọ, nhà nông dân có ba cái chum, 5 cái nồi đồng mâm thau cũng bị trưng mua. Tình hình cải cách, chỉnh đốn Đảng ở Nghệ Tĩnh càng thiên tả.

Bác Nguyễn Văn Phượng, Phó Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An thời kỳ 1957-1961 hiện trú tại khối 17, Phường Hưng Bình, thành phố Vinh có kể lại  với tôi một câu chuyện sau:

Dịp 2-9-1956, Khu ủy khu 4 [lúc đó do đồng chí Đặng Thí làm bí thư] mời các cụ đảng viên 1930- 1931 ở Nghệ An và Hà Tĩnh về thành phố Vinh dự Quốc khánh.

Năm ấy bão lớn. Nhà cửa đổ nhiều. Các cụ phải di chuyển chỗ ở hết chỗ này sang chỗ khác. Trong hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Đường [tức Thạc], Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An , được ủy nhiệm báo cáo về sai lầm cải cách ruộng đất và chủ trương sửa sai. Các cụ phát biểu rất hăng. Gặp mặt xong, tổ chức tặng quà, đưa các cụ về nhưng không ai chịu. Các cụ nói: “Bây giờ địch họa, thiên tai không còn đường sống nữa. Chúng tôi chỉ mong được gặp mặt Bác Hồ ở quê hoặc được ra Hà Nội báo cáo tình hình với Bác”. Chữ “địch họa” ở đây với ý là tổn thất lớn do chính ta gây ra với ta trong cải cách ruộng đất. Nguyện vọng đó được báo cáo với Bác. Bác chấp thuận nhưng gợi ý đoàn ra Hà Nội không quá mười người. Khu ủy khu 4 đã mời các cụ Tam, Nhu, Hài của Hà Tĩnh, cụ Kế [Nghệ An] với các đồng chí Hoàng Văn Đường, Tỉnh ủy Nghệ An; Phan Văn Trưng, Bí thư Huyện ủy Thanh Chương; nữ đồng chí Liên [Nam Đàn]; đồng chí Phổ [Anh Sơn] là những địa phương làm “ mạnh” trong cải cách ruộng đất. Phụ trách hậu cần và tổ chức chuyến đi là đồng chí Nguyễn Văn Phượng, cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An.

Đoàn ra Hà Nội ăn nghỉ tại 54 Nguyễn Du. 14 giờ ngày 8-9-1956, xe đón đoàn vào gặp Bác tại ngôi nhà của Chính phủ tại phố Mai Xuân Thưởng.

Mọi người vừa ngồi xong thì Bác và đồng chí Nguyễn Duy Trinh xuất hiện. Bác ngăn không cho chào đón và lần lượt bắt tay thân thiết từng người một.

An tọa, Bác nói trước: “Báo cáo về tình hình Nghệ An, Hà Tĩnh, Bác đã đọc rồi… Mời các chú uống nước”.

Lời mời của Bác không thể không theo. Từng ngụm nhỏ trà sen thanh tao và đậm đà ân tình làm cho nỗi bực bội trong lòng mỗi người được lắng dịu đôi phần. Rồi không biết vô tình hay cố ý, bàn tay Bác chạm vào cốc nước trước mặt, làm nước đổ ra đĩa. Bác đặt cái chén lên như cũ và nói đại ý:

– Các chú cẩn thận nên được uống nước. Bác vô ý làm đổ chén nước thì Bác không được uống. Nước đã đổ ra đĩa rồi, có rót lại cũng không được đầy như trước mà lại còn mất vệ sinh… Mục đích ta làm cải cách ruộng đất để cho người cày có ruộng là đúng. Đúng không các chú.

Tiếng “Đúng ạ” đồng thanh.

– Nhưng phương pháp làm – Bác nói tiếp – thì có sai. Sai thì sửa…

Sau khi thăm hỏi, nghe thêm và quán triệt chủ trương của Trung ương, Bác gợi ý đi thăm Nhà máy Diêm và một số cơ sở nông nghiệp khác ở Hà Nội nhưng cả đoàn đều nói bây giờ thì sáng rồi, tình hình ở nhà còn bề bộn, đoàn xin phép về để cùng các địa phương tiếp tục sửa sai. Bác đồng ý và chỉ thị cho đồng chí Nguyễn Duy Trinh đưa các cụ đi khám mắt, tặng mỗi người một cặp kính. Rồi Bác chia cho mỗi người một điếu thuốc lá dặn chung:

– Đoàn kết sửa sai tốt nhá!

Bác quay sang hỏi giờ đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Bác Phượng nhìn theo bóng Bác bàng hoàng.

Mới chớp mắt mà đã năm mươi phút trôi qua. Một buổi gặp ngắn ngủi với Bác giữa thủ đô mà bao nhiêu thắc mắc, bao nhiêu điều không hiểu như mây mù bỗng được vén lên. Bầu trời lại cao xanh một niềm tin phấn chấn.

dvt.vn

Video liên quan

Chủ Đề