Bình luận chân dung nhà văn của xuân sách năm 2024

(HNM) - Nhà văn, nhà thơ Xuân Sách (tên thật là Ngô Xuân Sách, sinh ngày 4-7-1932 tại Trường Giang, Nông Cống, Thanh Hóa) từng là Phó giám đốc NXB Hà Nội.

Tên tuổi ông gắn liền với các tập truyện ngắn Đội du kích thiếu niên Đình Bảng; Cô giáo làng; các tập thơ Con suối mặt gương, Đường xa, Cõi người…; tiểu thuyết: Cuộc hôn nhân bị đánh tráo, Rừng bên sông… Ông cũng là tác giả phần lời của bài hát nổi tiếng: Đường chúng ta đi (nhạc sĩ Huy Du)… Nhà văn, nhà thơ Xuân Sách đã ra đi vào đêm 2-6. Hànộimới xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo như một nén nhang tưởng niệm nhà văn, nhà thơ Xuân Sách.

Tôi đang đi xa Hà Nội thì nghe tin bệnh tình nhà thơ Xuân Sách đã đến hồi trầm trọng, và bệnh viện Thanh Nhàn có thể là “nơi cuối cùng” của anh. Tôi nghe tin đó qua điện thoại của nhà thơ Nguyễn Hoa sau khi đến bệnh viện thăm anh vào chiều tối ngày 2-6-2008 và đúng 23h55 cùng ngày, anh Xuân Sách đã trút hơi thở cuối cùng.

Sáng5-6, tôi nhận được điện thoại chị Tú (vợ nhà thơ Xuân Sách) với giọng rất yếu và buồn. Chị cho hay là từ ngày anh Xuân Sách chuyển ra điều trị ở Hà Nội, chị bị đau ốm (bệnh tim) phải nằm ở Vũng Tàu không ra chăm chồng được, mọi việc đều phải nhờ các con. Đến khi anh mất, chị gượng dậy để ra với chồng, nhưng chiều qua con chị phải trả vé máy bay vì chị bị ngất xỉu phải vào viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) cấp cứu. Thế là chị phải giao cho con gái riêng của chị và con rể thay mẹ ra Hà Nội tiễn đưa chồng chị về nơi yên nghỉ cuối cùng. Chị cũng cho biết, chị đã lập bàn thờ anh tại nhà riêng ở Vũng Tàu. Chị Tú vừa nói vừa khóc. Tôi hiểu, chị Tú muốn nhờ tôi thông báo với các bạn về sự vắng mặt của mình trong những ngày cuối cùng và đám tang của anh. Vâng, phía sau những thành công của người đàn ông bao giờ cũng thấp thoáng bóng dáng ân cần nâng đỡ và chịu đựng của người phụ nữ. Vậy mà đến lúc từ biệt cõi đời này, nhà thơ của chúng ta vẫn không được nhìn thấy lần cuối cùng gương mặt của người vợ mà anh rất yêu quý.

Tôi quen anh Xuân Sách từ sau 1975, khi anh làm biên tập tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, và anh đã tìm trong tủ sách lưu của anh cho tôi cuốn tạp chí có in thơ tôi mà tôi không có. Sự nhiệt tình của anh với một nhà thơ trẻ là tôi cách đây hơn 30 năm làm tôi xúc động không quên được. Tôi còn nhớ hồi đó tập thơ Chân dung nhà văn của anh in ra bị “trắc trở”, anh vẫn giữ cho tôi một cuốn và cười nói: “Bây giờ nó thành sách hiếm đó Tạo”.Nhiều bài “thơ chân dung” của anh tôi đã thuộc từ khi chưa in, nhưng khi đọc tập thơ 100 bài liền, tôi nhận ra một Xuân Sách thông minh, tinh tế và đáo để, sự đáo để được “bảo trợ” bằng tiếng cười hóm hỉnh (humour) thâm hậu nên vô cùng thú vị. Nhờ thế mà anh Xuân Sách đã thành công trong lối “thơ chân dung nhà văn” khi anh điểm huyệt gót chân “Asin” của họ. Cái tài, cái hay của anh là chính ở chỗ đó, ở cái chỗ chua chát mà lại rất có duyên.

Sau này một số nhà thơ cũng làm kiểu “thơ chân dung” như thế, nhưng không ai vượt qua được Xuân Sách.

Năm 1997, tôi cùng anh Xuân Sách thăm Trung Quốc theo lời mời của Hội Nhà văn nước bạn.Khi Hội Nhà văn Thượng Hải tiếp chúng tôi, có nữ nhà thơ trẻ TD rất nổi tiếng và xinh đẹp; chị là giáo sư trường đại học Phúc Đán, từng đoạt giải thưởng thơ toàn quốc và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Thơ chị rất hiện đại, giọng đọc thơ của chị thì khiến cả bàn tiệc im lặng tuyệt đối như trong phòng thu thanh. Xuân Sách rất thích chất thi sĩ TD. Khi “thâm nhập” các quán rượu đêm Thượng Hải, tới lúc ngà ngà, tôi bịa ra một câu chuyện khá “liêu trai” về “hậu TD” kể cho Xuân Sách nghe. Không ngờ về nước, Xuân Sách đã viết thành truyện ngắn rất đặc sắc “Đêm liêu trai Thượng Hải”. Truyện anh viết rất lạ, nó hư hư thực thực, đầy rẫy bất ngờ và giàu trí tưởng tượng. Tôi không ngờ những câu chuyện vu vơ dọc đường, qua ngòi bút của anh nó lại hiện lên sinh động và “văn chương” đến thế. Đó chính là cái tài của anh, nhìn thấy những điều mà người khác không thấy.

Đọc lại “Đêm liêu trai Thượng Hải”, như thấy anh tủm tỉm cười trong quán rượu đêm ấy, nụ cười như nói rằng: “Cậu cứ kể đi, còn tớ sẽ hư cấu thành truyện của tớ”. Đó cũng là cung cách của một nhà văn chuyên nghiệp, luôn lắng nghe, luôn quan sát và luôn tưởng tượng thêm.

Nhưng anh cũng lắm khi buồn. Ấy là nỗi buồn của sự biết. Tết rồi thăm anh, anh không buồn vì bệnh, mà buồn vì chuyện đời, chuyện quê nhà, bản quán hun hút. Anh bảo Lê Huy Mậu sướng không thôi về bài thơ Khúc hát sông quê được tôi phổ nhạc, và anh cười, nhưng tôi đọc sau nụ cười của anh cũng là nỗi buồn xa quê ấy. Tôi như thấy hiện lên những câu thơ Bến quê Xuân Sách viết năm nào: “Tôi về tới bến sông xưa/ Hút tàn điếu thuốc mà chưa gọi đò/ Nhìn theo ngọn khói vu vơ/ Nhớ thương thì có đợi chờ thì không/ Buồn ai thả lại giữa dòng/ Cho tôi mang lấy nặng lòng chiều nay/ Hư hao một thoáng heo may/ Sương nhòa mặt đất mây bay cuối trời/ Cất lên một tiếng đò ơi/ Nhỏ nhoi như giọt mưa rơi giữa đồng”.

Giờ đây, cuộc “ra đi” của anh lại chính là cuộc “trở về” với bến quê xưa ấy. Gia đình, bạn bè sẽ đưa anh về lại làng Trường Giang, Nông Cống quê anh.