Bao nhiêu người đã đi lưu đầy trong kinh thánh

Bao nhiêu người đã đi lưu đầy trong kinh thánh

VietChristian tinhuu.com

  • Playlist
  • Mới Đăng
  • Mới Xem
  • Xem Nhiều
  • Mùa Tạ Ơn
  • Giới Thiệu

Bao nhiêu người đã đi lưu đầy trong kinh thánh
Giô-ên 3:1-3; Giê-rê-mi 23:1-8 VPNS C:6/22/1999; 868 xem 1 lưu Xem lần cuối 11/14/2023 23:17:0 Đọc Chia sẻ

Tìm thêm Bài Học Kinh Thánh trong Giô-ên 3, Giê-rê-mi 23.

Tìm thêm các tài liệu khác trong Giô-ên 3, Giê-rê-mi 23.

Website, Sống Với Thánh Kinh.

Bao nhiêu người đã đi lưu đầy trong kinh thánh

Trang Chủ | Bài Học Kinh Thánh

@ svtk.net

VietChristian | YouTube

Ở Phương Đông Cổ Đại, việc lưu đày rất thường được sử dụng để chống lại các dân tộc bị đánh bại (x. Am 1). Từ năm 734, một số thành thị của vương quốc Israel đã trải qua kinh nghiệm lưu đày gian khổ (2 V 15,29), sau đó, năm 721, thì cả vương quốc này (2 V 17,6). Nhưng những cuộc đi đày ghi dấu ấn lịch sử nhất lên dân tộc của Giao Ước là những cuộc đi đày do Na-bu-cô-đô-nô-xo gây ra, chúng nảy sinh từ những chiến dịch của ông chống lại Giuđa và Giêrusalem vào các năm 597, 587, 582 (2 V 24,14; 25,11; Gr 52,28…). Chính những cuộc đi đày này ở Babylon mà cái tên Lưu Đày được lưu truyền. Hoàn cảnh sống của những người bị đày không phải lúc nào cũng cơ cực, nó giảm bớt dần với thời gian (2 V 25,27-30), nhưng con đường trở về thì luôn bị khóa chặt. Để mở con đường này thì phải đợi Babylon sụp đổ và chiếu chỉ của vua Ky-rô (2 Sb 36,22). Cả thời kỳ dài thử thách này có một tầm ảnh hưởng rộng lớn trong đời sống tôn giáo của Israel. Thiên Chúa đã tự tỏ bày cho Israel qua sự thánh thiện và sự trung thành luôn mãi của Ngài.

  1. LƯU ĐÀY, HÌNH PHẠT CỦA TỘI LỖI.
  1. Lưu đày, hình phạt tột cùng. Trong luận lý của lịch sử thánh, sự kiện lưu đày có vẻ khó tưởng tượng: điều này làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện trong suốt thời kỳ Xuất Hành với rất nhiều sự kiện kỳ diệu; đây là một sự phủ định các lời hứa: từ bỏ Đất Hứa, tước chức vua của Đavít, không còn quyến luyến với Đền Thờ bị phá hủy. Ngay cả khi điều đó đã xảy ra thì phản ứng tự nhiên là không tin vào sự thật ấy và nghĩ rằng tình hình sớm muộn cũng sẽ được khôi phục lại. Nhưng Giêrêmia đã cảnh báo điều ảo tưởng này: lưu đày còn kéo dài (Gr 29).
  1. Lưu đày, tỏ lộ tội lỗi. Tình trạng khủng khiếp này phải kéo dài để dân chúng và các thủ lĩnh của họ ý thức được hành động xấu xa của họ (Gr 13,23; 16,12…). Những đe dọa của các tiên tri, đến mức quá cả tin, đã được thực hiện theo đúng từng chữ một. Như thế lưu đày xảy ra như là hình phạt cho những lỗi phạm nhiều lần từ bỏ: – lỗi của những người lãnh đạo, thay vì nhấn mạnh đến giao ước của Thiên Chúa thì lại sử dụng các tính toán chính trị quá ư con người (Is 8,6; 30,1; Ed 17,19…); – lỗi của các nhà quyền quý vì lòng hám lợi đã đánh mất sự hiệp nhất huynh đệ trong dân chúng bằng bạo lực và gian lận (Is 1,23; 5,8…; 10,1); – lỗi của dân chúng, vô đạo đức và thờ tượng thần gây tai tiếng (Gr 5,19; Ed 22) đã biến Giêrusalem thành một nơi xấu xa. Cơn giận của Thiên Chúa rất thánh nổi lên không ngừng đã chấm dứt bằng lời vang: “không còn phương cứu chữa nữa” (2 Sb 36,16).

Vườn nho của Giavê bị biến thành một bãi khô héo nên đã bị phá phách và bứng gốc (Is 5); người đàn bà ngoại tình bị lột bỏ các trang sức và bị trừng phạt nặng nề (Hs 2; Ed 16,38); dân chúng cứng đầu và bất trị thì bị đuổi khỏi đất của họ và bị phân tán vào giữa các dân (Đnl 28,63-68). Hình phạt nghiêm khắc cho thấy tội lỗi nặng nề; dân chúng không còn thể nào giữ lấy ảo tưởng, cũng không tạo hình ảnh tốt đẹp trước mặt dân ngoại nữa: “Đối với chúng tôi, hôm nay thật là hổ ngươi bẽ mặt” (Ba 1,15).

  1. Lưu đày và thú tội. Bắt đầu từ thời này, sự khiêm tốn thú nhận tội lỗi trở nên quen thuộc đối với Israel (Gr 31,19; Ette 9,6…; Nkh 1,6;9,16.26; Đn 9,5); lưu đày đã giống như một “sự từ chối xuất hiện của Thiên Chúa”, một mặc khải chưa từng có về sự thánh thiện của Thiên Chúa và về sự ghê tởm của Ngài đối với cái ác.

II. LƯU ĐÀY, THỬ THÁCH NHIỀU

Bị rời khỏi Đất Thánh, bị lấy đi Đền Thờ và mất tín ngưỡng, những người bị lưu đày đã có thể hoàn toàn tin rằng Thiên Chúa bỏ rơi họ và họ dần lún sâu vào sự tuyệt vọng chết người (Ed 11,15; 37,11; Is 49,14). Thực tế thì ngay chính lúc thử thách, Thiên Chúa vẫn hiện diện đó và sự trung thành tuyệt vời của Ngài đã cố vực dậy dân Ngài.

  1. Trợ lực của các tiên tri. Việc xảy ra những tiên báo tai ương đã làm cho những người bị lưu đày để ý đến tầm quan trọng về sứ mạng của các tiên tri; nhưng thực ra, khi nhắc lại những lời của các tiên tri, họ nhận ra có những lý do để hy vọng lúc này. Thật vậy, việc loan báo hình phạt luôn làm tăng thêm tiếng gọi hoán cải và hứa thay đổi (Hs 2,1…; Is 11,11; Gr 31). Đó giống như lối diễn tả tình yêu ghen tương mà sự nghiêm khắc của Thiên Chúa thể hiện ra; ngay cả khi trừng phạt, Thiên Chúa không muốn gì hơn là thấy mối tình âu yếm ban đầu lại trổ hoa (Hs 2,16…); những tiếng rên xiết của con cái bị phạt làm xáo động trái tim Người Cha (Hs 11,8…; Gr 31,20). Những thông điệp này ít được nghe đến ở Palestine lại được đón nhận nồng nhiệt trong khu vực của người bị lưu đầy ở Babylon. Giêrêmia vốn trước đây bị bách hại thì nay trở thành một trong những vị tiên tri được đánh giá cao.

Trong số những người bị lưu đày, Thiên Chúa đã chọn lấy những người nối nghiệp họ sẽ dẫn dắt và nâng đỡ dân giữa muôn vàn thử thách. Chiến thắng các đạo binh ngoại bang dường như là chiến thắng các thần của chúng; cám dỗ lớn nhất là để bị tín ngưỡng của người Babylon quyến rũ. Nhưng truyền thống các tiên tri đã dạy cho những người bị lưu đày coi thường các tượng thần (Gr 10; Is 44,9…; x. Ba 6). Còn hơn thế nữa: Êdêkien, một tư tế bị đày, đã lãnh nhận những thị kiến lớn lao nơi mặc khải về “tính năng động” của Giavê, đó là vinh quang của Ngài không bị khép kín trong Đền Thờ (Ed 1) và sự hiện diện của Ngài là ngôi thánh điện vô hình dành cho những người bị lưu đày (Ed 11,16).

  1. Chuẩn bị cho một Israel mới. Dựa trên nền tảng Lời Chúa và sự hiện diện của Chúa, việc thờ phượng có thể được tổ chức và phát triển, không phải là thờ phượng hiến tế mà là phụng vụ đền thờ, và cả quy tụ để nghe Thiên Chúa (qua bài đọc và lời bình của các sách thánh) và để nói với Ngài trong lời cầu nguyện. Như thế tạo nên một cộng đoàn thiêng liêng cho những người nghèo hướng về Thiên Chúa và chỉ chờ đợi ơn cứu độ từ Ngài. Ở cộng đoàn này, tầng lớp tư tế lo việc kể lại lịch sử thánh và giảng dạy Lề Luật; công việc này dẫn đến kết quả hình thành các tài liệu tư tế, đó là những sưu tập và tái biên những ký ức cũng như những châm ngôn của người xưa vốn đã làm cho Israel trở thành dân thánh và vương quốc tư tế của Giavê.

Tránh xa không để bị tiêm nhiễm bởi các tượng thần, Israel mới này đã trở thành vị thẩm phán của Thiên Chúa thật nơi vùng đất dân ngoại. Khi bắt đầu ơn gọi là “ánh sáng muôn dân” (Is 42,6; 49,6), Israel cũng hướng tới hy vọng về một vương quốc phổ quát của Giavê thời cánh chung (Is 45,14).

  1. Xuất Hành mới. Nhưng niềm hy vọng này đặt tập trung vào Giêrusalem: để hy vọng đó trở thành hiện thực thì trước hết phải chấp dứt lưu đày. Đây đúng là điều mà Thiên Chúa đã hứa với dân Ngài, trong Sách An Ủi (Is 40-55) đã mô tả trước những điều kỳ diệu của cuộc Xuất Hành lần thứ hai. Lại một lần nữa Giavê đóng vai Mục Tử của Israel. Ngài đi tìm những người bị lưu đày giống như người chăn chiên (Ed 34,11…) và đưa họ về miền đất của họ (Is 40,11; 52,12). Ngài xóa bỏ tất cả mọi vết nhơ tội lỗi của họ và ban cho họ một quả tim mới (Ed 36,24-28); khi ký kết với họ giao ước vĩnh cửu (Ed 37,26; Is 55,3), Ngài đổ tràn mọi sự thiện hảo xuống họ (Is 54,11). Đó sẽ là chiến thắng vĩ đại của Thiên Chúa (Is 42,10-17). Tất cả những điều diệu kỳ khi thoát khỏi Ai Cập sẽ bị lu mờ (Is 41,17-20; 43,16-21; 49,7-10).

Thật vậy, năm 538, sắc chỉ của vua Ky-rô được ban bố. Lòng hăm hở phấn khởi trỗi dậy nơi những người Do thái nhiệt thành; nhóm những người tình nguyện quan trọng, “những người thoát khỏi giam cầm” (Et-ra, 1-4) quay trở về Giêrusalem; họ có ảnh hưởng quyết định đến việc tổ chức cộng đoàn Do thái và định hướng thiêng liêng cho cộng đoàn. Giữa rất nhiều những khó khăn thì đây là một sự hồi sinh của dân tộc (x. Ed 37,1-14), là lời chứng tuyệt vời về lòng trung thành của Thiên Chúa được ca vang vui tươi trước sự ngỡ ngàng của muôn dân (Tv 126).

  1. Lưu đày và Tân ước. Kinh nghiệm về cái chết và sự phục sinh, đi lưu đày và trở về vinh quang có liên quan nhiều đến mầu nhiệm trọng yếu của kế hoạch Thiên Chúa (x. Is 53). Những biến cố này làm phong phú lời giảng dạy cho các Kitô hữu. Hẳn là từ nay trở đi con đường sống đảm bảo cho họ tự do bước vào ngôi thánh điện đích thực (Dt 10,19; Ga 14,6); nhưng lối vào tự do ấy không tương đương với kết thúc thời hạn; hiểu theo nghĩa này thì “ở lại trong thân xác tức là sống lưu lạc xa Chúa” (2 Cr 5,6). Ở trong thế gian những không thuộc về thế gian (Ga 17,16), người Kitô hữu phải không ngừng nhớ lại sự thánh thiện của Thiên Chúa, Đấng không thể thỏa hiệp với cái ác (1 Pr 1,15;2,11..), và luôn dựa vào lòng trung thành của Thiên Chúa, Đấng qua Đức Kitô sẽ dẫn họ về quê trời (x.Dt 11,16).